VÀI NÉT VỀ CAO BÁ QUÁT
Chắp nhặt từng mảnh đầu Chu Thần
Hạ Long Bụt sĩ Lưu Văn Vịnh
Cao Bá Quát sinh năm 1809 tại Phú Thị, Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội)-mất 1855 (hoặc có thuyết ghi 1808-1857 ?), tự Chu Thần, hiệu Mẫn Hiên. Anh sinh đôi là Cáo Bá Đạt. CBQ sinh sau Nguyễn Du 43 năm(1765-1820), sau Nguyễn Công Trứ 30 năm ( 1778-1858 ).
Ông đậu Á nguyên Cử Nhân 1831 tại trường thi Hà Nội. Thi Đình ở Huế 2 lần không đậu (1832 và 1835). Thời nhà Nguyễn có 2 trường thi ở Bắc, 4 trường thi ở Trung và 2 trường thi ở Nam. Dân số và sĩ tử ở miền Bắc đông đảo nhất vậy mà chỉ có 2 trường thi như miền Nam đất mới dân thưa.
Năm 1841, đời Thiệu Trị, CBQ đang giữ chức Hành tẩu bộ Lễ ( chức vụ tạm thời chờ bổ nhiệm Tri huyện, Tri phủ, Chủ sự…) thì được cử sơ khảo kỳ ân khoa trường Thừa Thiên để tuyển 40 Cử nhân. CBQ và Phan Nhạ đã dùng muội đèn chữa 24 quyển thi phạm huý vì tiếc văn tài thí sinh. Ông bị tống giam, tra tấn và ngồi tù khoảng một năm, ra tù Thu 1842. Nguyễn văn Siêu, làm phân khảo kỳ thi, cũng bị cách chức vì cho CBQ ngủ cùng phòng thù tạc trong kỳ chấm thi.Vua Thiệu Trị khá rộng rãi: 5 thí sinh đã đậu vì được sửa bài, đều cho thi lại và đều được ban bằng Cử nhân như trước
Cuối 1842 CBQ đi hiệu lực (lấy công chuộc tội) ở Quảng Nam-Đà Nẵng, 1844 cùng phái đoàn Đào Trí Phú đi Tân Ba 7 tháng ( khi ấy cả Singapore, Malacca, Penang đều gọi chung là Singapore) mua 1 chiếc tầu máy hơi nước vua Thiệu Trị đặt tên là Điện Phi Hoả Cơ Đại thuyền- so với ngựa chạy từ Gia Định ra Huế thì còn nhanh hơn 1 ngày đường ( hơn 3 ngày 6 giờ thay vì hơn 4 ngày 6 giờ5.Đi công tác hải ngoại về, CBQ được vua tha tội về quê sống bên hồ Trúc Bạch, Hà Nội với vợ con
Năm 1847 lại được triệu vào Huế, viện Hàn Lâm, sắp xếp văn thơ cho vua Tự Đức (lục phẩm). Đây là thời gian CBQ tham gia sinh hoạt văn chương thi xã ở Huế
Năm 1850 ra làm giáo thụ phủ Quốc Oai, Sơn Tây, từ đây CBQ liên lạc với các nhóm dân tộc thiểu số Mường ở Tây Bắc ( không xa Hoà Bình) như Đinh Công Mỹ, Bạch Công Chân, tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, CBQ làm quân sư, đúng mùa châu chấu bay như rạ cắn lúa, dân đói…Trong đời Nguyễn, riêng miền Bắc tính ra gần 300 vụ nổi loạn lớn nhỏ, cho đến khi Pháp sang, nhà Nguyễn tuy thống nhất VN nhưng không cai trị nổi miền Bắc, gần như bỏ rơi khiến mươi lính Pháp hạ được thành Ninh Bình, 180 lính Pháp hạ được thành Hà Nội. Các quan cai trị miền Bắc đều cử người từ miền trong ra như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Hữu Độ ( Tổng đốc HàNội), Phạm Phú Thứ (Tổng đốc Hải Dương)…không chắc đã nắm vững dân tình địa phương
Cuộc khởi nghĩa 1854 của CBQ không nhỏ và giới hạn như sử ghi lại. Đây là cuộc khởi nghĩa có tầm vóc với sự tham dự của giới sĩ phu ( học trò CBQ), nông dân, dân Mường, dân Thái, con cháu trung thần nhà Lê, đánh trận ở Sơn Tây ( Mỹ Lương, Quốc Oai), tới Thanh Oai ( Hà Đông sát Hà Nội), lan tới Hưng Yên, Hải dương sau khi CBQ đã bị chết/bắt. CBQ với lòng yêu nước vô bờ và mẫn cảm, đã nhìn ra nguy cơ ngoại xâm khi tầu Pháp vào Sơn Trà và bắn 80 phát súng thị uy, năm 1847 lại vào cửa Hàn uy hiếp…
Nâng chén rượu, xin mời Bác sóng
Tuổi thiếu niên, ta thích trêu người
Núi phía Tây, bác lôi gần lại
Thành hướng Đông, san phẳng càng hay
…một thầy, một cô, một chó cái
..học trò, nửa người , nửa ngợm, nửa đười ươi
Ông bông đùa trêu chọc cả vua : …bên này nói chó, bên kia nói chó..thần thấy nguy, thần chạy bỏ…hay linh lợi làm ngay bài thơ nửa Hán nửa Nôm… khề khà ngữ, lấm tấm khai…
Tương truyền thuở thư sinh CBQ đi nghe bình văn, thấy bài nào kém ông bịt mũi, khạc nhổ!
CBQ viết về Phép Làm Thơ
Trước khi trở ra Bắc 1850, từ biệt Huế và Thi xã, CBQ đã đề tựa tập thơ Hà Thượng của Tùng Thiện công với hai quan điểm về Thơ hỏng và Thơ hay như sau :
Như muốn thưởng thức tinh tuý của trà, không nên ướp trà với hoa…âm điệu rườm rà làm mất thể thơ Đại nhã…CBQ viết rõ hơn : Bản chất cây chuối là luôn luôn làm ra bẹ mới, nõn mới. Có cái mới mà làm cho nó mới lên, đó là nghĩa vậy…
Từng trải, đi khắp non sông, để có thể nhận định sự đời kim cổ.
( kim cổ sự đa tu thức định ), đọc nhiều với đôi mắt thâu thái rọi soi như ngọn đèn ( khán thư song nhãn vạn niên đăng), biết sáng tác , lời bi tráng, viết trầm hùng, chẳng khác gì hun đúc bụi bặm cám bã thành gạch ngói, và cuối cùng người thơ cần hoà đồng, chia sẻ tâm sự chân thành với bằng hữu ( ngã đắc đồng nhân đạo, bằng lai dự hạp trâm).
CBQ nhấn mạnh : kiến thức hẹp hòi, nhìn con báo qua ống chỉ thấy được một vằn…con sâu muốn đo cả đất trời. Nhất là sau khi đi Tân Ba về, CBQ tỉnh ngộ : Văn chương chữ nghĩa hoá là trò chơi…trót lầm lỡ vì danh hờ, phí một đời cho mấy pho sách cũ.
CBQ : bậc thầy Hiện Sinh
CBQ đi trước tư tưởng Hiện sinh Albert Camus và JP Sartre cả một thế kỷ. Thập niên 1940-50, trào lưu Hiện sinh Âu châu thường nhắc tới câu nói của Camus: Tất cả mọi cố gắng đều vô ích-Tous les efforts sont inutiles, hay Tôi chống đối tôi mới thật là Tôi-Je révolte,donc je suis, hoặc nhấn mạnh tới công dã tràng của con người : Le Myth de Sisyphes, huyền thoại một người đẩy tảng đá lên cao, hòn đá lăn xuống, lại cố công đẩy lên…
Ngay từ thập niên 1840 CBQ đã nhắc tới một huyền thoại Đông phương tương tự :
Ta những muốn chắp đôi cánh nhẹ
Bay vút tầng khói tía mênh mang
Ngô tiên gặp gỡ giữa đàng
Đứng bên cây quế dịu dàng vẫy tay
Vừa thấy nhau đậm đà trò chuyện
Dường vì ta giở đến kiếp xưa
Nói thầm nghe chẳng nhớ ra
Cùng nhau từ ngọn gió hoà chia tay…
(trích Đêm Rằm Tháng 6 dưới trăng viết gửi bạn-Vũ Mộng Hùng dịch)
Huyền thoại ông tiên Ngô Cương đời Hán phạm lỗi bị đày lên cung Quảng đẵn cây quế bất tử, vừa đẵn xong thì thân cây lại mọc liền ra như cũ, hay chuyện lão Ngu Công 90 tuổi còn ngày ngày đập đá rời núi chắn ngang nhà, hay con chim Tinh Vệ, hồn công chúa Nữ Oa con gái Viêm Đế chết đuối, quyết tha đá núi Nam về lấp đầy biển Đông :
…Cá lạnh sóng êm buồn đớp bóng
Chim cao trăng sáng vẫn ngờ cung
…Tinh Vệ hoài công tha đá mãi
Nực cười dời núi chuyện Ngu Công
( Ngày Thanh Minh hoạ thơ- Vũ Mộng Hùng dịch)
Con người cố gắng trong bơ vơ như đi giữa bãi cát mênh mông : Tiến mà như lùi, càng đi càng tưởng vẫn đứng ỳ một chỗ (Sa Hành- Cùng đồ ca), chí dời núi lấp biển phải chăng chỉ là giấc mơ lớn của thân phận nhỏ nhoi con người ?
Cái Ta bất trắc, nhân sinh phù du, chuyển hoá từng giây : sau khi ở tù ra, CBQ làm bữa rượu mời bạn, gọi là Tiệc sinh nhật kiếp này của Mẫn Hiên, may là không chết, nhưng ta chẳng là ta khi trước nữa !
Cuộc sống như tuồng kịch, chẳng thấy đâu chân diện mục ( Xuất thế khởi vô chân diện mục-Thơ Xem Người Tầu/Thanh diễn kịch). Thế kỷ XX triết gia Pháp J. Paul Sartre cũng nhìn cuộc sống như một chuỗi các biến cố phi lý, ghê tởm, nhân sinh đáng buồn nôn ( La Nausée)
Cuộc sống là quán trọ ưu tư :
CBQ viết trong bài ca trù :
Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ : đời người trong trời đất như quán trọ, như bóng sổ, như gang tay…
Và nhắc lại ý đó trong bài Gặp Người Đói :
Sống là quán trọ triền miên
Chẳng ai thư thái an nhiên suốt đời
Giống mối hận chết đuối của chim Tinh Vệ, đời người đầy lo âu triền miên sợ Trời xập trên đầu như anh chàng nước Kỷ :
Văn chương Tinh Vệ hận
Thân thế Kỷ nhân ưu
Nỗi hận lòng chim tinh vệ
Huyền sử chép : Công chúa Nữ Oa, con gái út vua Viêm Đế Thần Nông, tổ của Viêm Việt, đi chơi ở biển Đông bị chết đuối nên uất hận, biến thành chim Tinh Vệ, ngậm đá và gỗ từ núi phía Tây mang ra lấp biển Đông. Chim Tinh Vệ, chân đỏ, mỏ trắng, đầu chim sặc sỡ mầu sắc, trở thành huyền thoại văn chương , như Nguyễn Du tả hồn oan của nàng Kiều :
Tình thâm bể thảm lạ điều
Mà hồn Tinh vệ biết theo chốn nào ( câu 2971-72)
Câu đối cụ Phan Bội Châu điếu Phan Chu Trinh :
Thương hải vi điền, Tinh vệ hàm thạch
Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền
( Biển thẳm chưa lấp bằng, Tinh Vệ ngậm đá- Chung Kỳ đã mất, Bá Nha đứt giây đàn).
Tích Tinh Vệ điền hải hay Tinh Vệ hàm thạch ghi trong thiên Bắc Sơn kinh sách Nam Hải Kinh đời Tiên Tần.
Lại có huyền thoại cho rằng Tinh Vệ là Nữ Oa, là em gái và lấy Phục Hy, sinh ra loài người nam nữ, tạo thiên lập địa, về sau Thần Lửa và Thần Nước đánh nhau làm sạt lở một góc Trời, khiến bà Nữ Oa phải dùng 4 chân rùa và nấu chảy đá ngũ sắc để vá trời !
Ca dao hát đố của ta có câu :
…Kìa ai đội đá vá Trời
Kìa ai trị thuỷ cho đời được yên ?
…Bà Nữ Oa đội đá vá Trời
Vua Đại Vũ trị thuỷ cho đời yên vui
CBQ mang tâm sự lớn và não nùng uất hận đó : tài có, chí có, mà Thời không có, Trời sinh thanh bảo kiếm mà lại dùng vào việc cắt tiết gà, thi thánh mà làm việc thư ký quèn xếp sách cho mấy ông vua từng giam mình vào ngục, đeo gông, bị đánh đập gần chết…thì có khác gì tài đại tướng Hàn Tín phải làm anh chấp kính lang coi kho thóc !
CBQ mất Thời, vì nước Đại Việt đã chấm dứt ở Thăng Long từ 1789, Huế là nước mới của người mới như bà Huyện Thanh Quan tâm tình “ Nhớ nước đau lòng con quốc quốc”, trí thức miền Bắc cổ Việt mất Thời mất Thế, chỉ cố tìm cái Cơ, hơn 300 cuộc nổi loạn ở miền Bắc trong đời Nguyễn chính là cái Cơ phản kháng của khối dân nước cổ Việt bị mất Thế !
Nhưng CBQ cũng ý thức rõ ý nghĩa nhân sinh, ông không vị danh như Nguyễn Công Trứ, phượng hoàng không gia nhập bữa tiệc tàn nhạt nhẽo của nhóm gà ri chim chích, ông ôm hận nuôi chí, chẳng làm chuyện lớn thì chí cũng phải lớn, phản kháng như cách tẩy nghiệp, nổi loạn như đi tìm lẽ sống cho mình và cho người. Tâm Bồ Tát Duy Ma, chí vời vợi Nghiêu Thuấn Võ Thang, CBQ có tài thi thánh cộng với chí trượng phu, một chiến mã xông pha nhảy vào lửa chứ không chịu đứng yên trong máng nhai văn nhá cỏ. CBQ muốn đội trời đạp đất, muốn thế thiên hành đạo, tài có, chí có, thế một con chim Tinh Vệ tha đá lấp biển, thế đội đá vá trời…tận kỳ tính, hết lòng hết sức, dẫu là vô vọng, dẫu là lấy trứng chọi đá, không thành công thì thành nhân, đấy chính là giá trị của nhân cách, đấy chính là bó đuốc chưa tàn trao truyền hậu thế.
Huyền thoại Chim Tinh Vệ rõ ràng hàm chứa một khoảng cổ sử Việt, Thần Nông là Viêm Đế, là tổ Lạc Việt, con gái út vì sao đi chơi biển Đông để bị chết đuối ? phải chăng huyền thoại hàm ý nòi Lạc Việt bị giống Hán du mục Bắc phương xâm lăng, chạy xuống biển Đông, có nhóm di tản sang Nam đảo, sang Mã Lai, gần nhất thì cũng tứ tán táp vào Hạ Long/Hồng Hà…nỗi hờn vong quốc- nước cũ Động Đình Hồ- không bao giờ nguôi, bộ tộc Việt tan tác nhưng nếu mọi người đều nuôi chí lấp sông lấp biển như Tinh Vệ-bảo vệ tinh thần Việt- thì Việt có mất đất nhưng không bao giờ mất hồn.
Chí Lớn CBQ
Chẳng thấy ru ?
Hồng hộc bay cao tít tận mây xanh
Hạc đen ngủ một mình trên đỉnh núi
Lũ chim vàng kiếm ăn sớm tối
Từ xưa nay ai chống đối ai ?
(trích Trên Chiếu Rượu nhà Tuần phủ Đông Tác-
Nguyễn Quý Liêm dịch)
Sinh ra có thiên tài, tuổi trẻ đầy chí lớn và kiêu ngạo, chiếm nửa bồ chữ của thiên hạ, CBQ từ thời thư sinh đã từng biểu lộ chí Nghiêu Thuấn :
Ngã quân tử kiến cơ nhi tác, dục vi Nghiêu Thuấn quân dân ( Ta người quân tử thấy cơ thì làm, muốn vua với dân như thời Nghiêu Thuấn- câu đối đáp quan Đốc học ở Hà Nội), cho tới khi khởi nghĩa trương cờ CBQ vẫn không quên lý tưởng đó : Bình dương Bồ bản vô Nghiêu Thuấn, Mục dã Minh điền hữu Võ Thang.
CBQ mang tấm lòng vị chúng sinh như Bồ tát Duy Ma :
Tiểu đồng đâu hiểu bệnh ta
Khổ đau thiên hạ Duy Ma quặn lòng
(Bệnh trung)
Nhất là trong Tài Tử Đa Cùng Phú, CBQ biểu lộ rõ rệt chí khí :
….Cựa đuôi kình, toan vượt bể Trình Chu
Lắc bầu rượu, dốc nghiêng non nước lại
…để ta đeo vòng thư kiếm, quyết xoay bạch ốc lại lâu đài
…để ta gánh vác giang sơn, quyết ném thanh khâm sang cẩm tú..
Giấc mơ lớn ấy theo ông tới lúc sắp bị chặt đầu :
Một chiếc cùm lim chân có đế
Ba hàng xích sắt bước thì vương
Chiếc thân bẩy thước xem là ngắn
Mà chí nghìn thu vẫn sống lâu
Nhìn vào gia phả họ Cao, nhiều đời khoa hoạn làm quan liêm khiết, từng có người như Cao Bá Hiên làm tới Binh bộ Thượng thư kiêm Tham Tụng (Thủ Tướng) thời chúa Trịnh, CBQ không khỏi tự hào với dòng tộc và đầy tự tin vào chí hướng lớn của mình.
Đành rằng CBQ vẫn chưa ra thoát lý tưởng Nghiêu Thuấn của Nho, tuy vậy CBQ đã thức tỉnh rất sớm, nhìn ra sự bất lực của vua quan cổ hủ trước văn minh Tây phương đang lốc tới cả cõi Viễn Đông, ông xứng đáng là tiếng kèn tiền phong, cả trong văn chương lẫn Việt sử cận đại
Thi Thánh Thơ Thần
CBQ để lại 1353 bài thơ chữ Nho và 21 bài văn, (thơ chữ Nôm, ca trù không còn lại nhiều). Xưa nay mới dịch ra quốc ngữ khoảng 10%,. Đa số dịch giả dịch theo nghĩa từ Hán sang Việt, ít dịch giả dịch thành thơ hay như Vũ Mộng Hùng, Nguyễn Quý Liêm…
Chỉ đọc hơn trăm bài cũng đã thấy nhiều điểm nổi bật : tư tưởng sâu xa, hình ảnh kỳ lạ, đầu đuôi nhất quán, bút pháp tân kỳ, nhanh như chớp, rộng như trời, mạnh như sấm, đập rung động cảm quan, sắc bén như dao…tâm hồn cao, cảm xúc thật làm nền cho văn chương cẩm tú, không khô rỗng, không rời rạc, không vẽ rắn thêm chân, không lấy từ đẹp che lỗ thủng…
Chúng tôi phỏng dịch tuỳ hứng, trích vài dòng tứ lạ, ý sâu, nhặt nhạnh châu ngọc của người xưa sót lại, ươm ấp hương thơ, giữ thi vị của thi thánh, mong người đọc, thương cảm ông, chia sẻ nỗi niềm một thiên tài bị Trẻ Tạo vứt vào xó An Nam châu chấu, mạt vận, đeo gông, bêu đầu, giữa cuộc hý trường nước non múa rối ma quân.
Rằng tôi mạnh khoẻ bấy nay
Tuy rằng chưa chết nhưng rày đang điên
Tiễn Nguyễn Trúc Khê-Nguyễn Quý Liêm dịch
Rơi chõ, công danh đà chán ngắt
Mổ rồng nghề nghiệp có ai yêu
Đang Ốm, Bạn Mời Rượu-Ngô Lập Chi dịch
( nghề mổ rồng-thật kỳ lạ !)
Đêm qua bỗng thấy chiêm bao
Gặp con giọt lệ tuôn trào như mưa
Áo đơn lạnh lẽo xác xơ
Ủ ê nét mặt, bơ phờ hình dung
Tuy nghèo dưa muối đủ dùng
Đắng cay con hãy về cùng với cha !
Chiêm bao thấy con gái mới mất-
trích bản Nguyễn Văn Bách dịch
Đi thì rẽ gió ngoài mô đá
Về lại đeo trăng chốn sảnh đài
Vịnh cái gông dài ( Nguyễn văn Tú dịch)
Qua Núi Dục Thuý
Trời đất có núi ấy
Muôn thuở có chùa này
Phong cảnh thật kỳ tuyệt
Lại thêm ta đến đây
Muốn trèo lên chót vót
Hát vang gửi gió mây
( không rõ tên dịch giả )
PHÓNG TRÍCH DỊCH của Lưu Văn Vịnh
Tay cầm gậy trúc leo cao
Núi sông vạn dặm thu vào mắt ta
Chợ Trời nâng sáo, bao la
Cả cười hỏi cách vòm xa mấy trùng ?
Du Sài Sơn
Sáng lên Hoành sơn ngắm
Chiều xuống Bàn Thạch tắm
Hòn đá nhặt hai nơi
Giang sơn không đầy nắm !
Triêu đăng Hoành sơn lập
Mộ há Bàn kinh dục
Huề thủ lưỡng phiến thạch
Giang sơn bất dinh cúc
Thành xây cao ngất đụng trời
Phù sa cuồn cuộn ngời ngời dòng sông
Giang sơn canh cánh bên lòng
Hỏi mình làm mãi thi ông sao đành ?
Hoạ bài Phóng quan Nhị Hà
Mặt trời đỏ rực đi đâu
Để dân đen mãi âu sầu thở than
Nâng chén rượu, xin mời Bác sóng
Tuổi thiếu niên, ta thích trêu người
Núi phía Tây, bác lôi gần lại
Thành hướng Đông san phẳng càng hay
Du Tây hồ
Người tiên núi Hành Nhạc, trần gian dễ mấy ai
Kỳ tài, uyên bác, chẳng có hai..
Trời đất bao la, một lồng ngực chứa đầy
Tâm cơ vận dụng quỷ thần kinh hãi
Thơ tán tụng Trạng Trình
Hành nhạc tiên nhân khoáng thế sinh
Tài kỳ học bác hữu thuỳ tranh…
Hung thứ bao tàng thiên địa khoát
Tâm cơ vận dụng quỷ thần kinh..
Múa chẳng hay bằng gươm Tổ Địch
Kiếm vẫn vung
Ý chí vẫy vùng
Bút chẳng sánh thơ tiên Lý Bạch
Ngâm vang lừng
Khiến sao rụng trời rung
Bác về thăm hộ nhà tôi
Gió mưa hàng lệ cùng rơi hai người
(Nhờ bạn Lưu Quý về quê thăm vợ)
Nhớ nhung vời vợi đất trời
Nỗi lòng thương cảm bời bời khôn nguôi
Du du thiên địa tâm
Thương cảm hà thời cực ?
( Viết hôm nhận được thư nhà)
Rượu ngon cất chén mơ mòng
Đường dài, ngựa mỏi, hỏi lòng tính sao ?
Dưới trời không ngủ mình ta
Trên trời sao cũng nhạt nhoà muốn rơi
Thơ ngâm vang vọng ngoài trời
Hỏi ai đêm tối là người nghe thơ ?
(Đọc Thi kinh)
Rượu say ghé hỏi hoa sen
Rằng hoa có đỏ bằng men mặt này ?
Xưa bao kẻ mình đồng da sắt
Tóc xanh đen nay bỗng bạc phơ
Bụi xe vó ngựa bơ phờ
Ruột gan rút hết, máu nhờ còn đây…
(tặng Đỗ vệ uý)
Gió từ phương nào tới
Lùa tràn vách núi cao
Du vân
Sông Hương là một phiến trăng
Cổ kim soi bóng mênh mang nỗi sầu
Núi non vây bọc ruộng đồng
Trời xanh kiếm dựng dòng sông loáng ngời
Trường giang như kiếm lập thanh thiên
Hành trình xa vạn dặm
Nhớ nước tưởng ba thu
Mắt xanh đời mấy kẻ
Sóng tự nhiên bạc đầu
(Hoạ thơ Trần ngộ Hiên- 86)
Bạc đầu sóng đánh nộ cuồng
Sấm ran chớp dựt cánh buồm ngả nghiêng
Hải âu bay liệng trời riêng !
Sông Hồng cuồn cuộn sóng hùng
Mới hay vạn dặm tấm lòng trượng phu.
Bất kiến ba đào tráng
An tri vạn lý tâm
Vào đời chẳng luỵ miếng ăn
Người xưa thử thách lóc lăn đã từng
Chiều Đói Không Cơm
Trượng phu chẳng chết trong văn tự
Tùng bách Đông, chết một nửa vẫn còn
Cùng nhau vươn thẳng sinh tồn
Đỉnh cao vòi vọi chon von Nguyệt Hằng
Đằng tiên ca ( Bài ca cái roi song khi vào tù bị đánh )
Mắt nhìn ngày tháng âm u
Đất trời có một gã tù làm thơ
Thiên địa nhất thi tù
Thi Tù độc dạ cảm hoài
Ước gông làm bậc thang mây
Ta leo gió thoát đoạ đầy trần gian
(vịnh cái gông dài)
Vì ta bạn lạy ban thờ
Ức Trai, Tiều Ẩn xin nhờ tri âm
Bệnh điên ta giả người câm
Tuổi già truyền hịch âm thầm lòng riêng !
( thơ tiễn Trúc Khê và gửi bạn già Lê Hy Vĩnh )
Sống là quán trọ triền miên
Chẳng ai thư thái an nhiên suốt đời
Du du nghịch lữ trung
Bách niên thuỳ tự khoan
Đạo phùng ngạ phu (Giữa đường gặp người đói).
Dòng sông uốn giải lụa đào
Giai nhân khoác cánh lượn vào trời xanh
Núi tròn chén biếc rượu sành
Khách thơ tuý luý nâng vành môi say
Dọc đường Ninh Bình
Muốn trèo lên đỉnh núi cao
Hát vang gửi tấm lòng vào gió mây
Đêm qua gió lộng Thuận An
Hải đài sấm sét tiếng ngàn quân vang
Thiên thu hùng khí Chu Lang
Đuổi tầu Tây chạy lửa vàng hoả công
Bài Ca Đường Cùng ( Cùng Đồ Ca)
Cát dài, cát dài, biết tính sao đây
Đường dễ thì mù mịt
Đường khó lại hàng hàng
Nghe ta hát khúc vang vang đường cùng!
Cát dài lại bãi cát dài
Tiến lên một bước, bước hoài tưởng lui !
Mười năm chọn bạn tâm giao
Khó như cổ kiếm tìm trao tay mình
Cúi đầu sùng bái, bình sinh
Hoa mai cao quý nở tình trắng trong
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
Thử ném hột mai lên đỉnh núi
Gieo giống thanh tao vách đá lành
Sau này mọc một bức tranh
Cho người thưởng lãm xuân xanh tuỵêt vời.
Chim cất cánh bay xa còn hót
Chúc khách đi hoa nở cuối mùa
Hoành sơn cỏ dại tiễn đưa
Đường dài vạn dặm gót chưa nỡ rời
( Đăng Hoành sơn )
Hoa đẫm lệ ngấn sương ngày trước
Nhạn trắng kêu gió gọi bạn xưa
Vào thu lá rụng mịt mờ
Vô vàn chuyện cũ ghi tờ mây treo
lvv (Ký hận-Gửi hận)
Gió sông thổi lạnh trời chiều
Trăng soi giấc mộng cô liêu quê nhà
( Từ ngày đi xa-Tự quan chi xuất hĩ)
Thử mời trăng
Trăng vào lòng chén
Nhắp lên môi
Trăng khuất biến đi
Bóng ai ngang dọc đáy ly
Ta ngừng đặt xuống
Trăng thì hiện ra
Trăng sông Trà gương soi nước bạc
Xách gươm đi quyết chí một đi
Chớ buồn mềm yếu nữ nhi
( Bài ca Trăng thu sông Trà Khúc)
Kinh thành mờ khói, mộng trưa
Kiếm cung là lúc đang vừa sức trai
Biển Đông Đà Nẵng dặm dài
Đảo xa lớp lớp chờ tài trượng phu
( ra tù, rời Huế, vào Đà Nẵng )
Nghênh ngang đầu đội nón mây
Vừa đi vừa hát khúc ngoài tiêu dao
Cúi đầu mái thấp lẽ nào !
Phóng Tiễn Nguyễn Trúc Khê
há tặc đãn hiềm tam tuế vãndo hận cửu thiên đê
Cưỡi mây cao, giận chín tầng trời thấp
Phá giặc thù, sợ ba tuổi muộn ru !
Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn
Đằng vân do hận cửu thiên đê vân
Thơ đề Phù Đổng
Sáo kia bắt chước tiếng người
Thế nên lưỡi cắt thân ngồi lồng son !
Vịnh chim sáo
Nhà nghèo lo rét sớm
Nhà giầu sợ nắng hè
Nhân tình ai phải trái
Tân niên lặng lẽ về
Đại hàn
Năm nao nàng đôi tám
So với trăng, sắc thừa
Phôi pha cùng năm tháng
Ngỡ vẫn còn nét xưa !
Tiếc rẻ ánh trăng vàng
Ta lấy vạt áo gói
Xé làm mảnh thư tình
Gửi giai nhân đêm tối…
( Đêm 17 dưới trăng)
Bốn phương ngóng mưa rào
Sấm sét trốn nơi nao ?
Mỏi trông chân trời gió
Ước bay cùng mây cao
( Du vân )
Côn Sơn Hành
Ngọn cây gió lạnh ào ào
Ngửng đầu nghe vọng tiếng gào người xưa !
Trông về Bắc, người xưa đâu tá
Chiếc mảng câu, trăm trận non sông !
Vui buồn nghiêng ngả cành thông
Cho người sau xót huyền không sự đời…
Trèo đầu non, nhìn xa tám cõi
Tùng vài cây, mây vẫn nổi trôi
Rụng đầy xác lá bời bời
Chim về, hỏi khách đứng ngồi về chưa ?
Vào đời thiên lý mã
Mắt sáng đèn vạn niên
Tựa gối vợ chải tóc
Con thơ nằm đầu nghiêng..
(Nằm bệnh)
Vô danh cỏ đỏ một mầu
Tưởng như lửa cháy đốt đầu lan can.
(Cỏ trong vườn)
Đỉnh Tản Viên thang mây Trời bắc
Giáp non cao hái được chùm sao !
(Vịnh núi Tản)
Ễnh ương kêu bụi rậm
Phải chăng kêu hộ dân ?
Sao mày kêu quá chậm
Muôn người chờ mưa tuôn
Bài Ca Trù : Hơn Nhau Cũng Một Chữ Thời, theo GS Nguyễn Quảng Tuân thì bốn câu
Thân hệ bang gia chung hữu dụng
Thiên sinh hào kiệt bất ưng hưu
Hãy bền lòng chớ chút oán vưu
Thời chí hĩ ngư long biến hoá
Nhiều bản cũ chép Bất Ưng Hư không đúng vì Hư là hư hoại, Hưu là nghỉ ngơi, ngồi không, hợp nghĩa hơn ( Trời sinh hào kiệt không lẽ cho nghỉ ngơi ngồi nhàn ?) , và lại hợp vần với câu dưới : Oán Vưu.
SO SÁNH VỚI CÁC THI HÀO KHÁC
Với Nguyễn Du : Thơ Nguyễn Du đạt tới đỉnh Tao Đàn, kết được cả bình dị vào bác học. Tuy vậy, vẫn khuôn sáo trong không gian điển tích văn học Trung Hoa, so với CBQ, hào sảng và phóng thoát, tư tưởng sâu sắc thâm trầm, tứ thơ kỳ diệu, bút thánh múa tay, không bị gò bó theo lối cũ. Tư tưởng Nguyễn Du, cũng như Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán, rất sâu về Phật, nhưng cũng chỉ có thế ! Có thể ví thơ Hán ( Thanh Hiên,Nam Trung tạp ngâm, Bắc Hành thi tập)- và Nôm ( Kiều, Chiêu Hồn, Văn Tế) của Nguyễn Du như một khu vườn cỏ hoa tươi tốt bên dòng suối reo than thở, nhiều nét đau nhân sinh, đầy nỗi sầu vạn cổ, còn thơ CBQ như ngọn núi nhấp nhô vời vợi, bàng bạc mây, ào ạt gió, có cuồng phong sấm sét, có sóng dữ biển cuồng, tri âm tìm thấy trong thơ CBQ khúc bi, khúc nộ, khúc hào, tiếng hét, tiếng gầm, lời than, lời thương…mênh mông âm điệu, tràn trề tâm sự, thêm cái khoái theo dõi một dòng đời huyền sử, khi diễu cợt vua quan, khi lênh đênh hải ngoại, khi trương cờ khởi nghĩa, khi đeo gông…Sống như thế, thơ như thế, quả thật là sống một đời thơ.
Với Nguyễn Công Trứ , thơ văn gọt rũa, một nhà Nho tận tuỵ trung quân ái quốc, với Triều Nguyễn ông là một nhân vật hết lòng. CBQ thuộc phía đối lập :
Người quân tử không thể nào ưa được anh Trứ ( quân tử ố kỳ văn chi trứ)
Đấng thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng gã Quyền ( thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền)
Thơ NCT vuông tròn khuôn sáo Nho, của kẻ sĩ thành danh : không công danh thì nát với cỏ cây, rồi Thái bình thập sách, …cho đến Ca Trù cũng chỉ nói lên thú hưởng lạc của một ông quan to … Còn CBQ ngay trong Ca trù, với tư tưởng Lão Trang, hưởng lạc ( Làm chi cho mệt một đời…Mảnh hình hài không có có không..) bút pháp vẫn ngang tàng, mạnh như một làn gươm : Dưới dậu thưa thấp thoáng bóng Nam san, Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ…Kho trời chung mà vô tận của mình riêng..Năm 1854 CBQ khởi loạn và bị chém, thì NCT vẫn còn sống (mất 1858), NCT từng là một đại thần cầm quân dẹp nhiều cuộc loạn, cuối đời ông cũng thấm thía chữ Danh trèo cao ngã đau, ước muốn làm kiếp cây thông đứng giữa Trời mà reo, không biết NCT nghĩ sao về hành trạng của CBQ, một người từng chỉ trích ông khi còn tại triều và trước khi về hưu ? Nguy cơ của đất nước đã được CBQ ý thức hơn 20 năm trước Nguyễn Trường Tộ (1868 bản điều trần Nguyễn Trường Tộ), và tiếng súng tầu Tây bắn vào Đà Nẵng hẳn đã làm giới sĩ phu giật mình, trong đó có Nguyễn Công Trứ, và lẽ phải và sự thật lúc này hẳn đã nghiêng phần nào về tư tưởng đối lập CBQ.
NCT cũng đã làm quan dưới triều Thiệu Trị,Tự Đức nhưng chưa thấy ông vua hay chữ Tự Đức khen tặng thơ văn NCT bao giờ, ngược lại nhà Vua tôn vinh một viên quan lục phẩm, từng khinh khi chọc ghẹo vua quan như CBQ lên hàng thi hào vô Tiền Hán, đấy là một điểm mà văn học sử cần tôn trọng ghi nhận. Một ông vua từng có những câu thơ bất hủ như :
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
thì lời bình phẩm thi phú hẳn phải có tiêu chuẩn và giá trị .
Thế kỷ 20-21, đọc lại thơ CBQ tưởng như tác giả không xa thời hiện đại bao nhiêu : các cụ Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Du…đi sứ Tầu, chỉ biết Tầu…CBQ trong rủi có may, ông đi sang Mã Lai, Tân Gia Ba, chứng kiến văn minh Âu Tây tân tiến, tầu thuỷ máy chạy hơi nước :
Không buồm không lái không người chèo
Cột tầu chót vót
Ống khói nhả mây lưng trời cao
Lúc chạy ngang, giật lùi nhanh hơn ngựa…
Ông thấy người da trắng da đen, ông nghe tiếng đại bác ca nông bắn vào Đà Nẵng…và ông thức tỉnh rất sớm, văn chương chữ nghĩa chỉ là trò chơi chẳng ích dụng trong thời đại văn minh mới, chẳng cứu được nước, chẳng giúp được dân…vua quan như phường tuồng, ếch ngồi đáy giếng, tầm chương trích cú, soi mói từ muội đèn đến phạm huý…Cảm hứng của ông đến từ thực tế xã hội : gặp người chết đói, người tát nước môi run bụng lép áo tơi quèn, đeo gông trong nhà tù, bị tra tấn, con chết quê nhà mà bố không về được, vợ nghèo nuôi con, mẹ mất, khởi nghĩa, xông trận…mọi cảnh huống nhân sinh ông đều trải qua, bi phẫn cũng có mà chí khí đội trời đạp đất của một kẻ sĩ cũng có. Chỉ trong vòng mươi lăm năm (1841-1854) CBQ đã hoàn thành cuộc hành trình từ Tri đến Hành, thành hay bại trong cuộc nhân sinh chẳng phải là quan trọng, quan trọng là dám sống và dám làm, sống cho ra sống, làm cho thật lòng, đấy chính là nhân sinh quan của một con người đứng thẳng trong Trời Đất vậy.
Văn thơ Ông là cầu nối từ Cổ điển sang Hiện đại, ông thoát từ văn tự Trình Chu sang hiện thực, ông không những đã vẽ những bức tranh siêu thực trừu tượng cao đẹp như các nhà Nho trước, mà còn vẽ cả những bức tranh hiện thực xã hội, từng nét rõ ràng, làm nổi bật thời đại mình sống. Hậu thế đọc thơ CBQ tưởng như đang theo dõi cuốn phim mô tả hành trình một con người đã biết sống, biết lẽ sống, biết định hướng sống, biết phản ứng theo con tim mẫn cảm, thành khẩn với lòng mình, không nô lệ vết xe đổ, biết bứt phá xiềng xích, không đóng kịch với người và với mình, ông lớn lên từ niềm đau, trưởng thành qua kinh nghiệm phong sương, hành động vì đại nghĩa dù biết mọi cố gắng trong cõi phù sinh có thể là công cốc như con chim Tinh Vệ chở đá lấp biển Đông.
Tham Khảo :
-Việt Nam Văn Học Sử Yếu-Dương Quảng Hàm
-Văn Đàn Bảo Giám
-VN Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên-Phạm Thế Ngũ
-Cao Bá Quát-Tham Luận Hội Thảo VănHọc xb2004 VN-Nhiều tác giả.
-Thơ Cao Bá Quát xb Đồng Nai 2005 Kiều Văn tuyển chọn.
-Cao Bá Quát Toàn Tập II- VH xb 2012