Đình Minh Hương Gia Thạnh
Lâm Vĩnh Thế
Đình Minh Hương Gia Thạnh, tọa lạc tại số 380 đường Trần Hưng Đạo B, quận 5, Chợ Lớn, đã được “Bộ Văn Hóa ra quyết định số 43-VH/QĐ ngày 7-1-1993 công nhận là Di tích kiến trúc-nghệ thuật” [1]. Đây là một trong những ngôi đình lâu đời nhứt của vùng Saigon-Chợ Lớn, do người Minh Hương (người Việt gốc Hoa mà tổ phụ là những người Hoa đã sang định cư tại Việt Nam từ cuối thế kỹ 17, sau khi nhà Minh sụp đổ) xây dựng từ năm 1789. Bài viết nầy cố gắng ghi lại những nét chính về lịch sử cũng như kiến trúc và nội dung thờ phượng của ngôi đình quan trọng nầy.
Vài Nét Về Người Minh Hương và Hội Minh Hương Gia Thạnh
Trước hết, người Minh Hương không phải là người Hoa mà là người Việt gốc Hoa. Họ cũng không phải thuộc vào nhóm người lai hai dòng máu Hoa và Việt mà ta có thể gặp bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam. Người Minh Hương, mặc dù có nguồn gốc từ Trung Hoa, đã là người Việt Nam từ gần hai trăm năm nay. Về mọi mặt, từ ngôn ngữ, y phục, đến phong tục tập quán, họ đã hoàn toàn đồng hóa với người Việt. Chỉ khác một điều: họ vẫn nhớ đến nguồn gốc thần dân nhà Minh (1368-1644) của tổ tiên họ. Chính vì thế họ đã dùng hai chữ Minh Hương để tự gọi mình: Minh để chỉ nhà Minh, Hương là hương hỏa, ý nói họ tiếp tục lo phần hương hỏa cho nhà Minh. Sau đây là một vài nét về lịch sử định cư của người Minh Hương tại Việt Nam.
Năm Kỷ Mùi (1679), hai vị Tổng binh cựu thần nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên, không chịu thần phục nhà Thanh (1644-1911), đã mang 50 chiến thuyền với khoảng 3000 binh sĩ và gia đình, sang Việt Nam, xin hàng phục Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Vị Chúa Nguyễn lúc bấy giờ là Chúa Hiền (Hiền Vương) Nguyễn Phúc Tần (1620-1687). “Ngài vỗ về an ủi và cho vào trấn đóng tại Đông Phố (tức Gia Định), ngài ban cho chức tước, cấp phương tiện cày cấy để mở mang đất đai. Dương Ngạn Địch vào khai khẩn vùng Mỹ Tho, Trần Thượng Xuyên vào khai khẩn vùng Biên Hòa. Chẳng bao lâu Đông Phố trở thành miền đất trù phú, thương thuyền ngoại quốc đến buôn bán tấp nập.” [2]
Trong thời gian chiến tranh giữa Tây Sơn và Chúa Nguyễn, đại bộ phận người Minh Hương đã đứng về phía Chúa Nguyễn. Một số như Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhơn Tịnh đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền của Chúa Nguyễn ở Gia Định ngay trước khi Chúa Nguyễn diệt được Tây Sơn. “Đến năm Kỷ Dậu (1789), niên hiệu Chiêu Thống thứ tư, nhằm đời vua Lê Mẫn Hoàng đế, theo sớ tâu của vị đại thần con cháu nhà Minh qua trú ngụ nơi đất Việt Nam, thánh chỉ châu phê cho lập ra Minh Hương Xã, để thâu thuế dân Minh Hương, rồi chuyển đệ lên quan trên.” [3] Làng Minh Hương lúc đó không có phân định ranh giới như các làng khác vì người Minh Hương cư ngụ khắp nơi trong vùng đất mới nầy. Người Minh Hương được miễn làm xâu và khỏi đi lính. Người Minh Hương nếu phạm pháp sẽ do Minh Hương Xã phân xử. Mặc dù được ban cho đặc quyền như vậy, Minh Hương Xã rất nghiêm cẩn trong việc dạy dỗ dân, đã thông qua và ban hành một bản Khoán Ước gồm tất cả 40 điều, quy định rất rõ ràng về nhiệm vụ và quyền hạn của dân làng, của các chức sắc trong làng, cũng như cách đối xử giữa dân làng với nhau. Nhờ vậy dân làng Minh Hương nổi tiếng là sống rất thuận thảo với nhau. Trong dân gian Miền Nam thời đó đã truyền tụng câu ca dao như sau: “Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng; Đố ai lịch sự bằng làng Minh Hương.” [4] Tiếng tăm nầy chắc chắn đã được truyền ra đến kinh đô Huế. Bằng chứng là năm Quý Hợi (1863), chính vua Tự Đức đã “có sắc tặng cho làng bốn chữ “Thiện Tục Khả Phong”, khắc vô một tấm biển, sơn son thếp vàng, nay treo trước căn giữa Chánh điện.” [5] (Xem Hình 3, Phần Phụ đính)
Sau gần một thế kỷ tồn tại, đến năm 1865, làng Minh Hương chính thức chấm dứt. Nam Kỳ lúc bấy giờ đã thuộc Pháp theo hòa ước Nhâm Tuất (1862) đã được ký kết giữa Đô Đốc Bonard và Đại Tá Palanca, đại diện cho Pháp và Tây Ban Nha với hai quan đại thần là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp, đại diện cho triều đình nhà Nguyễn. Năm 1865, Thống Đốc Nam Kỳ lúc bấy giờ là Đô Đốc De La Grandière ban hành quyết định chấm dứt quy chế làng của Minh Hương Xã, với lý do là Sài Gòn và Chợ Lớn là châu thành, làng Minh Hương không còn có lý do tồn tại nữa, mà phải sáp nhập vào các hộ của châu thành. Sau mấy lần làm đơn xin lập lại làng và đều bị chính quyền Pháp bác bỏ, “ngày mồng 4 tháng 10 năm Đinh Mão (1867), quí Ông Võ Duy An, Nguyễn Tập Lễ, Vương Quan Dư, Trương Chí Hùng, Trần Ngươn Hựu, Trần Văn Kinh, và Lâm Quang Lộc, đồng đứng tên xin lập lại Minh Hương Gia Thạnh Hội để lo thờ phượng.” [6] Kể từ đó không còn làng Minh Hương nữa, mà chỉ có Hội Minh Hương Gia Thạnh. Hội không có quyền thâu thuế nữa, chỉ còn giữ việc cúng tế mà thôi. Đình Minh Hương Gia Thạnh không phải là nhà làng nữa mà trở thành nhà hương hỏa chung của tất cả hội viên. Dân Minh Hương sáp nhập vào các hộ tại các địa phương nơi họ cư trú và thật sự trở thành công dân Việt Nam. Họ nói tiếng Việt, mặc quốc phục (áo dài, khăn đóng) trong các dịp tế lễ, cho con cái học trường Việt, và hành xử hoàn toàn là một công dân Việt Nam.
Về mặt nhân sự, Hội viên gồm toàn con cháu dòng giống, cha truyền con nối, có khai sanh chánh thức, và phải làm đơn xin gia nhập Hội có kèm chữ ký của hai Hội viên chính thức làm chứng. Khi đơn được chấp thuận Hội sẽ cấp cho Hội viên mới (gọi là Hiệp Lý) một tờ cử bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán. Sau một thời gian, Hiệp Lý có thể ứng cử chức Phó Hồi Đại Lao (thường gọi tắt là Phó Hồi) lo việc công quả, cúng kiến trong Đình. Sau một năm công tác, Phó Hồi sẽ tự động thăng lên Chánh Hồi (hay cũng gọi là Chủ Hồi). Sau một năm nữa thì thăng lên Hương Trưởng, được gia nhập Ban Trị Sự một khóa ba năm. Sau ba năm sẽ thăng lên Hương Trưởng Trị Sự. Chỉ có những Hương Trưởng Trị Sự mới được ra ứng cử chức Chánh Chủ Hội. Hiện nay, tổng số Hội viên gồm khoảng 400 gồm tất cả 25 cánh họ: Chung, Dương, Đặng, Đỗ, Huỳnh, Kha, Khưu, Khương, Lâm, Lê, Lý, Lưu, Mai, Ngũ, Nguyễn, Phan, Phùng, Quách, Tăng, Tân, Trần, Trình, Trương, Vương, Văn.
Về mặt tổ chức, Hội Minh Hương Gia Thạnh được điều hành bởi một Ban Trị Sự gồm các vị như sau: Chánh Chủ Hội, Phó Chủ Nhứt, Phó Chủ Nhì, Chánh Thủ Bổn, Phó Thủ Bổn, Chánh Từ Hàn, Phó Từ Hàn, Kiểm Soát, và một số các vị Hương Trưởng Trị Sự giúp việc và cố vấn.
Lịch Sử Đình Minh Hương Gia Thạnh
Đình Minh Hương Gia Thạnh hiện nay chính là nhà làng của Minh Hương Xã được xây dựng ít lâu sau năm 1789 là năm mà Minh Hương Xã được sắc vua nhà Lê cho phép thành lập. Lúc mới đầu đây chỉ là mấy căn nhà dùng làm nơi làm việc cho làng. Đến năm Kỷ Hợi (1839), niên hiệu Minh Mạng thứ 20, làng Minh Hương mới xây cất đình trên miếng đất đó. Đình được tu bổ lần đầu vào năm Quý Dậu (1873), niên hiệu Tự Đức thứ 27. Đến năm Tân Sửu (1901), niên hiệu Thành Thái thứ 13, đình đã bị hư hại rất nhiều, Hội quyết định triệt hạ xuống hết và cất lại đình mới hoàn toàn. Một Ban Trị-sự được thành lập để lo việc xây cất ngôi đình mới và gồm có các vị sau đây:
Từ đó đến nay cũng có qua thêm nhiều lần tu bổ, quan trọng nhứt là vào năm 1962 (đại tu bổ chánh điện và cất lầu), nhưng nói chung vẫn còn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc cơ bản của ngôi đình đã xây vào năm 1901.[7]
Kiến Trúc Đình Minh Hương Gia Thạnh
Xây cất trên một diện tích 2.333 mét vuông, đình Minh Hương Gia Thạnh qua nhiều lần trùng tu nên kiến trúc và vật liệu có nhiều thay đổi. Nhìn chung toàn bộ kiến trúc đình mang mầu sắc đặc biệt Trung Hoa, theo hình chữ Tam, các tầng mái lợp ngói âm dương chồng lên nhau, góc mái thẳng và gọn. Trên đỉnh của tầng mái lớn nhứt (bên dưới nhứt) có gắn hình “lưỡng long tranh châu”, có hai lân chầu hai bên đầu nóc đòn dông. Đà hàng hiên và đà ngang theo kiến trúc Trung hoa, mỗi bên đầu máng gắn tượng sành ông mặt trời và bà mặt trăng. Diềm cửa sổ có song và lát gạch men Nhật. Hàng rào cổng sắt của đình làm theo kiểu Pháp. (Xem Hình 1)
Ở mặt tiền, có hàng rào khá đồ sộ gồm sáu cột gạch cao sơn trắng, 3 cửa sắt (một cửa chánh lớn ở giữa và hai cửa phụ nhỏ hơn ở hai bên) và các hàng song sắt sơn màu vàng. Trên hai cột trụ của cửa sắt chánh ở giữa có ghi đôi liển bằng chữ Hán như sau (đọc từ phải qua trái):
嘉 猷 復 振 基 光 舊
Gia du phục chấn cơ quang cựu
(Kế hoạch tốt đẹp hồi phục chấn chỉnh lại vẽ sáng của nền cũ)
盛 德 長 留 廟 貌 新
Thạnh đức trường lưu miếu mạo tân
(Đức lớn truyền lâu dài trên dạng mới của đền miếu)
Qua khỏi hàng rào là một sân ngắn tráng xi măng. Đứng ở giữa sân nhìn vào thì ngôi dình nằm ở giữa, hai bên có hai lối đi nhỏ có cửa, bên tay trái gọi là Tả Thanh Long, bên tay phải gọi là Hữu Bạch Hổ. Tả Thanh Long dẫn vào giếng và nhà bếp của đình. Hữu Bạch Hổ dẫn vào bên trong, bên tay trái là nhà giảng (về sau có xây thêm một tầng để làm Thư viện), bên tay phải là cửa vô Tri Từ. Bên cạnh đường Bạch Hổ có xây một cái miếu nhỏ thờ Bà Ngủ Hành.
Ở cuối sân có đặt hai chậu lớn trồng cây kiểng cắt tỉa rất khéo, rồi đến tam cấp bằng gạch. Trên tam cấp là một lần cổng nữa với hàng rào song sắt sơn mầu vàng, với hai cột to bằng gổ sơn mầu đỏ đặt trên bệ gạch cao độ năm tấc. Khác với hàng rào bên ngoài, tại đây chỉ có một cổng vào mà thôi. Phía trên cổng có bảng nhỏ hình quả trám màu đỏ đề năm 1912 sơn màu vàng, ngay bên dưới là hàng chữ Hán cũng sơn màu vàng gắn trên bảng màu đỏ hình cánh cung:
Tuế Thứ Nhâm Tí Niên Trọng Thu Nguyệt Công Tạo (Xem Hình 4)
(Nghĩa: Xây cất vào tháng Tám năm Nhâm Tí)
Cũng tại nơi cổng nầy, trên hàng rào song sắt bên phải có gắn một tấm bảng xác nhận tính cách di tích lịch sử văn hóa của ngôi đình, nội dung như sau:
ĐÌNH MINH HƯƠNG GIA THẠNH
Sáng Lập Năm 1789 Do 81 Vị Tổ Tiên Người Minh Hương
Đóng Góp và Xây Dựng Phụng Cúng Những Vị Thánh Thần:
Trần Thượng Xuyên – Nguyễn Hữu Cảnh
Trịnh Hoài Đức – Ngô Nhân Tịnh
Được Công Nhận Di Tịch Lịch Sử Văn Hóa Ngày 7.1.1993
Do Con Cháu Hội Viên Phụng Cúng
Lập Ngày 25.3.1993
(Xem Hình 5)
Qua khỏi cổng nầy là một gian phòng trống gọi là Võ ca.[8] Nơi đây có treo rất nhiều bức hoành phi, thí dụ như:
Chí Thành Bất Tức = Lòng Thành Không Phai
Dương Dương Tại Thượng = Rực Rỡ Nêu Cao
Trạc Trạc Quyết Linh = Sáng Sủa Đoan Chắc
Thân Tích Vô Cương = Thân Thương Vô Bờ (chỉ ơn vua)
Thọ Tư Giới Phúc = Đón Nhận Ơn Dầy (chỉ vùng đất đang ở)
Bảo Ngã Lê Dân = Bảo Vệ Dân Ta
Qua khỏi Võ ca là vào đến Chánh Điện. Chánh Điện là một gian phòng rất rộng, trần rất cao, và trần thiết rất lộng lẫy nhưng trang nghiêm. Đây là nơi thờ phương chánh của ngôi Đình (nội dung thờ phượng sẽ trình bày trong phần kế tiếp). Chánh điện chia thành ba gian, ở trong cùng xây bệ cao lát gạch men xanh lá cây, trên bệ đặt khám thờ rất lớn, bao lam chạm trổ rất tinh vi. Ở gian giữa, khám thờ chạm rồng chầu mặt trời, thờ bài vị sơn son thếp vàng, phía trên đề chữ triện “Long Phi”. Đây là nơi thờ vua nhà Minh và thờ thần. Ngay trước khám thờ là bàn thờ cao bằng gỗ mun cẩn ốc xà cừ và chạm trổ tinh vi, trên bàn thờ là lư hương và chân đèn bằng đồng được đánh bóng sáng ngời. Hai bên bàn thờ là hai chiếc lộng to bằng gấm đỏ thêu chữ vàng. Trước bàn thờ là bộ ghế vọng gồm một bàn và năm ghế cũng bằng gỗ mun chạm trổ tinh vi. Bộ ghế nầy tuyệt đối không ai được ngồi lên. Hai bên bộ ghế vọng là giá binh khí, mỗi bên tám món binh khí bằng đồng có tra cán gỗ rất dài, dựng đứng cao hơn đầu người. Trên hai cột chánh tại đây có gắn đôi liễn bằng gổ đen chữ thếp vàng. Đây là bút tích của ông Trịnh Hoài Đức tặng cho Làng Minh Hương Gia Thạnh:
Minh Đồng Nhật Nguyệt Diệu Nam Thiên, Phụng Chữ Tường Lân
Gia Cẩm Tú
Hương Mãn Càn Khôn Linh Việt Địa, Long Bàn Hổ Cứ
Thạnh Văn Chương
(Dịch nghĩa:
Sáng cùng mặt trời, mặt trăng, rực rỡ trời Nam, điềm lành phượng xoè lân múa tăng thêm vẻ gấm vóc
Mùi hương đầy trời đất thơm đất Việt, rồng Chờ, hổ phục phục thịnh văn chương)
Hai gian hai bên cũng có khám thờ và bàn thờ như gian ở giữa nhưng quy mô nhỏ hơn. Gian bên phải có khám thờ đề chữ triện “Tường Lân”, thờ thái tử nhà Minh và hai vị võ tướng. Gian bên trái có khám thờ đề chữ triện “Thoại Phụng”, thờ công chúa nhà Minh và hai vị văn thần. (Xem các hình 6, 8, 9, 10 và 11).
Đằng sau Chánh điện là một sân gạch khá rộng có đặt rất nhiều chậu kiểng. (Xem Hình 12). Qua khỏi sân gạch nầy là khu Tri từ hậu sở, dùng làm nơi hội họp, tiếp khách cũng như đải tiệc trong các dịp lễ hội. Tại đây vẫn còn lưu giữ một cổ vật quý giá là cái đỉnh gang của Trung Hoa chế tạo từ đời vua Đạo Quang nhà Thanh (1842).
Nội Dung Thờ Phượng Bên Trong Đình Minh Hương Gia Thạnh
Như ở trên đã nói, Hội Minh Hương Gia Thạnh được thành lập là để lo việc thờ phượng, đình Minh Hương Gia Thạnh trở thành nhà hương hỏa chung cho tất cả hội viên, nghĩa là nơi thờ phượng tổ tiên của hội viên, và, dĩ nhiên, cũng là nơi thờ phượng vua nhà Minh. Về sau, Ban Trị-sự Hội nghĩ rằng phàm là đình thì phải có thờ thần nên đã quyết định làm long vị để thờ thần.
Tại chánh điện, một bệ thờ xây đá men rất cao chạy ngang sát bức tường hậu đền, phía sau võ ca, chia làm 3 cung nghiêm (người Minh Hương gọi là 3 Thần lầu) để làm bàn thờ.
Tại Thần lầu chánh (ở giữa) có bảng ghi hai chữ “Long Phi” là nơi thờ vị Hoàng Đế cuối cùng của nhà Minh, đồng thời cũng là nơi thờ 4 vị thần là:
Ngũ thổ tôn thần, Ngủ cốc tôn thần, Đông trù tư mạng, và Bổn cảnh thành hoàng. Tại đây có đôi liẽn thờ như sau:
Vĩnh Tích Chưng Dân Chi Sanh Duy Thổ Duy Cốc
Vô Di Thiên Giám Sơ Đào Như Điển Như Lôi
(Dân sẵn ơn ban, đời sống cơm ăn đất ở
Trời không để sót, đến đâu sấm dậy sét vang) [9]
Tại thần lầu bên phải, gọi là Chánh Đông, có bảng ghi hai chữ “Tường Lân” là nơi thờ Thái tử nhà Minh, đồng thời cũng là nơi thờ 2 võ quan là Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và vị Tổng Binh nhà Minh Trần Thắng Tài (tức là Trần Thượng Xuyên) với 2 long vị như sau:
Thống xuất Lễ Thành Hầu hộ quốc tí dân, ách cảnh, uy viễn chiêu ứng Nguyễn Công Thượng Đẳng Thần
(Thống xuất Lễ Thành Hầu giữ nước che dân, bảo vệ bờ cõi, uy danh rạng rỡ Nguyễn Công được truy phong Thượng Đẳng Thần) [10]
Phụ quốc Đô đốc Tướng quân Thắng Tài Hầu, gia phong oai địch, chiêu dõng hiển linh, Trần Công Thượng Đẳng Thần
(Phụ quốc Đô đốc Tướng quân Thắng Tài Hầu, chiến đấu dũng mãnh, địch phải sợ, Trần Công hiển linh Thượng Đẳng Thần)
Tại đây cũng có đôi liễn thờ, mô tả hành trạng của Tướng quân Trần Thắng Tài như sau:
Sĩ tắc Bắc trào thần, cang thường trịnh trọng
Ninh vi Nam quốc khách, trước bạch chiêu thùy
(tạm dịch nghĩa như sau:
Triều Bắc thẹn làm tôi, cang thường vẹn giữ
Nước Nam thà là khách, trước bạch rạng nêu) [11]
Tại thần lầu bên tả, gọi là Chánh Tây, có bảng ghi hai chữ “Thoại Phụng”à nơi thờ công chúa nhà Minh, và cũng là nơi thờ 2 vị văn quan người Minh Hương là ông Trịnh Hoài Đức [12] và ông Ngô Nhơn Tịnh [13] với 2 long vị như sau:
Đặc Tấn Vinh Lộc Đại Phu, Hữu Trụ Quốc, Thiếu Bảo Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ, Trịnh Văn Cách Công
Đặc Tấn Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Chánh Trị Thượng Khanh, Công Bộ Thượng Thơ, Ngô Túc Giảng Công
Tại đây cũng có đôi liễn thờ, mô tả hành trạng của ông Trịnh Hoài Đức như sau:
Yến Bắc Thượng Thơ Hàm, Quang Phân Sở Bửu Việt Nam Hữu Trụ Quốc, Chủng Tiếp Châu Phan
(tạm dịch nhĩa như sau: Yến Bắc, Thượng Thơ hàm, thẳng ngay chói rạng Việt Nam, Hữu Trụ Quốc, trong sạch noi gương) [14]
Tại Tri Từ:
Tri từ là phần phía sau Chánh điện. Nơi đây cũng chia làm 3 phần với các bàn thờ bố trí như sau:
– ở giữa: thờ các vị tiền bối đã khai sáng làng
– ở bên trái: thờ các vị chức sắc lớn (cùng với các vị phu nhơn) có công với làng và Hộ; ở đây cũng thờ hai ông bà Trương Công Sĩ, là ân nhân của Hội
– ở bên phải: thờ các vị chức sắc nhỏ (cùng với các bà nội trợ) có công với làng và Hội
Tại Miếu Bà Ngũ Hành:
Trong Miếu Bà Ngũ Hành cũng có 3 Thần lầu như sau:
– ở giữa: có long vị ghi bốn chữ Ngũ Hành Nương Nương, phía trên có một cái cốt của Bà Chúa Thai Sanh, hai bên là hai cốt của hai Cô theo hầu Bà; phia dưới là 12 cốt của 12 Bà Mụ có bồng con.
– ở bên trái: thờ Phúc Thần, có ghi bốn chữ “Phước Đức Chánh Thần”
– ở bên phải: thờ “Bạch mã Thái giám”
Những Ngày Lễ Hội Của Đình Minh Hương
Hàng năm, theo thứ tự ngày tháng Âm Lịch, Đình Minh Hương Gia Thạnh lần lượt tổ chức cúng tế nhiều lần như sau:
Trong các ngày lễ hội nầy, Lễ Kỳ Yên, vào ngày 16 Tháng Giêng, là quan trọng nhứt. Từ ngày Mùng 9, các chức giáp đã tề tựu để lo việc quét đình, lau chùi bàn thờ, chuẩn bị mọi việc cho đến ngày Mười Bốn. Đến ngày Rằm thì lo trần thiết đình, chưng dọn các bàn thờ. Ban tế lễ gồm các thành phần như sau:
– Chánh tế: ba vị, Chánh Chủ Hội, một Hương Trưởng Trị Sự, và một Hương Trưởng
– Bồi Chánh: hai vị, Hương Thơ và Hương Lễ
– Bồi Đông: hai vị, hàng Thượng Niên Hội Lại
– Bồi Tây: hai vị, hàng Thượng Niên Tư Sự
– Đứng bang: mười hai vị, hàng Hiệp Lý
Ngày xưa, khi cúng Kỳ Yên thì lễ vật để tế phải có đủ bộ Tam Sanh, gồm một heo đực đen tuyền, một bò đực vàng tuyền, và một dê đực đen tuyền. [15] Vị Chánh tế phải mặc theo lối triều phục. Bây giờ lễ vật chỉ gồm hoa quả, bánh trái; các vị chánh tế chỉ mặc áo thụng xanh và khăn đóng xanh. Sau khi cúng thần xong thì tế miễu Bà Ngũ Hành.
Thay Lời Kết
Đình Minh Hương Gia Thạnh, với cơ cấu kiến trúc hiện nay, đã trên một trăm năm và đã được chính thức xếp hạng vào loại di tích lịch sử văn hoá. Tuy nhiên, với số hội viên tương đối rất giới hạn, và khả năng tài chánh eo hẹp của Hội Minh Hương Gia Thạnh, ngôi Đình nầy có nguy cơ bị xuống cấp. Mới đây người viết nhận được thơ của một người bà con là một thành viên trong Ban Trị Sự của Hội Minh Hương Gia Thạnh. Trong thơ người đó cho biết như sau: “Do quỹ rất eo hẹp nên phải xây 2 căn phòng 2 bên mặt trước Đình để cho thuê, mỗi tháng được khoảng bốn triệu rưởi, dùng để cúng kiến Thánh Thần và tổ tiên… Việc tu sửa thì không có tiền để làm, chỉ sửa chút ít để chống dột và trừ mối thôi. Về lâu sau nầy chắc sẽ xuống cấp lắm.” Người viết ước mong sao những vị con cháu Minh Hương hiện đang sinh sống tại hải ngoại có thể cùng góp tay vào việc bảo vệ ngôi Đình lịch sử nầy.
Ghi Chú:
Phụ Ðính
Hình ảnh đình Minh Hương Gia Thạnh
Hình 1: Mặt tiền toàn cảnh đình Minh Hương Gia Thạnh.
Nguồn: Trích từ bài viết “Hội quán Minh Hương (quận 5, Tp.HCM) – dấu ấn văn hóa Việt – tư liệu Hán Nôm” của tác giả Nguyễn Đông Triều, tài liệu trực tuyến, tại địa chỉ Internet sau đây: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/h%C3%A1n-n%C3%B4m/6361-h%E1%BB%99i-qu%C3%A1n-minh-h%C6%B0%C6%A1ng-qu%E1%BA%ADn-5,-tp-hcm-d%E1%BA%A5u-%E1%BA%A5n-v%C4%83n-h%C3%B3a-vi%E1%BB%87t-t%C6%B0-li%E1%BB%87u-h%C3%A1n-n%C3%B4m-1.html
Hình 2: Cổng chính đình Minh Hương Gia Thạnh.
Nguồn: Hình của tác giả
Hình 3: Bức liễn Thiện Tục Khả Phong.
Nguồn: Hình của tác giả
Hình 4: Cổng vào võ ca.
Nguồn: Hình của tác giả
Hình 5: Bảng công nhận di tích lịch sử.
Nguồn: Hình của tác giả
Hình 6: Bàn thờ gian bên trái chánh điện.
Nguồn: Hình của tác giả
Hình 7: Bàn thờ gian giữa chánh điện.
Nguồn: Hình của tác giả
Hình 8: Giá binh khí bên trái gian giữa chánh điện.
Nguồn: Hình của tác giả
Hình 9: Giá binh khí bên phải gian giữa chánh điện.
Nguồn: Hình của tác giả
Hình 10: Bộ ghế vọng gian giữa chánh điện.
Nguồn: Hình của tác giả
Hình 11: Sân trồng hoa giữa chánh điện và tri từ hậu sở.
Nguồn: Hình của tác giả