KẺ THUA CUỘC
Đứa con gái út tôi dọn cơm. Bữa nào cũng vậy, cá mòi phát trong trại tỵ nạn, khi thì chiên với vài tép tỏi, khi thì để vậy, chỉ cần trong lon trút ra. Cá mòi làm chuẩn liên tục mấy tháng khiến tôi nhiều lúc ợ bay mùi dầu cá. Mỗi khi cơm dọn lên, tôi cảm thấy bực mình như muốn phản đối một điều gì đó.
Vợ tôi lau chén đủa bằng miếng giẻ rách không được sạch lắm.
Không biết ông ứng bà hành gì tôi mở miệng phê bình nếu em đừng lau thì tốt hơn, miếng giẻ coi bộ dơ.
Khói lửa bốc lên từ đó. Nàng cằn nhằn đủ thứ chuyện, kết tội tôi muôn ngàn điều. Tất cả cô đọng lại bởi vì chúng tôi nghèo, tới trại với hai bàn tay trắng và niềm ô nhục hằn sâu trong giấc ngủ do sự hèn nhát của tôi trước bất hạnh của hai người thân nhất đời. Tiền bạc không rửa được nỗi ô nhục nhưng làm cho người ta dễ quên bất hạnh đi. Chúng tôi không có và hình như vợ tôi đang đi tìm. Tôi nghe lảng vảng trong gió ác thần sẽ đên, đè bẹp hạnh phúc của mình. Tôi thấy trong ánh mắt vợ tôi số mệnh đen đủi quấn quít bước chân tôi.
Tôi mặc nàng lải nhải, nhưng lúc nãy một câu nói làm tôi như bật dậy sau giấc ngủ say:
“Ai biểu hồi đó làm Tỉnh Trưởng mà ngu, không ăn hối lộ. Ngu mà tưởng mình trong sạch, cao thượng.”
Tôi từng chịu đựng mấy năm trời những câu chửi mắng xối xả trên đầu một cách vô cớ. Người ta phùng mang trợn mắt để tỏ ra mình trên trước, oai quyền. Tôi co mình lại để tự xóa bằng cách cố quên rằng mình từng cầm quân, từng coi sóc cả tỉnh. Tôi không còn là ông Đại Tá nữa, cái đó đã hẵn, rõ như ban ngày. Nhưng tôi cũng không còn là người tên Trung, cái đó không rõ ràng nhưng là như vậy đó. Lạ à? Này nhé, tôi không còn tức giận khi bị hạ nhục, không còn cãi cho ra lẽ trước những chuyện trái tai, không còn cười khẩy khi nghe một câu nói chửi cha kiến thức và nhất là không biểu lộ sắc mặt chống đối hay bất bình khi cái đoàn thể mà trước đây tôi là một thành phần từng trân trọng, từng lăn xả hết sức mình để làm cho nó đẹp, bị bêu xấu, hạ nhục, gán ghép cho cả ngàn thuộc tính xấu xa ghê tởm. Khi người ta không thuộc về thì người ta coi thường cái tập thể đó. Lúc nhỏ tôi ưa giởn hát vô ý thức, la như chệt chìm tàu, ở dơ như mên mọi, ác như tụi mặt gạch. Bây giờ thì dã man như ngụy, ăn bám, bóc lột… chỉ là điều mà người đứng ngoài tập thể của tôi gán ghép cho tôi, không đáng quan tâm về sự chân xác của nó. Ý niệm Trung quốc và man di chẳng hạn. Có điều sự gán cho thuộc tính nầy có tính cách áp chế và bắt tội, người trong tập thể chịu sự mạ lỵ đó, chấp nhận là thật. Chỉ còn bịt tai. Tôi đã bịt tai theo cách ai cũng làm lúc đó, tự biến thành cái ghế, cây cột, tự coi là cái lu, cái bàn. Sự hiện diện của tôi, một người, đã hóa thân thành sự hiện diện của một món đồ vật, thứ vô tri. Tệ hơn, tôi không còn hiện hữu dưới mắt họ, và tôi không còn hiện hữu với chính tôi. Vô lý hả? Thiệt đó. Nếu tôi hiện hữu tôi phải có thái độ chớ. Nhảy chồm lên, hay phản đối bằng lời, hay đỏ mặt mím môi, cùng hơn nữa, nuốt nước miếng. Vậy mà tôi đã làm gì? Dửng dưng không động tâm, không động thân.
Bây giờ trước câu nói vừa kể, tôi phản ứng, và phản ứng quá lố nữa là khác. Người vợ chia sẻ ngọt bùi đã nói một câu không còn trời đất nào nữa. Người vợ đã đứng vô hàng ngũ người coi tôi là đồ vật. Đâu phải ngu! Tôi có cái triết lý của tôi chớ. Tôi có cái giá trị của tôi để làm chuyện nầy hay chuyện kia chớ. Hối lộ là chuyện quá dễ làm nhưng khó tránh. Tôi tránh hối lộ để thấy mình lớn, mình điều khiển mình. Như cha tôi thường nói khi tôi mới lớn: “Giặc ngoài dễ tránh, thù trong khó ngừa. Thù trong là những ham muốn làm hạ giá trị chính mình. Nhớ đó con.”
Tôi cãi hơi dài dòng với máu chạy rần rần trên mặt, trái với thói quen học được tám năm nay trong đó:
“Nghèo thì chịu, chớ bợn nhơ thì thà hồi nhỏ đừng cắp sách đi học, đừng có cha làm thầy giáo. Đừng ngồi trên thiên hạ để biểu họ làm điều hay điều phải, thúc đẩy họ chết cho tổ quốc.”
Vợ tôi ngó bằng đuôi mắt không đồng ý.
“Tiền tài như phấn thổ. Tôi tiếp. Chung quanh đây biết bao nhiêu người giàu nứt vách mà cũng sống dưới tấm ni-lông như mình. Đâu có bền! Không có thì khỏi mất, khỏi buồn.”
Vợ tôi lấy lược chải đầu.
“Anh không ngụy biện. Anh muốn an nhiên không nghĩ đến tiền.”
Nàng đứng dậy.
“Hối tiếc cho một hành vi đạo đức trong quá khứ sẽ làm biến phẩm hành vi đó đi. Phải sao chịu vậy.”
Tôi nhớ chuyện ông quan tuổi Tý tiếc mình sao không tuổi Sửu. Thằng đó cà rà chỗ mấy cái sập cách tôi vài thước, con vợ tôi ngó về phía đó.
“Nói chuyện với anh mệt quá, bất lực rồi viện dẫn nhân nghĩa để che đậy cho khiếm khuyết của mình.”
Tôi hết chịu đựng nổi, xô ngã công trình bảo vệ hạnh phúc mấy tháng nay, gằn giọng:
“Em lựa chọn người không đúng ý em, đó mới là khiếm khuyết, khiếm khuyết trong phán đoán.”
“Tôi đang sửa chữa.”
Câu nói như lưỡi cưa máy đi ngang qua mình tôi ngọt sớt.
Vợ tôi sáng mắt lên khi nó đi qua chỗ chúng tôi. Mặt nó trẻ hơn tôi, thân hình vạm vỡ rắn chắc với nụ cười sàm sỡ lưu manh. Tôi cố vớt vát:
“Không thể sửa chữa trong quá khứ, tương lai chưa có nên cũng không có chuyện sửa chữa..”
“Rẽ hướng khác để tránh đi lối mòn sai lầm, đó là sửa chữa. Võ biền mà bày đặt văn chương!”
Tôi nuốt nước bọt và nuốt luôn trái cấm Adam xuống bụng.
Nàng biểu con tôi ăn rồi dọn dẹp, má lên văn phòng trại xếp thuốc men, tối về. Mắt nàng nhìn theo hướng nó đi về mé khu rừng cao su gần giáp bờ đá, chỗ mấy con tàu hư nằm ụ.
Tôi ực hết ly nước dối cơn đói còn đang mè nheo vì chưa được ăn đúng mức. Tôi nằm thở hào hển vì chuyện vừa rồi. Khi người ta có một mục tiêu thì tất cả những lý do đưa ra không phải vì giá trị của lý do mà vì cái mục tiêu. Tiền bạc hay ngu mà nàng đưa ra làm yếu tính của tôi chỉ vì miếng bửng xi măng lót đường rẽ về phía nó, tôi biết chớ sao không?
Khi xưa tôi nằm trong tù, khổ cực sao nàng không bỏ? Bây giờ đến bờ tự do sao lại nói chuyện chia ly? Hay lúc trước ở trong vùng xoi mói của người quen nên chưa tung hoành, giờ bốn bề xa lạ, không ai có quá khứ nên dễ dọc ngang?
Đứa con tôi rửa chén ở giếng về, nó dùng dằng:
“Má đi về phía vườn cao su chứ đâu có lên văn phòng trại. Thằng “Cọp” ghê lắm ba ơi!”
Tôi nạt ngang “Nín đi, mầy nhỏ biết gì”. Người ta đồn rùm beng là lớn nhỏ gì lên đó cũng nộp thịt cho “Cọp”. Con tôi nó còn ý thức thằng Cọp “ghê lắm”. Hèn gì nàng đòi rẽ hướng khác.
Một thằng mắc toi nào đó ca một câu “cải biên” mà làm tôi nhói tim “Đời người con gái, một lần đánh mất quần Jean, đau khổ thật nhiều…”
Tôi chợt có ý định giết vợ, bữa nào đó chận nó trên đường, làm bộ rủ ra cầu tàu vợ chồng tâm sự, bịt miệng nó trấn nước… ai biết! Nuôi ý nghĩ đó làm tôi thấy dễ chịu trong lòng.
Câu nói đã tạo bản án tử hình cho nó “Ai biểu hồi đó làm Tỉnh Trưởng mà ngu không ăn hối lộ.”
Nó hạ nhục chúng tôi quá, vậy khôn là ăn hối lộ? Chúng tôi, tất cả tập thể chúng tôi ngày xưa đã ngu kiểu đó? Chết là đáng. Tao ghét ai đứng trong hàng ngũ mà quay lại chưởi bới hàng ngũ đó. Mày trước chẳng hảnh diện vì tao sao?
Thấy con nhỏ còn ngồi co ro, tôi bật dậy xoa đầu nó, qua loa:
“Chắc má con gần về rồi, bả bực bội đi một vòng cho hạ hỏa trước khi lên văn phòng chớ gì.”
Rầy con rồi nói dối bằng một luận cứ khó chấp nhận, tôi thấy mình thiệt vô lý. Tôi xếp nó vào hàng trẻ con, không biết rằng nó đã vượt qua giai đoạn này bằng tám năm bươn chãi không có tôi ở nhà. Nó trưởng thành bằng chính sự xé rách thân thể mình trong cuộc hải trình tìm sống. Không một đứa trẻ nào còn là trẻ con khi chứng kiến bao nhiêu chuyện kỳ lạ chung quanh. Sự ngây thơ biến mất bởi những khí độc: mèo mở, thay đổi, giành giựt, gấu-ó-vì-bất-cứ-một-thứ-gì-có-thể-chiếm-hữu, như mây đen ám chướng che mờ các sinh hoạt trong trại. Tôi xếp loại con tôi vào hàng trẻ con như vợ tôi đồng dạng tôi với “võ biền”.
Võ biền sao được khi trong chiến đấu tôi vẫn mở mắt ra để thấy tất cả những biến chuyển chính trị chung quanh ồn ào sôi sục, phải tìm những kết luận triết lý cho từng số phận hẩm hiu của người dân trong vùng tôi coi sóc. Võ biền sao được khi tôi phải trang bị cho mình bằng thật nhiều ý nghĩ khôn ngoan để tránh khỏi điên rồ trong những năm tháng đáng quên đó?
Con người ta trong hoàn cảnh nầy dễ bị xếp loại, xếp hạng. Tôi nhớ cha con tôi và bao nhiêu người trong trại đã nhìn ông thầy tu người Thái với ánh mắt đã nhìn tên hải tặc từng nằm thở trên mình nó… Biết bao nhiêu lần Thầy làm lễ mà trí tôi lơ mơ nghĩ về thời gian hãi hùng của hai tháng trước và chỉ muốn đá ghế bước ra ngoài. Tôi thiếp đi trong mớ bòng bông khổ sở đau đớn, mơ hồ hình ảnh Đức Phật trên bục cao hiền từ, thanh tịnh..
Giật mình tỉnh dậy khi nghe tiếng con nhỏ kêu hỏi:
“ Ba ơi, mấy người trên trại về hết rồi sao má chưa về?”
Tôi biểu nó ra ngóng ở đầu dãy coi, nó chạy đi rồi tôi mới thấy mình là lạ. Từ đó về đây vài bước chớ mấy, tại sao phải ra đó trông chừng? Tại sao tôi buồn hắt hiu từ lúc nó đi tới bây giờ chớ? Nó phải lên văn phòng giúp xếp lại thuộc men chứ có gì đâu? Thằng Cọp “ghê” lắm nhưng làm được gì. Ở đấy còn mấy đứa nữa, đâu có dễ! Miệng thiên hạ độc địa, hơi nào nghe. Ở trại, đâu phải trên biển nữa, trừ phi quyến rũ bằng tiền bạc. Cái lưng to bản. rắn chắc hằn vào lớp áo sơ mi của thằng Cọp khiến tôi nhớ lại mình đang bịnh hoạn, ốm yếu, sinh lực bị vắt cạn thời gian chưa bù lại được.
Tôi liếc mắt xuống chỗ ông lò, chỗ để con dao dùng trong việc bếp núc.
Hai mẹ con nó tíu tít, choàng hông nhau đi vô. Người mẹ ngó tôi có chút bối rối, bẽn lẽn. Một mớ tóc hoang dại phất phơ trên đầu như vừa trải qua một trận phong ba. Đứa con tôi nhìn thấy gì đó không ổn nơi tôi, vẻ sợ hãi lộ trên gương mặt. Nó đứng im, mặt tái xanh, ngó cha rồi ngó mẹ.
Tôi mỉn cười thân thiện hỏi em đi đâu mà không cần nghe người đàn bà vừa trả lời vừa tìm trong trí những lý do nầy nọ. Tôi biết mình thua cuộc, bỏ ý định trừng phạt người đàn bà đó. Tôi không thua ai hết, không thua đời, không thua xã hội mà thua tương lai của con tôi, thể hiện qua ánh mắt sợ hãi của nó một giây trước.
Houston, TX, 1985.
Nguyễn Văn Sâm