ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
Năm 931 (Tân Mão), Dương Diên Nghệ [1] người xã Dương Xá huyện Thiệu Hóa [nay là Thiệu Yên vì có Yên Ðịnh sáp nhập), tỉnh Thanh Hóa, khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán. Từ ấy, nước ta độc lập suốt 476 năm, trải qua các triều Ngô (吳), Ðinh (丁), Lê (黎), Lý (李), Trần (陳), Hồ (胡); đánh dấu một thời đại tự chủ oai hùng (931 – 1407).
I – NHÀ NGÔ (939 – 965)
Ngô Quyền (吳 權, 898 – 944) người xã Ðường Lâm, nay thuộc thị xã Sơn Tây tỉnh Hà Tây; được Dương Đình Nghệ (楊 廷 藝) cho làm nha tướng và gả con gái là Dương Thị Như Ngọc [2].
Tháng 4 năm 937 (tức tháng 3 năm Ðinh Dậu), Dương Đình Nghệ bị bộ tướng Kiểu Công Tiện [3] giết. Ngô Quyền đang làm Thứ sử Ái Châu (Thanh Hóa), đem quân ra hỏi tội. Kiểu Công Tiện (矯 公 羨 hoặc 皎 公 羨; ? – 938) cho sứ sang Nam Hán cầu cứu. Vua Hán là Lưu Cung (Liu Gong) muốn nhân cơ hội này chiếm lấy nước ta, bèn sai Thái tử Hoằng Tháo [4] đem binh thuyền đi trước, còn vua tự cầm quân đóng ở Hải Môn để tiếp ứng. Nghe tin chiến thuyền của giặc theo sông Bạch Ðằng vào nước ta, Ngô Quyền sai quân đem cọc đầu bịt sắt nhọn đóng ngầm ở hai bên cửa sông. Thủy triều lên, quân ta dùng thuyền nhẹ khiêu chiến, rồi giả thua, dụ giặc đuổi theo. Khi cả binh thuyền của chúng tiến vào vùng có cắm cọc, quân ta đổ ra đánh rất hăng, vừa lúc thủy triều rút nhanh, thuyền giặc vướng vào cọc, thủng vỡ lật úp. Ngô Quyền, trong thì giết được Kiểu Công Tiện, ngoài đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Ðằng năm 938 [5], Hoằng Tháo (Hong Cao) bị bắt sống và bị giết, ca dao đã tường thuật chiến công oanh liệt này:
Ðánh giặc thì đánh giữa sông,
Chớ đánh trong cạn, phải chông mà chìm [6].
H 1: Sông Bạch Đằng, đoạn gần cửa sông
(Ảnh từ Google)
H 2: Tranh vẽ chiến thắng Bạch Ðằng năm 938.
(Tài liệu cũ, Nam Thống chụp lại)
Năm 939 (Kỷ Hợi) Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa (古 螺), nay thuộc Ðông Anh, huyện ngoại thành Hà Nội, truyền ngôi được 4 đời gồm: Ngô Vương (939 – 944) tức Ngô Quyền, Dương Bình Vương (945 – 950) tức Dương Tam Kha (楊 三 哥), Nam Tấn Vương (951 – 965) tức Ngô Xương Văn (吳 昌 文); Thiên Sách Vương (951 -954) tức Ngô Xương Ngập (吳 昌 岌). Nhưng đến đời Ngô Xương Xí (吳 昌 熾), con của Ngô Xương Ngập, chỉ còn giữ đất Bình Kiều (thuộc phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng; nay thuộc tỉnh Hưng Yên), như các sứ quân khác. Ðất nước lâm vào thời kỳ hỗn chiến (966 – 968), sử gọi là Thập Nhị Sứ Quân [7].
H 3: Lăng Ngô Quyền ở Ðường Lâm [8]
(Ảnh từ Google)
II – NHÀ ÐINH (968 – 980)
Ðinh Bộ Lĩnh (丁 部 領) quê ở động Hoa Lư, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, con ông Ðinh Công Trứ (丁 公 著) làm Thứ sử Hoan Châu dưới thời Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền. Cha mất sớm, theo mẹ về quê sinh sống, lớn lên gia nhập sứ quân Trần Minh Công. Trần sứ quân chết, Ðinh Bộ Lĩnh thay thế, đem quân về giữ Hoa Lư, hùng cứ một phương. Ðinh Bộ Lĩnh lần lượt diệt các sứ quân khác, thống nhất đất nước, dân chúng tôn là Vạn Thắng Vương (萬 勝 王). Trong văn chương bình dân, có câu ca dao thích hợp với sự kiện lịch sử này:
Ở đời muôn sự của chung,
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.
H 4: Bản đồ do Nguyễn Huy Trực [9] cung cấp.
H 5: Toàn cảnh vùng cố đô Hoa Lư, ảnh Ðỗ Huân.
(Trần Độ, “Văn Hóa Việt Nam”)
H 6: Di tích tường thành Hoa Lư ở Ninh Bình.
(Ảnh: Ðông Tiến, “Dân Tôi Nước Tôi,” tr. 278)
Năm 968 (Mậu Thìn), Vạn Thắng Vương lên ngôi hoàng đế, xưng là Ðinh Tiên Hoàng (丁 先 皇), đặt quốc hiệu Ðại Cồ Việt (大 瞿 越)[10], đóng đô ở Hoa Lư (華 閭) [11], dân chúng sống trong thanh bình an lạc, đúng nghĩa với niên hiệu Thái Bình (太 平) mà nhà Vua đã chọn:
Xem lên trăng bạch trời hồng,
Dạo miền sơn thủy bẻ bông thái bình.
H 7: Cổng vào đền Ðinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư, Ninh Bình.
(Ảnh: Nguyễn Huy Trực, 1993).
H 8: Ðền Ðinh Tiên Hoàng, bệ ngai và nóc đền có đắp rồng.
(Ảnh: Nguyễn Huy Trực, 1993)
Nhưng đến năm 979 (Kỷ Mão) có biến cố lớn, Ðỗ Thích (杜 釋) làm chức lại ở Ðồng Quan, nằm mộng thấy sao rơi vào miệng, tin là điềm báo được làm vua. Thừa lúc Ðinh Tiên Hoàng say rượu nằm ở sân cung, bèn lén vào giết Vua và Ðinh Liễn (丁 璉) con trưởng vua. Dân chúng chê trách hành động điên rồ của Ðỗ Thích:
Con cóc nằm ở bờ ao,
Lăm le lại muốn nuốt sao trên trời [12].
H 9: Lăng mộ Ðinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư.
(Ảnh: Nguyễn Huy Trực, 1993)
III – NHÀ TIỀN LÊ (980 – 1009)
Thừa lúc vận nước rối ren, năm 980, vua Tống Thái Tông (Song Tai Zong) sai Hầu Nhân Bảo (Hou Ren Bao) đem quân đến biên giới định xâm chiếm nước ta. Tướng Phạm Cự Lưỡng (范 巨 倆; 944 – 984) [13] yêu sách phải tôn Lê Hoàn (黎 桓) lên ngôi vua, mới chịu xuất quân. Trước tình thế cấp bách, trước vận mệnh sống còn của đất nước, Thái hậu Dương Vân Nga (楊 雲 娥) sai lấy áo long cổn khoác lên mình Lê Hoàn, tôn lên ngôi là vua Lê Ðại Hành (黎 大 行), để yên lòng binh sĩ.
Tháng 4 năm 981 (tức tháng 3- Tân Tỵ), quân Tống sang chiếm nước ta. Hầu Nhân Bảo (Hou Ren Bao) và Tôn Hoàn Hưng (Sun Huan Xing) dẫn đại binh đi đường bộ đánh Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ (Chen Qing Zu) theo đường thủy vào sông Nhị Hà tấn công Tây Kết, Lưu Trừng (Liu Cheng) tiến vào sông Bạch Ðằng. Nhưng vận nước còn hưng, nên có “Lê gia xuất Thánh minh,” Lê Ðại Hành tự nguyện làm tướng chống giặc. Nhà vua phá tan đạo quân đi đường bộ, đánh đuổi cánh quân đường thủy; giết tướng Hầu Nhân Bảo [14], bắt tướng Quách Quân Biện (Guo Jun Bian) và Triệu Phụng Hưng (Zhao Feng Xing), giặc chết quá nửa; khiến nhà Tống dẹp mộng xâm lăng nước ta:
Ải Chi Lăng, ta dùng kế trá hàng,
Giặc chết nhiều, Hầu Nhân Bảo máu loang.
Ta bắt sống địch hai người bộ tướng,
Chết phân nửa, quân trang nhiều vô lượng.
Bọn Lưu Trừng đóng giữ mặt Bạch Ðằng,
Thấy quân ta thừa khí thế đánh hăng,
Quân nhà Tống, bên bộ binh tháo chạy,
Lưu Trừng sợ ta hỏa công thiêu cháy
Bọn thủy quân của giặc Tống rút êm.
Ta liên hoan mừng chiến thắng liên miên
Ðại Cồ Việt, rừng cờ vàng hoa nở [15].
Lê Ðại Hành (黎 大 行) ở ngôi 25 năm, từ 980 – 1005, lần lượt đặt các niên hiệu Thiên Phúc (天 福; 980 – 988), Hưng Thống (興 統; 989 – 994), Ứng Thiên (應 天; 994 – 1005); kinh đô vẫn ở Hoa Lư (華 閭).
Con cò bay lả bay la,
Bay qua Yên Thế bay về Hoa Lư.
Trăm ngàn cờ Việt có dư,
Màu vàng sáng chói, muôn thu anh hùng [16].
Tháng 4 năm 1005 (tức tháng 3 năm Ất Tỵ) Ðại Hành Hoàng Ðế băng ở điện Trường Xuân. Con thứ ba là Lê Long Việt (黎 龍 鉞) lên ngôi tức Lê Trung Tông (1005) làm vua được 3 ngày, bị em là Lê Long Ðĩnh (黎 龍 鋌) sai người giết, rồi tự xưng làm vua (1005 – 1009) vẫn dùng niên hiệu Ứng Thiên, đến năm 1008 đổi là Cảnh Thụy (景 瑞). Long Ðĩnh rất bạo ngược, hiếu sát, thường lấy sự giết người làm trò chơi, thích xem hề ngay lúc lâm triều, lại còn say đắm tửu sắc nên phát bệnh trĩ đến nỗi không ngồi được, thị triều phải nằm, sử gọi là Vua Ngọa Triều. Giữa lúc lòng dân oán ghét Long Ðĩnh, trong dân chúng lan truyền một bài Sấm thi bằng chữ Nho:
Thụ căn diểu diểu,
树 根 杳 杳
Mộc biểu thanh thanh.
木 表 青 青
Hoà đao mộc lạc,
禾 刀 木 落
Thập bát tử thành.
十 八 子 成
Ðông a nhập địa,
東 阿 入 地
Dị mộc tái sinh [17].
异 木 再 生
Chấn cung hiện nhật,
震 宫 見 日
Ðoài cung ẩn tinh.
兑 宫 隐 星
Lục thất niên gian,
六 七 年 间
Thiên hạ thái bình.
天 下 太 平
Cao Huy Giu (Thơ Văn Lý Trần) dịch:
Gốc cây thăm thẳm,
Ngọn cây xanh xanh.
Cây hòa đao rụng,
Mười tám hạt thành.
Cành đông xuống đất,
Cây khác lại sinh.
Ðông, mặt trời mọc
Tây, sao náu hình
Khoảng sáu, bảy năm
Thiên hạ thái bình.
– Hai câu giáo đầu nói bóng gió vua thì yểu mệnh, bề tôi cường thịnh.
– Câu 3, hợp các chữ hòa ( 禾 ), đao ( 刀 ), mộc ( 木 ), thành chữ lê ( 棃 ) nhưng lại lạc (rơi rụng), ý nói Nhà Lê mất ngôi.
– Câu 4, hợp các chữ thập ( 十 ), bát ( 八 ), tử ( 子 ), là chữ lý ( 李 ), ý nói người họ Lý thành thiên tử.
– Câu 5, hợp hai chữ đông ( 東 ), a ( 阿 ) thành chữ trần ( 陳 ) nhập địa, ý nói Nhà Trần làm vua nước ta.
– Câu 6, cây khác sống lại, ý nói một họ Lê khác làm vua lần nữa, tức nhà Hậu Lê.
– Câu 7 và 8: cung đằng Ðông (chấn) mặt trời mọc, cung đằng tây (đoài) ngôi sao mờ.
Một hôm Lê Long Ðĩnh ăn trái khế lại thấy hột mận [18] chữ Nho gọi là Lý (李), càng tin lời Sấm thi, ngầm sai tìm người họ Lý giết đi, nhưng lại quên mất Lý Công Uẩn ở bên cạnh vua và đang giữ chức Tả thân vệ Ðiện tiền Chỉ huy sứ, nên ca dao có câu:
Ta trong cây khế ta ra,
Mình còn cạnh khế, chi ta hỡi mình!
H 10: Ðền vua Lê Ðại Hành ở Hoa Lư.
(Ảnh: Phạm Ngô Minh,
“Nhân Vật Họ Lê Trong Lịch Sử VN”).
IV – NHÀ LÝ (1010 – 1225)
Khi vua Long Đỉnh băng thì Lý Công Uẩn (李 公 蘊) ngoài 35 tuổi; bấy giờ thần dân chán ngán nhà Tiền Lê nên trong triều có nhóm Đào Cam Mộc (陶 甘 沐; 942 – 1015), nhà chùa có Thiền sư Vạn Hạnh (萬 行; 938 – 1018) vận động đưa Công Uẩn lên ngôi vua, xưng là Lý Thái Tổ (李 太 祖), đặt niên hiệu Thuận Thiên (順 天; 1010 – 1028).
Nhà Lý để lại cho lịch sử những dấu ấn sâu sắc đáng ghi nhớ: Năm 1010, Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (華 閭) về thành Ðại La (城 大 羅) và đổi tên là Thăng Long (昇 蘢). Năm 1054, Lý Thánh Tông (李 聖 宗) đổi quốc hiệu là Ðại Việt (大 越) [19]. Năm 1075, Lý Nhân Tông (李 仁 宗) sáng lập khoa thi Tuyển Minh Kinh Bác Học Cập Nho Học Tam Trường, mở đầu cho nền khoa cử nước ta. Và những năm 1044, 1069, 1075, 1076, 1078, 1084, 1104, triều Lý không những đuổi được giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông, mà còn đem quân ra nước ngoài đánh Nam phạt Bắc, mở mang bờ cõi, và vẻ vang nhất là đòi lại được những phần đất đã mất.
H 7: Ðền Ðô tức Lý Bát Ðế [20] ở Ðình Bảng.
(Ảnh: Nguyễn Huy Trực, 1993)
Bấy giờ người Chăm thường quấy nhiễu ở vùng biên giới, tháng 3 năm 1069 (tức tháng 2 năm Kỷ Dậu), Lý Thánh Tông (1054 – 1072) thân chinh đi đánh Champa [21]. Từ Thăng Long, đại quân ta đi ngót 26 ngày đường biển mới đến đầm Thị Nại (nay thuộc tỉnh Bình Ðịnh). Viên Tổng tư lệnh Chăm là Bố-bì-đà-la dàn trận trên bờ sông Tu Mao (một nhánh của sông Côn). Lý Thường Kiệt [22] đánh tan lực lượng tiền phương và giết được Bố-bì-đà-la, rồi vượt thêm hai sông nữa (cũng thuộc sông Côn) thì tới thành Ðồ Bàn.
Vua Chăm là Chế Củ tức Cri Rudravarman III [23] bỏ kinh đô chạy về miền Nam. Lý Thường Kiệt đem quân đuổi theo suốt một tháng trời, đến tận biên giới Chân Lạp. Vua Chăm và 5 vạn quân dân bị bắt. Tháng 7 năm ấy, Lý Thánh Tông về đến Thăng Long với ca khúc khải hoàn, giải theo vua Chăm và quyến thuộc. Sau Chế Củ dâng 3 châu: Bố Chánh, Ðịa Lý và Ma Linh [24] mới được tha cho về nước.
Ca dao dưới đây xin dành cho vị vua Ðại Việt đầu tiên thân chinh mở mang bờ cõi phương Nam:
Uống nước phải nhớ lấy nguồn,
Non sông cẩm tú nhớ người mở mang.
Ðời Lý Nhân Tông (1072 – 1128), lúc ấy bên Tàu có Tể tướng nhà Tống (Song) là Vương An Thạch (Wang An Shi) chủ trương đánh chiếm nước ta cho bằng được, nên ra mặt khiêu khích, tích trữ vũ khí quân lương vùng biên giới, chuẩn bị tấn công. Biết được ý định của giặc dùng Ung Châu (Yong Zhou) nơi tụ điểm cho đạo quân đường bộ và Khâm Châu, Liêm Châu là cứ điểm xuất phát của cánh quân đường thủy. Triều đình nhà Lý quyết định rất táo bạo nhưng sáng suốt, phải ra tay trước đánh phủ đầu các hậu cứ trên, nhằm phá hủy nơi tích trữ lương thảo, làm suy yếu khả năng xâm lăng của giặc.
Năm 1075, Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt và Tôn Ðản (25) đem hơn 10 vạn quân vào đất Tàu, tiêu diệt các đồn trại quân Tống ở miền Nam hai tỉnh Quảng Ðông (Guang Dong) và Quảng Tây (Guang Xi). Lý Thường Kiệt còn viết nhiều Lộ bố (truyền đơn ngày xưa) [26], kể tội họ Vương, nêu chính nghĩa việc chinh phạt, để cho dân bản xứ khỏi lo sợ và hợp tác với đoàn quân Ðại Việt. Dưới đây, là bài Phạt Tống Lộ Bố Văn (伐 宋 露 布 文), tức bài văn tuyên bố về việc đánh Tống. Trần Văn Giáp dịch [27]:
“Trời sinh ra dân chúng, vua hiền ắt hòa mục. Ðạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân. Nay nghe vua Tống ngu hèn, chẳng tuân theo khuôn phép thánh nhân, lại tin kế tham tà của Vương An Thạch, bày những phép ‘thanh miêu,’ ‘trợ dịch’ [28], khiến trăm họ mệt nhọc lầm than mà riêng thỏa cái mưu nuôi mình béo mập.
“Bởi tính mệnh muôn dân đều phú bẩm tự trời, thế mà bỗng sa vào cảnh éo le độc hại. Lượng kẻ ở trên cố nhiên phải xót. Những việc từ trước, thôi nói làm gì!
Nay bản chức vâng mệnh quốc vương chỉ đường tiến quân lên Bắc, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch nhơ bẩn hôi tanh để đến thuở ca ngày Nghiêu, hưởng tháng Thuấn thăng bình!
“Ta nay ra quân, cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi chìm đắm. Hịch văn truyền tới để mọi người cùng nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi!”
Lý Thường Kiệt (李 常 傑) dẫn 4 vạn thủy binh cùng voi chiến, đổ bộ vào Quảng Ðông công hãm Khâm Châu ngày 30- 12- 1075 (tức 20- 11- Ất Mão), Liêm Châu ngày 2- 1- 1076 (tức 23- 11- Ất Mão). Sau khi san bằng các căn cứ hải quân ven bờ biển phía Nam tỉnh Quảng Ðông, Lý Thường Kiệt ra lệnh hành quân theo hướng Tây Bắc tiến đánh Ung Châu, nay là Nam Ninh (Nan Ning).
Tôn Ðản (尊 亶) lãnh 6 vạn bộ binh, chia làm ba ngả tiến quân: Cánh phía Tây từ Quảng Nguyên [29] vượt bên giới đánh chiếm Long Châu, Thái Bình. Cánh giữa do Tôn Ðản trực tiếp chỉ huy, từ Quang Lang [30] kéo tới Ðồng Ðăng [31] qua ải Nam Quan tràn vào đất Tàu, nhổ các chốt Bằng Tường, Vĩnh Bình, Tư Minh. Cánh phía Đông từ hai châu Tô, Mậu [32] vượt biên giới tấn công Ðông Hưng, Tư Lăng, Thượng Tứ. Triệt hạ xong các đồn trại phía Nam tỉnh Quảng Tây, ba cánh quân đường bộ thẳng tiến hướng Đông Bắc, hợp với đạo thủy quân cùng vây hãm Ung Châu từ ngày 18- 1- 1076 (mồng 10- 12- Ất Mão).
Ðô Giám tỉnh Quảng Tây là Trương Thủ Tiết (Zhang Shou Jié), từ Quế Châu (nay là phủ Quế Lâm, Gui Lin) dẫn đại quân xuống cứu, bị Lý Thường Kiệt đón đánh tại ải Côn Lôn (gần Ung Châu), chém đầu chủ tướng và tiêu diệt toàn bộ quân cứu viện vào ngày 11- 2- 1076 (tức mồng 4 Tết năm Bính Thìn). Biết viện binh bị đánh tan nhưng Tri châu Tô Giám vẫn không hàng, cố thủ thành Ung, quân ta phải dùng hỏa công (bắn tên tẩm nhựa có lửa) rồi dùng thổ công (chất bao đất thành bậc thang để leo vào thành), đến ngày 1- 3- 1076 (tức 23- 1- Bính Thìn), sau 42 ngày bao vây, quân ta hạ được thành Ung [33].
Lý Thường Kiệt chỉ huy đoàn quân Ðại Việt chiếm xong 3 châu (Khâm, Liêm, Ung) san bằng các căn cứ, tiệu diệt hơn 10 vạn quân Tống, bắt tù binh và thu nhiều chiến lợi phẩm, rồi rút quân về nước. Dân ta đón mừng trong ca khúc khải hoàn:
Nực cười châu chấu đá xe,
Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng!
H 8: Quân ta vượt biên giới tấn công quân Tống.
(Phạm Văn Sơn, Quân Lực Việt Nam, Quyển II, tr 67)
Tháng 4 năm 1076 (tức tháng 3 năm Bính Thìn) nhà Tống sai Tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quì (Guo Gui) làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết (Zhao Xue) làm phó đem 9 tướng quân gồm 10 vạn người, 1 vạn ngựa và 20 vạn dân phu, hẹn với nước Champa và Chân Lạp sang đánh nước ta quyết phục thù. Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt ra ngăn quân Tống ở sông Như Nguyệt, tức sông Cầu (thuộc Bắc Ninh). Ðêm khuya, quân canh cẩn mật, phòng tuyến im phăng phắc, bỗng ở đền thần Trương Tướng Quân vang ra giọng ngâm sang sảng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
南 國 山 河 南 帝 居,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
截 然 定 分 在 天 書。
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm ?
如 何 逆 虜 来 侵 犯?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư [34].
汝 等 行 看 取 敗 虛。
Việt Thao dịch:
Vua Nam hẳn ở nước Nam rồi,
Sông núi phân minh bởi sách trời.
Sao lại hung hăng vào lấn chiếm?
Bại vong cả lũ hãy chờ coi.
H 9: Lập phòng tuyến Sông Cầu, cản đường quân Tống.
(Quân Lực Việt Nam, Quyển II, trang 71)
Quân sĩ nghe lời phán của “thần linh” nức lòng chống giữ, quân Tống không tiến lên được, lại gặp chướng địa không hợp thủy thổ, chết quá nửa, nên đành rút binh chỉ còn giữ các châu huyện, gồm Quảng Nguyên (thuộc tỉnh Cao Bằng), Tư Lang (sau chia thành Thượng Lang và Hạ Lang, thuộc Cao Bằng), Tô, Mậu (vùng đất nay thuộc Lạng Sơn và Bắc Giang) và huyện Quang Lang (thuộc Lạng Sơn). Nhưng chỉ 8 năm sau (1084), nhà Lý đòi lại được tất cả các châu huyện ấy, không để mất một tấc đất của tiền nhân.
H 10: Ðền thờ Lý Thường Kiệt ở Thanh Hóa.
(Ảnh từ Google)
Năm 1078 (Mậu Ngọ), Nhân Tông sai Ðào Tôn Nguyên (陶 尊 元) đem 5 con voi sang cống nhà Tống và đòi lại các châu huyện bị chiếm. Nhà Tống thuận trả đất Quảng Nguyên, đổi lại ta phải trao những người Tàu bị bắt ở các châu Ung, Khâm, Liêm.
Năm 1084 (Giáp Tý), Nhân Tông sai Binh bộ Thị lang Lê Văn Thịnh (黎 文 盛) [35] sang Tống bàn việc biên giới, nhờ tài ngoại giao của sứ bộ, nhà Tống trả nốt phần đất mà họ còn giữ lại gồm 6 huyện: Bảo Lạc, Luyện, Miêu, Ðinh, Phóng, Cận; và 2 động: Túc, Tang [36]. Việc trả đất, người Tàu trách vua Tống vì tham voi của nước Giao Chỉ mà bỏ mất vàng ở châu Quảng Nguyên, nên mới có câu lan truyền:
Nhân tham Giao Chỉ [37] tượng,
Khước thất Quảng Nguyên [38] kim.
V – PHẦN KẾT
Kể từ Dương Diên Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán giành lại nền độc lập (931) đến hết nhà Lý (1225), trải dài 294 năm là giai đoạn tự chủ đầu tiên sau thời kỳ Bắc thuộc lâu dài 10 thế kỷ. Tuy nước ta mới thoát khỏi ách nô lệ Tàu, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, thế nước còn yếu, nhưng đã lập được những trang quân sử oai hùng trong việc giữ nước. Với hồn thiêng sông núi, với lòng tự hào dân tộc, với truyền thống kiên cường bất khuất, dù 1000 năm bị trị, ngoại bang vẫn không thể đồng hóa Lạc Việt dòng dõi Lạc Hồng. Sang giai đoạn đầu của nền tự chủ (931 – 1225), tổ tiên ta đập tan mộng xăm lăng của Bắc Phương: Mở đầu là chiến tích của Ngô Quyền (吳 權) đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Ðằng (938); rồi Lê Ðại Hành (黎 大 行) đánh tan quân Tống ở Chi Lăng (981); Lý Thường Kiệt (李 常 傑) tiến sâu vào đất Tàu, hạ thành lũy, thu nhiều chiến lợi phẩm đem về trong ca khúc khải hoàn (1075) và còn chận đứng sức tấn công trả thù của quân Tống (1076). Thành tích vẻ vang nhất trong thời đại này là vào năm 1078 và 1084, Nhà Lý đòi lại được tất cả những vùng đất sát biên giới mà quân Tống đã chiếm trong chiến tranh.
ÐÀO ÐỨC CHƯƠNG
GHI CHÚ
[1] Chữ “廷” (đình) và chữ “延” (diên) gần giống nhau, nên có thể lầm nét chữ. Vì thế, tên đệm của vị Tiết độ sứ này có nhiều tài liệu cổ viết khác nhau:
– Chép là Dương Ðình Nghệ (楊 廷 藝), các sách: Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, phần Ngoại Kỷ Toàn Thư, Quyển V, tờ 18a, dòng 4 & 5 chép: “愛 州 人 楊 廷 藝” (Ái Châu nhân Dương Ðình Nghệ); và tờ 18b, dòng 7 & 8, cũng chép: “廷 藝 自 稱 節 度 使 鎮 州事” (Đình Nghệ tự xưng Tiết độ sứ trấn châu sự). Rồi các tài liệu như: Nguyễn Khắc Thuần, Thế Thứ Các Triều Vua Việt Nam, trang 39; Phạm Văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư, trang 149; Trần Ðộ, Văn Hóa Việt Nam, trang 154, đều chép theo như vậy.
– Chép là Dương Diên Nghệ (楊 延 藝) các sách: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, nhóm Hoa Bằng dịch, Tập I, trang 221; Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên, Quyển I, trang 237; Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo Luận, Cuốn I, trang 166; Trịnh Vân Thanh, Thành Ngữ Ðiển Tích Danh Nhân Từ Ðiển, Quyển I, trang 188; Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ Ðiển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, trang 97; Nguyễn Huyền Anh, Việt Nam Danh Nhân Từ Ðiển, trang 246.
Riêng có Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, trang 72, cũng chép là “Dương Diên Nghệ” nhưng lại chú chữ Nho kèm theo: “楊 廷 藝” (đọc là: Dương Đình Nghệ);
– Chúng tôi, tác giả bài này, theo âm đọc của chữ “楊 廷 藝” trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, chép là Dương Đình Nghệ.
[2] Nguyễn Khắc Thuần; Thế Thứ Các Triều Vua Việt Nam (Sài Gòn, nxb Giáo Dục, 1996); trang 40, chép: “Ngô Xương Văn, con thứ của Tiền Ngô Vương (Ngô Quyền), mẹ là Dương Thái hậu, tức bà Dương Thị Như Ngọc,…”. Nguyễn Q. Thắng; Từ Ðiển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam (Sài Gòn, nxb Khoa Học Xã Hội, 1992); trang 462 cũng chép là: “Dương Thị Như Ngọc.”
[3] Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, phần Ngoại Kỷ Toàn Thư, Quyển V, tờ 19a, dòng 1, chép: “丁 酉 (晉 天 福 二 年) 春 三 月 廷 藝 牙 將 矯 公 羨 (綱目編 皎) 殺 廷 藝 而 代 之。” Đọc là: Đinh Dậu (Tấn Thiên Phúc nhị niên) xuân tam nguyệt Đình Nghệ nha tướng Kiểu Công Tiện (Cương Mục biên “Kiểu”) sát Đình Nghệ nhi đại chi.
Nghĩa là: Mùa xuân, tháng 3 năm Đinh Dậu (938, Tấn Thiên Phúc năm thứ 2), nha tướng của Đình Nghệ là Kiểu “矯” Công Tiện (nhưng sách Cương Mục của Tàu lại chép chữ Kiểu là “皎”) giết Đình Nghệ để thay thế chức.
Xét về âm đọc chữ “皎” (Kiểu) và “羨”(Tiện): Theo Ngô Đức Thọ dịch Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập I, trang 203, đã ghi chú: “Chữ “皎” âm Cảo, Kiểu, đồng âm với Kiều.” Và theo trang web Từ Điển Hán Nôm, chữ “皎” có 3 âm: Hiệu, Hạo, Kiểu. Còn chữ “羨” cũng có 3 âm: Diên, Tiễn, Tiện. Chính vì vậy mà danh tính của nhân vật này, các sách chép không thống nhất về âm đọc. Đơn cử các tài liệu dưới đây:
– Chép là Kiều Công Tiễn (Kiều: dấu huyền, Tiễn: dấu ngã), các sách: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản dịch của Ngô Đức Thọ, Tập I, trang 203; Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên, Quyển I, trang 237; Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo Luận, Cuốn I, trang 166; Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ Ðiển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, trang 97.
– Chép là Kiểu Công Tiện (Kiểu: dấu hỏi, Tiện: dấu nặng), các sách: Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, nhóm Hoa Bằng dịch, Tập I, trang 221; Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, trang 72, có kèm theo chữ Nho “矯 公 羨”; Nguyễn Huyền Anh, Việt Nam Danh Nhân Từ Ðiển, trang 246.
– Chép là Kiều Công Tiện (Kiều: dấu huyền, Tiện: dấu nặng): Trịnh Vân Thanh, Thành Ngữ Ðiển Tích Danh Nhân Từ Ðiển, Quyển I, trang 188.
– Chúng tôi viết theo âm đọc của chữ “矯 公 羨” (Kiểu Công Tiện) trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, và Việt Nam Sử Lược đã chép.
[4] Theo Tân Ngũ Ðại Sử (新 五 代 史), Quyển 65: các con của vua Tấn Cao Tổ (Lưu Cung) đều có chữ Hồng, nên trong bản dịch Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập 1, trang 203, ghi chú 2: đề nghị sửa là Thái tử Hồng Tháo (Hong Cao).
[5] Lời chua trong Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, bản dịch của nhóm Hoa Bằng, Tập 1, trang 223, tả khúc sông Bạch Ðằng như sau:
“Sông Bạch Ðằng bắt đầu từ sông Lục Ðầu thuộc địa hạt tỉnh Bắc Ninh phân lưu chảy vào địa hạt tỉnh Hải Dương: Một chi theo Mỹ Giang, một chi theo Châu Cốc Sơn, hai chi hợp lại ở xã Ðoan Lễ. Khúc sông hợp lại này gọi là sông Bạch Ðằng. Sông Bạch Ðằng phía Nam giáp giới huyện Thủy Ðường, tỉnh Hải Dương; phía Bắc giáp giới huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên; chuyển về phía Nam 29 dặm, đổ ra biển (qua cửa) Nam Triệu. Theo sách Ðịa Lý Chí (thực ra tên sách này Dư Ðịa Chí) của Nguyễn Trãi, sông Bạch Ðằng có tên gọi nữa là sông Vân Cừ, rộng hơn 2 dặm, ở đó có nhiều núi cao ngất, nhiều ngành sông đổ lại, sóng cồn man mác giáp tận chân trời, cây cối um tùm che lấp bờ bến, thực là một nơi hiểm yếu về đường biển.”
[6] Chiến thuật kết hợp giữa mức lên xuống thủy triều và bãi cọc nhọn bịt sắt cắm ở lòng sông Bạch Ðằng để đánh thắng giặc ngoại xâm phương Bắc: Lần 1, năm 937, Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán. Lần 2, năm 981, Lê Ðại Hành đóng cọc ngăn sông chặn đánh quyết liệt, khiến đoàn thuyền chiến của quân Tống phải tháo chạy. Lần 3, năm 1288, Trần Hưng Ðạo áp dụng chiến thuật ấy cũng tại khúc sông này đã đại thắng quân Nguyên. Vì vậy, câu ca dao trên có thể dùng cho cả ba trường hợp, hoặc hai cho lần 1 và 3. Tuy nhiên, còn 4 câu ca dao nữa nói đến chiến thắng Bạch Ðằng, trong đó có 2 câu xác định thời Trần. Vì vậy chúng tôi dành câu “Ðánh giặc thì đánh giữa sông, Ðừng đánh trong cạn phải chông mà chìm” cho chiến tích của Ngô Quyền, người đầu tiên có sáng kiến này.
[7] Mười hai sứ quân, gồm:
– 7.1/ Ngô Xương Xí (吳 昌 熾), con của Ngô Xương Ngập (吳 昌 岌), chỉ còn giữ đất Bình Kiều (平 橋), sau thuộc phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng; nay thuộc tỉnh Hưng Yên.
– 7.2/ Trần Lãm (陳 覧; ? – 967 ) xưng là Trần Minh Công (陳 明 公), chiếm Bố Hải Khẩu (布 海 口), nay thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; có Ðinh Bộ Lĩnh là thuộc tướng.
– 7.3/ Nguyễn Thủ Tiệp (阮 守 捷 ; 908 – 967) xưng là Nguyễn Lệnh Công (阮 令 公), chiếm vùng Tiên Sơn (仙 山; Tiên Du và Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh.
– 7.4/ Lý Khuê (李 奎; ? – 968) xưng là Lý Lãng Công (李 朗 公), chiếm đất Siêu Loại (超 類), nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.
– 7.5/ Lã Ðường (呂 唐; 927 – 968) xưng là Lã Tá Công (呂 佐 公), chiếm Tế Giang (細 江) tức vùng Văn Giang, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên.
– 7.6/ Phạm Bạch Hổ (范 白 虎; 910 – 972) xưng là Phạm Phòng Át (范 防 餲), chiếm đất Ðằng Châu (藤 州), nay thuộc huyện Kim Thi, tỉnh Hưng Yên.
– 7.7/ Nguyễn Siêu (阮 超; 924 – 967) xưng là Nguyễn Hữu Công (阮 右 公), chiếm Tây Phù Liệt (西 扶 烈), vùng Thanh Trì thuộc Hà Đông, nay là huyện ngoại thành Hà Nội.
– 7.8/ Nguyễn Khoan (阮 寬; 906 – 967) xưng là Nguyễn Thái Bình (阮 太 平), chiếm đất Tam Ðái (三 帶) tức phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên; nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
– 7.9/ Kiểu Công Hãn (矯 公 罕 ; ? – 967) xưng là Kiểu Tam Chế (矯 三 制), chiếm Phong Châu (峰 州) tức huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên; nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
– 7.10/ Kiều Thuận (橋 順) xưng là Kiều Lệnh Công (橋 令 公), lập căn cứ ở Hồi Hồ (囘 湖), nay là xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
– 7.11/ Ðỗ Cảnh Thạc (杜 景 碩; 912 – 967), chiếm vùng Ðỗ Ðộng Giang (杜 洞 江), thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây; nay thuộc thành phố Hà Nội.
– 7.12/ Ngô Nhật Khánh (吳 日 慶; ? – 979) xưng là Ngô Lãm Công (吳 覽 公), giữ đất Ðường Lâm (唐 林); nay thuộc thị xã Sơn Tây và sáp nhập vào thành phố Hà Nội.
[8] Lăng mộ Ngô Quyền tại Ðường Lâm, thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội 43 km rưỡi. Đường Lâm nổi tiếng là một ấp có hai vua: quê hương của Phùng Hưng, có đền thờ (còn lăng ở đầu phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội); Ngô Quyền, có đền và lăng nhìn ra núi Tản Viên (Ba Vì). Đường Lâm, cũng là quê hương bà Man Thiện (thân mẫu của Hai Bà Trưng), có mộ và miếu thờ; nguyên thuộc đất Châu Phong cũ, sau là làng Đường Lâm, tên tục Kẻ Mía (vì địa phương này có giống mía đen), thuộc huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Đời Minh Mạng, cải tổ hành chánh, tên huyện đổi thành Phúc Thọ thuộc tỉnh Sơn Tây. Năm 1886, vì kỵ húy vua Đồng Khánh, tên làng đổi là Cam Lâm. Nay thôn Cam Lâm thuộc xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, rồi lại tách ra nhập vào thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây; khoảng tháng 7 năm 2007 thị xã Sơn Tây được nâng cấp thành phố, thuộc tỉnh Hà Tây; và ngày 17- 11- 2008 Sơn Tây trở lại cấp thị xã.
[9] Nhiếp ảnh gia Nguyễn Huy Trực (1926 – 2009), người Hoàng Mai, Hà Nội. Tổng Thư ký Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam (1957 – 1975). Sáng lập và Chủ tịch Hội Nhiếp Ảnh Việt Mỹ (1963 – 1975). Giám đốc các lớp nhiếp ảnh nghệ thuật Hội Nhiếp Ảnh Việt Mỹ. Năm 1975, Ông định cư tại California và có nhiều bài biên khảo đăng trong Việt Nam Nhật Báo (San Jose, CA), Bán Nguyệt San Ngày Nay (Houston, TX). Ông còn là nhà sưu tầm sách với 3700 cuốn, đủ các bộ môn và gồm ba thứ tiếng Việt Anh Pháp.
[10] Ðại Cồ Việt (大 瞿 越): “Đại” là chữ Nho, “Cồ” là chữ Nôm, đều có nghĩa to lớn): Quốc hiệu thứ 6, sau Quốc hiệu Vạn Xuân (萬 春; 544 – 602) của nhà Tiền Lý và trước quốc hiệu Ðại Việt (大 越; 1054 – 1804). Ðại Cồ Việt là quốc hiệu đầu tiên trong thời kỳ tự chủ sau 10 thế kỷ bị Tàu đô hộ, do Ðinh Tiên Hoàng đặt ra, tồn tại trong 86 năm, từ 968 – 1054, trải các triều Ðinh, Tiền Lê, đến hết đời Lý Thái Tông.
[11] Khu di tích cố đô Hoa Lư ở xã Trường Yên, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Từ năm 968 đến 1009, đất Hoa Lư là kinh đô của nhà Ðinh và Tiền Lê. Khoảng tháng 8 năm 1010 (tức tháng 7- Canh Tuất) Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, đổi Hoa Lư thành phủ Trường Yên (Tràng An); nay chỉ còn lăng và đền vua Ðinh, với đền vua Lê:
Ai là con cháu Rồng Tiên,
Tháng ba mở hội Trường Yên thì về.
Về thăm đền cũ Ðinh, Lê
Non xanh nước biếc bốn bề như xưa.
(Ca dao)
Nơi đây, cách Hà Nội 100 km và cách thị xã Ninh Bình 16 km, nếu đi đường bộ theo đường Nho Quan, nếu đi đường thủy theo dòng sông Ðáy đến bến Gián Khẩu rồi rẽ vào sông Hoàng Giang độ 6 km nữa thì đến xã Trường Yên. Tại thôn An Hạ có đền thờ Lê Ðại Hành và tượng bà Hoàng Thái hậu nhà Ðinh là Dương Vân Nga, nhưng Long sàng chỉ có tượng lân, và nóc đền không có rồng (theo hình chụp của Nguyễn Huy Trực, năm 1993). Ði thêm vài trăm thước là thôn An Trung có đền thờ Ðinh Tiên Hoàng, trên nóc đền có tượng “Lưỡng long triều nguyệt,” tại Long sàng có tượng đôi rồng chầu. Ngay trước cửa đền vua Ðinh là ngọn Mã Yên Sơn cao 200 mét, phải lên 260 bậc đá mới đến lăng mộ Ðinh Tiên Hoàng và một bia đá lớn khắc chữ cả hai mặt. Theo Ngô Vĩ Liên, Ðịa Dư Các Tỉnh Bắc Kỳ, trang 639: một mặt bia ghi “Ðinh Tiên Hoàng Ðế lăng phụng sắc kiến, niên hiệu Minh Mạng nhị thập nhất niên” (1840), mặt bên kia ghi: “Hàm Nghi nguyên niên (1885) trùng tu Tiên Ðế Lăng.”
[12] Nguyễn Văn Mại; Việt Nam Phong Sử, bản dịch của Tạ Quang Phát (Sài Gòn, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa xuất bản, 1972); trang 76.
[13] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ Toàn thư, Quyển I, tờ 9b, dòng 8, chép: “范 巨 倆 為 大 將 軍。” Đọc là: “Phạm Cự Lưỡng vi (làm) đại tướng quân.” Nhưng Ngô Đức Thọ dịch Tập I, trang 217, chép là “Phạm Cự Lạng làm đại tướng quân.”
Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược (Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964); trang 91: chép là “Phạm Cự Lượng” (Lượng: dấu nặng), có kèm theo chữ Nho vẫn viết là “范 巨 倆”
[14] Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản dịch, Tập I, trang 221: “…Quân Tống lui, lại đến sông Chi Lăng (khúc sông Thương chảy qua Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn). Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, nhân đó bắt được Nhân Bảo, đem chém.”
[15, 16] Phạm Ngô Minh – Lê Duy Anh; Nhân Vật Họ Lê Trong Lịch Sử Việt Nam (Nhà xuất bản Ðà Nẵng, 2001), trang 27 & 28; trích bài Trường Thi Lê Ðại Hành.
[17] Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Ðức Thọ dịch Tập I (Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1993), trang 237 chép bài sấm không có câu: “Ðông A nhập địa, Dị mộc tái sinh”; nhưng trong Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, nhóm Hoa Bằng dịch (nxb Giáo Dục, 1998), Tập I, trang 280 có thêm hai câu này. Thật vậy, nguyên bài sấm không có hai câu trên thì mới ăn khớp với ý hai câu kết, có lẽ đến cuối đời Trần hay đầu đời Hậu Lê, một người nào đó đã thêm vào, bởi lẽ Ðại Việt Sử Lược (ra đời khoảng1377 – 1388), Quyển II, viết về triều Lý có chép bài này nhưng chưa thấy hai câu trên.
[18] Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư; Ngô Ðức Thọ dịch Tập I; trang 238.
[19] Ðại Việt (大 越) là quốc hiệu thứ 7 của nước ta, nếu tính cả Quốc hiệu Xích Quỷ (赤 鬼) thời Kinh Dương Vương, và Quốc hiệu Nam Việt (南 越) thời Triệu Ðà, mà nay còn đang tranh cãi về sự chính thống của 2 quốc hiệu này.
Quốc hiệu Ðại Việt tồn tại lâu dài nhất, 732 năm, từ Lý Thánh Tông lên ngôi (1054) trải qua các triều Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Chúa Nguyễn và 3 năm đầu của Gia Long (1804). Trong thời gian 750 năm (1054 – 1804) tên gọi chính thức Ðại Việt bị gián đoạn 27 năm từ nhà Hồ đến hết Minh thuộc (1400 – 1427).
[20] Ðền Lý Bát Ðế thờ 8 vị vua Nhà Lý, còn gọi là Ðền Ðô, hay đền Cổ Pháp, ở làng Ðình Bảng, tổng Phù Lưu, huyện Ðông Ngàn (hay Ðông Ngạn?), phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc; nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Làng này là quê hương của Lý Công Uẩn, lúc khởi lập có tên là Diên Uẩn, giữa thế kỷ thứ VIII đổi là Cổ Pháp, từ cuối thế kỷ XIII đến nay là Ðình Bảng.
Các vị vua nhà Lý khi qua đời đều yên nghỉ ở khu Thọ lăng Thiên Ðức giữa đồng ruộng quê nhà. Hằng năm, vào ngày 15 tháng 3 âm lịch, kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang, các vị vua của những triều đại sau đều về Ðền Ðô làm lễ quốc tế:
Ðền Ðô kiến trúc tuyệt vời,
Thăng Long đẹp nhất, đẹp người ngàn năm.
(Ca dao)
Theo văn bia lập năm 1994, Ðền Ðô rộng 31250 mét vuông, với trên 20 hạng mục công trình độc đáo. Nổi tiếng nhất là Cửa rồng, nhà Tiền tế, nhà Chuyển bồng, Đền chính thờ 8 vị vua nhà Lý, Điện thờ Vua Bà, Nhà bia, Nhà kiệu, Nhà ngựa, Văn chỉ, Võ chỉ, Thủy tọa, Thủy đình, hai bên cầu hàng hiệu… Năm 1952, Ðền Ðô bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn. Năm 1989 dân Ðình Bảng với sự công đức của khách thập phương đã khởi công xây dựng lại Ðền Ðô theo nguyên mẫu xưa.
[21] Tên gọi hiện nay là Champa hay Chăm; còn có các tên khác như: Chăm Pa, Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Hoàn Vương, Lâm Ấp, Hời (ít dùng). Người Việt quen gọi là Chàm (như: tháp Chàm, gò Chàm), hay Chiêm Thành (như: dân tộc Chiêm Thành, Chiêm quốc); người Champa gọi dân tộc họ là Chăm.
[22] Lý Thường Kiệt (李 常 傑; 1019 – 1105), nguyên có tên là Ngô Tuấn (吳 俊), con của Sùng tiết Tướng quân Ngô An Ngữ và cháu 6 đời của Ngô Quyền, tự là Thường Kiệt, làm quan trải ba triều Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông, có tài văn võ, thăng dần đến chức Ðôn quốc Thái úy Ðại Tướng quân Ðại Tư đồ. Ông có công lớn trong việc phá Tống bình Chiêm, được ban hiệu Thiên Tử Nghĩa Nam, theo họ vua và lấy tự làm tên là Lý Thường Kiệt.
Theo sử sách cũ, Ông người phường Thái Hòa, thành Thăng Long (nay ở phía Nam đê Bách Thảo). Nhưng Theo Thơ Văn Lý Trần, căn cứ vào bài văn khắc trên chuông chùa Bắc Biên, mới phát hiện gần Hà Nội, và cuốn Tây Hồ Chí, quê quán Ông ở làng An Xá cũ, huyện Quảng Ðức, thuộc khu vực phía Nam Hồ Tây trong thành Thăng Long; còn địa danh Thái Hòa chỉ là nơi Ông trú ngụ sau khi làm quan triều Lý.
[23] Chế Củ tức Cri Rudravarman III (1061 – 1074) đời thứ 3 là vị vua cuối cùng trong triều đại thứ VIII của nước Champa. Ông là em của vua Bhadravarman III, thư tịch Trung Hoa phiên âm tên ông là Thi Lý Luật Ðồ Bàn Ma Thường Dương Bạc, hay Dương Bốc Thi Lỵ Luật Ðà Bàn Ma Ðề Bà, sử Việt ghi là “Chế Củ.” Lúc đầu Chế Củ tỏ ra bang giao hòa hiếu, nhưng năm 1068 lại đem quân đánh phá vùng đất phía Nam của Ðại Việt, khiến vua Lý Thánh Tông phải đem quân vào nước Chăm chinh phạt.
[24] Châu Bố Chánh nay là đất các huyện Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch; châu Ðịa Lý là huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh ngày nay, đều thuộc tỉnh Quảng Bình. Châu Ma Linh nay là huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị.
[25] Nùng Tôn Đản (儂 宗 亶; 1046 – ?) thường gọi tắt là là Tông Đản hay Tôn Đản. Ông là người dân tộc Nùng, ở tổng Kim Pha, châu Quảng Nguyên; quê ông, nay thuộc Nà Cạn, phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng (xem thêm ghi chú 29). Cha ông là Nùng Tồn Thương làm châu mục châu Quảng Nguyên, có công giúp nhà Lý bình ổn vùng biên cương Cao Bằng, Lạng Sơn.
[26] Lộ bố: Công văn không niêm phong, bài hịch văn truyền ra trong lúc chiến tranh tuyên bố thật rõ ràng lý do hành quân. Ngày xưa, vị tướng đem quân đến một vùng nào để đánh dẹp, thường niêm yết lộ bố, kể tội quân địch và nêu chính nghĩa của sự chinh phạt. Mục đích làm an lòng dân chúng ở địa phương đó và tranh thủ nhân tâm, một hình thức của tâm lý chiến.
[27] Phạt Tống Lộ Bố Văn: Bài này là một trong các Lộ bố của Lý Thường Kiệt làm ra trong lúc tiến quân vào đất Tống. Trần Văn Giáp tìm thấy trong một bản Việt Ðiện U Linh ở thư viện Khoa Học Xã Hội. Nhóm biên soạn Ðào Phương Bình, chép vào sách Thơ Văn Lý Trần (Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1977), Tập I, trang 320.
Nguyên văn:
伐 宋 露 布 文
天 生 蒸 民, 君 德 則 睦。君 民 之 道, 務 在 养 民。今 聞, 宋 主 昏 庸, 不 循 圣 范。聽 安 石 貪 邪 之 計, 作 青 苗 助 役 之 科。使 百 姓 膏 脂 涂 地, 而 資 其 肥 己 之 謀。
蓋 萬 民 資 賦 於 天, 忽 落 那 要 离 之 毒。在 上 固 宜 可 憫, 從 前 切 莫 須 言。
本 職 奉 國 王 命, 指 道 北 行。欲 清 妖 孽 之 波 濤, 有 分 土 無 分 民 之 意。 要 掃 腥 穢 之 污 濁, 歌 堯 天 享 舜 月 之 佳 期。
我 今 出 兵, 固 將 拯 濟。檄 文 到 日, 用 廣 聞 知。切 自 思 量, 莫 懷 震 怖。
Phiên âm:
Phạt Tống Lộ Bố Văn.
Thiên sinh chưng dân, quân đức tắc mục. Quân dân chi đạo, vụ tại dưỡng dân. Kim văn, Tống chủ hôn dong, bất tuần thánh phạm. Thính An Thạch tham tà chi kế, tác “thanh miêu,” “trợ dịch” chi khoa. Sử bách tính cao chi đồ địa, nhi tư kỳ phì kỷ chi mưu.
Cái vạn dân tư phú ư thiên, hốt lạc na yếu li chi độc. Tại thượng cố nghi khả mẫn, tòng tiền thiết mạc tu ngôn.
Bản chức phụng quốc vương mệnh, chỉ đạo Bắc hành: dục thanh yêu nghiệt chi ba đào, hữu phân thổ vô phân dân chi ý; yếu tảo tinh uế chi ô trọc, ca Nghiêu thiên thưởng Thuấn nguyệt chi giai kỳ.
Ngã kim xuất binh, cố tương chửng tế. Hịch văn đáo nhật, dụng quảng văn tri. Thiết tự tư lường, mạc hoài chấn bố.
[28] Thanh miêu, trợ dịch: Hai trong tám chính sách của Tể tướng Vương An Thạch (1021 – 1086) đề ra gọi là Tân Pháp, nhằm cứu vãn triều đại Nhà Tống đang gặp khó khăn.
Thanh miêu là biện pháp triều đình lấy thóc chứa trong kho hay xuất tiền trong ngân khố cho nông dân vay để chi tiêu trong lúc cây lúa còn xanh, đến khi gặt hái xong người vay phải trả cả vốn lẫn lời 2 phân lãi. Hàng năm có hai kỳ: tháng giêng vay đến mùa hạ phải hoàn trả, tháng 5 vay thì mùa thu phải nộp.
Trợ dịch: Bắt toàn dân phải làm sai dịch, tức là hằng năm dân chúng phải làm không công cho nhà nước một số ngày theo quy định. Năm 1064, nhà Tống ban hành thêm sắc lệnh có thể đóng tiền thay thế ngày làm. Trước kia, việc sai dịch được miễn cho người vị thành niên, con một, phụ nữ, người tu hành, gia đình quan lại; nhưng từ khi họ Vương đề ra Tân Pháp thì những thành phần kể trên phải nộp tiền thay thế cho sai dịch, gọi là trợ dịch. Hai biện pháp này khiến nhiều người bất mãn.
[29] Quảng Nguyên: tên một châu vào đời Lý, đến đời Lê Quang Thuận (1460- 1469) cải danh là châu Lộng Nguyên, sang đời Hồng Ðức (1470 – 1497) đổi là châu Quảng Uyên. Năm 1834 đổi là huyện, thuộc phủ Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Huyện lỵ Quảng Uyên ở phía đông thị xã Cao Bằng, cách 37 km, và cách Trùng Khánh 26 km. Ngày 8- 3- 1967, Quyết định số 27-CP của Hội đồng Chính phủ, sáp nhập hai huyện Phục Hòa và Quảng Uyên thành huyện Quảng Hòa. Ngày 27- 12- 1975, huyện Quảng Hòa thuộc tỉnh Cao Lạng (nhập Cao Bằng và Lạng Sơn). Ngày 29- 12- 1978, chia tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn như cũ, và huyện Quảng Hòa thuộc tỉnh Cao Bằng. Ngày 13- 12- 2001, tách huyện Quảng Hòa thành hai huyện Quảng Uyên và Phục Hòa như cũ.
[30] Quang Lang: châu đời Lý, đời Trần đổi là Châu Ôn; đầu thế kỷ 19 thuộc tổng Tràng Quế, châu Ôn, xứ Lạng sơn; nay là huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
[31] Ðồng Ðăng: xã thuộc tổng Vĩnh Dật, huyện Văn Uyên, phủ Trường Khánh, xứ Lạng Sơn; nay là xã thuộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Ðồng Ðăng cách ải Nam Quan 4 km, có đường bộ đi qua Bằng Tường (nước Tàu) và thẳng đến Ung Châu.
[32] Tô, Mậu: tên hai châu đời Lý, nay là các vùng Nà Dương, Ðình Lập, An Châu thuộc tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang. Nà Dương hay Na Dương: nay là thị trấn thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ðình Lập: huyện thuộc tỉnh Hải Ninh, từ năm 1978 sáp nhập vào Lạng Sơn. An Châu: thị trấn huyện lỵ huyện Sơn Ðộng, tỉnh Bắc Giang.
[33] Tổng hợp từ các bộ thông sử và chính sử: Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư bản Chính Hòa (niên hiệu Lê Hy Tông) khắc in 1697, Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Việt Sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn, Quân Sử Việt Nam Cộng Hòa của Phạm Văn Sơn, Việt Sử Khảo Luận của Hoàng Cơ Thụy.
[34] Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà chép trên đây trích từ Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư (khắc in năm 1697); ngoài ra có nhiều dị bản chép trong các sách: Việt Ðiện U Linh, Trương Tôn Thần Sự Tích, Thiên Nam Vân Lục Liệt Truyện, Hoàng Việt Thi Tuyển v.v… Theo Thơ Văn Lý Trần, Tập I, trang 321, dị bản trong Lĩnh Nam Chích Quái, câu 2: “Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư”, câu 3: “Như hà Bắc lỗ lai xâm lược, câu 4: “Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.”
Về xuất xứ bài thơ, Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Bính Thìn, Thái Ninh năm thứ 5 (1076)… Một đêm, quân sĩ chợt nghe trong đền Trương Tướng quân có tiếng đọc to…”, tuy bài bài thơ được gán là của “Thần” nhưng người đời sau vẫn hiểu tác giả là Lý Thường Kiệt. Và đã ghi vào các bộ sách lớn như: Lịch Triều Hiến Chương của Phan Huy Chú, Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Việt Nam Cổ Văn Học Sử của Nguyễn Ðổng Chi, Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm, sách Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn, Việt Sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn, Việt Sử Khảo Luận của Hoàng Cơ Thụy v.v… Nay bài thơ có thêm đầu đề “Nam Quốc Sơn Hà” do nhóm biên soạn Hợp Tuyển Thơ Văn Việt Nam (tập II, trang 58) đặt ra.
Theo Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp, Quyển nhì, trong truyện “Hai Vị Thần Long Nhãn Và Như Nguyệt” có bài thơ Nam Quốc Sơn Hà do thần Trương Hống và Trương Hát cao giọng ngâm vào ngày 21 tháng 10 (âm lịch) lúc canh ba, tại doanh trại giặc khi vua Lê Ðại Hành đánh Tống năm Tân Tỵ (981). Dù xuất xứ có từ thời vua Lê Ðại Hành hay từ Lý Thường Kiệt, bài thơ này được coi như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.
[35] Lê Văn Thịnh (黎 文 盛), người làng Ðông Cứu, tổng Ðông Cứu, huyện Gia Ðịnh (sau là Gia Bình), phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc; nay là thôn Ðông Cứu, xã Ðông Cứu, huyện Gia Lương (Gia Bình và Lang Tài hợp nhất), tỉnh Bắc Ninh. Là người đỗ đầu trong khoa thi đầu tiên của nền Nho học Việt Nam: Khoa Minh Kinh Bác Học Cập Nho Học Tam Trường, năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh 4 (太寧) 1075 đời Lý Nhân Tông.
Ông giữ chức Thị lang bộ Binh, năm Giáp Tý (1084), dẫn đầu sứ bộ nước ta đến trại Vĩnh Bình (thuộc Ung Châu, tỉnh Quảng Tây; giáp giới với huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn của ta) thương lượng với sứ bộ nhà Tống là Thành Trạc (Cheng Zhuo), đòi lại phần đất (thuộc tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng ngày nay) mà vào cuối tháng 2 năm 1077 quân Tống rút về nước nhưng còn giữ lại (6 huyện với 3 động), và năm 1078 nhà Tống chưa chịu trả hết. Việc đòi đất thành công, ông được thăng hàm Thái sư. Sau vì có kẻ ganh ghét, năm 1096 ông bị khép tội “mưu phản,” bị đày lên trại Thao Giang (tên trại vào thời Lý, đời Trần đổi ra lộ; nay là vùng huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ) và mất ở đó.
[36] Phạm Văn Sơn; Việt Sử Tân Biên, Quyển I; trang 389.
[37] Giao Chỉ: nay là vùng đất Hà Nội, Hưng yên, Nam Ðịnh và Ninh Bình. Vậy Giao Chỉ là một trong 15 bộ của nước ta thời xưa gồm Văn Lang, Châu Diên, Phước Lộc, Tân Hưng, Vũ Ðịnh, Vũ Ninh, Lục Hải, Ninh Hải, Dương Tuyền, Giao Chỉ, Cửu Chân, Hoài An, Cửu Ðức, Bình Văn, sau thêm Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị); nhưng người Tàu thời ấy quen gọi nước ta là Giao Chỉ.
[38] Quảng Nguyên: xem ghi chú 29.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
01/ DƯƠNG QUẢNG HÀM; Việt Nam Văn Học Sử Yếu, in lần thứ 8; Sài Gòn, Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản, 1961.
02/ DƯƠNG THỊ THE – PHẠM THỊ THOA; Tên Làng Xã Việt Nam Đầu Thế Kỷ XIX; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1981.
03/ ĐÀO PHƯƠNG BÌNH và các tgk; Thơ Văn Lý Trần, Tập I; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1977.
04/ ĐINH XUÂN LÂM – TRƯƠNG HỮU QUYNH chủ biên; Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam; Sài Gòn, nxb Giáo Dục (chi nhánh phía Nam), 2000.
05/ ĐINH XUÂN VỊNH, Sổ Tay Địa Danh Việt Nam; Hà Nội, nxb Lao Động, 1996.
06/ HOÀNG CƠ THỤY; Việt Sử Khảo Luận, Cuốn I; Paris, nxb Nam Á, 2002.
07/ LÊ NGÔ CÁT và PHẠM ĐÌNH TOÁI; Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, Hoàng Xuân Hãn đề tựa và dẫn; tái bản ở Hải ngoại, không đề chi tiết về xuất bản.
08/ LÊ TẮC; An Nam Chí Lược; Ủy Ban Phiên Dịch Sử Liệu Việt Nam của Viện Đại Học Huế dịch (1960); Huế, nxb Thuận Hóa tái bản, 2002.
09/ NGÔ VĨ LIÊN; Tên Làng Xã Và Địa Dư Các Tỉnh Bắc Kỳ; Hà Nội, nxb Văn Hóa Thông Tin, 1999.
10/ NGUYỄN ĐỔNG CHI; Việt Nam Cổ Văn Học Sử; Hà Nội, Hàn Thuyên xuất bản, 1942.
11/ NGUYỄN HUYỀN ANH; Việt Nam Danh Nhân Từ Điển, in lần thứ ba; Sài Gòn, nxb Khai Trí, 1972.
12/ NGUYỄN KHẮC THUẦN; Thế Thứ Các Triều Vua Việt Nam; Sài Gòn, nxb Giáo Dục, 1996.
13/ NGUYỄN NGHĨA DÂN; Lòng Yêu Nước Trong Văn Học Dân Gian Việt Nam; Hà Nội, Hội Nhà Văn xuất bản, 2001.
14/ NGUYỄN Q. THẮNG – NGUYỄN BÁ THẾ; Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam; Sài Gòn, nxb Khoa Học Xã Hội, 1992.
15/ NGUYỄN TRÚC PHƯỢNG; Văn Học Bình Dân; Sài Gòn, Sống Mới xuất bản, 1964.
16/ NGUYỄN VĂN MẠI; Việt Nam Phong Sử, bản dịch của Tạ Quang Phát; Sài Gòn, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa xuất bản, 1972.
17/ NGUYỄN XUÂN KÍNH, PHAN ĐĂNG NHẬT và các tgk; Kho Tàng Ca Dao Người Việt, 2 tập; Sài Gòn, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2001.
18/ ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC sưu tập; Tục Ngữ Phong Dao, 2 tập; Hà Nội, Vĩnh Hưng Long thư quán,1928; tái bản ở Hải ngoại, Garden Grove (CA), nhà sách Tú Quỳnh, không đề năm.
19/ PHẠM NGÔ MINH – LÊ DUY ANH; Nhân Vật Họ Lê Trong Lịch Sử Việt Nam; nxb Đà Nẵng, 2001.
20/ PHẠM VĂN SƠN; Việt Sử Tân Biên, Quyển I; Sài gòn, Nhà sách Khai Trí tái bản, 1968.
21/ . . . . . . . . . . . . . . . ; Việt Sử Toàn Thư; (Sài Gòn, Thư Lâm Ấn Thư Quán xuất bản, 1960), Glendale (CA), Đại Nam tái bản, không đề năm.
22/ PHAN HUY CHÚ; Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Dư Địa Chí, Ngô Hữu Tạo & Trần Huy Hân dịch Tập I; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1992.
23/ SƯU TẦM ca dao từ dân gian và báo chí.
24/ QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tập I, nhóm Hoa Bằng biên dịch; Hà Nội, nxb Giáo Dục, 1998.
25/ QUỐC SỬ VIỆN TRIỀU LÊ; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Chính Hòa, khắc in năm 1697, 26 quyển; bản dịch ấn hành thành 4 tập, Ngô Đức Thọ dịch Tập 1; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1993.
26/ TRANG MẠNG: cadaotucngu.com, Google, vi.wikipedia, …
27/ TRẦN ĐỘ chủ biên; Văn Hóa Việt Nam; Hà Nội, Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương xuất bản, 1989.
28/ TRẦN TRỌNG KIM; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7; Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964.
29/ TRỊNH VĂN THANH; Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển, Quyển II; Glendale (CA), Đại Nam tái bản, không đề năm.
30/ VŨ NGỌC PHAN; Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam, in lần thứ 9; Sài Gòn, Hội Nghiên Cứu và Giảng Dạy Văn Học TP/HCM xuất bản, 1992.