Nguyễn Văn Sâm
Nhớ về tiếng đờn của một nghệ nhân tài ba một thời. (NVS)
Dì Ba Bành thức dậy theo tiếng chuông công phu vọng lại. Lâu nay, từ lúc mới dọn về đây, chung quanh nhà nước kinh còn ngập, những cây bình bát, cóc kèn, ô rô, dừa nước, bần… còn lừng lửng chứa những khoảng sình rộng chừa cho mấy gian nhà là lụp xụp đó đây những mảnh đất nhỏ hí lúc gần trưa nước đã mấp mé thềm, chuông công phu buổi sớm ngay từ những tiếng đầu tiên đã lâng lâng lòng dì. Qua bao đổi thay, xóm vắng giờ đã đông đúc hơn, nhưng mọi ngày âm thanh văng vẳng boong boong quyện trong không khí đánh nhịp xen lẫn tiếng mõ lốc cốc đều đặn tạo nhạc điệu buồn nhẹ nhàng hòa với quang cảnh tịch mịch của lúc bắt đầu ngày vẫn kéo dì vào cảnh giới thoát trần, u tịch… Buổi tối nhiều khi bực mình. Thường là vài đứa không góp tiền. Biết chúng nó dấu để dành đánh bài đánh bạc ở nhà thằng Tư Cồ hay nhà thằng Năm Mụn, đứa nào đứa nấy lấm la lấm lét ngó dì gải đầu gải tai nói trời ơi đất hỡi ba điều bốn chuyện rồi hẹn lần hẹn lữa nhưng sáng rở đưa mắt với nhau, ám hiệu đó làm sao qua được mắt ai? Có ăn cám xú cũng bắt thóp được chúng nhưng phải nuốt giận làm thinh. Nó nói không có, chửi bới cũng vậy thôi, không cần thiết phải dùng biện pháp mạnh. Con sâu cờ bạc, phải biết, có trời mà cản! Tụi nó đánh qua đánh lại, thằng ăn thằng thua, thằng nầy sạch túi thằng kia gom sòng. Thằng ăn rủng rỉnh tiền bạc sẽ trả nhiều, có khi trả dồn cả tháng. Thằng thua chạy đôn chạy đáo quơ quào chụp giựt đầu này đầu kia vài bữa rồi cũng phải đem tiền tới nạp. Chạy trời không khỏi nắng, mất đâu mà sợ, trừ phi tụi nó bán vợ đợ con giở nhà đi chỗ khác. Tuy nghĩ vậy, dì cũng thấy giận giận vì bị qua mặt. Trước khi đi ngủ đã đốt ba cây nhang trên bàn thờ Phật Mẫu, tụng đoạn kinh thời khuya, uống hết một ly nước lạnh rồi mà hình ảnh mấy tờ giấy bạc vung vẩy túa lua trên chiếc chiếu rách bươm ở nhà thằng Tư Cồ cũng mở banh mắt dì ra. Lăn qua lăn lại, trằn trọc trao tráo tới khuya lơ khuya lắc mới chợp mắt thiu thỉu được một chút, mơ mơ màng màng chớ có ngủ ngon lành gì đâu? Thế nhưng hễ tới hừng sáng, mấy tiếng chuông sớm bắt đầu ngân là lòng dì đã len lỏi một cảm giác nhẹ nhàng, những giận hờn bực bội tiêu tan không để lại dấu vết. Dì mường tượng hình ảnh sư cụ ngồi xếp bằng trên cái bồ đoàn lim dim mắt ê a tụng niệm. Dì nhớ tới những buổi đi lễ chùa ngày rằm, mùng một, thiện nam tín nữ chào đón, nói chuyện thân mật, (nhưng chắc họ cũng như dì, đầu môi chót lưỡi đưa đẩy cho qua lề. Ai mà chẳng tỏ ra thuần thành trong lúc ở chốn tôn nghiêm? Rồi ai về nhà nấy tiếp tục đời sống mình, ngày rằm mùng một khác lại đến chùa niềm niềm nỡ nỡ, lạy Phật tụng kinh lần nữa). Sư cụ luôn luôn điềm đạm trong cử chỉ, từ tốn trong lời nói, chậm rãi trong tách nước trà rót mời. Thái độ ung dung thư thái xuất phát từ thâm tâm, không chút gì màu mè, gượng gạo. Ngài, qua một vài câu bình thường, bâng quơ mưa nắng thế nào rồi cũng trở về thuyết luân hồi, nhân quả, khuyên xa khuyên gần mọi người: “Nhà đều ăn cả, tội mang một mình, người làm một việc chẳng minh, đến khi chết xuống ngục hình riêng mang.” Những lúc đó dì cảm động lắm, muốn ăn chay trường một tháng, làm lành, phóng sinh, tha bớt tiền lời cho mấy thằng ôn hoàng dịch lệ làm ăn không khá, cất đầu lên không nổi vay tiền đứng trả lời cả năm mà chưa mẻ được một đồng xu vốn. Dì không dám nghĩ thêm nữa. Lời nguyện phóng sanh cả chục năm không làm được. Tụi nó vay nợ thì phải trả lời. Đó là chuyện đương nhiên. Không, lấy tiền đâu chi phí nầy kia? Tụi lính kín cũng phải cà phê hủ tiếu chút chút chớ bộ không mà được à? Dì ngừng tay giã trầu, dựng cái ống ngoái trước mặt, cái ống ngoái ngã nghiêng màu đồng vàng, lên nước óng ánh ở phía dưới, nhưng ở trên miệng vành, vôi hòa với nước trầu cau đóng một lớp đen xám, đang chiếu một bệt nho nhỏ mờ mờ dưới ánh đèn măng xông. Dì lấy chìa chận lại nó mới đứng vững, vói lấy cái khăn nhỏ, màu đỏ, kế bên rổ trầu cau, lau mép cẩn thận xong chấp tay van vái trong cửa miệng, mặt mày rất thành kính:
‘Nam Mô A Di Đà Phật! Kể từ bữa nay con sám hối, không chửi bới ai nữa, tha bớt tiền lời cho người nghèo, làm ăn chơn chất. Xin Trời Phật phò hộ cho con để con giỗ quải ông bà, dòng họ con bây giờ hỏng còn ai, để tổ tiên làm ma đói con có tội với ông bà.’
Van vái xong dì tiếp tục ngoái tiếp miếng rầu dở dang. Tháng trước hai cái răng cửa còn lại lung lơ mấy bữa rồi rụng ngon lành khi dì lấy lưỡi đẩy mạnh nên chuyện ngoái trầu giờ như một chuyện tiêu khiển để kéo dài cơn thèm thuồng mỗi khi lạt miệng. Lúc vui miệng dì thường giải thích với con Sáu cử chỉ lạ lùng của mình:
‘Như vậy miếng trầu mới đậm đà, nước trầu mới đỏ.’
Tiếng chuông mõ vẫn văng vẳng tặng cho xóm nhỏ không khí buồn buồn nhẹ nhàng, Dì Ba mơ màng đắm chìm trong không gian đượm mùi thoát tục, tuy vẫn đều đầu ngoái trầu, hồn dì đã phiêu lãng về cõi thiên đường đứng ngoài phiền não sân si. Trong một phút ơ hờ cái chìa trợt ra ngoài, đâm đau điếng, dì Ba giựt mạnh tay làm đổ tách nước trà nóng, con Sáu cóm róm rót hầu từ nãy giờ. Nước thấm ướt tờ giấy tính tiền những người phải trả hôm nay kéo dì về thực tế. Cơn giận đại dương cuồng nộ tràn đến, lấp chìm hết tiếng mõ chuông vẫn từ tốn gõ nhịp.
‘Mẹ tổ bà nó. Con Sáu đâu biểu coi. Biểu mầy giũa mấy cái ngạnh chìa ống ngoái lợi cho bớt bén mà mầy hỏng làm nên thân nên hình gì hết. Ngoái trầu chớ bộ ngoái mả ông mả bà mầy sao mà nhọn hoắc thiếu điều đâm lủng ruột người ta vẫn còn được! Tổ cha nó, lũng tay tao rồi nè. Xé miếng thuốc tao đấp lợi coi.’ Dì ngó con Sáu bằng cặp mắt giận dữ rồi tuông ra một câu chửi không ăn nhằm gì hết tới chuyện đứt tay của mình, ‘Thứ đồ con gái hư, có một chuyện nhỏ như vậy làm cũng làm hổng được. Chắc nữa mầy làm mụ ăn quá.’
Con Sáu lính quýnh xé miếng thuốc rê trong rổ trầu áp lên ngón tay trầy của chủ. Nó vừa làm vừa lấm la lấm lét liếc trộm để có thể né tránh kịp lúc những cái vả bất chợt không thể đoán trước. Thuốc đắng thấm vô vết thương rát rạt, dì Ba tiếp tục cằn nhằn theo kiểu của mấy bà chằn ăn trăn quấn:
‘Rát quá! Mẹ, xui gì mà xui tận mạng. Hừm! Mới bảnh mắt ra đã đổ máu rồi. Chắc ngày nay có chuyện lớn. Đâm chém gì đây hổng biết chừng.’
Ngó bộ tịch cóm ra cóm róm của con Sáu, dì càng nổi xung thiên hơn:
‘Mẹ họ, mầy xích lợi gần đây bộ tao ăn thịt mầy sao, đứng xa lơ xa lắc làm sao mà cột. Bộ tao tanh lắm hả?’
Con Sáu xích tới, vẫn với dáng điệu rụt rè cố hữu, ở với dì mấy năm nó hiểu bụng dạ dì quá; nóng nảy, lổ mãng, tuy mộ đạo, kính Phật, trọng tăng, nhưng vẫn có hành động của những người tiền bạc rủng rỉnh quen thói hống hách chưa lần nào bị làm khó dễ, suốt đời đánh chửi người nhưng chưa từng bị ai đánh chửi. Con Sáu ngó bàn tay của dì, bàn tay mập tròn, cụt ngủn tù hãm phía sau cái vòng cẩm thạch xanh mướt, lên nước bóng nhoáng, coi bộ hiền từ, chậm chạp nhưng đã vả trái nhiều thanh niên đã dám kêu lén dì bằng con mẹ Ba Bành nầy, con mẹ Ba Bành nọ. Nó hồi hộp ngang, mấy ngón tay chuối cao kia mà vớt trái vô má thì thấy bảy tám ông trời chớ phải chơi ha? Đó là chưa kể dấu bốn ngón tay in lên đó cầu tới chiều mới lặn lận. Trước đây anh Tư Nhỏ, ảnh đã cằn nhằn cưỡi nhưỡi cả ngày với lại đòi tới chuyện phải quấy rồi. Bây giờ tránh trước là phải!
Dì Ba buồn tình ngồi ngắm nghía ngón tay đau rồi liếc nhìn tờ giấy nợ. Tờ giấy dài sọc tối nào dì cũng đọc cho con Sáu liếm môi méo miệng gò từng chữ, nắn nót từng số, giờ đây chỗ trắng, chỗ vàng vì bị hơ trên tấm kiếng đèn. Dì ngó mấy con số lem nhem, nghĩ tới ngày xui mà bực mình.
Bỗng đâu tiếng đàn cò từ xa vọng lại, réo rắt ru hồn người vào một đem đông gió vi vu lạnh, len lỏi vào căn nhà là trống trải, ngoài kia sạt sào tiếng tàu lá chuối phất phơ. Tiếng đàn thánh thoát u tịch của một đêm trăng mờ, sương nặng hột trên một cánh đồng bạt ngàn, eo sèo những ngọn lúa vừa mới nở đòng đòng rên xiết, đong đưa theo cơn gió. Tiếng đàn chập chờn ánh lửa ma trơi của tha ma mộ địa trong đêm tối trời, bi thiết như sự ra đi vĩnh viễn của người mình vô vàn thương mến, áo não như cảnh trẻ con lạc mẹ bơ vơ giữa chiến trường súng nổ đạn bay.
Nhấp một ngụm nước, dì Sáu chợt nghe tâm tư mình nhão nhẹt, xụm xuống như một căn nhà bỗng nhiên cái nền đất bị rút đi mất bằng một cách nào đó, hình ảnh đám ma ngày trước, thuở dì còn nhỏ lắm, hiện ra trước mắt, chập chờn trước hàng nước mỏng. Một buổi sáng mưa bụi phất phới, gió nhè nhẹ châm buốt mấy ngón tay nhỏ, ngác ngơ vụng dại. Chân trần đạp trên nền đất mềm mềm rin rít của bờ mẫu mấp mô, vừa thốn vừa lạnh. Mắt không hồn, lòng mềm nhũn khi nhìn bà mẹ rũ rượi, trợt lên trợt xuống phía sau cái hòm chưn nhang đang ôm ấp người cha đáng thương sau mấy năm vất vả với cơn bịnh trầm kha thuốc men thiếu thốn. Đứa em nhỏ lẩm đẩm đi giữa đoàn người đưa đám, mắt đỏ hoe, ngơ ngơ ngác ngác, sợi dây thung cột cái đuôi tóc phía sau lắc lư theo những bước chân trơn trợt của nó tăng thêm nỗi bèo bọt xót xa trong từng cái nhìn chia xẻ cảnh ngộ. Đâu đây nghe nho nhỏ tiếng thở dài của bà nội, chập choạng bên vai cô Út…
Dì Ba dằn mạnh ly nước xuống bàn. Chút nước còn sót lại chòng chành mấy miếng xác trà nấu quá độ đã đổi sang màu xám nhạt, lượn lờ rồi chễnh mãng lặn xuống đáy, nằm im chịu đựng… như dì… chịu đựng thời gian trôi qua trong cô tịch, đơn độc. Một con thằn lằn đương liếm chút đường rơi rớt lại từ tối hôm qua ở góc bàn, giựt mình phóng mạnh lên cây cột nhà gần đó.
‘Mẹ tổ đờn gì mà đờn đứt ruột đứt gan. Sáng nào cũng đờn điệu này chắc hỏng ai làm ăn được gì hết. Buồn còn hơn Hạng Võ biệt Ngu Cơ. Sáu, thằng cha nào đờn vậy mầy có biết hông? Sao hồi nào tới giờ tao hổng nghe thằng chả đờn?’
Con Sáu hí ha hí hửng trả lời, giọng của người thông thạo chuyện đầu trên xóm dưới:
‘Trời! Dì Ba hỏng biết chứ tiếng đờn của ổng ai mới xí được vàng nghe cũng còn phát khóc chứ đừng nói nói nghe lúc hừng sáng. Ông Văn Vĩ đó, ổng mới dọn tới ở xéo xéo trước nhà mình mấy bữa nay. Hết xẩy dì Ba ơi, ổng đui mà có ngón đờn buồn tận mạng, hổng chê chỗ nào được!’
‘Ờ, phải cái nhà đưa đít vô nhà thằng Tư Cồ không? Nhà cũ của má thằng Năm Mụn chứ gì? Họ vô ngã khác nên tao có biết gì đâu. À, mà sao mầy rành quá vậy? Con gái mà ngựa bà, dạo đầu trên xóm dưới tối ngày chuyện gì của ai cũng hóng mỏ nghe có bữa hư đó con! Tới chừng ôm bụng thè lè rồi than trời.’
Con Sáu đỏ mặt chống chế:
‘Ổng đờn trên ra dô hoài bộ dì Ba hổng biết sao? Thầy đờn đó, ổng tính mở lớp dạy đờn ở đây. Ngay bữa ổng tới, ổng biểu diễn một đường lả lướt cả xóm này bu coi đông nghẹt ai mà hổng biết? Nít nhỏ còn nằm ngữa cũng biết huống hồ gì con!’
Một cái nguýt dài thậm thượt lưót qua mặt làm con Sáu chết điếng:
‘Mầy nói như vậy là mầy chưởi cha tao không bằng, thôi mầy giỏi tao ngu. Tao hổng biết gì hết. Tao dốt.’
Con Sáu xách bình nước đi te te ra sau nhà, miệng lầm bầm nhỏ nhỏ. Dì Ba ngó theo nó bằng cặp mắt nháng lửa.
Tiếng chuông công phu dứt từ lâu nhưng tiếng đờn vẫn vọng lại, mơ hồ, xa thẳm. Tiếng đờn nhẹ nhàng len lỏi vào từng lỗ chân lông, căng phồng những sợi thần kinh sầu thảm, thấm vào từng khớp xương xao xuyến, bâng khuâng. Tiếng đờn thánh thót ngân dài từng chữ xế xị, nỉ non như đêm u tịch dì tiển chồng ra đi độ nào, lúc còn trẻ lắm.
Ngoài đường cái đã vang dội trong này tiếng xe xích lô máy nổ bình bịch. Mấy tấm ván nhỏ mong manh gá ơ hờ chồng chéo lên nhau dẫn đường vào xóm đã hiện lờ mờ trước mặt. Dì Ba ngó mấy cây cột chưn cầu làm bằng gỗ đước ló lên khỏi mặt nước đục đen, thở dài nghĩ tới dòng sông ở quê nhà… Tiếng đờn như lung lay mặt nước, mấp mô mấy cọng rác lềnh bềnh, tấp vô cây cột xi măng dưới bóng đèn trước cửa. Ánh sáng phản chiếu kéo thời gian về lúc dì ngồi ngó chăm chăm cá ăn bong bóng dưới trăng một đêm rằm nào đó xa xăm, lắng nghe một bản vọng cổ của đài Pháp Á, vọng ra từ cái radio Phillips bốn đèn của thím Sứa vợ chệt Lềnh bán quán đầu xóm. Tiếng đờn lảnh lót, phân câu, phân nhịp, chẻ điệu, nhấn vuốt, tang thương réo rắt như đờn dạo chỗ xuống sáu câu của kép Út Trà Ôn xuống xề bản Tôn Tẩn Giả Điên. “Ý trời đất ơi, cái nông nổi đoạn (ờ…) trường (tình tinh tích tịch tình tinh) Bởi vì tôi quá tin nơi thằng Bàng Quyên là bạn thiết với tôi cho nên ngày hôm nay đây nó mới chặt đứt một bàn chân tôi. Còn như công cuộc ngày hôm nay đây (…)
Dì Ba thở dài thậm thượt, đổi thế ngồi nhiều lần, hớp hết mấy ngụm nước mà vẫn không hết buồn. Dì thấy mình phải nói gì đó để đánh tan không khí sầu thảm bao vây quanh mình nảy giờ:
‘Sáu ơi, lên tao biểu coi. Mới sáng bảnh mắt ra gặp bản mặt mày là thấy hãm tài rồi.’ Rồi dì giả lả đổi giọng ngọt ngào hơn, ‘Đâu mày thử chạy qua nhà ông thầy đờn năn nỉ ông đừng đờn nữa có được hông? Kêu ổng có đờn thì để trưa hãy đờn. Tưng bửng sáng mà đờn kiểu này tao nhớ nhà quá còn làm ăn gì được nữa. Đờn gì mà nghe như chết rồi. Buồn còn hơn đám ma ông cố nội tao nữa.’
Con Sáu chần chờ ngó chủ. Một phần nó tiếc tiếng đờn đã mang đến điều gì đó khang khác trong lòng nó, một phần nó thấy có chút xíu vướng víu vô lý trong lời yêu cầu. Nó lóng tai nghe như cố thâu những âm thanh quý giá cuối cùng rồi mới chậm rãi dợm cẳng bước đi.
Nghĩ sao không biết dì Ba đổi ý:
‘Mà thôi, khỏi nữa.’ Dì lại thở dài trầm ngâm tâm sự. ‘Mấy chục năm nay lo chạy cơm chạy gạo đâu có thời giờ ở không mà nhớ nhà. Sáu, tao thương tiếng đờn của ổng quá. Ổng làm tao sống lại cái thời tao còn nhỏ bằng mầy bây giờ. Tao nhớ ràng ràng bụi chuối sứ lùn sau hè, cái giếng mội sau nhà, con chó mực nằm vẫy đuôi kế bên cửa. Tiếng đờn ổng là hương vị quê hương, là hồn dân tộc đó Sáu. Ổng không đờn tao đâu có thấy lại được thời con gái của tao, tao đâu thấy được quê nhà, thấy cha, thấy mẹ, thấy em, thấy bà nội…’
Con Sáu đứng lặng thinh, nó hiểu nửa nạc nửa mỡ, chữ có chữ không lời của bà chủ, nhưng trong đáy lòng nó bỗng như có phép lạ huyền bí tẩy rửa một cách chớp nhoáng những tình cảm thù địch, xa lạ với bà chủ đã có bấy lâu nay, nó không còn thấy ghét người đàn bà đã từng đánh chửi, ức hiếp, bốc lột nó nữa. Nó lờ mờ cảm nhận lời nói kia là đúng, chí tình và người đàn bà làm nghề cho vay hút máu đáng kinh tởm trước mặt cũng có một tâm tình đáng thương mến, quí trọng. Nó cũng loáng thoáng nhận chân rằng bà ta và nó ít ra cũng đồng đều trong việc cảm nhận một giọng đờn; trong việc để lòng mình xao xuyến, buồn vui cùng một nguyên nhân, như hai người bạn chí cốt, chỉ cần ngó nhau là biết lòng nhau. Hôm qua tới giờ nó thấy nhớ nhung một cái gì, lòng nó bức rức bâng khuâng nhưng nó không hiểu nguyên do. Nó chỉ thoang tháng cảm nhận cái buồn buồn vui vui đó khác với mấy bữa vắng anh Tư Nhỏ, hay gặp lại ảnh sau cả tuần ảnh theo xe xuống miệt dưới trở về. Giờ nó mới biết đó là hương vị quê hương, là tình tự dân tộc thể hiện bằng âm thanh của người nghệ sĩ mới gia nhập vào thành phần cư dân của xóm.
Lấn thứ nhứt, nó mỉm cười vuốt đuôi chủ sau cái hít hà thiệt dài:
‘Dì Ba nói đúng dàng trời, ổng đờn hay quá mạng. Con cũng nhớ nhà hổng biết làm sao nói cho được.’
Rồi thấy mặt chủ vui vui, con Sáu tâm sự:
‘Nghe ổng đờn con nhớ trực lợi cảnh mấy năm trước, hồi còn ở dưới quê, tưởng tượng ra cảnh buồn phải xa nhà khi nghe dì Bảy hàng xóm hát ru em cái gì mà: Chiều chiều chim vịt kêu chiều, Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau!’
Mẹ, con nhỏ coi lẩm rẩm vậy mà nói năng nghe được ớn, đờn gì mà nghe như thắt tim cắt ruột người ta, ai nghe hỏng khóc mới là chuyện lạ. Dì Ba kéo khăn chầm chậm lau nước mắt, con Sáu lững thững bước ra sau bếp. Tiếng đờn vẫn đuổi theo sau lưng nó, thê lương, bức rức, châm những mũi kim nhè nhẹ thấm thía vào lòng người đàn bà lâu nay tình cảm đã hóa đá.
Theo năm tháng, xóm Kho Năm rộn rịp hơn. Cầu ván, cầu khỉ bắt xiêng bắt quàng tạm bợ trên bùn lầy nước đọng lần lần được thay thế bằng những tấm vĩ xi măng cốt sắt ngay hàng thẳng lối. Nước bùn đặt sệt của ngọn cùng con rạch đang rảy chết từ từ bị rác rến và xà bần đổ xuống chận đứng nên lớn ròng lừ đừ uể oải hơn. Một vài, rồi một vài căn nhà lầu được dựng lên, mấy cây bần, chùm bát theo nhau mất dấu, thay vô đó là những chậu kiểng, chậu hồng, những hàng bông giấy, bông bụp, dây tơ hồng, hoa ti gôn… đua nhau khoe sắc.
Tiếng đờn của người nghệ sĩ mù và âm thanh chuông mõ công phu vẫn là món ăn tinh thần của dân chúng mỗi sáng. Tiếng chuông mõ như liều thuốc rửa bợn nhơ còn sót lại của ngày hôm qua. Tiếng đờn như ly cà phê sữa nóng người ta đổ ra dĩa thổi cho mau nguội, ngồi từ tốn chấm với dầu cháo quẩy, bánh tiêu. Hai thứ, đều không thể thiếu như mấy dĩa xíu mại nước mỡ lấm tấm chung quanh, trên có miếng gan hay miếng sườn nhỏ, chấm bằng miếng bánh mì dòn rụm lót lòng buổi sáng.
Và trong tiệm nước, đề tài bàn tán ngoài chuyện lẩm cẩm, dơ dáy như con mẹ nầy theo thằng cha nọ, thằng kia ngủ với con nầy.. còn có điều gì nghĩa lý hơn. Đó là chuyện mấy chú nhỏ 15, 16 con nít chưa hết con nít, người lớn chưa tới người lớn trước đây tối ngày tụm năm tụm bảy phá làng phá xóm, chọc ghẹo đàn bà con gái, sau một thời gian tập tành đờn ca đã chửng chạc hơn nhiều, chiều chiều cùng nhau dợt lại bài bản để trình diễn giúp vui đám nào cần tới. Đó là chuyện tiếng đờn đã cảm hóa được dì Ba Bành, người đàn bà cho vay cắt cổ mổ họng giờ đây đã bỏ nghề cũ, mở một tiệm chạp phô nho nhỏ, sống đời lương thiện, đạm bạc, mỗi sáng ngồi bên ly nước trà nóng trầm ngâm thả hồn về quá khứ…
Bữa nào khi chuông công phu gần dứt mà chưa nghe tiếng tưng tửng đờn dạo đầu, thế nào dì cũng bồn chồn hỏi con Sáu:
‘Sáu ơi! Con qua coi ông Văn Vĩ ổng dậy chưa con. Sao dì hổng nghe ổng đờn. Ổng làm reo điệu này dì ăn trầu hết ngon rồi! Con năn nỉ ổng đờn lẹ lẹ lên chứ hỏng thôi sáng nay vô vị quá. Lạt miệng còn hơn ăn trầu hỏng có vôi.’
Con Sáu khỏi cần đi, trong không gian sớm mai se se lành lạnh, tiếng đờn như để đáp ứng sự chờ mong của mọi người, cất lên véo von tỉ tê, rót mật, luồng những âm thanh liếng láy vào trong hồn trong não… Tiếng đờn hương vị quê hương, đem món ăn tinh thần đến cho những người ở xóm nhỏ Kho Năm chật chội như một món quà thiêng liêng mà mọi người chấp nhận như một ân sủng cho riêng xóm mình…