NGỠ LÒNG MÌNH LÀ RỪNG
Thái Công Tụng
Từ ngàn xưa, con người khi mới được con Tạo sinh ra cách đây non một triệu năm, đã nhờ rừng mà tồn tại: Người thượng cổ phải săn bắn trong rừng hoang để kiếm sống, đau ốm thì cũng nhờ cây rừng để chữa bệnh. Giữa con người cổ sơ và rừng hoang dã có sự cộng sinh mật thiết. Con người ngày nay cũng nhờ vào rừng; người lính chiến thuở xưa sống nhờ măng tre (măng trúc, mai, giang, nứa) trong rừng:
Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Trong mọi xứ, tín ngưỡng dân gian xem cây chứa đựng những linh hồn, những bà tiên, những bà phù thủy có phép mầu nhiệm. Các thần thoại, các huyền thoại đều hàm ẩn những điều ấy.
Người Việt thuở xưa vì không chế ngự được thiên nhiên như gió, mưa, lụt lội, sấm sét, thú dữ nên tôn thờ mọi thần linh như thần lửa, thần mưa, thần gió, thần cây, thần đá và mọi vật linh như chim (trĩ, công). Thần linh có mặt trong rừng, trên cây, khúc sông, thác nước, vân vân, cho nên thường có những lễ hội cầu trời, cầu thần linh phù trợ cho con người. Ở nông thôn Việt Nam, ngưòi dân quê xem cây cổ thụ như chứa một cái gì linh thiêng, có thần cây tàng ẩn trong đó nên thường đem lễ vật, que hương ra cúng bái. Họ tin thần cây có ma già như bà Hoả, bà Mộc, bà Rú (rừng). Thờ bà Hoả là sợ cháy rừng lan vào nhà, thờ bà Mộc vì cây giúp cho nông dân cột nhà, che mưa, tránh gió, thờ bà Rú để giúp dân ở yên ổn, không bị lụt lội.
Các tôn giáo lớn luôn luôn nhắc nhở đến cây. Tại Ấn Độ, người ta thờ Kalpavrika, cây trường sinh bất tử và trong sự thờ phượng tôn giáo Ba Tư Zarathoustra, cây thiêng liêng có tên gọi là Om, một thứ cây trắng như tuyết mọc trên mọi nguồn của các dòng sông. Cây sồi (chêne) chứa nhiều thần thoại nhất. Nhiều dân tộc sùng bái – người Hi Lạp dâng cho Zeus; người La Mã dâng cho Jupiter; người Đức dâng cho Thor và Thánh Kinh kể lại Abraham đã tiếp ba vị thánh thần dưới bóng cây sồi. Cây sồi cho trú ẩn, cho thức ăn, cho sợi làm thuyền, làm xe chuyên chở.
Trong thần thoại Bắc Âu, có Yggdrasil, cây vũ trụ nối liền trời, đất và địa ngục. Cây thông bá hương (cèdre) tượng trưng cho chân lý và công lý và có mặt trong cờ xứ Liban. Cựu Uớc cũng nhắc nhở ở nhiều nơi trong Kinh về sự song hành giữa cây và ý nghĩa cuộc sống. Khi vinh danh con người đặt lòng tin vào Thượng Đế và trọng luật Thượng Đế bày ra, Kinh viết: Người ấy như một cây trồng bên cạnh dòng suối (Kinh chiều 1,3). Câu này còn có nghĩa là người nhiều lòng tin được dồi dào ơn phước như cây kia được tưới sẽ phát triển sum sê như bí ẩn nhất của Sáng Thế.
Cây ôliu có nhiều miền Trung Đông, trồng từ ngàn xưa, tượng trưng cho hoà bình. Lá cờ của Liên Hiệp Quốc có nhánh ôliu trên đó. Lá cây phong trên lá cờ Canada.
Trong Thánh Kinh, nhiều cây có miền Trung Đông như cây sung Địa Trung Hải (figuier méditerranéen), cây nho được nhắc nhở trong nhiều đoạn. Trong Phật giáo, Đức Phật Thích Ca cũng chứng ngộ được Đạo dưới cây bồ đề (ficus religiosa) và các rừng tre, rừng cây sala (shorea robusta) cũng thường được ghi nhận. Tại Việt Nam cây thông tượng trưng cho người quân tử:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Trong mọi truyền thuyết dân gian, mối tình sâu xa giữa linh hồn của cây và của người luôn được nhắc nhở trân quý. Tình yêu trai gái cũng sử dụng thiên nhiên để so sánh:
Chim xa rừng thương cây nhớ cộí
Người xa nguời tội lắm người ơi
Nó thà không biết thì thôi
Biết nhau rồi mỗi đứa một nơi, răng đành
Vào rừng, giúp ta tránh được các căng thẳng của cuộc sống máy móc đô thị, giúp ta quên đi những nỗi nhọc nhằn của thể chất và của tâm linh, ngỡ lòng mình là rừng, ngỡ hồn mình là mây (Hồ Dzếnh), để lắng nghe tiếng gọi nhiệm màu của vạn vật trong tương quan Thiên-Địa-Nhân, một tương quan nhiều chiều, lồng ghép, chồng chéo lên nhau. Ta cũng thấy trước cảnh vật bao la của vũ trụ rằng con người chỉ là một thành phần nhỏ bé và từ đó cảm thấy khiêm tốn hơn. Mà khiêm tốn giúp cho con người đến đức tin chân thật và đức tin chân thật mới hưóng dẫn con người đến được nơi có Thượng Đế ngự trị dễ đi vào nội tâm hơn. Trong đời, có nhiều lúc gặp rủi ro, nhưng rủi dạy ta đức khiêm cung, đào luyện ý chí cho ta. Cũng có lúc thất bại, nhưng nếu không thất bại thì kiêu sa nổi dậy. Những khổ đau giúp ta trưởng thành hơn, già dặn hơn và nếu giữ vững niềm tin, thì dù gặp trở ngại đức tin kiên trì cũng giúp ta đứng vững giữa phong ba, như lời khuyên của Phan Khôi trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩ
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao
Làm sao cũng chẳng làm sao
Vào rừng, thở không khí trong lành, nhìn sao ban đêm, nhìn suối, nghe nước róc rách, bướm lượn nhởn nhơ, chuồn chuồn, nghe côn trùng rỉ rả, mặt trăng lên, sao đêm nở đầy trời, nhờ biết lắng nghe từng nốt nhạc, từng âm thanh mà sẽ không còn thấy có mình, có ngưòi, có chủ thể, có đối tượng hay có thù, có bạn mà tát cả đều chỉ là những hoà điệu của vũ trụ. Ngoại cảnh êm đềm trong sạch, không ô nhiễm, một môi sinh thái hoà giúp cho tâm an bình, tạo điều kiện giúp con người thoát tục dễ dàng hơn, buông xả được các bụi bặm phù du phiền muộn của cái tôi để hoà mình vào nhịp sống bao la của vũ trụ, giúp ta dễ đồng nhất với vũ trụ, cảm nghiệm lẽ trời trong tĩnh lặng để buông xả, để phá chấp.
Vào rừng, con người thấy mình nhỏ bé, dễ quên đối tượng gây tức giận nên giận dữ cũng sẽ không sinh khởi. Nhờ vậy, các tham, sân, si dễ trầm tích hơn, hận thù dễ vào lãng quên hơn: tâm mà có định thì mọi sự mới yên đưọc, khi tâm còn xáo trộn, “ở không yên ổn, ngồi không vững vàng,” còn phân biệt thì không thể giải quyết điều gì hết: phân biệt giữa giàu/nghèo, sang/hèn, thông minh/ngu dốt, anh phải / tôi trái, hoặc có/không mà chỉ thấy mọi việc không có tự thể, biến hoá không ngừng. Nhân sinh quan của người Việt là biết tự nhìn bên trong mình. Có nhìn bên trong, nhân tính mới được phát triển và con người mới trưởng thành và sáng suốt:
Trăm hay không bằng xoay vào lòng
Thực vậy, tùy thuộc vào bản chất của tâm chúng ta mà chúng ta làm những hành vi tốt hay xấu. Tâm tiêu cực sẽ dẫn chúng ta phạm vào những hành vi tiêu cực. Tâm tốt hay thiện tâm sẽ dẫn ta làm những hành động tích cực. Nội tâm ảnh hưỏng đến ngoại giới vì tâm hồn trống rỗng, buồn rầu thì nhìn cảnh vật xung quanh cũng bị lây theo, như Nguyễn Du đã viết:
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Vào rừng, thân và tâm dễ đem đến an bình và khi con người có một nội tâm an tĩnh, sung mãn thì con người mới dễ đến được với Thượng Đế. Thực vậy, tôn giáo phát sinh do lòng sùng kính, do cảm thông không thể nghĩ bàn, bất khả tư nghị chứ không phải do sự bàn cãi lý luận.
Vào rừng, ta tìm được tĩnh lặng sâu thẳm. Với cảnh phố phường chật hẹp, người đông đúc, với sự đô thị hóa, con người hầu như đã sống trong một môi trường giả tạo, với các nhà ximăng, với cao ốc mênh mông, hết liên hệ giữa họ và vũ trụ do đó, muốn lấy lại thăng bằng, con người ngày nay lại càng cần đi tìm những khu rừng, những ngọn núi cao vì chỉ ở đó, họ mới cảm thấy mình tan biến trong cái tĩnh lặng uyên nguyên:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Ngày nay, đô thị hoá ào ạt, kỷ nghệ hoá giúp con người thoát khỏi cảnh lam lũ đồng áng, đầu tắt mặt tối ở chốn bùn lầy nước đọng, đem đến cho ta nhiều tiện nghi văn minh: liên lạc nhanh hơn, thông tin nhanh hơn. Nhưng chính sự phát triển này lại cũng manh mún hoá những cá nhân; con người ở đô thị không còn những liên kết ràng buộc xã hội như thôn quê. Phát triển kỷ thuật cũng có nghĩa là thời gian bị đo lường, chắt bóp làm biến đi nhịp sống an nhiên tự tại. Do đó, con người, ngoài cái hướng ngoại như đọc sách, nghiên cứu khoa học, du lịch, thám hiểm cũng phải có chiều kích hướng nội nghĩa là quay vào cuộc sống nội tâm, suy nghĩ và trầm tư , tìm lại sự yên tĩnh và cân bằng trong cuộc sống tinh thần. Và chính khuynh hướng tìm về nội tâm là một tiền đề tạo đòn bẫy cho tôn giáo nẩy nở. John Hick có viết: “Tôn giáo là nỗi cô đơn của con người, chừng nào chưa có cô đơn, anh vẫn chưa đạt tới tôn giáo.”
Vào rừng thì con người thư giãn, thoải mái hơn, cởi mở hơn, từ đó tư tưởng có những “chỗ trống” và chính các “chỗ trống” giúp ta thâu nhận các tư tưởng mới lạ. Nó giúp ta nghiệm thấy một cái gì mới mẻ khác, vượt ra ngoài các quan niệm thông thường. Nó nâng tâm thức ta lên một bình diện mới, một thức dạng mới (new paradigm). Cũng không phải ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ có Camp David là nơi thiên nhiên rừng núi mà Tổng Thống Mỹ thường đến nghĩ ngơi.
Văn minh thảo mộc
Nhà địa lý học Pierre Gourou gọi văn minh nước ta là văn minh thảo mộc (civilisation du végétal). Ngưõi Kinh miền xuôi sử dụng tre để làm đủa, đan vách, bẫy chuột, đan dụng cụ bắt cá ngoài ruộng, hái tranh lợp nhà để ở . Người Thượng miền cao thì ở nhà sàn nên lại phải dùng cột nhiều hơn để làm nhà, cột làm cầu thang, cột để buộc trâu làm lễ tế thần; khi chết, quan tài bỏ trong rừng. Rừng gắn bó với cuộc sống và khi họ bỏ rẫy đi canh tác chỗ khác chờ rừng mọc lại thì cái nương rẫy đó vẫn thuộc về đất làng đó. Rừng không phải chỉ là tài nguyên hay môi trường vật lý mà rừng là tâm linh, là cõi vĩnh hằng, là cõi sâu thẳm của nội tâm, là ‘một cõi đi về ‘ từ đó đi ra và nơi đó biền biệt cho nên nếu phá rừng, thì không còn văn hoá rừng nữa.
Sự cần thiết của một môi trường thiên nhiên trong sạch
Ngày xưa, dân số ít hơn, môi trường không ô nhiễm, con người có một nếp sống gần thiên nhiên hơn:
Thu ăn măng giá, đông ăn trúc
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắm
Nhìn xem phú qúy tựa chiêm bao
Vì bớt cái cầu, bớt dục vọng nên tinh thần thảnh thơi hơn, đúng như Nguyễn Công Trứ đã viết:
Người ta ở trong phù thế
Chữ vô cầu là chữ thiên nhiên
Một môi trường hài hoà, êm ả giúp con người thảnh thơi trí óc để có thể có tư duy sáng tạo, tư duy thiền, tư duy triết..Những cảnh giản đơn, thăng hoa của đồng quê miền Bắc trong thơ của Nguyễn Khuyến:
Ao sâu nước cả khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
hoặc:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
hoặc bức tranh thủy mặc chấm phá trong thi ca của Bà Huyện Thanh Quan:
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
làm ta cảm ứng ngay được thiền vị trong tâm tưởng.
Ngày nay, sống trong các cao ốc, con người miệt mài phố thị với cát bụi đô thành chẳng bao giờ nghe được tiếng ve, cảnh mặt trời lặn, những con đường lẫn vào mây, quờ tay là hái được sương mù, người ngồi xuống mây ngang đầu, mặt trời trong sắc hoa rực rỡ, thành phố thiếu không gian xanh, con người cảm thấy hụt hẩng và dễ đi đến chỗ trầm cảm. Bụi bặm, tiếng ồn, khói xe, các bụi lơ lửng trong không trung cũng dễ gây dị ứng cho hệ thống hô hấp.
Những đợt sóng ngầm
Hiện nay, có nhièu đợt sóng ngầm lớn lao đang chuyển động âm thầm để từ từ tái cấu trúc lại xã hội , đặt lại vấn đề giữa con người với xã hội, với sự làm việc, với môi trường Slow is beautiful.Con người ở thời đại kỹ nghệ ngày nay có tâm trí luôn luôn bị động như robot suốt ngày, làm việc lắp ráp các bộ phận trong dây chuyền sản xuất từ máy điện toán đến ráp xe hơi, máy bay, mọi công đoạn đều lớp lang, có thời lượng quy định. Người ta tiến đến cái mà George Ritzer gọi là sự “MacĐôNan-hoá xã hội (The Macdonaldisation of society). Con người không ai biết nhau, xong việc là về nhà . Tâm lý bị dồn ép. Giá trị cuộc sống bị đảo ngược.
Sự tiến bộ kỹ thuật từ nhiều thập niên gần đây với sự tăng tốc, cái gì cũng Express, nào là Express Post, Fast Food, Café Express làm phá vỡ cấu trúc các xã hội cổ truyền, lối sống.
Thế giới thay đổi quá nhanh, con người không kịp thích nghi với các chuyển biến của thời đại sinh ra mất thăng bằng về tâm lý . Các căng thẳng này kéo theo một lô bệnh của thời đại: lo âu, buồn rầu vô cớ, rồi từ đó là trầm cảm dễ đem đến hành vi tự sát. Do đó, trước đây người ta nói không bệnh tật là sức khỏe. Ngày nay, quan điểm về sức khỏe đã mở rộng hơn vì sức khỏe phải gồm ba phần: sức khỏe cơ thể: khỏe mạnh; sức khỏe tâm thần: vui đời, lạc quan; sức khỏe xã hội: hòa hợp với xã hội, cộng đồng
Ba loại sức khỏe này liên hệ đến ba phạm trù khác nhau nhưng lại có quan hệ mật thiết với nhau: nhân quyển (anthroposphère), tâm quyển (psychosphère) và sinh quyển (biosphère). Nhân quyển bao gồm các sự tương quan giữa người và người trong xã hội, tâm quyển là đời sống tâm linh, tinh thần, đạo lý; sinh quyển như không khí, nước uống, rừng núi. Một sinh quyển không ô nhiễm tác động tích cực lên các mặt tâm quyển và nhân quyển: nó giúp giải toả mọi căng thẳng tâm thần và đem lại an bình cho con người
Có thể vì vậy mà tại Nhật, có phong trào mở quán café Slow có phương châm “Slow is beautiful,” bắt chước một phương châm khác có từ trước là “Small is beautiful.” Đây chính là một mô hình kìm hãm được sự thao túng của kỹ thuật lên văn hoá, văn minh, thiên nhiên
Lưỡi kiếm Damoclès
Vũ khí chết người càng ngày càng được thu nhỏ, có thể rơi vào tay quân khủng bố điên dại; môi trường sống bị smog (từ hai chữ fog và smoke) âm u bao phủ ở bầu trời và những bụi lơ lửng trên không đã tạo ra nhiều dị ứng (allergy) ; những bệnh tình dục như lậu, tim la tưởng chừng như đã bị tiêu diệt hẳn thì nay lại xuất hiện với siêu vi SIDA nguy hiểm hơn cả vạn lần, làm cả toàn thể Phi Châu, nhất là Uganda, Rwanda, Nam Phi, Bostwana, Zimbawe bị chết như rạ, gây ra toàn trẻ em mồ côi, kéo thêm sự nghèo đói . Siêu vi SIDA lan rộng với sự di chuyển thông thoáng của con người, với du lịch tình dục, với chích cần sa. Nói khác đi, lưỡi kiếm Damoclès luôn luôn nằm đâu đó trên đầu nhân loại. Con người trong môi trưòng đô thị vô danh làm nhân lên nỗi lo âu, cô độc, tác động lên cõi tâm linh sâu thẳm.
Con người sống vội vã không còn trầm tư mặc tưởng, tra vấn về ý nghĩa thực của cuộc đời: ta là aỉ ? ta đi về đâu ? Vào một công sở, vào một hãng tư cũng lạnh lẽo, không tình người. Thành phố Paris to lớn văn minh như vậy nhưng vòng luẩn quẩn BMW (Bus, Metro, Walk) hay metro, boulot, dodo tức chen xe, đi làm, đi ngủ đè nát cuộc đời, căng thẳng thần kinh, xói mòn thăng bằng thần kinh. Tóm lại chất lượng cuộc sống bị xuống dốc.
Hai giới từ bên cạnh và với
Sự gia tăng các phuơng tiện truyền thông đi cùng với sự nghèo nàn về truyền thông giữa các cá nhân: con người sống bên cạnh nhau nhưng không sống với nhau. Hai giới từ “bên cạnh” và “với” nghe tuy đơn giản biết bao nhưng lại có tầm quan trọng biết bao ! Chính căn bệnh tâm hồn, bơ vơ lạc lõng, sống không ngày mai, thiếu tình thương làm bao thanh niên sa ngã , mua thuốc lắc, chích ma túy quên đi cuộc đời. Có thể họ tự nghĩ: tôi hút tức tôi hiện hữu ? Các khao khát tuổi đôi mươi bị chìm đi . Thay vào đó là sự dửng dưng .Vì sự tuyệt vọng đó nên nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có diễn tả tâm trạng của mình, có thể để an ủi mình hay cho một người khác nữa:
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi! Đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
hoặc:
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai ? là ai ? là ai ?
Mà yêu quá đời này!
Và chính vào giai đoạn của sự hoài nghi, của sự khủng hoảng tinh thần này lại đẻ thêm những hình thức chủ nghĩa bảo căn, nuôi dưỡng hận thù, cuồng tín, hận thù đến cao điểm như trận cảm tử không tặc đâm vào World Trade Center ngày 11 tháng 9, gây tang tóc cho hàng ngàn thường dân vô tội trong tíc tắc, rồi kéo theo một chuỗi hậu qủa tiêu cực: máy bay không ai đi, khách sạn không ai ở, nhà hàng không ai tới, thể thao không ai xem, nên nhân viên bị đuổi hàng loạt vì không ai tiêu thụ.
Cuộc sống xô bồ ngày nay làm con người cứ chạy đua theo vật chất, theo tiêu thụ, y như người cứ uống nước mặn ngoài biển khơi , mà càng uống thì càng khát.
Chúng ta ngày nay sống thọ hơn nhưng sống ít ý nghĩa hơn
Chúng ta chinh phục được vũ trụ nhưng không thắng được cõi lòng
Giải trí thì nhiều mà niềm vui thì ít
Đây là thời đại của thu nhập gấp đôi nhưng chia ly thì lại nhiều
Cuộc sống tiện nghi hơn nhưng ít thời gian nhàn rỗi hơn
Nhà cửa rộng rãi hơn nhưng con cái lại ít hơn
Và đó chính là nghịch lý của thời đại ta đang sống .
Trào lưu trở về với thiên nhiên
Các tu viện Thiền, các làng Thiền, các môn phái sử dụng Thiền như là trọng tâm sinh hoạt nẩy nở càng ngày càng nhiều, chính là để phản ứng lại với nếp sống xa rời các chuẩn mực của thiên nhiên. Các môn yoga, tập thở, y khoa mềm (médecine douce), các sách về tâm linh , nói về sự tu dưỡng tinh thần cho vững chãi trước những vòng xoáy của cuộc đời đầy cung bậc ngọt bùi cay đắng, đầy chuỗi vui, buồn, yêu thương, giận hờn bán rất chạy.
Nông nghiệp ngày nay càng muốn trở về thiên nhiên
Nông nghiệp sinh thái (agriculture écologique) sử dụng phân mục thay vì phân hoá học, tái chế biến các phế phẩm trong nông trại làm phân mục, ít sử dụng thuốc sát trùng, vì các loại thuốc trừ sâu, nếu tích tụ nhiều sẽ tiêu diệt sự điều tiết giữa các giống, trừ khử cùng một lúc cả các sâu hại lẫn sâu có ích. Khuynh hướng ngày nay là sử dụng côn trùng có ích đuổi côn trùng độc hại vì hầu hết các loại thuốc trừ sâu hoá học tổng hợp đều có hại đối với môi trưòng và con người nếu sử dụng qúa liều lượng, không đúng cách. Hơn nữa, các thuốc hoá học tổng hợp gây ra tính đề kháng rất nhanh ở các côn trùng. Do đó, chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết, nghĩa là khi mật độ côn trùng gây hại qúa một ngưỡng nào đó.
Sử dụng phân heo, phân chuồng cho vào hầm ủ để tạo ra khí metan còn gọi là khí biogas để nấu ăn, vừa sạch, vừa không ô nhiễm, tiết kiệm củi đốt và lao động. Nước thải biogas (slurry) cũng dùng tưới cây cối. Rơm rạ dùng vào việc nuôi trồng nấm. Lá mục, cỏ mục, rễ mục dùng làm phân ủ, tiết kiệm phân hoá học.
Nông lâm kết hợp (agroforestry) tận dụng đất và mặt trời để trồng vừa cây rừng, vừa cây lương thực như vậy vừa có tác dụng bảo vệ đất nhưng cũng dùng lương thực cho con người. Lại có hệ thống sinh học tổng hợp (integrated biosystems) muốn tận dụng và tái sử dụng các phế thải trong từng công đoạn của sự sản xuất thực phẩm để cho môi trường không dơ bẩn, không hôi hám. Ví dụ: phế thải như cám dùng nuôi gà, phân gà trộn chung với rơm mục nuôi giun, giun cho gà ăn lại, phế thải thức ăn nuôi cá; phế thải cá phơi khô trộn làm thức ăn gia súc nuôi lợn gà.
Du lịch sinh thái
Đi thăm núi rừng, đi bộ, nghỉ ngơi, vui chơi ngoài trời. Các loại du lịch dựa vào 3 S: Sand, Sun, Sea. Du lịch sinh thái giúp con người tìm lại mối liên hệ với thiên nhiên, đi tìm lại niềm yêu thương lặng lẽ của đất, những dòng sông, những con suối “ngoài đầu cầu nước trong như lọc,” những giọt sương mai lấp lánh, mặt trăng lên từ mặt biển …
Nghĩa trang sinh thái
Trung Quốc càng ngày càng thiếu đất lập nghĩa trang; nhiều thành phố chỉ cho đốt chứ không cho chôn. Tro người quá vãng để trong một bình nhỏ trong vùng sa mạc và trên đó, thân nhân trồng một cây để kỷ niệm người quá cố và đồng thời chận đứng làn cát bay, giúp cho thành phố Bắc Kinh tránh bớt nguy cơ bị sa mạc dần dần lấn chiếm vì thành phố này bị nhiều gió mạnh từ các sa mạc Mông Cổ thổi cát và hoàng thổ và cát đến.
Nông phẩm
Dân Quebec muốn mua thịt gà nuôi theo lối thiên nhiên chứ không muốn ăn thịt gà vỗ béo bằng hocmôn ; các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ (‘BIO’), sạch, không dùng hoá chất và thuốc trừ sâu, tuy đắt hơn nhưng nhiều người vẫn yêu chuộng vì tránh được ung thư, tránh được các ảnh hưởng phụ khác.
Thuốc men
Thuốc men cũng khuynh hướng trở về thiên nhiên với dược thảo, tắm bùn. Hàng loạt sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên được bào chế làm thành thuốc uống
Mỹ phẩm
Mỹ phẩm càng ngày cũng từ nhiên nhiên: cây chanh, bơ, bồ kết, bạc hà, táo tàu, trái kiwi, đào, nhân sâm, mật ong. Những chất chiết xuất từ chanh, hạnh đào, trà, cọ, gừng … đang được dùng trong các sản phẩm săn sóc sắc đẹp.
Ngay cả lúc xử lý chất thải kỷ nghệ, người ta cũng có khuynh hưóng dùng thực vật, vì nếu sử dụng chất hoá học để xử lý thì môi trường lại chứa thêm chất hoá học: cây hướng dương có thể “hút” uranium vì có tổng chiều dài hệ thống rễ rất dài, dương sĩ vô hiệu hoá arsenic, thảo mộc thuộc dãy núi Alpes có khả năng ăn kẽm, bèo cám (duckweed) hút bớt chất độc trong nước thải kỹ nghệ, cây dương (peuplier) làm tiêu hủy một số dung môi. Dùng thực vật để xử lý các chất thải gọi là phytoremediation
Làm sao yêu thiên nhiên?
Trước tiên, cần để ý có mối quan hệ mật thiết giữa dân số và môi trường. Dân số cao qúa sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường vì lẽ dân số tăng thì nhu cầu không gian để ở, để có nhiên liệu cũng tăng và làm rừng sẽ giảm. Hội nghị Rio 1992 về môi trường và hội nghị Cairo 1994 về dân số đã nghiễm nhiên xác minh hệ thức đó. Vì vậy, yêu thiên nhiên là phải kiểm soát sinh đẻ, sinh đẻ có kế hoạch, cần có chất lượng thay vì số lượng. Nhưng dân số cũng lại liên hệ đến dân trí (trình độ hiểu biết, công dân) và dân sinh (nếp sinh hoạt, tăng gia chất lượng cuộc sống). Như vậy bài toán có tính cách đa chiều và giữa dân số, dân trí và dân sinh lại có thêm các quan hệ hữu cơ và tương thuộc lẫn nhau: dân trí cao, nếp sống cao sẽ làm dân số giảm xuống. Nhưng muốn nếp sống cao, thì phải có chương trình thực tế giúp người dân có thể giải quyết các nhu cầu cơ sở như nước uống, thực phẩm, chất đốt.. Giáo dục phụ nữ, nâng cao trình độ giáo dục của phụ nữ rất quan trọng để giảm dân số.
Yêu thiên nhiên cũng còn là :- sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo được và không ô nhiễm như gió, như mặt trời, như nước. Những nhà máy khí sinh (biogas) nhỏ, rẽ tiền, dùng chất thải của người và động vật để nấu nướng, thắp sáng. Gió, dòng suối con có thể sản xuất điện ở các vùng xa, vùng sâu. Năng lượng mặt trời để sưởi nước nóng về mùa đông, để chạy máy bơm nước, sưởi ấm nhà cửa. Các nguồn năng lượng này giảm được sự phát thải các khí nhà kiếng (greenhouse gas) mà chính các khí này sẽ làm sưởi nóng toàn cầu, làm nước mặt biển tăng lên với hậu qủa nhiều châu thổ thấp sẽ lún dưới nước biển, giảm đi diện tích canh tác trong khi dân số tăng lên.
– tái chế biến và tận dụng các phế phẩm: thay vì đốn thêm rừng làm bột giấy, thì cần thu luợm giấy báo, sách củ, giấy bìa…và tái chế biến ra giấy mới .
– bảo tồn và làm giàu tài nguyên rừng: trồng cây gây rừng, trồng thâm canh ở các thung lũng hoa màu lương thực để giảm bớt sức ép trên các đất dốc; kết hợp trồng rừng và cây ăn qủa; đề phòng nạn cháy rừng
Thay lời kết
Và như vậy, hiện nay, ta phải đối diện với cuộc khủng hoảng đa diện, nhiều chiều từ khủng hoảng môi sinh đến khủng hoảng kinh tế (thất nghiệp), khủng hoảng tinh thần (khủng bố), khủng hoảng xã hội (SIDA, nghèo khó, chênh lệch lợi tức), và các khủng hoảng này lại có quan hệ tương tác với nhau.
Trên hành tinh này, vạn vật nương nhau mà sống: cái này có vì cái kia có, vì mọi hệ sinh thái đều là những hệ thống mở (open system), nghĩa là có trao đổi vật chất và năng lượng giữa chúng: rừng cây sống là nhờ đất, đất phóng ra các dưỡng liệu nuôi cây là nhờ nước; nhưng nếu không có mặt trời thì không có quang hợp và cây sẽ chết. Phá rừng trong một lưu vực ảnh hưởng đến lưu lượng dòng sông, và trên khí hậu ..Như vậy, Trái Đất này không chỉ là một hành tinh vật lý cộng với một bầu sinh quyển cộng với một nhân loại mà là một tổng thể phức tạp có tính vật lý/sinh lý/ nhân loại. Con người là một thành phần của Thiên Nhiên nhưng cũng là một con vật Siêu Nhiên, có bổn phận làm cho Trái Đất được tươi đẹp hơn, biến qủa đất này, một tinh cầu lưu lạc trong vũ trụ thành cái bến bờ cứu rỗi của chúng ta.
Công dân thế giới của làng toàn cầu, hãy yêu thương Trái Đất! Và đó cũng chính là thông điệp của hội nghị về phát triển bền vững ở Johannesburg tại Liên Bang Nam Phi vào tháng 9 năm 2002 vậy.