Nuôi Con Nhơn Tình
Nắng sớm hiền từ soi cảnh vật bằng một màu vàng lợt. Ngoài đường lác đác vài người xách rỗ đi chợ trễ. Bên kia, dọc theo lộ, nhiều gia đình đã bắt đầu vác đội mấy thúng lúa ra trải trên lề rồi thong thả lấy chưn bang mỏng cho vừa đủ khoảng đường mình chiếm cứ. Bụi cám quện lên xuyên qua khe sáng thành hằng triệu triệu hột nhỏ lơ lửng trong không gian.
Nhơn ngồi ngó ra chút nắng ngoài sân quán. Anh mỉm cười lướt mắt theo dõi lằn ánh sáng liếm từ từ vô phía trước thềm. Mới đây còn cách cây gòn giửa sân cả thước Tây bây giờ qua khỏi đã mấy gang tay. Anh nói với mình: Nắng càng đi nhiều là thời gian bữa nay mình đã tiêu dùng nhiều. Anh nghĩ tới số ngày mỗi người dự trữ, số ngày còn lại của đời anh. Nó đang tiêu tan từ từ, giống như mấy tay chơi từ thành phố về nói rằng trữ lượng thời gian đời của từng người như cục nước đá, không xài cũng hết mà xài thì như đem ra dang nắng, càng hết mau! Sớm mơi nào trữ lượng đời của mình cũng tiêu bớt cho những cái ngó bâng quơ chưa chắc đã đem lại chút nào vui buồn của người tiêu thụ nhưng mà sẽ thấy thiếu thiếu khi không xài cách đó.
Như mọi bữa, những khuôn mặt quen thuộc bao năm tháng qua, những tiếng cười hay câu châm chọc đã thuộc lòng, nghe câu trước biết câu sau. Tuy nhạt phèo nhàm chán nhưng thân thiết, như là đặc trưng của đời sống ở xóm cùng nầy. Nhơn rót thêm nước trà đã trở thành lạnh lẽo vô ly dầu ly chưa cạn. Ở đây nước trà khỏi tính tiền, uống một cái “xây chừng” hay “bạc xỉu”, kêu thêm cái “tẩy” nữa thì có thể thản nhiên châm thêm miễn phí hai ba bình trà nóng cho qua thời gian ngồi chờ thời. Chị chủ không nói gì mà còn mời thêm. Tiếng chị ta đon đả với bàn kế bên: “Mấy anh cứ ngồi chơi đi đã. Còn sớm mà, ngồi cho vui quán. Chật chội gì!.…”. Thỉnh thoảng chị ngó Nhơn hỏi như săn sóc: “Thầy giáo Kỳ Nhơn bộ mất sổ gạo sao mặt mày cú xụ, không đáng ngàn bạc vậy? Đã là Kỳ Nhơn thì không được buồn à nhe!”
Nhơn cười nửa mép không trả lời.
Chị chỉ hỏi cho có, châm chọc người nầy người nọ để tạo không khí thân thiện đánh tan sự lặng lẽ hay tẻ nhạt của quán nhỏ ven đường, nên không cần có câu trả lời. Khách đà biết ý, chẳng ai bận lòng lên tiếng khi được hỏi.
Có tiếng chưởi thề lớn họng của Tư Nổ xéo xéo bên kia đường, một tay quơ quơ phân bua với khán giả vô hình, một tay túm cái quần xà lỏn màu cháo lòng, rộng thinh chỗ hạ bộ:
“Đ.M, chạy trên thóc của người ta làm văng tùm lum. Bộ chạy tránh chút xíu thì chết sao chớ. Mấy thằng cà chớn nầy chạy xe thấy phát ghét!’
Nhơn sửa lại thế ngồi, nhấp môi một ngụm nước nhỏ híu thấm giọng:
“Tư Nổ lúc nào cũng ngang tàng, đường xe chạy, chiếm cứ để phơi thóc lại còn câu mâu thiên hạ qua đường. Mà có ai nghe, chỉ người ở đây nghe thôi!”
Tiếng ai đó binh bổ:
“Thì nhờ chút nắng vậy mà, Xe chạy nên tránh thóc lúa của người ta. ”
“Nếu ai cũng phơi lúa trong sân mình thì đâu có chuyện. Đường để xe chạy đâu phải đường để phơi lúa. Coi đó, suốt con đường nầy chỗ nào cũng thóc lúa, xe cộ qua lại khó khăn, chạy văng lúa thì mất lòng nhau.”
Khách khứa ngó nhau dọ ý về câu nói của Nhơn, anh tiếp:
“Con nít đi bộ càng khó hơn, leo lên lề đường thì lởm chởm đá hay cỏ ướt, đi bọc ra xa lề thì nguy hiểm. Thấy tụi học trò lóng nhóng quyết định của bước đi nhiều khi lòng bất nhẫn.”
Thằng Năm con bà bánh xèo không nói thêm nhưng vẫn ấm ức, nói nhỏ gì đó với ba bạn thanh niên ngồi cùng bàn. Bà chủ quán nói cho vừa lòng nó:
“Bởi vậy chả mới có biệt danh là Kỳ Nhơn. Kỳ Nhơn nói hay làm gì cũng khác người ta. Tháng trước thiên hạ ai cũng mang ky nầy thùng kia hốt đá trải đường đem về lấp mấy lổ trủng sàn bếp hay sân trước sân sau thì Kỳ Nhơn bắt thằng cháu đem đổ đá lại chỗ cũ. Cái đó mới lạ hơn thiên hạ dưới đời nầy, nhưng lạ mà thấy cũng phải phải. Ít ra thằng cháu chả cũng học được điều tốt nho nhỏ.”
Chị đốt nhang xá xá rồi vừa nhón chưn gắn vô lư nhang trên trang thờ vừa nheo mắt với Nhơn.
“Ủa! Chị Ba đi đâu mà bận quần áo chỉnh tề, đầu tóc trơn tru coi mướt quá vậy?”
Người đàn bà gần đứng tuổi hơi bẻn lẻn:
“Đi đâu đâu nà! Ghé đằng Quan Âm Phật Đài thắp Phật cây nhang, sẵn đó cúng ảnh chén cơm. Mình lo làm ăn bỏ chồng hương tàn khói lạnh cũng tội.”
Thằng Năm nói với bạn nhưng lớn tiếng:
“Kỳ Nhơn mới dám khen đàn bà của thiên hạ là mướt, chứ tui thì cho kẹo cũng không dám!”
Nhơn nghe rõ hết nhưng làm bộ không nghe. Tuổi trẻ bây giờ buồn vui thất thường, nói qua nói lại, không biết sanh giặc lúc nào.
Chủ quán dặn đứa con gái coi chừng quán, dợm chưn bước ra cửa nhưng bỗng quay lại chỗ Nhơn ngồi:
“Ờ mà thầy Nhơn có nghe vợ hụt của thầy gởi thơ về nói gì hay không? Nghe họ nói con Cảnh than là ở Hàn quốc cực khổ hơn ở đây nhiều. Phải ra vườn làm công chuyện tối ngày. Trời bên đó lại lạnh hơn đây. Chồng thì cộc cằn, la hét, mắng chửi. Thấy bộ dạng hùm hổ xí xô xí xào thì biết là bị chửi, nhưng đâu có hiểu nó nói con mẹ gì đâu. Hàng xóm thì kỳ thị nhún trề, cần một tiếng chào, cần được một cái cười thân thiện cũng không có. Má nó đọc thơ của con mà rớt nước mắt.”
Chị ta nói một lèo dài rồi hỏi khó:
“Còn chồng hụt của nó nghe vậy thì sao?”
Nhơn đưa tay gảy ót.
Nghe tiếng chồng hụt mình không buồn mà vui vui vì nhớ đến những lúc đi phà qua Sóc Trăng coi phim ở rạp Nguyễn Văn Kiểng, canh tới gần hết giờ phà chạy mới trở về. Hai đứa đi xe đạp quá xa, mệt thở hụt hơi nhưng mà vui hết biết. Nói làm chi những lúc trốn học đi dạo Đường Giữa hay vô Hồ Nước Ngọt tự tình. Trời ạ, mấy chục năm rồi nhớ lại cũng còn rạo rực lòng. Giờ đây quá khứ như bốc hơi, người xưa mất dạng phương trời. Nghe chuyện bi thương của vợ hụt thì cũng ứa nước mắt trong tim, nhưng biết sao bây giờ! Đời là bốn biển nước mắt mà.
Anh trả lời xa xôi:
“Đất nước mình khổ, mạnh ai nấy tìm cách nhảy khỏi xuồng chìm. Hi vọng! Ai nấy đều hi vọng sống sót nhưng kẻ may người rủi…”
Chị Lành cố gắng làm cho giọng nói mình vui:
“Nhưng tôi coi bộ thiên hạ đỏ đời thì hiếm, đen vận thì lia chia à nhe. Mà lạ! Khổ quá sao con Cảnh không bỏ về đây phức, ở bển làm chi cho thêm khổ thân?”
Nhơn nghĩ nhưng không trả lời thành tiếng. Không ai qua đó mà trốn về được vì nhà chồng họ cất giấu hết giấy tờ. Tiếng tăm không rành. Đường xá không biết. Tiền bạc không ngơ. Đã vậy mà mấy ông quan chức của mình ở bển còn hù dọa nầy nọ. Làm sao mà về được? Bỏ xác xứ người trước sau thôi nếu gặp bên chồng không thương hay ác độc.
Ly nước lại được đưa lên môi như để che nỗi buồn. Một chút cặn trà bình bồng ngụp lặn trên sóng gợn lăn tăn. Anh liên tưởng tới nỗi tuyệt vọng của người tình bên xứ người miên viễn. Cái xứ lạnh lẽo thuần chủng kia mắt trắng đối với những con dâu ở chưn trời nào tới cũng là chuyện đương nhiên.
Thân gái tha phương mang ước mộng viễn vong về đổi đời. Niềm tin ấu trĩ như bao nhiêu triệu người ngã xuống vô ích gần nữa thế kỷ về một đất nước xanh đỏ gì gì đó nhìn bằng kính vạn hoa phóng đại. Ba tôi với cái chết trong nghèo nàn bịnh hoạn lúc cuối đời là một thí dụ.
Vách bên kia có đứa con gái hát đưa em, giọng buồn não nuột:
Má ơi đừng gã con xa. Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu….
Không hẹn mà cả Nhơn và chị chủ quán đều ngó vô mắt nhau. Người đàn bà le lưỡi, rút hai vai lên cần cổ.
Lại cũng tiếng thằng Năm con bà bánh xèo:
“Thì con Cảnh đi má nó thế con Quê vô rồi. Hoa thơm hưởi mùi thơm cả cụm. Tài thiệt!”
Cầm ly nước, xách bình trà đầy, Nhơn đứng dậy xâm xâm đi về phía bàn của bọn thằng Năm. Người trong quán chờ đợi một trận gây gổ nhưng Nhơn đưa ly lên không gian làm cử chỉ mời cả nhóm:
“Xin cám ơn lời nhận xét của Năm Xứa, anh nhấn mạnh trên tỉnh từ Xứa. Huê có vẽ tội nghiệp tôi, muốn bắt đền giùm chị nó nhưng là 3, 4 năm trước cà. Còn bây giờ có thể là … ai ở nhà nấy…Lâu rồi cô ta không tới xóm nầy, mà tôi cũng ít thời giờ lên xóm trển. Từ khi cổ sanh con….”
Anh uống cạn ly, rót thêm một ly nửa nói là uống giao hữu thế cho cả bàn với lý do thanh niên không thích uống trà sáng sớm, rồi tiếp:
“Mình cũng chẳng tài cán gì, lại thêm sợ lỗi đạo, ngày nào Huê còn nhỏ theo tò tò anh Hai, anh Hai, bây giờ…. Cho nên mình mọi chuyện đều giới hạn dầu Dì Bảy má của Cảnh và Huê không nói gì.”
Nói xong Nhơn đưa tay lên trán chào thân thiện rồi chậm rãi đi trở về bàn mình, nhích cái ghế sang qua chỗ khác chút xíu, tránh nắng.
Có tiếng kèn trống đám ma từ xa lắm vọng lại nho nhỏ, len lỏi trong không gian yên tỉnh. Hình như là phía đó, phía nhà thằng Hai Trọng Xã Đội Trưởng. Vậy là nó chết rồi à? Mới phát bịnh có một tháng thôi mà.
Con nhỏ con chủ quán lên tiếng nhắc mẹ:
“Má đi chùa, về ghé đi đám ma chú Hai Trọng nha!”
Nhơn hóng mỏ coi có gì thêm không. Chẳng thấy ai nói gì. Bà mẹ cũng không trả lời con gái, chỉ buông tiếng thở dài ứ hự không biết tiếc thương cho người chết hay một chút xẩu mình vì mất công đi đám ma. Buồn tình Nhơn ngâm nga nho nhỏ:
Công danh phong lý chúc,
Sự nghiệp thảo đầu sương.
Con nhỏ chắc không hiểu nghĩa nhưng nghe âm thanh trầm bổng chỏ miệng ra khen hay. Ngữa cổ uống hết ly nước đầy, Nhơn ngâm tiếp chuyển qua thể khác:
Thậm tích công danh tàng thủy táng,
Khả lân sự nghiệp toại hôi phi.
“Đâu Kỳ Nhơn mầy già chữ cắt nghĩa coi mầy ngâm nga cái giống gì.” Bác Ba Sự, râu tóc bạc thếch mà coi còn sõi sau khi dựng xe trước cửa quán, chưa kịp bước vô đã lớn tiếng yêu cầu, Nhơn tằng hắng lấy giọng:
“Có gì đâu bác Ba. Đó là câu cảm thán của người xưa trước cái chết. Chết đi là mọi thứ đều biến mất ráo trọi. Tất cả những gì tranh giành trước đây về tiền bạc, quyền lợi, công danh chẳng khác nào như là đuốc giơ trước gió, tắt ngúm, như là sương phơi ngọn cỏ, tiêu tan. Mất hết. Triệt buộc. Người chết có muốn đem theo cũng không tay nào mà nắm mà cầm.”
“Hay! Hay! Tới luôn bác tài!”
“Thần Chết kêu rồi thì những gì mình tranh giành để chất chứa đầy kho, đầy nhà trước đây đâu đem theo được đâu nà! Bỏ lại hết, chẳng khác gì của chìm xuống nước sâu hay bay theo tro bụi…”
Không khí yên lặng một thời gian, bác Ba Sự kề tai Nhơn nói nhỏ:
“Tao thấy con Quê ẳm đứa nhỏ dang nắng đi từ xóm dưới lên. Hỏi nó cần đi Honda ôm không tao cho có giang, nó nói cám ơn mà mắt đỏ hoe, mặt buồn hiu như bánh bao chiều. Đâu bây ra trước đường đón nó coi!”
Hình như tất cả các cặp mắt đều đồ dồn vô Nhơn, thiên hạ tinh ý thiệt, từ xa xa có người đàn bà còn rất trẻ ẳm con xăm xăm tới quán.
“Tô Ánh Nguyêt giao con kìa!”
Cũng lại tiếng con bà bánh xèo. Hình như cái nghề nầy nó vận vô con cái khiến cho chúng nó ồn ào hay sao chớ?
Huê ngồi xụp xuống dưới chưn Nhơn nói nhỏ:
“Xin gởi nó cho anh, giúp em chăm lo nó, mai em lên Sàigòn cho người ta “coi mắt’, phải đi xa làm ăn. Ở đây đi làm tôm dưới An Thạnh Nam ngày có ngày không nên chẳng được bao nhiêu. Nghèo lại mang con đeo con thẹo, ăn bám má, bả nhiếc móc tối ngày chịu đời không thấu.”
Nhơn ngó làn tóc rẽ của Huê: Trắng đẹp, ngày xưa mình ước ao biết là bao nhiêu lần được đưa tay vuốt lên đó, Muốn đưa tay kéo Huê lên nhưng thấy không tiện, nên chỉ đưa mắt nhìn lên cái ghế trống kế bên.
Huê nói:
“Em ngồi như vầy được rồi. Không dám ngang hàng với anh. Em có lỗi với anh nhiều.”
Cả hai đứa tôi đều biết con bé không phải con tôi, tôi cũng chẳng có trách nhiệm chút xíu nào trong việc thêm tay chưn của bé, tôi quyết định không nói gì trong buổi gặp mặt hôm nay. Hãy để cho Huê nói hết. Tôi nắm bàn tay nhỏ nhít của bé rồi ngó vô mắt của má nó.
Huê nói ngay:
Nó tên Thương Thương, biết là nó ra đời sẽ thiếu tình thương nên đặt tên như vậy may ra!
Tên dễ thương của bé thì tôi biết rồi. Biết sớm hơn người khác. Đâu hồi lúc bé mới ăn đầy tháng lận. Tới bây giờ bé gần bốn tuổi mới thấy mặt. Ngồi trên cao tôi ngó xuống con Huê ngồi dưới chưn mình, tôi hất hàm kêu nó ngồi lên ghế lần nữa. Con nhỏ lắc đầu như mắc cở khiến tôi nhớ hồi hai đứa dắt nhau vô vườn ở xóm Rạch Đôi, xóm An Phú, Xóm An Thạnh 2, An Thạnh 3 hay xóm Cù Lao Nai. Bất cứ đâu cũng vậy chỉ có hai đứa trong màu xanh của cây trái xum xuê, nhiều lần mặt nó ửng hồng, mắt chớp chớp, tôi nắm tay nó biểu nhắm mắt lại, nhưng ngay lúc đó mười lần như một, tôi chợt nhớ tới con Cảnh, hai chị em có gương mặt giống in hệt nhau khiến tôi sững sờ…và tôi thở hắt ra, dẫn nó đi về .
Tôi lâu nay gần như bỏ thuốc, thấy bối rối kêu Bác Ba Sự xin điếu thuốc vấn của ông ta. Con Huê đánh trống lãng nói về chuyện đám ma thằng Hai Trọng, đại ý rằng đáng kiếp người đã khiến cho chúng tôi thành dang dở. Tôi đoán biết chuyện tồi tàn nầy cả mấy năm nay khi bị Huê lạnh nhạt một cách vô lý, sau cái lần nó đi Honda quên đội nón bảo hiểm bị bắt, ỷ quen mặt, cự cải gì đó, họ đưa lên xã và nhốt nó qua đêm…. Con người hơn nhau ở chỗ biết tránh cám dỗ để khỏi làm bậy bạ hay lo phục vụ bao tử, tuân theo lòng tham lam hoặc để thân xác dẫn dắc mình rồi tới đâu tới, tính sau.
Dầu sao mọi chuyện đã dĩ lỡ, với thời gian mấy năm vết thương không lành nhiều, chỉ mới kéo da non thôi giở lại chắc chắn là đau nhức.
Tôi chớp mắt, nựng má Thương Thương, gật nhẹ đầu.
Bác Hai Sự giải quyết bối rối cho tôi khi nói với những người bu quanh:
“Thôi, không có gì mà coi, thầy Nhơn kể từ bây giờ có con, phải lo cho nó học hành. Chừng nào má nó làm ăn khá trở về thì hẵn tính ….”
Thương Thương bỗng đưa tay đòi tôi ẳm, con bé giống thằng Hai Trọng hịch khuôn nhưng tôi thấy thương vô cùng, một sinh linh bé bỏng! Tôi cám ơn Trời đã hướng đời mình qua ngã làm thầy giáo dầu là thầy giáo trường làng ở vùng xa để mình khỏi góp phần làm cho đất nước hao mòn dưới sức nặng tàn nhẫn của ích kỷ mà sống bằng lương tâm công bằng. Nhớ những lần dẫn học trò đi thăm mấy địa danh lịch sử trong cù lao như chùa Đông Tây, chùa Hiệp Châu, lăng Ông Nam Hải, Quan Âm Phật Đài…tôi thích nhứt được dẫn các em qua bến phà tới đền thờ Nguyễn Trung Trực để cho các em tự nhận xét rằng có sự không công bằng khi so sánh đền thờ nhỏ bé lụp xụp thờ người anh hùng của dân tộc với đền thờ lớn hết biết của một nhân vật đương đại ở ngay kế cạnh bên.
Tôi hun lên má con bé, đôi mắt nó còn long lanh ngấn nước tức tưởi mới khóc khi nảy vì đi trời nắng mệt.
Thằng Hai Nổ nảy giờ trốn biệt bây giờ lớn họng như thuở nào:
“Tới luôn! Hun luôn má … má nó cái chụt biểu diển cho bà con coi chơi nè!…..”
***
Đã hai năm từ ngày con Huê giao bé Thương Thương, chiều chiều Kỳ Nhơn dắt con ra hóng mát trước mặt quán của chị Ba Lành, nhìn mặt trời xuống từ từ, tới khi sụp tối mới trở về. Hôm nay là ngày đưa Ông Táo về Trời, hình như số nhà sửa soạn đón Tết ở xóm An Thạnh 3 nầy cũng nhiều. Những chậu bông cúc vàng được bày biện trước thềm, những thứ lĩnh kỉnh giửa đường giửa xá được mỗi nhà dọn dẹp gọn gàng. Không khí Tết lãng đãng trong không khí, trong lòng người ở xóm cù lao xa xôi.
Đang ngó xa xa từ hai phía như mỗi ngày, bỗng nhìên Thương Thương kéo chéo áo tía nó nói liếng thoắng:
“Tía ơi, thấy cười ghê, ai gặp tía rước con sau đó thế nào cũng hỏi tía con hay là ông ngoại. Con nói tía ruột thì họ làm thinh.”
“Tía ơi, thấy cười ghê, có một bạn con nói sao tía bạn già còn hơn ông ngoại của mình, chắc mẹ của bạn cũng già như bà ngoại mình. Con nói Mẹ của mình đẹp lắm, nhưng mẹ mình phải đi làm việc xa.”
Kỳ Nhơn vuốt tóc Thương Thương. Nó trả lời thông minh lắm. Đáng lẽ nó phải nói thêm: “Bởi vậy tía mình mới có biệt danh là Kỳ Nhơn.”
Bỗng nhiên Thương Thương nắm tay tía nó dặt dặt:
“Tía coi cô bận áo bông kia có phải là mẹ con không?”
Tiếng nó reo lên như nhiều lần mừng hụt đã qua:
“Như là mẹ con tía ơi!”
Kỳ Nhơn hướng mắt về phía bến phà Rạch Tráng xa xôi rồi ngó xuống Thương Thương với vẻ tội nghiệp con nhỏ. Trời chiều giáp Tết sụp tối thiệt mau. Quán chị Ba Lành đã lên đèn từ lâu. Gió từ cửa Tranh Đề bắt đầu thổi về mang theo khí lạnh trong mùi mằn mặn tạo cho lòng Nhơn nỗi xót xa riêng. Gió lạnh nhưng cái mùi đặc biệt của con sông Cồn Cọc bao nhiêu năm nay thấm vào người anh như tình tự quê hương quyện trong không khí khiến anh thấy thân thiết với ngoại cảnh chung quanh không thể nào tả nỗi.
Nguyễn Văn Sâm (CA, Oct, 2014)
Ghi chú: Bốn câu chữ Nho trong bài được trích từ bổn tuồng hát bội chữ Nôm Đường Chinh Tây, hồi 23, trang 51a/b, hiện lưu trữ tại Trường Viễn Đông Bác Cổ, EFEO Paris, tuồng nầy trước giờ chưa từng được giới thiệu với học giới. (NVS)