Nguyễn Du: Nghệ thuật dụng ngữ
so với các tác giả Âu Mỹ
Xuân Bích
Nói đến đại thi hào Nguyễn Du người ta nghĩ ngay đến Đoạn Trường Tân Thanh, nói nôm na là Truyện Kiều. Một thi phẩm trường thiên chứa đựng nhiều tình tiết éo le, đầy nước mắt, bao gồm một nội dung phong phú: từ nhân sinh quan về một xã hội nhiễu nhương đến quan niệm về chữ hiếu, chữ tình, luật nhân quả, lẽ biến thiên, và hồng nhan bạc mệnh v.v.
Riêng về lãnh vực tình cảm hầu như không thiếu một nét nhỏ; đọc truyện Kiều ai cũng biết Thúy Kiều là nhân vật chính, vì tài hoa, nhan sắc nên vướng mọi tình huống, từ hạnh ngộ, kỳ ngộ, tái ngộ đến ê chề vì bị ghen tương, lừa gạt, từ sa cơ đến sa đọa, từ báo hiếu, đáp tình đến quyên sinh và được cứu thoát v.v., Thúy Kiều là tượng trưng cho một hỗn hợp tình, hiếu và số mệnh.
Nói đến truyện Kiều còn là nói đến thơ. Nguyễn Du hầu như đã đặt hết tâm huyết với sự hứng thú, cảm nhận cuộc sống đến cao độ để tạo nên một di sản văn học vĩ đại cho dân tộc. Nói đến nghệ thuật của ngòi bút Tiên Điền rất nhiều nhà phê bình đã cho là tuyệt vời cũng không ngoa lắm. Từ bố cục đến tả tình tả cảnh, và cách dụng ngữ phải nhận rằng ở vào thời kỳ đó (hậu bán thế kỷ thứ 18 và tiền bán thế kỷ thứ 19) mà Nguyễn Du đã viết như thế quả thực là một kỳ tài thiên bẩm của nhà thơ. Phê bình về truyện Kiều học giả Phạm Quỳnh đã nói “Truyện Kiều còn tiếng Việt còn, tiếng Việt còn nước Việt còn.” Tác giả Truyện Kiều là nhà thơ và có lẽ cũng vì thế mà có quan niệm nghiêng một một kết luận “chỉ có thơ mới là ngôn ngữ.” Ngôn ngữ chính là sắc thái đặc biệt và thiết yếu của một dân tộc.
Trong phạm vi thu hẹp và khả năng giới hạn, kẻ viết bài này chỉ xin mạo muội đề cập đến cách dụng ngữ của Nguyễn Du trong một khía cạnh nhỏ của vấn đề. Đọc Nguyễn Du người ta không thể không chú ý đến những điểm nổi bật ví như cú pháp, có gì gần giống với Tây Phương như trong câu:
“Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Sự đảo ngữ (inversion) ở đây đã làm cho câu thơ vừa mới mẻ vừa tăng cường độ diễn tả, nếu như chỉ viết “cành lê điểm trắng một vài bông hoa” thì câu thơ đã trở nên không có gì đáng nói. Đến như cách dùng chữ với nghĩa rộng (connotation) đã làm cho người đọc thích thú khi nghiền ngẫm những ý ngụ trong đó:
“Con oanh học nói trên cành mỉa mai”
tác giả đã muốn nói gì nếu không phải ngụ ý một sự éo le, cay đắng trớ trêu nào đó.Vấn đề ở đây là muốn nói đến chữ cành mà Nguyễn Du đã dùng để kết hợp với chữ mỉa mai trong đó chữ mai còn là một loại hoa. Lại nữa chẳng hạn trong câu:
“Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời”
đem ghép ý lại sẽ thành hình ảnh chữ tâm (心) trong từ vựng Hán Việt có nghĩa là “trái tim.” Phải chăng tác giả đã dùng hình ảnh thiên nhiên để nhắc đến Thúc Sinh (Thúc Kỳ Tâm). Cái hay ở đây còn thêm ý nghĩa liên hệ đến nỗi nhớ đặt trong khung cảnh thiên nhiên nói lên niềm man mác bao la và lâng lâng như trăng sao, trời mây.
Một khía cạnh độc đáo của vấn đề muốn đề cập ở đây là tên của các nhân vật đều hàm cùng ý nghĩa, một tư phong khác biệt. Ví như chữ Kiều khi nghe nói ai cũng mường tượng ra một nàng thiếu nữ yểu điệu, yêu kiều và mong manh dễ thương, không ai dùng chữ Kiều để nói đến một người có dáng dấp thô kệch. Chữ Kim (Kim Trọng) là vàng là sự quý giá như sách vở, chữ nghĩa của thánh hiền mà Kim Trọng là nhân vật điển hình của lớp người văn học, nho phong lịch lãm. Từ Hải đúng là mẫu người hùng, mà đã là người hùng thì thuộc về bốn bể. Từ đó có nên nghĩ rằng bể còn có liên hệ với dâu khi kết hợp lại thành bể dâu, nói đến nỗi thăng trầm của Từ Hải, một cuộc đổi thay đột biến của họ Từ khi bị chết đứng:
“Bó tay về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra sao?”
Nói đến Mã Giám Sinh, ai mà chẳng nghĩ đến câu “truất ngựa truy phong” mô tả đúng tác phong của anh chàng công tử chơi hoa rồi bỏ chạy:
“Về đây nước trước bẻ hoa”
Đến như Thúc Sinh thì lại hiển hiện một tay mê gái song lại mang khuôn mặt gà mái (henpecked) anh chàng sợ vợ. Đây chỉ là mường tượng ra theo quan niệm tướng số mà thôi chứ chẳng ai đã có dịp nhìn thấy chàng họ Thúc; ở đây muốn nói đến ý nghĩa chữ Thúc, phải chăng Tố Như tiên sinh có hàm ý là thúc thủ (bó tay). Nói đến Bạc Bà, chữ Bà ở đây hẳn có ý nói đến nghề nghiệp và không gì hơn là một phần của danh từ ghép Tú Bà. Ngược lại nghe đến hai chữ Giác Duyên, xã hội Việt Nam phần đông nặng về triết lý Phật Giáo và Giác Duyên là tiếng nhà Phật, không thể không là một chân tu đầy lòng từ bi. Sau nữa Vương gia, dòng họ của Thúy Kiều. Vương có ý nghĩa là vua song còn mang ý liên lụy, từ Vương Ông bị vạ oan dẫn đến Thúy Kiều vương víu cuộc đời:
“Đưa người cửa trước rước người cửa sau”
chỉ vì chữ hiếu. Đến như Thúy Vân được mô tả là ngây thơ, vô tư, cũng chỉ vì chữ tình (tình chị em) mà vương víu đến cuộc tình với chàng Kim.
Thông thường thì tình tiết trong câu truyện được diễn tiến qua vai trò cá nhân của từng nhân vật. Khi xưa vào thế kỷ 16, câu truyện tình lồng trong vở kịch của đại tác gia Anh quốc Shakespeare, “Romeo and Juliet.” Theo Susanna Greer Fein trong bài “Verona’s summer flower” thì tên Bá tước Paris (Count Paris) chữ Paris còn là tên loài cây cỏ có 4 lá, chỉ nở vào đầu mùa hạ và mau tàn, tượng trưng cho sự tàn phai của mối tình giữa chàng Bá tước này và Juliet; ngược lại Romeo điển hình cho loài cây Hương Thảo (herb rosemary) hoặc cho sự tưởng nhớ (remembrance) nói lên một tình yêu khắng khít giữa Romeo và Juliet. Shakespeare đã dựng nên hai nhân vật với tên của hai loài hoa mà đặc tính trái ngược nhau; một đàng là hoa mùa hạ, chỉ đem lại sự vui thú tạm bợ, một đàng biểu hiện tình yêu thương lý tưởng bền vững. Chính vì thế mà cái chết của Count Paris trong ngôi mồ của Juliet đã bị lãng quên mau chóng trong khi cái chết của Romeo cho tình yêu đích thực trở nên bất diệt.
William Shakespeare và Nguyễn Du, hai con người sống ở hai phương trời xa lạ, khác biệt mà trên một phương diện nào đó lại có những cú pháp giống nhau. Tuy nhiên điều đáng nói không phải ở điểm này mà là những nét tuyệt vời trong khía cạnh độc đáo của sự phát minh và cách mạng trong ngôn từ vào thời kỳ phôi thai của ngôn ngữ địa phương.
Với Shakespeare, thế kỷ 16, vốn liếng ngữ vựng vừa được sáng tạo tạm đủ, trong đó Shakespeare đóng một vai trò đáng kể; với Nguyễn Du, cũng là thời kỳ phôi thai của tiếng Việt mà từ ngữ đã được Tố Như Tiên Sinh khai thác tuyệt vời.
Có lẽ chính vì thế mà không những riêng trong lãnh vực văn chương mà ngay trong địa hạt nhân gian, nếu Tây phương khi nhắc đến Shakespeare ai cũng nghĩ ngay đến “Romeo and Juliet” hoặc ngược lại nói đến “Romeo and Juliet” ai cũng nhớ ngay đến Shakespeare. Cũng như chúng ta khi nói đến “Kim Vân Kiều” hay “Đoạn Trường Tân Thanh” mọi người dân Việt đều nhớ tới Nguyễn Du và ngược lại nói đến Nguyễn Du ta thường chỉ nhớ tới truyện Kiều vậy.