1.
Qua một người bạn, năm đó Lượng được giới thiệu để vận động phiếu trong vùng có ảnh hưởng nhân dịp tôi tranh một chức vụ dân cử, lúc đó chạy theo coi như con đường hữu hiệu nhứt để thực hiện giấc mơ ngăn chận những xấu xa đang xảy ra nhan nhản chung quanh. Mới ra trường, đầy nhiệt huyết, trí não còn thơm mùi giấy mực, được mạ bằng lý tưởng và lòng thánh thiện của người đời, tôi chạy vào việc tranh chức vị nầy hăng say như thiêu thân lao vào vùng ánh sáng.
Ban đầu Lượng không được chú ý lắm ngoài khổ người lênh khênh, lỏng khỏng, vượt hơn tôi gần hai cái đầu, đã vậy lại ốm, tay chân dài quá khổ. Một lần tôi đến nhiệm sở của Lượng, gặp lúc giờ chơi, anh đứng dựa cột hút thuốc, vài ba đứa học trò trững giỡn gần đó, chợt nghĩ đến cây cau và những dây trầu mới bắt rễ, quấn được vài vòng lỏng lẻo, đọt non chưa vượt khỏi người tầm vóc trung bình… Mặt Lượng lấm tấm mụn hai bên má, gợi hình ảnh một sự phối hợp không hòa giai điệu, mang tính chất khôi hài của bộ dạng Lucky-Lucke và Billy-the-Kid.
Vậy mà Lượng hiền khô, vậy mà anh có tâm hồn và trách nhiệm trong công việc được giao phó. Vậy mà anh là người của sự hy sinh và lòng can đảm ít thấy trong thời nhiễu nhương cơm áo gạo tiền.
Quãng đời trẻ lắm lần đổi chỗ, tôi biết nhiều người, ngồi ăn với họ, bàn chuyện với nhau thâu đêm, lắm khi đi xe chung, coi hát cùng vậy mà nếu bẵng đi một thời gian sau nầy gặp lại tôi chỉ ngờ ngợ, quen quen nhưng tuyệt nhiên không thể nhớ tên. Cái tên của một người không có gì đặc biệt đã bị đè bẹp xuống vùng sâu thẳm lãng quên, nhường chỗ cho những chuyện mới xảy ra nóng bỏng đáng nhớ.
Đối với Lượng, tôi biết ngay mình không thể quên anh, không phải chỉ vì vóc dáng mà vì cách thế thực hiện những điều ấp ủ cũng như những quan niệm thật đặc biệt về một số vấn đề. Lượng nhiều lần nói ‘Tôi giúp ông để thực hiện chí của tôi, vào được đó rồi xin đừng để những người ủng hộ ông thất vọng.’ Tôi phục thái độ thẳng thắn đó. Lượng đến vì chuyện phải làm hơn là vì quen với một người có khả năng lọt vào một vị thế nào đó. Lượng lăn vào cuộc vận động phiếu như chính anh ứng cử. Tôi gặp anh nhiều lần ngồi chịu trận trong những bàn nhậu ồn ào để lấy cảm tình cho tôi, thích thú một phần nhỏ mà ngại ngùng một phần lớn. Công Lượng nhiều và đặt quá nhiều kỳ vọng, sau này mình làm được gì? Phe nhóm, phân hóa khắp nơi, một con én có làm được mùa Xuân?
Không phải chỉ có vậy. Lượng còn vạch ra cả những chuyện phải làm khi tôi thắng cử, không phải muốn ảnh hưởng lên tôi hay tỏ ra là mình nắm vững vấn đề mà chỉ vì nóng lòng muốn sửa lại con đường chính trị đã cong queo vì sự vô ý thức của một số người đang đặt một bàn tay tham lam và vô tâm lên vận mạng đất nước: ‘Mình sẽ tranh đấu để có ngân khoản thật lớn cho Giáo dục và Quốc phòng. Phát triển tiểu học. Cấp nhiều học bổng. Xây thêm trường và đãi ngộ giáo chức… Mình sẽ đưa ra dự luật để trừng phạt tham nhũng. Mình sẽ khuyến khích Hành Pháp giải quyết nạn khủng bố, bạo loạn bằng những biện pháp bên trong hậu trường hơn là đưa ra tòa án với sự dòm ngó ồn ào của báo chí không ích lợi mà còn tạo nên ảnh hưởng xấu…’ Lượng hăng hái và phẫn nộ. Tôi chỉ thấy Lượng lớn tiếng lần đó thôi, lần độc nhất của một đời người từ tốn. Bắt được mấy thằng gài mìn claymore giết dân, tang chứng ràng ràng mà xử tù có vài năm. Nó ở không mình nuôi cơm một thời gian để sau này về hoạt động lại có kế hoạch hơn, hiệu quả hơn. Đánh giặc mà làm như chuyện con nít giả ngộ’
Phần nhiều tôi đồng ý nhận xét của Lượng. Có thể quá khích trong giải pháp, nhưng anh có vấn đề để ưu tư và đã biết phẫn nộ trong khi biết bao nhiêu người của thời đại chỉ lo thu lượm đầy túi, chấp nhận hiện trạng, sống không bao giờ nghĩ về hoàn cảnh. Giải pháp có thể dở nhưng còn hơn không bao giờ nghĩ tới.
Tôi thất cử kỳ đó, dĩ nhiên. Tuổi trẻ tay không với những ước mơ với tay đến trời không thể đấu lại tiền bạc, quyền thế và những thế lực quyền lợi chằng chịt đan rối vào nhau như màn lưới thuở đó. Chánh trường không phải chỗ của người cô thế mang mộng ước thay đổi lưu vực dòng sông đã định hình từ đã bao nhiêu năm tháng. Lượng nói với tôi như vậy sau những câu an ủi hình thức của những người bạn khác.
Thua keo nầy ta bày keo khác. Mình có vài chuyện chánh phải làm thôi. Sửa sai chánh quyền thối nát, chống tụi tham tàn và nêu cao dân trí. Tùy theo cương vị ta làm, đâu phải chỉ có chức vụ dân cử. Lượng đặt vấn đề rõ ràng. Tôi ngơ ngơ, đụng đâu đánh đó, chưa biết trọng tâm, chưa biết vị thế công, thủ…
Bẵng đi hai ba tháng tôi không gặp Lượng, anh vẫn dạy trong xóm nhỏ, tôi trở về nhiệm sở cũ cúi đầu vào những hoạt động không tên thường nhựt. Vết thương thất bại cần phải có thời gian để kéo da non.
Tôi xuống thăm anh vào một buổi chiều thứ bảy, trước căn nhà lụp xụp, ngôi trường tư hai lớp sáng chiều. Lượng chôn đời mình ở đó cho ‘thế hệ mai sau’, đứng giữa đám học trò nhỏ, cây cau giữa mấy dây trầu non, con chim phượng hoàng bị trói chân cột cánh bằng cụôc sống và những định chế xã hội. Cây đàn guitar tróc sơn nhiều chỗ, bắt qua vai anh không ngừng phát những bản nhạc thiếu nhi vui tươi. Đàn chim non ‘hay bầy gà con quê hương’ líu líu lo lo, tíu ta tíu tít. Mắt sáng miệng tròn, mấy cái tóc bum bê, vài đôi chân sáo sậu lém lỉnh nhảy ngoài sau chân thầy…
Cuộc vui ngoài giờ bình thường của lớp như cách thế hữu hiệu nhất để giữ tụi nhỏ khỏi lêu lổng và tạo lòng yêu thích âm nhạc sau này. Lượng nói như vậy và tỏ ý tiếc mình không có nhiều thời giờ hơn.
Tôi mỉm cười làm quen với một thằng bé có vẻ lém lỉnh nhứt, khi nó lõ mắt nhìn tôi. Lượng đưa bàn tay khảy đờn, phím đờn vẫn còn kẹp giữa hai ngón tay, chào tôi miệng vẫn tiếp tục dẫn giọng mấy đứa nhỏ. Tiếng của chồi non nhú lộc buổi sáng, tiếng của bình minh cụôc đời ríu rít lên từng cành cây kẽ lá cất lên giữa khung cảnh nghèo chật chội, nhà nầy có thể nhìn thấu tới cửa sau nhà kia. Lượng chỉ bắt nhịp kéo giọng mà không hát. Anh muốn tôi hưởng trọn vẹn giọng ca của giàn nhạc trẻ con ngây thơ? Anh muốn tôi có dịp thả hồn mình về thế giới chưa biết ưu sầu?
Chiều xuống lần khi rải rác một vài người công nhân đi làm về, những người nghèo của xóm bình dân, áo quần rách vá và cái lon guigoz thức ăn trưa tòn ten trên tay. Những bước chân mệt mỏi được vài đứa nhỏ chào đón vui mừng hớn hở. Những cái hôn nựng nịu như mưa bấc xóa tan nỗi cực nhọc trong ngày. Tôi bỗng thấy mình lạc chỗ với bộ quần áo quá tươm tất trên người.
Hết bài, Lượng nói với đám học trò:
‘Vậy là Tết này thầy trò mình có thể giúp vui đồng bào trong xóm rồi. Bữa nay tập bao nhiêu đó tạm đủ. Tối rồi, mấy em về nhà là vừa. Em nào biết cha mẹ chừng nầy mà chưa về ở nhà không có ai thì có thể ở đây chờ người lại rước. Nghe dặn nè. Mai sáng chúng ta tập lại lần nữa. Mấy em tới đây lúc 9 giờ nhe! Nhớ chưa? Nhớ! Thôi mấy em về.’
Lượng nháy mắt với tôi:
‘Đàn chim tung cánh tìm về tổ ấm dễ thương chứ hả? Để hát tặng anh một bài. Sẵn hứng.’
Không đợi tôi đồng ý. Lượng cất tiếng hát. Đôi mắt anh lóe sáng như đứa nhỏ được phép làm điều mình ao ước. Tiếng hát trầm ấm vang dội vào tim, kéo dài xuyên qua rừng thẳm, đào xới những sợi thần kinh rung động của tôi, đánh bật dậy lớp da gà ở dưới lớp da bình thường chai đá hằng ngày… đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu…
Tôi rùng mình vì gió lạnh theo tiếng ca lùa về. Tôi lắng hồn thưởng thức tiếng ca nam tặng mình lần đầu tiên trong đời. Bóng đêm phủ xuống lần lần. Hai đứa trẻ còn lại của đám học trò, đứng trên thềm ngó người khách lạ đương ngạc nhiên về tiếng hát của người thầy, bây giờ đã mờ dần trong bóng tối, chỉ còn lại hai cặp mắt sáng chói, long lanh…
2.
Nhưng Lượng và đám học trò của anh không có dịp trình diễn gì hết. Tết đó những tiếng hát ngây thơ Lượng dự định tặng đồng bào bị thay bằng tiếng súng. Biết bao nhiêu chân sáo, chân chim của Lượng đã tan tác trong lửa đạn. Và Lượng nữa, đã nằm xuống vì lũ học trò của mình, vì những dây trầu non vừa mới ló nụ.
Trở lại vùng rạp hát Minh Phụng sau khi tiếng súng thật sự đã êm. Khu nhà san sát với những đường hẻm ngoằn ngoèo giờ biến thành một cánh đồng tro than rộng bạt ngàn thỉnh thoảng còn sót lại vài bức tường cứng đầu cứng cổ đứng chơ vơ. Tôi định chừng xóm Lượng nhờ cái góc của lề đường quen thuộc… Những người đàn bà mắt đỏ hoe, mặt rạm nắng, bươi bươi, xới xới đống tro tàn mong kiếm chút gì đó còn lại của quãng đời tiện tặn trước đây. Cụôc tìm kiếm vô vọng như đi tìm quá khứ. Có chăng chỉ là những tàn vụn cháy nám, chỉ gợi phẫn nộ, xót xa cho chính thân phận mình, đời một người bất đắc dĩ phải ở giữa chiến trường.
‘… Thầy Lượng! Tội lắm. Thầy đáng lẽ không chết. Thầy thoát ra đầu xóm rất sớm, lúc tụi nó mới có mấy thằng mặt còn non choẹt, chưa ngăn chận người ra đi. Tụi nó ở trong mấy đường hẻm chứ ngoài mặt tiền đâu thấy thằng nào. Nhưng mà… nhưng mà thầy ra vô nhiều lần để dẫn tụi nhỏ ra. Tội nghiệp lắm, có nhiều đứa lạc cha mẹ, lửa đạn, tụi nó cúi đầu chun vô một xó nào đó, làm như cúi đầu thì lửa đạn nó sợ vậy… Thầy Lượng đi kiếm từng đứa lôi ra từng đứa cho tới khi có một thằng kêu thầy lại. Hai đàng nói gì đó láp dáp hai ba câu tôi ở xa không nghe được. Cuối cùng nó bắn thầy…’
Trời không chuyển mưa nhưng tiếng sấm rền rang bốn phía, tiếng sấm xé lồng ngực tôi, kéo đầu tôi gục xuống đất, thở dài. Bất cứ sự hy sinh nào cũng kèm theo một cái giá, mình nói hoài với nhau Lượng còn nhớ không? Vấn đề là có hi sinh, cái giá đâu quan trọng phải không Lượng?
Người đàn bà tiếp tục kể, giọng bỗng sụt sùi ngang:
‘Tôi ở bên kia đường, núp sau mấy cái thùng ‘phuy’, thấy thầy oằn oại, muốn chạy ra kéo vô mà không dám. Mình đàn bà chân yếu tay mềm. Có bề gì bỏ con ai nuôi? Thầy oằn oại nhưng không rên, không la, chỉ thì thào: ‘Vậy mà xưng… Vậy mà xưng… Xạo…’ Tôi cũng không hiểu thầy muốn nói gì. Rồi đạn bắn qua bắn lại. Lửa cháy. Tụi tui chạy…’
Buổi trưa nắng chang chang, tấm bạt bằng áo mưa quân đội giăng tạm bợ không đủ che cho bốn người chúng tôi. Một cơn gió lốc bụi mù. Tôi dụi mắt, hình như nước mắt chảy đã lâu, mặn chát bờ môi.
Đằng kia bốn người đàn ông xúm lại hè hụi giở lên một tấm bức tường, thấy gì dưới đó, cùng nhau cười vui. Tôi mỉm cười theo, gượng gạo. Cái chết của Lượng được tạm quên để tiếp nhận sự lạc quan của đời!
Người đàn bà ngồi kế nảy giờ làm thinh, bỗng chõ miệng về phía mấy người đàn ông hỏi vói:
‘Gì mà cười vui vậy anh Tư? Bộ thấy vàng hả? Dám lắm à nha, biết đâu dưới tro tàn nầy có hủ hàng của ai đó. Hay là muốn nghe súng một lần nữa?’
‘À chị Tám, mạnh giỏi? Tụi tui cá với nhau là cái đi-văng không cháy. Tôi liệng nó dưới vũng. Nó lại bị hai ba bức tường đè lên. Ai dè! Cháy ráo nạo…’
Người kể chuyện nảy giờ lóng tai nghe chuyện của người, giờ mới tiếp tục:
‘Con Hoa nè! Hỏng nhờ thầy Lượng kéo ra thì đã đi đời rồi. Tụi tui lính quính, láng quáng kiếm được đứa nầy thì thiếu đứa kia. Đương lo hụt hơi thì có người nói thấy nó đương ở chỗ với thầy trong một căn nhà của ông bà nào đó chạy thoát khỏi từ đầu khởi sự… Bây giờ thẩy chết rồi, tui biểu nó để tang thầy mà cũng là người cứu mạng nó, như sanh ra lần thứ hai.’
Tôi nhìn con nhỏ. Trên ve áo, một miếng vải trắng kẹp trang trọng. Mắt nó xa vắng và mờ đục. Hai cục ghèn to tướng ở hai khóe mắt. Vẻ thông minh và cặp mắt lóng lánh hôm nào đứng trong mái hiên lúc chạng vạng tối không còn nữa. Nó như cởi lớp, biến dạng, bèo nhèo và co rút lại đến nỗi nãy giờ tôi không để ý. Tôi hỏi một câu, sau nầy mới thấy dở ơi là dở:
‘Thầy Lượng mất rồi. Em có thương thầy Lượng không?’
Con nhỏ ngó tôi, lâu lắm mới trả lời:
‘Có! Ai cũng thương thầy Lượng hết.’
Tôi gật đầu: ‘Phải! Ai cũng thương thầy Lượng hết, trừ những người đã giết thầy…’
Một cơn gió thổi táp hơi nóng vào mặt mọi người. Hình ảnh Lượng oằn oại trong cơn đau chịu đựng cái nóng cháy da trước khi bị cháy thành than hiện ra trong trí, bóp chặt cuống họng khiến tôi nghẹt thở.
Giữa đám vụn vỡ của hàng ngàn hàng vạn căn nhà sau cơn cháy ngút trời, như có tiếng thở dài của Lượng tiếc cho ước vọng nửa chừng bỏ lỡ, như có tiếng đàn của anh bắt nhịp cho các giọng ca chim non. Đứa học trò để tang Lượng ngó chăm chăm vào mấy đứa nhỏ trang tuổi nó đang nhảy cò cò với nhau trên đường lộ nám đen, mỉm miệng cười. Những bước chân chim lại tung tăng sáo sậu sau sự ra đi của Lượng.
Nguyễn Văn Sâm
(San Antonio, TX, 1981)