Nguyễn Đình Chiểu qua lăng kính của
thực dân Pháp
và Cộng Sản Việt Nam
Lâm Văn Bé
Gabriel Aubaret, trong bài giới thiệu bản dịch Lục Vân Tiên được xuất bản lần đầu dưới thể văn xuôi với tựa là Luc Van-Tiên, Poème populaire annamite đăng trong Journal asiatique tháng 7, năm 1864 đã viết:
«…C’est là, un des très rares spécimens de la littérature annamite proprement dite, et ce poème du Luc Van-Tiên est tellement répandu parmi le peuple, qu’il n’y a peut-être pas, en basse-Cochinchine, un pêcheur ou un batelier qui n’en fredonne quelques vers en maniant sa rame…» (http://gallica.bnf.fr)
Phiên dịch như sau: Một trong những tác phẩm hiếm quý của văn chương Nam Kỳ, truyện thơ Lục Vân Tiên, thật là phổ biến trong dân gian đến nổi có lẽ là không một người dân chài hay chèo đò nào mà không ngâm nga vài ba câu thơ Lục Vân Tiên khi đưa đẩy mái chèo».
Nguyễn Văn Xuân trong tác phẩm Khi những lưu dân trở lại đã nhận định: «Hoài Thanh có nhận xét khá đúng là từ bên kia đèo Hải Vân ra Bắc, người ta đọc (tôi gọi là xem) Truyện Kiều. Từ bên nầy vào Nam, người ta đọc Lục Vân Tiên. Nhưng Truyện Kiều, khi qua đèo Hải Vân rồi, dân chúng không hiểu, chỉ có trí thức mới hiểu. Ngược lại, Lục Vân Tiên, ai cũng hiểu mà có lẽ giới trung lưu và quần chúng ưa thích hơn là trí thức. Nhiều người nặng về hình thức cho là Lục Vân Tiên không hay, không điêu luyện. Ây là chỉ nhìn bằng cái mắt độc giả mà quên lỗ tai thính giả. Lục Vân Tiên là tiêu biểu cho miền Nam để đọc chớ không hẳn để xem…» (Nguyễn Văn Xuân. KNLDTL. Văn Nghệ, 1990. tr. 73-74)
Quả thật vậy, Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, từ hơn 150 năm nay, ngay khi còn ở thời kỳ chưa hoàn tất đã được phổ biến rộng rãi và yêu thích bởi người dân Nam Kỳ, từ giới sĩ phu đến hàng thứ dân. Người dân Nam kỳ là những người đi khai phá, bất khuất trước hiểm nguy và quyền lực cũng như không màng lợi danh phi nghĩa, ông Nguyễn Đình Chỉểu là biểu tượng cho cái bản chất kiên cường nầy. Với người dân Nam Kỳ Lục Tỉnh, Nguyễn Đình Chiểu không phải chỉ là một nhà thơ, một nhà giáo, một người rao giảng đạo thánh hiền, mà còn là mẫu mực cho đạo làm người, một nhà chí sĩ chống Pháp. Ông là bó đuốc soi đường, là thần tượng của dân miền Nam.
Chính vì cái uy danh ấy của Nguyễn Đình Chiểu, thực dân Pháp và Cộng Sản Việt Nam đã quỷ quyệt dùng nhiều mưu chước để phủ dụ, nịnh bợ ông để mong lấy lòng người dân hầu được dễ dàng trong việc cai trị đất Nam Kỳ, và hợp thức hóa cuộc xâm lược miền Nam của Cộng Sản.
Bài viết vạch trần các âm mưu đen tối ấy.
Nguyễn Đình Chiểu qua lăng kính của người Pháp
Bởi lẽ chánh phủ Pháp đã sớm nhận biết được ảnh hưởng của Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm Lục Vân Tiên đối với dân chúng tại vùng đất mới xâm chiếm, nên sau khi được bổ nhiệm làm Chánh tham biện tỉnh Bến Tre năm 1883, Michel Ponchon đã ba lần đến nhà cụ Đồ Chiểu để khéo léo dụ dỗ ông, nhưng cả ba lần ông đều từ chối.
Lần đầu, Ponchon đi với người thông ngôn tên Lê Quang Hiển, ông giả bộ điếc không nghe. không hiểu. Lần khác, Nguyễn Đình Chiểu giả đau không tiếp, khiến Ponchon phải vào đến chỗ ông nằm và đề nghị trả đất đai ở Tân Khánh (Gia Định) cho ông. Nguyễn Đình Chiểu ôn tồn trả lời: Nước chung đã mất, đất riêng còn có sao được ? Lần chót, Ponchon đề nghị cấp tiền dưỡng lão, ông từ chối và khẳng khái đáp rằng ông đã sống trong sự tôn kính đầy đủ của môn đệ và sự quý mến của đồng bào của ông (… il vivait dans une honorable aisance au milieu des élèves qui écoutaient son enseignement, et de ses compatriotes dont il avait l’estime. (Lời tựa quyển Histoire du grand lettré Luc Vian Tian do Eugène Bajot dịch và xuất bản năm 1885).
Về tác phẩm Lục Vân Tiên, nhà cầm quyền Pháp đã tài trợ việc dịch thuật và xuất bản truyện Lục Vân Tiên để phổ biến rộng rãi trong dân chúng với ý đồ vừa thu phục nhân tâm, vừa lợi dụng bài học Nho giáo trong truyện để cổ vỏ lòng trung thành, biết ơn chánh phủ bảo hộ.
Trong viễn tượng ấy, bản dịch ra quốc ngữ đầu tiên của Jeanneau xuất bản năm 1864 là do lịnh của Thống đốc Nam Kỳ Dupré, bản dịch tiếng Pháp in năm 1868 là của Gabriel Aubaret, (đại tá hải quân sau là lãnh sự Pháp ở Bangkok) và bản dịch tiếng Pháp của Eugène Bajot, (đốc học trường Chasseloup Laubat) xuất bản năm 1887 là do sự tài trợ của Hội đồng Địa hạt Nam Kỳ theo quyết định phiên hợp ngày 28-12-1885. Các nhà chính trị người Pháp này là những người am tường tiếng Việt đã không hết lời ca ngợi Lục Vân Tiên trong các bài báo hay bài tựa của tác phẩm. Lời khen, thật và giả, nhưng chắc chắn mang bản chất chính trị.
G. Aubaret đã viết: Nhận xét thấy thi phẩm Lục Vân Tiên có những tính tình đặc biệt của một quốc gia do chúng tôi đã chung sống lâu ngày, chúng tôi vẫn coi như một sản phẩm hiếm có của trí óc nhân loại và có lợi ích hiển nhiên là phản ảnh trung thực những tình cảm của cả một dân tộc….
Báo chí Pháp cũng hợp lực hay áp lực với chánh quyền của họ để phổ biến Lục Vân Tiên. Tờ Courrier de Saigon, số 14, ngày 20-7-1886 đã viết như sau: …Chúng tôi vừa nhận được của ông Aubaret, lãnh sự Pháp ở Vọng Các bản dịch một thi phẩm tiếng Việt Nam, tuy bình thường, đơn giản, nhưng người ta vẫn thấy vẻ tươi sáng, một tinh lực về tình cảm rất xứng đáng với những quốc gia tiền tiến. Chúng tôi rất hân hoan giới thiệu với quý độc giả một danh tác đã phác họa trung thực những phong tục tập quán cổ truyền và ý tưởng cao đẹp của một dân tộc rất đáng chú ý về mọi lãnh vực. Khi đọc những trang sách vừa mộc mạc, vừa hấp dẫn về tính chất bình dân Nam Kỳ, ta thấy rằng các người bạn mới của nước Pháp đã thoát ly khỏi ranh giới gò bó của cú pháp Trung hoa để có thể xây dựng một nền văn hóa quốc gia sâu sắc hơn, tự nhiên hơn để thỏa mãn những nhu cầu cấp bách về tâm hồn và trí tưởng tượng của họ.
Nhà xuất bản Linage ở Pháp cũng đã gởi cho Hội Đồng Địa Hạt Nam Kỳ năm 1886 một bức thơ như sau: Quyển Lục Vân Tiên, một thi phẩm quốc gia, được toàn thể nhân dân Việt Nam ưa chuộng, hiện nay chỉ có những bản in bằng chữ quốc ngữ mà giá sách quá đắt nên không hợp với túi tiền của đa số độc giả địa phương là giới bình dân. Tôi muốn nói đến bản dịch của Jeanneau (Paris 1873) mà giá bán 3 quan ngay ở Pháp đã tới 6 quan. Vậy tôi thiết tha đề nghị với Hội Đồng Địa Hạt vui lòng viện trợ tài chánh để tôi có thể ấn hành một loại mới rẻ tiền mà tôi cam đoan trước sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm (Cả ba lời dịch kể trên trích từ: Tìm hiểu Đồ Chiểu qua Lục Vân Tiên của Võ Lang đăng trong Văn hóa tập san, tập 13, quyển 2 tháng 2, 1964).
Quyển Lục Vân Tiên vẫn tiếp tục được sự tán thưởng của các học giả Pháp trong thế kỷ sau.
Georges Cordier (1872-1936) Chánh sở Thông ngôn Tòa án Đông Dương, nhân viên trường Viễn Đông Bác Cổ đã nhận định : «Le Luc Van Tien rappelle beaucoup, comme facture, le Nhi Đo Mai. Il se recommande par son style toujours clair et souvent élégant. On y rencontre des passages d’aussi belle facture que le Phan-Tran, parfois même que le Kim Van Kieu. Ce poème met en relief les trois grandes vertus sociales de l’Annam : amour pour les parents, soumission au professeur, fidélité au roi. Très répandu en Cochinchine, cet ouvrage était, naguère, peu connu au Tonkin; par contre, plusieurs versions françaises en ont été publiées: Aubaret(1864), Abels des Michels (1883), Nghiêm Liễn (1927). Nous en avons même une adaptation en vers français parue chez Challamel (1887) sous la signature de E. Bajot »
(Morceaux chosis d’auteurs annamites. Hanoi: Nhà XB Lê Văn Tân, 1932, p.188 / texte numérisé par Bibliothèque nationale du Vietnam ).
«Truyện Lục Vân Tiên làm ta nhớ đến truyện Nhị Độ Mai. Truyện được chú ý là nhờ lời văn sáng sủa tao nhã. Có vài đoạn thơ hay như trong truyện Phan Trần hoặc như trong truyện Kim Vân Kiều. Tập truyện thơ nầy làm nổi bật ba đức tính xã hội An Nam: hiếu với cha mẹ, tôn trọng thầy, trung với vua….»
Và gần đây nhứt, Bộ Tự Điển Văn Chương Thế Giới (Dictionnaire universel des littératures) đã viết về Nguyễn Đình Chiểu và các tác phẩm của ông như sau:
« Nguyen Dinh Chieu (1822-1888), poète aveugle, originaire de Gia Dinh (Sud Viet-Nam), fut sans doute le dernier grand représentant de la tradition littéraire classique. Dans son oeuvre, on retrouve tous les traits: écriture nôm, valeurs confucéennes de fidélité au roi, de piété filiale, d’intégrité et de droiture, et, en même temps la grande tradition patriotique et humaniste qui imprègne la littérature des lettrés. Son roman en vers Luc Van Tien exprime cette conception de l’honnête homme confucéen et demeure un classique toujours apprécié. Dans ses célèbres oraisons funèbres à la mémoire des résistants à la colonisation française- Van Te chien si Can Giuôc, Van Te Truong Dinh, Van Te si dân luc tinh- on retrouve la tradition patriotique vietnamienne, mais on trouve aussi, émergeant des faits historiques, une figure qui deviendra plus tard une figure importante de la littérature contemporaine du Viet-Nam: le paysan…. (Dictionnaire universel des littératures / sous la direction de Béatrice Didier. Paris: Presses universitaires de France, 1994. t. 3, p. 4030).
Phỏng dịch: Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), người thi sĩ mù, quê ở Gia Định, là nhà đại văn hào cuối cùng của dòng văn học cổ điển Việt Nam. Trong tác phẩm của ông, người ta tìm thấy tất cả các sắc thái như chữ nôm, các tư tưởng trong văn chương của kẻ sĩ như tinh thần trung quân của Đạo Nho, lòng hiếu thảo, tính cương trực, sự liêm khiết và tinh thần ái quốc cũng như nghĩa nhân ái. Tác phẩm Lục Vân Tiên của ông là một tiểu thuyết bằng thơ diễn tả các quan niệm con người theo Nho giáo là một tác phẩm được dân chúng ưa thích. Ngoài ra, trong các bài văn tế các nghĩa quân chống Pháp như Văn Tế Chiến sĩ Cần Giuộc, Văn Tế Trương Định, Văn tế sĩ dân Lục tỉnh, người ta tìm thấy qua các sự kiện lịch sử, chẳng những tiềm ẩn tinh thần ái quốc mà còn là hình ảnh quan trọng của nền văn chương Việt Nam cận đại: người nông dân.
Nếu người Pháp đã sớm nhận biết được giá trị bình dân nhưng hấp dẫn của tác phẩm Lục Vân Tiên thì đối với người dân Nam Kỳ, Truyện Lục Vân Tiên, đã làm rung động lòng người bởi lẽ quần chúng đã tìm thấy thân phận, suy tư và ước mơ của họ qua các nhân vật của truyện kể.
Cái bản chất trượng phu, hào phóng, trọng nhân nghĩa của các nhân vật như Hớn Minh, Tử Trực, ông Quán, ông Ngư, ông Tiều, Lão Bà là những hình ảnh hào hùng đánh đúng cái khát vọng vươn lên đạo làm người của người dân trong vùng đất mới. Hớn Minh là người trực tính, khi đi giữa đường thấy Đặng Sinh là con một tên quan huyện, ỷ thế cha, hãm hiếp con gái người ta thì nổi nóng đánh nó ngay dù biết rằng sau đó sẽ bị tù tội:
Tôi bèn nổi giận một khi,
Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò
Tử Trực là người bạn tốt, trọn tình chung thủy với bạn bè, không ngán sợ bạo lực khi mắng Võ Công vì ông ta đem Võ Thế Loan gả cho mình khi biết Vân Tiên bị mù lòa. Tiểu Đồng nêu lên tấm gương tình nghĩa thầy trò đã hết lòng giúp đỡ Vân Tiên khi chủ mình đau ốm và khi tưởng là Vân Tiên đã mất thì ngày đêm ngồi bên nấm mồ để tưởng nhớ. Ngay đến những người dân lao động như ông Quán, ông Tiều, ông Ngư cũng chuyên chở những tư tưởng thanh cao về đạo làm người. Thí dụ như ông Quán đã chẳng sợ mất thực khách khi ông đã ngạo nghễ chê cười hai ông khách nhiều tiền là Trịnh Hâm và Bùi Kiệm:
Chẳng hay ông Quán cười chi,
Vỗ tay xuống chiếu một khi cười dài
Tiên rằng: ông Quán cười ai
Quán rằng: Cười kẻ bất tài đồ thơ
Dĩ nhiên, hai nhân vật chính là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga là những hình ảnh hào hùng mà cụ Đồ Chiểu đã gởi gắm trọn cái nhân sinh quan đạo làm người mà ông muốn phổ biến trong dân gian. Lục Vân Tiên cứu Nguyệt Nga khi thấy chuyện bất bình, mù lòa vì hiếu với mẹ, nhưng vẩn yêu đời và cứu đời với nghề dạy học và hốt thuốc dù trong cảnh mù lòa. Cuộc tình của Kiều Nguyệt Nga với Lục Vân Tiên là tấm lòng thủy chung dù phải trải qua bao nhục nhã, gian truân. Sự tranh đấu của Kiều Nguyệt Nga trong các nghịch cảnh vừa làm rung động lòng người, vừa gần gũi với người phụ nữ Nam Kỳ bởi lẽ nàng tượng trưng cho nghị lực rắn rỏi của người phụ nữ trong vùng đất mới.
Xem Lục Vân Tiên, người đọc không thấy tuyệt vọng dù trong bi thương, và cái mạch văn cũng như tư tưởng lạc quan chiến đấu để vượt nghịch cảnh đã vừa lôi cuốn người đọc, vừa kích thích người đọc với những xúc cảm mãnh liệt. Nếu dân Nam Kỳ rung cảm theo nhịp đau khổ và vui vầy với Vân Tiên và Nguyệt Nga cũng như cổ vỏ những thái độ, hành động của những nhân vật liêm chính thì họ cũng căm hờn, nguyền rủa những tên gian hùng, bất nhân bất nghĩa như Trịnh Hâm, Võ Thế Loan, Bùi Kiệm, công phẩn trước sự mù quáng của Thái Sư.
Lục Vân Tiên là tác phẩm của dân gian bởi lẽ phản ảnh cái xã hội muôn đời với những con người từ thiện đến ác, những phong tục tập quán từ tốt đến xấu, những bất công và những phấn đấu. Đọc thơ Vân Tiên, người dân cảm thấy những ước mơ, thương ghét, những giá trị đạo lý đều được Cụ Đồ Chiểu diễn tả qua các nhân vật. Cái tín ngưỡng đơn giản Phật Trời của dân miền Nam là ở hiền gặp lành, ác lai ác báo, ăn ở có nhân có hậu, đã thể hiện qua các nhân vật của tác phẩm. Trịnh Hâm đẩy Lục Vân Tiên xuống sông thì bị chính những đợt sóng thần của dòng sông dìm Hâm chết. Mẹ con Võ Thế Loan đem Vân Tiên nhốt vào hang đá để cho cọp vồ thì cọp lại bắt mẹ con họ Võ đem vào hang đá. Chính cái bản chất luân lý dân gian và đạo làm người mà Nguyễn Đình Chiểu muốn đem ra rao giảng đã khiến dân chúng ưa thích nhiều so với một số truyện thơ Nôm khác đương thời hay trước đó như Phạm Công – Cúc Hoa, Thoại Khanh -Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương, Thạch Sanh-Lý Thông…
Ngoài giá trị tư tưởng, truyện Lục Vân Tiên sở dĩ được người dân miền Nam ưa thích bởi lẽ lời văn giản dị, dễ hiểu, nhiều địa phương ngữ, gần gũi với cách nói của người miền Nam. Thật vậy, cho đến thời Nguyễn Đình Chiểu, gần như các thơ văn đều do các tác giả Bắc hà, do đó các từ ngữ tự nhiên là của người dân phương Bắc. Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn của Nam Kỳ, đã sử dụng trong Lục Vân Tiên và các tác phẩm của ông những phương ngữ Nam Kỳ như: heo (thay vì lợn), bắp (ngô), ghe (thuyền), cọp (hổ), trái (quả), hối (giục), hốt thuốc (bốc thuốc) đau (ốm), kêu (gọi), dè (ngờ), rớt (rơi), giỡn (đùa), dơ (bẩn), đui (mù), đường (đàng), bâu áo, bậu (anh), luông tuồng, xóm giềng, nhân ngãi (nhân nghĩa), hiển vang (hiển vinh), tiên phuông (tiên phong)…
Những thành ngữ của dân gian cũng đã được Nguyễn Đình Chiểu tài tình gắn vào các câu thơ như: màn trời chiều đất, sớm còn tối mất, phận bạc như vôi, tiền mất tật còn, nước có nguồn cây có cội, sống sao thác vậy, trọng nghĩa khinh tài, vạch lá tìm sâu, đàn gảy tai trâu…
Nhiều câu lại có hơi hám của ca dao miền Nam:
Tới đây thì ở lại đây, (câu 1123)
Cùng con gái lão sum vầy thất gia
Và có những câu hát của dân gian ghép gọn vào truyện thơ:
Lênh đênh một chiếc thuyền tình, (1583)
Mười hai bến nước gởi mình vào đâu
Ai từng mặc áo không bâu (1585)
Ăn cơm không đũa, ăn trầu không cau.
Xin đừng tham đó bỏ đăng (411)
Chơi lê quên lựu, chơi trăng quên đèn
Ngoài ra, cách sắp xếp cốt chuyện có lớp, có hồi khiến người nghe theo dõi dễ dàng và cách giới thiệu nhân vật bằng cách xưng tên giống như lối bạch, lối xướng trong tuồng hát bội là một yếu tố khác khiến người miền Nam ưa thích Lục Vân Tiên.
Đoạn nầy đến thứ Nguyệt Nga(1265)
Thứ nầy đến thứ Vân Tiên (931).
Và cách giới thiệu nhân vật trực tiếp:
Thưa rằng :Tôi Kiều Nguyệt Nga( 153)
Con nầy tỉ tất tên là Kim Liên
Quê nhà ở quận Tây Xuyên
Cha làm tri phủ ở miển Hà Khê
Đông Thành vốn thật quê ta (189)
Họ là Lục thị, tên là Vân Tiên
Nhưng thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu không phải chỉ có phương ngữ, lời văn bình dân, mà vẫn có tính chất bác học, nhưng là cái bác học được phổ cập hóa (vulgarisation) cho dân gian. Phải có một học thuật uyên bác và văn phong bình dị mới chuyển tải được những điển tích thành lời giảng đạo lý cho dân gian như trong đoạn thơ thương ghét sau đây :
Quán rằng ghét việc tầm phào,
Ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm
Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm
Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang
Ghét đời U, Lệ đa đoan,
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần
Ghét đời Ngũ Bá phân vân,
Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn
Ghét đời Thúc, Quý phân băng,
Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân.
Dưới một khía cạnh khác, nhiều nhà phê bình văn học cho rằng chuyện Kiều có nhạc điệu, còn chuyện Lục Vân Tiên khô khan. Nói như vậy là có thiên kiến bởi trong Lục Vân Tiên, người nói thơ tìm gặp không biết bao nhiêu đọan thơ có âm điệu nhẹ nhàng, rung cảm và chan chứa ý tình sâu sắc. Ai lại không cảm thấy bị lôi cuốn khi đọc:
Trước đèn xem truyện Tây Minh
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le
Ai ơi lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau.
Hay phải lắng lòng suy gẫm:
Người đời như bóng phù du
Sớm còn tối mất công phu lỡ làng.
Nói tóm lại, Lục Vân Tiên, ngoài giá trị văn chương còn chuyên chở những giá trị đạo lý muôn đời của người dân Việt. Đạo lý mà ông muốn truyền bá trong dân gian không phải là một loại lý thuyết suông mà là một triết lý thực tiển được diễn tả qua lời văn chân chất bình dị, nặng về nội dung hơn là hình thức để đánh vào tâm thức của người dân theo lối văn dĩ tải đạo (văn để chuyên chở đạo lý). Ngoài ra, những điều nói ra phải được thực hiện, cố gắng áp dụng trong đời sống bình thường cho dù phải gặp chông gai hiểm trở mà cuộc đời ông là biểu tượng, đúng như nguyên tắc tri hành hợp nhất.
Lục Vân Tiên qua lăng kính người Cộng Sản
Sau người Pháp, từ hơn nửa thế kỷ nay, Nguyễn Đình Chiểu và các tác phẩm của ông đã được các nhà chính trị và văn hóa Cộng Sản đặc biệt chú ý trong các buổi lễ tưởng niệm hay các công trình nghiên cứu. Chúng tôi trích chọn một số lời phê bình của người Cộng Sản dựa trên các tài liệu của người Cộng Sản viết để nói lên cái xảo quyệt của Cộng Sản, đặt hình tượng của cụ Đồ trên cái bàn thờ để tuyên truyền cho chế độ đúng như Vũ Đình Liên đã viết:
« Ta có thể nói Nguyễn Đình Chiểu đã theo cái đường lối duy nhất đúng mà Đảng lãnh đạo ngày nay vạch ra cho nghệ sĩ: văn nghệ phục vụ nhân dân, văn nghệ đấu tranh cho cách mạng…» (Nguyễn Đình Chiểu tác giả và tác phẩm. Hànội: NXB Giáo Dục, 1998, tr. 102).
hay lối áp đặt thô bạo như của Phan Ngọc:
« Nguyễn Đình Chiểu đã được đảng Cộng Sản đánh giá là « ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc » bởi vì nếu trong văn nghệ dân tộc có người lớn hơn, sâu sắc hơn, thì cho đến khi xuất hiện văn học cách mạng do đảng lãnh đạo, nhà văn gần nhân dân nhất, gần với tư tưởng vô sản nhất, đó là Nguyễn Đình Chiểu » (sđd, tr. 259).
Phạm Văn Đồng (1906-2000) Quê ở Quảng Nam, ngoài các chức vụ chính trị (Thủ tướng: 1954-1982, Chủ tịch hội đồng bộ trưởng 1982-1987), ông còn là nhà ly luận văn hóa, văn nghệ.
Nhân buổi lễ kỷ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu tổ chức tại nhà hát Thành phố Hà Nội ngày 4-7- 1963, Thủ Tướng Cộng Sản đã phát biểu:
«…Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc nầy. Có người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên, và hiểu LVT khá thiên lệch về nội dung và về văn, còn rất ít biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, khúc ca hùng tráng của phong trào yêu nước chống bọn xâm lược Pháp lúc chúng đến bờ cõi nước ta cách đây một trăm năm. …Chỉ có từ khi Cách mạng tháng Tám ở VN thành công, và nhân dân đã làm chủ đất nước và vận mệnh của mình, thì dần dần NĐC mới có địa vị xứng đáng trên văn đàn. Việc chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mặt trận giải phóng miền Nam long trọng kỷ niệm 75 năm ngày mất Nguyễn Đình Chiểu có một ý nghĩa sâu sắc. Trước hết, nó có ý nghĩa biểu dương một nhân cách vĩ đại, tiêu biểu cho nghị lực và lòng yêu nước. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng danh hiệu người thi sĩ của nhân dân, đã suốt đời đem nghệ thuật của mình phục vụ sự nghiệp chiến đấu của nhân dân…. Nhưng hơn nửa hế kỷ sau khi NĐC thở hơi thở cuối cùng, một nửa đất nước VN đã hoàn toàn giải phóng, và nhân dân miền Nam VN hiện nay, nhân dân vùng quê hương yêu dấu của NĐC đương tiếp tục cuộc chiến tranh thần thánh để giải phóng nửa đất nước còn lại, với một niềm tin tưởng tất thắng và với một tinh thần anh dũng tuyệt vời… » (tháng 9-1963).
Đặng Thái Mai (1902-1984) Quê ở Nghệ An, nổi tiếng với cuốn Văn học khái luận (1944) trình bày một cách hệ thống lý luận văn học theo quan niệm marxiste. Là một đảng viên cộng sản trung kiên, Bộ trưởng Giáo dục, Viện Trưởng Viện Văn học (1959-76), đóng góp nhiều trong văn học và chính trị, đưọc huân chương Hồ chí Minh là một huân chương cao quý của cộng sản.
Cùng một diễn đàn với lãnh tụ, Đặng Thái Mai đã nhập đề bài diễn văn như sau:
« Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ yêu nước lớn nhứt ở miền Nam Việt Nam, người mở đầu nền thơ ca yêu nước chống đế quốc ở Việt Nam. Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là khúc ca hùng tráng của phong trào yêu nước chống bọn xâm lược Pháp ngay từ những ngày đầu chúng mới đặt chân lên xâm lược đất nước VN. Ngoài giá trị văn nghệ, nó còn quý giá ở chỗ phản ảnh tâm hồn trong sáng và cao quý lạ thường của tác giả và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục vĩ đại. Chính vì vậy mà trong suốt một thế kỷ đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bù nhìn tay sai Ngô Đình Diệm hiện nay, toàn thể nhân dân Việt Nam, đặc biệt là toàn thể nhân dân miền Nam Việt Nam, luôn luôn nhìn thấy ở Nguyễn Đình Chiểu một người cổ vũ tinh thần mạnh mẽ» . (Nguyễn Đình Chiểu, tác giả và tác phẩm, tr.75).
Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993) Quê ở Huế, đồng chí của Nguyễn Ái Quốc, đảm nhiệm nhiều chúc vụ chính trị (bộ trưởng, uỷ viên Ban chấp hành trung ương đảng), đóng góp nhiều công trình khoa học, giáo dục (chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học nhà nước), tác giả nhiều bộ sử học, văn học. Được huân chương Hồ Chí Minh.
Nguyễn Khán Toàn đã đọc một bài diễn văn nặc mùi tuyên truyền, thiên kiến, và ngầm chống Trung quốc nhân ngày lễ kỷ niệm lần thứ 160 ngày sinh của cụ NĐC như sau:
« Ngày nay, khi chúng ta cử hành lễ kỷ niệm lần thứ 160 ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu, Nam Bắc lại sum họp một nhà, miền Nam yêu quý, sau cơn ác mộng trong đêm dài đằng đẵng hơn 100 năm, đã trở về trong lòng mẹ hìền tổ quốc VN, vĩnh viễn chấm dứt số phận tủi nhục đi trước về sau, sống và trẻ lại trong ánh xuân của nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghiã VN. … Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trải mà Nguyễn Đình Chiểu là người thừa kế muộn màng nhưng không lạc hậu, là biểu tượng cho ý thức dân tộc cao, chín muồi và hoàn chỉnh trong những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của châu Á thời Trung đại. Văn thơ yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu lúc nầy có giá trị như một lời hiệu triệu, một bản tuyên ngôn của nhân dân Nam Bộ- dân của nước VN, chống chiến tranh phi nghĩa của chủ nghĩa thực dân phương Tây, điều mà bọn phong kiến thống trị- cái đế chế khổng lồ Trung hoa trong thời Kỳ Chiến Tranh nha phiến không dám làm, và bọn phong kiến đàn em, triều đình Nguyễn, càng không dám làm » . (Tạp chí Văn học, số 4-1982).
Trần Văn Giàu (1911- 2007) Sinh tại Tân An, gia nhập đảng Cộng Sản Pháp năm 1929 khi du học ở đại học Toulouse. Năm 1945, là Chủ tịch Ủy Ban kháng chiến Nam Bộ. Là nhà giáo (dạy Đại học Văn Khoa và Sư Phạm Hà Nội từ 1954-1960) và nhà sử học (Chủ tịch danh dự Hội khoa học lịch sử VN) và trong 70 năm hoạt động dưới chế độ CS, ông đã viết hơn 100 công trình nghiên cứu về triết, văn, và sử học.
Trên cùng một diễn đàn, Trần Văn Giàu đã phân tích và phê bình sự nghiệp văn chương và tinh thần ái quốc của Nguyễn Đình Chiểu dưới góc cạnh của một nhà nghiên cứu văn học, tuy vẫn có thiên kiến CS, nhưng là những nhận định tương đối trí thức, không có những lời lẽ dao to búa lớn, tuyên truyền.
Là người Nam Bộ, Trần Văn Giàu trân trọng Lục Vân Tiên, do đó theo ông Quỳnh Cư, hồi còn trẻ, trước khi lên đường sang Pháp học, Trần Văn Giàu tặng người yêu cuốn Lục Vân Tiên, coi đó là vật đính ước của lòng thủy chung.(Báo Tuổi trẻ và hạnh phúc, số 17, tháng 9-1998). Ông thích đọc Nguyễn Đình Chiểu vì « tất cả những nhân vật nầy đã tròn thì ra tròn, đã vuông thì ra vuông, dứt khoát rõ ràng như rựa chém đất, không lắc léo khó hiểu, có thể nói là không suy nghĩ lâu, không tính toán kỹ » (Vì sao tôi thích đọc Nguyễn Đình Chiểu.
Tạp chí Văn học, số 1, 1963) với bài: Nguyễn Đình Chiểu, đạo làm người ông nhập đề như sau: Từ truyện Lục Vân Tiên qua thơ văn yêu nước, đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu không gián đoạn mà phát triển theo hướng nhất định. Truyện Lục Vân Tiên là bài ca của đại nghĩa của lòng chung thủy. Văn thơ yêu nước cũng là bài ca của đại nghĩa và lòng trung thành vô hạn với nước nhà. Đạo làm người từ thời bình chuyển sang thời chiến, tất phải mang những đặc điểm và nội dung mới.
Và trái với một số đồng chí của ông tìm cách áp đặt tư tưởng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu với chủ thuyết Cộng Sản, ông rõ ràng minh định: Chúng ta không nên gắn cho Nguyễn Đình Chiểu một lập trường giai cấp, lập trường bần cố nông.Không phải như vậy. (NĐC tác giả, tác phẩm, tr. 239)
Lý Văn Sâm (1921-2000) Quê ở Tân Uyên (Biên Hòa), tham gia CS từ 1945, trở về Saigon sinh hoạt báo chí và văn hóa sau 1954 nhưng sau đó ít lâu thoát ly theo Giải Phóng Miền Nam làm Tổng thơ ký Hội Văn Nghệ Giải Phóng. Là một trong những nhà văn tiêu biểu của miền Nam dưới nhiều chế độ chính trị của thế kỷ qua. Có sự trùng hợp về nhận định của Lý Văn Sâm với đồng chí Nam Bộ của ông là Trần Văn Giàu về cái đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu.
Lý văn Sâm viết:
« Một trăm sáu mươi năm đã qua, kể từ ngày Cụ Nguyễn Đình Chiểu yên nghỉ. Cụ mất rồi mà bài học làm người của Cụ vẫn mãi mãi là một di sản tinh thần quý báu đối với nhiều thế hệ VN. Hào khí Đồng Nai vẫn rạng ngời trên nắm mộ Cụ…» (NĐC, tác phẩm, tr. 342)
Ca Văn Thỉnh (1902-1987) Bút hiệu Ngạc Xuyên, sinh tại quận Mỏ Cày. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm Đông Dương, làm đốc học tỉnh Bến Tre trước khi tham gia Ủy Ban Kháng chiến Nam Bộ năm 1946. Tập kết ra Bắc chuyển sang công tác ngoại giao và sau đó là Giám Đốc Thư Viện Khoa học Xã hội trung ương. Tác phẩm nổi tiếng của ông là Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa thế kỷ XIX.
Cũng nhân dịp ngày lễ 150 năm sinh của cụ Nguyễn Đình Chiểu (1972), nhà giáo Bến Tre tập kết ra Bắc, trong một bài viết về cụ Đồ Chiểu (20 trang) tựa là: Truyền thống quật cường của Nam Bộ và Việt Nam với tinh thần đấu tranh của Nguyễn Đình Chiểu, sau khi xét qua bối cảnh lịch sử và văn hóa vào thời cụ Đồ Chiểu, đã cho rằng:
«Truyền thống văn học Nam Bộ ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng sáng tạo của NĐC và Tâm hồn rộng lớn của NDC đã tích lũy từ thuở bé do lời mẹ dạy của bà mẹ hiền, đến những năm học hành tiếp xúc với xã hội, tích lũy những câu tục ngữ, ca dao, những truyện dân gian Việt Khơ Me, những vở tuồng như San Hậu, Kim Thạch Kỳ duyên, chuyện Tiết phụ của Mạc Thiên Tích, hoạt kê đối thoại Sãi vãi của Nguyễn Cư Trinh…»
Và như bao cán bộ gộc của CS, Ca văn Thỉnh đã kết luận bài viết bằng cách bịa ra câu chuyện ông già Hốc Môn để gắn liền lòng ái quốc của Nguyễn Đình Chiểu với lòng ái quốc của bộ đội Cộng Sản. Nhà giáo CS đả viết như sau: …
« Mấy năm trước đây, ông già đã bí mật nuôi cán bộ trong nhà, ở dưới hầm, thường dùng mật hiệu bằng dĩa hát: khi có địch đến, thì báo động bằng bài hát Khóc Hoàng Thiên, còn bài Khổng Minh tọa lâu là báo an. Mật thám theo dõi nghi ngờ ông. Khi tên mật thám vào nhà ông, nghe bài Khóc Hoàng Thiên, nó lấy dĩa hát Khổng Minh tọa lâu bảo ông thay dĩa hát. Lanh trí, ông vờ lở tay đánh rơi xuống đất làm dĩa hát vỡ ra mấy mảnh. Tên mật thám cầm một mảnh dĩa vỡ nhọn và sắc đe dọa ông phải khai báo việt cộng giấu dưới hầm, ông cự tuyệt không khai. Tên ác ôn lấy mũi dĩa đâm vào hai mắt ông. Vì kiên quyết bảo vệ cán bộ mà ông lão Hốc Môn bị mù. Dù mù, ông vẫn tiếp tục phục vụ cách mạng. Tinh thần chung thủy đấu tranh kiên cường của ông lão Hốc Môn cũng như của Nguyễn Đình Chiểu đã gây được ảnh hưởng sâu rộng đến ngày nay…»
Nguyễn Đình Chiểu đã bị phản bội bởi một con dân Bến Tre của ông với những khẩu hiệu, lời văn ca tụng đầy thâm ý phỉnh phờ xuyên tạc.
Xuân Diệu (1916-1985) Sinh ở quê mẹ, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sau khi đậu Tú Tài năm 1940, ông làm công chức Nha Thương Chánh ở MỹTho. Tham gia phong trào Việt Minh từ 1945, là nhà thơ tiêu biểu cho phong trào thơ mới với tập thơ đầu Thơ thơ (1938).
Trong một bài nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu viết năm 1972 dài gần 50 trang (Đọc lại thơ văn Nguyễn Đình Chiểu), Xuân Diệu đã tỉ mỉ phân tích thơ văn của NĐC và không hết lời khen ngợi. Bài viết bắt đầu như sau:
« Bao nhiêu lời khen ngợi đã được viết về Nguyễn Đình Chiểu. Tuy vậy, nói mãi vẫn không hết, vẫn còn cứ muốn nói, dù phải lập lại… Lục Vân Tiên là tác phẩm phổ biến nhất của NĐC, và là tác phẩm cổ điển phổ biến nhất từ Nam Bộ ra đến Liên Khu Năm. Có một hiện tượng khách quan là trong hàng trăm năm nay, quần chúng ở miền Nam rất yêu truyện Lục Vân Tiên, kẻ sĩ ngâm nga, người mù mang đi hát dạo, người ta đem những nhân vật Lục Vân Tiên ứng vào cho những người thật trong cuộc đời, rồi diễn cải lương (ở Qui Nhơn, tôi đã xem diễn thành hát bội), rồi có nhiều cốt truyện mô phỏng theo. Bản thân tôi có thể chủ quan yêu thích LVT đến mức độ nào đó, nhưng tôi muốn khách quan phân tích tại sao đưa vào quần chúng miền Nam, Lục Vân Tiên cảm động lòng người đến cao độ như vậy. Theo tôi nghĩ, vì LVT mang tới cao độ tính quần chúng và tính miền Nam…».
Nhưng cũng như tất cả các nhà văn Cộng Sản, bài kết luận của ông là bài bản cố hủ của tuyên truyền : « …Và cũng nhờ có tình cảm chân thành có một, nên những nhân vật của LVT, của thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, từ trên dưới một trăm năm qua, ngày nay vẫn sống y nguyên trong cuộc đấu tranh trước mắt. Hình ảnh Nguyệt Nga vai mang bức tượng Vân Tiên, vượt qua bao chặng đường gian khổ để cuối cùng giành được hạnh phúc có gì gần gũi với người phụ nữ yêu nước Miền Nam, hàng chục năm nay sống dưới ách cùm kẹp của Mỹ-Ngụy, vẫn mang trọn niềm chung thủy của chồng con…» Tiếc thay, đoạn kết đặc mùi chiến tranh đã làm hỏng đi một bài nghiên cứu sâu sắc với những luận cứ thông minh!
Tự Điển Văn học Việt Nam, bộ mới là bộ tự điển bách khoa mới nhất (2004) và quan trọng nhất ( 2180 trang khổ giấy lớn) qui tụ những nhà nghiên cứu lớn của VN (nhà XB Thế giới): …
« Nguyễn Đình Chiểu đã vận dụng tổng hợp nghệ thuật kể truyện dân gian và nghệ thuật « kể thơ », « nói thơ », ca dao, tục ngữ cùng những tri thức về phong tục, tín ngưỡng dân gian; nghệ thuật của truyện Nôm bình dân và truyện Nôm bác học; nghệ thuật sân khấu tuồng; tiếp thu cải tạo văn liệu của các nước láng giềng…. Lục Vân Tiên là sự tổng hợp phức tạp của những phương thức sáng tác, trong đó căn bản là phương thức sáng tác của văn học dân gian. Bút pháp của NĐC vì vậy không chú ý nhiều đến sự tinh tế trong khắc họa tâm lý và miêu tả cảnh vật như một áng văn viết ra để người đọc thưởng thức bằng ngâm và đọc, mà chủ yếu để « nói » và « kể ». Những ưu điểm và nhược điểm của LVT chung qui phụ thuộc vào phương thức sáng tác và hình thức lưu truyền tác phẩm ( sđd, tr. 886)
Nguyễn Đình Chiểu có phải là tác giả Lục Vân Tiên không?
Đó là tựa bài viết của ông Nguyễn Quảng Tuân, giáo sư Trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang . Sau 1975, ông là nhà nghiên cứu Thành phố Hồ chí Minh. Bài viết đã đăng trong Tạp chí Văn học (Viện Văn học Hanoi, số 8, 1994, tr. 36-38).
Câu hỏi đã gây sự ngạc nhiên bởi lẽ từ hơn 150 năm nay, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đều đồng thuận một sự kiện hiển nhiên Nguyễn Đình Chiểu là tác giả Lục Vân Tiên cũng như Nguyễn Du là tác giả của Kim Vân Kiều.
Sở dĩ ông Nguyễn Quảng Tuân đã thả trái bom như trên vì ông dựa vào một bài báo cũ của M. E. Villard, tựa là Étude sur la littérature annamite, poésies et chants populaires đăng trong tập Excursions et reconnaissances, số 8, in bởi Imprimerie du Gouvernement de Saigon năm 1882.
Chương 3 của tài liệu trên có cái tựa là Analyse du Luc Van Tien bắt đầu nguyên văn như sau: « Le poème appelé Luc Van Tien, du nom de son héros, est, sans contredit, l’oeuvre la plus populaire de l’Annam. Tout le monde le sait par cœur, et il n’est pas de chaumière où l’on n’en entende chaque soir psalmodier des passages, même par les enfants, qui souvent n’en comprennent pas le sens. L’auteur du Luc Van Tien est inconnu; c’est à tort que ce poème a été attribué à un lettré de la province de VinhLong, nommé Nguyen Dinh Chieu, qui n’a fait que le transcrire en caractères démotiques et l’importer dans la basse Cochinchine il y a cinquante ou soixante ans. Luc Van Tien est connu au Tonkin de toute antiquité, et c’est peut-être l’œuvre d’un de ces aèdes des premiers âges qui chantaient leurs compositions littéraires sans les fixer par l’écriture, ce qui expliquerait comment nous en possédons plusieurs textes différant sensiblement les uns des autres… » (sđd trang 286)
Phỏng dịch: Truyện thơ Lục Vân Tiên, tên vị anh hùng chắc hẳn là tác phẩm bình dân nhất ở Annam. Mọi người đều thuộc lòng và không chiều nào, người ta không nghe tiếng ngâm nga vài đoạn thơ từ các mái nhà tranh, kể cả trẻ con, dù rằng đôi khi chúng không hiểu hết nghĩa. Tác giả Lục Vân Tiên là vô danh. Thật là một điều nhầm lẫn khi người ta gán cho nhà nho gốc ở Vĩnh Long tên là Nguyễn Đình Chiểu là tác giả. Ông nầy chỉ làm công việc là viết chuyển thành chữ Nôm và du nhập vào Nam Kỳ 50 hay 60 năm về trước. Truyện Lục Vân Tiên đã được biết ở Bắc Kỳ từ thời cổ và có lẽ đó là công trình của một trong những nhà thơ xưa đã chỉ ngâm đọc mà không ghi chép lại, điều ấy giải thích vì sao chúng ta có nhiều bản Lục Vân Tiên khác nhau.
Ngoài tài liệu kể trên, ông Tuân còn dựa vào sự kiện bản dịch đầu tiên ra tiếng Pháp của Eugène Bajot tựa là Histoire du grand lettré Louc Vian Tian (nhà XB Challamel aîné Éditeur, 1887) và trang bìa quyển Vân Tiên cổ tích tân truyện của Tụ Văn Đường in năm 1897 được Liễu Văn Đường in lại năm 1921 tại Hanoi, và nhất là bản chữ Nôm của Duy Minh Thị, cả ba đểu không cò ghi tên tác giả Nguyễn Đình Chiểu để từ đó đặt ra nghi vấn cho rằng LVT đã được phổ biến ờ Bắc Kỳ trước khi được Nguyễn Đình Chiểu nhuận sắc lại.
Nghi vấn của ông Tuân thật ra chẳng có gì mới mẻ bởi lẽ các nhà nghiên cứu văn học tiền bối của ông Tuân đã đặt ra vấn đề tìm văn bản nguyên gốc Lục Vân Tiên, nhưng điều kiện sáng tác và hoàn cảnh xã hội của tác giả đã sống không thể nào xác quyết được đâu là bản gốc. Trước tiên, về vấn đề LVT được sáng tác lúc nào, vào khoảng năm 1859 khi ông bắt đầu về quê vợ ở làng Thanh Ba để dạy học hay vài năm sau đó khi quân Pháp chiếm được Nam Kỳ, các nhà nghiên cứu không đồng thuận nhau. Nhưng dù năm nào thì cụ Đồ Chiểu cũng đã mù loà và truyện Lục Vân Tiên được thành hình bằng cách do ông đọc cho môn sinh ông chép. Trình độ các môn sinh khác nhau, cách ghi chú từ câu thơ của ông đọc sang chữ viết của nhiều môn sinh khác nhau, chưa kể chuyện Lục Vân Tiên đã được nhân dân ưa thích ngâm đọc, ghi chép, từng đoạn từng hồi ngay khi tác phẩm chưa hoàn tất.
Ngoài ra, khi chuyển từ chữ nôm sang chữ quốc ngữ lại có vấn đề khác biệt giữa các bản chữ quốc ngữ bởi tùy thuộc vào gốc gác sinh trưởng và căn bản học thức của người chuyển tự dạng. Trong quá trình phổ biến truyền khẩu và ghi chép và chuyển ngữ như vậy, chắc chắn quyển truyện đã bị thêm bớt, sửa đổi, do đó có nhiều bản dị biệt. Nhưng dù cho có bao nhiêu dị bản, nội dung chính yếu vẫn là ý tình, lời văn của Nguyễn Đình Chiểu.
Các văn bản Lục Vân Tiên
Ông Nguyễn Thạch Giang, trong một bài nghiên cứu nghiêm túc đã phân biệt những bản được in khi tác giả còn sống và sau khi tác giả đã mất, những bản xuất bản trong Nam và ngoài Bắc, những bản bằng tiếng Pháp, chữ Nôm và quốc ngữ.
Khi Nguyễn Đình Chiểu còn sinh tiền, có bản in khắc gỗ của Duy Minh Thị ở Trung Quốc, sau in lại ở ChợLớn (năm 1865) có Tôn thọ Tường trông coi việc in ấn. Cùng lúc ấy, Gabriel Aubaret, sưu tập những đoạn viết tay bằng chữ Nôm rồi dịch ra tiếng Pháp và cho in trong Journal asiatique năm 1864.
Bản Lục Vân Tiên bằng chữ quốc ngữ đầu tiên được xuất bản ở Saigon năm 1867 là bản của Janneau, nhưng có nhiều chữ sai khi phiên âm từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ. Đến năm 1883, tác phẩm được hoàn chỉnh lại với bởi văn tựa là Lục Vân Tiên ca diễn gồm 3 phần: bản nôm, bản quốc ngữ và bản dịch ra tiếng Pháp do Abel des Michels, giáo sư trường École des langues orientales biên soạn, được nhà Ernest Leroux xuất bản ở Paris năm 1883.
Sau khi Nguyễn Đình Chiểu mất, các bản Lục Vân Tiên chữ nôm, phần lớn là quốc ngữ kế tiếp nhau được xuất bản và lưu truyền ra cả miền Bắc.
Theo ông Nguyễn Thạch Giang đã có hơn 40 bản Lục Vân Tiên được in của gần 20 nhà xuất bản khác nhau là một bằng chứng về tính chất được phổ biến sâu rộng của tác phẩm nầy.
Trong số các bản xuất bản trong Nam, bản của Trương Vĩnh Ký (1889) là bản gần với nguyên tác hơn cả. Nguyên tác đây chắc chắn không phải là nguyên tác của Nguyễn Đình Chiểu, khó mà tìm được theo thực trạng sáng tác Lục Vân Tiên, mà chỉ là bản được hoàn chỉnh chấp nối những đoạn nôm chép tay hay truyền khẩu lưu truyền rộng rãi trong dân gian như Janneau trước đó đã làm, khi ông còn là đốc học trường Thông ngôn Saigon, và chính Trương Vĩnh Ký đang dạy ở trường ấy. Vì vậy, chắc chắn Trương Vĩnh Ký cũng đã có tham khảo bản Janneau và cả bản của Abel des Michels khi chỉnh lý bản của ông (NĐC, tác phẩm, tác giả, tr. 564).
Sau đó có bản của Phạm Văn Thình, là bản phổ biến nhất từ Nam ra Bắc bởi giá bán rẻ, rồi bản của Nguyễn háo Vĩnh, tựu trung các bản nầy đều dựa chính yếu vào bản của Trương Vĩnh Ký với những tu chính mỗi lần xuất bản hay tái bản.
Bản Lục Vân Tiên của nhà Tân Việt in năm 1951 do Nguyễn Thanh Tâm chú thích mà thế hệ học sinh, sinh viên miền Nam dùng làm sách giáo khoa trước 1975 là bản sửa đúng theo bản của Trương Vĩnh Ký phát hành năm 1889 gồm 21 đoạn, 2076 câu. (ghi trên trang bìa). Trong cùng thời gian đó, miền Bắc có bản Lục Vân Tiên do Hoàng ngọc Phách, Lê Trí Viễn và Vũ Đình Liên hiệu đính và được Bộ Giáo Dục CS xuất bản năm 1957.
Năm 1973, tại Saigon, Phủ Quốc vụ Khanh đặc trách Văn hóa có thành lập một Ủy ban San Định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu gồm Lê Thọ Xuân, Đỗ Thiếu Lăng, Tăng Văn Hỉ, Bùi Đúc Tịnh, Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Văn Y, Ngọc Hồ, Trần Văn Mãi, Vũ Văn Kính và bà Ái Lan. Ủy ban đã hiệu đính quyển Lục Vân Tiên chữ nôm của Abel des Michels và so sánh những dị biệt của các bản quốc ngữ.
Sau năm 1975, Nguyễn Thạch Giang, căn cứ chính yếu vào bản của Trương Vĩnh Ký và các bản Pháp Việt xuất bản trước đó để hiệu đính thành một bản Lục Vân Tiên gồm 6 đoạn và 2082 câu xuất bản năm 1980 bởi nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Bản nầy được sử dụng hiện nay như tài liệu giáo khoa chính thức.
Ngoài hoàn cảnh đặc biệt sáng tác trong mù lòa của cụ Đồ Chiểu và do đó có sự xuất hiện nhiều dị bản như trên, hoàn cảnh đất nước loạn ly khiến cụ Đồ nhiều lần dời nhà và những tai biến đã khiến con cháu ông khó lòng bảo quản được trọn vẹn gia tài văn hóa của cụ Đồ.
Tai biến thứ nhứt là đám cháy thiêu rụi ngôi nhà nơi NĐC sống tại An Bình Đông (Nguyễn Đình Chiểu mất ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý thì đám cháy đã xảy ra trong mùa thu ấy (theo Lê Thọ Xuân. Tiểu sử NĐC, Nam kỳ tuần báo ngày 26-6-1943). Trận bão Năm Thìn (1904) là đại tai biến cho người Việt Nam 13 và gia đình ông khiến con cháu ông bị hoàn toàn tiêu tán hết hết của cải.
Phan Văn Hùm, trong Ngư tiều Vấn đáp y thuật, tr.13 đã viết: … Năm giáp thìn(1904), một trận bão lụt phi thường mãnh liệt đã giết vô số con người, nhất là nơi vùng Ba Tri của tiên sinh ở, bấy giờ sinh linh còn chưa ắt dễ bảo tồn thời sách vỡ phải đành cùng người trôi dạt. Vã lại trước đó mấy tháng, người con trai thứ ba của tiên sinh là Nguyễn Đình Chúc du phương mất tại Trung Lương, hạt MỹTho, một phần sách vở của Đồ Chiểu mất theo nơi đó, rồi có lẽ không bao lâu sau cũng chìm rã dưới nước lụt tràn ngập cả vùng nầy.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân chắc hẳn có am hiểu những tài liệu và trạng huống nầy, và nhứt là có trao đổi ý kiến với ông Nguyễn Thạch Giang, người chủ trì hiệu đính Lục Vân Tiên cho Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, với tài liệu của M. E. Villard, dài 48 trang gồm 6 chương, không hiểu ông Tuân có đọc nguyên văn hay hiểu hết ý chính của Villard. Theo nhân viên hành chánh bảo hộ nầy, thì Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của một bộ Lục Vân Tiên viết bằng chữ Nôm phóng tác từ một bản gốc theo thể loại anh hùng ca (épopée) đã được phổ biến ở miền Bắc từ thời thương cổ. Villard đề cao giá trị nghệ thuật và tư tưởng cao cả của Lục Vân Tiên như Iliade nhưng lại so sánh nội dung của truyện Kiều tương tự như chuyện dâm ô Justine của Sade(…On peut comparer Luc Van Tien à l’Iliade, on trouvera plus justement une analogie frappante entre Tuy Kieu et le roman pornographique de Justine du marquis de Sade…sđd, p.304). Villard còn nói rõ thêm là Truyện Kiều không phải là anh hùng ca như Lục Vân Tiên, và trong Truyện Kiều chỉ có bản chất siêu nhiên (surnaturel) chớ không có bản chất kỳ diệu (merveilleux). Mục tiêu của Villard là so sánh giá trị Lục Vân Tiên (chương 3 ) và nặng lời với Truyện Kiều (chương 4): Tuy Kieu est à peu près intraduisible en français; outre qu’il y a des détails d’une obscénité révoltante, l’ouvrage en entier est écrit, non pas en langue annamite, mais en langue chinoise, ce qui le rend incompréhensible pour le vulgaire: c’est probablement à son obscurité même qu’il doit sa popularité, car chacun y trouve ce qu’il veut trouver, chacun accommode aux caprices de son imagination le sens ténébreux de tous les mots doubles qui y fourmillent (sđd, tr. 305) Ý chính của Villard là như vậy, và bài viết của Villard, đã chìm vào quên lảng với những nhận xét chủ quan của ông ta như vậy mặc dù ông đã ở VN 24 năm, biết nói và đọc được tiếng Việt, kể cả chữ Hán Nôm. (theo A. Schneider. Les institutions annamites en Basse Cochinchine avant la conquête française. – Saigon: Claude et Cie, 1902, p. 252).
Quyển Lục Vân Tiên, ngoài giá trị văn chương, luân lý và tinh thần ái quốc còn là một tác phẩm có bản chất tự truyện. Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu, thuở thiếu thời chính là của Lục Vân Tiên. Một vài dẩn chứng tiêu biểu.
Trước khi lên đường dự thí, Lục Vân Tiên được tôn sư lấy cho lá số tử vi, và nếu đem so những lời của tôn sư với cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta thấy có nhiều điểm tương đồng:
Số con hai chữ khoa kỳ
Khuê tinh đã rạng, tử vi thêm hòa
Hiềm vì Ngựa chạy còn xa
Thỏ vừa ló bóng, Gà đà gáy tan…
Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 13 tháng 5, năm Nhâm ngọ, tức Ngựa (1-7-1822). Đến năm Thỏ tức Quý Mão (1843), ông đỗ Tú tài. Năm Gà tức năm Kỹ dậu (1849), khi sửa soạn thi cử nhân tại Huế thì được tin mẹ mất, ông phải bỏ thi về cư tang, tiêu tan hết ước nguyện. Ngoài ra, những trầm luân khổ ải của Lục Vân Tiên như bị mù vì khóc than trên đường cư tang, bị hôn thê Võ Thế Loan bội ước là những khổ ảỉ của Nguyễn Đình Chiểu. Nếu Nguyễn Đình Chiểu không là tác giả sao có sự trùng hợp nầy.
Để trả lời nghi vấn khơi khơi của ông Nguyễn Quảng Tuân, ông Nguyễn phương Nam, GS khoa ngữ văn trường Đại học Sư Phạm Huế đã dùng phương pháp đối chiếu các từ ngữ sử dụng trong LVT với hai tác phẩm Dương Từ Hà Mậu (DTHM) và Ngư Tiều y thuật vấn đáp (NTYTVĐ) vốn đã được khẳng định về tác quyền của Nguyễn Đình Chiểu. Trong số 48 từ ngữ dùng để đối chứng, ông Nam tìm ra 45 chữ trong DTHM và 31 trong NTYTVĐ. Cùng so 48 từ ngữ nầy với các truyện có cốt truyện tương đối giống nhau với LVT như Truyện Kiều của Nguyễn Du, truyện Song Tinh của Nguyễn hữu Hào và Nhị Độ Mai(Vô Danh thị). Kết quả cho thấy trong Truyện Kiều chỉ có 3 chữ, Song Tinh có 2 chữ và Nhị Độ Mai thì không có chữ nào cả. Điểm đặc biệt trong 48 chữ trên có nhiều chữ quen thuộc của người Nam Kỳ: chàng ràng, hẩm hút, luông tuồng, tầm phào, so đo, vắng hoe, phui pha, quả báo, quày quả… Chẳng những giống nhau từ ngữ, mà còn giống cả câu:
Di Tề chẳng khứng giúp Châu (LVT, câu 511)
Di Tề chẳng khứng giúp Châu (NTYTVĐ, câu 2671)
Lỡ bề báo hiếu, lỡ đường lập thân (LVT 590, DTHM 2826)
Nghiêm Lăng đã mấy đua bơi (LVT, câu 517)
Thà như hai họ Nghiêm Châu (NTYTVD, câu 2677)……
Ngoài ra, Nguyễn Phong Nam còn chứng minh điểm tương đồng của ba tác phẩm LVT, DTHM, NTVĐYT trong cách trình bày tiết đoạn, cách thức kể chuyện, tư tưởng triết lý… Từ hơn một thế kỷ qua, các nhà nghiên cứu văn học đều khẳng định Nguyễn Đình Chiểu là tác giả Lục Vân Tiên. Chúng tôi không hiểu ông Tuân có dụng ý gì khi nêu ra nghi vấn như trên trong khi trước đó, ông đã hợp tác soạn thảo với Nguyễn Khắc Thuần quyển sách mà ông nghi ngờ tác quyền. Quyển sách nầy tựa là Từ ngữ thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, từ điển Lục Vân Tiên. NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1989)
Kết luận
Trong lịch sử văn học cận đại, Nguyễn Đình Chiểu và các tác phẩm của ông đã bị bỏ quên hay bị bỏ qua. Bỏ quên vì không được biết đến, bỏ qua vì được biết nhưng bị đánh giá thấp nên không được xét đến hay nếu có được xét đến thì chỉ xét qua loa, với nhiều thiên kiến.
Ông Dương Quảng Hàm, trong quyển Việt Nam văn học sử yếu đã giới thiệu truyện Lục Vân Tiên với lời khen kèm theo những từ như: không, cũng : Lời văn truyện nầy bình thường giản dị tuy không được điêu luyện uẩn súc như văn Truyện Kiều và truyện Hoa Tiên, nhưng có vẻ tự nhiên, có giọng chất phác, cũng là một áng văn hay trong nền quốc văn ta.
Nhận dịnh nầy đã cụ thể hóa trong bộ Việt Nam văn học sử yếu của ông dùng làm tài liệu giáo khoa cho học sinh trung học từ 1938 đến 1975 (ông đặc trách soạn thảo chương trình quốc văn) chỉ với 3 trích đọan ngắn.
Nhưng Nguyễn Đình Chiểu không phải chỉ có Lục Vân Tiên. Trong 30 năm sáng tác, ông đã để lại nhiều tác phẩm và nhiều thơ văn yêu nước mà hậu thế chỉ mới biết đến sau nầy. Quyển Dương Từ Hà Mậu chỉ mới được biết đến lần đầu khoảng năm 1935-1936 do bà Mai Huỳnh Hoa, chắt ngoại của cụ Đồ Chiểu giới thiệu (cháu ngoại của bà Sương Nguyệt Anh, con gái thứ năm của ông) và sau đó, năm 1938, ông Phan Văn Hùm (chồng bà Mai Huỳnh Hoa) sao lục một số đoạn đăng trong Nỗi lòng Đồ Chiểu, nhưng bị thực dân Pháp cấm lưu hành. Phải chờ đến năm 1964, quyển Dương Từ Hà Mậu do Phan Văn Hùm hiệu đính toàn thể mới đựơc nhà Tân Việt cho xuất bản.
Theo GS Thanh Lảng, Nguyễn Đình Chiểu là người của hai thế hệ: thế hệ 1820 và thế hệ 1862. Nguyễn Đình Chiểu của Lục Vân Tiên, của Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật là Nguyễn Đình Chiểu của thế hệ 1820 là thế hệ của những nhà nho chính thống, mà tư tưởng không ngoài trung hiếu và văn phong không khỏi có tính đài các, lý tưởng. Nguyễn Đình Chiểu của thế hệ 1862 là Nguyễn Đình Chiểu của một loạt văn chương thời thế, kháng chiến. Dưới hình thức Đường luật ta có thể kể đến các bài: Xúc cảm, Ngựa tiêu sương, Đạo người, Làm thuốc, Chạy giặc, Điếu Phan Công Tòng (10 bài), Điếu Trương công Định (12 bài), Điếu Phan Thanh Giản, Tự thuật; dưới hình thức những bài văn tế ta có thể kể đến Văn tế Trương công Định, Điếu sĩ dân Lục tỉnh Nam Kỳ (Tế nghĩa sĩ trận vong trong sáu tỉnh), Tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Tế vong hồn mộ nghĩa); dưới hình thức những bài hịch ta có thể kể đến: Thảo thử hịch (Hịch bắt chuột) Hoàng Trùng trập khởi (Cào cào dấy lên phá lúa); dưới hình thức lục bát: truyện Dương Từ Hà Mậu. (Bảng lược đồ văn học VN, quyển hạ. Saigon: Trình Bày, 1967).
Nếu Nguyễn Đình Chiểu là văn hào bị bỏ quên hay bị bỏ qua, trớ trêu thay, ông lại là nhà văn bị các nhà chính trị Pháp Việt lợi dụng tư tưởng và uy tín của ông để phục vụ cho những mục tiêu chính trị của các chế độ. Trước hết, những ve vuốt của chính quyền thuộc dịa Pháp như đề nghị cấp tiền, cấp đất cho ông chẳng qua là muốn mua chuộc ông, mong dùng uy tín ông để lấy lòng sĩ phu và dân Nam Kỳ khi họ mới bắt đầu đặt nền móng cai trị. Sau đó, việc dịch thuật quảng bá Lục Vân Tiên, ngoài việc trọng nể một văn tài còn có hậu ý diễn dịch thuyết trung quân trong Lục Vân Tiên để khuyến dụ dân Nam Kỳ trung thành với chánh phủ bảo hộ. Cùng trong thâm ý ấy, thống đốc Ernest Hoeffel, trong bài diễn văn bằng tiếng Việt đọc ngày 27 tháng 6 năm 1943 tại mộ của cụ Đồ ở Ba Tri đã đem tư tưởng Tứ thư ngũ kinh đễ khuyên thanh niên VN phải noi theo Cụ trong việc phụng sự gia đình và quốc gia trong khuôn khổ chánh sách Pháp Việt phục hưng của Pétain.
Cộng Sản Việt Nam đã lớn tiếng nhạo báng cách thu phục nhân tâm nầy nhưng họ lại càng tỏ ra tinh xảo hơn trong việc lợi dụng thơ văn yêu nước cũng như tư cách thanh cao của Nguyễn Đình Chiểu trong các chiến dịch tuyên truyền.
Cũng như truyện thơ Lục Vân Tiên, bài bản tuyên truyền của Cộng Sản Việt Nam cũng có lớp có hồi. Năm 1963, sau khi cho ra đời Mặt Trận giải phóng Miền Nam, để khích động dân chúng miền Nam tham gia tích cực vào cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam, Cộng Sản cho tổ chức một buổi lễ kỷ niệm 75 năm ngày mất của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Tại nhà Hát Lớn ở Hanoi, Phạm Văn Đồng và một số văn công đến đọc những bài diễn văn hay tham luận nặng mùi chiến tranh và gán ép văn thơ và tinh thần ái quốc của Nguyễn Đình Chiểu với cuộc chiến tranh thần thánh chống «Mỹ Ngụy».
Năm 1972, khi chiến tranh leo thang đến mức tuyệt vọng, Cộng Sản lại lập bàn thờ Cụ Đồ Chiểu để kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Cụ cũng với những diễn văn đem hình tượng và lòng ái quốc của Cụ để huy động dân chúng đánh đuổi quân xâm lược. Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu cũng được thành lập để tưởng thưởng những bài viết cổ vỏ cho cuộc «chiến tranh xâm lược» này.
Nhiều bài nghiên cứu xuyên tạc một cách hạ cấp tinh thần Nguyễn Đình Chiểu. Chúng tôi xin trích đăng một số nhận định của vài nhà nghiên cứu đỉnh cao trí tuệ: …
« …Cho nên cuộc chiến đấu của chúng ta được tất cả những Lục Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh, Nguyệt Nga, ông Quán, ông Tiều trên thế giới ủng hộ ta, đoàn kết với chúng ta đánh bại quân gian ác là Nixon Thiệu khát máu còn gian ác gấp trăm nghìn lần bọn Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, Võ Thế Loan thời Nguyễn Đình Chiểu. Càng nhớ đến Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta lại càng nhớ đến bác Hồ vĩ đại, người đã kế tục và phát huy những tư tưởng nhân nghĩa, nhân ái của tổ tiên trong đó có nhà thơ yêu nước lớn của dân tộc ở thế kỷ XIX …» (Hà Huy Giáp. Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn yêu nước, chống xâm lăng – ( trích từ NĐC, tác giả, tác phẩm, tr. 134).
Và để ca tụng những phụ nữ bộ đội bỏ chồng, bỏ con đi Trường Sơn, những bà mẹ chiến sĩ giấu cán bộ trong hầm hố để đêm đêm lẻn ra gài mìn, phá đường, giết hại lương dân, Nguyễn Huệ Chi, một nhà «nghiên cứu lớn» của CS cũng ví von như sau: … Hình ảnh nàng Nguyệt Nga vai mang bức tượng Vân Tiên, vượt qua bao chặng đường gian khổ để cuối cùng giành được hạnh phúc có gì gần gũi với người phụ nữ yêu nước miền Nam, hàng chục năm nay sống dưới ách cùm kẹp của Mỹ -Ngụy, vẫn mang trọn niềm chung thủy với chồng con, và luôn luôn đứng hàng đầu trong các cuộc đấu tranh để bẻ gãy xích xiềng của chế độ Saigon để chóng đến cái ngày Bắc Nam sum họp … (Nguyễn Huệ Chi.Con đường thơ của NĐC. Sđd, tr. 530)
Rồi Bắc Nam sum họp năm 1975. Các đồng chí lãnh đạo ùa vô Nam vơ vét, các đồng chí Trường Sơn và Giải Phóng miền Nam từ rừng núi và hầm hố chui ra để về vườn cày ruộng hay sống vất vưởng bên vĩa hè, bên các dinh thự của các đồng chí cũ. Để xoa dịu bất mãn và dọa nạt, ngày 8 tháng 6 năm 1982, Cộng Sản tổ chức kỷ niệm 160 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu, lần nầy ở Bến Tre, quê hương của phong trào đồng khởi.
Nguyễn Khánh Toàn, chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học Xã hội, đại diện cho chánh phủ đến Bến Tre để ve vuốt đồng chí và dân chúng bị bỏ rơi sau chiến thắng vẫn bằng hình tượng của cụ Đồ: Chúng ta tin tưởng rằng đồng bào tỉnh Bến Tre hết lòng hết sức thi đua thực hiện tốt những Nghị Quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, phát huy tinh hoa di sản cao quý của Nguyễn Đình chiểu, kết hợp với nghị lực sáng tạo dồi dào của quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động….Đó là cách thừa kế tốt nhất di sản Nguyễn Đình Chiểu. Đó là chùm hoa tươi thám tỉnh Bến Tre cùng đồng bào cả nước dâng lên hương hồn của Nguyễn Đình Chiểu… (sđd. Tr. 228)
Nói tóm lại, ngoài những lời khen tặng của các nhà chính trị và văn học người Pháp vì họ ngưỡng mộ văn tài và tư cách của Nguyễn Đình Chiểu, và nhất là vượt lên trên những lợi dụng thô bạo của người cộng sản, dùng văn thơ và lòng ái quốc của cụ Nguyễn đình Chiểu để tuyên truyền cho chế độ, truyện thơ Lục Vân Tiên muôn đời vẫn là truyện thơ được ưa thích của người Nam Kỳ và ảnh hưởng trên người Nam Kỳ bởi lẽ nó phản ảnh tâm tình và tâm tính của người dân Nam Kỳ.
Lâm Văn Bé