NGUYỄN VĂN SÂM
Tôi chạm mặt Sáu Huê ở sân sau của Sở khi còn đương lum khum khóa cái xe đạp cà tàng nhưng cũng có thể bị thổi mất của mình. Tới để nói về chuyện lương hướng chậm trễ cả ba tháng nay ấy mà! Tiền túi cắp ca cắp củm lâu nay đã cạn, tiền vay mượn đầu nầy đầu nọ đã bắt đầu khó khăn, bị nhẹ nhàng từ chối ở nhiều mối rồi. Tính lên đây xoay đở ai đó chút đỉnh sống qua ngày chờ Sở nhận được tiền từ trên rót về rồi mới tính tiếp.
Giữa đám cô thầy đồng cảnh đương lao nhao xầm xì, tôi được Sáu Huê kéo vai, bộ như thân thiết lắm, nói nhỏ: ‘Chút xíu nữa anh Khâm có huởn huởn lên văn phòng tôi, mình bàn chút việc’. Khi nói Sáu Huê kê miệng hô bịt răng vàng của anh gần sát mặt tôi, mùi nước phở nhiều hồi và mùi hành Tây sống còn thoảng bay, khiến tôi khó chịu, cây tăm anh ngậm nơi khóe miệng khi nói như có chưn tay đánh đu qua lại từ mép nầy tới mép kia của hai tảng môi đen làm tôi ớn ớn xương sống. Hình như những người gốc ở trỏng ra hay ở bển về, đều thích ngậm tăm sau khi ăn sáng, và có tài vặt về chuyện làm xiệc với cây tăm trên miệng!
Tôi né mặt ra chút đỉnh, ậm ờ.
Trước khi về, tôi tạt vô phòng Sáu Huê thì anh ta không có mặt, người phó phòng nào đó trao lại cho tôi một phong thơ mỏng, có đóng dấu Khẩn & Mật. Tưởng gì, té ra là quyết định cử đi dạy lớp Bình Dân Học Vụ, xóa nạn mù chữ ở xã Mỹ Tú mỗi tuần ba tối cho tới khi có quyết định mới.
Tôi bỏ bàn toán vô đầu khi đọc quyết định. Mỗi tuần dạy 3 tối, từ 6 giờ tới tám giờ rưỡi thì về tới nhà xấp xỉ 10 giờ khuya cha nó rồi. Tối mịt, chỉ còn lăn đùn ra ngủ chớ nghỉ ngơi mẹ gì nữa! Thêm từ nhà tôi tới trường, qua khỏi Xóm Giữa một đổi khá xa, tuốt ở trong ngọn, thì cũng ngót nghét cả chục cây số ngàn, chắc như bắp bận về sẽ không còn chiếc xe ôm nào. Phải đạp xe đạp đi đi về về thôi. Vậy thì còn khổ dài dài cho chưn cẳng, cho bàn tọa trơ xương teo thịt lâu nay!
Hoặc là bỏ dạy hoặc là ép xác. Bỏ dạy thì phải đối phó với rất nhiều chuyện, từ chuyện hộ khẩu tới chuyện hồi hương, chuyện mua nhu yếu phẩm, ôi hằm bà lằng xắn cấu đủ thứ trong đó có chuyện ba tôi là nguỵ quân, đương đi học tập nhưng ông còn đứng tên căn nhà vợ chồng con cái tôi đương ở, tôi có thể bị đuổi ra bất cứ lúc nào. Thôi, trời sanh thì trời dưỡng, chịu khó hành xác đi dạy thí mấy tháng coi sao. Dạy nít nhỏ 6, 7 năm nay cũng quen quá rồi, đâu thử dạy người lớn coi khác giống gì!
2. Khâm bước vô lớp, gần ba mươi học trò già phần lớn đã ngồi sẵn sàng đâu vô đó rồi. Nhiều người tằng hắng để lấy lại bình tĩnh, mấy ông xồn xồn ở cuối lớp ghiền thuốc kinh niên cũng lật đật dụi sau khi hít dài hơi chót, giữ tàn trong một tấm giấy nhựt trình nho nhỏ, xếp cẩn thận bỏ vô túi rồi mới chịu ngồi xuống len lén ngó thầy để đánh giá.
Khâm chào cả lớp, nói lên vài câu than thở là mình sẽ đạp xe tới đạp xe về, cực nhọc lắm, xin các cô các bác chăm học giùm. Đừng nói là mình già học nay quên mai, đừng nói là hồi nào tới giờ quen cầm cuốc, cầm dao bây giờ cầm viết thì khó khăn, lọng cọng. Khâm thao thao về ước mơ được làm thầy của mình lúc nhỏ, giờ xin cô bác nên có ước mơ đọc được báo chí sách vỡ để biết những chuyện xảy ra trên thế giới chung quanh. Có ước mơ, có quyết tâm, có sự nhứt định làm cho được thì sẽ được thôi. Chuyện gì cũng phải học mới biết. Anh nói như diễn thuyết: Điều khó không phải là học, cũng không phải là tìm thời giờ rảnh rang để học, điều khó là thắng sự chần chờ, can đãm bước qua sự cù nhầy của chính mình để hăng hái học.
Có tiếng của một bà ứng lên, không cần phép tắc gì:
‘Thầy nói coi bộ dễ ợt mà tui thấy khó dàng mây. Tui tính đi học lớp nầy năm ba bận rồi mà bận nào thì cũng như có ông bà khuất mày khuất mặt cản lái cản mũi biểu đừng. Lúc thì có bầu đứa lớn, lúc thì mang bì con nhỏ kế, lúc thì thằng Tư còn đỏ hỏn, lúc thì ông nhà tui bịnh rề rề… rồi bây giờ đây hai con heo đương độ lớn phải lo kiếm món ăn cho chúng nó, nội cái vụ xắt chuối với trộn cám không cũng đủ hết ngày giờ. Còn lo đi làm rẫy nữa, bỏ lún sao được! Ông tui hồi sanh tiền, có ghi tên mà học trậm trầy trậm trật, thuộc được bao nhiêu chữ đâu, không đầy lá mít, nhom nhem ba chữ rồi cũng quên tuốt…’
Khâm mỉm cười, ngoại giao:
‘Nhín giờ chỗ nầy chút đỉnh, kéo giờ chỗ kia chút xíu thì sẽ có thời gian học thôi bác à! Như ông bà mình nói: khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, mình khéo hà tiện thời giờ của các công chuyện phải làm thì té thời giờ cho chuyện mình muốn làm.’
Khâm vừa nói vừa đưa tay lấy viên phấn, quay mặt vô bảng:
‘Lớp nầy bà con đã biết viết biết đọc chút đỉnh rồi thì mình học ý nghĩa trong sách vỡ, chỉ tập viết để chữ được đẹp thôi, không có tập đánh vần nên cũng gọn, mình sẽ học những điều có ích lợi cho cuộc sống…’
Anh chỉ vô một ông ngồi tuốt gần vách, nảy giờ coi bộ lao chao, nhờ đọc câu anh vừa viết.
‘Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ có thương con chồng.’ Chú Tám He đọc coi bộ hơi suông suông rồi, không cần ai đốt pháo sau lưng cũng bình luận lớn giọng: ‘Đúng quá rồi, bánh đúc mềm, sao có xương được. Còn má ghẻ thì ối thôi, nói bắt mệt, trăm người như một, ghét con chồng thậm tệ, hành hạ tụi nó thấy mà phát thương luôn. Xóm Láng The của mình đây nè, tui không cần nói tên ai nhưng bà con đều biết là có ba bốn bà mẹ ghẻ hành hạ con chồng thiếu điều muốn giết cho tụi nó chết.’
Lớp hơi ồn ào, mấy bà phản đối, mấy ông được dịp cười phá, châm chọc. Khâm đưa tay ra dấu im lặng:
‘Tôi đưa ra câu nầy là có mục đích. Ca dao tục ngữ là mấy câu nói của ông bà mình truyền qua từ bao nhiêu đời trước, do nhận xét từ kinh nghiệm đời sống chung quanh họ, điều đúng do đó thì nhiều, nhưng điều sai không phải không có. Mẹ ghẻ thương con chồng thiếu giống gì ở đời nầy. Nít nhỏ không có mẹ ruột, không ai săn sóc, ta thương không hết, sao lại hành hạ nó, sao lại đành tâm ghét bỏ nó. Mà Trời sanh mỗi người mỗi tánh, có người ghét con ghẻ thì cũng có bà thương con chồng. Sao lại quơ đủa cả nắm, sao lại trói hết cả bầy bỏ vô một giỏ… Khi ta ghét trẻ con là ta nhỏ mọn, hẹp hòi.’
Bên góc mặt một thanh niên chừng 17, 18 tuổi chồm lên bàn giơ tay thiệt cao, phấn khởi, Khâm cho cậu ta nói:
‘Con tên Tèo. Hai Tèo. Xin nói. Người ty tiện là người xấu xa. Má con không sanh ra con nhưng có ghét con đâu. Con cũng được cưng như bao nhiêu con ruột của những nhà chung quanh. Hoan hô Má Ba! Hoan hô! ’ Thằng Tèo vừa hoan hô vừa chỉ vô người đàn bà than không có thời giờ hồi nảy…
Cả lớp vỗ tay rần rần… Khâm nhấn mạnh về sự sai lầm của ca dao tục ngữ chẳng hạn như câu áo mặc sao qua khỏi đầu. Con cái có thể khôn hơn cha mẹ chứ sao không, đời bây giờ người ta được đi học, được đọc báo xem sách nên kiến thức mở mang nhiều, khôn hơn cha mẹ là lẽ bình thường thôi. Còn nữa, chẳng hạn như câu: Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa lại quét lá đa. Đâu chắc là đúng. Con cháu vua đi xe lôi, chạy xe ôm cũng chật đường. Trẻ con lúc nhỏ sống trong chùa, trong Cô Nhi Viện, sau ra đời thành công đâu phải là hiếm…
Khâm mừng là buổi học đầu tiên vui vẻ, thuận lợi. Lớp học kết thúc trong nét mặt luyến tiếc thời giờ qua mau của từng người.
3. Bữa hôm đó lớp tan mà hai mẹ con Bác Ba và thằng Tèo cứ lẩn xẩn theo Khâm hoài. Họ cứ nháy nhó nhau, đùn đẩy qua lại, như là muốn nói gì đó với Khâm. Cuối cùng Bác Ba nói:
‘Không nói dấu gì thầy. Mẹ con tôi trước khi vô lớp có ghé chợ mua sáu cái hột vịt Bắc Thảo tính về ngày mai cả gia đình ăn mừng mới mua đuợc bốn con heo con, xin kiếng cho thầy 2 cái để tỏ lòng biết ơn thầy cực khổ chỉ dạy chúng tôi.’
Khâm cảm động, nhưng từ chối khéo:
‘Cám ơn thiếm Ba. Thiếm giữ lại cho gia đình. Tôi xin được không nhận vì gan tôi yếu, không dùng được trứng vịt trứng gà. Anh nói dối thêm: ‘Thường tôi ăn ngã về chay nên dùng nhiều rau củ, không dám dùng trứng.’
Người đàn bà hơi ngỡ ngàng, nhưng cũng từ tốn bỏ hai trứng vịt kia vô lại với số còn lại trong giỏ.
Khâm vỗ vai thằng Tèo:
‘Em Tèo, Em nói với Má Ba là không nên ăn nhiều trứng vịt Bắc Thảo. Nó ngon vì lạ miệng nhưng rất độc hại vì có thể họ làm theo một quy trình có tác dụng xấu cho sức khoẻ người tiêu dùng. Đó là họ ngâm trong nước pha Sulfit đồng để cho trứng mau đổi màu đen và tròng trắng sớm có màu trong suốt như rau câu.
…Sulfit đồng làm cho trứng ăn được trong vòng nửa tháng còn bó vôi trộn trấu theo cách thường phải mất hơn ba tháng… Ăn nhiều trứng làm theo kiểu tốc hành sẽ bị ung thư gan vì chất Sulfit đồng vô cơ thể mình thì tích tụ lại chờ ngày giờ phát tán chớ không bị thải ra….
Hai người học trò của Khâm le lưỡi, tỏ ý hiểu.
Sẵn đà Khâm nói thêm:
‘Ông bà mình nói: Bịnh tùng khẩu nhập nghĩa là bịnh theo thức ăn mà vô mình con người, ăn những món tuy ngon miệng, tuy sang trọng nhưng hoặc dơ dáy, hoặc chứa những thành phần độc hại thì chẳng khác gì tự tử từ từ, chẳng hạn như ăn nhiều bột ngọt, bột nêm, nhiều đường, nhiều muối, ăn lạp xưởng, ăn mắm sống, ăn bánh canh giò heo có nhiều da nhiều mỡ, ăn dưa đầu heo chua, ăn phá lấu, lòng heo, ăn chao ăn tương quá mặn, dùng dấm hóa học…
Thằng Tèo cười lớn:
‘Mấy món đó trừ tương với chao, may quá gia đình con vì nghèo chạy ăn từng bữa nên đương nhiên đã cữ, thầy khỏi lo.’
Khâm thấy mình hơi dài dòng, anh kết thúc bài giảng ngoài giờ học của mình:
‘Nói chung ăn nên chọn món lành, món sạch hơn là món ngon miệng, món sang trọng, mắc tiền mà cầu kỳ. Món càng ngon miệng càng có hại cho người ăn.’
Thằng Tèo biện luận:
‘Thầy nói vậy, chẳng lẽ cả nước ăn những món đó bấy lâu nay đều chết hết?’
Khâm cười hiền, từ tốn:
‘Không chết hết, nhưng mọi người đều bị chết từ từ, nghĩa là giảm tuổi sống trên đời năm bảy năm, có khi cả chục năm. Làm cho một hai người chết liền thì bị tội giết người nhưng làm cho nhiều người chết từ từ vì những món ăn có hại thì được làm giàu cho nên thiên hạ cứ vô tư mà làm, hãnh diện mà làm…’
Thằng Tèo đưa hai tay ra bắt tay Khâm tỏ ý tâm phục khẩu phục thầy mình:
‘Thầy là ngôi sao chỉ đường cho cả lớp được biết đâu là chuyện đúng sai. Con cám ơn thầy nhiều.’
Khâm thấy thằng Tèo đã trưởng thành qua câu nói đó. Anh cũng cảm thấy tội nghiệp cho những người dân ở xã trên ngọn nầy. Họ dốt và bị bịt mắt bấy lâu nay nên sống quờ quạng, tự đốt bớt đời sống của mình mà không hay biết.
4. Khâm làm tài khôn dẫn người đồng nghiệp nữ mắt đỏ hoe vô phòng Sáu Huê khiếu nại. Thường thì Sáu Huê niềm nỡ, nhưng hôm nay như biết trước chuyện hơi khó khăn anh ngồi chễm chệ sau bàn giấy kềnh càng, mặt nghiêm nghị, lạnh lùng.
Cô giáo Trang ngồi rút lại trong ghế coi nhỏ nhít làm sao, rụt rè thưa gởi:
‘Thưa, nhờ anh Sáu cho em được đổi qua xã khác dạy, chớ ở đây có ngày bà ta giết chết em.’
Sáu Huê đổi thế ngồi, tay chống càm, tay kia cầm cây viết bic quay quay như giởn chơi với nó.
‘… Em Đức, con của bà ta không chịu học, bài không thuộc, không nộp bài cho về nhà làm, tập thì rách nát dơ dáy… Hôm qua em Đức lại nghịch, lấy dây cột tóc của bạn gái ngồi trước mặt, cột vô chưn bàn. Con nhỏ vô tình đứng dậy, đau quá, khóc. Em giận mới khẻ tay nó mấy cái mà nó đã bỏ chạy về nhà. Má nó, bà vợ ông chủ tịch xã xách dao bầu xắt chuối chạy vô lớp xỉa xói em, đòi chém chết cô giáo ngụy quen thói khủng bố con của cách mạng. Em càng cắt nghĩa thì bà càng nổi giận giơ dao xỉa, giá vô mặt em nói là không muốn thấy em ở xã nầy nữa. May mà có anh Hiệu Trưởng và mấy thầy cô giáo khác can gián không thôi thì em không biết số phận của mình ra sao.’
Sáu Huê tỉnh bơ, cười cười:
‘Mà cô giáo ngụy có bị sứt mẻ… chút xíu nào không cà! Thôi đừng làm cho chuyện om xòm thêm nữa. Về dạy bình thường đi. Tôi sẽ gọi điện nói chuyện với chồng bà ta. Tôi cũng cho rút thằng Đức, học trò cưng của em qua lớp khác, nhưng em Trang không đi đâu hết. Phòng Giáo Dục Quận với nhân dân trong Quận phải gắn bó, có đâu mà chuyện mới có chút nị đã làm cho tầy huầy…’
Và Sáu Huê lịch sự xin lỗi tôi ra ngoài uống nước trà ngồi chờ để anh ta chỉ đạo việc nầy riêng với cô Trang.
Tôi ra sân hút thuốc chờ đợi. Tôi hơi chủ quan mới đi với Trang vô phòng của Sáu Huê, thường mấy chuyện như thế nầy Sở không muốn có người thứ ba nhúng tay vô.
Mười lăm phút sau, tôi hút tàn hai điếu thuốc, Trang bước ra ngó tôi kín đáo lắc đầu, mặt buồn buồn. Tôi biết là cô giáo ngụy nầy sẽ còn chịu đựng những giông tố cô linh cảm trước nhưng không thể làm gì được. Cũng như số phận những người khác đương dật dờ trên quê hương nầy thôi. ‘Người ta’ có những cách giải quyết khác.
5. Tối Thứ Hai thằng Tèo tới lớp với cái mặt trầy trụa băng dán tùm lum và một cánh tay gảy bó bột treo trên cổ. Nó cười vô tư với Khâm, miệng mở rộng chằng hoạt:
‘Thầy đừng lo! Con thử nhào xuống coi sông sâu hay cạn vậy mà. Sông cạn sợt, đi bộ ở dưới còn được, nước chỉ mới tới cần cổ nhưng mà có nhiều cây nhọn, nhiều gạch đá quá! Lại trơn lù bấu víu vô đâu cũng không được!’
Nó lại cười lớn hơn.
‘Bữa đó bộ quắc cần câu sao mà nhảy xuống cầu bắt cá?’
‘Cầu nhỏ mà cao quá cở, chạy vừa mới lên chưa hết dốc, thấy hai mẹ con chị nọ cuốc bộ lên gần hết dốc đầu kia, thằng nhỏ thấy xe mình phóng tới, nó hết hồn giựt tay má nó ra vụt chạy bất kể, con lo sợ cho nó nên quên sợ cho mình. Hên là không hất hai mẹ con họ xuống sông, cầu đâu có lan can đâu nà, trống trơn nên lọt xuống dễ dàng….’
‘Tèo quên câu Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi… mà cẩn thận chạy chầm chậm khi qua cầu…’
‘Cầu tre thì đã không sao rồi thầy! Họ góp tiền của dân trong xã xây cầu xi măng, nhưng làm cho có, bề ngang nhỏ quá, chất lượng kém, nhiều chỗ sát mé bị sứt mẻ làm cho mình chạy xe cũng khó khăn. Tai nạn hà rầm đó thầy, hai tháng trước có một đứa con gái 9, 10 tuổi té cầu chết. Con cái đầu xỉa thuốc kiểu nầy là nhẹ…’
Rồi nó vừa tâm sự vừa triết lý:
‘Nước mình nhiều sông, nhiều rạch, cần phải thông thương bằng thiệt nhiều cầu, để dân chúng bên nầy dễ liên lạc được với bên kia vậy mà. Còn không thôi ai ở đâu ở đó, tới bao giờ người ta mới mở mắt thân thiện với những người không phải ở khu xóm mình. Con mơ ước có thiệt nhiều những cây cầu đơn sơ nhưng chắc chắn bắc qua sông qua rạch, trước là mở đường lưu thông, sau là nối tình người. Con mơ, con mơ… nước mình có những cây cầu chắc chắn như mấy xứ nghèo chung quanh. Dân chúng họ coi lẩm rẩm vậy mà may mắn, những cây cầu bên xứ họ làm cho cuộc sống dễ chịu hơn, không làm cho người ta té sông, không làm cho con nít chết đuối…’
Thằng Tèo nói như bà nhập, Khâm kêu nó về chỗ ba hồi bốn chập nó mới về chỗ ngồi, mắt lim dim chắc là mơ những cây cầu vững vàng để thanh niên như nó chạy xe khỏi nhào xuống sông mất công đo coi nước sâu hay cạn…
6. Nửa năm sau, Khâm đi thăm Sáu Huê trong phòng cấp cứu bịnh viện tỉnh.
Người đàn ông lớn con, mạnh khỏe da mặt hồng hào ngày xưa đã thành một con bịnh đương đi xuống tuyệt cùng dường dốc của sức khỏe: ốm o, xanh xao và không cử động được nhiều, dây nhợ chằng chịt ở mũi, ở tay.
Sáu Huê ứa nước mắt thều thào trong cổ họng:
“Tiếc là ngày trước anh Khâm khuyên tôi đừng hút thuốc, nên cữ rượu và bớt trác táng nhưng tôi cười khinh dễ bỏ qua khi thấy mình mạnh khỏe, tôi cữ cái húp nước, ít hút thuốc lúc làm việc nhưng đi karaoke nhiều hơn. Mà anh biết đó, vô trỏng là rượu như nước và biết bao nhiêu thứ khác dưng tới miệng không thể ngó lơ được. Cứ nói mình không phải là thánh nên xã cảng…. bây giờ….’
Khâm khuyên anh Sáu đừng nói nhiều, tịnh dưỡng và báo tin buồn là cô giáo Trang bị nhiều áp lực nên đã vượt biên cho tới bây giờ hơn 3 tháng rồi mà không nghe tin tức gì. Có thể là chuyện không may đã xảy ra cho cô ta….
Khâm nói mà không dám nhìn Sáu Huê, anh ngó qua cái màn mỏng che ơ hờ cửa sổ. Ngoài kia trời nắng u u buồn.
Sáu Huê thở dài, day mặt vô vách, sợi dây nylon chuyền nước biển trên cánh tay trái anh, vướng víu, Khâm sửa lại. Dầu sao Sáu Huê vẫn tốt hơn nhiều người khác đương quyền mà Khâm biết.
Anh nói để người bịnh vui lòng khi nhìn trong phòng chỉ có hai giường sạch sẽ với hai bịnh nhơn, người nuôi bịnh chỉ ngồi ngoài hành lang hay đứng lớ ngớ trước cửa phòng, không dám vô:
‘Bịnh viện nầy cao cấp, anh lại thuộc diện tiêu chuẩn cao, chắc chắn rồi sớm muộn gì cũng bình phục…’
Nụ cười buồn tuy héo hắt nhưng cũng nở trên mặt Sáu Huê dầu là một thoáng rất mau:
‘Chuyến nầy về tôi tu. Tu theo hai cách, đi chùa, sống lành mạnh hơn và giải quyết công việc hợp lý hơn.’ Tiếp theo câu nói là tiếng thở dài và cơn ho xé phổi của Sáu Huê. Khâm kéo tấm mền che cái bụng bự óc ách mềm nhũng của anh ta.
‘Anh là gạch nối giữa người cũ và người mới. Chúng tôi cám ơn anh nhiều. Anh nghĩ coi nếu gặp người khó khăn hơn chúng tôi còn khổ biết bao nhiêu.’
Hình như Sáu Huê hiểu câu nói của Khâm là câu trách ngầm nên nhắm mắt lại, phân trần:
‘Áp lực từ nhiều phía anh ơi. Áp lực mạnh lắm! Cơ chế anh ơi. Cơ chế như gọng kềm sắt! Có những quyết định mình cảm thấy bất công mà không ký là không xong đâu. Chuyến nầy hết bịnh về tôi nguyện sẽ làm cây cầu nối kết giữa những người hai bên sông vì cho tới bây giờ phải nói là thiếu sự thông cảm giữa chúng tôi với các anh. Phải có những cây cầu và có nhiều người thong thả đi qua cầu, đem chuyện của bên mình chia xẻ với bên kia. Phải hiểu nhau vì lâu nay xa lạ do sống trụ ở hai bên bờ, không có phương cách giao tiếp..…’
Khâm ứa nước mắt. Câu nói của người sắp chết là câu nói thiệt lòng, nhưng Trời ạ, bi thương quá đổi, như tiếng của con chim cố gắng hết sức hót lần chót. ‘Chúng ta hai bên chưa tương thông. Cần phải có những cây cầu, cây cầu tượng trưng, nhưng mà là cây cầu.’
Và chuyện té sông của thằng Hai Tèo nhảy vô trong trí làm cho những giọt nước mắt của Khâm đột ngột rớt lên chéo mền buông thỏng của Sáu Huê. Khâm bước như chạy ra khỏi phòng bịnh nhân, mắt còn ràn rụa, bất chấp những cái nhìn nửa ngạc nhiên nửa khinh khỉnh của nhiều người trong Sở vừa mới tới để làm bổn phận viếng thăm xếp lớn. Khâm nói với chính mình:
‘Vâng! Rất cần những cây cầu. Và rất cần người qua lại. Càng nhiều càng tốt.’
Victorville, CA June 18- 23/ 2013
Nguyễn Văn Sâm
Ghi Chú Văn Nghệ:
Nhà văn Nguyễn Văn Sâm sẽ ra mắt sách quyển: Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký với lời chú giải: