NỀN PHẬT ĐẠO CỦA TÒA TƯ TƯỞNG

TAM GIÁO TRẠNG TRÌNH

Hạ Long Bụt sĩ Lưu Văn Vịnh

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bao giờ cũng nhận mình là một nhà Nho, rất khiêm tốn khi đề cập tới Phật : “Tôi cũng có lòng thích điều thiện, nhưng tôi là nhà Nho, tuy chưa thấu đáo về đạo Phật, đạo Lão, song đọc rộng, suy nghĩ những điều nghi hoặc, cũng nắm được một hai về các luận thuyết này (Văn bia Tượng Tam Giáo).  Bài Độc Phật Kinh Hữu Cảm trong Bạch Vân Thi nói rõ cảm tưởng đó :

Văn thuyết như thiên thị Thích ca

Tuỳ duyên công đức đẳng hà sa

Vô cùng xuất một niên niên nguyệt

Kỷ độ vinh khô thụ thụ hoa

Thiên hạnh phú hiềm thiên cổ thiểu

Số cơ bần hận nhất thân đa

Tâm trung túng hữu nhàn điền địa

Vị tiễn kinh trăn, thực giác hoa.

Tạm dịch :

Nghe nói Thích ca như Trời cao

Công đức tuỳ duyên như cát sông Hằng

Năm qua năm, trăng mọc lặn vô cùng

Hoa nở hoa tàn bao lần thấy

Phú quí trời cho than là ít

Cơ bần than mãi biết bao nhiêu

Trong lòng ruộng đất bỏ hoang

Cắt gai nhổ cỏ, hãy trồng giác hoa.

Cho nên, tuy học trò sau này tôn vinh là Tuyết Giang Phu Tử, thầy Nho sư biểu, nhưng cái chí của Trạng, khi về hưu ở tuổi ngũ thập tại Am Bạch Vân, đã sống như một cư sĩ, Bạch Vân Cư sĩ, chẳng khác Nguyễn Trãi khi lui về chùa Côn Sơn làm Đề cử hơn trăm năm trước. Sau 99 năm nhà Lê, đặc biệt với thời Nho thịnh Hồng Đức, sĩ tử hướng hẳn về khoa cử Nho học, thường bỏ quên nền móng Phật Khổng Lão từ Đinh Lê Lý‎ Trần, 500 năm đồng tôn văn hoá, tạo nên một phong thái chững chạc sâu sắc cho trí thức hơn hẳn lớp nho sĩ khoa bảng từ chương sau này. Nhà Mạc, với Thái sơn Bắc đẩu Trạng Trình, cố tâm tiếp nối truyền thống văn hoá cao đẹp đó, nhập thế theo Khổng Mạnh, nhưng tâm địa vẫn giữ nền cao cả bền vững Phật-Lão. Ngoài việc xây dựng Đình làng làm nơi hội họp công cộng, đời Mạc xây cất trùng tu rất nhiều chùa chiền với truyền thống Tam giáo. Trạng Trình viết bia chùa Tam Giáo, Tạo Tam Giáo Tượng Bi Minh, như sau :

“ Đạo Phật gốc ở chỗ làm sáng Sắc và Tâm, phân biệt rõ Nhân và Quả. Đạo Lão chú trọng vào Khí để tới chỗ mềm dẻo, nắm cái lí duy nhất giữ bản chất chân thực của mình. Đạo Khổng gốc ở đạo đức nhân nghĩa..tất cả đều là giáo lí tuân theo tính tự nhiên của con người mà tu dưỡng đạo đức…Vững gốc ở bản thân mình để biểu lộ đối xử với người thì hạnh phúc toả rộng không cùng.. công đức không thể tưởng tượng và không thể nghĩ bàn…”

Bài minh tóm tắt rất gọn :

Thiên mệnh vị tính Mệnh trời là tính

Suất tính vị đạo Theo tính là đạo

Bản chi ư tâm Căn bản là ở tâm

Ngụ chi ư giáo Gửi đặt vào giáo dục

Di tượng hữu nghiễm Tượng còn trang nghiêm

Trường thiên bất lão. Vô cùng trời bất lão

(1578)

Từ đời Lý, Tam giáo đồng tôn, đã có kỳ thi Tam giáo 1195, nhưng tới đời Mạc thì tinh thần Tam giáo Đại Việt lại phục hưng mạnh mẽ với chùa Tam giáo ở Đan Phượng, Thăng Long ( khoảng 1590), và chùa Cao Dương, tỉnh Thái Bình là nơi Trạng Trình viết Văn bia trên. Cũng cần nhấn mạnh thêm là cho tới cuối đời Mạc, năm 1585-86 triều Mạc vẫn là chính thống vững vàng, thành Thăng Long được tu sửa và Trạng Trình vẫn còn sức khoẻ ở tuổi 85-90 đi du ngoạn thăm chùa viết bia lưu dấu,Trạng thâu tóm tam giáo vào một chữ THIỆN, ai nấy cần khuyến thiện để phấn chấn nhân thế.

NHỮNG DẤU ẤN CỦA TRẠNG TRÌNH NƠI CHÙA CHIỀN

Từ thuở thơ ấu, học với sư ông chùa Mét, cuộc đời 95 năm để lại rất nhiều dấu ấn tại các chùa chiền :

  1. Chùa Song Mai, Trạng dựng chùa cho người vợ thứ, tên Hương sau đổi thành Minh Nguyệt, bà không có con nên xin tu tại gia. Chùa có 2 gốc mai nên gọi là Song Mai, tương truyền là nơi Trạng tiếp sứ giả họ Trịnh từ Thanh Hoá ra hỏi cao kiến Trạng, và Trạng đã kín đáo khuyên : Năm nay lúa không tốt, lấy giống cũ mà gieo mạ, Ở chùa thờ Phật thì ăn oản. Hàm í họ Trịnh hãy tiếp tục tôn thờ nhà Lê.
  2. Chùa Trang Hoa do học trò Đinh Thời Trung dựng cùng làng, chùa không còn (nay thành nghĩa trang liệt sĩ) nhưng bài kí‎ về chiếc khánh đá,Thạch Bi Kí, thì vẫn lưu truyền. Tương truyền Trạng thường đến đàm đạo với sư Bùi Ngu Dân tại chùa mà Trạng cho là “vùng trời Thiền” :

“Phiến đá khi chưa gõ lên, sao lại khiến người ta tự xét mình sâu sắc, hiểu rõ nghiệp chướng

tấm thân, rửa sạch nhĩ căn mà được tỉnh ngộ ư ? Thánh nhân thể hội đạo mà hiểu rõ điều

thiện, từ thanh âm dẫn đến chỗ hài hoà, tất phải chế ra pháp khí để biểu hiện những điều

ấy.

Ôi ! hoà là chủ âm nhạc, thiện là nguồn giáo hoá, khánh đá một khi treo lên, tiếng vang ra

không cùng.”

(phỏng lược theo bản dịch của Đinh Gia Khánh, tác giả Văn Bia Thời Mạc xb 1996).

  1. Chùa Thái Bình : do Trạng cắm đất dựng chùa (40km nam Hải Phòng) gần cửa biển, cũng thờ Thánh Trần và Hải thần. Truyền thuyết ghi là nơi Mạc Mậu Hợp thoát thân sau khi bại trận, và là nơi mai táng thi hài Trạng Trình?
  2. Chùa Mét xã Cổ Am do một người họ Trần lập, là nơi Trạng học vỡ lòng và sau này Trạng đã trùng tu chùa và xây cầu Trường Xuân bằng đá.
  3. Viết Bia chùa Thanh Quang-Thái Bình nhân việc làm cầu lợp mái 10 gian 1568. Bia có câu “… các sĩ đệ nên khuyến khích nhau làm điều thiện để cho mọi người dậy nên lòng thiện mà tạo nên miền đất tốt lành.” Bài minh có câu:

Đất không biên giới

Trời cao sánh cùng

Móng nền công đức

Xưa nay trường tồn.

  1. Viết Bia chùa Khang Ninh, 1579- nhân làm tượng Phật bằng đá, văn bia có câu “Tôi cũng có lòng yêu điều thiện nên rất mừng. Nhà Nho ta đối với giáo lý Phật không phải không nắm rõ.Ta thường tự nhủ cần tích luỹ công đức.”
  2. Tháp Phổ Minh: ở chùa Thiên Trường, vua Trần Thánh Tông và các vua Trần khi làm Thái

Thượng Hoàng lui về đây tu dưỡng. Trạng Trình du ngoạn để lại bài Du Phổ Minh Tự với

những câu:

Phật nhãn thê lương chiếu dạ thanh

Pháp giới dữ đồng thiên quảng đại

liêu liêu cổ đỉnh kim hà tại

thức đắc vô hình thắng hữu hình.

Mắt Phật thê lương chiếu đêm thanh

Pháp giới mênh mông tựa trời xanh

Vạc đỉnh ngày xưa giờ đâu mất

Vô hình xoá sạch hữu hình quanh (phỏng dịch)

Con đò sông Hàn ( quê Trạng) Bạch Vân Am tân tạo ( khu di tích)