U Tình Lục, tác phẩm của Hồ Biểu Chánh

thí nghiệm về đất trời phương Nam

Nguyễn Văn Sâm

1.

Đọc vài ba câu ca dao của miền Nam ta sẽ thích thú ngay với những hình ảnh đuợc mô tả, cách nói, thái độ của nhân vật, ta cảm thấy gần gũi với họ biết bao nhiêu.

Chẳng hạn lời trách cứ của người trai:

Bậu nói với qua bậu không bẻ mận hái đào.

Mận đâu bậu bọc mà đào nào bậu cầm tay.

Lời trách nhẹ nhàng, cái lỗi cũng không nặng lắm. Có thể là cái cớ để trách thôi, giấu che không nhắc tới lỗi tày trời mà bậu đã làm. Mà cần gì nhắc, người con gái sẽ hiểu thôi.

Chẳng hạn như lời trách của người đàn bà:

Ngày nào anh bủng anh beo,

Tay bưng chén thuốc lại đèo miếng chanh.

Bây giờ anh mạnh anh lành,

Anh đi theo con nhỏ đó anh đành phụ tôi.

Trách phiền không gì bằng nhắc công lao xưa, anh ngon lành bây giờ là do tình tôi lo lắng cho anh ngày trước. Anh phụ tình còn có nghĩa là anh phụ ơn. Lời trách cũng nhẹ nhàng thôi. Và tôi dám chắc người bội bạc sẽ thấm mà không đi theo con nhỏ đó nữa.

Trong thơ Sáu Trọng, con Hai Đẩu thấy thằng Sáu Trọng bảnh tỏn thì thích lắm bèn hỏi thẳng chẳng cần vòng do cong quẹo xa gần:

Đẩu rằng: ‘Anh có vợ chưa,

Nếu chưa có vợ em thì chỉ cho.’

Trọng rằng: ‘Buôn bán không lo,

Nói chuyện đưa đò chè cháo lạnh tanh’.

Đẩu rằng: ‘Lòng khiến thương anh,

Cháo chè nguội lạnh cũng đành dạ tôi’

Hai đứa nói đưa đò qua lại vậy mà nên duyên vợ chồng. Tuy rằng về sau mối duyên tình nầy không bền do Trọng thường vắng nhà đi làm bồi trên tàu viễn liên, nhưng trong hiện tại không có lời đối đáp nào giản dị mà mang tính cách địa phương bằng. Em chỉ cho. Em đây chớ ai. Thằng Sáu Trọng biết bắt thóp con Hai Đẩu nên xì, mầy không lo buôn bán, nói chuyện bao đồng. Hai Đẩu biết Trọng đã hiểu ý mình nên bồi thêm: Ờ, thì tui thương người ta nên cháo chè nguội lạnh tui cũng không màng…

Những thí dụ tương tợ ta có thể trích cả ngàn, không phải một vài trang mà là cả chục cuốn sách. Hầu hết đều toát ra tính địa phương trong ngôn từ thường ngày của con người bình thường trong xã hội và thái độ sống thẳng thắn, nhẹ nhàng trong lời trách móc, không có những lời cay đắng khắt khe.

Tôi nhập đề dài dòng là có lý do, cái lý do đất trời phương Nam ẩn chứa trong các tác phẩm của vùng nầy mà không phải lúc nào ta cũng thấy được.

Năm 1960, khi học năm Dự Bị trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn, tôi có thói quen vô Thư Viện Quốc Gia, ở đường Gia Long – đối diện với bộ Kinh Tế – để đọc sách. Thường thì đọc bất cứ quyển nào trong tầm tay. Mượn theo phiếu tự điền sách mình thích hay lấy may rủi những tạp chí dầy cộm đóng bìa cứng có từ thời Tây thực dân mới đến xứ Nam Kỳ, để trên những kệ dựa tường, cao ngất tới trần nhà. Trong sự đọc lan man đó tôi gặp quyển U Tình Lục (UTL) của Hồ Văn Trung, cái tên thiệt của nhà văn tiên phong Miền Nam có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng: Hồ Biểu Chánh.

Đọc đi đọc lại nhiều lần tôi thấy ngôn từ tác giả sử dụng và con người được mô tả sao mà giống với ca dao hay những tác phẩm bình dân đã đi vào lòng người Nam Kỳ Lục Tỉnh làm vậy? Mà sao UTL không được ai nói tới kìa? Nó chìm khuất trong đống truyện đồ sộ của tác giả ngay chính ông cũng chẳng có thời giờ ngó ngàng tới để in lại lần thứ nhì.

Và tôi có ý tưởng so sánh quyển tiểu thuyết bằng thơ nầy với các truyện thơ khuyết danh viết bằng chữ Nôm xuất hiện chỉ trước nó chừng 5, 7 chục năm như Nhị Độ Mai, Phan Trần, Lục Vân Tiên, hay thậm chí sau nó chừng 2, 3 chục năm như nhiều tác phẩm ít danh tiếng hơn mà ồ ạt xuất hiện hơn cả trăm là những truyện thơ bình dân của ba nhà xuất bản Phạm Văn Thình, Phạm Đình KhươngThuận Hòa đều đóng đô lâu dài ở Chợlớn tròm trèm nửa thế kỷ cung cấp một thời gian dài món ăn tinh thần cho người bình dân thích văn chương, chữ nghĩa.

Tôi muốn khảo sát tác phẩm ít người nói đến nầy để giới thiệu đến nhiều người hơn.

Vậy mà cuộc đời đưa đẩy, ước muốn nhỏ nhoi nầy cả năm chục năm sau cũng chưa có điều kiện thực hiện. May quá, gần đây hình như có phong trào giới thiệu lại các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Ở Việt Nam, hết xuất bản Cà Mau, nếu tôi nhớ không lầm, in lại trên giấy đen, trình bày cẩu thả, đánh máy quọt quẹt, biên tập lung tung vô trách nhiệm, tới nhà xuất bản Trẻ in lại cẩn thận đẹp đẽ, với những mẫu bìa trình bày bắt mắt hầu hết tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, kể cả những quyển thiệt là khó kiếm dầu đối với người chơi sách… Trên mạng còn có nhiều trang web về Hồ Biểu Chánh và cả những công trình nghiên cứu tương đối công phu, kể cả một tự vị những chữ mà ông thường dùng, hơi là lạ đối với người thời nay, càng lạ lùng đối với độc giả vùng Bắc, Trung của đất nước.

Nhưng vẫn chưa có nhiều bài viết về quyển tiểu thuyết bằng thơ U Tình Lục. Cũng chưa có ai để ý mà chú giải những từ ngữ Hán Việt và những danh từ rặt ròng Nam Kỳ mà Hồ Biểu Chánh sử dụng rất nhiều trong tác phẩm đầu tay của mình do ảnh hưởng nặng nề cựu học với những kiến thức kinh điển của một thứ văn chương phong phú điển tích và chữ nghĩa cô đọng, lời ít ý nhiều, chút nào đó hơi xa rời quần chúng bình dân ít học.

Thôi thì món nợ tự mình muốn chuốc thời trai trẻ, mang nặng bấy lâu nếu có thể trả được cũng nên trả. Năm ngoái, 2012, từ một thôi thúc vô hình bên trong lòng mình, tôi nghĩ đến việc ra công chú giải nó, bèn để sang bên những quyển sách khác đương viết dang dở, đương phiên âm ba mớ…. Nhưng bê nguyên con U Tình Lục in lại như nó xuất hiện 100 năm trước thì người đọc sẽ rất khó hiểu hay hiểu lầm vì nguyên bản có hai vấn đề chánh làm trở ngại sự thưởng ngoạn:

(1) Có quá nhiều chữ được viết theo giọng đọc Nam Kỳ thời đó, hiểu theo ngày nay thì là sai chánh tả và sai cả âm Hán Việt chuẩn. Trong trường hợp dầu chữ được viết đúng nhưng lắm khi người đọc sẽ không hiểu tác giả thiệt sự muốn viết chữ gì, hay dùng theo nghĩa nào trong số rất nhiều nghĩa của một từ Hán Việt. Do vậy giữa độc giả và tác giả có sự phân cách vô tình không cần thiết vì hiểu sai hay không thấu ý tác giả.

(2) Tác giả viết theo lối văn vần, loại bác học nên phải đi theo sự đòi hỏi của vần điệu, điển tích cũng như thành ngữ xưa mà ngày nay không phải ai cũng có điều kiện để biết, nhứt là sự giáo dục quốc văn sau đại nạn 1975 thiên về việc đề cao những tác phẩm tuyên truyền, thù hận chỉ có giá trị thực dụng nhứt thời cho giới cầm quyền hiện tại mà không chú ý đến văn phong, câu cú, nghĩa lý của tác phẩm vốn là những điều cần thiết của văn học có giá trị lâu dài cho cá nhân người học để làm hành trang vào đời hay cho việc phát huy nền văn hóa thiệt sự của dân tộc.

Tôi thấy mình nên chú giải khi nghĩ đến hai điều đó. Một sự giới thiệu về tác phẩm, giải thích tại sao tác giả bắt đầu đời viết văn của mình bằng truyện thơ rồi bỏ loại nầy đi vào văn xuôi, tạo nên một gia tài đồ sộ truyện dài… cũng cần nên có.

2.

U Tình Lục 幽情錄, kể lại mối tình buồn, mối tình không giải tỏa được. Thời đầu thế kỷ 20, tròn 100 năm trước, cái tựa nầy chẳng tạo nên vấn đề gì đối với người đọc thời nó xuất hiện, chẳng qua cũng giống như những cái tựa Đoạn Trường Tân Thanh, Bích Câu Kỳ Ngộ, Nhị Độ Mai, Tự Tình Khúc, Chinh Phụ Ngâm, Giai Nhân Kỳ Ngộ… mà thôi. Người đọc không ai thắc mắc. Nếu có thấy khó hiểu chút chút thì sẽ bỏ qua, sau nầy hoặc sẽ không hiểu luôn, hoặc bỗng nhiên đến ngày nào đó duyên may ngộ ra nhờ đọc sách tình cờ hay gặp được người giải thích. Ngày nay nói U Tình Lục thì người đọc phần nhiều ngác ngơ với một cảm thức xa lạ, dễ dàng không thèm chú ý đến tác phẩm. Đó là sự thiệt thòi vô lý của tác phẩm, bị độc giả ghẻ lạnh vì chính cái tên. Chúng tôi theo con đường đã vạch cho riêng mình từ lâu, đặt thêm tên mới kèm theo tên cũ của tác phẩm xưa, gắn thêm cho U Tình Lục danh xưng phụ Kể Chuyện Tình Buồn (KCTB).

Cái tên Hồ Văn Trung cũng vậy, đó là tên thiệt của nhà văn, chỉ là bút danh ban đầu khi ông mới vào đường văn nghệ và ông đã đổi lại sau đó, không phải là bút danh mà tác giả dùng cho cuộc đời văn nghệ của mình – Thật ra ông dùng hai lần, lần sau là “Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh” khi in quyển truyện thơ phỏng theo vở kịch nổi tiếng Le Cid của Corneille. Từ đó về sau khi sáng tác ông dùng bút danh Hồ Biểu Chánh và viết nghiên cứu, biên khảo, ông dùng tên thiệt: Hồ Văn Trung – Tại sao ta không đổi cái bút danh chỉ dùng một hai lần cho tác phẩm văn nghệ để nhập với bút danh đã dùng nhiều lần của tác giả là Hồ Biểu Chánh cho tiện việc sổ sách?

Do đó chúng tôi xin vô phép với người xưa để đổi tên U Tình Lục thành Kể Chuyện Tình BuồnHồ Văn Trung trở thành Hồ Biểu Chánh cho có nhiều người biết hơn, nhiều người để ý hơn và ai cũng có thể xếp quyển thơ đơn độc nầy vào trong nhóm tác phẩm của nhà văn Nam Bộ nổi tiếng Hồ Biểu Chánh. Khi đã biết Kể Chuyện Tình Buồn của Hồ Biểu Chánh thì đương nhiên họ biết đó là U Tình Lục của Hồ Văn Trung.

Nếu hiểu một cách rộng rãi thì tất cả các truyện thơ Việt Nam đều là tình buồn, và tác giả viết lại câu chuyện thì cũng chỉ làm người kể chuyện tình buồn. Đoạn Trường Tân Thanh không những là chuyện tình buồn mà còn đứt ruột nữa, Nhị Độ Mai, Phan Trần, Hoa Tiên, Song Tinh Bất Dạ, Lưu Nữ Tướng… là lớp cao đến Phạm Công Cúc Hoa, Chàng Nhái Kiển Tiên, Tống Trân Cúc Hoa, Nàng Út, Tam Nương, Mụ Đội… lớp dưới cũng vậy. Không có đôi lứa thiếu niên gặp nhau rồi yêu nhau, hưởng cuộc tình đẹp đẽ, cưới nhau, sanh con đẻ cái, sống bên nhau tới răng long đầu bạc. Rồi chết. Người viết quan niệm rằng chuyện như vậy thì có gì phải kể. Và tác giả làm phù phép để họ gặp những chuyện buồn. Ngay cả truyện Nam Kinh Bắc Kinh của đôi lứa Hoàng Tử, Công Chúa đã hứa hôn với nhau trên trời mà còn trở thành chuyện tình buồn nữa là…. Các truyện của người học trò nghèo, cô gái nhà dân dã chắc chắn là chuyện tình buồn. Kết cuộc tốt đẹp chẳng qua là sự lồng thêm miễn cưỡng của tác giả, viết thêm để chiều lòng người đọc muốn thấy cái hậu, muốn tự an ủi mình rồi ra chính mình cũng như nhơn vật trong sách sẽ được thoát kiếp nghèo khổ… mà thôi. Và tác phẩm cũng chấm dứt ở đó. Độ dầy của phần mô tả tình buồn chiếm gần hết độ dài của quyển sách, chỉ chừa cho tình vui nhiều nhứt là một trang chót mà thôi, truyện nào cũng vậy.

Kể Chuyện Tình Buồn trước hết là ý hướng viết văn răn đời của tác giả.

Cũng như hầu hết các cây viết trước đó và sau Hồ Biểu Chánh mấy chục năm, có thể kể là năm 1954, khi kết thúc truyện thường đưa ra hai điều:

  • Ý hướng văn dĩ tải đạo của mình.
  • Lời chào khiêm cung trước khi từ giã người đọc sách:

Xưa Nguyễn Du nói mình góp nhặt những lời quê, chỉ mong giúp người đọc mua vui lúc đêm về khó ngủ khi diễn tả chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, trình bày cái thuyết hồng nhan đa truân, tài mệnh tương đố… thì gần trăm năm sau Hồ Biểu Chánh nói gần như tương tợ:

Trai anh hùng, gái thuyền quyên,

Đất trời dành để lương duyên lâu dài.

Ngàn thu sum hiệp trước mai,

Thơm tho rừng quế, dặc dài dây dưa.

Ơn trời nhuần gội móc mưa,

Phong lưu tót chúng, gia tư hơn người.

Quê mùa lượm lặt ít lời,

Canh khuya giải muộn giúp người đồng văn.

Ông nói gái trai đàng hoàng, chính chuyên thì kết hợp lâu dài và con cháu về sau sẽ nên cơ nghiệp… Ông diễn tả cái đạo lý mà bao nhiêu nhà tư tưởng, nhà văn thời đó chủ trương. Quá nhiều, không thể kể hết. Chúng tôi xin trích hai tác giả ít người biết để làm tư liệu mà thôi. Chẳng hạn như khi giới thiệu quyển Tam Yên Di Hận của nhà văn Nam Kỳ Nguyễn Văn Vinh (Bến Tre) – Ông Nguyễn Văn Vinh Bến Tre của những tác phẩm luận về cuộc sống xứng đáng khác với ông Nguyễn Văn Vĩnh ngoài Bắc của Đông Dương Tạp Chí – nhà giáo Nguyễn Bửu Tài có nói (1929), chẳng những đúng với ý hướng viết của tác giả U Tình Lục mà còn đúng với hầu hết tác giả thời đó: ‘Thế thì viết tiểu thuyết chẳng nên vì tình dục, tư lợi, mà phải vì nhân nghĩa đạo đức, Truyện Tam Yên Di Hận chép ra, là nhân vì thuật giả thấy: tình đời hay xem hơi ấm lạnh, mặt người luống theo vọi thấp cao làm cho nhân loại dường như mất hết lương tâm, xã hội tương tợ không còn đạo đức. Truyện Tam Yên Di Hận là một truyện nên cho trẻ em xem, đặng dữ (giữ) răn trong gương trước, mà lánh dè cái thân sau.’

Một tác giả khuyết danh viết quyển Sự Tích Thánh Đô Minh Gô, sách bằng chữ Nôm, chừng độ vài ba chục năm trước quyển UTL, cũng không khác gì:

Cậy người quyền phép lạ dường,

Trợ cho hồn xác mọi đường lành yên,

Mấy lời quê kệt ghi biên,

Hễ ai xem sách thời xin nhớ cầu.

Chúng ta có thể dẫn thêm nhiều nữa, trong hầu hết các truyện Nôm hay quốc ngữ để thấy điều nầy nhưng thiết nghĩ không cần thiết.

3.

Chú giải cũng như phiên âm chữ Nôm ra quốc ngữ vốn là công việc chi ly, bạc bẽo, mất thời giờ nhưng hấp dẫn vì đó là cơ hội tốt để mình thưởng thức một tác phẩm, mình học được những điều chưa biết, chưa có dịp suy nghĩ về tiếng Việt. Thế nhưng chắc chắn là có những chi tiết mà mình chưa biết, và chưa truy cứu được. Học giả Maurice Durand, chuyên viên về chữ Việt, chữ Nôm mà trong các công trình dang dở của ông vẫn còn để lại lỏng chỏng những chữ không đọc được vì chưa quyết đoán do nhiều yếu tố.

Chẳng hạn như trong Bướm Hoa Tân Truyện câu:

Có duyên như quả đồi mồi,

Không duyên như cánh hoa rơi giữa đường.

Ông không đọc được chữ đồi mồi vì không hiểu nghĩa tiếng quả là cái khay, quả đồi mồi là khay chạn, cẩn sa cừ hay cẩn bằng vỏ đồi mồi.

Một trường hợp khác, như câu:

Đã toan dụng chước Lưu hầu,

Song le thước vắn bể sâu không dò. (c.275-276)

Ông không đọc được hai chữ thước vắn vì bản Nôm viết đơn chữ dược 藥 (Nôm đọc là thước) thành chữ quả 菓, chữ vắn phần chữ vấn lại viết quá sai.

Những chuyện sai lầm như vậy trong phần chú thích của Kể Chuyện Tình Buồn có thể sẽ xảy ra, và có thể xảy ra nhiều. Chuyện cũng thường thôi, như cơm thỉnh thoảng có hạt sạn, như một giọng ca réo rắt người thưởng thức bàng hoàng hụt hẫng khi phát hiện một tiếng bị phát âm không đúng âm giai…

Thôi thì hoàn mỹ tất nhiên là quý, bất toàn một chút cũng chẳng sao, người sau có lý do thúc đẩy để bắt tay làm lại công việc của người đi trước, có dịp để bắt giò người đi trước, bắt giò không vì ghét, vì phách lối, tự cao tự đại, mà để cùng nhau hiểu hơn những ngõ ngách của lâu đài văn hóa kỳ bí của dân tộc…

Chú giải và in lại quyển U Tình Lục chúng tôi theo những nguyên tắc minh định là chỉ sửa chánh tả, không sửa những âm khác biệt với âm chúng ta dùng ngày nay vì chúng là những cứ liệu rất quí để biết âm Nam của một thế kỷ trước. Rất cẩn thận khi quyết định sửa một chữ và khi có trường hợp ngờ thì ghi chú liền ở phần chú giải để người sau có dịp kiểm chứng và suy nghĩ lại sự đoán định của người trước, tuyệt đối không cho những gì mình nói là chơn lý và giấu đi hay phớt lờ những điều mình nghi ngờ.

4.

Cốt truyện của Kể Chuyện Tình Buồn có cái đặc sắc là tính chất Nam Kỳ Lục Tỉnh trong nhân vật, trong thời đại và trong tình tiết. Ở đây không có tuyết rơi, không có ngô đồng, không có mùa thu lá vàng rơi, ở đây trái lại có Sàigòn, có bến Ngưu giang, có vàm tuần, có trường học ở Mỹ tho, có thầy thông, thiếm thông, có xe cộ chạy như mắc cưởi, có thơ ký nhà băng… Điều quan trọng nhứt là văn chương thuần Việt, đọc lên là thấy những chữ thuần Việt mà người ta thuở đó xài trong cuộc sống bình nhựt. Một gia tài ngôn ngữ hi hữu, đáng giá không dễ kiếm đâu được trong số quá nhiều truyện thơ – và kể cả tuồng hát bội – chịu ảnh hưởng của Tàu, kể cả Đoạn Trường Tân Thanh.

Nhân vật cũng là con người Việt, bình dân, không phải anh hùng hảo hớn, càng không phải là Hoàng Tử, Công Chúa sống trong cung điện với Quốc Vương, Hoàng Hậu, Thái Sư, Thừa Tướng, những tướng tá văn võ… với những trận đánh nhau long trời lở đất, máu chảy thành sông liên quan đến chuyện giành giật một vương quyền, hay nói khác hơn là tranh nhau một quyền lợi được che đậy bằng những danh từ trung quân, gian nịnh, chính thống, phản nghịch…. Con người ở đây di chuyển, hoạt động trên quê hương mình, gần thì từ Mỹ Tho lên Sàigòn, xa thì từ Nam ra Bắc, từ Bắc vô Nam, tuyệt nhiên không có cảnh Sở, Tần, Liêu bang, Hồ quốc, Phiên, Man… xa mút tí tè, người đọc chỉ cảm nhận mà không biết đích xác các xứ này ở đâu trên bản đồ châu Á… Họ sinh hoạt trong môi trường Việt đã đành, họ còn có đời sống Việt miền Nam: đi câu, đi may thuê vá mướn, đi học ở trường tỉnh Mỹ Tho, đi làm thơ ký ở nhà băng, làm chủ vườn ruộng… Nếu họ giàu thì không phải của cải tính bằng vàng ngàn lượng bạc trăm xe mà là ruộng đo kể dặm, lúa đong kể vàn (câu 46).

Ta trăm năm sau vẫn thấy thân thiết với nhân vật nữ quơ quào quần áo, dắt con lên đường mất hai ba ngày mới tới Sàigòn mong lập nghiệp để tránh tiếng đời dị nghị vì sự lỡ lầm trong chuyện trai gái nhứt thời của mình. Ta thân thiết và thông cảm với cô vì cô ta giống như những thiếu nữ ngơ ngác ngày nay từ các tỉnh quận xa lò mò lên thành phố mong tìm một công chuyện gì đó làm để kiếm chút tiền gởi về nuôi mẹ, nuôi em, hay những cô gạt nước mắt bước vô đời làm dâu xứ người mà không biết gì về cái xứ mình sắp đến, kể cả tiếng nói ở đó, cái gia đình mà mình sẽ là một thành phần, và cả ông chồng nhiều phần là già cỗi, bịnh tật, bẳn tánh, không biết trở chứng giết vợ lúc nào. Cái may mắn của cô gái trong Kể Chuyện Tình Buồn là luôn luôn gặp được quới nhơn, trước là ngư ông già đã cứu tử lại còn cưu mang, sau là thím thông và chồng là Võ Bửu Thông tốt bụng, sau cùng là mụ Liễu bên sông sẵn lòng chứa chấp. Cái may do thời thế lúc đó có nhiều người chịu thực hành nhơn nghĩa, cái may của một đất nước có nhiều người không bị bịnh vô cảm, bịnh vấy máu ăn phần.

Ta thông cảm cả với nhân vật phản diện. Cô ta không nhúng tay vô máu, chỉ mạo tuồng chữ, chỉ đặt điều vu oan, rủi là người bị hại đau buồn quá bỏ đi khỏi xứ, về sau nghe tin rằng đã chết, thế mà khi bị vạch tội cô ta còn biết tủi thẹn, biết ăn năn, biết tìm cái chết để đền bù tội lỗi, để được làm người biết hối cải, biết xấu hổ… Cái xấu của cô ta nhờ đó đã trở thành cái đẹp, dầu là muộn màng…

Trước Hồ Biểu Chánh trong sinh hoạt văn chương Việt từng có sự kiện tác phẩm có nhiều câu giống Kiều. Đó là trường hợp Song Tinh Bất Dạ của Nguyễn Hữu Hào, đó là Hoa Tiên của Nguyễn Thiện. Trường hợp thứ nhứt thì Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam Văn Học Giản Ước Tân Biên, q2, trang 226 và Nguyễn Văn Sâm trong Văn Học Nam Hà, trang 166-7 có lược ra gần như đầy đủ. Trường hợp thứ hai thì những người nghiên cứu chuyên sâu về Hoa Tiên đều đã nói thường bao giờ cái tín chỉ cũng nằm trong tay Nguyễn Du. Kể Chuyện Tình Buồn cũng vậy, GS. Nguyễn Khuê và gần đây nhà văn Ngự Thuyết cũng đi đến nhận định rằng Hồ Biểu Chánh trong tác phẩm nầy mô phỏng nhiều câu của Nguyễn Du. Tôi không bào chữa, tôi cho đó là chuyện bình thường, chẳng có gì quá đáng. Ngay việc dùng cốt truyện Trung Quốc của những tác phẩm nổi tiếng trong văn học Việt Nam cũng là một sự mô phỏng đúng ra đừng nên có thì hơn. Xa hơn nữa, cách dùng điển cố, cách sử dụng những cụm từ được coi là khuôn vàng thước ngọc của văn chương cổ điển Việt cũng là một sự bắt chước chẳng có gì đáng vinh danh.

Vì vậy U Tình Lục có những câu giống với Đoạn Trường Tân Thanh thì ta coi đó như không có, coi đó chẳng phải là chuyện đạo văn ghê gớm như quan niệm ăn cắp văn ngày nay chịu ảnh hưởng từ tư duy thành thật trong văn chươgn của Tây phương mà ta để ý đến những ưu điểm khác của nó.

5.

Chữ dùng trong Kể Chuyện Tình Buồn có bốn điểm đáng chú ý:

(1) Là quyển sách chứa đựng nhiều âm của vùng đất cực Nam.

(2) Phong phú những từ của riêng Nam Kỳ Lục Tỉnh mà vùng Bắc Trung có thể không có hay đã có nhưng bị mất, một hai trăm năm gần đây không sử dụng nữa.

(3) Chứa nhiều từ xưa khó thấy trong những tác phẩm sau nầy.

Âm của vùng đất cực Nam tôi định nghĩa là những âm khác với âm chuẩn đã có ở vùng khác, hay âm đã được sử dụng trong cả nước. Nó là Luông trong từ Tiết Ứng Luông, nó là Vãng trong từ Vãng Long, nó là Huê (huê) trong Huê Dung Đạo, nó là Giái trong Trư Bát Giái… Ở U Tình Lục ta có thể thấy: bôn chon, hoát lê, chê đè, tơi bời, xuông pha, lần lừa, trướng huê, bịt bùng, chúc mầng, phưởng phất, nhơn duơn, phải duơn, căn duơn, nặng trìu, thày lay ướm lòng, thân qua (bậu), chữ hiềm, oan ương, bưng khuâng, thấp thoảng, nhập tràng, vó cu, lòng dòng, xét lợi, tiền đàng, canh tràng, bất nhứt, héo liễu xủ đào, ghe khi, xơ rơ, thết vàng, đoạn tràng, lu lờ, chỉ săn, song đàng, công toại danh thiềng, rộn ràng, giấn vào, nào nhắp, nhuốm nhen, quí hoát, ơ hờ, thiên các nhất phang, tận kế vô phang, thinh danh, lăng xăng, tiu hiu, bức tình, nằn nì, khúc kìm, pha phuôi, quăng, lãnh (nhận), hoa bạ, bất bường, bần thần, lá lay, lãnh trầu cau, rẽ ròi, ly tiết, bẩy gan, kéo nhầu, rứt thịt, lên đàng, ngạt ngào (nghẹn thở), thăn thỉ, lá lay, hẩm hút, rứt thịt chia xuơng, phong võ, lên đàng, ngạt ngào, ửng lòa, lờ đờ, một thoàn không, ngoắc vô, héo don, xủ màn, phuôi pha, hôm mơi, thác phứt, gật mình, con đòi, trở bườm, hột châu, nhen nhúm lửa hồng, lụm cụm, bội (chống lại), tròi trọi, lạc lài, xin vưng, nắng dọi, lần lừa, tưng tiu, nhúm bịnh, dần xây, nhúm bịnh, kiếm nơi quen thuộc, lạc lài, thím thông, chút nguyền, nhà băng, trộng, gian tuân, xây lưng, chẳng phen đài các, ngạt ngào, hôm mơi, vưng chịu, đờn bà, châu mày, vẹn tuyền, thửa trong, đôi phang, tiệc huê, nhúm sương, tả một tờ huê, hún hín, bực nào, nghẹn ngùng… và còn biết bao nhiêu từ khác nữa trogn tác phẩm mà tôi không cần kể hết.

(4) Cách nói Nam Kỳ là những cách thế diễn tả mà chỉ có tác giả dùng hay những tác giả Nam dùng, ta không thấy người miền Bắc Trung sử dụng cách nói nầy, cách diễn tả nầy. Chúng là những gì đặc biệt của vùng đất, chúng được sản xuất ở địa phương và gắn bó với địa phương, quanh quẩn ở đó, không đi ra vùng khác. Chúng có thể bị chê là quê kệch, miệt vườn, nhà quê, xến… nhưng chúng hiện diện như một sự đứng thẳng xác định thế đứng ngôn ngữ đặc biệt của vùng.

Tranh thế cạnh thì, hiếm kẻ, hiếm nơi, thói cải lương, lòng son nẻ, dạ mực băng, nể mặt, ruộng đo kể dặm, lúa đong kể vàn, non nhớt, bảnh bai, trong ngoài khít khao, lân la qua lại, bậu bạn, dạ nọ lăm le, ăn Trời sao qua, không mòi gió trăng, lời nói thẳng băng, cạn lời chẳng lẻ, dùn thẳng, im lìm, phanh phui duyên mình, ướm coi, ít câu gạt nàng, sợ tiếng bán rao, hai ngã dang ra, chớ lo quanh, cổ bàn đơm dọn, ép dầu ép mỡ, còn đương xẩn bẩn, quanh co hải hồ, mang mểnh tình, du học xa miền, nực nồng tiếng khen, inh ỏi chài, nét ngang chưa biết chữ a chưa từng, quân hay chữ, nói phách, dốt nát, gả con luận của, hơi gió chen lòn, biển lưng không rúng, cậu cô lễ nghĩa, rạng ngời ư ngoại, tối hù ư trung, làm phường gái lanh, kỳ trong nửa tháng, càng phăng càng dài, lụy ứa thâm bâu, xăm xăm dò lần, lưng chưng cánh hồng, tiu hiu một mình, dắng dỏi, ngon giấc hòa hai, nhuốm nhen, nợ nần éo le, tay nào mà nỡ cắt tay, chỉ hồng lần phăng, dễ hầu móc bươi, đèn hạnh lem dem, quăng gánh tình chung, đã nư, quỉ báo, bại sản tán gia, tình tang mặc dầu, mặt đá mày chàm, bận nỗi đền bồi chưa cam, nỉ nài nợ duyên, ngằn lại điếng điêng đòi ngằn, lưng túi sầu, lấp thảm quạt sầu, vầy lửa hơ, phận vơi đầy, quăng lưới vớt, chen dừng vách phên, khéo nắn, thiệt phận đơn cô, quần áo tóm thâu, dắt con quảy gói, gà rừng gáy rân, góa bụa linh đinh, hỏi (quê) quán nơi nào, rậm người rậm đám, lương tiền cũng trộng, mặc sức, đất nầy, đứng nép, om sòm, quá lanh, bận áo, giá lề bao nhiêu, chẳng đã, thẹn thùa, bước trái vào rèm, cái thầy khi nãy nói chơi, một hai, lưng chưng giữa vời, phải bề, châu mày cắn răng, việc lăng quằng, nhăng đạo nhà, cậy cô, nghẹn ngùng, lậm, mắng rân, quân bình bồng, tránh tiếng tránh lời, lôi thôi, một ừ, dụ dự phân hai, giả quán ra đi, buông lung bổn tánh, đành thửa phận qua, tiu hiu, trìu trìu, bẩy gan, trái tai, vi chi, đón đưa bận bịu, xúp lê giục giã, bận lòng, ngứa nghề, rộn rực, khấp khởi, pháy bạc, rầu con, hôn sự bất hài, dập sầu, cười mơn, giựt mình, đem thấu đến nơi, sấn vào, ruột xàu như dưa, khóc òa, vắng oe trong túi, nào dè, bận bịu….

Nếu muốn thấy chữ dùng đặc biệt Nam, cách nói Nam, không gì bằng tìm trong tác phẩm của các ông Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huình Tịnh Của, trong các quyển thơ bình dân đã nói ở trên và nhứt là trong các quyển truyện Tàu dịch đầu thế kỷ bởi các ông Trần Phong Sắc, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn An Khương, Tô Chẩn, Thanh Phong hay các bài viết thời báo Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn…

Nhưng ngoài ba nhà văn quốc ngữ tiên phong cuối thế kỷ 19 – không còn hoạt động ở thế kỷ 20 – các nhà văn còn lại hay các tờ báo kể trên đều đi sau Hồ Biểu Chánh trong vấn đề nầy: sử dụng nhuần nhuyễn từ Nam.

Vấn đề đặt ra là có những từ nhìn vô có vẻ rất Nam như thon von, thày lay nhưng cũng có khi dùng ở miền ngoài chẳng hạn như chữ thày laython von. Truyện Hoa Tiên chỉ dùng 1 lần chữ thày lay:

Nguyệt rằng mơ mẩn xinh thay.

Cười chăng cười nỗi thày lay dại càn.

hay chữ thon von thấy dùng trong thơ tuồng Chàng Lía..

Tôi tạm đi đến kết luận về vấn đề nầy: Một số chữ mà chúng ta gọi là chữ Nam Kỳ thiệt ra là chữ ở miền Bắc truyền vào trong Nam thời di dân Nam tiến, dần dần các chữ nầy thông dụng trong Nam trong khi ở miền ngoài lại mất đi khiến cho ta tưởng chúng thuộc về miền Nam, đặc sản của miền Nam.

Số chữ nầy không nhiều, đa phần chữ Nam là do ảnh hưởng của sự trại âm, kỵ húy, ảnh hưởng của của các thứ tiếng của những dân tộc sống chung trogn vùng như Tàu, như Miên như Chàm, như những người vùng đa đảo phía Nam…

Kể Chuyện Tình Buồn có khá nhiều tiếng Nam, tôi kêu là tiếng Nam khi chúng không được người miền Trung, Bắc xài. Chẳng hạn như các từ đã được lọc ra trong hai nhóm trên.

Kết luận về ngôn ngữ của U Tình Lục, tôi xin mượn một đoạn ở bài viết của Nguyễn Văn Nở và Huỳnh Thị Lan Phương:

Nhiều từ địa phương nếu không dựa vào văn cảnh hoặc nếu không có vốn từ địa phương Nam bộ thì sẽ rất khó hiểu. Chúng ta thử so sánh một số từ địa phương trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh với những từ ngữ có nghĩa tương đương của tiếng Việt toàn dân sẽ thấy rõ điều đó.

– đụng: nam nữ lấy nhau, – để vợ, để chồng: li dị, – dòm, coi: xem,- bắt xén: nhen nhúm, bắt đầu, – ể mình: bệnh,- ám sát: bám theo, – trọng: khá lớn,- day mặt: quay mặt,- ráng: cố gắng,- : ngờ, – bận đi, bận về: chuyến đi, chuyến về, – riết: nhanh, – xăng xớm: (đi) mau, – xấp xải: bay qua bay lại, – trằn: giữ lại, níu lại…

Lớp từ này thường được sử dụng trong ngôn ngữ đối thoại nhằm miêu tả tâm lí và khắc họa tính cách nhân vật.(hết trích)

Tuy đây là nhận xét trong tiểu thuyết nhưng dùng trong tập thơ U Tình Lục cũng không sai.

6.

Bằng vài lời kết tôi cho rằng tập truyện thơ Kể Chuyện Tình Buồn đáng trân trọng ngoài sự vừa phải trong cách mô tả tình cảm, tình cảm dầu bi thương cách mấy của nhân vật cũng được diễn tả sương suơng, nhẹ nhàng không bi thiết như Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây nghe như lời trối chết của một người sắp tự tử. Về hình thức còn mang được cái không khí nhẹ nhàng lãng đãng trong từng câu thơ do phần tiếng Nôm hiện diện với đa số tuyệt đối, đã đánh bại phần chữ gốc Hán thiểu số. Đọc Kể Chuyện Tình Buồn ta hình dung ra lời than của chàng trai ở vào cảnh nửa khóc nửa cười, nhưng vẫn đứng thẳng, kể chuyện tỉnh táo như cách thế của người rặt ròng Nam Kỳ Lục Tỉnh trong ca dao, vợ bỏ nhà theo trai, thương lắm, nhưng anh ta nói tỉnh queo:

Đất Sóc Trăng quê mùa nước mặn,

Tôi ra Vàm Tấn (vàm Đại Ngãi) chở nước về xài.

Về nhà sau trước không ai,

Hỏi ra em đã theo trai mất rồi.

Thế nhưng tại sao Hồ Biểu Chánh không đi theo con đường truyện thơ mà đổi sang viết tiểu thuyết bằng văn xuôi? Câu trả lời thật giản dị. Ông thấy rằng văn xuôi quốc ngữ những thập niên đầu thế kỷ 20 còn phôi thai, nên ông ra sức phát triển, đắp bồi nó. Văn xuôi có cái tự do của ngôn ngữ, có tính bình dân trong sự mô tả, khiến nhà văn vẫy vùng được ngòi bút của mình. Với văn xuôi Hồ Biểu Chánh có 64 quyển tiểu thuyết, chắc chắn rằng với văn vần con số nầy không thể nào đạt được dầu ông có tài múa bút thành thơ chớp nhoáng đến thế nào đi chăng nữa. Điều quan trọng là những tính cách tạo nên đất (ngôn ngữ, chữ dùng) người (tình cảm, cách đối xử) Nam Kỳ Lục Tỉnh mà ông đề ra trong U Tình Lục đều được giữ lại và phát huy trong những quyển tiểu thuyết của ông sau nầy.

Lời cuối của phần dẫn nhập nầy là lời xin lỗi đến hương hồn tác giả khi tôi thêm cái tên mới vào cái tên cũ cạnh tác phẩm của ông, đó không là sự sửa đổi, đó chỉ là một cách thế để U Tình Lục được nhiều người chú ý hơn thôi. Về sự sửa lỗi chánh tả, xin được lập lại, chữ viết mang ý nghĩa qua hình thức của nó, dấu hỏi ngã, chữ viết tận cùng có g hay không, cuối chữ bằng c hay t, phụ âm đầu d hay gi, x hay s…. thời xa xưa có thể hiểu khi cầu cứu đến âm đọc nhưng ngày nay người ta hiểu theo cách viết vì âm đọc được chuẩn hóa theo từng chữ viết. Sửa lại theo chánh tả thông dụng vì sợ người đọc với não trạng đã quen với chánh tả ngày nay hiểu lầm khi theo dõi sát với cách viết xưa…. Chẳng có ý gì khác. Người đọc nếu chỉ cần lướt qua Kể Chuyện Tình Buồn mà cảm thấy trân quí U Tình Lục thì chúng tôi đã đạt được kỳ vọng trong việc làm của mình. chỉ có vậy thôi.

Mong lắm thay!

Nguyễn Văn Sâm trien

(Alexandria, LA, Nov.1, 2013)