Căn-cứ vào sách-vở và báo-chí, có lẽ chưa có thời nào người Việt lại coi rẻ người Việt như một số nhà cầm bút vào nửa trước thế-kỉ 20. Những người này gồm nhà báo, nhà văn, người viết sử, v.v. Có người là bậc thầy của mấy thế-hệ, mỗi câu nói, mỗi dòng chữ được học trò răm-rắp rập khuôn.
Dương-Quảng-Hàm, trong cuốn Việt-Nam Văn-Học Sử-Yếu (Sài-gòn: Trung-tâm Học-liệu, 1968), viết: “Dân-tộc ta, sau khi chiếm-lĩnh đất bắc-kì và phía bắc Trung-kì và tự tổ-chức thành xã-hội – lúc ấy dân ta còn ở trình-độ bán khai – thì bị nước Tàu chinh-phục và đô-hộ hơn một nghìn năm…” (trang1).
Căn-cứ vào đâu Dương-Quảng-Hàm dám nói “dân ta còn ở trình-độ bán khai”?
Trong Việt-Nam Sử-lược quyển I (Sài-gòn: Trung-tâm Học-liệu, 1971), Trần-Trọng-Kim viết: “Khi người một xã-hội đã văn-minh như Tàu mà đi mở đất chưa khai như đất Giao-Châu lúc bấy giờ,…”
Một lần nữa, cũng một câu hỏi được nêu lên: Căn-cứ vào đâu Trần-Trọng-Kim dám nói đất Giao-Châu là “đất chưa khai” trong khi đề-cao Tàu là “người một xã-hội đã văn-minh”?
Bậc thầy coi rẻ người Việt thủa xưa như vậy, học trò khinh-chê tổ-tiên cũng không có gì đáng ngạc-nhiên.
Cùng thời với các tác-giả này, trên báo-chí, nhan-nhản những bài, những truyện, những tranh vẽ chế-giễu, đả-kích, bài-bác phong-tục và truyền-thống của người Việt. Một vài bài, một vài đoạn có ý tốt, chỉ đả-kích hủ-tục, nhưng số đó rất ít. Còn lại, toàn là những bài a-dua, theo thời, đả-phá tất cả những gì họ cho là cổ xưa, những gì họ chê là nhà quê (dù rằng hầu hết người Việt sống gần ruộng vườn), những gì của ông cha tổ-tiên để lại. Họ đả-phá cả cách ăn mặc, cách nói, cách cười… của người Việt. Cố-ý hoặc vô-tình, những người này, những người chịu ảnh-hưởng văn-hoá Pháp, đã tiếp tay với người Pháp tiêu-diệt văn-hoá Việt.
Về phía người nước ngoài, nhất là người Pháp, hầu-hết đều nói xấu người Việt, miệt-thị văn-hoá Việt. Chỉ có một số rất nhỏ nghiên-cứu và tìm-hiểu đứng-đắn hơn một chút.
Sự thực ra sao?
Khi bị quân Tàu cướp nước, người Việt có còn ở trình-độ bán-khai như Dương-Quảng-Hàm nói không? Đất Giao-Châu (tên người Tàu đặt cho đất nước người Việt năm Quý-Mùi [203]) có phải là đất chưa khai như Trần-Trọng-Kim viết không? Công-cuộc nghiên-cứu của ngành khảo-cổ và tài-liệu lịch-sử sẽ được dùng để giải-đáp vấn-đề này.
Khi nói tới ngành khảo-cổ, đồ đồng – đặc-biệt là trống đồng – là bằng-cớ vững-chắc nhất. Trống đồng đã được thế-giới biết tới từ lâu; nhưng vì không rõ xuất-xứ nên ít người chú-ý. Đến năm 1889, tại Hội chợ Đấu-xảo Quốc-tế Paris (Exposition universelle de Paris), một trống đồng trên đất của người Việt đã làm cho bao nhiêu người ngạc-nhiên và thán-phục. Cái trống này mang tên Moulié, một người Pháp làm phó sứ tỉnh Hoà-Bình (phía bắc nước Việt) lấy ở nhà một vị quan lang người Mường tại vùng sông Đà, tỉnh Hoà-Bình. Sau đó, rất nhiều người nước ngoài đổ xô tới miền bắc nước Việt để tìm trống đồng. Tới năm 1900, hơn 150 cái đã bị khám-phá. Cho đến ngày nay, số trống đồng nổi tiếng khá nhiều. Trong đó, hai cái được đề-cập tới luôn-luôn là: trống đồng Ngọc-lũ và trống đồng Hoàng-hạ.
Trống đồng Ngọc-lũ do dân làng Ngọc-lũ, huyện Bình-lục, tỉnh Hà-nam đào được vào khoảng 1883-1884, và để ở đình làng. Năm 1902, qua sự dàn-xếp của viên công-sứ Phủ-lí, được đưa về nhà Bác-cổ Viễn-đông Hà-nội. Sau này, làng Ngọc-Lũ còn đào được mấy cái trống đồng nữa, nên cái kể trên được gọi là trống đồng Ngọc-lũ I.