LỊCH SỬ BANG GIAO VIỆT MỸ
DƯỚI THỜI NHÀ NGUYỄN
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
Trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài đều tha thiết kết thân với Tây phương, mong sự trợ giúp về quân sự hòng tiêu diệt lẫn nhau.
Theo chính sử [1], ngày 13 tháng giêng năm Tân Tỵ (22- 2- 1641), niên hiệu Dương Hòa thứ 7 (陽和), xứ Đàng Ngoài có hai bức quốc thư, một của vua Lê, một của Thái tử nhờ sứ thần Hòa Lan mang về cho viên Toàn quyền của họ ở Batavia (thủ đô Nam Dương). Viên Toàn quyền này đại diện cho chính phủ Hòa Lan, đủ thẩm quyền giải quyết mọi vấn đề ở Á Châu, nên hai bức quốc thư ấy được coi như hai văn kiện ngoại giao đầu tiên của nước ta đối với Tây phương.
Thế nhưng, việc tiếp xúc giữa Hoa Kỳ và nước ta đến thế kỷ 19 mới bắt đầu. Điều đó không lạ, vì đến ngày 4 tháng 7 năm 1776 bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ quốc mới ra đời, 13 tiểu bang thoát khỏi ách thống trị của nước Anh, và đến ngày 30 tháng 4 năm 1789 mới có vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ tuyên thệ nhậm chức. Đó là George Washington, người tiểu bang Virginia, đắc cử hai nhiệm kỳ từ 1789 đến 1797.
Vị Tổng thống thứ năm của Hoa Kỳ, ông James Monroe cũng người tiểu bang Virginia, thuộc đảng Cộng Hòa, rất am tường về tình hình Châu Âu và thành thạo trong vấn đề ngoại giao. Ông làm tổng thống suốt hai nhiệm kỳ (1817 – 1825), chọn John Quincy Adams (con trai của cựu Tổng thống John Adams) làm bộ trưởng ngoai giao.
Tổng thống Monroe và Bộ trưởng Ngoại giao Adams có chung một đường lối ngoại giao mạnh dạn, được gọi là Chủ nghĩa Monroe. Theo đó, Hoa Kỳ không để bất cứ cường quốc Âu Châu nào đặt thêm ách thuộc địa lên đại lục Mỹ Châu, cương quyết bảo vệ và duy trì nền độc lập của các nước mà Hoa Kỳ đã thừa nhận. Ngoài ra, thương thuyền của Hoa Kỳ tỏa đi các nước Á Châu để giao dịch buôn bán.
Năm 1819, tức năm Kỷ Mão, niên hiệu Gia Long thứ 18 (嘉 隆), hai chiếc thương thuyền của Hoa Kỳ, do thuyền trưởng John White chỉ huy, cập bến cảng Sài Gòn để mua đường. Quan Tổng trấn Gia Định là Tả quân Lê Văn Duyệt tiếp đãi tử tế, và dành mọi sự dễ dãi trong việc mua bán. Cuộc sơ ngộ ngắn ngủi nhưng lưu lại cảm tình giữa hai nước.
Đến đời Tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ, ông Andrew Jackson, cũng đắc cử hai nhiệm kỳ (1829 – 1837), lại mở ra một kỷ nguyên mới nữa. Đặc sứ Hoa kỳ Edmund Robert mang quốc thư đi các nước Á Châu nằm ven biển, để thực hiện các hiệp ước thương mại.
Theo Việt Sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn, năm 1831, Minh Mạng thứ 12, Tổng thống Jackson dự định đặt một đại diện tại nước ta, và ông Shilluber được cử làm lãnh sự. Nhưng vua Minh Mạng (明 命) chỉ muốn người nước ngoài đến buôn bán rồi đi, chứ không muốn có cơ sở ngoại giao chính thức của ngoại quốc trên nước mình, nên đã tìm cách từ chối.
Năm 1832, tàu Peacock chở phái đoàn sứ giả Mỹ, do ông Edmund Robert và Đại úy Georges Thompson cầm đầu, cập bến Đà Nẵng, xin trình quốc thư với lời thỉnh cầu được ký kết một hiệp ước thương mại.
Nguyên văn bức quốc thư như sau:
H 1: Bức Quốc Thư của Hoa Kỳ [2]
Andrew Jackson, President of the United States of America.
To Great and Good Friend,
This will be delivered to your Majesty by Edmund Robert, a respectable citizen of these United States, who has been appointed Special agent on the part of this Government to transact important business with your Majesty. I pray your Majesty to protect him in the exercice of the duties which are thus confidel to him and to treat him with kindness and confidence, placing entire reliance on what he shall say to you in our behalf specially when he shall repeat the assurances of our perfect Amity and Goodwill towards your Majesty.
I pray God to have you always. Great and Good Friend, under his safe and holy keeping.
In Testimony where of, I have caused the Seal of the United States to be here into affixed. Give under my hand at, the City of Washington the thirty first day of January A. D. 1832, and of the Independance of the United States of America the fifty sixth.
Andrew Jackson
By the President
Edw. Livingston, Secretary of State.
Phạm Văn Sơn, Quân Sử, Quyển III, trang 52, dịch:
Andrew Jackson, Tổng Thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Kính gửi: Hoàng Đế Đại quý hữu.
Thư này sẽ do ông Edmund Robert, một thân sĩ Hoa Kỳ, đệ trình lên Hoàng thượng, đã được chính phủ chúng tôi cử làm đặc sứ để thương nghị với Hoàng thượng về vấn đề giao thương.
Trân trọng xin Hoàng thượng che chở và đối đãi tử tế với đương sự trong khi thừa hành nhiệm vụ. Tôi tin cậy hoàn toàn những điều mà đương sự sẽ đệ đạt lên Hoàng thượng, nhất là tình thân hữu hoàn toàn và tất cả thiện chí của chúng tôi đối với Hoàng thượng. Tôi cầu xin Thượng đế luôn ở bên cạnh, che chở và gia hộ cho đại quý hữu.
Để chứng minh các điều nói trên, tôi cho kiềm quốc ấn của Hợp Chủng Quốc trên văn kiện này lập với bổn ấn tại thành Hoa Thịnh Đốn ngày 31 tháng giêng năm 1832, là năm thứ 56 của nền độc lập Hợp Chủng Quốc.
Andrew Jackson
Phó thự
Edw. Livingston, Quốc Vụ khanh
Bức quốc thư trên, không ghi rõ danh hiệu của nhà vua và quốc hiệu nước ta. Chứng tỏ chỉ là một bức thư chung chung, do Tổng thống Hoa Kỳ lập sẵn để viên đặc sứ, ông Edmund, tùy nghi đệ trình với bất cứ nước nào ở Á châu, mà ông ta có thể tiếp xúc được. Vì vậy, vua Minh Mạng không thể chính thức tiếp nhận. Ngài phê vào sớ tấu của quan đệ trình “Bất tất đầu đệ” (不 必 投 遞), nghĩa là không cần phải trình tâu.
Rồi vua Minh Mạng sai quan ở nhà Công Quán (đời Tự Đức gọi là tòa Thương Bạc) báo cho phái đoàn Mỹ hay là nhà vua lấy làm tiếc, vì quốc thư của Hoa Kỳ bất hợp lệ, nên hiện tại không thể cứu xét để ký kết với phái đoàn văn kiện hiệp thương. Tuy nhiên, triều đình Đại Nam thấy không có gì trở ngại trong việc giao thương, miễn sao khi đến buôn bán, Hoa Kỳ phải tuân theo luật pháp của nước Nam. Nhà vua còn truyền cho các quan ở Công Quán phải tiếp phái đoàn Mỹ tử tế, và chỉ định cho họ chỗ đậu tàu là vũng Trà Sơn ở Đà Nẵng. Sau đó, tàu Peacock nhổ neo rời Việt Nam đi Xiêm (Thái Lan).
H 2: Minh Mạng (1820 – 1840),
vị vua Việt Nam đầu tiên nhận quốc thư của Mỹ.
Năm Bính Thân (1836), Minh Mạng thứ 17, cũng tàu Peacock, đặc sứ của Tổng thống Jackson vẫn là ông Edmund Robert, đến Việt Nam. Lần này, đoàn sứ giả có thêm ông Ruschenberg, bác sĩ Hải quân. Tàu nhổ neo tại cảng New York ngày 23 tháng 4 năm 1835, lần lượt ghé các bến Rio de Janeiro (Ba Tây), Zanzibar (một đảo trên Ấn Độ dương), Mascate (Ả Rập), Bombay (Ấn Độ), Colombo (Tích Lan), Thái Lan, Batavia (Nam Dương), rồi đến vũng Đà Nẵng ngày 20 tháng 4 năm 1836, hy vọng ký một hiệp ước thương mại như họ đã thực hiện ở Nhật.
Tuần phủ Nam Ngãi tâu lên vua Minh Mạng: “Tàu của sứ thần nước Ma Ly Căn (America) đã đến vụng Trà Sơn, muốn trình quốc thư cầu thông và xin được chiêm cận bệ hạ.”
Vua Minh Mạng hỏi ý kiến đình thần. Hoàng Quýnh, lúc ấy là quan Thị Lang Nội các, tâu: “Người xưa đóng cửa Tây Vực để ngăn rợ Nhung. Nay ta cũng nên cự tuyệt các nước Tây phương, không nên chứa chấp dung nạp họ để tránh mối lo về sau.”
Quan Thị lang bộ Hộ là Đào Trí Phú, tức Cử nhân Đào Trí Kính, tuy vẫn dè dặt nhưng thức thời hơn, tâu: “Người ngoại quốc đến nước ta cầu thân, thật hay dối ta chưa rõ. Vậy cứ cho họ đến Kinh ở tại nhà Công Quán, cho người giao tiếp dò xét. Nếu họ thật lòng đến để giao thương, đem lại lợi ích cho cả đôi bên, thì ta đón nhận. Bằng như có ẩn ý đen tối, ta sẽ tìm cách khéo mà thoái thác. Như thế, dù được hay không, ta cũng không làm mếch lòng và gây thù hằn với nước họ.”
Minh Mạng là người cả quyết, lại tế nhị, bèn phán: “Nước Ma Ly Căn ở cách xa ta 40.000 dặm trùng dương, trong vòng 4 năm họ lặn lội tới đây hai lần để cầu thân, tức là mến uy đức của triều đình ta. Lần trước ta không xét quốc thư là phải, nhưng lần này nếu cự tuyệt nữa, e lại mang tiếng với các nước là ta hẹp lượng lắm sao!”
Rồi vua sai Đào Trí Phú và Lại bộ Thị lang Lê Bá Tú, hội với các quan ở Công Quán, đến gặp Sứ bộ Mỹ. Lúc phái đoàn ta đến thăm viếng và úy lạo, ông Edmund Robert, trưởng phái đoàn, không ra tiếp, chỉ cho người ra cảm tạ. Rồi liền sau đó, tàu Peacock vội vã rời Việt Nam, trước sự ngơ ngác của phái đoàn ta.
Đào Trí Phú tâu lên vua: “Họ nay ở mai đi, không nhất định cũng không báo trước, thật không rõ lễ nghĩa thế nào!”
Vua Minh Mạng vốn thông minh, hiểu ngay có sự bất trắc ngoài ý muốn của phái bộ Mỹ, nhà vua tỏ ra khoan dung, phán rằng: “Họ đến, ta không bỏ, đi, ta không theo, còn như lễ nghĩa của Trung Hoa, họ là người ở nước xa làm sao thấu hiểu được, ta chấp nhất làm chi!”
Đúng vậy, một biến cố bất ngờ đã xảy ra cho phái đoàn Mỹ. Ông Edmund Robert, trưởng đoàn, bị nhuốm bệnh từ lúc ghé Thái Lan, khi đến Việt Nam, bệnh bạo phát. Lúc phái đoàn ta đến thăm, ông đã bệnh nặng không dậy được, nhưng vì thông ngôn kém cỏi nên phía ta không rõ lý do, rồi tàu Peacock phải vội đi Ma Cao để cấp cứu. Ngày 12 tháng 6 năm 1836, tàu cập bến Ma Cao thì ông Robert đã chết vì bạo bệnh.
H 3: Aldrew Jackson, Tổng Thống thứ 7 của Hoa Kỳ.
(Ảnh: Wikipedia.org andrew Jackson)
Sau lần gặp gỡ ấy, cuộc giao tiếp giữa nước ta và Mỹ quốc bị lãng quên gần suốt bốn thập niên (1836 – 1873). Thời ấy, nước ta có nhiều biến cố quan trọng phải đối phó, đất nước mỗi ngày một mất dần vào tay người Pháp.
– Ngày 15 tháng 4 năm 1847, tức năm Đinh Mùi, Thiệu Trị thứ 7 (紹 治), Tư lệnh hạm đội Pháp ở biển Trung Hoa là Đại tá Hải quân Lapierre, ra lệnh cho hai chiến hạm La Gloire và La Victorieuse, nã những phát đại bác đầu tiên vào lãnh thổ Việt Nam, tại cửa biển Đà Nẵng. Quân ta chống trả anh dũng nhưng chỉ sau 2 giờ tác chiến, hàng trăm thuyền bè của ta chỉ còn là những mảnh gỗ trôi nổi.
– Ngày 1 tháng 9 năm 1858, tức năm Mậu Ngọ, Tự Đức thứ 11 (嗣 德), liên quân Pháp và Tây Ban Nha họp nhau gồm 16 chiến hạm và 2350 binh sĩ, do Phó Đề đốc Rigault de Genouilly (Pháp) và Đại tá Lanzarotte (Tây Ban Nha) chỉ huy đánh chiếm bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng.
– Từ ngày 10 đến 16 tháng 2 năm 1859, liên quân Pháp – Tây dưới quyền chỉ huy của Đề đốc Rigault de Genouilly (mới thăng cấp) tấn công Vũng Tàu và cửa Cần Giờ, tiêu diệt các chốt phòng thủ, rồi tiến vào sông Lòng Tào đến Nhà Bè. Sáng sớm ngày 17, đánh chiếm thành Gia Định, quân ta chống cự kịch liệt nhưng cũng chỉ cầm cự được đến trưa thì thành vỡ.
– Ngày 12 tháng 4 năm 1861, tỉnh thành Định Tường (Mỹ Tho) thất thủ.
– Ngày 9 tháng 12 năm 1861, liên quân đánh chiếm đảo Côn Lôn.
– Ngày 16 tháng 12 năm 1861, tỉnh thành Biên Hoà thất thủ.
– Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình ta bị áp lực của Pháp, phải ký Hoà ước Nhâm Tuất, gồm 12 điều khoản. Trong đó, nhường đứt cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Gia Định, Định Tường, Biên Hoà và Côn đảo.
– Tháng 6 năm 1867, Phó Đề đốc De la Grandière hành quân tiến chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ mà không tốn một giọt máu. Ngày 20, tàu chiến Pháp kéo đến tỉnh thành Vĩnh Long, ép buộc quan Kinh lược Đại thần Phan Thanh Giản phải giao nộp thành. Ngày 22, tỉnh thành An Giang (tại Châu Đốc) và ngày 24 tỉnh thành Hà Tiên cũng lần lượt rơi vào tay giặc.
– Ngày 25 tháng 6 năm 1867, De la Grandière tuyên bố: Toàn bộ sáu tỉnh Nam Kỳ là lãnh địa của Pháp.
H 4: Quân Pháp dàn trận trước thành Chí Hòa.
(Ảnh: Phạm Văn Sơn, Quân Sử, Q. 3, tr. 90)
1 – Bùi Viện và nhóm Tân Đảng:
Trước tình thế đen tối của đất nước, ông Bùi Viện (1839 – 1878) người làng Trình Phố, huyện Trực Định, tỉnh Nam Định (nay thuộc Thái Bình, xem ghi chú số 3), đỗ Cử nhân khoa Mậu Thìn (1868) năm Tự Đức thứ 21.
Bùi Viện, cùng các ông Hoàng Phan Thái (1819 – 1865), Bạch Đông Ôn (1811 – ?), Nguyễn Tư Giản (1823 – 1890), Đặng Đức Thuận, Đinh Văn Điền, Nguyễn Trường Tộ (1830 – 1871)… chủ trương canh tân xứ sở. Người đời gọi chung những người cấp tiến này là Tân Đảng [3]. Với lòng yêu nước nhiệt thành, tư tưởng tiến bộ, quan điểm thức thời, họ thường dâng lên vua Tự Đức những bản điều trần đề nghị cải cách nhiều mặt về chính trị, quân sự, ngoại giao, giáo dục, kinh tế… để đất nước phú cường và theo kịp đà tiến bộ của thế giới, hầu mong thoát khỏi ách đô hộ của người Pháp.
Theo nhóm cấp tiến, chính sách ngoại giao cần phải thay đổi toàn diện. Cần giao thiệp đồng đều với nhiều nước Tây phương, lập tòa đại sứ và lãnh sự để họ vì quyền lợi mà canh chừng nhau.
Đó là nội dung những bản điều trần như: Giao Thông Sự Nghị Bẩm Minh đề ngày 19 tháng 2 năm Mậu Thìn (12- 3- 1868) của Nguyễn Trường Tộ, nói về sự ích lợi của bang giao. Bản điều trần mật của Đinh Văn Điền, dâng lên vua Tự Đức vào tháng 11 năm 1868, đề nghị lập ty Bình Chuẩn ở nhiều nước để lưu thông hàng hoá; đặc biệt là liên lạc mật thiết với nước Anh, nhờ họ giúp đỡ chống Pháp, hoặc ít ra cũng hạn chế hành động xâm lăng của Pháp. Quan điểm này, giống như bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ dâng vua Tự Đức vào tháng 11 năm 1870. Bùi Viện cũng dâng bản điều trần về chính sách ngoại thương, phải giao thương đồng đều với các cường quốc thì tất nhiên Pháp không còn thế độc quyền tại Việt Nam nữa.
Chính vua Tự Đức cũng thấy nếu không kịp thời cải cách, thì đất nước sẽ lâm nguy. Mặc dù biết vậy, nhưng vua khó thực hiện việc canh tân, vì trong triều còn nhiều người thủ cựu, không muốn thay đổi. Hơn nữa, bản chất của bà Thái hậu Từ Dụ (慈 裕, quen gọi lầm là Từ Dũ), muốn cầu hoà cho yên thân. Còn vua Tự Đức thì rất có hiếu, mọi việc lớn nhỏ trong triều đều tâu cho mẹ rõ và làm theo lời mẹ dạy.
Khoa thi Tiến sĩ năm Mậu Thìn (1868), Tự Đức thứ 21, nhà vua đã châu phê trong bài văn sách của Vũ Duy Tuân (武 維 洵) [4]:
“Kim nhật thỉnh chiến, minh nhật thỉnh chiến; chiến nhi bất thắng, tương trí trẫm ư hà địa?” (今 日 請 戰, 明 日 請 戰; 戰 而 不 勝, 將 置 朕 於 何 地。) Việt Thao dịch: Nay đòi đánh, mai đòi đánh; đánh mà không thắng, thì sẽ đặt để trẫm ở chốn nào?
Nên họ Vũ từ vị thứ Hội nguyên (đỗ đầu bảng thi Hội), trụt xuống còn Phó bảng. Chỉ vì ông đứng đầu trong hàng sĩ tử, luận bài theo quan điểm phải dùng thế công để bảo vệ đất nước.
Đừng nói chi đến việc chủ chiến, ngay cả chuyện canh tân xứ sở cũng bị bác bỏ, hoặc nếu có thực hiện cũng chỉ hạn chế và chậm chạp. Đường lối vận động ngoại giao để cứu nguy đất nước quan trọng là thế, mà vua Tự Đức cũng chỉ giao đơn độc cho Bùi Viện (1841 – 1878) toàn quyền lo liệu. Ông được cấp cho một con thuyền gỗ, một số vàng bạc và tặng phẩm cùng vài người tùy tùng, vượt biển muốn đến nước nào tùy ý.
2 – Bùi Viện, chuyến hành trình ngoại giao sang Mỹ Quốc:
Một ngày trong tháng 7 năm Quý Dậu (1873) Tự Đức thứ 26, Bùi Viện vào bái mạng vua để lên đường. Trước sứ mạng vô cùng quan trọng của sứ giả họ Bùi, nhà vua căn dặn: “Không nên sơ suất lời nói để người ngoài biết cái thực trạng kém cỏi của mình, không nên quá tiết kiệm về tiền bạc để hại đến quốc thể!” [5]
Bữa tiệc tiễn đưa Bùi Viện, có các quan đại thần, có các bạn cùng chí hướng như Lại bộ Thượng thư Nguyễn Tư Giản (1823 – 1890), Hộ bộ Thượng thư Phạm Trúc Đường, Nội các Tham biện Bùi Văn Dị (1832 – ?)…, mỗi người tặng một bài thơ. Cảm kích vì tình bạn, rồi lại nghĩ đến cuộc viễn hành vô định trước trọng trách đối với nước, với vua. Bùi Viện từ biệt triều đình qua bài thơ khẩu chiếm trên bàn tiệc:
Quý phụ minh triều sĩ,
愧 負 明 朝 士,
Phiên tòng hải quốc du.
翻 從 海 國 遊。
Bỉnh sơn hồng nhật cận
屏 山 紅 日 近,
Côi lĩnh bạch vân phù
嵬 嶺 白 雲 浮。
Thân thế cương thường trọng,
身 世 剛 常 重,
Thê hàng bạt thiệp du
稊 航 跋 涉 悠。
Hoàng linh phong lãng thiếp,
皇 靈 風 浪 帖,
Thu thủy nhất hành chu [6].
秋 水 一 行 舟。
Việt Thao dịch:
Luống thẹn cùng hiền sĩ,
Quay mình qua biển khơi.
Vừng hồng gần núi Bỉnh,
Mây trắng nổi non Côi.
Thân thế cương thường trọng,
Trùng dương sóng gió dồi.
Ơn thiêng trời bể lặng,
Thu thủy chiếc thuyền trôi.
Sau mười ngày lênh đênh trên mặt biển, Bùi Viện cho thuyền cập bến Hương Cảng. Vùng đất này, dưới triều nhà Thanh là một đảo hoang cằn cỗi, từ năm 1842 về tay người Anh và đến lúc ấy (1873) chỉ mới 30 năm, đã trở thành một hòn ngọc ở viễn đông. Hương Cảng là bài học thiết thực việc canh tân xứ sở theo khoa học Tây phương.
Bùi Viện quyết định ở lại Hương Cảng để nghiên cứu tình hình thế giới, rồi xúc tiến việc vận động ngoại giao. Nhờ sự môi giới của các nhân sĩ ở Hương Cảng và Quảng Đông, ông tìm cách làm quen với viên Lãnh sự Hoa Kỳ ở Hương Cảng. Viên Lãnh sự này có mẹ là người Trung Hoa, đã từng sống nhiều năm ở quê mẹ, nên rất thạo tiếng Tàu. Bùi Viện cũng tạm nói được tiếng Tàu, nếu khó khăn lắm thì bút đàm, nên họ đã hiểu nhau và trở nên thân thiết. Viên Lãnh sự càng ngày càng cảm mến lòng yêu nước thiết tha của Bùi Viện, nên đã viết thư giới thiệu họ Bùi với người bạn chí thân, đang làm việc bên cạnh Tổng thống Hoa Kỳ. Nhờ ông ta vận động cho người bạn Việt Nam được yết kiến Tổng thống Ulysses Grant để cầu viện.
Từ giã viên Lãnh sự Mỹ, Bùi Viện đáp tàu thủy từ bến Hương Cảng sang Hoành Tân (Nhật), vượt trùng dương tới Nữu Ước, rồi đến Hoa Thịnh Đốn, thủ đô Hoa Kỳ, để gặp người bạn của ông Lãnh sự. Sau gần một năm kiên nhẫn vận động, Bùi Viện đã được Tổng Thống Ulysses Grant tiếp kiến. Ông tường trình lên Tổng thống Mỹ về tình trạng Việt Nam đang bị Pháp thôn tính, yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ giành lại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
H 5: Ulysses S. Grant, Tổng Thống thứ 18 của Hoa Kỳ.
(http://en.wikipedia.org/wiki/ulysses_s._grant)
Tổng Thống Grant vốn sẵn mâu thuẫn với Pháp về vấn đề thuộc địa. Trong thời gian Hoa Kỳ có nội chiến (1861 – 1865), chính Hoàng Đế Nã Phá Luân Đệ Tam đã tích cực ủng hộ phe Liên Minh ở Miền Nam, chống lại phe Liên Bang ở Miền Bắc của tướng Grant. Năm 1862, quân đội viễn chinh Pháp đổ bộ lên Mễ Tây Cơ, một quốc gia độc lập từ năm 1823 được Hoa Kỳ công nhận, chiếm đóng nước này với ý định tạo một biên giới chung với phe Liên Minh, để có thể viện trợ cho nhau hữu hiệu hơn. Nhưng phe Miền Nam vẫn thất bại và cuộc chiến kết thúc. Hoa Kỳ dựa vào chủ thuyết Monroe, yêu cầu chính phủ Pháp phải triệt thoái quân đội ra khỏi Mễ. Nã Phá Luân đành phải chấp nhận.
Giờ đây, người anh hùng của cuộc nội chiến, Tướng Grant, đã trở thành vị Tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ, đắc cử cả hai nhiệm kỳ (1869 – 1877), và đảng Cộng Hoà đang chiếm ưu thế tại lưỡng viện. Xã hội Hoa Kỳ đã tạm ổn định thời kỳ hậu chiến, muốn nhân cơ hội này bành trướng ảnh hưởng ở vùng Viễn Đông để cạnh tranh với các nước Châu Âu, và để trả đũa Pháp tại Việt Nam. Nhờ thế, lời yêu cầu giúp đỡ Việt Nam của Bùi Viện, được Tổng Thống Grant chấp thuận ngay, nhưng vì không có quốc thư nên ông chưa thể bàn cụ thể đến việc thực hiện.
Bùi Viện lòng mừng khấp khởi, cáo biệt người bạn Mỹ mới quen, vội vã rời Hoa Thịnh Đốn bằng tàu thủy trở lại Hương Cảng, rồi thuê thuyền buồm về cửa Thuận An. Tới kinh đô, ông liền đem sự việc trọng đại này trình bày trước triều đình.
3 – Hai quan điểm đối nghịch trong triều đình Nhà Nguyễn:
Triều đình ta bấy giờ có hai phe: chủ hoà và chủ chiến. Đứng đầu phe chủ hoà là Trần Tiễn Thành (陳 踐 誠; 1813 – 1883). Phe này cho rằng nước ta gặp lúc suy là do “khí vận” xui nên, dù cho cố gắng vượt thoát cũng chẳng được nào. Phe chủ chiến kịch liệt đả kích luận điệu cầu an chủ bại ấy, qua bài Trùng Họa Đồng Hiên Hoà Hộ Bộ Nguyên Vận (重 和 桐 軒 和 戶 部 原 韻, dịch là: Lại họa thơ ông Đồng Hiên và ông bộ Hộ) của Trần Văn Gia (1836 – 1892), trong thi tập Gián Viện Xướng Thù:
Mưu ngô quốc thổ cuống ngô hoà,
謀 吾 國 土 誑 吾 和,
Đắc thử xâm xâm hựu cố tha.
得 此 侵 侵 又 顧 他。
Quốc thị cẩu đồ vi “khí vận”
國 是 苟 圖 為 氣 運
Thiên thư vị tất hạn sơn hà.
天 書 未 必 限 山 河。
Quyên sinh hữu nghĩa hề lô tửu,
捐 生 有 義 奚 臚 酒,
Cộng tế vô nhân mạc độc ca.
共 濟 無 人 莫 獨 歌。
Bất kiến Tống đình trung khí hiệp,
不 見 宋 廷 忠 氣 協,
Khiết Đan tuy kiệt mạc thùy hà.
契 丹 雖 傑 莫 誰 何。
Việt Thao dịch:
Cướp đất ta rồi lại dối hoà,
Chiếm xong lại muốn lấn dần ra.
Đặt điều “khí vận” an bài số,
Chẳng kể sách trời định nước ta.
Vì nghĩa quên mình đâu thiết rượu
Không người chí hướng chớ nên ca.
Tống triều ai nấy cùng chung sức
Quân Khiết dù hăng mấy cũng tà.
Nhưng phe chủ chiến vẫn lép vế vì Tôn Thất Thuyết (尊室説; 1835 – 1913) lúc ấy còn là một võ quan đang ở Bắc, chưa được dự vào việc triều chính. Hơn nữa, triều đình nhà Nguyễn lâu nay chỉ chuộng văn, ít người hiểu biết về tình hình thế giới, và chính sách ngoại giao của từng nước. Lại gặp phải kinh nghiệm đắng cay trong cuộc bang giao với Pháp, nên tuy Nguyễn Xuân Ôn (阮 春 溫; 1825 – 1889) đứng về phe chủ chiến, nhưng qua loạt bài Thuật Hoài cũng nói lên bài học ngoại giao đầy xương máu ấy:
Bích khả họa long cùng nhĩ xảo,
Tỉnh tương thoát hổ ký thùy lân.
Si tâm dục đắc Dương nhân thuật,
Bất liệu Dương nhân thị địch nhân.
(Thuật Hoài, Bài 4, đoạn cuối)
Nguyễn Văn Bách dịch:
Rồng nọ vẽ tường dù tuyệt khéo,
Hùm kia sa cạm đợi ai lên.
Ngây thơ tưởng được người Tây dạy,
Đâu biết người Tây dạ bạc đen.
Với thành kiến ấy, quan lại triều đình ta chủ trương đừng ham chuộng canh tân cải cách, phải tránh mọi sự bang giao để khỏi hối tiếc việc rước họa vào thân. Nguyễn Xuân Ôn lý luận rằng:
Đại huyện trí tăng bi Giả Nghị,
Trung nguyên bị phát quý Di Ngô.
Trần, Lê tự cổ hưng bình quốc,
Tằng hướng Dương nhân học kỹ vô?
(Thuật Hoài, Bài 1, đoạn cuối)
Nguyễn Đức Vân, Hà Văn Đại dịch:
Đại huyện khuất mình buồn Giả Nghị,
Trung Nguyên hóa mọi thẹn Di Ngô.
Trần, Lê từ trước đời hưng thịnh,
Kỹ thuật nào ai học Pháp đâu?
Vì lỡ “đạp phải vỏ dưa, thấy vỏ dừa cũng sợ.” Với ấn tượng ấy, họ không thể nào tin được những lời tường trình của Bùi Viện về sự hứa giúp đỡ của chính phủ Mỹ. Nhóm đình thần thủ cựu nhất mực cho rằng Bùi Viện đã đặt điều lừa dối vua, hoặc dẫu có thật chăng nữa cũng không nên mạo hiểm. Ngoài ra, còn một số người khác ganh ghét thấy vai trò quá lớn của Bùi Viện nên cũng hùa theo bài bác. Nhưng trước tình thế rất cấp bách, vua Tự Đức không còn cách nào hơn, đành phải ban chức Khâm sai Đại thần, lập quốc thư và cử sứ bộ, giao cho Bùi Viện cầm đầu với tư cách là Đặc sứ Toàn quyền.
4 – Bùi Viện, chuyến đi chính thức đến Hoa Kỳ:
Nắm được quốc thư trong tay, Bùi Viện mừng rỡ quên cả sự gian lao trong cuộc viễn hành sắp tới. Nhưng thật không may, tình hình thế giới lúc ấy biến chuyển bất lợi cho Việt Nam. Hoa kỳ đã thay đổi chính sách, vì Pháp khôn khéo biết nhượng bộ Hoa Kỳ nhiều quyền lợi về thuộc địa. Phần thấy Pháp đã ổn định ở các nước Đông Dương, phần vì đường sá xa xôi, Hoa Kỳ ngại phiêu lưu, nên lần này tuy Tổng thống Grant vẫn tiếp kiến sứ bộ ta, nhưng nêu đủ lý do để từ chối viện trợ cho Việt Nam chống Pháp.
Bùi Viện trở về tổ quốc với tay không. Khi tàu thủy cặp bến Hoành Tân (Yokohama, Nhật Bản), trời đã cuối thu, khác với hai mùa thu trước tràn đầy hy vọng, lần này Bùi Viện lòng buồn vô hạn. Trong khi thơ thẩn ở công viên Hoành Tân, Bùi Viện tình cờ gặp lại viên Lãnh sự Mỹ ở Hương Cảng. Hai người vào một khách sạn hàn huyên. Viên Lãnh sự cố lưu Bùi Viện ở lại Nhật để tìm phương giúp đỡ Việt Nam, nhưng ông phải vội vã trở về để trình tâu lên vua, không dám bê trễ.
Trước khi từ giã, Bùi Viện trao bài Tặng Biệt (贈 別) cho viên Lãnh sự [7]:
Ly chước Hoành Tân cửu nguyệt thu
驪 酌 橫 濱 九 月 秋,
Nam vân hồi thủ chính du du!
南 雲 回 首 正 悠 悠
Ba đào mộng tỉnh sinh tân hứng
波 濤 夢 惺 生 新 興
Thủy thổ hoài thâm ức cựu du
水 土 懷 深 憶 舊 遊。
Ca vũ tằng đài Kim Hải Quốc
歌 舞 層臺 今 海 國,
Phồn hoa nhân vật cổ Bồng Châu
繁 花 人 物 古 篷 洲。
Vi hoan tự tích hoàn vi biệt
爲 歡 自 惜 還 爲 別,
Tiên lữ hà niên cộng phiếm chu.
仙 侶 何 年 共 泛 舟。
Lam Giang dịch:
Cuộc vui chuốc chén Hoành Tân,
Mây Nam ngoảnh lại tần ngần xót xa.
Mộng hồn tỉnh giấc phong ba,
Cuộc vui còn nhớ tiệc hoa năm nào.
Đài Kim ca vũ xôn xao,
Phồn Hoa nhân vật khác nào Bồng Châu.
Vui rồi ly biệt càng đau,
Bạn tiên ước thuở cùng nhau dạo thuyền.
Viên Lãnh sự Mỹ họa lại:
Hoành kiều liễu sắc tiệm ly thu,
橫 橋 柳 色 漸 離 秋,
Ốc thủ phân trình vạn lý du.
握 手 分 程 萬 里 悠。
Cựu ước Hoa thành ưng viễn phóng,
舊 約 花 城 應 遠 訪,
Kỳ phùng Tiên đảo cánh huề du.
奇 逢 仙 島 更 攜 遊。
Nguyệt lương khách ý phi tam nhật,
月 梁 客 意 非 三 日,
Hồ hải quân tâm hữu tứ châu.
湖 海 君 心 有 四 州。
Liệu tưởng minh triêu tương biệt xứ
料 想 明 朝 相 別 處,
Trùng dương vân thủy các cô chu.
重 洋 雲 水 各 孤 舟。
Lam Giang dịch:
Cầu Hoành sắc liễu buồn thu
Cầm tay chia biệt viễn du ngàn trùng.
Thành Hoa ước cũ tương phùng,
Đảo Tiên dạo bước ta cùng nắm tay.
Sáng trăng ý khách ba ngày
Lòng nào hồ hải xa bay bốn trời.
Mai này thương nhớ chơi vơi,
Giong thuyền đôi ngả ra khơi một mình.
Cả hai bài xướng, họa đều chân thành bày tỏ tấm lòng tương tri, lời lẽ thắm thiết giữa đôi bạn tâm giao Việt Mỹ, đồng nói lên được ý chính của sứ mệnh chính trị.
Về đến Cửa Hàn (Đà Nẵng), khi lên đất liền, Bùi Viện mới hay tin mẹ mất. Quá đau xót cho tình nhà nỗi nước, ông làm bài Văn Tế Mẹ rất thống thiết, có đoạn:
“Ngày xuất cáo chưa kịp lời thưa nói, những là tưởng dưới nhà trên nước, khắc xương chép dạ, biết đâu mà gửi lại can tràng;
“Bước viễn du không kịp tính gần xa, những là toan lấy hiếu làm trung, nhắm mắt đưa chân, phần nào có tưởng đâu vui tẻ.
“Lìa nhà lìa cửa, chiếc gánh quan san;
“Một nước một trời, mảnh buồm thu thủy.
“Phần e đường sá còn xa;
“Phần sợ bóng dâu đã xế…” [8]
5 – Bùi Viện và thái độ cảm thông của vua Tự Đức:
Bùi Viện vội vã ra Huế tâu vua cả hai việc không may. Lại một lần nữa, ông bị phe chủ hòa chỉ trích. Nhưng Tự Đức thấu hiểu tấm lòng yêu nước nhiệt thành và nỗi khó khăn về ngoại giao, nên khi ông xin về thọ tang mẹ, vua phê: “Trẫm ư tử, vị hữu thân ân nghĩa, tử nãi dĩ quốc an, nãi bảo gia an, thâm đồ viễn lự, quỷ thần đương diệc giám chi.” (Trẫm đối với ngươi chưa có ân nghĩa gì, mà ngươi đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi lo lắng, quỷ thần tất cũng biết vậy – Phan Trần Chúc dịch).
H 6: Tự Đức (1848 – 1883), vị vua Việt Nam đầu tiên
gửi quốc thư cho Tổng Thống Ulysses Grant (Hoa Kỳ)
vào năm 1873, yêu cầu viện trợ chống Pháp.
Trước tình thế khẩn cấp, đất nước đang cần những con người thức thời và quả cảm như Bùi Viện, nên đáng lẽ được ở nhà để cư tang ba năm thì chỉ mới ba tháng ông đã có thánh chỉ triệu vào kinh giữ chức Thương chánh Tham biện, sau chuyển lãnh Chánh Quản đốc Nha Tuần tải, một chức tương tự như Tổng trưởng bộ Hải quan kiêm Hàng hải và Thương mại.
Việc tiếp xúc giữa nước ta và Hoa Kỳ lại một lần nữa tạm dừng. Sau đó chẳng bao lâu, vị cha đẻ của nền bang giao Việt Mỹ đột ngột qua đời. Ngày 1 tháng 11 năm Mậu Dần (1878), Bùi Viện mất, hưởng dương 37 tuổi, để lại một sự nghiệp dang dở và bao nỗi thương tiếc của bạn đồng song, đồng liêu, đồng chí qua các câu đối điếu của:
* Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản
Tha sinh hoặc vị vong gia quốc;
他 生 或 未 忘 家國;
Tráng chí không lân phó hải sơn.
壯 志 空 憐 付 海 山。
Phan Trần Chúc dịch
Kiếp sau chưa dứt niềm nhà nước;
Chí lớn đành đem gửi biển non.
* Phó bảng Bùi Văn Dị
Thôn thanh do thảo đăng tiền sớ;
吞 聲 猶 草 燈 前 䟽;
Tế chí nan thù hải ngoại du.
濟 志 難 酬 海 外 遊。
Phan Trần Chúc dịch
Thoi thóp sớ dâng còn để lại;
Vẫy vùng chí lớn vội đem đi.
* Hộ bộ Thượng thư Nguyễn Văn Tường
Hiệp sơn siêu hải tri thùy kiện;
挾 山 超 海 知 誰 健;
Ái quốc tư gia chỉ tự bi.
愛 國 思 家 只 自 悲。
Việt Thao dịch
Dồn non vượt biển nào ai mạnh;
Yêu nước thương nhà chỉ tự đau.
* Tiến sĩ Vân Đình Dương Lâm
Danh vi thân lụy thường như thử;
名 爲 身 累 常 如 此;
Sự dữ tâm vi khả nại hà!
事 與 心 爲 可 奈 何。
Phan Trần Chúc dịch
Danh để lụy người, thường vẫn thế;
Việc không theo bụng, biết làm sao!
* Tam nguyên Yên Đỗ
Vi sở bất năng vi, đàm tiếu không lưu hoành hải khí;
爲 所 不 能 爲, 談 笑 空 留 橫 海 氣;
Cố bất thất vi cố, cầm thư khước ức thiếu niên du.
故 不 失 爲 故, 琴 書 卻 憶 少 年 遊。
Phan Trần Chúc dịch
Làm việc chẳng ai làm, dọc đất ngang trời trơ chí lớn;
Cũ người là bạn cũ, ôm đàn mở sách nhớ tình xưa!
* Sau cùng là câu đối điếu của Hoàng Trí Tường và Nguyễn Duy Thanh, đã tóm lược chí lớn và sự nghiệp của Bùi Viện qua câu:
Phả tri kiến thức ưu siêu, Tây tắc Pháp nhân tùng,
Bắc tắc Thanh nhân tủng, thiên cổ tài danh ưng bất quý;
頗 知 見 識 優 超, 西 則 法 人 從,
北 則 清 人 聳, 天 古 才 名 應 不 愧;
Khả hám anh hùng tâm sự, hạ nhi Lê công bi,
đông nhi Bùi công khốc, nhất thời nghĩa khí hướng tùy luân?
可 憾 英 雄 心 事, 下 而 黎 公 悲,
東 而 裴 公 哭, 一 時 義 氣 向 誰 論。
Phan Trần Chúc dịch:
Cho hay kiến thức ưu siêu, phương Tây người Pháp nể,
phương Bắc người Tàu theo, so bậc tài danh không thẹn kẻ;
Ngán nỗi anh hùng mai một, mùa hạ ông Lê về,
mùa đông ông Bùi mất, bàn câu nghĩa khí biết cùng ai?
IV – LỜI KẾT
Bùi Viện là một nhà nho, một lý thuyết gia cấp tiến, một nhà quân sự tài ba (chỉnh đốn hải quân). Nhưng trên hết, ông là nhà ngoại giao lỗi lạc, quả cảm với nhiều sáng kiến.
Trong Lịch sử Bang giao Việt Mỹ dưới thời nhà Nguyễn, có hai cột mốc lớn: Về phía Mỹ, năm 1832 có Edmund Robert, Đặc sứ của Tổng Thống Andrew Jackson, đến Việt Nam dâng quốc thư lên vua Minh Mạng. Về phía Việt Nam, năm 1873 có Bùi Viện, Đặc sứ Toàn quyền của vua Tự Đức. Ông là người Việt Nam đầu tiên công du Hoa Kỳ, được Tổng Thống Ulysses Grant tiếp hai lần tại thủ đô, có dâng quốc thư và bàn việc viện trợ.
San Jose, ngày 02- 01- 1997
Bổ chính lần 3: 18- 11- 2009
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
[1] Phạm Văn Sơn; Việt Sử Tân Biên, Quyển III (Sài Gòn, tác giả xuất bản, 1959); trang 133 – 135.
[2] Bức quốc thư của Andrew Jackson, Tổng Thống thứ 7 của Hoa Kỳ (1829 – 1837), do đặc sứ Edmund Robert đệ trình lên vua Minh Mạng năm 1832. Sao chụp từ Việt Sử Tân Biên, của Phạm Văn Sơn, Quyển 4.
[3] Tân Đảng: Tên gọi chung những người đầy tâm huyết với đất nước, có tầm nhìn xa hiểu rộng, với quan niệm thức thời, muốn đổi mới để nước nhà thoát khỏi tình trạng lạc hậu. Họ là nhà khoa bảng, danh sĩ, chí sĩ, lương có, giáo có, xuất ngoại có, quan chức có. Tuy không thành lập đảng, nhưng họ cùng có chung quan điểm canh tân cho dân giàu nước mạnh, đủ sức ngăn cản làn sóng xâm lăng lúc bấy giờ của thực dân từ Tây Phương nói chung và Pháp nói riêng. Giá như những bản điều trần của nhóm Tân Đảng được triều đình nhà Nguyễn quan tâm, nghiên cứu, chọn lọc, tổng hợp và thực hiện đúng mức thì lịch sử nước ta thay đổi rất nhiều. Những người thuộc nhóm Tân Đảng, điển hình có:
a/ Bạch Đông Ôn (白 冬 温; 1811 – 1881), danh sĩ đời Minh Mạng và Tự Đức, người xã Lạc Trường, tổng Phù Đạm, huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; nay là thôn Lạc Tràng, xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Năm 1834, khoa Giáp Ngọ, ông đỗ Cử nhân (3/23) tại Trường thi Hà Nội. Năm sau, khoa Ất Mùi, trúng Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, tức Hoàng giáp (3/11), làm quan đến chức Lang trung, rồi về hưu, sống đời thanh đạm.
Trước họa Pháp xâm lăng mỗi ngày một tăng, ông đứng trong hàng ngũ nhóm sĩ phu có tư tưởng tiến bộ canh tân cứu quốc. Nguyễn Tư Giản và nhóm Tân Đảng rất quý trọng phẩm cách và kiến thức của ông, ví ông như Đào Tĩnh Tiết tức Đào Tiềm (Tao Qian).
b/ Bùi Viện (裴 援; 1839 – 1878), danh sĩ đời Tự Đức, hiệu Mạnh Dực, người làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định (Chân Định), phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định; nay thuộc thôn Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông đỗ Tú tài năm 1864; đến năm 1868, khoa Mậu Thìn (Tự Đức thứ 21), đỗ Cử nhân (17/22), tại trường thi Nam Định. Năm 1871, ông theo giúp Lê Tuấn, Tham tri Bộ Lễ, dẹp xong loạn Cờ Đen, Cờ Vàng khuấy rối ở Miền Bắc. Tiếp đến, ông được Doãn Khuê, Doanh điền sứ Nam Định mời giúp việc khai hoang lấn biển và mở mang bến Ninh Hải tức cửa bể Hải Phòng ngày nay. Công việc hoàn tất, ông lại đảm nhận trách vụ dẹp loạn Quảng Văn Tế ở Quảng Yên.
Với lòng yêu nước thiết tha, ông cùng nhóm sĩ phu cấp tiến Tân Đảng chủ trương thỉnh cầu Triều đình nên duy tân cải cách về mặt đối ngoại, chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế để nước nhà đủ mạnh, thoát khỏi làn sóng tìm thuộc địa của Tây Phương.
c/ Đặng Đức Tuấn (鄧 德 俊; 1806 – 1874), danh sĩ đời Tự Đức. Ông theo đạo Thiên Chúa, học rộng, hiểu biết nhiều tình hình thế giới và hiện tình đất nước. Với lòng yêu nước thiết thực, ông đã dâng biểu lên triều đình, có 3 điểm lớn: Xin dung nạp giáo dân. Khuyến khích xuất dương du học để đủ nhân tài trong việc canh tân đất nước. Mua đạn dược và vũ khí của người Anh ở Hương Cảng, trang bị quân đội đủ sức bảo vệ đất nước trước họa xâm lăng của Pháp.
d/ Đinh Văn Điền (丁 文 田), nhân sĩ đời Tự Đức, không rõ năm sinh và năm mất, quê quán ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, theo đạo Thiên Chúa. Ông là bậc ưu thời mẫn thế, xót xa trước cảnh đất nước một ngày một mất về tay ngoại bang. Tháng 11 năm 1868, ông làm sớ mật dâng lên vua Tư Đức đề nghị những việc cần làm, điển hình như: đặt Nha Doanh điền, lập Ty Bình chuẩn, khai mỏ vàng, đóng tàu thủy, nhờ người Tây Phương và người Anh giúp đỡ chống Pháp, tự do dạy và học binh thư binh pháp, tăng lương binh sĩ, dành nhiều thì giờ tập luyện quân đội, thăng chức và hậu thưởng quân nhân lập chiến công, cấp dưỡng suốt đời cho thương bệnh binh, nâng đỡ gia đình tử sĩ.
đ/ Hoàng Phan Thái (黃 潘 泰; 1819 – 1865), chí sĩ đời Tự Đức, hiệu Đại Hưu, quán làng Cổ Đan, xã Đông Hải, tổng Đặng Xá, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang, tỉnh Nghệ An; nay là xã Nghi Hải, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, thi đỗ đầu xứ, người đương thời gọi là Đầu Xứ Thái. Ông đề xuất lập Tân Đảng, chủ trương duy tân, xưng là Đông Hải Đại Tướng Quân. Việc làm của ông, triều đình cho là đại nghịch nên bị giết năm 1865.
Phan Bội Châu, lúc hoạt động ở Tàu, viết liệt truyện Hoàng Phan Thái, đã nêu cao nhân vật lỗi lạc qua câu: “Cách mạng khai sơn chi tổ.”
e/ Nguyễn Tư Giản (阮 思 僩; 1822 – 1890), danh sĩ triều Nguyễn, tự là Tuân Thúc và Hi Bật, hiệu Vân Lộc và Thạch Nông. Nguyên ông tên là Nguyễn Văn Phú (阮 文 富), cải danh Nguyễn Địch Giản; theo Cao Xuân Dục, Quốc Triều Đăng Khoa Lục: sau được vua phê bút son đổi tên là Tư Giản. Ông thuộc dòng dõi danh gia khoa bảng, quán làng Du Lâm, tổng Hội Phủ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Năm 1843, khoa Quý Mão, ông đỗ Cử nhân (5/21), tại Trường thi Hà Nội. Năm sau, khoa Giáp Thìn, ông đỗ Hoàng Giáp (2/10) lúc 22 tuổi, sơ bổ Hàn Lâm viện, làm quan thăng trầm nhiều lúc nhưng cũng đến chức Thượng thư bộ Lại sung Cơ Mật viện đại thần (1875), rồi lại bị cách lần nữa làm Sơn Phòng sứ ở Chương Mỹ (Hà Tây). Năm 1880, về kinh làm ở Viện Hàn lâm, năm sau từ quan về hưu. Ông có bản Hà Phòng Tấu Nghị, với hoài bão lo cho dân giàu nước mạnh, cùng chí hướng với nhóm sĩ phu cấp tiến như Bùi Viện, Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Tường Tộ… dâng nhiều bản điều trần lên triều đình xin duy tân cải cách.
g/ Nguyễn Trường Tộ (阮 長 祚; 1830 – 1871) là bậc chí sĩ, danh sĩ, kiến trúc sư. Ông sinh trưởng trong một gia đình Thiên Chúa giáo nhiều đời, quê ở làng Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1855, ông dạy chữ Nho ở nhà thờ Tân Ấp. Năm 1858, ông được Giám Mục Gauthier (tức Ngô Gia Hậu) đưa sang Pháp, có ghé La Mã yết kiến Đức Giáo Hoàng. Ba năm sau, ông về nước, được Pháp trọng dụng, nhưng ông từ chối không nhận chức tước gì. Trong thời gian ở ẩn tại quê nhà, ông lần lượt gửi nhiều bản điều trần có giá trị và thực dụng lên vua Tự Đức. Đề nghị cải cách mọi mặt như chính trị, giáo dục, khoa học, kinh tế, ngoại giao, nông nghiệp, quốc phòng, quân sự, thương nghiệp, văn hóa. Từ tháng 3 năm 1863 đến tháng 11 năm 1871, ông viết cả thảy 43 bản tấu trình, tiêu biểu như: Thiên Hạ Đại Thế Luận tức Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ (1863); Dụ Tài Tế Cấp Bẩm Từ tức Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh (1964); Khai Hoang Từ tức Kế hoạch khai thác tài nguyên đất nước (1866); Tế Cấp Bát Điều tức Tám việc cần làm (1867); Việc lập sứ quán, cử phái bộ (1868); Việc gửi người sang Pháp học (1868); Kế Hoạch Thu Hồi Lục Tỉnh (1871); Tu Chỉnh Võ Bị tức Việc chỉnh đốn quân đội và quốc phòng (1871).
[4] Vũ DuyTuân (武 維 洵; 1840 – ?), người làng Lạc Tràng, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nội; nay là thôn Lạc Tràng, xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Năm 1867, khoa Đinh Mão, ông đỗ Cử nhân (9/26), tại Trường thi Hà Nội. Năm sau, khoa Mậu Thìn, trúng Hội nguyên, nhưng khi vào thi Đình có bài văn sách (theo Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho, trang 229, 230) phần kim văn hỏi về thời sự: “Quân xâm lăng hiện nay càng ngày càng thêm gây hấn, đồn lũy khắp dân gian, vậy nên đánh hay nên hòa?”
– Vũ Duy Tuân luận theo thế công, có câu: “Triều đình ủng bách vạn chi tinh binh, kiến nghĩa bất vi vô dụng dã.” (朝 廷 擁 百 萬 之 精 兵, 見 義 不 為 無 勇 也). Việt Thao dịch: Triều đình có sẵn trăm vạn quân tinh nhuệ, nhưng thấy việc hợp với lẽ phải mà không làm, thì thật là không dùng được vào việc gì vậy.
– Vua Tự Đức châu phê: “Kim nhật thỉnh chiến, minh nhật thỉnh chiến; chiến nhi bất thắng, tương trí trẫm ư hà địa?” (今 日 請 戰,明 日 請 戰; 戰 而 不 勝, 將 置 朕 於 何 地). Việt Thao dịch: Nay đòi đánh, mai đòi đánh; đánh mà không thắng, thì sẽ đặt để trẫm ở chốn nào?
Bài luận văn không hợp ý nhà vua, nên họ Vũ bị liệt vào hàng Phó bảng (1/12) thay vì đáng đỗ từ Tiến sĩ trở lên.
[5, 6, 8] Phan Trần Chúc; Bùi Viện Với Chính Phủ Mỹ (Paris, nxb Đông Nam Á, 1985); trang 44, 43, 69.
[7] Tài liệu của Lam Giang Nguyễn Quang Trứ.
Tài liệu tham khảo
01/ BẢO VÂN (sưu tầm và biên soạn lại); Bùi Viện Một Nhà Nho Sáng Suốt – Lỗi Lạc – Phi Thường; Toronto Ontario (Canada), nxb Quê Hương, 1988.
02/ FRANCK L. SCHOELL; Lịch Sử Hoa Kỳ; Glendale (CA), nxb Đại Nam, không đề năm.
03/ NGÔ ĐỨC THỌ; Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam; Hà Nội, nxb Văn Học, 1993.
04/ NGUYỄN ĐỨC VÂN – HÀ VĂN ĐẠI; Thơ Văn Nguyễn Xuân Ôn, in lần thứ 2; Hà Nội, nxb Văn Học, 1977.
05/ NGUYỄN Q. THẮNG và NGUYỄN BÁ THẾ; Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam; Sài Gòn, nxb Khoa Học Xã Hội, 1992.
06/ NGUYỄN VĂN HUYỀN chủ biên; Văn Học Yêu Nước Và Cách Mạng Hà Nam Ninh, Tập 1; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1981.
07/ PHẠM VĂN SƠN; Quân Dân Việt Nam Chống Tây Xâm (1847 – 1945), Quân Sử III; Sài Gòn, Bộ Tổng Tham Mưu xuất bản và phổ biến, 1971; Glendale (CA), Cơ sở Đại Nam tái bản, 1983.
08/ PHẠM VĂN SƠN; Việt Sử Tân Biên, Quyển III và IV; Sài Gòn, Tác giả xuất bản, 1959 và 1961.
09/ PHAN TRẦN CHÚC; Bùi Viện Với Chính Phủ Mỹ; Paris, nxb Đông Nam Á, 1985.
10/ TRẦN TRỌNG KIM; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ bảy; Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964.
11/ TRƯƠNG BÁ CẦN; Nguyễn Tường Tộ Con Người Và Di Thảo; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1988.
12/ VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM; Tên Làng Xã Việt Nam Đầu Thế Kỷ XIX; Dương Thị The – Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1981.