Ðôi Bạn
Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế
1.
Hè 1952
Saigon
Khu Ðakao
Hưng vọt ra khỏi nhà bằng cửa sau, vòng qua khoảng đất trống nằm phía sau ba căn phố, men theo hẻm nhỏ dọc bên hông căn phố số 50 và gặp ngay Long đang đứng đợi ở đó.
“Mầy cũng lẹ thiệt” Long nói nhỏ trong khi hai đứa cùng sánh vai bước đi ra đầu hẽm, “Tao đã hẹn thằng Bò và thằng Răng ở đằng xe nước đá của Chú Chiêu. Mầy có tiền không?”
“Tao chỉ có năm cắc thôi, đủ hông?” thằng Hưng trả lời, giọng hơi lo.
“Dư rồi, tao còn tới trên một đồng lận mà” Long trấn an bạn với một nụ cười tươi.
Vừa ra khỏi đầu hẽm, hai đứa suýt nữa đụng vào anh Thiệt đang quơ cây gậy trúc nhỏ và quẹo vào hẽm. Hai đứa vừa bước né sang một bên tránh anh Thiệt, vừa lúc Long cũng lên tiếng:
“Bửa nay về sớm quá vậy anh Thiệt, bán hết rồi hả ?”
“Thằng Long phải hông” anh Thiệt trả lời liền, “ừa, bửa tay tao hên quá, ừa, mà quên, cúng đình mà mậy, người ta đi đông quá, tao về rang thêm một mớ nữa để tối nay bán, tối nay chắc còn đông hơn nữa. Ủa, mà mầy đi với ai vậy, thằng Hưng phải hông? Tụi bây đi tắm sông bây giờ phải hông?”
” Phải, tui với thằng Hưng đây, mà anh đừng có nói cho ai nghe nha. Má thằng Hưng nghe được thì chết nó đó. Thôi tụi tui đi nghe anh Thiệt.”
Nói xong một hơi thằng Long kéo tay bạn đi nhanh về phía đầu đường Faucault ra hướng Ðakao. Thằng Hưng vừa lắc đầu vừa nói:
“Tao phục ảnh thiệt, hể về tới đầu hẽm là ảnh quẹo vô liền, không trật một lần.”
“Ừa, tao cũng hổng biết luôn, chắc ảnh đếm bước hay sao đó mầy.”
“Ðếm cái gì nổi, ảnh đi lung tung, bửa chổ nầy, bửa chổ kia.”
Anh Thiệt là một người đàn ông mù, tuổi cở chừng hai mươi mấy, sống tá túc trong nhà của thằng Răng, và sinh sống bằng nghề bán đậu phộng rang. Nghe nói ảnh có bà con sao đó với bà Năm, má thằng Răng, ở dưới quê Gò Công lên đây ở từ hơn ba năm nay. Ảnh bị mù ngay từ hồi sinh ra, cha mẹ chết hết, lại không có anh em chi cả, nên, trong một lần về thăm quê, bà Năm đã cho ảnh theo lên, cho ảnh tá túc đằng sau hè, và giúp ảnh một ít vốn để ảnh mưu sinh. Mổi sáng, anh Thiệt rang đậu phộng dằng sau hè căn phố 50, trong một cái chảo gang củ đặt trên một cái ông lò đất đỏ cũng củ mèm. Ðiều đặc biệt làm Hưng chú ý theo dõi là anh Thiệt rang đậu không có dùng dầu, mở gì cả như mẹ Hưng rang tép hay rang thịt, ảnh đổ cát vào trong chảo, khi cát đã nóng lên thì anh cho đậu vào và rang cho đến khi đậu chín đều thì anh đổ ra một cái tràng và rải cho cát rơi xuống sạch hết. Sau đó anh cho đậu vào bao giấy, cắt dán bằng hồ từ mấy tờ nhựt trình ra, làm thành những gói hình như cái quặng, rồi cho vào thùng thiết có nắp đậy lại.
Ðeo cái thùng thiết có quay bằng vải lên vai, đội thêm cái nón lá rách tả tơi lên đầu, anh Thiệt bọc vòng con hẽm nhỏ ra đường Faucault, có ngày anh đi về hướng Ðakao, mà cũng có hôm anh đi xuống phía Tân Ðịnh. Cứ bán hết thì anh về, ngày nào như ngày nấy, anh không bao giờ lạc đường. Anh lại rất ngoan đạo, ngày nào cũng vậy, dù đã bán hết hay còn đậu, anh đều đi lể năm giờ chiều ở Nhà thờ Tân Ðịnh. Riêng Chúa Nhật, thì anh luôn luôn đi lể sáng sớm lúc 6 giờ. Tối tối, bửa nào vui thì anh lại ca Vọng Cổ cho bọn trẻ con trong xóm nghe chơi. Hưng chưa hề thấy anh gây gổ với ai, trong xóm ai cũng thương anh, nhất là bọn trẻ con như Long và Hưng.
Ðến chổ xe nước đá của chú Chiêu thì Hưng và Long đã thấy thằng Bò và thằng Răng đợi ở đó rồi. Cả đám nhập bọn cùng đi ra đầu đường. Chúng quẹo trái đi về hướng Cầu Bông. Ðến trước rạp Casino Dakao, cả bọn dừng lại, đứng xem hai tấm pa-nô đặt hai bên trước cửa rạp lúc đó còn đóng kín bằng cửa sắt kéo. Tấm bên trái quảng cáo phim King Kong hiện đang chiếu, vẻ hình một con khỉ khổng lồ, một tay cầm một cô gái, tay kia thì đang đấm vào ngực. Tấm bên phải quảng cáo cho phim Colt 45, vẻ hình tài tử cao bồi Randolph Scott đang cầm khẩu ru-lô, đằng sau là hình cô đào khiêu gợi Ruth Roman. Rạp Casino Dakao chỉ chiếu mổi ngày một xuất vào bảy giờ tối, trừ ngày Chuá Nhật thì có thêm hai xuất mười giờ sáng và hai giờ trưa. Cả đám bàn tán một hồi về phim King Kong rồi kéo nhau tiếp tục đi. Khi băng qua đường Paul Bert để tiến lên dốc Cầu Bông thằng Bò chợt hỏi:
“Uả, mình hổng đi bằng ngỏ Xóm Vạn Chài hả Long?”
“Hông, kỳ nầy tao dẩn tụi bây đi ngỏ trại cưa Trần Pháp cho tụi bây biết thêm đường. Với lại sao mà mổi lần đi qua Xóm Vạn Chài, thấy tụi nó dòm mình lom lom, tao ớn quá trời.”
“Tại tụi nó thấy mình lạ mặt chớ có gì đâu,” Hưng xen vào, “tao thấy tụi nó cũng hiền mà.”
“Với lại phía Miểu Nổi có mấy cái xà lan, mình khỏi phải đạp xình khi xuống sông,” Long nói tiếp.
“Vậy hay quá, tao chịu lắm, tao sợ xình thấy mồ,” thằng Răng có vẻ khoái chí tử.
Ðến giữa cầu, cả bọn ngừng lại, dựa vào thành cầu đúc bằng bê tông, nhìn xuống sông. Nước sông lúc đó lên đã khá cao, che lấp hết hai bải xình, nhưng vẩn còn thấy các chân cột của các ngôi nhà sàn cất hai bên bờ. Gió thổi mát rượi. Nhìn sang phía tay trái, chúng thấy rõ một chiếc ghe chở cát đang đậu cập vào bải đất phía sau của vựa vật liệu xây cất ở đầu đường Paul Bert. Hai tấm ván dài bắt từ trên ghe đi xuống bải đất, một tấm để đi lên, một tấm để đi xuống. Những người gánh cát đều là đàn bà. Họ ăn mặc giống nhau, quần vải đen, áo thì có người mặc vải trắng có người mặc vải đen nhưng đều rất củ, đậu họ đội nón lá, trên vai ai cũng có vắt cái khăn rằng để thỉnh thoảng họ lau mồ hôi. Họ làm việc rất nhịp nhàng. Ðổ xong cát từ hai cái thúng vào chổ vựa cát thì họ quay lại đi lên ghe. Việc xúc cát cho vào thúng thì do hai người đàn ông làm. Họ ở trần trùng trục, chỉ mặc vỏn vẹn một cái quần xà lỏn đen. Ðứng xem một lúc bọn Hưng lại kéo nhau đi. Xuống khỏi dốc Cầu Bông chừng hơn trăm mét, bọn chúng quẹo vào một con đường đất khá rộng dẫn vào trại cưa Trần Pháp. Từ ngoài đường vào đến trại cưa chừng năm chục mét. Trại cưa Trần Pháp vào thời đó là trại cưa máy lớn nhất trong vùng, xe cộ ra vào khá nhiều, xe be chở súc vào, xe cam nhông chở ván đi. Vào gần đến bên trong bọn Hưng đã bắt đầu nghe tiếng máy cưa chạy rần rần, và mặt con lộ đã thấy phủ một lớp mạt cưa đỏ au. Toàn bộ trại cưa có mái tôn cao, nên khi tiến vào bên trong Hưng đột nhiên thấy mát liền. Mấy người thợ vẩn chăm chú làm việc, không để ý gì tới bọn Hưng cả, vì chủ trại cưa vẩn để cho những người sống trong khu Miểu Nổi, ngay phía sau trại cưa, mà một số làm công nhân cho trại cưa, sử dụng con đường nầy để ra vào. Bọn Hưng, do Long dẩn đầu, đi nhanh qua khu vực có máy cưa đang chạy, bọc vòng sang phía tay trái, ra khỏi phần trại cưa có mái che, tiến vào một con lộ đất nhỏ dẩn xuống bờ sông.
“Mấy chiếc xà lan đó, tụi bây thấy chưa?” Long vừa nói vừa chỉ tay về phía bên trái, “mình lên đó đi.”
“Mầy chắc không có ai chớ,” thằng Bò hơi ngần ngại, “rủi người ta không cho mình lên thì sao?”
“Mầy đừng có lo”, Long vội trấn an bạn, “tao lên đó mấy lần rồi, với tụi thằng Giắc Cô, hổng có sao đâu.”
Cả bọn nghe Long nói chắc ăn vậy nên không còn do dự nữa. Tới gần Hưng mới thấy mấy chiếc xà lan lớn thiệt, nhưng chắc bị bỏ hoang từ lâu nên bị sét hết trơn. Tất cả có bốn cái, đậu cặp đôi, bọn Long leo lên chiếc gần nhất, rồi chuyển qua chiếc đậu cập phía ngoài. Hưng tiến ra sát cạnh ngoài của chiếc xà lan thứ nhì và thấy mình đã ở gần giữa sông rồi. Nó đưa mắt nhìn trở vô bờ, bên phải là trại cưa, bên trái là Miểu Nổi nằm trên một cù lao nhỏ, cách trại cưa không xa lắm. Miểu Nổi là một ngôi đền nhỏ, thờ một vị Thánh Mẫu, dân chúng trong vùng gọi nôm na là Bà, và tin là Bà rất linh, vì thế ngôi miểu nhỏ lúc nào cũng có nhang khói. Hưng tự nhiên thấy hơi sợ, nhưng không dám để lộ ra, sợ bạn cười.
“Cổi đồ đi, mầy còn chờ gì nữa Hưng?” tiếng Long gọi làm Hưng giựt mình. Nó nói nhanh để che dấu cái cảm xúc sợ sệt vừa thoáng qua:
“Ờ, tao cởi đây, nhưng cất đâu bây giờ, tao thấy ông chắc sắp mưa đó.”
“Mầy nhét nó ở đằng đầu nầy nè,” Long vừa cởi áo vừa chỉ tay vào cái bệ nằm bên trong vách xà lan, “khỏi sợ mưa ướt.”
Thoáng chốc, bốn đứa đều đã mình trần, chỉ còn cái quần xà lỏn. Thằng Long phóng xuống sông cái rầm, nước văng lên gần lọt vô xà lan.
“Có lạnh lắm hông Long?” Hưng vừa xếp cái áo lại nhét vô dưới cái bệ vừa hỏi.
“Hổng có đâu, nước ấm lắm,” Long vừa trả lời Hưng vừa lội ra xa, “nhảy xuống đi“.
Hưng leo lên thành xà lan, lấy hai ngón tay cái và trỏ của bàn tay mặt kẹp chặt hai lổ mủi lại rồi nhảy đứng xuống sông. Nó nghe mát cả thân người, một cảm giác sảng khoái kỳ lạ, nó đột nhiên thấy người nó nhẹ đi và từ từ nổi lên, bàn tay nó đã lấy ra khỏi mủi hồi nào nó không hay. Vừa trồi đầu lên khỏi mặt nước, nó đưa tay vẩy về phía Long:
“Ðả quá! Mát quá”, vừa nói xong Hưng bị nước văng tùm lum vào mặt vì ngay lúc đó thằng Bò và thằng Răng cùng một lúc nhảy đùng xuống bên cạnh nó. Nó định la hai thằng kia thì Long cũng vừa lội trở lại và đề nghị chơi lội rượt bắt nhau.
“Búng tôm cá đi, thằng nào thua thì phải rượt,” Long vừa nói vừa vòng hai cánh tay lại trên mặt sông, tạo ra một vòng tròn để búng tôm cá. Búng tôm cá là dùng ngón tay giữa của bàn tay mặt cong lại và búng mạnh xuống mặt nước, phía bên trong cái vòng tròn đã được “vẽ” ra trên mặt nước đó. Nếu tiếng búng tạo ra một âm thanh mạnh, ngọt, kêu cái “bốc” thì được kể là tôm và coi như thắng. Ngược lại nếu tiếng búng không đủ mạnh, chỉ kêu cái “chạch” thì kể là cá và bị thua. Nếu đứa nào cũng búng được tôm cả thì búng lại cho tới khi có đứa bị cá. Sau một hồi búng thằng Bò bị thua. Cả ba đứa kia lội ra xa và thằng Bò bắt đầu lội rượt theo. Cả bọn vui đùa, hò hét ầm ỉ, vẩy nước bắn tung toé. Ðộ gần nữa tiếng thì coi chừng cả bọn đều mệt, Long đề nghị lên xà lan nghĩ mệt, và cả ba đứa kia đều đồng ý. Cả bọn lội trở vào, trèo lên xà lan, nằm ngữa xuống ngay trên sàn xà lan, vừa thở dốc vừa nói chuyện.
“Hồi sáng mầy đi đâu vậy Hưng, tụi tao kiếm mầy quá chừng” Long mở đầu câu chuyện, “mẩy hổng biết hồi sáng nầy tống ôn sao?”
“Sao hổng biết, tao ở trong nhà chớ đâu. Má tao cấm không cho tao ra coi, mà tao cũng lén nhìn ra kẹt cửa để coi”, Hưng trả lời liền, “mà thấy ghê thiệt, tiếng trống đánh thùng thùng tao nghe mà tim đập quá chừng. Lúc cái xe giống xe nhà vàng đi qua, tao nhìn qua khe cửa thấy có người ngồi trên xe, mà hổng phải ngồi trên ghế, hình như ngồi trên hai con dao phay để dựng lưởi lên, thấy ghê thấy mồ.”
“Phải rồi,” thằng Bò nói xen vô, “thằng chả ở trần trùng trục, đầu đậu cái khăn đỏ, hai bên gò má lại có xiêng lình mấy cây dài xọc, lại còn hô lớn mấy câu thần chú gì đó.”
“Nhưng mầy có thấy Ông Tề Thiên múa thiết bảng vùn vụt, đi ở đằng trước không?” thằng Răng lên tiếng, “sau ổng là cái kiệu nhỏ trên có để con heo quay thấy bắt thèm. Mà hổng biết rồi ai được ăn thịt heo quay đó hả tụi bây?”
“Ðâu có ai ăn, bộ mầy hổng biết sao, người ta đem thả mấy cái đồ cúng đó xuống sông cho nó trôi đi luôn mà, tao nghe nói thả bằng bè chuối đó” Long giải thích cho cả bọn nghe, “dưới quê tao nghe nói là chỉ có tụi chăn trâu là dám lội ra kéo bè chuối đồ cúng đó vô ăn mà thôi, hổng biết có đúng không.”
“Ðúng đó” Hưng nói tiếp liền, “má tao cũng nói như vậy đó, mà coi bộ trời sắp mưa tới nơi rồi đó. Thôi về tụi bây”.
“Bậy nè” Long thuyết phục bạn nó, “tắm sông trời mưa sướng lắm, để mầy coi.”
Lúc đó gió bắt đầu thổi mạnh lên, mây đen kéo tới làm cả vùng chợt tối sụp xuống. Hưng nhìn sang bên phía Miểu Nổi, ngọn mấy cây dương trồng trước miểu, sát mé sông, oằn qua oằn lại, tạo ra những tiếng hú u u, lúc đầu còn nhỏ, sau lớn dần. Hưng ngồi chồm dậy, nhìn ra sông, thấy mặt nước bắt đầu gợn sóng, và nghe tiếng sóng vổ vào thành chiếc xà lan, và rồi cả chiếc xà lan cũng bắt đầu lắc nhẹ nhàng qua lại. Những hạt mưa đầu tiên rơi xuống, ban đầu còn thưa, và nhỏ, rồi càng lúc càng nặng hạt hơn, cùng lúc gió thổi nhanh lên, tiếng hạt mưa rơi xuống mặt sàn xà lan rào rào làm bạt di tiếng gió thổi và tiếng hú của mấy cây dương. Ngoài sông bây giờ là một màn trắng, không còn thấy cảnh vật bên Xóm Vạn Chài, bên kia bờ sông nữa. Hưng chợt cảm thấy hơi lạnh.
“Thôi xuống sông đi tụi bây” Long la to lên, “ở dưới sông ấm lắm“. Nói xong, nó đứng dậy, leo lên thành xà lan và phóng xuống sông, không đợi tụi bạn nó trả lời. Hưng, Bò và Răng cũng phóng xuống theo Long liền. Vừa ngoi đầu lên khỏi mặt nước, Hưng chợt nghe một cảm giác kỳ lạ, nó nghe ấm cả thân người của nó ở trong nước, mặt của nó tiếp xúc với luồng gió trên mặt sông thì hơi mát lạnh một chút, cùng lúc tai nó bắt được âm thanh rào rào, dồn dập do tiếng hạt mưa rơi xuống mặt sông gây ra, mắt nó nhìn thấy mặt sông nổi sóng và nổi bong bóng phập phều. Nó úp mặt xuống, nín thở, cho cả thân người nổi lên, nằm xấp trên mặt sông, hai chân đập nhẹ nhẹ để thả tàu, và nghe một cảm giác còn lạ hơn, chỉ còn những âm thanh rào rào, do hạt mưa rơi đều đều trên lưng nó và trên mặt sông chung quanh người nó. Hưng thầm mong sao cho cơn mưa cứ kéo dài mãi để nó được tiếp tục cái cảm giác sảng khoái nầy. Nhưng cơn mưa rào chấm dứt thật bất ngờ cũng như khi nó tới. Chỉ độ chừng mười phút thì mưa ngưng. Những âm thanh kỳ diệu của cơn mưa trên mặt sông cũng ngưng liền, một cách đột ngột. Hưng ngẫng mặt lên, mặt sông không còn gợn sóng và nổi bong bóng nữa, nó quay sang phía bên kia bờ sông và cảnh vật của Xóm Vạn Chài lại hiện ra. Nó chợt nghe một cảm giác tiếc nuối và đột nhiên không còn hứng thú tắm nữa.
“Thôi về tụi bây,” Hưng lên tiếng kêu gọi các bạn.
“Ừa, thôi về đi bây ơi,” Long tiếp lời Hưng, “tao cũng thấy hết khoái rồi”.
Cả bọn leo lên xà lan, lấy tay vuốt nước khắp người cho khô bớt, rồi moi mấy cái áo nhét dưới bệ ra. Chúng không bận áo vào liền vì sợ áo bị ướt. Tay cầm áo, cả bọn leo qua chiếc xà lan đậu phía trong, rồi nhảy lên bờ, men theo lối đi củ xuyên qua trại cưa để ra đường. Trước khi lên dốc Cầu Bông, cả bọn lấy áo ra mặc lại vì cả người đã khô, tuy cái quần xà lỏn vẩn còn hơi ướt.
Về tới đầu đường Faucault, tụi nó chia tay nhau, thằng Bò và thằng Răng quẹo tay mặt để đi về xóm, còn Hưng và Long thì băng qua đường Mayer, sang đường Albert 1er, để đi về hướng Ðakao. Ðộ hơn trăm mét thì chúng quẹo vô đường D’Ariès, đi về phía trường Huỳnh Khương Ninh. Còn cách trường chừng hơn chục mét hai đứa quẹo trái vô một con đường nhỏ dẩn ra tới đường Legrand de la Liraye. Tại đây có một căn nhà nhỏ, trước có sân gạch có đặt mấy cái bàn bi da và đá banh để cho mướn. Hưng và Long bước vào sân thì thấy thằng Lang và thằng Hòa đã có mặt ở đó rồi. Tụi nó đang chơi ở một cái bàn đá banh. Hai thằng nầy cũng học chung với Hưng và Long ở Lớp Nhì A trường Tiểu học Ðakao hồi trước hè. Thằng Lang thì nhà ở gần trường Huỳnh Khương Ninh, còn thằng Hòa thì ở chung xóm Faucault với Hưng và Long, ba nó làm thợ mộc ở ngay đầu đường ngó ngang qua quán hủ tiếu của bà Xẩm Mập. Chiều hôm qua Hưng và Long có hẹn với Lang và Hòa để đá banh bàn tại đây, đá ăn tiền. Tụi nó đã giao hẹn trước, đá trong ba bàn, bên nào thắng được hai thì ăn, số tiền là một đồng bạc. Tiền mua giơ-tông thì phe nào thua phải trả luôn. Tiệm cho mướn bàn đá banh nầy bán mổi giơ-tông là hai cắc. Mổi giơ-tông chỉ chơi được một bàn, mổi bàn được chơi chín trái banh, bên nào đá vô được năm trái trước thì thắng bàn đó. Do đó, bên nào thua thì sẽ mất tất cả một đồng sáu cắc. Chính vì vậy mà Hưng có hơi lo lắng vì nó chỉ có năm cắc trong túi. Vậy thì coi như là thằng Long phải bao sau cho nó rồi.
“Tao đổi ba cái giơ-tông rồi nè”, thằng Lang lên tiếng trước, “tụi bây có muốn đá chơi, dợt trước vài bàn gì không?”
“Thôi khỏi” Hưng trả lời liền, và day qua Long nó hỏi, “mầy chịu hông?”
“Ừa, đá liền đi, khỏi cần dợt”, Long đồng ý với Hưng, và nó xoè tay về phía thằng Lang, “đưa mấy cái giơ-tông cho tao đi”.
Thằng Lang đưa ba cái giơ-tông cho Long. Tụi nó đứng vào bàn banh, hai đứa mổi bên.
Cái bàn banh cao độ tám, chín tất, hình chữ nhựt, bề ngang độ tám tấc, bề dài chừng một mét hai, đóng bằng gổ, đánh vẹt-ni mầu cánh kiến bóng loáng. Mặt bàn banh thấp hơn thành bàn độ hai tấc, có vẻ hình một sân đá banh, với các đường đánh dấu khu cấm địa trước khung thành hai bên, ở giữa bàn có một vòng tròn, tất cả đặt dưới một lớp kiếng dày. Xuyên từ thành bàn bên nầy qua bên kia có tất cả tám cây sắt tròn, với các hình gổ khắc hình các cầu thủ. Các cây sắt nầy được trét mở bò cho thật trơn, để cho người chơi có thể kéo tới kéo lui hay xoay tròn một cách dễ dàng. Nhìn từ một bên, và khởi sự từ phía tay trái lần qua phía tay phải, đầu tiên ta thấy một cây ngay trước khung thành, với một hình gổ duy nhất tượng trưng cho thủ môn, kế tiếp là cây thứ nhì với hai hình gổ, tượng trưng cho hai hậu vệ, rồi đến cây thứ ba có ba hình gổ xây mặt vô hướng khung thành, tượng trưng cho các tiền đạo của đối phương, sau đó đến hai cây, mổi cây năm hình gổ, mặt nhìn nhau, mổi cây tượng trưng cho tiền đạo của hai bên, tiếp đó là một cây với ba hình gổ, tượng trưng cho tiền đạo của phe bên nầy, và sau cùng là hai cây của đối phương, một cây hai hình hậu vệ và một cây cho thủ môn. Mổi khung thành là một cái lổ ở cuối bàn, hình bán nguyệt, bề ngang chừng một tấc rưởi. Trên mặt hai đầu bàn, rộng chừng hơn một tấc, có đóng một cái giá cao độ một tấc, dài chừng hai tấc rưởi, với một cọng sắt bắt ngang. Cọng sắt nầy xỏ xuyên qua chín trái cầu có đường kính chừng hai phân, dùng để ghi các bàn thắng. Các trái cầu nầy cũng được sơn theo dúng màu của các hình gổ. Các hình gổ được sơn màu nghịch nhau. Tại bàn banh nầy, phe Hưng Long là màu vàng, và phe Lang Hoà là màu đỏ. Long giữ hai cây thủ môn và hậu vệ, Hưng thì chơi hai cây tiền đạo. Ben phe kia, Lang lo phần phòng vệ còn Hòa phụ trách phần tấn công.
Long đặt hai cái giơ-tông lên đầu bàn, ngay bên cạnh cái giá ghi bàn thắng. Cầm cái giơ tông còn lại nó bỏ vào cái khe nhỏ, cắt theo chiều dọc, ở giữa phía ngoài thành bàn bên phía tụi nó. Chờ cho giơ tông rơi hẳn vào bên trong khe, nó dùng bàn tay mặt kéo mạnh cái chốt sắt vuông, đầu có núm tròn, ngay bên dưới cái khe, rồi buông ra. Ngay lúc đó chín trái banh bằng gổ sơn trắng, đường kính chừng ba phân, rơi từ trong thùng bàn ra một cái máng nhỏ dài độ ba tấc, sâu vô chừng năm phân, ngay phía dưới cái chốt sắt. Hưng dùng tay mặt lượm lên một trái banh, tay trái nó xoay cây sắt với năm hình gổ lên, cho chân các hình chỉa lên theo một góc 45 độ. Cùng lúc đó thằng Hoà cũng làm như vậy. Hưng đặt trái banh lên giữa hai hình gổ nằm ở giữa của hai cây sắt, sao cho chân của hai hình gổ đó kẹp chặt trái banh lại cho khỏi rớt xuống. Bây giờ tay mặt đã rãnh, nó cầm vào cây sắt với ba hình gổ tiền đạo.
“Mầy sẳn sàng chưa?” thằng Hoà hỏi, “tao đếm một hai ba nha.”
“Rồi, mầy đếm đi,” Hưng trả lời, mắt nhìn chăm chú vào trái banh.
Sau tiếng đếm “ba” của thằng Hoà, cả Hưng và Hòa đồng loạt xoay nhẹ cây sắt năm hình gổ, tạo ra khoảng cách rộng giữa các hình gổ, và trái banh rớt xuống mặt bàn. Trận đấu chính thức bắt đầu.
Dùng một trong năm hình gổ tiền đạo chận trái banh lại, Hòa khéo léo đưa nhẹ trái banh xuyên qua giữa năm hình gổ của Hưng, và dùng hình gổ ở cạnh trong của cây ba hình của nó chận trái banh lại. Hưng bất lực nhìn theo trái banh bây giờ đang được Hòa gò vào vị trí tấn công. Nó nhìn sang Long bên cạnh. Lúc đó Long đang chăm chú nhìn vào bàn banh. Nó biết Hòa sắp sửa tấn công, nó kéo thủ môn vào chận ngay giữa khung thành, chân thủ môn hơi đưa nhẹ ra phía trước một chút, một chiến thuật cần thiết để giãm bớt sức mạnh của trái banh mà đối phương sắp đá vào, đồng thời nó cũng đẩy nhẹ hàng hậu vệ sang phía bên kia, để cho hình hậu vệ phía bên kia đâu mặt với hình gổ tiền đạo của Hòa đang giữ trái banh. Cả ba đứa đều yên lặng theo dõi cách gò banh của Hòa. Sau mấy giây, bây giờ Hòa đã đưa được trái banh vào vị trị tấn công. Trái banh đã nằm ngay ngắn ở cạnh trong của hình gổ bên ngoài, phía bên nó. Hoà đẩy nhẹ nhưng thật nhanh cây sắt về phía trước, cho trái banh di chuyển thẳng sang hình gổ ở giữa, cùng lúc nó xoay nhẹ cây sắt cho chân các hình gổ đưa lên cao về phía sau, và khi trái tranh lăn tới đúng vị trí của hình gổ ở giữa, nó xoay nhanh cây sắt theo chiều ngược lại, dùng hết sức cho hình gổ ở giữa đá mạnh cho trái banh bay như chớp về hướng khung thành của Long. Tất cả diễn ra trong khoảng chớp mắt. Một tiếng tom vang lên, trái banh đã lọt vào bên trong khung thành của Long, chạm mạnh vào tấm vách lót ở phía sau và tạo ra âm thanh nhanh, gọn, và trong trẽo đó. Long có kéo hàng hậu vệ về để truy cản nhưng chậm hơn Hòa một tích tắc.
“Ðộc quá”, thằng Lang la lên vui mừng, vừa lấy tay kéo một quả banh về phía nó trên cái giá để ghi bàn thắng đầu tiên nầy cho phe nó.
“Ăn thua gì,” Hưng vừa thò tay xuống cái máng lấy lên một trái banh mới vừa cười cười nói, “coi đây nè.”
Nó đặt trái banh vào cạnh trong của hình gổ ngoài cùng của cây sắt năm hình, tay mặt nó xoay cây sắt ba hình để cho ba hình gổ đều chổng lên trời, với mục đích dẹp bớt những chướng ngại vật giữa hàng năm tiền đạo của nó và khung thành của đối phương. Nó buông nhẹ cây ba hình ra, bước lùi một chút về phía Long, nó dùng tay mặt cầm vào cây năm hình, kéo nhẹ cây năm hình về phía nó, cho trái banh di chuyển từ trong phía cạnh bàn vào hướng giữa bàn, rồi lại đẩy cây sắt theo hướng ngược lại, cho trái banh trở ra phía ngoài cạnh bàn lại, nó làm như thế độ vài lần, khiến cho Hoà và Lang cứ phải di chuyển các hình gổ theo hướng di chuyển của trái banh. Ðến lần cuối, nó đồng thời xoay nhẹ cho chân các hình gổ dở lên về phía sau và khi trái banh vừa rời khỏi vị trí phía cạnh bàn, nó xoay cây sắt lại, dùng hình gổ thứ nhì đá thật mạnh cho trái banh xuyên qua giữa năm hình tiền đạo của Hòa, và bay thẳng vào góc của khung thành của Lang. Tất cả cũng diễn ra trong chớp mắt với một tiếng tom vang dội. Lang và Hoà đều gần như không có phản ứng gì kịp hết.
“Thấy chưa?” Hưng vừa lấy một trái banh khác lên đưa cho Hoà vừa nói “một đều,” rồi xoay qua Long, Hưng nháy mắt “ghi bàn thắng đi mầy, để tụi nó khỏi quên.”
Trận đấu lại tiếp tục, gần như là một cuộc thư hùng giữa Hưng và Hoà. Cả hai đứa đều sử dụng hàng ba hình rất tài tình, lúc thì dùng hình giữa, khi thì dùng hình bên ngoài, lần lượt ghi bàn thắng cho phe mình, trừ một vài bàn thắng do Long ghi được bất ngờ do đá từ hàng hậu vệ vào thẳng khung thành của Lang. Kết quả chung cuộc phe Hưng Long thắng. Bàn thắng sau cùng ở trận thứ ba, lúc đó hai bên dang hoà nhau với với tỹ số 4-4, cũng do Hưng ghi được, do chơi một đòn tấn công rất tài tình. Sau khi dùng ngón “xỏ chỉ luồng kim”, đưa trái banh từ hàng năm chui lọt qua hàng năm của Hoà sang hàng ba của mình, Hưng chận banh lại bằng hình giữa, sau đó nó đưa nhẹ banh sang cho hình gổ ở phía ngoài. Nó gò cho trái banh vào bên cạnh phía trong của hình ngoài, cho hình gổ đứng thẳng lại, nó kéo cây sắt về phía nó cho trái banh lăn nhẹ vào bên trong, nhưng thay vì dùng hình giữa để đá banh vào khung thành, nó bất ngờ sử dụng hình ngoài đá xéo trái banh vào góc bên trái khung thành của Lang. Lang hoàn toàn bị bất ngờ, nó đã kéo thủ môn vào giữa chuẩn bị chận cú đá của hình giữa, nên để góc khung thành hoàn toàn trống. Một tiếng tom vang lên, trái banh cuối cùng của cuộc tranh tài đã lọt vào khung thành.
Trên đường về, sau khi chia nhau mổi đứa năm cắc, hai đứa ghé lại xe nước đá của chú Chiêu và mổi đứa ăn một ly đậu đỏ bánh lọt, giá có hai cắc một ly, mổi đứa vẩn còn ba cắc làm chiến lợi phẩm trong túi.
“Tối nay mầy đi xuống Ðình Sơn Trà chơi với tao hông?” Hưng hỏi Long sau khi trả tiền cho chú Chiêu.
“Chắc hổng được đâu” Long trả lời, giọng hơi tiếc rẻ, “tối nay tao phải ở nhà phụ với cô tao sắp đồ đạc, ngày mai dọn nhà rồi.”
“Ừa há, tao quên, mầy dọn về đường Richaud phải hông? Rồi mầy còn xuống đây chơi với tụi tao hông?”
“Sao hông, gần xịt chớ gì.”
2.
Tháng 5 năm 1975
Thành phố Hồ Chí Minh
Khu Ðại Học
Ngoài sân trường, nắng trưa, lọc qua tàng lá rậm của các cây điệp cổ thụ ở bốn góc sân, trải nhẹ trên lớp cỏ xanh mởn mới trổi dậy sau mấy trận mưa đầu tháng năm. Nhiều tốp sinh viên rải rác đây đó. Có tốp ngồi thành vòng tròn, có vẻ đang sinh hoạt nhóm. Vài tốp đứng trên hành lang, bên dãy Khoa Học, trước phòng thí nghiệm sinh vật. Hưng nghe thoảng qua tiếng hát của một vài nữ sinh viên đang tập bài “Cô gái vót chông.” Từ mấy ngày qua, anh không về nhà ăn cơm trưa nữa, vì đạp xe từ đường Cộng Hòa về Gia Ðịnh và trở lại mệt quá, anh mang theo một khúc bánh mì kẹp thịt thay cho bửa ăn trưa ở nhà. Hôm nay cũng vậy, anh ngồi gậm khúc bánh mì thịt ở một góc bàn trong phòng đọc của Thư viện, thỉnh thoảng chiêu một ngụm nước cho dễ nuốt.
Luồng ánh sáng ở khung cửa chợt bị cắt đứt làm Hưng ngẩng lên nhìn ra phía đó, anh thấy có dạng một số người tiến vào. Phải mất mấy giây anh mới nhận ra người đi đầu là Duy, Phó trưởng ban Quân quản của trường. Cùng đi với Duy là Quế và Trác cũng trong Ban Quân quản và một người lạ. Bốn người dừng lại trước bàn Hưng đang ngồi. Hưng hiểu ý, đứng dậy chào. Duy cười thật tươi, tuy miệng bị méo xệch một bên, có lẻ do bịnh tật gì trước đây. Chỉ vào người lạ, Duy hỏi: “Anh Hưng có nhìn ra ai đây không?” Hưng quay sang nhìn thẳng vào mặt người lạ, cố tìm một nét quen thuộc của bạn bè, nhưng anh chịu, không tìm thấy một nét nào quen thuộc. Anh lắc đầu, định trả lời câu hỏi của Duy thì chợt người lạ cười to và nói: “Mầy thật không nhìn ra tao sao Hưng?” Và trong khoảng tích tắc sau đó, giọng nói, cách xưng hô thân mật, nụ cười với hàm răng trắng đó, cái má phải lúm đồng tiền, mái tóc dợn sóng, và cặp mắt, nhất là cặp mắt đen, sáng và vui đó, được tiếp thu, truy lùng trong ký ức và được xác nhận. Hưng bật ra: “Long đây phải không?” Cả bọn người kia đều cười to. Duy vổ vai Hưng: “Hay lắm, hơn hai mươi năm mà còn nhận ra được bạn. Thôi để hai ông tâm sự với nhau, tụi nầy đi đây”. Nói xong Duy kéo hai người kia đi liền ra khỏi phòng làm Hưng không kịp chào từ biệt. Anh quay sang hỏi Long: “Sao mầy biết tao ở đây mà kiếm hay vậy?” Cũng với cặp mắt cười tươi đó, Long đáp: “Tao ăn cơm trưa chung với mấy chả, nghe nói tới tên mầy nên tao bắt mấy chả dẩn qua tìm coi phải đúng mầy không.”
Cuộc tái ngộ nầy đã làm sống lại một tình bạn bị cắt đứt trong hơn hai mươi năm. Ngày xa nhau, Hưng và Long chỉ là đôi thiếu niên mới bước vào những năm đầu của bậc Trung học dưới mái trường Pétrus Ký, có chung với nhau biết bao kỹ niệm êm đềm. Sau khi Long dọn về đường Richaud, hai đứa vẩn tiếp tục chơi với nhau vì Long vẩn tiếp tục học tại trường tiểu học Ðakao. Cuối năm Lớp Nhứt cả hai đứa đều thi đậu vào Pétrus Ký. Tựu trường niên khoá 1953-54, cả hai đứa lại may mắn được xếp học chung một lớp Ðệ Thất với nhau. Những buổi sáng Chúa Nhật kéo nhau vào Phú Lâm mướn xuồng đi hái bần chua ăn với mắm sống, chia phe chọi bùn với nhau, có lần Hưng lãnh nguyên một cục bùn to vào lổ tai trái tưởng điếc luôn. Những buổi sáng đi đá banh tận trong sân Renault, ở Bình Tiên, hoặc ở sân cát bên kho 11 thuộc Khánh Hội. Những buổi trưa đi học sớm, tới nhà Long đá cầu, hoặc chọi me mắt kiến trên đường Testard. Ngày gặp lại nhau, cả hai đều đã ngoài ba mươi, với quá trình đào tạo, hoạt động và tư thế hoàn toàn khác biệt. Hưng tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm Saigon, ban Anh văn, dạy trung học trong nhiều năm, sau được học bổng sang Mỹ lấy bằng Cao học, trở về dạy Anh văn như sinh ngữ phụ tại một trường đại học ở Saigon khi xảy ra biến cố 30-4-75. Phần Long, sau khi xong Cấp 3 Phổ thông, vì là học sinh ưu tú gốc Miền Nam, được học bổng sang Nga hai lần, lấy được bằng Phó Tiến sỉ về Hoá Học, trở về dạy tại Ðại Học Tổng Hợp Hà Nội. Khi Miền Nam sụp đổ, anh vào Saigon và ở trong Ban Quân quản có nhiệm vụ tiếp thu trường Ðại Học Khoa Học. Trong khoảng thời gian hai mươi năm đó, người nầy không hề được tin tức gì của người kia và, sau một thời gian, hoàn toàn không còn nghĩ gì về nhau nữa. Biến cố lịch sử năm 75 làm hai người gặp lại nhau, tình bạn được tiếp nối, nhưng không còn như xưa nữa.
Trong suốt mấy năm cho tới ngày Hưng ra khỏi nước, họ có gặp nhau nhiều lần. Hưng có mời Long về nhà ăn cơm một lần, nhưng sau đó thấy Long không bao giờ mời mình tới nhà, Hưng cũng thôi luôn. Họ chỉ gặp nhau nơi làm việc, ngoài quán cà phê hoặc lúc đi học chính trị hè. Họ nhắc lại kỹ niệm chung. Kể cho nhau nghe những kỹ niệm riêng, trao đổi về công việc làm nhưng tuyệt nhiên không bao giờ đề cập đến chính trị. Hưng được biết vào khoảng đầu năm Ðệ Lục, Long lúc đó đang sống với người cô ruột có chồng Pháp ở một ngôi nhà nhỏ đường Richaud, khoảng giữa đường Eryaud des Vergnes và đường Laregnère, được một người hướng dẩn vào Xuyên Mộc thăm cha đang tập kết tại đó và được cha thuyết phục theo ông ra Bắc luôn. Long thường nhắc đến những mùa Ðông đầu tiên ở Miền Bắc lạnh, buồn và nhớ nhà. Hưng có cảm tưởng còn có cái gì quan trọng hơn mà Long còn giấu. Tuy không tìm hiểu thêm nhưng anh vẩn để tâm theo dõi những bước đi của bạn. Khoảng giữa năm 1977, khi hạ tầng cơ sở đã tạm vững, Bộ Ðại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp bắt đầu chính thức cử Ban Giám Hiệu cho các trường đại học Miền Nam, Long được bổ nhiệm Phó Chủ Nhiệm Khoa Hoá tại một trường đại học. Sau đó anh được đề cử ra ứng cử và được đắc cử Ðại biểu Hội đồng Thành phố. Và độ hơn một năm sau thì anh được vào Ðảng. Về phía Hưng, càng ngày càng thấy rõ bộ mặt thật của chế độ Cộng sản, anh quyết tâm tìm cách ra khỏi nước. Những suy nghĩ nầy cộng với hướng tiến theo chiều ngược lại của Long làm Hưng càng ngày càng thấy xa Long. Sau mấy lần vượt biên thất bại, tuy may mắn không bị bắt nhưng mất hết cả tiền, Hưng đành phải chấp nhận con đường đi bảo lãnh. Nhờ người anh ruột gởi tiền về giúp, sau cùng Hưng cũng mua được cái giấy xuất cảnh. Giữa năm 1981, trước khi đi, anh quyết định phải gặp Long một lần chót để nói cho hết những gì anh cần nói và cũng để dứt khoát luôn với quá khứ. Anh hẹn Long ở quán cà phê dưới gầm giảng đường A của Ðại Học Khoa Học, bây giờ là Ðại Học Tổng Hợp.
Anh không bao giờ ngờ mọi việc đã xảy ra hoàn toàn không như anh đã tính trước. Anh không dứt khoát được với quá khứ vì Long không phải như anh vẩn nghĩ. Long trước sau vẩn là Long. Vẩn là người bạn chân thành của ngày xưa và là một nạn nhân đáng thương của lịch sử. Sau khi được Hưng cho biết sắp sửa đi nước ngoài và lần gặp nầy là để từ giả, Long cưòi rất tươi, vẩn nụ cười má lúm đồng tiền như ngày nào, nhưng Hưng thoáng thấy có một nét buồn trong đôi mắt.
“Thôi, vậy là mừng cho mầy,” Long mở đầu, “chừng nào mầy đi?”
“Chắc chừng hai tuần nữa” Hưng trả lời nhỏ.
“Qua tới bển mầy nhớ nói với Anh Tư tao gởi lời thăm nha, mà không biết ảnh còn nhớ tao không? Với lại cũng nhớ viết thơ cho tao với.”
Móc gói Vàm Cỏ từ túi áo ra, Long đưa cho Hưng rút một điếu, và anh cũng rút một điếu. Hưng châm lửa cho cả hai. Vừa lúc đó, chủ quán, bác lao công già của trường Ðại Học Khoa Học, bưng ra hai tách cà phê đen, đặt xuống bàn, nói nhỏ “mời hai thầy,” rồi rút vào bên trong.
“Chắc không bao giờ tao với mầy còn gặp lại nhau nữa,” Long mở lời sau khi nâng tách cà phê lên uống một ngụm nhỏ, giọng tha thiết, “trước hết tao muốn xin lổi mầy về vụ sau khi gặp lại mầy tới giờ, tao chưa hề mời mầy đến nhà tao chơi lần nào hết”.
“Ðâu có gì, mầy cũng lu bu quá mà,” Hưng đở lời bạn.
“Bà vợ tao bả không muốn tao bạn bè, dính líu tới thành phần chế độ củ, mầy chắc cũng biết, gia đình bả là hạng gộc trong đảng mà, họ sợ bị phê bình, kiểm thảo lắm.”
“Còn mầy thì sao? Mầy cũng đảng viên vậy.”
“Vậy là mầy còn chưa hiểu sao Hưng? Bộ thằng nào vô đảng cũng đều là trung kiên, cốt cán hết sao. Hổng có đâu! Phải vô đảng để có chức, có chức thì mới có tiêu chuẩn tốt, mới có miếng ăn chớ. Bộ mầy tưởng nói làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu là nói thiệt sao? Làm gì có chuyện đó. Thành phần hết. Như ông già tao đó, dân chín năm, biết bao xương máu, vậy mà sau khi tập kết ra Bắc, trong vụ cải cách ruộng đất bị qui là thành phần địa chủ, cả đời chỉ là cán bộ tép riu. Ổng cứ mượn rượu chưởi đổng hoài. Khi thấy tao được đi Liên Xô học ông mừng quá trời vì thấy tao sẽ khá hơn ổng. Khi tao lấy vợ dân Bắc lại thuộc gia đình gốc đảng bự, ổng thiếu điều muốn từ tao luôn, nhưng nói vậy chớ từ sao được, chỉ có hai cha con mà. Sau khi về Nam, lúc qua cầu Hiền Lương, ổng quay về hướng Bắc xá ba xá, thề không bao giờ trở ra đó nữa hết.”
“Rồi bây giờ bác làm gì, ở đâu?”
“Thì cũng cái tật mượn rượu chưởi đổng đó, tụi nó cho về hưu non rồi, bây giờ ổng sống một mình ở Tân Châu, với mãnh vườn nhỏ, với đồng lương hưu không đủ cho ổng uống rượu. Lâu lâu tao mới về thăm ổng một lần, dấm dúi cho ổng chút đĩnh.”
“Tao nhớ hình như mầy còn hai đứa em gái nữa mà. Tụi nó không lo được cho ông già sao?”
“Còn lâu, tụi nó còn không muốn nhìn thấy mặt ổng nữa kìa”.
“Ủa sao kỳ vậy? Thường thường con gái thì lo cho cha nhiều hơn chớ.”
“Hai đứa nó đều có chồng là sỉ quan cấp Tá đi cải tạo ngoài Bắc. Thằng chồng con lớn thì chết trong trại Nghệ Tĩnh, thằng kia học tập ở trại Hà Nam Ninh tới nay cũng đã được về đâu. Tụi nó bàn nhau cho mấy thằng con trai tới tuổi nghĩa vụ vượt biên. Xui xẻo sao lại chìm thuyền chết hết cả. Tụi nó đổ tất cả lên đầu ông già và tao, đâu có liên hệ gì nữa từ hai năm nay rồi.”
“Thiệt tao không ngờ. Mầy cũng biết tụi mình bây giờ cũng đã bốn chục tuổi rồi, tao qua đó không biết có làm nên cơm cháo gì không, bằng Cao học Anh văn ở Việt Nam nầy thì ngon nhưng qua bển thì dạy ai, tao chỉ hy vọng mấy thằng con tao tụi nó sẽ khá hơn là ở đây, vì nghĩ vậy mà tao đi.”
“Mầy đi là phải rồi, cho tương lai của mầy và hai thằng con mầy. Tao thì bề gì cũng đã sống hơn hai chục năm trong cái bộ máy nầy rồi.”
“Hiện nay tao cũng chưa biết sẽ ăn ở ra sao. Anh Tư ảnh có vợ đầm chắc tụi tao đâu có ở chung được. Khi nào có địa chỉ chắc chắn rồi tao sẽ liên lạc lại với mầy”.
“Không sao đâu, có gì tao liên hệ với già Chí để biết tin mầy. Mầy đừng gởi thơ từ gì về trường hết, Phòng Tổ chức hỏi tới hỏi lui phiền lắm”.
“Thôi bây giờ tao phải dông rồi đây. Mầy ở lại mạnh giỏi nha Long.”
Hưng đứng dậy. Long cũng đứng lên theo. Hai người nhìn nhau hồi lâu, không bắt tay từ giả gì cả, rồi đột nhiên cả hai tiến tới, ôm nhau, nghẹn ngào, người nào cũng nước mắt lưng tròng.
“Thôi tao đi nha Long” Hưng buông Long ra, nói nhanh mấy tiếng và quay lưng bước ra khỏi quán liền.
Anh còn nghe Long nói vói theo: “mầy đi mạnh giỏi nha.”
3.
Tháng 6/1996
Toronto, Ontario, Canada
Khu Phố Tàu
Hưng gỏ cửa phòng số 609, Khách sạn L’Hotel, đường Front, bên cạnh Metro Toronto Convention Centre. Cửa phòng mở và Long hiện ra như trong một giấc mơ. Hưng bước tới, hai người ôm nhau, vổ lưng nhau, buông nhau ra, cùng cười rạng rỡ.
“Tao không bao giờ ngờ còn có ngày gặp lại mầy” Hưng nói nhanh trong lúc Long đóng cửa phòng lại.
“Tao cũng vậy” Long quay lại, đẩy Hưng vào, “vô, vô trong đi rồi nói chuyện.”
“Lúc mầy gọi điện thoại là tụi tao sắp ăn cơm tối” Hưng nói liền, “tao nói với bà xả là mấy gọi, bả cũng giựt mình luôn, xong rồi tao dông liền một mạch tới đây. Chưa ăn uống gì hết. Còn mầy thì sao? ăn uống gì chưa? Thôi đi kiếm cái gì ăn đi”.
“Làm cái gì gấp vậy mậy. Từ từ, nói chuyện một chút đã, rồi đi đâu thì đi”.
Gặp lại nhau lần nầy, hai cậu bé cùng đi tắm sông với nhau ngày nào, bây giờ đã trên năm mươi tuổi cả rồi, tóc đã trổ muối tiêu, đuôi mắt cũng đã nhiều nếp nhăn, nhưng trong trái tim của họ, Long vẩn là Long, Hưng vẩn là Hưng, họ vẩn tiếp tục “mầy tao” với nhau như ngày xưa, như ngày nào họ gặp lại nhau lần đầu, cách đây hơn hai mươi năm về trước. Cái khác biệt của lần nầy là họ gặp lại nhau tại xứ lạ quê người. Hưng đã là một công dân Canada từ hơn mười năm qua, hiện làm công chức cho chính phủ tỉnh bang Ontario. Long thì vẩn là một công dân Việt Nam, hiện đang đi dự một hội nghị khoa học quốc tế tổ chức tại thành phố nầy.
Sau khi lái xe vòng đi vòng lại mấy lần, sau cùng Hưng cũng tìm được một chổ đậu trên đường Spadina. Khoá xe xong, Hưng cùng Long băng qua đường, tiến về phía tiệm ăn Saigon Palace.
Sau khi cả hai người đã yên vị ở một bàn hai ghế, ở khu phía trong của tiệm ăn quen thuộc nầy, Hưng móc gói Rothman King Size, mở ra, chìa cho Long:
“Khu nầy hút thuốc tự do, mầy vẩn còn hút thuốc đó chớ?”
“Sao bỏ được mậy.”
Hưng bật lửa châm thuốc cho bạn và cho mình, hít vào một hơi thật mạnh, từ từ thở khói ra, cầm tấm thực đơn lên, rồi mới hỏi Long:
“Mầy ăn gì thì lựa đi, tao thì chắc kêu một tô hủ tiếu Mỹ Tho, quên nữa, mầy uống gì kêu luôn, bia nha?”
“Ừ, kêu bia đi, tao cũng làm một tô hủ tiếu Mỹ Tho luôn cho rồi.”
Sau khi người hầu bàn đã ghi giấy xong và đi ra phía trước kêu món ăn, Hưng nhìn Long hồi lâu rồi chợt lên tiếng:
“Long à, mầy có thấy là cứ độ hai chục năm thì tao với mầy lại gặp nhau không?”
“Sao không, nhưng lần nầy thì chưa tới hai chục năm, chỉ có hơn mười lăm năm thôi. Vậy chắc lần tới còn lẹ hơn nữa.”
“Tao cũng mong vậy. Nếu không, chắc lần tới thì tao với mầy có nước gặp nhau dưới suối vàng luôn.”
“Ðừng nói bậy mầy” Long cười, “thôi, nói tao nghe đi, từ hồi qua Canada tới giờ mầy làm cái gì.”
“Lúc đầu tao ở Montreal với Anh Tư, vừa đi làm công nhân trong một xưởng đóng thùng radio vừa đi học thêm buổi tối”.
“Mầy học cái gì, lúc đó mầy đã bốn chục tuổi rồi mà còn học nổi à.”
“Không nổi cũng phải ráng. Chớ hổng lẻ làm công nhân suốt đời sao. Nhờ cái vốn Anh văn cũng khá, tao được nhận vô học College về computer, người ta học full time thì chỉ có hai năm, tao học ban đêm, mà lại ì ạch, thành ra mất gần sáu năm mới xong. Tao ra trường một lượt với thằng con lớn của tao, cả gia đình và bạn bè ai cũng cười. Nó lại được job trước tao nữa, mà lại công ty lớn nữa chớ. Sau cùng thì tao cũng kiếm được việc làm cho một công ty nhỏ chuyên về software. Sau đó mất job mấy lần. Bây giờ thì tao làm cho chính phủ Ontario ở đây. Tưởng vô công chức để được mang chữ thọ, ai dè bây giờ chính phủ liên bang, tỉnh bang gì cũng cắt giãm ngân sách quá trời. Tao cũng lo lắm, nhưng thôi kệ, tới đâu hay tới đó, chớ biết sao bây giờ. Còn mầy thì sao?”
Lúc đó người hầu bàn trở lại với nước uống. Hai người nâng ly bia lên, cụng ly và uống một hơi hết gần nữa ly. Ðể ly xuống, Long rít một hơi thuốc rồi mới trả lời cho Hưng:
“Sau khi mầy đi rồi, tình hình càng ngày càng tệ hơn. Mấy năm 86, 87 thật là thê thãm. Dân đại học tụi tao thằng nào thằng nấy ngất ngư hết. Tao với mấy thằng bạn trong khoa hoá phải liều, nhảy ra, làm chui, sản xuất xà bông nước, xà bông bột, bia, nước tương, làm lung tung hết, cứ cái gì bán có tiền là tụi tao làm. Phòng Tổ chức chắc cũng biết nhưng tụi nó cũng làm lơ.”
“Rồi mầy có mở lớp dạy tiếng Nga để kiếm thêm không?”
“Cũng có chút đĩnh vì lúc đó có phong trào đi lao động hợp tác mà. Nhưng sau đó thấy mất nhiều ngày giờ quá mà không có ăn nên tao thôi không dạy nữa”.
Người hầu bàn trở lại với hai tô hủ tiếu Mỹ Tho nóng bốc khói. Hai người lại ngưng câu chuyện tâm tình. Họ vừa ăn vừa nói chuyện món ăn ở Saigon. Long nhắc cả đến những hàng quà ở xóm Ða Kao ngày họ còn thơ như xe nước đá của chú Chiêu, xe mì của tía con Múi, và cả kẹo kéo của cái bác người Bắc. Hưng thật sự cảm động, anh không bao giờ nghĩ rằng Long vẩn còn nhớ những chuyện đó. Ðể trắc nghiệm trí nhớ của Long thêm một lần nữa, Hưng vụt hỏi:
“Long à, mầy còn nhớ cái lần tụi mình đi tắm sông ở khu Miểu Nổi gặp trời mưa không?”
“Sao không, sau đó về tao với mầy còn thả qua khu trường Huỳnh Khương Ninh đá banh bàn với thằng Lang và thằng Hoà, phải không, tao đâu có quên. Tao cũng không quên luôn cú dứt bằng hàng ba giò quá đẹp của mầy.”
Nếu không phải đang ở trong quán nơi công cộng, chắc Hưng đã nhào sang ôm Long mà hun rồi. Anh tự hỏi, tại sao Ông Trời cứ bắt anh và Long phải xa nhau hàng chục năm mới cho gặp lại một lần. Rồi anh lại nghĩ, có phải tại vậy mà cả anh và Long không bao giờ quên được những kỹ niệm thơ ấu ấy hay không. Có nhiều chuyện mới xảy ra chưa tới năm, mười năm mà anh đã quên tuốt luốt. Trái lại, kỹ niệm của anh và Long toàn là trên bốn chục năm mà anh và Long vẩn còn nhớ ràng ràng như mới hôm qua.
Ðẩy tô hủ tiếu đã ăn xong qua một bên, Hưng bưng ly bia luôn uống một hơi cho hết luôn. Xong anh châm một điếu thuốc nữa và chẩm rải hỏi Long:
“Tại sao trong suốt mười lăm năm qua mầy không liên lạc với tao? Tao cứ chờ thơ của mầy, vì tao còn nhớ mầy dặn đừng có gởi thơ về trường, sợ Phòng Tổ chức nó hỏi tới hỏi lui, lôi thôi cho mầy. Mầy còn nói là sẽ liên lạc với thằng Chí để lấy địa chỉ của tao. Mầy có tìm nó hay không? Phần tao thì mấy năm đầu tao quá lu bu như đã nói với mầy hồi nảy, vừa làm vừa học, tao thật sự không còn ngày giờ gì cả, sau đó thì lại lo kiếm job rồi mất job, lại lo kiếm job khác, tao thật không còn bụng dạ nào nghĩ đến chuyện gì khác.”
“Có, tao có nghĩ tới chuyện liên lạc với mầy, nhưng lúc đầu tao cứ nghĩ là mầy còn phải lo nhiều về chuyện định cư, công ăn việc làm, nên tao cứ nói trong bụng, thôi thì từ từ, có gấp gì. Nhưng sau đó thì chính tao bị sinh kế làm cho hụt hơi luôn, nào dạy trong trường, dạy tư thêm tiếng Nga, rồi làm chui mấy cái vụ sản xuất đó, lại cũng phải làm nghiên cứu lai rai, tao cũng đâu còn thì giờ mà nghĩ chuyện gì khác. Vả lại, nói thật với mầy, tao không bao giờ nghĩ là mình sẽ còn gặp lại nhau nữa, tao không muốn nhớ tới nữa, vậy mà mổi lần chung vô cái hầm đưới giảng đường A uống cà phê, tao lại nhớ lại cái lần mầy từ biệt tao để đi Canada, nhiều lần tao ngồi đó mà tự nhiên chảy nước mắt.”
“Thôi, đừng nói mấy cái chuyện buồn đó nữa“, Hưng chuyển câu chuyện, để tránh bớt xúc động cho cả hai người, “bây giờ thì đời sống của mầy đở lắm rồi phải không? Lại còn được đi ngoại quốc dự hội nghị nữa, thiệt tao không ngờ thay đổi nhiều như vậy. Còn bà xả và mấy đứa con mầy thì sao?”
“Tao với bả ly dị rồi.”
“Ủa, vậy à, tao có biết đâu, xin lổi mầy nha.”
“Xin lổi cái gì, mầy còn phải mừng cho tao nữa mới phải. Mà mầy có biết tại sao tụi tao ly dị không? Tao nhịn bả lâu lắm rồi, cũng chỉ vì mấy đứa nhỏ, từ hồi ông già tao về Tân Châu, bả không đi thăm một lần, cũng không cho mấy đứa nhỏ đi với tao, tới chừng ông già tao mất, bả cũng không chịu về để tang, tới nước đó thì mầy biểu tao nhịn sao nổi nữa”.
“Bác mất năm nào, có bịnh gì không? Xin chia buồn muộn với mầy.”
“Ổng mất năm 91, bị sơ gan, chắc do uống rượu nhiều quá. Sau khi ly dị xong, gia đình bả chơi tao luôn một cú nữa, họ vận động để tao bị khai trừ ra khỏi đảng. Nhưng như vậy mà lại hóa ra may cho tao. Sẳn cơ hội tao lấy lý do sức khoẻ xin ra khỏi đảng luôn. Ðược chấp thuận liền. Bây giờ tao khoẻ ru, khỏi bị ràng buộc gì nữa cả”.
“Nhưng sao mầy vẩn còn giữ được chức chủ nhiệm khoa hoá, rồi lại được đi Canada dự hội nghị nữa?”
“Thay đổi hết rồi mầy ơi! Bây giờ mấy cái chức chủ nhiệm khoa toàn là do cán bộ trong khoa bầu lên, có phải do Phòng Tổ chức và Ban Giám hiệu quyết định nữa đâu. Mà trong khoa hoá của tao bây giờ tuyệt đại đa số là học trò của tao đào tạo rồi giữ lại trường làm cán bộ giảng, tụi nó toàn là dân trong Nam hết, ai mà tranh được với tao. Còn cái vụ đi nước ngoài nầy thì lại là chuyện khác. Ðầu năm nầy tao đã về hưu, năm mươi lăm tuổi rồi còn gì nữa, hổng muốn cũng hổng được. Tao cũng chưa biết làm cái gì để kiếm thêm thu nhập, chớ ba cái lương hưu thì sống sao nổi với thời buổi kinh tế thị trường nầy. Nhưng Trời còn thương tao. Một trong mấy tên cán bộ cũ trong khoa, học trò ruột của tao, là người gốc Hoa, cậu hay chú gì của nó đó là người Ðài Loan bỏ vốn ra lập một công ty hoá chất khá lớn bên Khánh Hội, nó làm phó giám đốc kỹ thuật cho công ty, nó giới thiệu tao với tay đó, chả hiểu sao sau một một chầu nhậu tưng bừng trong Chợ Lớn, thằng chả khoái tao quá, chịu luôn, thế là tao vào làm phó giám đốc nghiên cứu cho công ty luôn. Chính cái vụ đi Canada nầy là do công ty đài thọ cả đấy chớ. Sau khi hội nghị xong tao còn phải ở lại thêm độ hai tuần để lo công việc cho công ty nữa đó. Trước khi đi tao tới thằng Chí xin địa chỉ và số điện thoại của mầy”.
“Ðúng là Ông Trời ngó lại, còn thương mầy. Thôi, vậy là mừng cho mầy. Còn mấy đứa nhỏ thì sao?”
“Con nhỏ lớn thì đã xong kỹ sư hoá, bây giờ cũng đang làm cho công ty, trực tiếp dưới quyền tao. Thằng giữa thì đang học năm chót về tài chánh ngân hàng, còn thằng út thì mới năm thứ hai đại học ngoại ngữ Anh. Còn gia đình mầy thì sao?”
“Bà xả tao nghĩ làm lâu rồi, bả ở nhà lo cơm nước, với lại móc lai rai ba cái nón len của mấy người bạn quen lãnh về chia cho bả làm. Thằng lớn, như tao đã nói, làm programmer cho một công ty điện toán lớn, còn thằng nhỏ thì mới năm thứ hai cũng computer luôn. Cả ba cha con cùng làm, học một nghề, trong nhà hiện có tới ba cái máy PC, tụi nó chê máy của tao cũ, chậm quá, đâu có thèm xài chung”.
“Mầy có tính về Việt Nam chơi một chuyến không? Tao sẽ lo cho mầy hết.”
“Tao muốn lắm, nhưng mà hiện nay chưa tính được, vì tao còn phải lo cho thằng nhỏ nó học cho xong cái đả. Chắc phải vài ba năm nữa”.
“Hy vọng tới lúc đó tao còn khá hơn nữa, sẽ lo được cho mầy đầy đủ” Long móc bóp lấy ra đưa cho Hưng một cái danh thiếp, “còn đây là số điện thoại của tao, lâu lâu có rãnh mầy gọi cho tao nói chuyện chơi”.
“Thôi chừng nào tới đó hẳn hay”, Hưng vừa nhìn vào tấm danh thiếp vừa nói nhanh, để che dấu sự cảm xúc của mình trước tình bạn chân thành của Long.
Rời khỏi nhà hàng, hai người bạn thông thả đếm bước bên nhau dọc theo đường Spadina, hướng về phía Nam, lòng họ tràn ngập nổi vui vì đã lại gặp nhau, đã được biết về cuộc sống tương đối sung túc của nhau, về tương lai sáng sủa của con cái nhau. Hưng đặc biệt vui mừng vì được biết Long không còn là đảng viên nữa. Long bây giờ đã thật sự trở lại là Long của ngày xưa. Hưng yên tâm biết chắc rằng bây giờ hoàn toàn không còn gì ngăn cách giữa hai người nữa. Họ sẽ có thể viết thư thăm nhau, gọi điện thoại cho nhau, ngay cả có thể còn gặp được nhau nữa. Không còn phải chờ mười lăm, hai mươi năm như trước kia nữa. Tình bạn giữa họ đã vượt được qua tất cả chướng ngại của thời gian, thăng trầm của cuộc sống, và, đặc biệt hơn hết, ngay cả những đổi thay lớn lao của đất nước. Hưng chợt nghe văng vẳng đâu đây tiếng cười trong trẻo của mình và của Long trên sông Cầu Bông một buổi chiều mưa bên cạnh khu Miểu Nổi.