LỄ HỘI NGÀY XUÂN (Phần 1)
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
Ở Bình Định ngoài Lễ hội Tế Ông (cúng giỗ cá voi) ở làng Hưng Lương nhằm mồng 10 tháng 5 âm lịch và Lễ hội Đổ Giàn ở An Thái [1] vào rằm tháng 7 hằng năm, các lễ hội khác đều được tổ chức trong mùa xuân, nhiều nhất vào dịp Tết Nguyên Đán.
Những ngày cuối năm, 23 và 28 tháng chạp người ta rủ nhau mua sắm ở phiên Chợ Tết Gò Chàm. Sáng ngày mồng 1 và mồng 2 đầu năm, dân chúng có lệ xuất hành, gặp nhau ở Hội Tết Chợ Gò. Rồi mồng 5 Tết, hẹn nhau về thị trấn Phú Phong, dự Lễ hội Đống Đa. Sau ngày khai hạ, tại thành Bình Định, mở Hội Hát Xuân kéo dài hai ngày hai đêm. Đến mồng 10 tháng giêng là Lễ hội Cầu Ngư. Và ngay cả đồng bào Thượng, cũng đóng góp mừng xuân với Lễ hội Đâm Trâu, được tổ chức hằng năm, tại các buôn làng huyện Vĩnh Thạnh [2].
Những lễ hội thường tổ chức tại miền quê, không một lời quảng cáo hay nhắc nhở thúc giục, nhưng hội nào cũng đông nghẹt người. Dân chúng từ các nơi đổ về, quần áo tươm tất, tấp nập các ngả đường dẫn vào lễ hội bằng đủ loại phương tiện, cũng “ngựa xe như nước áo quần như nêm” (Truyện Kiều, Nguyễn Du). Với dáng điệu thảnh thơi, mặt mày hớn hở, chứng tỏ “Tháng giêng là tháng ăn chơi” (ca dao). Những gì chật vật trong năm cũ, họ tạm quên để nới rộng việc chi tiêu, sắm sửa, đãi đằng. Dù gì đi nữa, quan niệm “Có đói cũng ngày Tết, có hết cũng ngày mùa” (tục ngữ) đã ăn sâu vào lối sống của người dân Bình Định.
I – CHỢ TẾT GÒ CHÀM
Cách phường Bình Định (thị xã An Nhơn) chừng 2 cây số về phía Bắc, chợ Gò Chàm toạ lạc trên một khoảnh đất cao, rộng chừng 2 mẫu tây, phía Bắc giáp sông Cầu Chàm, phía Tây sát Quốc lộ 1. Ngày nay, nơi ấy, nhà cửa mọc lên san sát, lại có một bệnh xá, không còn dấu vết gì về một ngôi chợ lớn nhất tỉnh; nhưng địa giới là cây cầu nối liền Quốc lộ 1 vẫn còn đó, và vẫn giữ nguyên cái tên “Cầu Chàm” như thuở nào.
Theo các vị bô lão, ngày xưa, chợ này có tên chữ là Lam Kiều Thị (藍 橋 市), có dựng trụ ngay trước chợ khắc ba chữ ấy. Vùng này, thời Minh Mạng thuộc làng An Ngãi, tổng Thời Đôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn. Người ta gọi nơi đây là xứ Lam Kiều vì xưa kia trồng nhiều cây chàm để nhuộm vải. Thế thì đúng ra phải gọi là chợ Cầu Chàm nhưng dân chúng lại quen gọi là chợ Gò Chàm. Bởi đó, có người còn cho rằng chợ được lập trên vùng đất gò, có nhiều mồ mả của người Chàm nên mới gọi là chợ Gò Chàm.
Năm 1940, chợ Gò Chàm dời vào khu đất phía Đông Bắc bên ngoài thành Bình Định. Chợ mới sát với khu phố của Thị trấn và đổi danh hiệu là chợ Bình Định (nay là trung tâm thị xã An Nhơn và thuộc phường Bình Định). Thế nhưng, dân chúng vẫn quen gọi tên cũ: chợ Gò Chàm. Ở địa điểm mới, chợ vẫn giữ vai trò lớn nhất tỉnh, nhóm họp hằng ngày và mỗi tháng có 6 lần chợ phiên vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28. Ngoài ra, xưa nay vẫn giữ lệ phiên chợ 23, 28 tháng chạp âm lịch nhóm suốt ngày đêm và đông hơn tất cả các phiên khác trong năm.
Phiên chợ Tết khác với phiên thường, vì có nhiều người đến chợ chỉ để dạo chơi, ăn uống, thết đãi bạn bè, và càng về đêm người dạo càng đông. Người đi chợ để mua bán cũng tăng lên gấp nhiều lần, vì phiên chợ này không thiếu món sơn hào hải vị nào cần mua sắm làm cỗ dọn Tết. Họ réo gọi nhau tốp năm, tốp ba, cùng đến chợ cho vui, trong bài vè Chợ Gò Chàm đã diễn tả quang cảnh rộn rịp ấy:
Bớ chị em ơi! Đi chợ
Chợ nào bằng chợ Gò Chàm
Tôm tươi cá trụng thịt bò thịt heo
Còn thêm bánh đúc bánh xèo,
Bánh khô bánh nổ bánh bèo liên u.
Những còn cá chép cá thu,
Cá ngừ cá nục cá chù thiệt ngon.
Người cần mua sắm quần áo, nữ trang để chưng diện trong dịp Tết, đến chợ Gò Chàm tha hồ lựa chọn cho vừa ý:
Những còn hàng dép hàng giày
Nón ngựa, nón chóp bán rày liên thiên.
Lại còn những món nhiều tiền
Cà rá, hột đá, dây chuyền, dầu thơm…
Chợ Gò Chàm còn có riêng một khu chuyên bán súc vật, quen gọi là chợ Bò. Tuy đặt tên như vậy nhưng người ta đem bán đủ các loại gia súc: từ trâu, bò, heo, dê, cừu đến gà, vịt, ngỗng, chim chóc… Ngay cả thú rừng, mới vừa săn bắt hay đã thuần hoá, cứ đến chợ Gò Chàm, nhất là phiên chợ Tết thì có đủ. Một đặc điểm nữa, phiên chợ Tết có bán gà thiến, cho thịt thơm ngon, mềm và béo, dùng vào việc làm lễ vật đi Tết rất thông dụng. Dân trong vùng có tục lệ “Mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy.” Nào là chàng rể lễ Tết cha mẹ vợ, tân gia đi Tết thầy địa và thợ cả dựng nhà, tang gia lễ Tết thầy liệm thầy cúng, võ sinh lễ Tết sư phụ, học trò đi Tết thầy cô giáo… rầm rộ thành phong trào lễ Tết hằng năm.
Trong hai phiên chợ Tết Gò Chàm, phiên 23 lớn hơn và vui hơn vì ngày Tết tương đối còn xa, đủ thời gian kịp mua, kịp bán. Nhiều thương nhân từ các tỉnh khác chở hàng hoá đến bán:
Xem ra chẳng thiếu hàng nào,
Quảng Nam Quảng Ngãi cũng vào cũng vô
Có cả những lái buôn miền núi chở lâm sản xuống, và mua sỉ hàng hoá, thực phẩm ở đồng bằng đem về xứ, bán lại kiếm lời:
Buôn mọi bán rợ
Mấy chú An Khê
Ở trển đem về,
Xấp trầu nài rễ…
Phiên chợ 23 còn một điểm thuận tiện nữa, vừa lúc các trường thi xong kỳ đệ nhất lục cá nguyệt, chuẩn bị liên hoan, chia tay về nghỉ Tết. Những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, ở thị trấn Bình Định có 3 trường Trung học Đệ Nhị cấp: 1 công lập, 1 Bán công và 1 Tư thục, và thêm 1 trường Tiểu học. Các thầy cô và học sinh đều rỗi rảnh, họ rủ nhau dạo chợ đêm, mua vài món hàng đặc sản đem về xứ làm quà Tết; cả nhân viên các ngành đóng ở An Nhơn cũng tham gia. Nhờ thế, chợ Tết càng đông khách dạo, chen chúc với kẻ bán người mua, suốt đêm dập dìu tấp nập, vui không xiết kể.
Phiên chợ 28, cận ngày Tết quá. Nhất là những năm gặp phải tháng thiếu (chỉ có 29 ngày), vắng khách phương xa nhưng bù lại phiên cuối năm đặc biệt có thêm chợ hoa:
Đường cát Dương An
Dĩa bàn nội phủ
Thêm đủ hàng hoa…
Người ta đến xem hoa, mua hoa, nơi hội ngộ của nghệ nhân trong vùng và tao nhân mặc khách. Ở đây, có đủ loại hoa kiểng, từ những cội mai núi hình thù kỳ dị đến những cành mai vườn đầy ắp nụ. Chỉ cần mua vài chậu hoa lạ, đem về tô điểm cho giàn cây kiểng [3] sẵn có là thấy cảnh nhà hực hỡ lên rồi.
Sau phiên chợ 28, hầu như trong tỉnh không còn phiên chợ nào đáng kể nữa, dân chúng cũng cần ở nhà lo làm cỗ cúng rước ông bà, chuẩn bị đón giao thừa.
II – HỘI TẾT CHỢ GÒ
Người ta quen gọi là Chợ Gò, thật ra chẳng thấy chợ búa đâu cả. Không một túp lều, các ngày trong tháng không thấy một ngày nào nhóm chợ. Dù chỉ vài mươi người, mua bán nho nhỏ như một chợ xổm, cũng chẳng có. Nơi đó, chỉ là một bãi đất bằng phẳng cao ráo, rộng chừng 2 mẫu tây. Thời Minh Mạng, Chợ Gò thuộc thôn Phong Đăng, tổng Tuy Hà, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định; nay là thôn Phong Thạnh thuộc thị trấn Tuy Phước.
H 1: Hội Chợ Gò Tết Nhâm Dần – 1962.
(Ảnh: Lê Quang Mỹ, Cuongde.org)
Nơi đây, địa thế hiểm yếu, phong cảnh lại hữu tình; phía Đông và Nam có núi Trường Úc ôm choàng, phía Tây giáp Quốc lộ 1 cũ, phía Bắc có nhánh sông Tọc, thuộc nguồn Hà Thanh, chảy qua với bờ cao dốc, có hàng cây san sát lòa xòa soi bóng. Nếu không muốn nói là đất thiêng thì ít ra trên thực tế nơi đây là bãi đất bất khả xâm phạm. Tuy gần khu dân cư đông đúc nhưng xưa nay, chưa ai lấn chiếm cất nhà hay trồng tỉa hoa màu.
Tương tuyền, thời Tây Sơn, nơi đây dùng làm chỗ tập trận của quân đội. Bộ binh đóng đồn trên núi Trường Úc, thủy quân từ đầm Thị Nại vào cửa Làng Sông, rồi ngược dòng sông Tọc đổ bộ lên Trường Úc, hai bên thủy bộ giáp chiến. Để khuây khỏa nỗi nhớ nhà trong dịp Tết, các tướng Tây Sơn tổ chức vui chơi ngay trên bãi thao trường vào sáng ngày mồng 1 và mồng 2 Tết. Và khi trời vừa xế bóng, thân nhân phải ra về để binh sĩ chuẩn bị canh phòng nghiêm nhặt về đêm. Vì vậy, hằng năm các gia đình binh sĩ theo lệ đến nơi đây thăm chồng, con. Dân địa phương đem hoa quả, thức ăn, nước uống ra bán, lâu năm thành lệ. Khi quân Tây Sơn tan rã, nơi ấy trở thành Hội Tết Chợ Gò. Mỗi năm chỉ họp chợ hai ngày: mồng 1, mồng 2 tháng giêng và cũng quen lệ tan chợ vào lúc xế trưa.
Chợ Gò có tính cách hội vui xuân dân gian hơn là phiên chợ. Từ người bán đến khách hàng đều mặc quần áo mới, nói cười vui vẻ, mặt tươi như hoa. Các bà, các cô phấn son trang sức lộng lẫy như dự lễ cưới. Từ mờ sáng ngày đầu năm, chợ đã nhóm, ai đến trước bày hàng trước, ai đến sau kế tiếp thành dãy. Không ai đứng ra sắp đặt tổ chức, thế mà vẫn trật tự, không hề tranh giành bán buôn theo lối kẻ chợ thông thường. Người bán là những cư dân quanh vùng, thu góp trong vườn mớ trái cây, gánh rau cải, vài buồng cau, vài xấp trầu; họ đem đến bán lấy hên đầu năm. Người mua, không phải là thiếu thức ăn nhưng muốn đem về nhà cái lộc đầu năm; nhất là gian hàng trầu cau, các cô thường mua cầu may cho năm mới gặp duyên thắm tình nồng.
H 2: Dãy hàng bán trầu cau trong Hội Tết Chợ Gò.
(Ảnh: Cuongde.org)
Vui vẻ nhất là các gian hàng pháo, bán đủ loại, nào pháo tre, pháo tống, pháo điển, pháo chuột, pháo dây, pháo thăng thiên, pháo bông… Đó đây, giọng lái buôn chào hàng ngâm nga câu vè [4] theo điệu bài chòi:
Mời chư vị giai nhân tài tử
Tới đây nghe tôi thử pháo tre
Của bán ra không phải nói khoe
Thời thực vật sắm vừa túc dụng
Có pháo nhiều đốt mới vui tình
Từ cựu thời bộc trước nhi thinh
Có pháo mới văn minh xuân nhựt
Dưới con cháu cũng vui cũng ức
Trên ông bà khỏi bực khỏi phiền
Nếu như mà cứ giữ tiếc tiền
Lấy gì đặng minh niên hỉ hạ…
Năm mới, người ta kiêng cữ nhất là mua phải pháo điếc, đốt không nổ, gây xui xẻo cho cả năm. Khai thác tâm lý ấy, người bán pháo cao giọng quảng cáo hàng:
…Mua pháo nầy về đốt
Vốn tôi không nói tốt
Hay thiệt tình có một mình tôi
Nhiều người bán xảo làm mồi
Đốt đây khá, về rồi lại dở
Có kẻ làm, kêu cũng đỡ
Vấn nhiều tay, tôi sợ không đều
Của bán ra là biết bao nhiêu
Một mình vấn nên kêu đều đặn
Mười như chục tiếng kêu đúng đắn
Đốt cả trăm cũng chẳng điếc câm
Tiếng nổ lên chuyển động sơn lâm
Như đại bác vang gầm trời đất
Hễ đốt thì xác tan bay mất
Không khi nào gió phất ngún hừng
Của tôi làm, tôi đã biết chừng
Xin quí vị mua đừng có ngại…
Các gian hàng bán đồ chơi trẻ em cũng vui nhộn không kém. Đặc biệt nhất, những sản phẩm thô sơ làm bằng vật liệu địa phương, thuần túy Việt Nam như: Gà cồ chút chít nặn bằng đất sét, rỗng ruột, sơn phết xanh đỏ, có lỗ thổi phát ra tiếng ò..ó..o…. Trống rung (trống bỏi), thành và cán bằng tre phất bong bóng heo hay da ếch, tra hai dây đính cục chì nhỏ, mỗi lần rung tạo âm thanh thật vui tai. Ngoài ra còn vài thứ đồ chơi mang vẻ máy móc như: thằng nhào, cối xay lúa, cối giã gạo, tướng quân múa võ… tất cả đều làm bằng tre hoặc gỗ cây gòn. Từ cuối thập niên 60, có xen những đồ chơi “hiện đại” bằng nhựa hoặc bằng kim loại như búp bê, xe tăng, tàu bay, súng lục… nhưng vì đắt giá hay chưa quen với thị hiếu nên ít thông dụng.
Những gian hàng thức ăn, nước giải khát cũng góp mặt không kém. Các món đặc sản địa phương được khách hàng ưa thích như nem Chợ Huyện [5] của Bảy Ù, chim mía nướng ở Lộc Lễ [6] rượu nếp và rượu gạo ở Trường Thuế, dân chúng quen gọi là Trường Thế [7], đã mãi mãi đi vào lòng ca dao của dân tộc:
Rượu ngon Trường Thuế mê ly
Gặp nem Chợ Huyện bỏ đi không đành.
Đến với chợ Gò không những chỉ để ăn uống, mua rau quả lấy lộc, mua pháo lấy hên đầu năm, hoặc để thưởng thức tài viết chữ “phượng múa rồng bay” trên liễn đối. Đến với chợ Gò còn có đủ các trò vui chơi mang màu sắc dân gian như đánh bài chòi, chơi lô tô, giải đáp câu thai, đánh cờ tướng, đá gà… Nếu ai nặng máu đỏ đen thì tha hồ sát phạt ở các sòng bạc như xóc dĩa, bầu cua tôm cá, xì lác… Nhưng, phần lớn họ đến đây để gặp gỡ bạn bè, trao nhau những lời chúc tụng, kéo nhau đi xem chợ. Và khi mặt trời đứng bóng, họ chia tay ra về.
Hội Tết Chợ Gò đơn giản chỉ có thế nhưng rất vui, đậm đà tình bạn, tình quê hương. Năm nào bận việc không đến được vẫn thấy tiếc. Vì thế, từ sáng sớm, đoạn đường Quốc lộ 1 cũ, ngã tư Phủ Mới [8] đến ngã ba Chợ Dinh [9], khoảng 5 cây số, đông ngẹt người đi, xe chở hành khách không thể qua lại được. Muốn đến chợ Gò phải xuống xe, đi bộ vài cây số. Cũng có thể dùng xe đạp hay xe gắn máy đến gần địa điểm, rồi tìm chỗ gửi xe an toàn, mới rảnh tay vào cuộc vui xuân.
III – LỄ HỘI ĐỐNG ĐA
Lễ hội Đống Đa được tổ chức từ năm 1960 vào ngày mồng 5 Tết, địa điểm hành lễ là điện thờ Tam Kiệt Tây Sơn ở thôn Kiên Mỹ (xã Bình Thành, quận Bình Khê cũ) nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất của tỉnh Bình Định.
Lần giở lại trang sử oai hùng của dân tộc, cuối năm 1788 vua Càn Long (Qian Long) nhà Thanh (Qing) sai Tôn Sĩ Nghị (Sun Shi Yi) đem 20 vạn quân sang chiếm nước ta. Trước khí thế mạnh như vũ bão của giặc, ngày 21 tháng 11 năm Mậu Thân (18- 12- 1788) Tư mã Ngô Văn Sở nghe theo lời bàn của Ngô Thời Nhậm, cho chuyển quân từ Thăng Long về đèo Tam Điệp để bảo toàn lực lượng.
Ngày 24 tháng11 năm Mậu Thân (21- 12- 1788), tin cấp báo về tới Phú Xuân. Ngày 25 tháng 11, Nguyễn Huệ làm lễ đăng quang ở Bàn Sơn (phía Nam núi Ngự Bình). Và chỉ 4 ngày sau (29- 11), Hoàng đế Quang Trung (光 中) cùng đại binh đã có mặt tại Nghệ An. Nhà vua cho dừng quân ở đây để tuyển thêm tân binh và hội kiến với La Sơn Phu Tử.
Ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân, đại quân đến núi Tam Điệp. Quang Trung tuyên bố trước tướng sĩ: “Chỉ nội mười ngày nữa ta sẽ đuổi hết được giặc Thanh. Bữa nay ta ăn Tết Nguyên Đán trước, sang xuân ta sẽ ăn Tết Khai Hạ vào ngày mồng Bảy ở Thăng Long.” [10]
Quang Trung chia quân làm 3 đạo:
– Đại Đô đốc Lộc và Đô đốc Tuyết lãnh hữu quân (có sách chép là tả quân) đi đường biển. Đại Đô đốc Lộc theo sông Lục Đầu tràn lên Bắc Ninh và Bắc Giang, đóng chốt từ Yên Thế đến Lạng Giang, Phượng Nhãn, chận đường về của giặc. Còn Đô đốc Tuyết đổ bộ vào Hải Dương tiếp ứng cho mặt trận miền Đông.
– Đại Đô đốc Bảo và Đô đốc Long (có sách chép là Mưu) đem tả quân, có tượng và kỵ binh tăng cường, đi bọc đường núi đánh tạt cạnh sườn vào phòng tuyến địch. Đại Đô đốc Bảo mở mặt trận phía Tây, dùng tượng binh từ huyện Sơn Minh (phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng) đánh vào các căn cứ địch ở xã Đại Áng, Nguyệt Áng (tổng Vĩnh Hưng Đặng, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng). Còn Đô đốc Long đem tượng binh và kỵ binh đi đường tắt từ huyện Chương Đức (thuộc phủ Ứng Thiên, năm 1814 đổi thành phủ Ứng Hoà) đến huyện Thanh Trì (thuộc phủ Thường Tín), hành quân chớp nhoáng từ Tây Bắc xuống Nam, chiếm gọn hai căn cứ Nhân Mục và Yên Quyết, rồi nửa đêm mùng 4 Tết vây kín đồn Khương Thượng. Đề đốc Sầm Nghi Đống (Cen Yi Dong), nhà Thanh, chưa kịp xoay trở thì mũi nhọn cảm tử quân Tây Sơn đã phá vỡ thành xông vào như nước vỡ bờ. Đống phải mở đường máu chạy về Thăng Long nhưng khi đến gò Đống Đa, lại bị một cánh quân của Đô đốc Long đón sẵn, bí đường hắn phải thắt cổ tự ải.
– Đạo quân thứ ba do chính Quang Trung thống lãnh cả ba doanh Tiền, Trung, Hậu quân; có Tư mã Sở và Nội hầu Lân lãnh Tiền quân làm mũi nhọn tiên phong. Tân binh ở Nghệ An, sung vào Trung quân do nhà vua trực tiếp chỉ huy. Hậu quân có Hô Hổ hầu [11] thủ vai đốc chiến và đề phòng địch tập hậu. Ngày 30 tháng chạp, đại quân vượt bến đò Gián Khuất (Ninh Bình), dùng chiến thuật đâm so đũa tức là ngược chiều tiến quân của giặc, chớp nhoáng hạ các đồn Thanh Liêm, Nhật Tảo, Phú Xuyên, Hà Hồi, Ngọc Hồi…
Sáng mùng 5 Tết, tại cung Tây Long, Tôn Sĩ Nghị (Sun Shi Yi) đang sốt ruột theo dõi mặt trận phía Nam, bỗng nghe tin cấp báo quân của Đô đốc Long như trên trời giáng xuống, tiến vào cửa Tây với khí thế ngùn ngụt. Nghị hoảng quá, không kịp mặc áo giáp, bỏ cả sắc thư và ấn tín, vội nhảy lên ngựa chưa kịp thắng yên cương, chạy thoát ra thành Thăng Long, cướp đò qua sông Phú Lương. Quân Thanh tranh nhau chạy theo, Nghị sợ quân Tây Sơn đuổi kịp, chặt ngay cầu phao để dứt đường phía sau. Quân Thanh đang ứ nghẽn trên cầu, bị ném cả xuống sông, chết chìm quá nửa quân số.
Chính sử gia Tiêu Nhất Sơn (Xiao Yi Shan), tác giả bộ Thanh Đại Thông Sử (清 代 通 史), Quyển trung (卷 中), trang 139 (一 三 九), cũng đã nhìn nhận sự thảm bại của quân Thanh:
清 兵 衆 寡 不 敵, 昏 暗 中 自 相 蹂 𨈆, 維 祁 契 家 先 遁, 滇 師 聞 礮 聲 震 天, 亦 退 走, 士 毅 奪 渡 富 良 江, 卽 斬 浮 橋 以 斷 後, 於 是 清 軍 在 南 岸 者 不 得 渡, 自 提 督 許 世 亨 以 下, 溺 死 者 數 逾 全 軍 之 半。
“Thanh binh chúng quả bất địch, hôn ám trung tự tương nhựu lận. Duy Kỳ khiết gia tiên độn, Điền sư văn pháo thanh chấn thiên, diệc thối tẩu, Sĩ Nghị đoạt độ Phú Lương giang, tức trảm phù kiều dĩ đoạn hậu, ư thị Thanh quân tại Nam ngạn giả bất đắc độ, tự Đề đốc Hứa Thế Hanh dĩ hạ, nịch tử giả sổ du toàn quân chi bán.”
Trác Như dịch:
“Quân Thanh chống không nổi, trong sự tối tăm tự giẫm xéo lên nhau. Duy Kỳ (tức vua Lê Chiêu Thống) bồng bế gia đình trốn trước, quân Vân Nam nghe tiếng súng đại bác rền trời, cũng chạy thoái lui, Sĩ Nghị cướp đò qua sông Phú Lương, chặt ngay cầu phao để dứt đường phía sau, thế là quân Thanh bên bờ phía Nam không qua sông được, từ Đề đốc Hứa Thế Hanh (Xu Shi Heng) trở xuống, chết chìm tính vượt quá một nửa số quân.” [12]
Trong lịch sử Việt Nam, nhiều lần đánh đuổi quân ngoại xâm, nhưng chỉ có lần này quét sạch 20 vạn quân Thanh trong vòng 5 ngày và sớm hơn dự định 2 ngày. Trên hết là thiên tài quân sự của Đại đế Quang Trung. Bên cạnh đó, có 3 người góp công đắc lực, làm nên kỳ tích quân sự Mùa Xuân Năm Kỷ Dậu:
H 3: Thanh Đại Thông Sử, Quyển trung, trang 139.
(Đặc San Bình Định Bắc California – 2001, trang 229)
– Một văn thần đầy mưu lược và lòng cả quyết, người làng Tả Thanh Oai, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, sau là tỉnh Hà Đông. Ông đã thuyết phục đám võ thần theo chiến lược “Dĩ dật đãi lao” (以 逸 待 勞), dưỡng lấy cái nhàn cho quân ta để chống lại cái mệt nhọc của giặc, rất hợp ý của Quang Trung. Đó là Hy Doãn Ngô Thì Nhậm (吳 時 壬; 1746 – 1803), ngôi sao sáng của sĩ phu Bắc Hà.
– Một ẩn sĩ người làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc Hà Tĩnh). Trong chiến dịch đại phá quân Thanh, Ông đã hiến kế “Quân quý thần tốc” (軍 貴 神 速) cũng hợp ý với nhà vua. Đó là Lam Hồng dị nhân Nguyễn Quang Thiếp (阮 光 浹; 1723 – 1804) [13], sau bỏ chữ Quang vì kiêng húy, được người đời phong danh hiệu La Sơn Phu Tử (羅 山 夫 子).
– Một danh tướng của miền đất võ Bình Định, với chiến thuật sét đánh ngang tai, uy hiếp tinh thần địch quân đến cùng độ. Chỉ một đêm, Sầm Nghi Đống (Cen Yi Dong) sợ quá phải tự tử. Chỉ một sáng, dồn Tôn Sĩ Nghị phải chạy trốn một cách nhục nhã. Đó là Đô đốc Đặng Văn Long (鄧 文 隆), tự là Tử Vân, người huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn (nay là tỉnh Bình Định), được người đời phong danh hiệu Đặng Thiết Tý (鄧 鐵 臂), cánh tay của họ Đặng cứng như sắt.
Năm 1802, Gia Long (嘉 隆) lật đổ được nhà Tây Sơn (西 山). Ngôi nhà từ đường, nơi ba anh em Tây Sơn chôn nhau cắt rún, bị san bằng; chỉ có cái giếng là di tích còn lại. Sau nhờ sáng kiến của dân làng, ngôi đình Kiên Mỹ [14] được dựng lên trên khu đất ấy. Mặt ngoài, lập đình để thờ thần nhưng trong lòng, không ai bảo ai, họ vẫn ngầm hiểu lập ra để thờ Tam Kiệt Tây Sơn. Mỗi lần tế xuân thu, họ không bao giờ đọc văn tế mà chỉ khấn vái thầm.
Trong thời Việt Minh (1945 – 1954), đình Kiên Mỹ bị phá hủy. Năm 1960, nhân dân quận Bình Khê góp công của lập đền thờ Tây Sơn, trên khu đất ấy. Điện thờ có ba gian, gian giữa thờ Quang Trung (光 中), gian hai bên thờ vua Thái Đức (泰 德) và Đông Định Vương Nguyễn Lữ (東 定 王 阮 侶) cùng các tướng sĩ. Nơi đây, hằng năm, tỉnh Bình Định tổ chức lễ Đống Đa, số người trẩy hội lên đến hàng trăm ngàn người. Dân chúng cho rằng ăn Tết mà không biết đến hội dân gian ở Chợ Gò là điều đáng tiếc, nhưng không đi dự Lễ hội Đống Đa thì coi như năm ấy chưa hưởng trọn hương vị Tết của tỉnh nhà.
H 4: Từ các ngả đường, đoàn người kéo về
Lễ Hội Đống Đa năm 1972, tại Kiên Mỹ.
(Ảnh: Lê Quang Mỹ, Cuongde.org)
Sáng ngày mồng 5 Tết, đoạn quốc lộ 19 từ ngã ba Cầu Gành [15] đến thị trấn Phú Phong, khoảng 30 cây số, đông nghẹt xe cộ. Người ở Tuy Phước, Qui Nhơn, lên cầu Gành bằng hai ngả đường, ngang qua thị trấn Tuy Phước và thị trấn Diêu Trì [16]. Người ở tận đèo Cù Mông [17], thị trấn Phú Tài và tỉnh Phú Yên, theo Quốc lộ 1 (đường mới) ra cầu Gành. Người ở huyện Vân Canh [18] và xã Phước Thành, theo liên tỉnh lộ 638 (LTL 6 cũ) đến Diêu Trì rồi ra cầu Gành. Người ở cao nguyên An Túc [19], xuống đèo An Khê rồi theo quốc lộ 19. Người ở huyện Vĩnh Thạnh thì xuôi dòng sông Côn, hay theo tỉnh lộ 637 (TL 3 cũ) về dự hội. Người ở tận miền Bắc Bình Định như các huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát [20] cũng theo quốc lộ 1 vào cầu Gành. Người ở An Nhơn thì từ thị trấn Bình Định đi đường tắt đến An Thái, rồi qua ngả Bình Nghi, Tây Xuân, đến Phú Phong.
Muốn xem trọn vẹn Lễ Đống Đa, phải đến Điện thờ Tây Sơn từ trưa mồng 4 Tết, vì chiều hôm đó các nghi lễ cổ truyền được tổ chức. Lễ tế rất long trọng, cả khu vực rộng lớn, cờ lọng nghi trượng rợp trời, chiêng trống rền vang. Người xem, cảm thấy lòng mình hòa nhập vào hồn thiêng sông núi, vào địa linh nhân kiệt. Tối hôm ấy, phải ngủ trọ tại xã Bình Thành, tốt nhất là tại thôn Kiên Mỹ để sáng sớm hôm sau kịp chen chân đến khu vực hành lễ.
Chương trình ngày mồng 5, tuy có thay đổi hằng năm, nhưng các mục chính thì năm nào cũng có: Đó là bài diễn văn ôn lại lịch sử Tây Sơn với cuộc đại phá quân Thanh, biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn và thao diễn trận pháp.
Tiết mục võ thuật Tây Sơn, trong những năm đầu thập niên 70, người ta thường thấy nữ võ sĩ Thanh Tùng, con nhà võ ba đời lừng danh đất Tây Sơn, biểu diễn các bài quyền như Lão Mai Độc Thọ hay các bài roi như Tấn Nhất Ô Du, được tán thưởng với biệt danh “Hổ Cái Miền Trung.”
Tiết mục nhạc võ Tây Sơn, môn nghệ thuật độc đáo của Bình Định. Người biểu diễn phải có tâm hồn nghệ sĩ, vừa là bậc võ siêu đẳng và luyện đôi tay thần diệu để “múa” hai roi trống. Người biểu diễn còn phải tác dụng lên tròng trống, vành trống, thân trống bằng cả hai bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, cánh tay tiếp xúc vào một bộ trống gồm 12 chiếc, lớn nhỏ khác nhau, gọi là Song thủ đả thập nhị cổ (đôi tay đánh 12 cái trống), tạo nên những âm thanh hùng tráng khác lạ. Khiến người xem như bị lôi cuốn thúc giục [21].
Tiết mục biểu diễn chiến trận Đống Đa, lại càng hào hứng và hấp dẫn hơn nữa. Hoạt cảnh được tổ chức trên địa thế qui mô, dàn dựng công phu, tập dượt chu đáo. Cuộc thao diễn, cả ngàn người tham gia, với cờ xí, chiêng trống, sắc phục, đồn lũy y như cảnh thật. Người xem tưởng mình đang sống trong thời đại Tây Sơn, dậy lên lòng tự hào dân tộc. Và từ đó, muốn làm một việc gì để đời cho đất nước, cho quê hương.
Có những năm, dân Bình Định còn được xem lực lượng Quân Đoàn II biểu diễn. Trên trời, các phi đoàn oanh kích, dưới đất, bộ binh tiến chiếm mục tiêu, với xe tăng và pháo binh yểm trợ rầm rộ. Người xem được ôn cố trí tân, vừa ngưỡng mộ kỳ tích của tiền nhân, vừa hài lòng với thành quả hôm nay, làm nức lòng tuổi trẻ.
Lễ hội được tổ chức trong tỉnh Bình Định, nhưng là tầm cỡ quốc gia, vì có đông quan khách cấp trung ương của các ngành hành chánh, quân sự, văn hoá, giáo dục và các nhà trí thức từ Sài gòn ra dự.
H 5: Chính khách Hồ Hữu Tường
từ Sài Gòn ra dự Lễ Hội Đống Đa, 1967.
(Ảnh: Lê Quang Mỹ, Cuongde.org)
IV – HỘI HÁT XUÂN
Hội Hát Xuân có từ lâu, có lẽ phát xuất từ lúc tỉnh thành Bình Định được xây dựng vào năm Mậu Thìn (1808), Gia Long thứ 7, khi khánh thành có hát bội mừng. Từ ấy, năm nào cũng tổ chức hát xướng, lâu năm thành lệ.
Hằng năm, sau Tết Nguyên Đán, trong tháng giêng âm lịch, có lệ hát bội tại thành Bình Định. Quen gọi là Hát Xuân, do quan đầu tỉnh tổ chức. Đám hát này lớn nhất, tổ chức chu đáo nhất, diễn xuất hay nhất và khán giả cũng đông đảo nhất, so với các cuộc hát xướng trong năm tại tỉnh nhà.
Con hát được lựa chọn toàn đào kép thượng thặng, rút ra từ các gánh hát trong tỉnh, nên gọi là “hát rút.” Hát Xuân cũng chỉ diễn lại các tuồng nổi tiếng như: Sơn Hậu, Phụng Nghi Đình, Ngũ Hổ Bình Tây, Hộ Sanh Đàn, Diễn Võ Đình, Tân Dã Đồn, Tam Nữ Đồ Vương… nhưng rất hấp dẫn, vì đào kép xuất sắc đảm nhận từ vai chính đến các vai phụ, nên diễn xuất hoàn hảo từ đầu đến cuối.
Mặc dù sân khấu đặt ngay tại sảnh đường rộng lớn, nhưng các quan lại và dân chúng, từ các nơi đổ về đông nghẹt. Ban tổ chức phải cất nhà tạm bằng tranh tre để dung nạp quan khách có chỗ ăn uống và nghỉ ngơi. Tuy là nhà tạm nhưng cũng xén cắt mái tranh ngay thẳng, trần thiết kỹ lưỡng, cũng trướng rủ màn che, liễn hoành rực rỡ.
Tỉnh có đội lính dàn chào để đón quan khách, cờ lọng rợp trời, gươm tuốt trần, súng cầm tay trông thật long trọng. Ngày khai mạc, có đủ mặt các quan lớn nhỏ trong tỉnh và có nhiều đại biểu từ các nơi khác đến dự. Hàng ghế đầu, ngồi giữa là quan Tổng đốc, bên tả có quan Bố chánh, bên hữu có quan Án sát, ngoài ra còn có các vị thượng khách, các quan đại thần về hưu. Thường thì quan đầu tỉnh lãnh vinh dự cầm chầu điều khiển cuộc hát. Tuy nhiên, cũng có khi nhường lại roi chầu cho một vị quan khác, vì không rành hát bội. Những hàng ghế kế tiếp, lần lượt dành cho các tri phủ, tri huyện, các quan hưu trí, thân hào nhân sĩ, các viên thơ lại, rồi đến chánh phó tổng, các hương chức. Sau cùng là dân chúng, đứng xem trong trật tự, yên lặng. Mọi người, từ già trẻ, lớn bé đều phải mặc áo dài. Sang thì bận áo cặp, trong trắng ngoài đen; hèn thì cũng phải áo đơn. Đàn ông đội khăn đóng, đàn bà chít khăn hay đội nón.
Đám hát kéo dài suốt hai ngày hai đêm, diễn hết tuồng nầy đến tuồng khác, đào kép thay phiên nhau trình diễn liên tục. Sáng bắt đầu từ 7 giờ đến 11 giờ, chiều hát từ 1 giờ đến 5 giờ, tối tiếp tục từ 7 giờ đến quá nửa đêm và phải diễn cho hết tuồng mới thôi. Ban ẩm thực làm việc suốt ngày đêm, sẵn sàng cỗ bàn, mỗi ngày ba bữa chu đáo. Bò, heo, dê, gà vịt nhốt sẵn, cần thì đem ra xẻ thịt ngay.
Gánh hát nào có nhiều đào kép được quan tỉnh chọn vào đám Hát Xuân thì được nổi tiếng. Riêng cá nhân của diễn viên cũng có nhiều quyền lợi, được các quan thưởng tiền trong những pha độc đáo. Ai xuất sắc được xét ban cho phẩm hàm trong làng nghệ sĩ, như chức danh Chánh ca (hàm Chánh cửu phẩm rồi lên Tùng bát phẩm), Phó chánh ca, Quản ca… Vì thế, các diễn viên thi nhau trổ tài, đem hết ngón nghề ra cống hiến.
Năm 1934, dinh quan tỉnh dời về Qui Nhơn, thành Bình Định giao lại cho quan phủ. Tuy nhiên, hằng năm quan Tổng đốc vẫn về đây chủ trì việc Hát Xuân. Lần hát cuối cùng vào Xuân Ất Dậu (1945), sau đó là thời kỳ Việt Minh, thành Bình Định bị san bằng và Hội Hát Xuân cũng chấm dứt vĩnh viễn.
(Còn tiếp một kỳ nữa)
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
GHI CHÚ
[1] Thị tứ An Thái, nay thuộc thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
[2] Vĩnh Thạnh là huyện miền núi ở phía Tây Tây Bắc tỉnh Bình Định. Địa giới của huyện: Bắc giáp huyện An Lão, Nam giáp huyện Tây Sơn, Đông giáp huyện Hoài Ân và Phù Cát, Tây giáp huyện An Khê. Quá trình hình thành huyện Vĩnh Thạnh như sau:
– Năm 1917, lập địa bạ huyện Bình Khê, tổng Vĩnh Thạnh có 4 thôn là Vĩnh Thạnh, Vĩnh Khang, Quang Thuận, Thạnh Quang.
– Năm 1949, Nghị định số 904 MN/NĐ của UBKCHC miền Nam Trung Bộ ký ngày 15- 6- 1949, giải tán huyện Kim Sơn, nhập 3 xã vào Vĩnh Thạnh và nâng lên thành huyện, gồm 11 xã người Thượng là Vĩnh An, Vĩnh Bình, Vĩnh Châu, Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hưng, Vĩnh Kim, Vĩnh Lâm, Vĩnh Nghĩa, Vĩnh Tường.
– Năm 1955, Vĩnh Thạnh cải biến thành nha.
– Năm 1958, Nghị định số 231- BNV/HC/NĐ của Bộ trưởng Nội vụ VNCH ký ngày 22- 5- 1958, lập thành quận Vĩnh Thạnh gồm12 xã vì có thêm xã Vĩnh Quang (người Kinh) nguyên là xã Bình Quang của quận Bình Khê.
– Năm 1965, chiến tranh lan tràn, Nghị định số 550- NV của Thủ Tướng VNCH ký ngày 6- 4- 1965 cải biến quận Vĩnh Thạnh trở lại nha và thuộc quận Bình Khê.
– Năm 1981, Quyết định số 41- HĐBT ký ngày 24- 8- 1981, tách Vĩnh Thạnh từ huyện Tây Sơn (Bình Khẽ cũ), lập thành huyện Vĩnh Thạnh gồm 6 xã là: Vĩnh Hảo (có huyện lỵ), Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa, Vĩnh Kim, Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn.
– Năm 1986, Quyết định số 137- HĐBT ký ngày 7- 11- 1986, chia lại ranh giới các xã trong huyện để có thêm xã Vĩnh Thịnh.
– Theo thống kê năm 1999, huyện Vĩnh Thạnh có 7 xã với diện tích 700 km² 79 và 25.671 người.
[3] Tiếng địa phương, chỉ chung cho một quần thể cây cảnh được trưng bày ở một nơi nào đó.
[4] Trần Đình Thái; Ai Có Về Qui Nhơn (Sài Gòn, Tủ sách đẹp Quê Hương xuất bản, 1973); trích bài Vè Bán Pháo, trang 33 và 34.
[5] Chợ Huyện: ngày xưa huyện Tuy Phước còn lệ thuộc vào phủ An Nhơn, huyện lỵ đặt tại thôn Hanh Quang (nay là thôn Quang Tín, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), nơi đây có một ngôi chợ, nên được gọi là Chợ Huyện. Năm 1906, huyện Tuy Phước được nâng lên thành phủ, và chuyển trụ sở đến địa điểm khác, nhưng chợ này dân chúng vẫn quen gọi là Chợ Huyện và tồn tại đến nay. Nơi đây, có quán nem ông Bảy Ù, rất ngon cả nem nướng lẫn nem chua, tiếng đồn “Nem Chợ Huyện” lan rộng các tỉnh Miền Nam Trung Việt.
[6] Lộc Lễ (祿 禮), địa phương quen gọi là Lục Lễ. Đời Gia Long, hồi năm 1815, là ấp Lộc Lễ khách hộ, thuộc (sau là tổng) Thời Tú, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn, trấn Bình Định. Đời Minh Mạng, hồi năm 1839, là thôn Lộc Lễ, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1946, họp xã lần đầu, Lộc Lễ thuộc xã Đức Thịnh, huyện Tuy Phước. Năm 1948, họp xã lần thứ hai, Lộc Lễ thuộc xã Phước Hiệp, huyện (quận) Tuy Phước cho đến nay.
[7] Trường Thuế tức là trường thu thuế (nơi đây ngày xưa có trường này), thuộc thôn Hữu Thành, trong thôn còn có chợ Trường Thuế và cách thị tứ Gò Bồi chừng 1 cây số rưỡi. Hồi năm 1839, Hữu Thành thuộc tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Trước năm 1945, Hữu Thành thuộc tổng Quảng Nghiệp, phủ Tuy Phước. Năm 1946, họp xã lần đầu, Hữu Thành thuộc xã Tài Lợi, huyện Tuy Phước. Năm 1948, họp xã lần thứ hai, Hữu Thành thuộc xã Phước Hòa, huyện (từ 1955 – 1975 gọi là quận) Tuy Phước cho đến nay. Đất Trường Thuế nổi tiếng về nghề làm ngói. Sau năm 1945, nơi đây có thêm nghề nấu rượu ngon. Người ta thường nói “lợp ngói Trường Thuế, uống rượu Trường Thuế” chứng tỏ biết chọn dùng những sản phẩm hảo hạng. Nhờ vậy, Trường Thuế tuy không phải là thôn nhưng vẫn trở thành một địa danh quen thuộc hơn cả tên Hữu Thành.
[8] Ngã tư Phủ Mới: Trung tâm thị trấn Tuy Phước, nơi Quốc lộ 1 gặp Liên tỉnh lộ 6 (nay là Tỉnh lộ 638), nối thị tứ Gò Bồi, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định với Chí Thạnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
[9] Ngã ba Chợ Dinh: còn gọi là Phủ Cũ, chợ nằm tại ngã ba Quốc lộ 1 cũ và đoạn nối với Quốc lộ 1 mới. Nơi đây, trước thuộc địa phận xã Phước Hậu, huyện Tuy Phước, từ 30- 9- 1970 (Sắc lệnh số 113- SL/NV của Thủ Tướng Chính Phủ VNCH) thuộc thị xã Qui Nhơn.
[10] Phạm Văn Sơn; Việt Sử Tân Biên, Quyển 3 (Sài Gòn, tác giả xuất bản, 1959); trang 431.
[11] Một tài liệu tải trên Google, cho rằng khi Nguyễn Huệ đánh quân Thanh năm 1789, Vũ Văn Dũng chính là Đô đốc “Hám Hổ hầu” đốc xuất hậu quân, làm đốc chiến. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, trang 372; Hoa Bằng, Quang Trung Nguyễn Huệ, trang 189, đều chép là “Hô Hổ hầu” (嘑 虎 侯)và không rõ tên họ, chỉ biết vị này làm đến Đô đốc. Hoa Bằng, sđd, trang 189, còn chép thêm: “Hô Hổ hầu, làm đến Đô đốc. Sau này, Hầu có đóng vai trung gian đưa thư của vua Quang Trung cho Thang Hùng Nghiệp (Tang Xiong Ye) nhà Thanh, rồi lại nhận thư của Nghiệp về việc bang giao mà chuyển đạt ý Nghiệp lên vua Quang Trung. Bức thư của Nghiệp đề ngày 18 tháng giêng năm Kiền Long 54 (1789) chính là gửi thư cho Hô Hổ hầu này.”
[12] Hội Ái Hữu Bình Định Bắc Cali, Đặc San Bình Định Bắc California 2001, trang 211 – 212, và trang 221.
[13] Việt Nam Sử Lược, trang 380, chép là: “Nguyễn Thiệp” có kèm theo chữ Nho “阮 浹” (phiên âm đúng là “Nguyễn Tiếp”); Việt Sử Khảo Luận, Cuốn 2, trang 870, cũng chép “Nguyễn Thiệp.”
Các tài liệu khác đều chép là “Nguyễn Thiếp” gồm có: Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch, Tập 2, trang 209; Việt Sử Tân Biên, Quyển III, trang 462; Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển, Quyển II, trang 863; Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, trang 650.
[14] Kiên Mỹ: Hồi năm 1815 là ấp Kiên Mỹ Khách Hộ, thuộc Thời Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn, trấn Bình Định. Hồi năm 1839 là thôn Kiên Mỹ, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1955 là ấp Kiên Mỹ, xã Bình Thành, quận Bình Khê; nay Kiên Mỹ thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn.
[15] Cầu Gành: Cây cầu bắc qua một chi nhánh của Nam phái sông Côn, phân ranh thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước. Đầu cầu phía Nam, thuộc thôn Phú Mỹ, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước có ngã ba nối Quốc lộ 1 và Pleiku bằng Quốc lộ 19 đi ngang qua thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Khê cũ).
[16] Ngày 11- 7- 1994, Nghị định số 66-CP của Chính phủ: Thành lập thị trấn Diêu Trì trên cơ sở diện tích và dân số của xã Phước Long. Thị trấn mới này có diện tích tự nhiên 538 hécta, dân số 10.578 (theo Nguyễn Quang Ân; Việt Nam Những Thay Đổi Địa Danh Và Địa Giới Các Đơn Vị Hành Chính 1945 – 1997 {Hà Nội, nxb Văn Hóa- Thông Tin, Hà Nội, 1997}; trang 599).
[17] Đèo Cù Mông ở cực nam Bình Định, xuyên qua dãy Nam Sơn, nối liền hai tỉnh Bình Định và Phú Yên.
[18] Vân Canh: huyện miền núi ở Tây Nam Bình Định. Địa giới của huyện: Bắc giáp huyện Tây Sơn và An Nhơn, Nam giáp huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Khánh), Đông giáp huyện Tuy Phước, Tây giáp huyện An Khê (tỉnh Gia Lai – Kon Tum).
Hồi năm 1815, ấp Vân Canh thuộc (sau là tổng) Thời Tú, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn, trấn Bình Định.
Hồi năm 1839 là thôn Vân Canh, tổng Tuy Hà, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Năm 1946, hợp xã lần thứ nhất, thôn Vân Canh thuộc xã Vĩnh Khánh, huyện Tuy Phước.
Năm 1948, hợp xã lần thứ hai, thôn Vân Canh thuộc xã Phước Thành, huyện Tuy Phước.
Năm 1949, Nghị định số 1135 VP/NĐ của UBKCHC/MNTB ký ngày 29- 7- 1949, sáp nhập thôn Mục Thịnh và thôn Vân Canh thuộc xã Phước Thành, lập huyện Vân Canh.
Năm 1958, Nghị định số 231- BNV/HC/NĐ của Bộ trưởng Nội vụ VNCH ký ngày 22- 5- 1958, lập thành quận Vân Canh gồm 10 xã: Canh Giao, Canh Hà, Canh Hưng, Canh Lãnh, Canh Lô, Canh Phong, Canh Sơn, Canh Thành, Canh Thịnh (đặt quận lỵ), Canh Thông.
Năm 1965, chiến tranh lan tràn, Nghị định số 550- NV của Thủ Tướng VNCH ký ngày 6- 4- 1965, cải biến quận Vân Canh thành nha và thuộc quận Tuy Phước.
Sau năm 1975, Tuy Phước và Vân Canh hợp nhất lấy tên ghép là huyện Phước Vân.
Năm 1981, Quyết định số 41- HĐBT ký ngày 24- 8- 1981, tách Vân Canh ra khỏi Phước Vân và lập huyện gồm các xã Canh Liên, Canh Thuận, Canh Hòa, Canh Hiệp. Huyện lỵ tại xã Canh Thuận.
[19] An Túc: quận miền núi ở phía Tây Bình Định. Thời VNCH, quận An Túc, Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi; Nam giáp tỉnh Phú Bổn; Đông giáp các quận An Lão, Vĩnh Thạnh, Bình Khê, Vân Canh; Tây giáp tỉnh Kon Tum và Pleiku.
Năm 1958, Nghị Định số 549- BNV/HC/P7/NĐ của Tổng Thống VNCH ký ngày 3- 10- 1958, tổng An Khê (năm 1959 cải thành An Túc) thuộc quận Tân An, tỉnh Pleiku.
Năm 1959, Sắc lệnh số 63- NV của Tổng Thống VNCH ký ngày 13- 3- 1959, thành lập quận An Túc thuộc tỉnh Bình Định, gồm: Các xã K. Gol, Kon Pong, Kon Vong (nguyên thuộc tỉnh Kon Tum) và toàn quận Tân An nguyên thuộc tỉnh Pleiku.
Cuối năm 1975, quận An Túc cải danh là huyện An Khê và thuộc tỉnh Gia Lai – Kon Tum.
[20] Các huyện An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát ở Bắc Bình Định.
[21] Bộ trống gồm 12 cái, đặt trên giàn trống nửa hình vành khăn. Các trống xếp thành 3 vòng bán nguyệt, trống lớn vòng ngoài trống nhỏ vòng trong, mỗi vòng xếp theo nguyên tắc cân đối. Một người với chiều cao trung bình (1 mét 6) thích hợp với bộ trống có các bề mặt như sau: Vòng ngoài từ trái sang phải, đường kính mặt trống là 32 cm, 34 cm, 36 cm, 34 cm, 32 cm; vòng giữa mặt trống là 28 cm, 26 cm, 26 cm, 28 cm; vòng trong mặt trống là 22 cm, 20 cm, 22 cm.