Đàm Trung Pháp

MỘT BIỆN PHÁP TU TỪ ĐẶC BIỆT

TRONG THƠ PRÉVERT VÀ NGUYÊN SA

Hai nhà thơ cận đại mà bút giả ái mộ là Jacques Prévert (1900-1977) và Nguyên Sa (1932-1998). Hai thi sĩ này giống nhau ở chỗ họ sử dụng tài tình những chuỗi “liệt kê” (énumérations) trong thơ để làm sáng tỏ tối  đa nội dung.  Đó là lối viết lớp lang trong trật tự, điển hình như trong câu ca dao quen thuộc “một thương tóc bỏ đuôi gà, hai thương ăn nói mặn mà có duyên, ba thương má lúm đồng tiền” của chúng ta. Bút giả võ đoán Prévert đã ảnh hưởng không ít đến Nguyên Sa khi nhà thơ này du học tại Paris vào những năm đầu thập niên 1950. Nếu những bài thơ tình dễ đọc và dễ cảm thông như những lời nói thường ngày khiến Prévert lẫy lừng danh tiếng bên Pháp thì những bài thơ tình trinh nguyên đẹp như mơ của Nguyên Sa cũng đã mang lại cho ông rất nhiều người ái mộ tại Việt Nam.

Một trong những bài thơ Prévert mà bút giả thích nhất là bài rất ngắn mang tên “Paris at night” (vâng, đề tài bài thơ tiếng Pháp này chính Prévert đã viết bằng tiếng Anh).  Bài thơ ấy gọn và chính xác như một lệnh hành quân, thứ tự lớp lang đâu vào đấy khiến người đọc không còn phải thắc mắc gì nữa về nội dung của nó. Vai trò của ba que diêm lần lượt được nhà thơ đốt lên trong bài thơ nói về cuộc sống ban đêm ở Paris rõ rệt lắm. Que thứ nhất để ta nhìn mặt em trọn vẹn, que thứ hai để ta chiêm ngưỡng đôi mắt em, và que chót để ta ngắm miệng em. Sau đó là bóng tối hoàn toàn để ta nhớ lại tất cả những điều ấy trong khi ta ôm chặt em trong vòng tay ân ái. Với dàn bài là một tràng kể lể, ngôn ngữ dân gian, cú pháp đơn giản, và ý thơ khiêu khích, “Paris at night” không những chỉ là một tuyệt tác mà, theo bút giả, còn là một tài liệu học tập rất tốt cho những ai muốn trau giồi khả năng viết văn tiếng Pháp :

 

Trois allumettes une à une allumées dans la nuit

La [première] pour voir ton visage tout entier

La [seconde] pour voir tes yeux

La [dernière] pour voir ta bouche

Et l’obscurité tout entière pour me rappeler tout cela

En te serrant dans mes bras

 

Nguyên Sa cũng có những bài thơ sử dụng liệt kê lớp lang như Prévert vậy, chẳng hạn như bài “Năm ngón tay” với ngôn từ và cú pháp giản dị tối đa và lời kết là một hờn mát chủ nhân của bàn tay ngà nào đó :

 

Trên bàn tay năm ngón

Có [ngón dài] [ngón ngắn]

Có ngón [chỉ đường đi]

Có ngón tay [đeo nhẫn]

Ngón tay [tô môi]

Ngón tay [đánh phấn]

Ngón tay [chải đầu]

Ngón tay [đếm tiền]

Ngón tay [lái xe]

Ngón tay [thử coóc-sê]

Ngón tay [cài khuy áo]

Em còn [ngón tay] nào

Để [giữ lấy tay anh]?

 

Vẫn dùng tu-từ-pháp đặc trưng ấy, trong bài “Alicante” Prévert tổng kết những chi tiết rõ rệt trong buổi ái ân với một kiều nữ như sau: [một trái cam trên bàn] [quần áo nàng trên thảm] [nàng trên giường ta] [quà tặng ngọt ngào cho hiện tại] [cảm giác rượi mát ban đêm] [cảm giác ấm áp đời ta]. Người đọc tinh ý sẽ thấy câu thơ số 4 là một cách “nói nhịu” (contrepèterie) tài tình cắt nghĩa câu thơ số 1, câu 5 cắt nghĩa câu 2, và câu 6 cắt nghĩa câu 3:

 

Une orange sur la table

Ta robe sur le tapis

Et toi dans mon lit

Doux présent du présent

                                                                Fraicheur de la nuit

Chaleur de ma vie

 

Một chuỗi liệt kê những câu phức hợp bắt đầu bằng những mệnh đề phụ chỉ điều kiện, đi đôi với ngôn từ khuếch đại, làm cho bài “Gọi em” của Nguyên Sa thực khó quên. Đây là những lời thi nhân cuống quít muốn nói với cô bạn gái mà “một buổi sáng tỉnh dậy” chàng đã thấy ra khỏi vòng tay mình :

 

Tôi bảo rằng: em phải về ngay

Nếu em là [gió] tôi sẽ làm [trăng]

Em là [trăng] tôi sẽ là [mây]

Nếu em là [mây] tôi sẽ làm [gió] thổi

Còn nếu em là [chân trời xa] tôi sẽ làm

[cánh chim bằng] rong ruổi

Em là [mặt trời] thì ở trên đường xích đạo

tôi sẽ muôn đời làm một kiếp [hướng dương]

 

Ngoài chủ đề tình ái quen thuộc như đã trình bầy ở trên, Prévert và Nguyên Sa còn làm thơ để châm biếm các quy ước xã hội hoặc nhắc nhở đến những vấn đề nhân sinh, trong đó cái vô lý của chiến tranh là một mối quan tâm lớn, với lời thơ nhuốm một nỗi sầu man mác và vẫn dùng phương thức liệt kê độc đáo của họ. Bài thơ “Barbara” lẫy lừng của Prévert – từ lâu đã được phổ nhạc để hát trong các quán rượu và khiêu vũ trường – có thể làm người đọc rơi lệ thương cảm cho mối tình mới chớm nở đã bị chiến tranh cướp mất giữa nàng Barbara và một chàng trai thời loạn. Là chứng nhân của mối tình ấy, Prévert trìu mến nhớ lại lúc cặp tình nhân gặp nhau dưới làn mưa hạnh phúc, khi Barbara vội chạy vào trong vòng tay người yêu, đầm đìa nước mưa, mừng vui, hớn hở. Trong ba câu dưới đây, Prévert đã thực hiện các liệt kê này : câu (1) và (3) chứa hai động tác cuống cuồng của một phụ nữ đang yêu [chạy vội] về phía người yêu và [ném mình] vào trong vòng tay chàng, câu (2) kê ra ba hình dung từ rất đẹp để tả người phụ nữ đang yêu dưới mưa ấy [đầm đìa] [mừng vui] [hớn hở)] :

 

Et tu as couru vers lui sous la pluie

Ruisselante | ravie | épanouie

Et tu t’es jetée dans ses bras

 

Nhưng dưới trận mưa [sắt] [lửa] [thép] [máu] của chiến tranh ngu xuẩn, em bây giờ ra sao, hỡi Barbara, và cái anh chàng đã ôm em đắm đuối trong vòng tay bây giờ thế nào : [chết] [mất tích] hay [còn sống] ? Những kể lể ấy làm cho đoạn thơ kế tiếp thêm xót xa, ái ngại:

 

Quelle connerie la guerre

Qu’es-tu devenue maintenant

Sous cette pluie de fer

de feu | d’acier | de sang

Et celui qui te serrait dans ses bras

                                                                    Amoureusement

Est-il mort | disparu | ou bien encore | vivant

 

“Cắt tóc ăn tết” của Nguyên Sa là một thác nước kể lể thần sầu đánh mạnh vào tâm tư người đọc như một lời kinh xin giải tội cho một đất nước đang băng hoại đạo đức trong cơn khói lửa. Ngày nay đọc lại bài ấy, ta không khỏi buồn man mác và nuối tiếc vì lời nguyện cầu của nhà thơ ưu thời mẫn thế đó đã không được trời đất chấp nhận cho.  Bài viết này được kết thúc bằng một vài đoạn đặc sắc trong bài thơ sầu bi ấy của Nguyên Sa:

 

Cắt cho ta, hãy cắt cho ta

Cắt cho ta sợi [dài]

Cắt cho ta sợi [ngắn]

                                                               Cắt cái sợi [ăn gian]

Cắt cái sợi [nói dối]

Sợi [ăn cắp] trên đầu

Sợi [vu oan] dưới gáy

Sợi [bè phái] đâm ngang

Sợi [ghen tuông] đứng dọc

Sợi [xích chiến xa] sợi [giây thòng lọng]

Sợi [hưu chiến mỏng manh] sợi [hận thù buộc chặt]

 

= = = 

 

Cắt cho ta

Cắt cho ta, hãy cắt cho ta

Sợi [Hà-Nội khóc trong mưa]

                                                   Sợi [Sài-Gòn buồn trong nắng]

Sợi [dạy học chán phè]

Sợi [làm thơ thiểu não]

Sợi [đặc] như dùi cui

Sợi [rỗng] như khẩu hiệu

Sợi [nhọn] như lưỡi lê

Sợi [cứng] như dây thép gai

 

= = = 

 

Hãy cắt cho ta

Sợi [chảy xuống má cha]

Sợi [vắt ngang trán mẹ]

Sợi [cắt đứt tim chồng]

Sợi [chặt đôi ruột vợ]

 

[ĐTP 05-2008]