ĐÀM TRUNG PHÁP
ĐIỂM SÁCH
CHỮ NHO & ĐỜI SỐNG MỚI
(NGUYỄN NGỌC PHÁCH)
Tổ-hợp Xuất-bản Miền Đông Hoa-kỳ
Xuất bản năm 2004 • 730 trang
Điện thoại: 703-525-4538
Trong mùa Giáng Sinh 2003 từ Dallas đi thăm gia đình, tôi ghé tiệm sách Tự Lực tại Little Saigon và ngẫu nhiên mua được cuốn CHỮ NHO VÀ ĐỜI SỐNG MỚI – với tựa đề phụ “Thành-ngữ Hán-Việt Thông-dụng” – do Giáo Sư Nguyễn Ngọc Phách biên soạn. Ngờ đâu tôi vừa tặng cho tôi một món quà đặc biệt! Là người mê ngôn ngữ, tôi không thể rời cuốn CN&ĐSM trong nguyên một tuần lễ, và thích nó đến nỗi phải thông báo ngay cho lớp Hán-Việt do Viện Việt Học tổ chức trên Internet! Kinh nghiệm thú vị này khiến tôi nhớ lại thuở xa xưa khi mua được cuốn Benét’s Reader’s Encyclopedia của nhà xuất bản Harper-Collins khi còn là sinh viên văn khoa tại một đại học Mỹ vào đầu thập niên 1960.
CHỮ NHO VÀ ĐỜI SỐNG MỚI là nơi tập trung của hằng hà sa số thành ngữ Hán-Việt xếp theo mẫu tự la-tinh, từ “a di đà phật” tới “yểu thọ bất nhị.” Kiến thức bao trùm cả đông lẫn tây cộng với cái duyên mặn mà và lòng chân thành lồ lộ của soạn giả Nguyễn Ngọc Phách trong những lời bàn rộng cho các thành ngữ trong sách làm tôi sảng khoái. Xin đan cử lời bàn rộng của Nguyễn soạn giả trong thành ngữ “đa nam, đa thọ, đa phú 多 男 多 夀 多 富” (trang 132) có nghĩa đông con trai, lắm tuổi, nhiều của –lời chúc đầu năm ông cha ta đời xưa rất thích: “Theo sách Trang-Tử Bích thì khi Vua Nghiêu đi chơi đất Hoa, nhà vua được viên quan trấn giữ biên thùy chúc như vậy thì ông đã trả lời: ‘Đa nam đa ưu, đa thọ đa nhục, đa phú đa oán’ (lắm con trai thì lo sợ nhiều, sống lâu thì nhục nhã nhiều, càng giàu có thì càng thêm người oán hận. Cũng có khi câu này được rút ngắn là ‘Đa nam đa cụ, đa thọ đa nhục’ (con lắm, sợ nhiều, sống lâu, nhục lắm). Nhưng ra vẻ người Á Đông vẫn thích mấy lời chúc này nên đến giờ người đã sang đến Mỹ mà còn chơi tranh và tượng Tam Đa (the three abundancies). Tranh loại này thường vẽ ba ông già diện-mạo phúc hậu, một ông bế cháu (đa nam), một ông râu dài chấm rốn tay cầm trái đào (đa thọ), và một ông trông bệ vệ, giầu có (đa phú). Tranh Tam Đa còn được gọi là tranh Phúc, Lộc, Thọ, một khái niệm rất được người Việt mến chuộng nên ở đâu cũng có Cư-xá Tam Đa.”
Lối trình bầy nhất quán và hệ thống hóa làm cuốn sách dễ dùng. Mỗi mục từ là một thành ngữ Hán-Việt được viết bằng chữ quốc ngữ, và nằm ngay phía dưới là các chữ nho tương ứng viết dạng phồn thể chân phương. Rồi nghĩa đen từng chữ nho được chuyển qua tiếng Việt, tiếp theo là ý nghĩa toàn thể của thành ngữ được giải thích rõ ràng, có khi kèm theo các thành ngữ tiếng nôm tương đương, và sau cùng là một giải thích súc tích bằng tiếng Anh hàn lâm. Chẳng hạn thành ngữ “hữu danh vô thực 有 名 無 实” (trang 207) được cắt nghĩa thế này: “[hữu = có, danh = tên, vô = không, thực = thực]. Chỉ có hư danh chứ không có thực quyền – như có tiếng mà không có miếng [Quốc-ngữ]: It is so in name but not in reality > merely nominal.”
Soạn giả đã bỏ ra nguyên một năm chỉ để hoàn tất phần Sách-dẫn & Cách Dùng dài 116 trang, in trong phần cuối cuốn sách. Cứ xem sự phong phú bát ngàn của nội dung, bảng liệt kê Sách & Tư-Liệu Tra-Cứu (trang 612) với những nguồn thông tin khả tín, và sự kỹ lưỡng, căn cơ của phần Sách-dẫn (Index) để người sử dụng cuốn sách có thể “kiểm-tra cả hàng ngang lẫn hàng dọc”, tôi thiết nghĩ bộ sách tra cứu nghiêm túc này hẳn phải là kết quả khá nhiều năm của một “labor of love”, một nỗ lực vị tha rất đáng ngưỡng mộ.
Theo tâm lý giáo dục ngày nay tại Hoa Kỳ, tài liệu học tập tốt nhất khi nó là tổng hợp của các bộ môn khác nhau cùng chuyên tâm một vấn đề, vì sự hiểu biết phát triển mạnh nhất qua những mối liên quan tri thức. Vì lý do này, một bài học hữu hiệu phải là một “đơn vị chủ đề” (thematic unit) được khai phá từ nhiều khía cạnh. Vô tình hay hữu ý, rất nhiều mục từ trong CHỮ NHO VÀ ĐỜI SỐNG MỚI phản ánh triết lý giáo dục vừa kể. Những mục từ này có thể được coi như những “đơn vị chủ đề” thượng hạng, trong đó những mối quan hệ kiến thức trong các lãnh vực văn chương, triết học, chánh trị được thực hiện một cách tự nhiên, qua những lời bàn rộng ra của tác giả.
Thành ngữ “thiên hạ vi công 天 下 爲 公” (một mục từ trong sách, trang 479) là một thí dụ cho nhận định nêu trên. Bốn chữ này đã là một dấu hỏi trong trí não tôi nhiều năm nay, từ khi tôi thấy chúng được viết lớn trên nóc một cổng dẫn vào Chinatown ở thành phố New York. Tò mò, tôi hỏi một người bạn trí thức gốc Trung Hoa thì được biết câu ấy là của Tôn Dật-tiên, nhưng chưa hài lòng vì không biết chút nào về ngữ cảnh (context) của nó. Lời giải thích gọn gàng của Nguyễn soạn giả làm tôi rất hài lòng với sự hiểu biết mới của thành ngữ “thiên hạ vi công,” đặc biệt là chi tiết sau đây: “Thành ngữ này thực ra chỉ là phần chót của một câu Tôn Dật-tiên viết ngay trong đầu bài nói về Thuyết Đại Đồng: Đại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công – Đạo Trời được thi hành thì thiên hạ là của chung mọi người.”
CHỮ NHO VÀ ĐỜI SỐNG MỚI là một kho tàng kiến thức đầy hoa thơm cỏ lạ trong các lãnh vực ngôn ngữ, văn chương, triết học, và chính trị đang chờ đón những độc giả muốn thăng hoa tri thức. Mặc dù cuốn sách này được soạn giả nhắm vào giới trẻ Việt Nam sinh trưởng tại phương Tây cho nên không giỏi tiếng Việt, sự ích lợi của nó không có biên giới. Ai ai muốn trau giồi tiếng Việt đều cần cuốn sách tra cứu này.
[ĐTP 2004]