Đàm Trung Pháp 

CÁC “DỊ BẢN” NGÀY NAY

CỦA ANH NGỮ TIÊU CHUẨN

 

LINGUA FRANCA HOÀN VŨ

Thực khó mà coi nhẹ vai trò tiếng Anh ngày nay trên thế giới. Tiếng Anh hiện được coi là một “lingua franca” tức là thứ tiếng dùng chung của những người không nói cùng một thứ tiếng mẹ đẻ. David Crystal (1996) ước lượng số người sử dụng tiếng Anh trong ba khối nhân loại như sau:

Những xứ mà đại đa số dân chúng nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, như Hoa Kỳ, Anh Cát Lợi, Úc Đại Lợi, vân vân có khoảng từ 320 đến 380 triệu người;

Những xứ mà dân chúng sử dụng tiếng Anh từ lâu như Ấn Độ, Tân Gia Ba, Ghana, vân vân có khoảng từ 150 đến 300 triệu người; và

Những xứ như Trung Hoa, Nga, Việt Nam, vân vân có khoảng từ 100 triệu đến 1 tỷ người.

Như vậy, con số người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ nhỏ hơn con số người dùng nó như một thứ ngôn ngữ thứ hai rất nhiều. Tổng cộng, tối đa có cả thẩy 1 tỷ 680 triệu người dùng tiếng Anh trên thế giới. Hiện là ngôn ngữ phổ cập nhất hoàn cầu, tiếng Anh sẽ dễ dàng duy trì được uy thế này trong những thế kỷ kế tiếp.

HIỆN-TƯỢNG BẢN-XỨ-HÓA

Hiển nhiên khi tiếng Anh lan tràn đến một nơi xa lạ, nó sẽ không thoát khỏi ảnh hưởng tiếng nói của người địa phương, trong tiến trình bản xứ hóa. Hiện tượng trăm hoa đua nở này đã mang lại nhiều dị bản khác nhau cho tiếng Anh, đến nỗi ngày nay các nhà nghiên cứu đã phải dùng số nhiều cho danh từ “English” khi nói đến “the Englishes of the world today”!

Hai yếu tố thường được chú ý nhiều nhất trong hiện tượng bản xứ hóa là phát âm và từ vựng. Bằng phương cách đối chiếu, các nhà nghiên cứu có thể phát hiện và hệ thống hóa những khác biệt đặc thù giữa tiếng Anh tiêu chuẩn và tiếng Anh bản xứ hóa. Nhưng thế chưa đủ, vì tiến trình này còn phản ánh vài yếu tố sáng tạo khác, như sự giản dị hóa cú pháp hoặc sự sử dụng những phương thức tu từ cá biệt của các ngôn ngữ địa phương liên hệ.

DỊ-BẢN ẤN-ĐỘ

Xin mở đầu bằng một câu chuyện có vẻ huyễn hoặc nhưng lại không vô lý chút nào, dựa vào những khám phá chính xác đã phối kiểm của môn phát-âm-học so sánh. Giả dụ chúng ta đang dự một buổi tiếp tân tại một khách sạn bên Ấn Độ, quê hương của biết bao thứ mãng xà. Khi nghe vị MC bản xứ dõng dạc nói qua máy vi âm điều gì nghe rõ ràng là “Snakes are now in the hole, please serve yourself!” thì chắc chắn chúng ta sẽ hết vía. Khiếp quá, ban tổ chức cho quan khách thưởng thức món đặc biệt gì đây? Hổ mang hoa hay rắn đeo kính chăng? Thưa không phải như vậy đâu!

Sự hiểu lầm này xảy ra chỉ vì cách phát âm độc đáo của Anh ngữ Ấn Độ mà thôi. Trong phương ngữ này, người ta giảm bớt đi một số mẫu âm bằng cách “giết hai con chim bằng một hòn đá,” và vì vậy hai chữ snacksnake chứa đựng hai mẫu âm khác nhau một trời một vực đều được phát âm là snake. Hai mẫu âm khác nhau trong chữ hall và chữ hole cũng cùng chịu chung một số phận ấy, và cùng được phát âm là hole! Vậy thì, trong ngữ cảnh tiệc tùng này, ông MC bản xứ hẳn muốn nói lời mời “Snacks are now in the hall, please serve yourself!”

Dị bản Ấn Độ cũng có một số từ vựng độc đáo, như “co-brother” và “co-sister” chẳng hạn, ý nghĩa tương đương với “anh em cột chèo” và “chị em dâu” trong ngôn ngữ chúng ta. Quý bạn nào tôn trọng ngữ pháp tiêu chuẩn trong tiếng Anh, tiếng Mỹ sẽ không khỏi chau mày khi thấy người nói Anh ngữ Ấn Độ sử dụng các “tenses” của động từ theo quy luật riêng của nó, như trong hai thí dụ điển hình dưới đây:

We are here since yesterday (< We have been here since yesterday).

We have been here 20 years ago (< We were here 20 years ago).

Chớ quên rằng những người này là dân có học và hàng ngày sử dụng Anh ngữ Ấn Độ là dị bản có đông người sử dụng nhất thế giới ngày nay.

MỘT SỐ ÂM-VỊ BIẾN MẤT

Các loại Anh ngữ địa phương hóa (và nay đã qui củ hóa) tại Đông và Tây Phi Châu, Ấn Độ, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân, vân vân đều cho giảm đi con số âm vị (phonemes) của tiếng Anh tiêu chuẩn, bằng cách “sáp nhập” các âm vị tương đối giống nhau (vì chúng ở trong hai vị thế phát âm kế cận trong khoang miệng) vào làm một.

Đáng kể nhất trong đặc trưng phát âm phổ cập này là sự kiện cho sáp nhập các mẫu âm trong các cặp chữ [eat / it], [pool / pull], [hole / hall]; và các tử âm trong các cặp chữ [see / she], [den / then], [tick / thick]. Các cặp chữ này với phát âm khác biệt trong tiếng Anh tiêu chuẩn nay trở thành đồng âm.

Tiếng Anh nói tại Đông Phi Châu (trong các quốc gia Kenya, Tanzania, và Uganda) đã cho sáp nhập hoặc đồng hóa nhiều âm vị Anh ngữ tiêu chuẩn nhất. Tại đây nhiều người còn không phân biệt được cách phát âm hai tử âm trong cặp [lice / rice] và cũng cho đồng hóa các tử âm trong ba chữ [sue / shoe / chew], tức là biến cả ba chữ ấy thành đồng âm, với phát âm chung là sue.

VỊ-TRÍ ÂM-TIẾT NHẤN MẠNH THAY ĐỔI

Vị trí của âm tiết nhấn mạnh (stressed syllable) trong một số chữ cũng thay đổi. Chẳng hạn, tại Tây Phi Châu, người ta nhấn mạnh âm tiết sau cùng của các chữ congratulate (> congratuláte) và investigate (> investigáte) cũng như âm tiết đầu của chữ success (> súccess).

Anh ngữ Ấn Độ hóa biểu hiện một ngữ điệu (intonation) khá lạ tai do ảnh hưởng của tiếng Hindi, khiến cho nhiều người không quen với ngữ điệu này rất khó hiểu dị bản Ấn Độ. David Crystal (1995) có nhắc đến chuyện bà Thủ Tướng Indira Gandhi (một sản phẩm giáo dục của Đại Học Oxford bên Anh Quốc) đã than phiền với Bộ Giáo Dục trong nội các của bà về những “tiêu chuẩn đi xuống” của tiếng Anh tại Ấn Độ, sau khi bà không hiểu nổi lời phát biểu bằng tiếng Anh của người đại diện Ấn Độ tại một hội nghị quốc tế!

TỪ-VỰNG ĐỊA-PHƯƠNG-HÓA

Từ vựng đương nhiên là một đặc thù của các Anh ngữ địa phương hóa. Nhiều từ ngữ được lấy thẳng từ ngôn ngữ địa phương, như: chai (trà), kibanda (chợ đen) trong Anh ngữ Đông Phi Châu; crore (mười triệu), durzi (thợ may), sahib (chủ nhân) trong Anh ngữ Ấn Độ; koon (ngủ), tolong (giúp), chope (dành trước) trong Anh ngữ Tân Gia Ba; và boondock (núi), carabao (trâu nước) trong Anh ngữ Phi Luật Tân.

Những từ vựng địa phương này có được thế giới để ý đến hay không là tùy thuộc vào tầm quan trọng ý nghĩa của chúng. Vì vậy, trong tiếng Anh Nam Phi Châu, apartheid (chính sách phân chia chủng tộc tại Cộng Hòa Nam Phi) và impala (một loại linh dương chạy rất nhanh) đã từ lâu gia nhập từ vựng trong đại gia đình Anh ngữ, trong khi dorp (làng nhỏ) thì ít người biết đến.

Một số từ vựng Anh ngữ tiêu chuẩn khi địa phương hóa đã thay đổi ý nghĩa, hoặc có thêm ý nghĩa nới rộng, hoặc được canh tân hình thức với ý nghĩa mới, như trong các thí dụ sau đây:

Trong Anh ngữ Ấn Độ, colony = residential area, hotel = restaurant, police firing = shooting by police, cousin-sister = female cousin, co-brother = wife’s sister’s husband, Himalayan blunder = grave mistake;

Trong Anh ngữ Tây Phi Châu, hot drink = liquor, hear = understand, take in = become pregnant.

CÚ-PHÁP ANH-NGỮ BIẾN THIÊN

Những biến thiên của cú pháp Anh ngữ tiêu chuẩn cũng đáng kể trong các Anh ngữ địa phương hóa. Sau đây là một vài kỳ hoa dị thảo:

Trong dị bản Tân Gia Ba, người ta dùng thành ngữ tân lập use to (thời hiện tại) để diễn tả một thói quen: I use to go shopping on Mondays (< I usually go shopping on Mondays). Nhóm chữ can or not? được dùng ở cuối một câu nói để người nghe phải xác nhận hoặc phủ nhận sự chính xác của câu nói đó: She wants to go, can or not? Điều này xảy ra có lẽ là do ảnh hưởng trực tiếp của tiếng Hán, trong đó năng bất năng? [能不能?], phát âm ghi lối pinyin [néng bù néng?], là nhóm chữ tương đương về ý nghĩa và vị trí với can or not? được sử dụng phổ thông. Và người ta cũng dùng chữ la (có thể là do chữ liễu [了], phát âm ghi lối pinyin [liăo], trong tiếng Hán mà ra) như một tiểu từ trong câu nói để diễn đạt sự xuề xòa, thân thuộc: Please la come to the party!

Dị bản Ấn Độ sử dụng isn’t it? (với nghĩa “phải không?”) cho tất cả mọi câu nói để biến chúng thành các câu hỏi, chẳng hạn:

She is going home soon, isn’t it? (< She is going home, isn’t she?) và

You did not pass the test, isn’t it? (< You did not pass the test, did you?)

Và không kém phần sáng tạo, cú pháp dị bản Tây Phi Châu cho phép một túc từ (them trong thí dụ sau đây) được sử dụng trong một mệnh đề phụ bắt đầu bằng một đại từ quan hệ (whom trong thí dụ sau đây), mặc dù túc từ đó không cần thiết:

The guests whom I invited them have arrived (< The guests whom I invited have arrived). Phương ngữ Tây Phi Châu này cũng không phân biệt ý nghĩa giữa đại từ phản thân themselves và đại từ hỗ tương each other, và do đó câu “They like themselves” đồng nghĩa với câu “They like each other.”

DỊ-BẢN NGƯỜI VIỆT TỴ-NẠN Ở MỸ

Dị bản Anh ngữ của người Việt tỵ nạn ở Mỹ biểu lộ khuynh hướng giản dị hóa hoặc tránh né các cấu trúc phức tạp trong Anh ngữ tiêu chuẩn (thí dụ cách dùng các verb tenses như “past continuous, past perfect,” vân vân; các relative pronouns như “who, whom, whose,” vân vân) như trong hai thí dụ dưới đây:

“It rained [< was raining] heavily when we left the house.” (Động từ thời past continuous was raining đã bị giản dị hóa thành động từ thời simple past rained).

“The professor teaches English. His daughter is my best friend.” [< “The professor whose daughter is my best friend teaches English.” (Relative pronoun whose khó dùng đã bị tránh né).

Trong lãnh vực phát âm, người Việt rất khó lòng nhận ra được sự khác biệt vi tế giữa các mẫu âm Anh ngữ trong các cặp chữ [leave / live], [bet / bat], [pool / pull]. Vì thế, họ nghĩ các cặp chữ ấy là đồng âm và phát âm [leave / live cùng là leave], [bet / bat cùng là bet], [pool / pull cùng là pool]. Hậu quả dẫn đến những câu ngộ nghĩnh như:

“I am so happy to leave [< live] in California.”

“What do you mean by you just wanted to pool [< pull] my leg?”

Dị bản này cũng thường không phát âm các tử âm cuối của chữ, thí dụ [task > tas], [doors > door], [finished > finish], vì tiếng Việt không cho phép hai tử âm đứng liền nhau ở cuối chữ; không phân biệt danh từ số ít, số nhiều; và không chia động từ.

Câu nói “This morning they review [< reviewed] all the note [< notes] for their tet [< test] this evening” phản ánh các đặc tính vừa kể trong dị bản của người Việt tỵ nạn.

Trong lãnh vực cú pháp thì cấu trúc đề / thuyết (topic / comment) phổ cập trong tiếng Việt được chuyển sang dị bản tiếng Anh của người Việt tỵ nạn. Cấu trúc này bắt đầu câu với một “chủ đề” và ngay sau đó là một “thuyết trình” về chủ đề ấy, thí dụ:

“Thầy dạy Anh văn chúng tôi năm nay [đề] / thì tôi thấy ông vừa thông minh vừa dễ thương [thuyết].” Thói quen cú pháp này được thấy trong câu “Our ESL teacher this year [topic] / I think he is both smart and sweet [comment]” của dị bản người Việt tỵ nạn.

Các tĩnh từ trái ngược tâm lý (psychologically-reverse adjectives) boring, interesting, wonderful thường bị dùng “trái khoáy” như sau:

“We are so boring [< bored] with Dr. Smith’s lecture.” “Are you interesting [< interested] in my project?”

I am [< It is] wonderful to see you today!”

Trong khi đó, động từ “to be” thường bị vắng mặt, như trong câu “Our parents not [< are not] very happy in Saigon these days.

TRĂM HOA ĐUA NỞ SẼ ĐI VỀ ĐÂU?

Trong lịch sử ngôn ngữ loài người chưa có thứ tiếng nào được sử dụng rộng rãi như tiếng Anh ngày nay trên khắp thế giới. Khó đoán chuyện gì sẽ xảy ra sau này. Hiện giờ có hai vấn đề mâu thuẫn nhau, đó là (1) sứ mệnh truyền thông quốc tế của tiếng Anh và (2) bản sắc riêng biệt của các loại tiếng Anh nhuốm màu địa phương.

Sứ mệnh truyền thông quốc tế đòi hỏi yếu tố minh bạch để mọi người cùng hiểu, tức là một tiêu chuẩn chung mà mọi nơi cùng thỏa thuận về cú pháp, từ vựng, chính tả, phát âm, và quy ước sử dụng. Một phương ngữ quốc gia của một ngôn ngữ quốc tế đương nhiên phải có bản sắc đặc thù, cũng trong các lãnh vực cú pháp, từ vựng, chính tả, phát âm, và quy ước sử dụng. Tương lai của tiếng Anh trong cương vị một quốc tế ngữ tùy thuộc vào mức hòa giải giữa hai vấn đề mâu thuẫn vừa kể.

Một hòa giải đại đồng có thể sẽ dẫn tới sự hình thành của một thứ Anh ngữ tiêu chuẩn thế giới mà David Crystal (1995) mệnh danh là “World Standard English.” Theo ngữ học gia danh tiếng này thì một trong ba điều sau đây có thể sẽ xẩy ra:

Một phương ngữ quốc gia nặng ký có thể được các tổ chức quốc tế hàng đầu dần dần chấp nhận và trở thành Anh ngữ tiêu chuẩn thế giới. Tiếng Mỹ đã và đang đi những bước dài về hướng này. Các phương ngữ có thể kết hợp dần dần để trở thành một hình dạng mới, không giống bất cứ một phương ngữ hiện tại nào. Một thí dụ là loại tiếng Anh nghe thấy trong các hành lang quyền lực của Âu Châu, mệnh danh “Euro-English.”

Một loại Anh ngữ mới tinh có thể được chế tạo, chỉ nhắm vào những yếu tố quan trọng và hữu ích nhất trong truyền thông quốc tế. Một thí dụ là lời đề nghị hồi đầu thập niên 1980 cho phát triển một loại tiếng Anh hạt nhân chỉ chứa đựng những yếu tố truyền thông tối cần thiết trong văn phạm và từ vựng mà thôi.

 

THƯ TỊCH

Crystal, D. (1995). The Cambridge encyclopedia of the English language. Cambridge, England: Cambridge University Press.

Crystal, D. (1996). English: The global language. Washington, D.C.: U.S. English Foundation.

Dam, P. (2011). “Linguistic considerations for English language Learners.” In Linguistic and cultural considerations for English language learners (pp. 39-79). Denton, Texas: Federation of North Texas Universities.

Kachru, B. (1982). The other tongue: English across cultures. Oxford, England: Pergamon Press.

McArthur, T. (2002). The Oxford guide to world English. Oxford, England: Oxford University Press.

Trudgill, P., & Hannah, J., (1994). International English. London: Edward Arnold.

[ĐTP 2012]