Trò Chơi Trẻ Con Khu Đakao Trong Thập Niên 1950:
Chơi Tạt, Ðánh Ðáo, Ðánh Trỏng
Lâm Vĩnh Thế
Chơi Tạt
Ðây là trò chơi rất thịnh hành trong mùa nắng. Khởi sự chơi thì mỗi đứa chơi phải bỏ ra một số “tiền” bằng nhau (sẽ nói rõ về “tiền”ở bên dưới), tất cả được đặt vào giữa một cái ô hình vuông có cạnh độ 5 tấc, vẽ ra ngay trên mặt đường. Sau khi đặt “tiền” xong, đầu tiên là thi thảy mức để định thứ tự chơi. Mỗi đứa chơi đứng bên cạnh cái ô, lần lượt thảy miếng chàm (sẽ nói rõ về “chàm” bên dưới) của mình về phía đường mức là một lằn gạch, cách cái ô độ 15, 20 mét. Thứ tự chơi của từng đứa sẽ được quyết định bởi khoảng cách từ miếng chàm tới đường mức, gần nhứt thì được chơi trước nhứt, xa nhứt thì đi chót. Ai thảy miếng chàm của mình qua khỏi đường mức thì đương nhiên là đi chót. Như vậy, sau khi thi thảy mức, mọi người đều tề tựu về phía đường mức, và thứ tự chơi đã được quyết định. Theo thứ tự nầy, mỗi người sẽ lần lượt tạt, nghĩa là thảy cái chàm của mình, sao cho nó lướt trên mặt đường về phía cái ô, nhằm mục tiêu là cái đống “tiền” được xếp ở giữa ô. Dĩ nhiên cuộc chơi chấm dứt ngay sau khi tất cả đống “tiền” đã bị tạt văng ra khỏi cái ô. Vì thế, ngay cả đứa được xếp thứ nhì trong thứ tự chơi cũng có thể không được tạt, nếu đứa chơi đầu tiên đã tạt văng ra ngoài khỏi cái ô tất cả số “tiền”. Trong thời gian các đứa chơi thay nhau tạt, chỉ có một đứa không được đứng ở phía đường mức, mà tiếp tục đứng bên cạnh cái ô, đó là anh chàng nào xui xẻo, bị đi chót. Nhiệm vụ của tên nầy là sắp xếp lại cái đống “tiền” nếu có người nào tạt trúng nó. Số “tiền” văng ra khỏi phạm vị cái ô là thuộc về người tạt trúng. Số “tiền” còn nằm bên trong cái ô sẽ được tên nầy phụ trách sắp xếp lại vào giữa cái ô. Sau khi mọi đứa, kể cả đứa đi chót, đã tạt xong, mà một phần hoặc toàn bộ số “tiền” vẫn còn trong ô, thì tất cả lại tiếp tục tạt nữa, nhưng lần nầy thì từ phía ngược lại của đường mức, và thứ tự chơi cũng thay đổi, người nào có miếng chàm ở cách xa cái ô nhứt (sau khi tạt lần đầu từ đường mức) thì được tạt trước nhứt. Thông thường thì sau lần chơi nầy số “tiền” sẽ không còn ở trong ô nữa. Và như vậy là chấm dứt một lần chơi. Sau đó lại đặt “tiền,” lại thi thảy mức và bắt đầu một lần chơi mới. Như đã mô tả ở trên, muốn tham gia trò chơi tạt nầy phải có hai điều kiện, có chàm và có “tiền”. Ðiều kiện thứ nhứt không bắt buộc lắm, vì nếu mình không có miếng chàm riêng của mình mà có một đứa khác đồng ý cho mình cùng sử dụng miếng chàm của nó thì mình vẫn có thể tham gia trò chơi được. Tuy nhiên ít có trường hợp nầy lắm vì thứ nhứt là đâu có khó khăn để kiếm miếng chàm mà phải đi mượn, thứ hai là mình phải thật quen tay với miếng chàm của mình thì khi thảy mới bảo đảm được kết quả tốt. Sự ăn thua trong trò chơi nầy rõ ràng là nằm trong hai khả năng: cái tài thảy mức và cái tài làm sao tạt cho trúng cái đống “tiền”. Cả hai cái tài nầy đều là kỹ thuật vận dụng miếng chàm. Thảy mức thật ra cũng chính là một mặt của kỹ thuật tạt, nhưng thay vì tạt là nhắm vào đống “tiền”, thì thảy mức là nhắm vào cái đường mức. Cái khác nhau giữa hai kỹ thuật nầy là khi tạt thì phải tính sao cho khi miếng chàm đến mục tiêu thì nó vẫn còn đủ sức để hất tung đống tiền, trái lại, khi thảy mức, thì phải tính sao cho khi miếng chàm khi đến gần mục tiêu (tức là đường mức) thì nó không còn sức di chuyển nữa, hay nhứt là làm sao cho miếng chàm ngừng lại khi nó vừa tới sát đường mức. Thảy mức rất quan trọng vì nó tạo cơ hội cho mình được chơi trưóc, khi đống “tiền” còn nhiều, còn lớn và dễ tạt trúng hơn. Còn tạt thì chính là nguyên nhân trực tiếp của thắng hay bại. Tạt giỏi là làm sao cho miếng chàm của mình, sau khi rời khỏi tay mình, chạm vào mặt đường, không bị xốc lên, lăn lóc, mà tiếp tục luớt nhẹ nhàng trên mặt đường, nhắm đúng vào giữa cái đống “tiền” và còn đủ sức để hất tung càng nhiều càng tốt số “tiền” ra khỏi cái ô. Nếu miếng chàm bị xốc lên hay lăn lóc thì hướng đi của nó sẽ dễ bị lệch, không đánh trúng vào mục tiêu. Sức dùng để thảy miếng chàm cũng phải được tính toán, tùy theo khoảng cách giữa đường mức và cái ô. Ngoài ra cũng phải ráng làm sao cho miếng chàm của mình, dù có trúng mục tiêu hay không, tiếp tục đi xa nhứt về phía bên kia cái ô, để phòng khi còn có cơ hội tạt ngược trở lại (vì “tiền” vẫn còn, như đã nói ở trên), thì mình được tạt đầu tiên. Cách nhắm cũng rất quan trọng, miếng chàm của mình phải trúng vào ngay giữa đống “tiền” thì mới có thể hất tung toàn bộ đống “tiền” để thắng lớn, chớ nếu chỉ trúng vào một bên hay một góc của đống “tiền” thì khó mà “ăn” nhiều được. Có kỹ thuật tốt không cũng chưa đủ, phải có dụng cụ tốt nữa thì mới mong đạt được kết quả tốt. Vì thế phẩm chất của miếng chàm cũng rất quan trọng. Tuy không có một quy định nào về hình dáng và kích thước của miếng chàm, nhưng nói chung, tốt nhứt là miếng chàm phải vừa tay mình, không lớn quá, không nhỏ quá, không nặng quá, không nhẹ quá. Lớn quá hay nặng quá thì khó mà thảy xa được, và cũng khó mà canh cho đúng mục tiêu. Nhỏ quá hay nhẹ quá thì khi trúng mục tiêu lại có khi không “ăn” lớn được. Ngoài ra miếng chàm phải được mài cho láng ở mặt dưới để có thể lướt thật tốt trên mặt đường. Và thông thường miếng chàm phải bằng đá xanh cho đủ cứng, không bị bể khi chạm vào mặt đường. Việc “chế tạo” một khối đá xanh (thường bọn tôi phải đi ra mấy khu có đường rầy xe lửa mới lượm được mấy cục đá xanh nầy; đá xanh là tiếng nôm na, tên khoa học của nó là đá hoa cương, một loại phún xuất thạch) thành một miếng chàm thật tốt cũng mất rất nhiều công phu và thời gian. Ngược lại nó chính là niềm hãnh diện của mình, cũng như các hiệp khách ngày xưa quý thanh gươm, hay mấy anh cao bồi Mỹ quý khẩu “ru lô” của họ vậy. Và cũng chính vì vậy mà ít ai chịu đi mượn miếng chàm của người khác (mất mặt quá) và cũng ít ai chịu cho người khác mượn miếng chàm của mình (rủi nó hư thì sao ?). Về “tiền” thì có ba loại: nút khoén (tức là nắp các chai nước ngọt, còn gọi là nút phéng), bao thuốc lá, và giấy hình. Vì thế thật ra có ba loại chơi tạt: tạt nút khoén, tạt bao thuốc hay tạt hình. Luật chơi thì hoàn toàn giống nhau, như đã mô tả ở trên, chỉ có đối tượng ăn thua là khác nhau. Hai loại “tiền” đầu tiên thì phải chịu khó bỏ công đi lượm về và chuẩn bị. Loại “tiền” thứ ba là loại duy nhứt phải bỏ tiền thật ra mua. Nút khoén thì sau khi lượm về phải cạy bỏ lớp mốp ở bên trong đi, xong rồi dùng búa hay đá dập cho chúng dẹp và phẳng ra, nhưng phải tránh không làm mất cái hình vẽ sơn ở trên mặt vì chính các hình đó quyết định về trị giá của “tiền”. Các loại nắp chai nước ngọt thông thường như nước cam, bạc hà, xá xị có giá trị thấp nhứt, mỗi cái chỉ tính một đơn vị. Các loại nắp chai ít gặp hơn như sođa, nước suối Perrier, hay xi rô, bia 33, có giá trị cao hơn, có cái tính ba, có cái tính năm đơn vị. Bao thuốc lá thì sau khi lượm về cũng phải được chuẩn bị cho thành “tiền”. Ðầu tiên là bóc bỏ lớp giấy kiếng bên ngoài (nếu vẫn còn, thường thì không còn) và lớp giấy bạc bên trong. Xong rồi khéo léo mở banh bao thuốc ra cho nó thành một tờ giấy mà không bị rách, sau đó xếp nó lại thành hình chữ nhựt, ngang khoảng 4 cm, dài khoảng 6 cm, với phần mặt bao có tên hiệu thuốc lá ra bên ngoài và ở phía trên. Cũng giống như nút khoén, bao thuốc lá có giá trị khác nhau tùy theo hiệu thuốc. Các bao trị giá kém nhứt, chỉ tính một đơn vị, là các bao thuốc thông thường như Mélia, Bastos xanh, Bastos đỏ. Trị giá cao hơn là các bao hiệu Capstan, Cotab. Cao hơn nữa là các bao Con Mèo (Craven “A”), hay Lính Thủy (Navy Cut), hay Lucky, hay Lạc Ðà (Camel). Loại “tiền” chót, giấy hình, thì phải ra chợ Ðakao hay chợ Tân Ðịnh để mua. Ðó là các tấm giấy carton mỏng có in hình màu của các truyện tranh vẽ như Zorro, Tarzan, vv. Các tấm carton nầy hình chữ nhựt, chiều ngang độ 2 tấc, chiều dài độ 3 tấc, chia làm 30 ô vuông, mỗi ô đều có in hình màu. Mua các giấy nầy về, bọn tôi cắt ra theo các ô chia sẳn, mổi ô với hình trên đó được tính một đơn vị. Loại “tiền” nầy thì tất cả đều có giá trị ngang nhau. Trong ba loại trò chơi tạt nầy, loại tạt hình là loại sinh sau đẻ muộn và kém phổ biến nhứt vì nó đòi hỏi phải bỏ tiền thật ra mua. Ngoài ra, cũng vì nó kém hấp dẫn nhứt, chỉ bỏ tiền ra mua là có, không đòi hỏi công phu đi lùng kiếm, lục lạo, và hên xui, may rủi. Các bạn cứ thử tưởng tượng xem khi bọn tôi may mắn tìm được một cái nắp chai Perrier, hay môt cái bao thuốc Camel thì bọn tôi sướng biết là chừng nào. Rồi còn cái công chuẩn bị cho các thứ đó trở thành “tiền” nữa, cực hơn nhiều nhưng cũng khoái hơn rất nhiều.
Ðánh Ðáo
Trò chơi nầy thường ít khi có trên bốn đứa trẻ, mỗi đứa bỏ ra một số “xu” bằng nhau. “Xu” có thể là tiền xu thật, loại đồng một xu màu xanh xám, bằng kẽm, tương đối dễ bể, do chính quyền thuộc địa Pháp phát hành, lúc đó vẫn còn lưu hành (vào đầu thập niên 1950, một xu lúc đó có thể mua được một miếng kẹo da trâu), nhưng cũng có thể là tiền điếu, bằng đồng thau, do Nhà Nguyễn phát hành, lúc đó không còn xài được nữa. “Xu” cũng có thể là nút khoén (từ thông dụng tại Miền Nam để chỉ cái nấp bằng kim loại của các chai nước ngọt, chai bia, vv.)
Có hai thể loại của trò chơi nầy, một có lỗ và một không có lỗ. Khi chơi thì chọn một khúc lề đường có mặt đất phẳng, không có cỏ. Ðầu tiên là đào một cái lỗ (nếu chọn chơi có lỗ), đường kính sao cho các đồng xu có thể lọt vào gọn gàng, sâu chừng hơn một phân thôi, ngay bên dưới cái lỗ sẽ gạch một đường dài chừng hơn một mét, sau đó gạch một đường nữa, song song với đường thứ nhứt và cách đường nầy chừng hai mét.
Trước khi bắt đầu chơi thì thi thảy mức hay “oánh tù tì” để định thứ tự chơi. Bắt đầu chơi thì đứa đi đầu tiên sẽ cầm hết cả xấp tiền xu đã góp lại, đứng tại đường gạch thứ nhì, ném tất cả về phía đường gạch kia. Nếu chơi có lỗ, thì mục tiêu sẽ là làm sao ném cho các đồng xu rớt vào trong lỗ, càng nhiều càng tốt, vì tất cả các xu lọt vào trong lỗ sẽ thuộc về người ném. Số xu không lọt vào lỗ sẽ nằm rải rác trên mặt đất, chung quanh cái lỗ, hoặc cũng có khi văng ra xa hơn. Bây giờ các đứa còn lại sẽ bàn với nhau, và sau đó sẽ chỉ vào một trong các đồng xu đó. Dĩ nhiên, đó là đồng xu ở vào vị trí mà cả bọn tin là khó chọi trúng nhứt. Ðó sẽ là mục tiêu cho đứa đang chơi. Trong trường hợp có mấy đồng xu nằm dính chùm với nhau, thì mấy đồng đó đương nhiên là mục tiêu, bọn còn lại bị tước mất cái quyền chỉ định mục tiêu. Ðứa đang chơi sẽ dùng một đồng chọi của riêng nó, nhắm chọi cho trúng cái đồng xu mà đối phương đã chỉ định, hoặc cái đống tiền xu nằm dính chùm với nhau. Trong trường mục tiêu chỉ định, nếu nó chọi trúng thì nó sẽ “ăn” hết tất cả các xu. Nếu nó chọi trật hay trúng một đồng xu khác thì phiên chơi của nó chấm dứt, và đứa có thứ tự kế tiếp sẽ bắt đầu chơi. Trong trường hợp mục tiêu đương nhiên (đống xu dính chùm) thì đứa chơi phải dùng đồng chọi của nó chọi thế nào cho tất cả các đồng xu đó rời ra hết. Nếu làm được vậy, nó sẽ “ăn” hết, nếu không thì phiên chơi của nó chấm đứt. Ðứa được đi kế sẽ gom tất cả xu lại, đi tới đường gạch ở đầu kia và bắt đầu chơi. Trò chơi cứ thế tiếp tục cho đến khi tất cả các xu đã được “ăn” hết.
Trong trò chơi nầy, “võ khí cá nhân”, tức là đồng chọi, rất quan trọng, góp phần định đoạt thắng bại. Bọn tôi mỗi đứa đều phải tự chế tạo đồng chọi. Thông thường nhứt là các đồng chọi bằng chì. Ðể “chế tạo võ khí cá nhân” nầy, bọn tôi phải chịu khó đi tìm tòi, lục lọi ở mấy bãi rác, tìm cho được mấy miếng chì vụn vặt, tốt nhứt là mấy cái ngàm thắng xe đạp. Bỏ tất cả vào một cái lon sửa bò, bọn tôi đốt cái lon cho nóng lên để cho chì chảy ra thành nước (các bạn đã hiểu tại sao bọn tôi chọn chì rồi phải không, lý do đơn giản là vì chì có độ nóng chảy rất thấp, dễ “luyện kim,” phải không các bạn?). Trong khi đó, thì bọn tôi đào một cái lỗ trên mặt đất, chổ có đất sét là tốt nhứt, vì dễ đào, và dễ “thiết kế” cái lỗ theo ý muốn của mình. Ðường kính của cái lỗ lớn nhỏ là tùy theo mình muốn đồng chọi của mình bao lớn. Ðộ sâu của cái lỗ thường khoảng một phân thôi. Khi chì đã chảy ra thì kiếm một miếng vải cầm cái lon lên (cho khỏi phỏng tay), đổ nước chì vào trong cái lỗ, canh sao cho vừa đủ, để khi nguội lại mình sẽ có một đồng chọi có bề dày vừa ý mình. Sau khi chì đã nguội và đông đặc lại, thì moi đồng chì ra khỏi lỗ, và bắt đầu tiến trình hoàn tất đồng chọi, bằng cách mài cạnh và mặt của nó cho láng. Thế là mình có được một đồng chọi hoàn toàn vừa ý mình. Sau đó là bắt đầu tập luyện để chọi cho chính xác, muốn chọi đồng nào là trúng đồng đó. Ðến đó thì mình đã cảm thấy sẳn sàng “ra trận” rồi.
Ðánh Trỏng
Trò chơi nầy về sau tôi được biết là trẻ con ngoài Bắc cũng có chơi và gọi là đánh khăng. Dụng cụ để chơi rất đơn giản, gồm có hai khúc cây, một dài độ ba bốn tấc gọi là cây tán, một ngắn độ hơn một tấc thôi gọi là con trỏng. Lý tưởng nhứt là cả cây tán và con trỏng đều làm bằng củi đòn, một loại củi thân tròn và rất thẳng, đường kính độ dưới hai phân, màu đỏ, chụm mau cháy và có độ nóng cao, loại củi nầy tương đối mắc tiền nên không phải nhà nào cũng có khả năng mua về để chụm lửa. Nếu không có được củi đòn thì tìm mấy nhánh cây me, hay cây ổi cũng rất tốt, có điều là sẽ tốn công nhiều hơn trong việc chế biến chúng.
Ở xóm Ðakao của tôi thì luôn luôn chỉ chơi bốn đứa chia làm hai phe, mỗi phe hai đứa. Chổ chơi thì phải rất rộng nên dĩ nhiên địa điểm lý tưởng của bọn tôi là bãi đất trống gần vựa củi của Ông Tư. Ðể chuẩn bị chơi thì đầu tiên là đào một cái lỗ dài độ hơn hai tấc, bề ngang chừng ba phân, sâu cũng chừng ba phân. Kế đó là gạch một đường mức cách phía trước cái lỗ chừng hai mét. Ðể ấn định thứ tự chơi thì mỗi phe cử ra một đứa để “oánh tù tì”. Phe nào thắng thì được chơi trước. Phe đó sẽ cử ra một đứa để chơi, đứa kia chỉ đứng ngoài quan sát. Phe còn lại thì cả hai đứa đều đi ra phía đằng trước; vị trí đứng của tụi nó xa hay gần đường mức hoàn toàn do tụi nó quyết định. Mục tiêu của tụi nó là đón bắt con trỏng do đối phương phóng ra.
Trò chơi nầy đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật khác nhau vì cách chơi lần lượt thay đổi theo tiến trình của cuộc chơi, càng về sau càng khó. Ðầu tiên là vít, là lối chơi dễ nhứt, đứa nào cũng chơi được hết. Khi chơi lối nầy thì con trỏng được đặt nằm ngang trên miệng lỗ, phía đằng đầu của lỗ, cây tán được cầm bằng hai tay, đầu kia đặt vào trong cái lỗ, bên dưới con trõng, đứa đang chơi sẽ dùng hết sức để vít con trỏng cho nó bay lên khỏi mặt đất, tối thiểu là phải qua khỏi đường mức và làm sao cho đối phương không bắt được nó. Nếu đối phương bắt được con trỏng thì phiên chơi của phe đang chơi chấm dứt liền lập tức. Phe đang chơi, lần nầy thì cả hai đứa, sẽ di chuyển ra phía trước để đón bắt con trỏng. Phe đối phương thì lại cử ra một đứa để bắt đầu chơi. Nếu đối phương không bắt được con trỏng, thì một đứa sẽ đi tới chổ con trỏng rớt xuống, lượm con trỏng lên và ném về phía cái lỗ, lúc đó cây tán đã được đứa đang chơi gát nằm ngang trên miệng lỗ. Mục tiêu của đối phương là làm sao ném cho con trỏng trúng vào cây tán. Nếu ném trúng thì phe đang chơi bị chấm dứt phiên chơi liền. Nếu ném không trúng nhưng con trỏng nằm cách cái lỗ một khoảng ngắn hơn chiều dài của cây tán thì phe đang chơi cũng bị chấm dứt phiên chơi liền. Nếu ném không trúng mà con trỏng nằm xa cái lỗ thì đứa đang chơi sẽ cầm cây tán lên, đi tới chổ con trỏng đang nằm và bắt đầu dùng cây tán đo khoảng cách từ đó về tới cái lỗ, đếm xem được bao nhiêu chiều dài cây tán, con số nầy sẽ là điểm của phe đang chơi, và thông thường, ở xóm Ðakao tôi, số điểm để thắng cuộc chơi là một trăm điểm.
Sau lối chơi vít là lối chơi tán. Bắt đầu lối chơi nầy, đứa chơi phải cầm cả cây tán lẫn con trỏng trên một tay. Sau khi hô lớn số điểm đã có được và cách chơi sắp diển ra (thí du: mười hai, tán) thì đứa chơi sẽ ném con trỏng lên cao, chờ cho nó rơi xuống ngang tầm tay, dùng hết sức tán cây tán thật mạnh vào con trỏng cho nó bay vút về phía trước. Nếu tán hụt, hay tán trúng nhưng quá nhẹ khiến cho con trỏng không bay vượt qua khỏi đường mức thì phiên chơi sẽ chấm dứt liền. Nếu tán trúng và đủ mạnh để con trỏng bay xa khỏi đường mức thì phe đối phương sẽ có mục tiêu là chận bắt con trỏng trên không trung. Nếu phe đối phương bắt được con trỏng thì phiên chơi của phe đang chơi cũng sẽ chấm dứt liền. Nếu không bắt được thì một đứa trong phe đối phương sẽ đi lượm con trỏng lên và ném về phía cái lỗ. Ðứa đang chơi sẽ nhắm vào con trỏng đang được ném trả lại và cố gắng tán cho trúng nó. Nếu nó tán trúng thì lần nầy phe đối phương không được quyền đón bắt con trỏng nữa. Nó sẽ đi tới chổ con trỏng rớt xuống và bắt đầu đo khoảng cách từ đó về cho tới cái lỗ, cộng vào điểm phe nó đã có sau lần chơi vít. Nếu nó tán hụt và con trỏng rơi xuống cách cái lỗ một khoảng ngắn hơn chiều dài cây tán thì phiên chơi của phe đang chơi cũng sẽ chấm dứt liền. Nếu nó tán hụt nhưng con trỏng rơi xuống cách xa cái lỗ thì nó được quyền đo khoảng cách từ đó về cái lỗ để tính điểm, cộng vào điểm phe nó đã có sau lần chơi vít.
Lối chơi kế tiếp là chặt. Bắt đầu lối chơi nầy, con trỏng được gát vào đầu trước của cái lỗ, nữa phần sau của con trỏng nằm trong cái lỗ, nữa phần trước nằm ngóc đầu lên ở ngoài cái lỗ. Sau khi hô lớn số điểm đã có và cách chơi sắp diển ra (thí du: ba mươi sáu, chặt) đứa đang chơi sẽ dùng cây tán chặt vào cái đầu của con trỏng đang ngóc lên, làm sao cho con trỏng bắn lên cao khỏi mặt đất, chờ khi con trỏng rơi xuống ngang tầm tay, sẽ dùng cây tán đánh mạnh vào con trỏng cho nó bay vút về phía trước. Luật lệ cũng y như lối chơi tán vừa kể trên. Nếu thoát được đối phương lần nầy nữa thì phe đang chơi, sau khi tính thêm điểm, sẽ chuyển sang lối chơi chót gọi là gánh.
Lối chơi nầy rất khó. Khởi sự chơi thì đứa đang chơi phải để cây tán nằm vắt vẻo trên vai trái, bàn tay phải cầm con trỏng. Sau khi hô to điểm đã có và lối chơi sắp diển ra (thí dụ: sáu mươi lăm, gánh), đứa chơi co chân phải lên, luồn bàn tay phải xuống dưới chân phải, liệng con trỏng lên cao, hạ chân phải xuống đất, bàn tay phải chụp cây tán trên vai, và vừa lúc con trỏng rơi xuống ngang tầm tay, nó dang hết sức tán thật mạnh vào con trỏng cho nó bay vút về phía trước. Luật lệ cũng y như lối chơi vừa rồi. Nếu lại thoát được lối phương lần nầy nữa thì phe đang chơi, sau khi tính thêm điểm, và nếu vẫn chưa đủ một trăm điểm, sẽ trở lại lối chơi vít.
Khi một phe đã đạt đủ số một trăm điểm thì phe kia phải chịu thi hành hình phạt, gọi là chạy u một khoảng đường đo bằng ba lần tán. Chạy u là vừa chạy vừa phải thổi u u, mà khi thổi u u như vậy thì phải nín thở nên không thể chạy xa được. Nếu ngưng thổi u u mà chưa chạy xong khoảng đường đó thì lại bị phạt thêm một tán nữa. Ðể kiểm soát việc thi hành hình phạt nầy thì phe thắng không có cách nào khác hơn là cũng phải chạy kèm theo phe thua. Dĩ nhiên phe thua thì được quyền thay phiên nhau để chạy tiếp phạt.
(Nguồn: Đakao trong tâm tưởng, của chính tác giả dưới bút hiệu Vĩnh Nhơn. Hamilton, Ontario, Canada: Hoài Việt xuất bản, 2008. Tr. 80-86, 92-99).