Bóng vẫn phủ đời
Tặng Đặng Phùng Quân, Viên Linh, Nguyễn Xuân Hoàng
1. Chàng bước vào hội trường lòng háo hức, xao xuyến. Bảy năm lao dịch, một năm chui nhủi, mấy tháng dài người đợi chờ cộng với khoảng thời gian đăng đẳng quần quật vì miếng ăn đã kết thạch lòng. Sắc diện chứng tích thời khốn khổ biểu lộ với đời ngay thoáng nhìn đầu tiên. Dĩ vãng xây mộ tương lai bằng tảng đá ngàn cân kéo tim xuống, ngăn chận nụ cười. Quá khứ tủi nhục gặp trạng huống kỳ quặc hiện tại thành hai yếu tố có ái lực nhau, phối hợp thành chất ưu tư kết tủa, dằn vặt lòng. Vết chém nào không để lại dấu vết? Đường cứa vào thân cây hôm sau còn để lại dấu tích sần sùi rướm nhựa, huống chi lưỡi búa thù chém phập xuống theo tháng năm, bằm nát tâm tư khô cằn, khuấy thọc để moi đến tận cùng sự đớn đau, nạo vét tới lớp chót địa tầng khổ ải? Kết quả ‘thần thánh’ của thời gian lao dịch sống đời thái cổ trên rừng núi, tác dụng của ‘đỉnh cao’ lên những ai không cùng phe phái! Vợ chàng lúc còn ở với nhau vẫn thường cằn nhằn: ‘Anh quên quá khứ đi coi có được không? Qua đây rồi!’ Nàng ngừng lại không nói thêm, sau đó thường là thời khoảng im lặng nặng chì kéo dài suốt buổi cơm nhạt nhẽo hay một tràng chưởi chó mắng mèo vu vơ bắt quàng trút lên đầu hai đứa con tội tình. Nhưng hòn đá quá khứ vẫn oằn trĩu trong tâm tư như cái bướu dính liền với da thịt từ những năm gần mất nước, lớn dần theo thời gian, giờ đã trở thành một phần thân thể, cắt đi, chàng không còn là mình nữa. Lắm lúc cũng có những cuộc trắc nghiệm. Thiên hạ nhảy đầm? Ừ cũng nhảy chứ sợ gì? Nhưng đến nơi sao thấy muốn bỏ về. Không gian xa lạ, cảnh tượng như cười ngạo mạn. Xa cách. Trêu chọc. Thiên hạ đang có phong trào thưởng thức nhạc? Ừ, cũng vặn lên, nhưng giọng ca ưa chuộng ngày xưa nghe sao lạ hoắc, nhạt nhẽo, vô duyên như lời yêu đương tỉ tê bên tai kẻ tu hành, lạc điệu như lời thuyết giảng đạo đức cho người lấy sự hành hạ kẻ khác làm lẽ sống. Và hôm nay, lần đầu tiên ở đất nước tạm trú chàng mới thấy lòng mình một chút gì đó rộn ràng thơ thới.
Chàng nói với mình trong nỗi cảm xúc cố nén. ‘Sự uất hận cần thiết. Lò hấp nóng hữu ích. Nhiều người đã ngũ vùi theo thời gian. Cuộc hội họp đồng hương nào cũng tốt. Ít ra sau buổi lễ cũng được vài người nung chí. Hạt nhân tốt tuy chậm đâm chồi nảy lộc nhưng cũng chưa hoàn toàn ung thối vì hoàn cảnh bất lợi.’
Một người quen mặt lúc tạm trú bên đảo hể hả chận chàng lại ở tiền đình hội trường. Sau vài câu nhập đề mưa nắng, hắn lèo nhèo nhì nhằng:
‘Tôi mới ‘đao’ ba ngàn mua chiếc 3.8 Thunderbird, đầy đủ hết, khóa tự động, kiếng tự động, số tự động. Chạy ngon lắm. Xe nổi tiếng lúc này đó….. Chỗ tôi làm tốt quá. Thật may hết sức. Một giờ sáu đồng năm mươi lăm. Làm thợ tiện. Thằng xếp dễ thương lắm. Mới có mấy tháng đã được tăng lương. Tôi làm chỗ quan trọng, nếu không có tôi thì hãng dẹp tiệm. Tháng tới tôi đòi lên lương nữa. Thế nào nó cũng chịu. Anh ở đâu? Có nhà chưa? Tôi mua được cái nhà…’
Điệp khúc kéo dài hầu như vô tận, đập lùng bùng bên tai chàng toàn những điều khoe khoang không được hỏi, mà nói cũng không cần ai nghe. Vật chất đã tha hóa, biến thể hẳn. Như chàng, đã mang khuôn mặt sáp ủ dột dưới đòn thù ở quê xa. Ngày ở đảo hắn là một trong những người lớn tiếng đề nghị lập hội đoàn này nọ, tranh đấu chuyện này chuyện kia, giờ nét thỏa mãn tóe lên từ cử chỉ nhún vai bắt chước tới nụ cười hể hả huyênh hoang. Chàng ơ thờ ngó ra cửa. Một cặp vợ chồng trung niên bước vô, complet ba mảnh, áo dạ hội đắt tiền, nữ trang trắng tay, đỏ cổ… Hắn ý chừng chưa thấy đủ, lẽo đẽo theo sau khi chàng lạnh lùng đi tìm chỗ ngồi, lải nhải về job jiếc, lương lậu, xe xiếc, nhà cửa, gái giếc. Chàng nhìn vào mắt hắn, lòng bỗng cảm thấy thương hại, muốn nói như người xưa: ‘Yêu khí vật chất hiện rõ trên gương mặt anh đó, không chữa trị để vào xương tủy thì hỏng’ bèn nói một câu làm quà:
‘Anh em làm cũng được đấy chứ? Tổ chức tốn kém, có công, có tình!’
Hắn thơ ngây nhìn quanh quẩn, dán mắt lên một tà áo đáng tuổi cháu con:
‘Chỉ có những dịp này dịp kia như thế này mới thấy lại được cây nhà lá vườn. Nhớ Huỳnh Tịnh Của, Yên Đổ ghê! Ờ mà khu Công Lý nữa. Chỗ đường hẻm quán Duke đó, anh nhớ không? Coi kìa cái áo tím đó. Muốn ở tù ghê!…’
Nghe tim mình quặn thắc. Ngày uất hận để nghe lại niềm muối tiếc này và những câu phát biểu thấp lè tè trơ trẻn như vậy?
Câu chuyện được đổi sang chính trị với câu hỏi mở cho hắn sinh lộ về những người dấn thân thật sự mới bị bức tử. Hắn thao thao:
‘Cũng nghe nhiều người nói, báo đăng tùm lum. Trước đây có cả triệu quân còn thua chạy sút quần. Giờ có mấy que, không đủ nướng một bữa. Chờ xem sao cái đã. Phe nào lên mình cũng làm dân, đâu cần phải gấp.’
Chàng cười mũi, lặng lẽ rút điếu thuốc đặt lên môi, không châm lửa… Phải có gì ở trên miệng đặng ngăn chận câu chưởi thề. Có gì để nói đâu? Quá đủ. Câu trả lời lấp liếm chỉ cố chống đỡ điều thâm tâm hắn cảm thấy bất ổn. Như vợ chàng che lấp sự mặc cảm với lời giải thích về sự không hợp tánh, biện minh hành động mình như một sự trả thù chuyện trước đây ở quê nhà chàng đã hào hoa phóng đãng, vợ nọ mèo kia. Chàng nhớ mình đã thản nhiên nghe, thản nhiên chấp nhận sự kiện với một sự khinh khi và thương hại. Cảm giác đó lại đến sau câu trả lời của hắn.
Chàng nói một câu mơ hồ:
‘Người ta luôn luôn có lý do bên cạnh điều mình làm.’
Hắn tỏ vẻ ta đây:
‘Đúng, Làm sao biết chắc họ không bị giật dây và những người ngồi trên không bỏ túi.’
Chàng thấy mình nên dùng thì giờ hợp lý hơn. Những lời khoe khoang dạy đời hay biện hộ tuy vào tai này ra tay kia nhưng cũng phần nào lấn chiếm tri giác tiếp nhận của chàng đối với bài diễn văn cảm động đang được đọc hùng hồn trên sân khấu. Chàng đưa mắt quan sát chung quanh, nhiều cặp mắt cảm động, nhiều người lắng nghe với tất cả tâm hồn nhưng cũng có quá nhiều người kề vào tai bạn bè ngồi kể lể chuyện này nọ, làm ăn, bù khú. Vài tiếng cười khúc khích cố nén đâu đó.
Rồi diễn văn cũng dứt, thời gian nghiêm chỉnh cũng qua, phần văn nghệ với sự góp mặt của vài ca sĩ địa phương được giới thiệu thật trịnh trọng bằng những từ ngữ kêu vang như thùng rỗng. Hy vọng bài bản không trật chìa như mấy cuốn băng nhạc rẻ tiền anh-yêu-em, nếu không-có-em-thì-anh-chết, đang đầu độc mọi người mấy năm nay. Ngay khi người nữ ca sĩ bước ra với bộ quần áo dị hợm của cô, chàng thấy mình hy vọng hão. Cũng vẫn đường lối đó. Điệu múa phần sau thân thể theo điệu nhạc loạn cuồng. Đồi núi nhún nhẩy. Sóng vỗ ba đào. Môi miệng mời gọi. Tóc tai đốt nóng da thịt. Áo quần kích thích phần thân thể đã ngũ yên từ lâu. Tất cả đang bốc lửa không gian như mấy cuốn sách của bà Mỹ già bỏ quên trong xe khi mang tới xưởng chàng buồn tay hững hờ lật khi cố nuốt miếng sandwich lạnh tanh trong giờ ăn trưa tuần trước. The Sensous Woman của bà ‘J ‘ lõi đời! Making Love của nàng Patricia thành thục. Thế giới vật chất đang ngự trị đất nước này. Màn lưới vô hình đang mở rộng ra, lần lượt tóm trọn những người ngây thơ. Trống nhạc vẫn xập xình, gò nỗng tiếp tục giao động, tiếng trầm trồ huýt sáo vang dậy. Đây đó những nụ cười hóm hỉnh, những nheo mắt đồng tình. Rồi khắp nơi. Từ mấy hàng ghế của những nhân vật được gọi là thân hào nhân sĩ phía trước tới những dãy chót đằng sau của mấy cậu thanh niên độc thân tóc dài áo quần punk, phun khói tàu phì phèo, cười to nói lớn.
Chàng bực bội sửa lại thế ngồi, vô tình đá mấy lon bia ai đó uống rồi dấu dưới chân ghế. Âm thanh loong coong sắc nhọn của kim loại chạm nền gạch cũng sắc nhọn tử thần như tiếng đạn lên cò của súng chỉa thẳng vào đầu chàng dọa nạt thuở nào lúc còn tù túng tay chân trên vùng núi cao hoang lạnh.
2. Mở tủ lạnh lấy miếng pizza bỏ vào microwave, bấm giờ, chàng ơ hờ đưa mắt quanh căn phòng. Mấy đôi vớ, vài cái áo bừa bãi trên ghế dựa. Dăm ba ly nước uống dở dang ngày này qua ngày khác đặt đâu đó trên cái bàn hoen ố dấu tròn tròn đáy cốc. Dĩa chén đũa muỗng mấy lần ăn cơm tối chồng chất đầy ắp cái chậu rửa chén, phơi trần mấy miếng thức ăn thừa khô quánh đã đổi sang màu đen mốc. Mấy cái gạt tàn, một hai tàn thuốc được đè bẹp dí trên một phong thơ quảng cáo chưa được mở ra, vết đen, lỗ cháy nhìn chàng như mỉm cười trêu chọc.
Không gian yên tĩnh nhưng như vang dội khắp nơi tiếng trẻ con đùa giỡn nhi nhô tiếng Mỹ cạnh cái Tivi-giữ-trẻ gần như được mở suốt ngày trước đây. Chúng thỉnh thoảng lấm lét nhìn chàng chờ đợi cái trừng mắt để thay bằng những câu tiếng Việt ngây ngô. Cạnh bếp, vợ chàng vừa nhấp nháp thức ăn vừa cằn nhằn chuyện bực mình trong sở, trong nhà, chuyện lỗi lầm của chồng được chất giấu từ lâu, lâu lắm, nơi vùng gần như quên lãng của quá khứ. Buổi tối ngày xưa mệt mỏi cắn nát tâm tư, nhưng khi tất cả biến mất cũng gây niềm nhớ. Vợ con, cuống rún, thói quen, và thời trai trẻ, với những giấc mộng vá trời. Giá mình còn ở trên quê hương! Mấy đứa nhỏ đã không bi bô tiếng người. Người vợ đã không cằn nhằn cưỡi nhưỡi rồi biến mất trong vòng xô đẩy của cuồng lưu dục vọng. Cánh tay hung bạo đã đẩy thiên hạ ra biển. Cánh tay đó đương nối dài để tiếp tục gây ra bóng đêm, và đổ vỡ cho những nạn nhân đã đã may mắn thoát khỏi quyền lực bạo hành. Người bạn quen trên đảo quay mòng trong job, jiếc xe cộ. Những người trẻ tuổi với những nhạc phẩm loạn cuồng. Mình ngồi đây để cảm nhận sự đè nặng của hòn núi Ngũ Hành Sơn trên đầu. Tôn Hành Giả ngày xưa trong thời gian đợi chờ, biết mình sẽ làm gì sau đó. Còn chàng! Nghe như bị trói chân tay, tù túng giữa bốn bức tường của xưởng, tràn ngập búa, kềm, khoá mở ốc, thất vọng và mệt mỏi khi nhìn sinh hoạt dật dờ phù phiếm chung quanh với đầy rẩy thị phi nhỏ nhen của những người cùng một gốc tổ đang cố quên quá khứ, bằng lòng với những thủ đắc bằng giá thời gian quí báu của quãng đời còn lại.
Câu nhận xét có vẻ đùa cợt nhưng đầy chán chường của một người qua đây từ mới đầu ngày quốc nạn vẫn báo động chàng thương xuyên về một sự ưu tư không hợp thời: ‘Cảnh khổ bên nhà khiến mình tức tối, sự chơi vơi lạc lỏng ở đây khiến mình tủi hổ. Nhưng mà không thể trông mong gì được ở xứ này!!! Nó là một thứ siêu cộng sản. Làm việc! Làm việc. Làm việc. Làm việc. Một job. Một job rưỡi. Hai job. Khác chăng là làm việc thì tạo được một số tiện nghi. Thế thôi. Fidel Castro, Mao Trạch Đông và cả Lénine nữa, có qua đây thì cũng cày trả nợ ngày 8 tiếng như mọi người. Không cách mạng cách miếc, không thay đổi thay điếc gì được hết. Anh nữa, hai năm, ba năm anh sẽ như tụi tôi. Bill này, bill nọ ngập đầu. Không có cả thì giờ nghỉ ngơi, nói chi đến chuyện khác. Cầu mong cho nhận xét đó sai lầm. Mỗi thời mỗi nơi có cái khó khăn riêng, quan trọng là nắm lấy bí quyết cuộc sống để lách trốn khỏi bánh xe xã hội đã nuốt chửng không biết bao người rồi. Phải biết. Phải mở mắt. Phải cố gắng! Tất cả những giải thích biện minh đều không có lý do tồn tại. Chàng bất chợt bắt gặp mình trở về sự tư duy phóng dật của Lão Trang. Khác chăng ở chỗ không bị cột vì vật chất nhưng bị trói chặt vì những lo nghĩ vẩn vơ. Người xưa thì ‘loạn hậu cảm tác’ mình ‘thập niên loạn hậu vẫn ưu tư’. Sự héo sầu tự chọn còn khổ hơn những tháng ngày chạy ăn thiếu thốn, đợi chờ, đổi chỗ, đổi nơi sau ngày về từ rừng thẳm.
Trên tường, bức địa đồ Đông Nam Á cắt từ một tờ báo địa phương dán từ những ngày mới qua đã phai màu giấy. Mỗi lần nhìn vào đó, Chàng thường ngó kỹ chữ S nhỏ xíu cong cong day ra mặt biển đông và lấy tay đo khoảng cách rất ngắn từ Trà Vinh tới quần đảo Satuna của xứ Nam Dương mà chàng cặp bến lúc trước. Chuyện đã xưa nhưng luôn luôn lẩn quất trong ký ức. Ngày xưa sóng gió, đói khát, rách rưới vợ con lại đề huề. Giờ đây tiện nghi, xe cộ, sao lòng nghe trống rỗng. Xứ này không phải thiên đường. Nó là địa ngục hiểu theo nghĩa cô đơn, quần quật trong cơn lốc chuỗi làm việc tháng này năm nọ. Nó là địa ngục hiểu theo nghĩa thiêu hủy gia đình để tạo dựng cá nhân, đốt cháy nội tâm để xây đắp những sinh hoạt thường nhật. Như chế độ ở Trung-Xô, nó tạo nên một mẫu người thôi, mẫu người điển hình, nếu khác đi, sẽ là trường hợp bệnh hoạn, bất thường, tâm trí…
Mình điên hay cả bầu trời thiên hạ đang điên? Tác giả ‘Sở từ’ ngày xưa cũng vậy chớ khác gì? Cả đời điên sao ta tỉnh? Cả đời đục sao ta trong?
Chuông điện thoại reo vang. Thường hầu như không ai gọi giờ này. Chàng linh cảm chuyện gì đó xảy ra.
‘A lô! Buồn quá anh ơi. Vợ em không qua Mỹ nữa. Nó đòi đi Úc.’
Cái lục bình sứ men rạn nứt da rắn những vẩy nhỏ li ti chưng cạnh điện thoại như vỡ tung từng mảnh dưới mắt chàng. Giọng buồn như tiếng nấc sắp phát ra từ đầu giây.
‘Nó tới Indonésia, ba tháng nay như anh đã biết. Nó chỉ báo tin mà không nói gì về chuyện em làm giấy bảo lãnh thì em nghi rồi. Em vẫn làm giấy bảo lãnh và sửa soạn nhà cửa đợi chờ ngày vợ chồng sum họp. Bây giờ!…’
Tiếng âm thanh vo vo của đường giây viễn liên nghe rõ mồn một. Lâu lắm không nghe một chút âm thanh nào của người em đầu kia. Chàng ngồi phịch xuống ghế, chậm rãi quay ống nói vòng vòng để gỡ đoạn dây rối xoắn xít trong khi đợi chờ, luôn tiện lục lọi một câu an ủi. Đầu kia tiếng kể lể tiếp tục, nhỏ hơn, giọng như cảm cúm:
‘Nó nói nó chờ đợi đi Úc trong vài tháng tới vì không muốn đi Mỹ. Sợ lạnh. Nó khuyên em nên cưới vợ khác. Coi như nó đã chết. Hai đàng đã hết duyên nợ. Em biết nó dứt khoát rồi, không lay chuyển gì được nữa. Buồn muốn bẹp dí luôn.’
Chàng nói cho có, lòng không tin vết thương đứa em có thể dịu xuống:
‘Thôi được. Đừng buồn nữa. Chuyện đã như vậy rồi làm gì khác hơn được. Tao sẽ tới thăm mày weekend tới. Nói chuyện nhiều, tao hiểu rồi.’
Một cái lắc đầu thật Mỹ cố làm vui đứa em được chấm câu: ‘Women!’
Gác máy, chàng nghe mệt mỏi lạ lùng. Một sự bừng vỡ của muôn ngàn quả bóng thủy tinh bị dằn mạnh, bắn tung tóe vô số mảnh vụn vừa rực rỡ vừa chói mắt. Chuyện thật bình thường nhưng xảy đến cho người thân vẫn thấy sao sao! Đau đớn, nhói buốt. Cuộc tình nào cũng có mầm mống gảy đổ. Hoàn cảnh như chất phân bón màu mỡ tưới vào cái hạt giống đang đợi chờ phát triễn thành quả đổ vỡ. Quê nhà, bà con họ hàng xúm xít, thân nhân quyến thuộc chung quanh như hàng rào an toàn ngăn chận những chuyện trái với truyền thống. Bị đày khỏi xứ, tách rời khỏi những che chở của tập tục, quyết định chỉ còn được xây dựng trên quyền lợi cá nhân trước tiên.
Có thể cô ta chịu ơn người kia trên đường vượt thoát chất chồng nguy hiểm và tủi hổ. Có thể do một phút nhẹ dạ trong những ngày tháng vò võ đợi chồng. Có thể là phản ứng sau những giây phút hãi hùng bỗng thấy đời không nghĩa lý, giá trị tinh thần đổ xập sau cơn bão biển. Hay phũ phàng hơn… Mà thôi. Lý do có muôn ngàn, nhưng chỉ một nguyên nhân. Một gia đình, hai gia đình tan nát đâu phải là tất cả chuyện sau ngày lụt máu ngập tràn… Chỉ như thêm vài hột cát trên sa mạc, vài giọt nước mắt nhỏ xuống đại dương. Như mình, hai đứa nhỏ nhất đã bỏ lại trong sóng nước. Như những oan hồn vất vưởng đâu đây trên đường đi không đến. Như những cuộc sống dật dờ rải rác khắp hoàn vũ ngày nay.
Tiếng cách khô khan của cái microwave nhắc đến cơn đói cồn cào từ trưa tới giờ. Cái gọi là khổ của nó ai cũng đã chịu đựng từ lâu. Cách nay cách khác. Cái đau lâm râm theo sau cái đau bứt ruột xé gan mất nước, ly hương ngỡ ngàng giữa dòng đời xa lạ.
Cầm miếng pizza lại bàn ăn, chàng bỗng thấy no ngang. Thức ăn thay thế đánh lừa khẩu vị, như mình tự an ủi khi đặt nỗi bất hạnh cá nhân bên cạnh nỗi bất hạnh lớn của dân tộc.
3. Chàng lịch sự kéo ghế mời. Khuôn mặt người đàn bà rạng rỡ mỉm cười cám ơn và kín đáo liếc sang bàn bên cạnh. Cử chỉ của nàng, cách điểm trang và sự làm dáng, đôi cánh bướm luôn luôn chớp chớp – chàng gọi đó là cặp mắt bedroom eyes – khiến chàng cảm thấy xa cách và hấp dẫn dục tình hơn là kêu gọi một tình yêu.
Biết mình đang bị quan sát, nàng lên tiếng giải vây:
‘Quán này trình bày đẹp chớ anh? Không khí vừa ấm cúng vừa sang trọng. Thức ăn lại đem ra mau. Khách khỏi phải chờ đợi. Em ghét đợi chờ ở tiệm. Sốt ruột và mất thì giờ.’
‘Ngắm anh nè!’ Chàng cố tạo không khí thân mật và xóa tan thiên kiến.
‘Mắt anh đầy hình ảnh quá khứ, đầy chuyện phục quốc đấu tranh. Đâu có em trong đó.’
Những đám mây ngoài kia như bỗng hạ xuống thấp.
Thiếu nữ chiêu đãi đem thực đơn đến. Đôi mắt to, đen lánh tròn, như hòn bi thoáng đưa cái nhìn ngạc nhiên về đôi thực khách. Nàng cúi xuống dềnh dàng chọn thức ăn. Chàng đáp thật mau:
‘Cô cho hai ly cam vắt. Chúng tôi sẽ order sau.’
Thiếu nữ quay đi thả cái nhìn thương hại về người đàn ông sau khi đảo mắt thật mau về người đàn bà.
‘Em quen cô ta?’
‘Em có ra đây nhiều lần với bạn. Em thích ăn nhà hàng. Em muốn thưởng thức tất cả các món ngon trong vùng. Không ra ngoài ăn uống khi nói chuyện nhà hàng nào ngon, món nào đặc biệt, mình ngơ ngơ ngáo ngáo quê lắm.’
Chàng nghĩ tới thời gian rảnh thật hiếm hoi và sự ngạc nhiên của người manager Jimmy Bowie, anh chàng Mỹ đen có cái tên của người hùng tử thủ thành Alamo, về thói quen của chàng với những ngày cuối tuần co rút trong phòng đọc những quyển sách không liên quan gì tới nghề nghiệp. Chàng nhớ lúc đó mình đã khẳng định không chấp nhận chuyện thay thế độc thân bằng một sự chịu đựng người đàn bà trước mặt.
Anh có thích đi shopping không? Windsor Park Mall ở đây đẹp lắm. Nhiều thứ hàng mới hết xẩy. Mình chỉ đi coi thôi, không cần mua. Em có cái thú đi dạo mall ngó người và ngắm hàng.
‘Anh chúa ghét phí thì giờ rước đèn chỗ đó. Chàng đáp với nụ cười đau khổ. Chỉ khi nào cần mua gì cực chẳng đã phải đi thôi.’
Chàng đã khám phá những điều nàng nghĩ qua nét mặt. Một thoáng nhíu mày rất mau trước khi nụ cười gượng kịp nở:
‘Dạo này con anh có thường về thăm bố?’
‘Thỉnh thoảng, hai ba tháng một lần. Tốn kém tiền máy bay và mua áo quần chưa kể tiền yểm trợ thường xuyên hàng tháng.’
Chàng cố tình đưa ra chi tiết không cần thiết.
‘Bả làm lương khá lắm mà!’
‘Bổn phận, em biết đó.’
Không gian chìm trong yên lặng băng giá địa cực. Tiếng ồn ào mơ hồ chung quanh của thực khách và bồi bàn trở thành lãng đãng như vọng lại từ vùng xa thẳm mờ nhạt xương khói. Chỉ còn tiếng muỗng của nàng quậy mạnh vào thành ly, như tiếng nghiến răng giận dữ, như lời cằn nhằn quen thuộc mấy năm trước đây.
Chàng chuyển câu chuyện ra khỏi ngõ cụt tiền bạc.
Giờ rảnh, ngoài Ti Vi và nhạc ra, em có coi sách báo Việt Nam không?
Lâu lắm nàng mới trả lời:
‘Bận quá anh ạ, đi làm về mệt nhoài. Mấy ông nhà báo Việt Nam viết toàn chuyện xa xưa, chuyện vượt biên, hải tặc, Việt cộng, Phục Quốc. Chán thấy mồ. Đọc chuyện là để vui, chứ đâu phải để buồn.’
Nụ cười cố tạo gắn lên môi chàng như một sự bất đồng ý kiến không cần phát biểu.
Em nói đúng đó, nhưng còn quá sớm để quên những chuyện đó. Nhiều khi ta phải sống trong sự nhàm chán đó em, sự nhàm chán cần thiết để thấy mình còn có tổ quốc để hướng về, để nhớ nhung.
Đưa nàng ra xe, chàng tự hỏi sự thực tế của nàng sẽ dẫn mình đến đâu và bỗng thấy thanh thản trước vẻ thờ ơ của nàng: chậm rãi thắt dây an toàn, tra chìa khoá vào contact, ngó thẳng về phía trước, đôi mắt thật xa xôi, lạnh nhạt. Chàng đóng cửa xe. Nụ cười nửa miệng gượng gạo nở theo phép lịch sự, mắt vẫn theo dõi cái đồng hồ nhấp nháy trên tòa nhà ngân hàng trước mặt. Cuộc chia tay nhạt nhẽo với không khí buổi nói chuyện không vừa ý cả hai đàng còn xót lại quanh quất đâu đây và có thể là mãng mây che khuất đời hai đứa khiến không thể nào còn nhìn rõ mặt nhau. Khu parking đầy rẫy xe cộ nằm im như những nấm mồ vắng lặng, đìu hiu. Đằng cuối bãi một chiếc xe mở đèn báo hiệu chớp tắt như lân tinh đom đóm. Bầu trời thật rộng, bao la nhưng chỉ đơn độc một ánh sao đêm. Chàng nhìn sao, ước được thanh thản đêm nay. Xe nàng lui chầm chậm, chàng gõ nhẹ lên đầu xe như muốn nói chuyện. Lần này thì nụ cười, chàng biết chắc nụ cười lịch sự chịu đựng học được trong những ngày tháng ở Mỹ.
Chàng cố hết sức trong lời âu yếm sau cùng:
‘Em lái xe cẩn thận. Về tới nhà anh sẽ gọi em ngay.’
Đôi môi mấp máy nhưng nàng chỉ gật đầu, đưa tay chào tạm biệt.
Chàng biết sự náo nức của cả hai đã chìm xuống, tan loãng không cách nào cứu chữa. Lời hứa đã trở thành dư thừa. Sự im lặng hàm hồ có lợi hơn trong trường hợp này.
Chiếc xe mộng du quanh quẩn trong thành phố đang lên đèn. Chấp chới theo một nhịp điệu đều đều buồn nản, mấy bảng hiệu quảng cáo xanh đỏ dọc ngang đường phố thưa thớt xe cộ. Nơi một trạm xe bus, vài người Mễ, da đen đang kiên nhẫn đứng chờ, quần áo lếch thếch, phô bày sự nghèo khó của lớp thị dân sống bên lề xã hội, đã hội nhập ngôn ngữ nhưng vẫn còn lạ mặt trên đất nước phức tạp này. Vài người đàn bà mập lùn, áo đen thùng thình, trùm đầu bằng khăn mỏ quạ, màu sắc rực rỡ tương phản với gương mặt nhăn nhúm, đen đúa, vết tích dòng máu dân bản địa với cuộc sống cực nhọc ngày xưa. Vài thanh niên Mễ có khuôn mặt hao hao Á đông, nhỏ thó, bước qua đường bất chấp xe cộ, miệng nghêu ngao ca hát một điệu nhạc bình dân đang thịnh hành được phát thanh hàng ngày trên băng tầng tiếng Mễ. Đêm xuống tối mù, xa xa từ khu gia cư, lấp lánh ánh đèn như những vì sao trong đêm tối trời. Tiếng động ầm ầm vang dội chói tai khi những chiếc truck khổng lồ dài ngoằng chạy trên cầu xa lộ băng qua thành phố gợi chàng nhớ lại trận mưa đại bác vọng lại đêm nào lúc nằm bó chân ở trại giam biên giới trong kỳ vượt biên thất bại lần trước…
4. Cầm máy điện thoại, chàng hình dung lại khuôn mặt nàng lúc chia tay. Những con số điện thoại được bấm trong sự dửng dưng thoải mái. Tiếng nhạc ngắn ngủi te-te-tích-tích-te phát ra như ám ngữ kêu gọi giã từ cuộc chơi. Trước đây mỗi khi gọi nàng, chàng thường cảm thấy ngại ngùng xem lẫn bồn chồn, phải quyết định vài phút mới quyết định bấm số, rồi hồi hộp nghe từng tiếng chuông reo đầu bên kia. Nàng thường bắt điện thoại lên ở tiếng chuông thứ tư, thứ năm. Khoảng thời gian đó chàng vừa thấy dài lê thê và vừa thấy ngắn và vẫn muốn không có nàng ở nhà để được bỏ xuống. Phân tích tâm trạng kỳ hoặc của lòng mình, chàng tự hỏi phải chăng mình đã quá tuổi yêu đương hay nàng có những quan điểm làm chết nụ hoa tình cảm vốn được ươm bằng sự cô đơn của mình và được tưới bằng những câu xì xáo xấu miệng về sự đổ vỡ của gia đình mình. Nụ hoa bị sâu ăn ngay cuống khi vừa mới kết thành cái búp đầu tiên. Giờ trạng thái đó khác hẵn, bình thường, không tên như khoảng thời gian dài trong đời một người chỉ biết ăn ngũ làm lụng, lơ mơ trước mọi sự, không để đầu óc vấn vương một điều suy nghĩ nhỏ nhoi nào.
Chàng xưng tên. Đứa con gái nàng lễ phép:
‘Thưa, mẹ cháu về rồi lại ra chợ ngay. Xin bác gọi lại sau.’
Mọi chuyện hình như ổn thỏa. Chàng nói với mình sau khi châm điếu thuốc. Chuyện xảy ra như dự đoán, nhưng giá nàng đừng bảo con nói dối. Trẻ con! Cứ để mọi chuyện trôi qua. Không cần thiết phải nói dối và dạy trẻ con nói dối. Buông điện thoại xuống, chàng dựa trên sofa, gát chân trên cái bàn nhỏ đầy sách báo trước mặt. Chàng lật một tờ tạo chí Mỹ xem hình. Hình cũng không vào trong trí. Chàng đưa tay vặn nút máy truyền hình. Mấy lời quảng cáo nghô nghê và khinh thường giới tiêu thụ khiến bực mình. Băng tần nào cũng như băng tần nấy, cổ võ tiêu thụ, khuyến khích lựa chọn thực phẩm chó mèo. Chàng tắt máy, bóc điện thoại lên gọi người bạn thân ở xa.
‘Ít thấy mày xuất hiện quá. Đầu hàng hả?’
‘Tao viết trong lúc lái xe tới sở. Viết trên đường về nhà, viết trong giờ break, tao muốn nói tìm ý và dựng truyện, có cốt truyện rồi thì loay hoay vài dòng trong giờ ăn trưa, nguệch ngoạc vài chữ trong lúc chờ vợ vào siêu thị. Nhưng mà còn phải sữa chữa nữa chứ! Có ai viết một lần mà xong đâu? Mày biết đó. Ở nhà, mỗi khi cầm viết lên y như là có chuyện. Có lẽ tao phải dứt khoát lựa chọn một trong hai. Hiện giờ thì tao đang trên đường đầu hàng. Người lính trấn đồn đang bắn những viên đạn cuối cùng.’
‘Tại sao?’
‘Tao không muốn bị coi như người bất bình thường. Như mày, thui thủi với những ưu tư vô ích và mấy quyển sách nát trật thời.’
Tiếng cười vang của người bạn sau khi nói cốt cho người nghe hiểu điều phát biểu vừa rồi là nói đùa, nhưng chàng cảm thấy đó là lời thú chấp nhận sự cay đắng của hoàn cảnh.
Chàng cảm giác chóng mặt như ngày trước lênh đênh trên biển cả với cái ghe hỏng máy, mấy ngày xà quần trên vùng trời nước màu xanh dồn dập, chồng chềnh. Con bạch tuột đỏ đã đưa vòi quấn nhận chìm nhiều người và hình như đang thả tới trước mặt chàng cả chục vòi khác khổng lồ, thật khổng lồ đầy những hấp khẩu tròn trịa như những miệng núi lửa trên mặt trăng nhưng có sức tạo bóng đen trước mặt che phủ đời.
Trên tường, đối diện bức địa đồ Đông Nam Á, tấm khẩu hiệu chàng lượm được trong hãng về, gương mặt cười trong hình vẽ dường như méo xệch do một lằn vẽ bậy con chàng quẹt lên lúc nào đó trước đây. Hàng đỏ chữ xám lâu nay chàng cố gắng coi như một thang thuốc chữa bệnh sắc diện hóa cẩm thạch của mình: ‘Cheer up! A gloomy attitude never helps’ không được lau chùi, đóng một lớp bụi dày, mờ nhạt. Trắng phếch.
(San Antonio, Texas 1985)