TRIẾT LÝ TRANH CON LỢN NGÀY TẾT

Hạ Long Bụt sĩ Lưu Văn Vịnh

Triết lý bình dân Việt Nam bao giờ cũng thực tế, không nằm ở trên mây mà nằm ở bụng, nằm ở tim chứ không kênh kiệu trên óc, như trong bài ca dao Thằng Bờm :

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu

Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu

Phú ông xin đổi một xâu cá mè

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè

Phú ông xin đổi một bè gỗ lim

Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim

Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi

Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười !

Ở đây, tương phản giữa phú ông giầu có ba bò chín trâu…nhưng hẳn là nhức đầu bực bội với đống vật chất nặng nề vô tri gỗ lim, đồi mồi, với thằng bờm nghèo đói nhưng thảnh thơi phe phảy quạt mo…tìm thấy hạnh phúc sung sướng giản dị ở một nắm xôi thực tế, no bụng có thực mới vực được đạo. Thằng Bờm chính là hình ảnh một thiền sư đắc đạo, không cầu tìm đâu xa, không phiền phức tô vẽ cuộc sống bằng những sự vật chết, mà thấy thoải mái , đói thì ăn, nóng thì quạt, cần thì đổi, đói quan trọng hơn nóng nên đổi quạt lấy xôi, là đúng !

Ngôn ngữ Việt Nam phản ảnh rất rõ triết lý bình dân qua hai động từ ĂN và CHƠI, ăn cơm, ăn tiền, ăn ảnh, ăn người, ăn đứt thiên hạ, ăn chịu, ăn cây nào rào cây ấy, ăn vóc học hay, ăn cháo đái bát, ăn gian nói dối, ăn no ngủ kỹ, ăn xổi ở thì, ăn to nói lớn, ăn mày đòi xôi gấc, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn cơm chúa múa tối ngày, ăn cỗ đi trước lội nước đi sau, ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối… hai câu ca dao :

Ăn được ngủ được là tiên

không ăn không ngủ mất tiền thêm lo

gói ghém tất cả nhân sinh quan thực tế, giản dị của người Việt : sướng như Tiên chẳng qua là ăn được ngủ được mà thôi. Miếng ăn ở một nước nghèo nàn, lụt lội hạn hán , loạn lạc triền miên như Việt Nam..dần dà ám ảnh kết vào ngôn ngữ như một động từ chính, tiếng Anh có to do, tiếng Pháp có faire, nghĩa là làm, thì ta có ăn làm chuẩn ! Nhưng sau ăn thì phải đến chơi : chơi dao, chơi xuân, chơi Tết, chơi đàn, chơi hoa, chơi trăng, chơi chữ, chơi cho bõ ghét, chơi lén, chơi đểu… theo đúng trình tự :

Ăn no ấm cật, dậm dật mọi nơi

no bụng tất ấm cật, ấm cật thì dậm dật, cật liền với bộ phân sinh dục, dậm dật liền âm với dâm dật…nghĩa là ăn rồi đi chơi ! triết lý bình dân này bao phủ lên khuynh hướng hưởng lạc kéo dài mấy trăm năm, từ Nguyễn Du, Cao Bá Quát, đến Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà…tạo nên nét đăc sắc của nhà Nho Việt, không giáo điều, không cứng cỏi mô phạm quá mức, trong mỗi nhà Nho Việt đều có một thằng Bờm phe phảy quạt mo, hơn là một phú ông vốn bị xếp hạng cuối trong vai vế : sĩ, nông, công, thương !

Truyền thống trí thức Việt Nam không viết nhiều về triết lý : triết lý được hiểu là đạo đức, là con đường hướng thiện, chỉ có bậc Thánh hiền đạt đạo, dung thông Trời, Đất, Người, mới dạy được thiên hạ, hay ít ra cũng phải là bậc đã tu, tề, trị, bình…mới mang túi khôn ra mà trao lại cho người đời…Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chỉ dám mở rộng nghĩa Trung Dung : toàn kỳ thiện vi trung ( toàn thiện là trung ), Chu Văn An viết Tứ Thư Thuyết Ước bàn về đạo Nho thực hành, lễ nghĩa liêm sỉ “ biết thẹn vì không bằng người “, Nguyễn Du nói thoáng qua “ chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài “…Lê Quí Đôn bàn về Lý và Khí… tựu trung ba đỉnh tư tưởng Phật, Nho, Lão vẫn là bó đuốc soi đường Đông phương từ hơn hai nghìn năm qua.

Triết lý dẫn đạo Âm Dương được vẽ lại linh động qua bức tranh con lợn, một sáng tác hội họa mang mầu sắc triết lý nổi bật của đầu óc bình dân Việt : kéo triết lý cao siêu trừu tượng đặt vào thân xác con lợn gần gũi với ruộng vườn bếp núc, với miếng ăn miếng uống.Ta đặt trọng tâm vào cái bụng cái lòng : nghĩ bụng, bụng làm dạ chịu, suy bụng ta ra bụng người… chứ không ở cái đầu, con tim.

Nhìn vào bức tranh con lợn với những vòng xoắn xanh đỏ âm dương, ta thấy đó là lá cờ kinh Dịch Việt có trước lá cờ nước Đại Hàn cả nghìn năm ! cũng gần giống với tranh bình dân vùng Trường An bên Tầu, cái khác biệt là ở Việt, kinh Dịch nằm trong con lợn, ở bên Tầu, hình âm dương vẽ trên mặt trống, ở Hàn, kinh Dịch nằm trên lá cờ quốc gia ! cái độc đáo của ta là ở đấy : cao kéo xuống gần, trừu tượng vẽ thành cụ thể, biến dịch càn khôn trong lòng lợn ! Người bình dân Việt trước khi cắt tiết con gà cũng nói một câu triết lý : “ để tao hóa kiếp cho mày” , là vì lẽ biến dịch của thuyết Âm Dương, thuyết luân hồi chuyển nghiệp của nhà Chùa…đã ăn sâu vào tâm thức quần chúng, thấm nhuần vào từng câu nói bình dị, nên triết lý là triết lý sống : ta nói sống đời, ăn miếng dồi chó, một chữ ngắn gọn mà nói lên được triết lý trong cõi đờidans le monde của hiện sinh Pháp, ngoại cảnh umwelt của Đức, sự trọn vẹn không ngăn cách giữa người và vạn vật thiên nhiên, mà các triết gia hiện sinh Tây phương tràng giang đại hải luận bàn gần suốt thế kỷ 20 !

Ngoại cảnh sinh hoạt của người Việt bình dân không thể thiếu gia súc : con chó, con mèo, con chuột, con gà, con lợn, con cóc, con muỗi…con trâu , con bò thì ở ngoài ruộng ngoài đồng, con ngựa thì đã hơi xa, con voi con lừa thì hiếm có…con bò ích dụng nhưng ít khi có dịp “ mổ bò ăn khao”, con lợn thì đúng là được nuôi để giỗ chạp lễ hội, từ đầu heo thủ lợn, đến bong bóng lợn làm đồ chơi cho trẻ con, đến tiết canh làm thú chè chén, đến chân giò, mỡ lợn…nói đến con lợn là vẽ nên cỗ bàn, lễ tết, đình đám vui chơi thanh bình của làng xã Việt :

Chó nọ vẫy đuôi mừng Thánh chúa

Ăn no ủn ỉn lợn kêu ngày…

nó tiêu biểu hơn con gà cục tác lá chanh, nó nằm uy nghi trịnh trọng trên bàn thờ thần hoàng làng, trên mâm cỗ gia tiên, từ khao vọng đến hiếu hỷ…không thể thiếu nó…nó, cùng với nếp gạo, được gói ngang hàng trân trọng trong lá dong, làm thành chiếc bánh chưng truyền thống từ đời vua Hùng, nó chính là máu huyết làm nên con người Lạc Việt, nên nó cũng chứa đựng cái tinh thần Âm Dương kinh Dịch của cổ nhân, cổ nhân gửi gấm kinh sách trong bụng nó để từ đó truyền vào máu huyết, bảo vệ, gìn giữ trong lòng người. Chưa bao giờ có loại triết lý thực tế, thực tiễn, linh động và cảm động đến thế !

Triết lý Âm Dương khởi đi từ kinh nghiệm quan sát : ngày, đêm, sáng tối, đực cái, đàn ông đàn bà, thằng cu cái đĩ…từ chuyện phồn thực giao cấu hòa hợp quấn quít nam nữ “ yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”, đến chuyện sinh con đẻ cái truyền tiếp giống nòi, trời đất cứ thế mà chuyển dịch không ngừng…chẳng phải chờ đến biện chứng đề với phản đề, tổng hợp đề, từ những triết gia lợn què chữa lợn lành ! các biện chứng gia Tây phương mà được ngắm tranh con lợn của ta, thì có thể đã tỉnh ngộ, không phải biện mãi từ cái xung anti sang cái hợp synthesis, con đực giao với con cái, thì xung ở chỗ nào ? có cần gì chứng với không chứng… tư tưởng Tây phương lan sang Á đông dễ làm con người lâm bệnh nhị biên chấp kiến !

Bức tranh con lợn mang hình ảnh lễ tết vào căn nhà lá bình dân, tiêu biểu cho may mắn phồn thịnh ăn nên làm ra, nó chẳng giống tranh mai lan cúc trúc của tao nhân mặc khách, chẳng giống tranh bách điểu cầu kỳ của phú hào, cũng chẳng giống tranh tố nữ của thầy đồ mơ tưởng ả đào giáng tiên, nó ở nhà quê cùng với con lợn đất sơn đỏ dành dụm đồng chinh đồng xu làm nên hoạt cảnh của dân áo vải, nó vì thế chất chứa cái ao ước hy vọng của giấc mơ bình thường : đủ cơm đủ gạo, đủ ăn đủ mặc, thỉnh thoảng làng vào đám, thỉnh thoảng lễ hội, có miếng thịt luộc nắm xôi mà nhắm với ruợu trắng ! sống ở dương gian, hạnh phúc là thế mà thôi !

Nhưng còn hơn thế, nó là loại tôn giáo bình dân đặt trong nhà trong bếp, Cụ Khổng thì chỉ có nhà Nho thờ ở văn miếu, Phật thì ở Chùa, Tiên thì trong am trong cốc, chỉ có Dịch kinh lòng lợn là cuốn kinh vô ngôn gần gụi nhất, dễ hiểu nhất, bất lập văn tự, trực chỉ bụng ngưỡi, thiên biến vạn hóa, hết cơn bĩ cực đến tuần thái lai, nguồn hy vọng mầu nhiệm của con người mà không cần tới hình ảnh một thần quyền đe dọa nào, một tô tượng nào, mà vẫn thiêng liêng hóa huyễn như thần thánh, như có quỷ thần ở bên phò trợ mà không tạo nên bầu khí sợ sệt cho tín đồ, nó làm trọn vẹn lễ gia tiên thờ cúng tổ tiên, gia đình sum họp quanh nó, gia súc với chúng sinh khuất bóng, có chó vẫy đuôi, có mèo trèo cây, có chuột rúc rích, có bướm tung tăng…toàn diện hoạt họa nếp sống Việt.

( trích từ CHỦ ĐẠO DÂN TỘC xb 2016)

Hạ Long Bụt sĩ.