ĐÌNH LÀNG
Trung tâm văn hóa nông thôn
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Khi giới nho gia phát triển như Phạm Sư Mạnh (thời Trần thịnh), Lê quí Đôn (lúc Lê suy) thì giới sĩ phu lấy văn hóa tư tưởng Trung quốc làm hệ thống qui chiếu với phong thái « nam nhân Bắc hướng ». Vì vậy mà sắc thái Khổng Giáo in đậm trong tổ chức của đình làng và kinh đô.
Lược sử
Đình thờ Thành Hoàng đã có từ thời cổ đại Trung Hoa. Thành hoàng[1] có nghĩa vị Thần bảo hộ thành trì, châu huyện… Sách Trung Quốc thần bí văn hóa viết:« Thành hoàng tức là thành hào, hào có nước gọi là trì, không có nước gọi là hoàng. Đắp đất làm thành, đào hào làm hoàng[2] ».
Năm 823, quan Trung Hoa Lý Nguyên Gia xây La Thành và dựng đền thờ Tô Lịch làm thành hoàng La Thành. Năm 866, Cao Biền phong Tô Lịch làm Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân.
Thời nhà Đinh, dựng đình ở cố đô Hoa Lư để sứ thần nghỉ chân. Ngay khi lập đô Thăng Long năm 1010, vua Lý phong thần Bạch Mã, thần Tô Lịch là Quốc đô Thăng Long Thành Hoàng đại vương.
Đến đời Trần, đình là trạm nghỉ chân của vua quan, nơi đình trạm đưa tin tức của triều đình, sau đó trở thành nơi thờ thành hoàng và công sở của chức dịch. Vua Trần xuống chiếu :« phàm chỗ nào có đình trạm đều phải tô tượng Phật để thờ » (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).
Từ thế kỷ XV, nhà Lê trọng nho giáo nên đình làng được xây dựng khắp nơi để làm trung tâm điều hành mọi việc trong làng. Chức năng thờ Thành Hoàng mới bắt đầu và được định hình vào thời nhà Mạc[3]. Khi du nhập đình vào làng xã Việt thì người Việt đã có sẵn tín ngưỡng nguyên thủy thờ thần nên kết hợp dễ dàng với thờ thành hoàng du nhập từ phương Bắc chỉ việc rước thần nhân bản địa vào đình giữ vai trò thành hoàng của làng. Đình là một phạm trù ngoại lai nhưng lại mang một nội hàm bản địa Việt Nam.
Trong bối cảnh Nho học bành trướng, Khổng giáo được trọng dụng thì trung tâm văn hóa Đình được định hình bên cạnh trung tâm văn hóa Chùa trong các làng xã.
Về thần Thành Hoàng
Đền là nơi thường trú của thần thờ thần có tượng thờ, còn Đình là nơi thờ thành hoàng, là nơi thờ vong của Thần. Các thần được thờ là : Thiên thần (nhân vật thần thoại), nhân thần (nhân vật có thật trong lịch sử) cùng với thần tích của vị thần hay thành hoàng
Năm 1572, vua Lê Anh Tông giao cho Nguyễn Bính soạn ra thần tích của Thành Hoàng để sắc phong thần theo 3 cấp (thượng, trung, hạ đẳng thần).
Từ đời Lê Thánh Tôn, triều đình thường xuyên sắc phong thần. Thần phả và thần tích được ghi lại trong các bia hay văn bản.
Sắc phong Thần dựa trên hai tiêu chuẩn: phò vua và giúp dân nên sắc phong nào cũng có câu: « Thần rất anh dũng, thông minh tài giỏi, đánh giặc phù hộ đất nước, cứu giúp cho dân được bình an ». Nếu Thành hoàng là các vua triều trước thì không có sắc phong.
Vị thế đất để xây cất đình: « tụ phúc tụ thủy » được chọn theo phong thủy, thường trên một gò cao, trước có sông hồ ao và phải quay ra hướng tốt nếu không thì :« Toét mắt là tại hướng đình, cả làng toét mắt riêng mình em đâu ». Hướng đình thường là hướng nam, trở thành hướng qui hoạch theo kiêng kỵ của các ngôi nhà dân :«kị thứ nhất góc ao, thứ nhì đao đình ».
Chức năng
Đình là trung tâm văn hóa tín ngưỡng biểu tượng cho tính cộng đồng, tự trị dân chủ của làng xã. Vài trò văn hóa của đình thể hiện cô đọng nhất là lễ hội. Đình là ngôi nhà có ba chức năng chính : Tín ngưỡng, hành chính, văn hóa.
Trung tâm tín ngưỡng
Thần được thờ cúng là Thành Hoàng, vị vua tinh thần, thần hộ mạng của làng. Thành Hoàng có thể là :
– Thần tự nhiên được khoác áo nhân thần và tiểu sử thế tục như Sơn Tinh (thần Núi), Thủy Tinh (Thần sông biển),
– Nhân thần là các nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, tướng của hai bà Trưng, người có công khai phá đất mới, lập làng…
Chức năng hành chánh
Trung tâm quyền lực hành chánh của làng xã : Hội đồng kỳ mục, Hội đồng lý dịch (giải quyết mọi công việc làng) kết hợp với hương ước qui thành văn gọi là lệ làng, nhà họp của hội đồng làng, nơi thờ tự, tế lễ, nơi xử kiện, nộp sưu thuế…
Chức năng văn hóa
Trung tâm văn hóa của cả làng. « Cây đa, bến nước, sân đình » đã ăn sâu vào tâm hồn dân làng. Đình là trung tâm bảo tồn:
– Phong tục tập quán như ngày hội làng, ngày giỗ Thành Hoàng làng, nghi lễ tế thần, phong tục tập quán, lề thói, kiến trúc điêu khắc, âm nhạc, dân ca, trò chơi dân gian,
– Di sản văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của đời sống làng xã như diễn xướng, lễ hội, huyền thoại, thần tích, truyền thuyết về thành hoàng gắn bó chặt chẽ với dân làng. Vì vậy mà hàng năm, mỗi làng đều tổ chức lễ hội để tế lễ thần Thành Hoàng, lễ thượng điền (mở đầu vụ mùa), hạ điền (kết thúc). Lễ hội tại đình là đỉnh cao sanh hoạt văn hóa của làng.
Lễ hội có 2 bộ phận :
Lễ : nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng. Nghi thức được thực thi trong lễ hội thường theo điều lệ của triều đình qui định khi nào dâng rượu, khi nào dâng trà, dâng oản, dâng thức ăn mặn.
Hội : Hoạt động mang tính thế tục (sân đình trở thành sân khấu diễn xướng, ca hát quan họ, chèo…) và tâm linh (cầu mùa, cầu mưa) và trò diễn mang tính nghi lễ, diễn lại hoạt động của nhân vật phụng thờ được rước từ đình làng đến điểm kết thúc gọi là nghè (miếu).
Các chức năng của Đình đã tạo nên đặc trưng cơ bản của làng là tính cộng đồng và tính tự trị.
Tính cộng đồng là liên kết chặt chẽ các thành viên qua hình ảnh quen thuộc của nền văn hóa nông thôn.
Tính tự trị về lệ làng qua bản hương ước, quản trị độc lập về kinh tế, sưu dịch nên mới có câu « Phép vua thua lệ làng » và có nhận xét của một nhà khảo cứu Pháp là Việt Nam được cấu tạo bằng cả ngàn Nhà Nước.
Cho đến Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, chùa và đình là hai trung tâm của văn hóa nông thôn :
– Chùa là trung tâm bảo tồn văn hóa bản địa từ thời Hùng Vương (Đạo Mẫu với nghi thức lên đồng, tập tục ăn trầu, nhuộm răng, mặc váy…) và văn hóa du nhập từ Trung Hoa (Phật giáo, Lão giáo phù phép…),
– Đình là trung tâm hành chánh đồng thời là trung tâm văn hóa bảo tồn tập tục của dân làng qua lễ hội, hương ước.
Từ thế kỷ XIV, đình phát triển mạnh song song với giai cấp sĩ phu nho học làm lu mờ vai trò lịch sử của chùa xưa kia. Từ đó chùa là nơi sanh hoạt văn hóa chính của phụ nữ (lễ Phật, cầu an, hội chùa, cầu xin thánh thần…) và đình của đàn ông (quản trị làng, tế lễ, phân ngôi thứ…). Hai trung tâm văn hóa này có chiều dày lịch sử cả ngàn năm đã tạo nên nếp sống văn hóa cổ truyền tại nông thôn Việt.
CƯỚC CHÚ
Thành: thành lũy, hoàng : hào bên trong (Trong hào ngoài lũy bảo vệ cho làng) ↑
Nguyễn Thế Long, Đình và đền Hà Nội, NXB Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội 2005, tr.14 ↑
Đình Thanh Hà (Hà Nội) có bia xưa nhất đề năm Thuận Thiên thứ ba (1433), nhiều ngôi đình xưa nhất còn bảo tồn đến ngày nay đều có niên đại thời nhà Mạc. Các đình có niên đại thế kỷ XVI chừng 6 đình (đình Phù Lưu ở Bắc Ninh, Tây Đằng ở Hà Tây….). Đến Thế kỷ 17-18 dình xuất hiện gần như khắp nơi ↑