TÂM THỨC RỒNG LẠC VIỆT
Đại vận Hạ Long – Thăng Long – tới Cửu Long
Lưu Văn Vịnh
TỪ HOA LƯ RA THĂNG LONG HAY TỪ ĐÁY DELTA RA ĐỈNH DELTA
Delta tam giác đỉnh Việt Trì Phong châu, lui xuống một khúc là Cổ Loa-Luy Lâu-Đại La, hai tay đặt xuống Hạ Long-Hòn Gai phía Bắc, Hoa Lư-Nga sơn-Đông sơn, phía Nam, đấy chính là tam giác trung châu định cư của 2 triệu dân Lạc Việt và Mường thế kỉ IX-X-XI.
Khi Cao Biền, có biệt tài về khoa phong thuỷ, từ Tầu sang xây thành Đại La cai trị nước ta, thì hẳn khối dân bất khuất lui về phía nam, bấy giờ vùng đá vôi Hoa Lư-Đông sơn-Hoà Bình, là nơi xa mặt trời, cách Đại La của Cao Biền hơn trăm cây số, nơi đây có rừng núi, hang động, sẵn văn minh lúa nước, đủ làm một xứ Ba Thục nhỏ riêng một góc tự lập.
Tới họ Khúc, qua Ngô Quyền, đất nước lại rơi vào cuộc phân hoá Thập Nhị Sứ Quân, nhóm cư dân ở khu Hoa Lư-Hoà Bình-Trường Yên, kết hợp lại dưới cờ lau Đinh Bộ Lĩnh/Nguyễn Bặc/Lê Hoàn, nhất thống sơn hà, lấy khu đất đẹp mà hiểm, hang động đá vôi phía Nam làm cứ điểm.
Đời Đinh, Tiền Lê, chọn quê hương Hoa Lư làm kinh đô chỉ kéo dài được hơn 40 năm ngắn ngủi (968-1010) vì Hoa Lư tuy có núi non vây bọc xếp đặt như thành quách, nhưng Hoa Lư không ở giữa khu vực sinh hoạt trọng tâm dân tộc, đất hẹp, gọi đất sơn cùng thủy tận, không thể lâu dài. Con mắt của chiến lược gia Vạn Hạnh và các nhà sư vùng Luy Lâu, vốn am tường phong thuỷ, nhận ra đại thế đất nước, thâm quán tinh túy huyền sử Tiên-Rồng, đại nghiệp vương đạo cần địa thế nở mày nở mặt với thiên hạ, cần ra khu đất rộng cho loài Rồng bay lượn, loài Rồng thiên long, loài Chim kim xí điểu…mô tả trong kinh Phật, phải chăng cũng là những dạng thức nâng cao tâm thức chúng sinh ?
CHỌN ĐẤT LẬP ĐÔ
Cổ thư nước Hàn khi bàn về phong thủy trong việc chọn đất định cư cũng chú trọng tới 4 điểm : mạch nước, thế đất, hình dạng núi và mầu sắc đất. Đất và núi phải toát ra sinh khí, đất phải rộng nhưng kín và có mạch nước , mạch nước mở rộng quá bị thoát khí nên cửa sông cần vừa phải. Đất rộng sinh đại nhân, có đồi bao quanh hình bán nguyệt lại càng quí. Đất có sông lạch đâm thẳng vào như mũi tên cần phải tránh, đất nằm ép giữa núi như đất thung lũng có âm khí, ban ngày có sương mù, mặt trời lên muộn, lặn sớm, nhất định không phải đất làm nhà, dựng đô. Đồi núi lớp lớp bao quanh, nên cúi chầu về hơn là dựng đứng như đe dọa… ( Y Chung Hwan’ s T’aengniji- University of Sydney ).
Tổ tiên Lạc Việt định cư ở vùng châu thổ sông Hồng cách đây bốn ngàn năm, tất đã nhìn đại thế chiến lược phong thủy để tính cuộc phát triển Bắc cự Nam tiến, hàm ẩn trong huyền thoại quốc đạo năm mươi con xuống biển, năm mươi con lên núi. Muốn dân tộc đủ lực Bắc cự thì phải nằm vào long mạch tương đương với long mạch Bắc phương Trung Hoa, muốn Nam tiến thì phải có phong thủy khuynh loát nổi Chiêm Thành Lâm Ấp. Thấy ngã ba sông Thao nước đỏ, sông Lô nước xanh quấn quanh ba ngọn núi đột ngột nhô cao như đầu rồng là núi Hùng, núi Trọc, núi Vặn, xếp hàng chầu về linh địa có 99 ngọn đồi như 99 thớt voi từ Phú Lộc đến Thậm Thình, lại thêm vài chục quả đồi thấp hơn như đàn rùa từ Việt Trì bò lên, địa thế vừa đẹp như tranh vẽ, vừa phát nở dài rộng, vua Hùng vừa ý chọn làm quốc đô.
Nhìn địa thế của nước Việt cổ tuy nhỏ bé hơn Trung Hoa, nhưng thế sông núi xắp đặt không kém khí lực : các dãy núi hình nan quạt tụ về đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng, đỉnh này là khoảng Việt Trì Tam Đảo, xuống dưới nữa là Thăng Long sau này, cánh tay trái vươn lên Yên Tử Hạ Long, cánh tay phải đặt xuống vùng đá vôi Hoa Lư , Ninh Bình, Thanh Hóa. Hai con sông lớn làm mạch máu của đất nước là:
Sông Hồng dài 1200 cây số, phát tích từ 18 con sông ở Đại Lý tức Vân Nam rót vào, vòng quanh 200 dặm quấn tròn như tai người nên gọi là Nhĩ Hà.
Sông Đà còn gọi là Hắc giang hay sông Bờ, dài 850 cây số, cũng phát tự Vân Nam là chi hưũ ngạn của sông Hồng. Chạy dài theo sông Đà là dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh cao nhất hơn 3142 mét, dòng sông có nhiều thác nước khí lực rất mạnh, cùng với núi Ba Vì kết thành đại địa hữu hổ.
Các mạch Sông Hồng, Sông Mã, đều chảy theo hướng Đông Nam thuộc cung Thìn là Long cung, nên các dòng sông ở vị thế ” long cư long vị “, rồng ở tổ rồng, khí lực rất mạnh mẽ lâu dài. Đặc biệt sông và núi, âm và dương, đi song song với nhau, khiến thế quân bình của khí mạch được sinh động.
Đại địa Phong Châu, Luy Lâu ( vùng Hà Bắc ), Đại La Thăng Long hội hợp đủ các ưu điểm để làm đất dựng đô, riêng đất Phong Châu bên tả sông Hồng ( tả long ) làm đất tổ Hùng Vương quả là quí địa trường thế, khí sắc sinh động, thảo mộc tươi nhuận, đất cao rộng, đồi, sông, mấy lớp quấn quít chầu lại, đất này khi dấy phát có thể qui phục thiên hạ, ngang ngửa với đất Hồng Hà, Dương Tử, Tần Lĩnh, Sơn đông, Côn Lôn của Hán tộc.
Sau đời Vua Hùng, thủ đô rời xuống Cổ Loa (220 trước Tây lịch) cho tới đời Ngô Quyền (939) Cổ Loa vẫn là trung tâm đất nước. Trong những thế kỷ thuộc Hán, vùng Luy Lâu ( phủ Thuận Thành, Hà Bắc ) trở thành khu vực văn hóa quan trọng nhất ( Sĩ Nhiếp và các trị sở từ tk thứ II ). Bạch Hạc Việt Trì- Cổ Loa- Luy Lâu (có thể thành Long Biên cũng thuộc Luy Lâu) đều nằm ở tay trái sông Hồng ( nếu nhìn từ Bắc xuống ), Việt Trì trên cao, Cổ Loa, Luy Lâu xuống thấp hơn nhưng vẫn ở đỉnh delta châu thổ sông Hồng và chỉ cách Hà Nội 15- 25 cây số, nghĩa là vẫn một địa hình phong thủy.
ĐẤT CỔ LOA – ĐẠI LA – THĂNG LONG
Có lẽ khi quân Nam Chiếu chiếm Giao châu thành Đại La mới được xây cất hoặc tu bổ ( đầu tk IX ) bên tay phải sông Hồng, như vậy phòng ngự vững hơn vì giặc muốn vây thành phải qua sông. Khi Cao Biền dẹp được quân Nam Chiếu ( 865 ), cho đắp thành Đại La cao rộng hơn nhiều , sau này thành Thăng Long cũng nằm ở khu vực Đại La. Cao Biền vừa làm tướng vừa là nhà phong thủy nên việc lựa chọn Đại La làm trị sở phải vừa mang lợi điểm chiến lược, vừa mang ưu thế phong thủy. Đất Đại La-Thăng Long bên bờ sông Hồng lại có sông Tô Lịch bao quanh ( Cao Biền cho khơi lại sông Tô Ḷich ), lấy Tây Hồ làm não bộ, mạn xa một bên ba ngọn Tản Viên, một bên ba ngọn Tam Đảo, đều làm án bảo vệ kinh thành, sau này núi Nùng được đắp lên trong khu hoàng thành với mục đích tụ khí mạch, nhưng có người cho tên núi Nùng là núi Tản Viên. Khi Hoàng Phúc theo quân Minh sang cũng phải nhận đấy là thế đất ” La thành bất loạn “. Quốc đô Thăng Long thế đất ” Phượng chủy, long bàn ” tức mỏ phương mình rồng, có thần hoàng Bạch Mã tức thần núi Nùng ( núi Long Đỗ ) phù trợ, tương truyền núi có khe thông xuống đất sâu tiếp nhận khí thiêng trời đất hội tụ, cung điện nhà Lý được xây trên núi này.
Thời thuộc Minh, nhà phong thuỷ cừ khôi Tầu là Hoàng Phúc khi sang đất Việt khoảng 1407-1427, đã mang theo cuốn Địa Lý của Cao Biền đời Đường để làm bản đồ nghiên cứu phong thuỷ nước ta. Thời xưa, sách Địa Lý đúng là một tài liệu quân sự, ghi rõ hình thể sông, núi, đồi, gò, cao điểm, hạ lưu, mạch núi, thời tiết…nên Hoàng Phúc đã tới những linh địa mà Cao Biền ghi nhận. Một trong những linh địa ấy là Tam Đảo gần đền Hùng. Núi Tam Đảo gồm ba ngọn cao thẳng đột khởi gần như đối xứng với ba ngọn Ba Vì ( Tản Viên ) bên kia sông Hồng, hợp với Thăng Long, thành ba đỉnh tam giác đều. Tam Đảo tay long, cao hơn Ba Vì 300 mét (1591m) với ngọn cao nhất là Phù Nghĩa, ngọn giữa cao vót gọi là Kim Thiên hay Thạch Bàn có bia Cao Biền dựng, ngọn bên tả là Thiên Thị. Trên đỉnh núi có ngôi chùa Đồng đúc toàn bằng đồng rất cổ, sườn núi có chùa đá khắc chữ Địa Ngục Tự, suối nước vàng chói từ khe cửa chảy ra nhập vào suối Giải Oan. Trên tầng núi khá cao, khoảng 3 dặm, có một khoảng đất bằng phẳng, với ba nền đất dài, tám phiến đá vuông và một tấm bia lớn khắc vỏn vẹn bốn chữ lớn ” La Thành Bất Loạn ” bên cạnh có dòng chữ nhỏ ” Minh Thượng Thư Hoàng Phúc cẩn đề “.
Cả Cao Biền lẫn Hoàng Phúc, hai danh thủ Phong thủy Trung Hoa, cách nhau hơn 500 năm đều dựng bia ở Tam Đảo, vậy có thể suy diễn là về phương diện địa lý hẳn nơi đây kết long mạch đặc biệt. Điều này tác giả Vũ Trung Tùy Bút, Phạm Đình Hổ, từ thế kỷ XVIII đã luận giải như sau :
” …Mạch núi Côn Lôn chạy vào (Trung Hoa ) chia làm ba cán Long : một đằng theo sông Hoàng Hà chạy về phía Bắc, … một đằng theo núi Mân Sơn chạy về phía Đông,…một đằng theo sông Hắc Thủy chạy về phía Nam…phía Đông sông Hắc Thủy là những tỉnh Vân Nam, Quí Châu, Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Lão Qua kéo dài tới tận núi Tiểu Côn Lôn lại biệt lập một chi thiếu tô, Chi này chạy sang nước ta lại chia làm ba :
– Chi bên hữu chạy qua sông Đà Giang là những tỉnh Hưng Hóa, Sơn tây, Sơn Nam, rồi chạy vào Nghệ An, Thanh Hóa, cho đến Thuận, Quảng thì tản ra các cù lao gần biển…
– Chi bên tả thì qua Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên rồi qua đến biển là Hồng Đàm, đảo Đại Nhân…
– Chi giữa tự núi Tam Đảo trở xuống, mênh mông liên tiếp thành ra những tỉnh Thái Nguyên, Kinh Bắc, Trung Đô, Hải Dương, Sơn Nam … ” ( tr. 46-47 ).
Tác giả kết luận ” Địa thế nước ta, toàn thể giống Trung Hoa, chỉ có nhỏ hơn mà thôi “.
Nhìn tổng quát như vậy ba ngọn Tam Đảo là chi giữa, làm tổ sơn cho toàn châu thổ Hồng Hà, là mạch xuất phát đổ khí lực vào Thăng Long, trong khi núi Ba Vì thuộc chi hữu mà Nguyễn Trãi, tác giả Dư Địa Chí và mọi nhà lý số, đều gọi là tổ sơn của cả nước.
Chính vị thế phong thuỷ của đại địa ấy mà vua Lí Thái Tổ, theo lời khuyên của sư Vạn Hạnh đã nhắm việc chuyển đô về lại trung tâm trời đất, trung tâm dân cư, đất Rồng vương đạo mà loài ma cáo không thể xâm phạm chiếm lĩnh.
CHIẾU RỜI ĐÔ ( Thiên Đô Chiếu) của vua Lý Thái Tổ
ngày rời đô mùa Thu tháng Bảy Canh Tuất- 1010
Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần rời kinh
Nhà Chu đến vua Thành Vương cũng rời đô ba lần,
Các vua đời Tam Đại phải đâu theo ý riêng mà tự tiện chuyển đổi, chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm để mưu toan nghiệp lớn , tính kế muôn đời cho con cháu.
Cho nên, trên vâng mệnh Trời, dưới theo ý dân, thấy tiện lợi thì thay đổi, khiến vận nước được lâu dài, phong tục được phú thịnh.
Thế mà hai nhà Đinh, Lê, lại theo ý riêng tư, coi nhẹ mệnh trời, không biết noi theo Thương, Chu, cứ yên bề ở nơi quê quán, khiến triều đại không được lâu bền, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật chẳng thích nghi.
Trẫm rất đau lòng, không thể không rời đổi.
Huống chi,
Thành Đại La là kinh đô cũ của Cao vương, nằm giữa trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, đã đúng vị Đông Tây Nam Bắc, lại tiện hướng trước nhìn sông, sau dựa núi, thế đất rộng mà bằng, cao mà thoáng, dân cư không chịu khổ ngập lụt, mà muôn vật cực kỳ phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ có đất này là thắng địa.
Chính nơi đây tụ hội trọng yếu bốn phương trời đất
Chốn đế kinh bậc nhất muôn đời,
Trẫm muốn dựa vào thế đất thuận lợi ấy để định nơi ở, chư khanh nghĩ sao ?
Ghi chú : nguyên bản chữ Nho, nhiều bản phiên âm và dịch sang quốc ngữ, chúng tôi tổng hợp lại. Bài Chiếu cho biết 3 đặc điểm phong thuỷ của mạch đất Thăng Long:
Trạch thiên địa khu vực chi trung – nằm giữa trung tâm trời đất.
Đắc long bàn hổ cứ chi thế – được thế rồng cuốn hổ ngồi
Vạn thế đế vương chi thượng đô – đất đế vương vạn thế bậc nhất.
RỒNG XUỐNG – RỒNG LÊN – RỒNG THĂNG HOA
Sau khí mạch hùng vĩ Trường Sơn, đất nước lại mở ra một đại địa mới với trường giang Cửu Long làm chủ mạch. Sông Cửu Long dài 4180 cây số, là một trong những con sông dài nhất thế giới, chẩy qua Lào, Miên, Việt 2700 cây. Cùng với Hoàng Hà và Dương Tử Giang, sông Cửu cũng phát nguyên từ cao nguyên Tây Tạng, mang lại cho Đông dương một khí mạch tương dương với Trung Hoa. Điểm đặc biệt của dòng sông này là đổ ra biển theo hướng Đông Nam (giống sông Missippsippi của Hoa Kỳ ), cung Thìn, tượng trưng là rồng, vì thế cổ nhân gọi là Long và Cửu là cực số thành tượng trưng mức tiến hóa cao tột huyền diệu ( không có nghĩa là 9 cửa sông, tương tự như nói chín tầng mây, cửu trùng đài, chín suối.. ), Cửu Long từ xưa đã được nhìn bằng nhãn quan phong thủy mà đặt tên, tất là trường mạch đầy khí lực của Đông Nam Á. Miền núi Tây Ninh ( 900 m.) làm tay long, miền núi Thất Sơn làm tay hổ , tại hai nơi này chấn phát lên hai giáo phái lớn.
Đất Saigon Gia Định nằm giữa 4 con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Sông Saigon, Sông Đồng Nai, bốn dòng sông này chẩy ra biển Đông như một vòng cung từ Vũng Tầu tới Gò Công, là đất kết phát. Nhìn chung, ưu điểm phong thủy địa lý miền Nam là sông dài, rộng, đất phẳng, triển nở sinh lực, cây cỏ tươi nhuận, nên là đất lành ít tai ương binh lửa, gọi là Phật địa cũng không ngoa Vì sông nước êm đềm , núi thấp, nên âm thịnh, vùng Gò Công ( đất Giồng Sơn qui ) đã là đất phát vương hậu triều Nguyễn.
ĐẠI THẾ LẠC VIỆT
Có thể kết luận rằng cổ nhân khi nhìn toàn cảnh phong thuỷ đã viễn kiến ba đại giai đoạn phát huy Lạc Việt cho con dân Âu Cơ-Lạc Long :
Đại vận Hạ Long, rồng hạ cánh xuống biển Đông với huyền thoại 50 con lên núi, 50 con xuống biển-hàm ý Bắc cự Nam tiến.
Đại vận Thăng Long, rồng gặp mây thịnh phát bay cao dựng nước an dân Đại Việt.
Đại vận Cửu Long là giai đoạn dựa vào xương sống cứng mạnh Trường sơn mà Nam tiến mở mang bờ cõi theo hướng biển, tới đây đất nước hoàn chỉnh một giải đất dài, Rồng tới cực điểm (số chín ) gọi là Cửu Long, vươn vai thoát bóng đen trùm phủ Trung Hoa, chấn phát riêng một vòm trời Đông Nam Á. Đấy là thời Long Hoa Thiên Tử xuất mà Trạng Trình đã tiên tri : phân phân tùng bách khởi, nhiễu nhiễu xuất Đông chinh, hay là cuộc khởi nghĩa của vương đạo quân tử (tùng bách) ở phương Đông vào thời Kiến long vị tại thiên tức Rồng nằm chính cung trên trời với bực đại nhân xuất hiện xoay vần Việt tộc trở lại nền vương đạo chính thống Lạc Hùng. Thế đất Long vị chính cung hiển nhiên không phải là nơi ẩn náu lâu dài của ma vương quỷ sứ, cho nên cổ nhân viễn kiến : giặc đến Bồ đề thì giặc phải tan và Hoàng thiên tru ma vương…chính là muốn nói tới vận hội vương đạo thắng quỷ đạo vậy.