Khoán Ước Của Minh Hương Xã
Lâm Vĩnh Thế
Từ lâu ở Miền Nam đã truyền tụng câu ca dao:
“Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng,
Ðố ai lịch sự bằng làng Minh Hương.”
Từ “lịch sự” ở đây phải được hiểu theo nghĩa của thời đó: “…người tuân kỹ cương đạo lý là người ‘lịch sự.’” [1] Bài viết nầy nhằm giới thiệu Bản Khoán Ước của Minh Hương Xã, nền tảng của tiếng tốt về “thuần phong mỹ tục” của người Minh Hương.
Nguồn Gốc Của Minh Hương Xã
Sau khi nhà Minh (1368-1644) bị diệt vong, nhà Thanh (1644-1911) đã được thiết lập tại Trung Hoa, một số cựu thần của nhà Minh vẫn không chịu thần phục, hoặc ở lại trong nước, tiếp tục chiến đấu trong các tổ chức “phản Thanh phục Minh,” hoặc bỏ nước ra đi, và một số đã đến Việt Nam.
Năm Kỷ Mùi (1679), hai vị Tổng Binh, cựu thần của nhà Minh là Dương Ngạn Ðịch và Trần Thượng Xuyên, đã mang 50 chiến thuyền với khoảng 3000 binh sĩ và gia đình, sang Việt Nam, xin hàng phục Chúa Nguyễn ở Ðàng Trong. Vị Chúa Nguyễn lúc bấy giờ là Chúa Hiền (Hiền Vương) Nguyễn Phúc Tần (1620-1687). “Ngài vỗ về an ủi và cho vào trấn đóng tại Ðông Phố (tức Gia Ðịnh), ngài ban cho chức tước, cấp phương tiện cày cấy để mở mang đất đai. Dương Ngạn Ðịch vào khai khẩn vùng Mỹ Tho, Trần Thượng Xuyên vào khai khẩn vùng Biên Hòa. Chẳng bao lâu Ðông Phố trở thành miền đất trù phú, thương thuyền ngoại quốc đến buôn bán tấp nập.” [2]
“Ðến năm Kỷ Dậu (1789), niên hiệu Chiêu Thống thứ tư, nhằm đời vua Lê Mẫn Hoàng đế, theo sớ tấu của vị đại thần con cháu nhà Minh qua trú ngụ nơi đất Việt Nam, thánh chỉ châu phê cho lập ra Minh Hương Xã, để thâu thuế dân Minh Hương, rồi chuyển đệ lên quan trên.” [3] Làng Minh Hương ra đời từ đó. Người Minh Hương được miễn làm xâu và khỏi đi lính. Người Minh Hương nếu phạm pháp sẽ do Minh Hương Xã phân xử.
Việc Ra Ðời Của Bản Khoán Ước
Chúng ta được biết chắc chắn năm ra đời của Bản Khoán Ước (sau đây sẽ viết tắt là BKƯ) là năm 1800. Lý do: trong BKƯ, sau Khoản thứ 5, có ghi rõ như sau: “Năm khoản trên đây lập ra năm Long Phi, Canh-Thân (1800) niên hiệu vua Kiến Hưng [4] thứ 60, tháng chạp (hà ngoạt), tiết Tiểu hàn..” [5] Lý do ra đời của BKƯ đã được ghi rõ như sau: “Vì công việc làng nhiều, người làm làng cũng đông (Hương Lảo, Hương Trưởng, Hương Trùm, chức nầy sau đổi tên lại là Xã Trưởng, Chức Biện Thủ, Giáp Bàng Cân, Thông Ngôn, vân vân) nên cần phải lập qui điều hầu coi theo đó mà thi hành, đặng làm việc làng cho có qui tắc.” [6]
BKƯ nầy, sau khi hương chức của Minh Hương Xã thảo xong, đã được trình lên cho ông Trịnh Hoài Ðức [7] xem xét và phê chuẫn. Do đó, đối với người Minh Hương, mọi người đều tin tưởng và xem như BKƯ là do chính Ông Trịnh Hoài Ðức lập ra. Một điều cũng cần biết thêm là trong Minh Hương Xã, và nay là Hội Minh Hương Gia Thạnh (sau đây sẽ viết tắt là HMHGT), mọi người đều gọi ông Trịnh Hoài Ðức một cách tôn kính là “Ông Trịnh.” BKƯ, ngay trên trang đầu, có ghi rõ là: “Khoán Ước Do Ông Trịnh Lập Ra, Gia Ðịnh thành, Minh Hương xả, Hương Ước khoán văn tập.” Và câu đầu tiên là: “Ông Trịnh có xem xét và phê chuẫn cuốn Khoán Ước của Minh Hương xã.” [8]
Lịch Sử Hình Thành Của Bản Khoán Ước
Việc biên soạn nguyên tác bằng chữ Hán của BKƯ đã trải qua nhiều giai đoạn:
· Các Khoản 1-5: lập ra năm Canh Thân (1800)
· Các Khoản 6-19: có thể được thêm vào trong khoảng 1800-1801
· Các Khoản 20-33: lập ra vào ngày 12 tháng 10, năm Tân Dậu (1801); sau đó được Ông Trịnh Hoài Ðức, lúc đó là Lại Bộ Thượng Thơ, Phó-Tổng-Tài Quốc-sử-quán, kiểm duyệt ngày mồng 8, tháng 7, năm Tân Tị (1821), niên hiệu Minh Mạng thứ 2. [9]
· Các Khoản 34-40: trừ Khoản thứ 40, được lập ra ngày mồng 3 tháng 11 mùa đông năm Quý Vì – tức Quý Mùi — (1823), niên hiệu Minh Mạng thứ 4.
BKƯ mà người viết có trong tay hiện nay chỉ là một bản tiếng Quốc ngữ (Việt ngữ) do một Ủy Ban của HMHGT soạn thảo gồm các vị sau đây:
· Châu-Ðạt phụng soạn
· Lâm-Vĩnh-Hòa cẩn lục
· Vương-Quang-Bá, Hương Trưởng kiêm Kiểm soát viên, trích dịch nguyên văn ra Việt Ngữ
Sau khi việc chuyển dịch ra Việt ngữ hoàn tất, một Ủy Ban cao cấp của HMHGT gồm các vị sau đây:
· Quách-Ðăng-Dinh, Phó Chủ Nhì
· Nguyễn-Văn-Quế, Chánh Thủ-Bổn
· Lâm-Văn-Văn, Chủ-Hồi
· Kha-Vạng-Lượng, Phó Từ-Hàng
· Nguyễn-Ngọc-Nhiều, Ðại Hương-Lễ
· Trình-Chiếu-Ý, Ðại Hương-Lễ
đã xem xét bản dịch của BKƯ và đồng chấp thuận cho xuất bản dưới nhan đề “Khoán Ước và tiểu sử các vị tiền bối.” Biên bản của Ủy Ban nầy với chữ ký của sáu vị hương chức được kể tên bên trên có ghi rõ ngày tháng như sau: “Năm Canh-Dần, ngày mười bảy tháng mười, nhằm dương lịch năm một ngàn chín trăm năm mươi, ngày hai muơi sáu tháng mười một…”
Nội Dung và Giá Trị của Bản Khoán Ước
BKƯ gồm tất cả 40 điều khoản, nhưng trong khi dịch ra Việt ngữ, Ủy Ban chuyển dịch đã bỏ bớt các Khoản thứ 4, 16, 17, 18, 20, 21, 34, 39 và 40, với lý do: “Khoản nào nay Hội không cần dùng đến, thì bỏ bớt.” [10] Do đó, BKƯ bằng Việt ngữ chỉ gồm có tất cả là 31 điều khoản mà thôi.
Nội dung của 31 điều trong BKƯ bằng Việt ngữ đề cập đến các vấn đề như sau:
Nội Dung |
Khoản Số |
Tiêu chuẩn về phẩm hạnh mà các vị hương chức cần phải có |
1, 2, 3,14 |
Tiêu chuẩn về công tác mà các vị hương chức phải tuân thủ |
6, 7, 8, 9, 10, 31 |
Việc phê bình, chấm điểm các vị hương chức |
32 |
Việc thăng cấp các vị hương chức |
26 |
Quy định về lễ vật dành cho các vị hương chức khi nhà có đám cười, đám tang hay ăn mừng nhà mới |
22, 23 |
Viêc kỷ luật các vị hương chức |
25, 29, 30 |
Ðặc ân dành riêng cho con cháu các vị hương chức đã quá cố |
24 |
Tiêu chuẩn về quản lý công việc, sổ sách, tài sản của làng |
19, 35, 37, 38 |
Tiêu chuẩn về phẩm hạnh của dân làng |
5, 15 |
Tiêu chuẩn về công tác của dân làng |
11, 12 |
Việc thăng cấp của dân làng |
36 |
Tình nghĩa giữa người trong làng với nhau |
27 |
Việc kiện thưa trong làng |
33 |
Cách tổ chức cúng Kỳ Yên, cách sắp xếp chổ ngồi, cách ăn uống |
14, 28 |
Nhìn vào bảng phân tích nội dung BKƯ trên đây ta thấy ngay là các vị tiền bối của Minh Hương Xã đã hết sức đặt nặng vấn đề tiêu chuẩn về phẩm hạnh, không những cho các vị hương chức mà còn cho cả dân làng nữa. Tổng số điều khoản về vấn đề nầy là 6 điều (4 dành cho hương chức và 2 dành cho dân làng), đạt tỷ lệ 6/31 = 19.35% của BKƯ. Ta thử đọc xem một vài điều về vấn đề nầy:
“Khoản thứ nhứt.—Hương-Lảo và Hương-Trưởng là người tuổi cao tác lớn, công cáng nhiều năm, chuyên lo việc quan, phân xử việc làng, phải nên gắng chí đồng lòng, lo lắng cùng nhau, trông nhau như ruột thịt, chung lo giềng lợi và trừ mối hại, cố chí khuyên người hiền, răn kẻ dử, chia nhau mà làm cho tròn phận sự, trọng lời lẽ ngay, đều [điều] thẳng mà bàn tín [tính]cùng nhau, đừng lập phe lập đảng, bình phẩm cho thanh cao; lời nói ra như chạm vào bản [bảng] vàng bia đá, trong làng mới phục mình là người đúng đắng.”
“Khoản thứ nhì.—Trùm cựu hay Trùm tân cũng trong làng công nghị mà lựa những người trong bộ, giỏi giắn, siêng năng mà bào [bầu] cử ra làm lớn trong làng, đặng chuyên lo việc làng. Các việc đều phải cần-mẩn, lo lắng, đừng để tổn phí nhiều. Trong sổ thâu xuất phải biên chép cho kỷ lưởng. Chẳng nên khai quấy hay xài lãng phí, hoặc muốn lợi riêng cho mình, làm sổ lộn-xộn, xài thâm tiền của làng, cũng không nên làm theo ý riêng của mình, không kể đến điều-lệ của làng; dầu việc nào có lợi ích chung, cũng phải làm công khai, không nên làm âm thầm trong bóng tối. Ðừng tham lạm. Như gặp việc khánh điếu cùng là việc nào khác, phải làm theo thường lệ, thì cứ việc xem xét cho kỷ-càng, rồi cứ theo lệ mà thi hành.”
“Khoản thứ ba.—Chức, Biện, cựu cũng như tân, là của Làng lựa chọn, đủ tài năng, đã lâu ngày công khó, phải ráng đồng tâm hiệp lực mà làm cho tròn nhiệm vụ của mình, phải luân phiên nhau mà làm việc làng. Nếu làng có việc cần dùng, thì hể mời một lần, là đến ngay, không đặng trì huởn, hay lánh mặt mà lỡ dỡ phiên nhóm. Phàm các việc chung, như có mua sắm món chi, cũng phải đọ giá cả, chớ đừng hốp tốp; hoặc có lãnh hay nạp món chi, thì cũng phải có giấy tờ để lại cho biết gốc tích; đừng xài ít tính nhiều, mua rẽ nói mắc, lấy lợi chung mà làm của riêng; xài lãng phí của làng. …” [11]
Có thể nói ba điều khoản trên đây đã tóm lược gần như đầy đủ những đức tính cần phải có đối với những vị hương chức quan trọng nhứt trong làng, kể từ các vị Hương-Lảo, Hương-Trưởng là những vị đóng vai trò lãnh đạo Minh Hương Xã xuống đến các vị Trùm, Biện là những vị đóng vai trò trực tiếp thực hiện các công việc trong Minh Hương Xã. Các tiêu chuẩn nêu ra trong các điều khoản nầy bao gồm cả hai mặt tài năng và đức độ nhưng rõ ràng là nhấn mạnh về đức độ hơn là tài năng. Nếu nói theo ngôn ngữ ngày nay ở Bắc Mỹ nầy thì đây gần như là một “Bộ Quy Tắc về Ðạo Ðức = Code of Ethics” dành cho hương chức của Minh Hương Xã.
Ðó là những đòi hỏi về phẩm hạnh của quý vị hương chức nhưng còn đối với người dân trong làng thì thế nào? Ta hảy thử đọc các điều khoản sau đây:
“Khoản thứ 5.—Có người nhập tịch vô làng, là một cái nền tảng, tiền tấn hậu kế, nối gót nhau, phải giữ nề nết mà noi theo pháp luật của làng, trên hòa dưới thuận, đừng làm những việc phi pháp. Ai làm phải, thì nên bắt chước theo. Nếu có lầm lổi, thì phải sửa mình. Phàm mình còn nhỏ, thì phải biết kính trọng. Khi gặp người lớn ngoài đường, phải chào hỏi. Khi mình ngồi, thấy người lớn, phải đứng dậy. Khi đi gặp người lớn, phải nhường bước. Kinh-Thi nói rằng: Mình không biết cung kỉnh, thì đâu gọi là lễ phép vậy. Nếu có việc chi trong làng, kỳ yên hay là làm nguơn chẳng hạn, thì nên nối gót theo sau kêu rũ như chim cưu rũ nhạn vậy; phải nghe theo, ứng chực [trực] đặng lo công việc; đừng tập thói xấu, lánh nặng tìm nhẹ, kiếm chổ đi chơi; đừng ỷ giàu mà phạm thượng, đừng cậy thế mà hiếp người, đừng kiêu hảnh mà làm sai siểng trong điều-ước của làng, thì lổi ấy khó dung. Nếu trong gia đạo có xảy ra việc bất hòa hay có gây gổ với người đồng hương, nhược bằng nhịn không được, thì phải đem việc ấy đến nhà ông Trùm mà kêu nài hầu đem ra làng phân xử cho minh bạch, thưởng phạt đành rành.” [12]
“Khoản thứ 15.—Bực tôn trưởng và các chức việc trong làng có sai khiến đều [điều] chi, thì trên phán ra, dưới phải làm y theo, là lẻ cố nhiên. Nếu ai có tánh chần chờ, thì phải chừa ngay đi, đặng làm gương cho kẻ dưới sau nầy khỏi làm sái phép.” [13]
“Khoản thứ 27.—Hương-ước nghĩ rằng: Từ loài cầm thú đến vật nhỏ nhen, đều dìu dắc nhau đi, kiếm được mồi, kêu nhau chia; huống chi là người, có tánh linh hơn muôn vật mà không dùng nghĩa đặng giao thiệp nhau, không dùng nhơn đặng giúp đở nhau; bốn biển đều là anh em, tuy khác ý nhau, mà còn có khi giúp đở nhau được. Cây đào cây lý ở chung một nhà, đều biết nhau, há không thương yêu nhau, cái chủ tâm đó ai ai cũng vậy, nên mới lập ra điều ước nầy. Phàm chúng ta là một người làng [người một làng], nếu có việc Quan, Hôn, Tang, Tế phải gắng sức đồng lòng thật tình giúp đở nhau, bất luận có tiền hay là không tiền, ấy là tùy gia vô hửu, không hại chi mà ngại, đừng phân biệt sang hèn, hay giàu nghèo mà nghi kị nhau, làm mất chổ lễ nghĩa đi, còn đâu gọi là thuần phong mỹ tục, thì có vui vẻ gì. Hảy cố gắng làm theo điều ước nầy.” [14]
Các tiêu chuẩn về phẩm hạnh dành cho dân làng cũng thật là rõ ràng, minh bạch. Tất cả đặt trên nền tảng lễ nghi và đạo đức căn bản của một xã hội Khổng Giáo: kính trọng và vâng lời bậc trưởng thượng; sống khiêm tốn, không hiếp đáp kẻ yếu; sống hoà thuận với nhau, tương trợ nhau trong mọi việc quan-hôn-tang-tế; đối với việc chung trong làng thì phải đóng góp, không được thối thoát.
BKƯ, ngoài những điều khoản về phẩm hạnh đối với hương chức và dân làng như vừa trình bày, còn bao gồm đầy đủ các điều khoản khác về tiêu chuẩn làm việc dành cho mọi người, về vấn đề quản lý tài sản, tiền bạc. Và dĩ nhiên, có làm việc thì có đúng, có sai, nên cũng có những điều khoản về việc đánh giá, chấm điểm công tác, có điều khoản về kỷ luật, về thưởng phạt rất phân minh. Ðiều khoản số 19 có ghi rõ như sau:
“1. Phàm Hương Lảo phạm ước, thì việc của ông làm, để ông liệu xử lấy, ấy là làng có lòng kính ông đó. 2. Phàm Hương Trưởng phạm ước, thì phạt một heo toàn thể, năng 50 cân mà răn kẻ dưới. 3. Còn các chức nhỏ và dân phạm ước thì bị phạt, tùy theo lổi nặng hay nhẹ, đặng răn từ đó về sau đừng tái phạm.” [15]
Gần như tất cả các khía cạnh quan trọng trong đời sống tập thể của Minh Hương Xã đều được đề cập đến trong BKƯ, từ cách thức làm việc công trong làng cho đến việc kiện tụng riêng tư của dân làng, từ tiêu chuẩn thăng cấp cho hương chức cho đến khả năng thăng tiến của dân làng, từ việc tổ chức lễ hội (Kỳ Yên, cúng rằm, vv) đến việc mua sắm lễ vật cúng tế, vv Ðiều quan trọng nhứt làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt của BKƯ là quyết tâm thực hiện cho được sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn thể cộng đồng Minh Hương Xã trong việc bảo tồn và phát huy thuần phong mỹ tục.
Kết Luận
Nhờ BKƯ nầy, Minh Hương Xã đã giáo dục được người dân và con cháu của họ sống hòa thuận với nhau và giữ gìn được thuần phong mỹ tục trong một thời gian rất lâu dài, gây được tiếng tốt về mặt đạo đức trên quê hương mới. Năm Quý Hợi (1863), đời Vua Tự Ðức, nhà vua đã ban tặng cho làng Minh Hương bốn chữ “Thiện Tục Khả Phong.” Bốn chữ nầy đã được làng Minh Hương cho khắc vào một tấm liển sơn son thếp vàng, nay vẫn còn treo nơi chánh điện của Ðình Minh Hương Gia Thạnh.[16]
Ghi Chú:
Phụ Ðính A
Hình Bìa Khoán Ước
Phụ Ðính B
HÌnh Cổng Chính của Ðình Minh Hương Gia Thạnh
Phụ Ðính C
Hình Tấm Liễn “Thiện Tục Khả Phong”