ĐÀM TRUNG PHÁP

ĐIỂM SÁCH:

PHÙ THUẬT VIỆT NAM

(LÊ VĂN LÂN)

NXB Nam Việt / 2009 / 333 trang
Điện thoại liên lạc: 512-252-9827

https://1.bp.blogspot.com/-c1bYN7ONruw/WPzGQIZd6oI/AAAAAAAAyVo/qd_k5d-kTp02o-bRJ7WNppzbVerZ0OGmwCLcB/s400/image001.jpg

PHÙ THUẬT VIỆT NAM (PTVN) do Bác sĩ Lê Văn Lân biên khảo là một tác phẩm hấp dẫn lạ thường. Có thể nói “ma lực” của cuốn sách đã khiến tôi bỏ ngang các công việc khác để có thì giờ đọc nó từ đầu đến cuối trong một ngày. Đọc xong, tôi thấy như tôi đã tìm ra cho mình một gốc rễ tinh thần nào đó, cũng như một lạc thú tâm linh hiếm quý.

Được viết một cách vừa lôi cuốn vừa uyên bác, cuốn biên khảo này đã rành rẽ phơi bầy ra cái tiềm thức tâm linh kỳ bí của người Việt – một điều mà nhiều người trong chúng ta muốn tìm hiểu nhưng chưa có tài liệu giá trị khả tín. Các tài liệu trước đây viết về nếp sống người Việt thì chỉ đề cập sơ sơ và mơ hồ về thế giới tâm linh kỳ bí này. Để tránh mọi hiểu lầm, tôi xin nhấn mạnh rằng PTVN là một công trình biên khảo nghiêm túc về văn hóa dân tộc, và tác giả của nó – một y khoa bác sĩ – tuyệt đối không phải là một đạo sĩ hay pháp sư tuyên truyền về dị đoan trong sự trị bệnh. Như ông đã xác quyết trong phần mở đầu cuốn biên khảo, “Chúng ta thiết tưởng phải gột bỏ định kiến coi bùa chú là ‘dị đoan’ mà chúng ta nên có thái độ mở rộng tâm trí mà nghĩ rằng đó là những vấn đề thuộc phần tiềm thức hay linh thể trong lãnh vực của một nền văn hóa cổ xưa, và đường hướng thích nghi nhất là phải điều tra, khảo sát và phân tích cái nền tảng tín ngưỡng của dân Việt Nam ta qua giòng lịch sử triết lý và văn hóa” (trang 34).

PTVN được in ấn trang nhã với những hình ảnh minh họa hấp dẫn, chữ in khổ lớn dễ đọc, sự phân chia nội dung của sách ra từng phần và từng chương rất hợp lý và nhất quán.  Nhìn vào mục lục đầy ắp chủ đề được xếp đặt mạch lạc, người đọc sẽ có cảm tình ngay với cuốn sách và thêm tin tưởng vào khả năng trình bầy những kiến thức, những phát hiện mới của tác giả một cách khoa học và có hệ thống rõ rệt.

Nội dung được truyền đạt một cách trong sáng để người đọc dễ hiểu, và có mối liên kết lớp lang giúp người đọc có được cái nhìn toàn diện mạch lạc. Văn phong của tác giả luôn thanh lịch, bình thản, với những ẩn dụ nên thơ rải rác đó đây. Đáng quý thay lời nhận định khiêm cung của tác giả khi ông thấy các công trình đồ sộ của người Trung hoa, Nhật bản, và Tây phương nghiên cứu về pho kinh điển của Đạo giáo: “Nhìn lại công trình khảo sát của thiên hạ, chúng ta mới quả thấy mình như chim chích lạc vô rừng sâu” (trang 19).

Nhưng tôi thấy con chim chích khiêm hạ đầy thiện tâm thiện chí đã mạnh bạo một mình bay vô cõi rừng u linh ấy, mê say học hỏi trong một thời gian đằng đẵng, rồi bay ra khỏi cánh rừng để chia xẻ những điều đã học hỏi được một cách lớp lang tuần tự, nhờ vào cách chuyển đoạn, chuyển ý thông minh và đầy cẩn trọng của tác giả.

Kiến thức vững vàng trong các lãnh vực hóa học, thực vật học, y khoa, tôn giáo, và tâm lý học phân tích của tác giả đã được sử dụng để giải thích một số hiện tượng kỳ bí – như cây ngải, cách nuôi ngải, và giải ngải, cũng như về cái hội chứng chết đột ngột bất đắc kỳ tử vào ban đêm (gọi nôm na là “ma đè”) của khoảng 100 người tỵ nạn gốc Mòng (Hmong) còn trẻ và đang khỏe mạnh.

Tôi thiết nghĩ nếu có thêm một thư tịch đầy đủ hơn và vài trang danh mục cuối sách (index), PTVN sẽ là một tài liệu giáo khoa thượng đẳng. Trong trào lưu giáo dục đa sắc tộc, đa văn hóa đang thăng hoa ngày nay tại Mỹ, tôi uớc mong sẽ có người sử dụng tài liệu quý giá này làm chuẩn để khai phá thêm, cập nhật, và biến nó thành một luận án tiến sĩ hoặc thành một cuốn sách giáo khoa dành cho các sinh viên chuyên về nhân chủng học.

Cái tiềm thức tâm linh kỳ bí được phơi bầy trong PTVN đã gắn liền với nếp sống Việt Nam từ bao nhiêu đời nay – nó hiển hiện đậm nét ngay cả trong ngôn ngữ Truyện Kiều dưới thần bút đệ nhất thi hào Nguyễn Du.

Bạo thay – thách thức lời khuyên “kính quỷ thần nhi viễn chi” của người xưa – Nguyễn Du đã cho Thúy Kiều tiếp xúc với người ca kỹ bạc mệnh Đạm Tiên nằm dưới tấm mồ vô chủ! Đó là đoạn Thúy Kiều cùng hai em đi qua tấm mồ “hương khói vắng tanh” ấy trong cảnh xuân rực rỡ của hội đạp thanh, và nàng đã xót xa, thắp hương để “người dưới suối vàng biết cho.” Rồi nàng còn:

Rút trâm sẵn giắt mái đầu

Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần

Lại càng mê mẩn tâm thần

Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra

Lại càng ủ dột nét hoa

Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài

Khi em gái Thúy Vân chê chị “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” và em trai Vương Quan trách lời nói gở của chị “thấy người nằm đó biết sau thế nào?” thì Thúy Kiều quả quyết đáp lại, chắc như đinh đóng cột:

Kiều rằng những đấng tài hoa

Thác là thể phách còn là tinh anh

Dễ hay tình lại gặp tình

Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ

Thiêng thay, như thần giao cách cảm, hồn ma Đạm Tiên xuất hiện – mạnh như gió cuốn, thoảng mùi hương phấn, dấu giầy in rõ mồn một trên rêu:

Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay

Ào ào đổ lộc rung cây

Ở trong dường có hương bay ít nhiều

Đè chừng ngọn gió lần theo

Dấu giầy từng bước in rêu rành rành

Như tôi đã chia xẻ cùng tác giả PTVN trong thời gian ông biên soạn cuốn sách, thế giới u linh không còn là chuyện tầm phào nữa đâu, vì ngay cả các trường đại học lừng danh nhất nước Mỹ đã từng cấp phát văn bằng tiến sĩ cho một số sinh viên viết luận án về bùa chú và các đề tài tương tự. Điển hình là sinh viên Bradford Verter đã bảo vệ thành công luận án viết về sự xuất hiện cận đại của “bí đạo” hoặc niềm tin vào huyền bí (occultism), và được Đại Học Princeton cấp văn bằng tiến sĩ về lịch sử tôn giáo năm 1997. Tiếp đó, năm 2000 Đại Học Harvard cũng đã cấp văn bằng tiến sĩ về nhân chủng học cho sinh viên Kori Pekala với luận án viết về những phương cách để đánh bại quỷ thần (gồm quỷ thuật, bùa chú, trù ểm, trừ tà) nêu trong sách kinh tôn giáo cổ Avesta tại xứ Ba Tư.  Thế mới biết cái thế giới u linh mà Bác sĩ Lê Văn Lân đã tìm hiểu cho người Việt chúng ta cũng bàng bạc trong văn hóa nhân loại.

Bác sĩ Lê Văn Lân là cây bút biên khảo kiệt xuất của chúng ta tại hải ngoại, và PTVN lại một lần nữa chứng minh tài năng siêu việt này của ông.

[ĐTP 2009]