Lời vào đề:
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1906-1963) có 4 quyết định quan trọng cho đời ông nhưng đồng thời cũng là bốn quyết định có ảnh hưởng mạnh lên đời sống của dân tộc Việt Nam. Đó là:
Quyết định đầu tiên ảnh hưởng lên mặt văn học Việt Nam, những quyết định kế ảnh hưởng lên mặt chánh trị nhứt là quyết định cuối cùng. Chúng ta nói về điều quyết định đầu tiên nói trên.
⁂
Năm 1926 Nhất Linh lúc đó là một thanh niên còn rất trẻ, cho ra đời quyển Nho Phong viết trong hai năm trước 1924-1925, lúc mới 18, 19 tuổi. Và năm sau ông viết tập truyện Người Quay Tơ. Quyển nầy in năm 1927. Căn cứ trên năm viết 1924-1926 thì ta chắc chắn rằng đó là hai công trình văn nghệ đầu tay của Nguyễn Tường Tam, người thanh niên mới chập chững vào đời và mới bước vào chuyện viết lách.
Hai tác phẩm nầy có phần số đặc biệt của nó.
Rất ít người nói về chúng, họ thường chỉ nói về những quyển của cùng tác giả nhưng gây tiếng vang thời xuất hiện như Đoạn Tuyệt[1], Đôi Bạn, Lạnh Lùng… Nhà viết văn học sử thời danh là Dương Quảng Hàm trong tác phẩm kinh điển Việt Nam Văn Học Sử Yếu[2] không nói gì đến Nho Phong và Người Quay Tơ. Giáo Sư Thạch Trung Giả[3] cũng chỉ nói về Đoạn Tuyệt thôi. Trước năm 1975 Vũ Ngọc Phan[4] và Phạm Thế Ngũ có nhắc đến hai tác phẩm nầy, đồng ý với nhau là tác phẩm cổ lỗ, văn phong xưa… Sau 1975, ở Sàigòn, quyển Từ Điển Văn Học và bộ sách Văn Học Việt Nam do nhiều người viết của nhóm Phan Cự Đệ cũng có nhắc sơ đến Người Quay Tơ và Nho Phong. Mỗi người/nhóm có cái nhìn riêng nhưng tựu trung cũng gần giống nhau. Để khỏi dài dòng và gây rối rắm cho người đọc/nghe chúng tôi xin không đơn cử những sách và bài viết của những học giả khác cũng là tiếng nói khá có uy tín như Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Phạm Văn Diêu, Hà Như Chi, Lữ Hồ, Lê Hữu Mục …
Tổng quan tôi có thể xác định rằng:
Đây là hai tác phẩm tuy là ban đầu của một tác giả, về hình thức thì nhỏ nhoi, như nhiều người nhận định, về văn phong thì thuộc thế hệ văn chương cổ điển vì ảnh hưởng của thời gian xuất hiện do cái bóng quá lớn của văn chương thế kỷ 19. Nho Phong bị ảnh hưởng nặng nhứt, nhưng kết quả của hai tác phẩm nầy rất to lớn… Nhất Linh đã từ căn bản đó suy nghĩ thêm về những ý tưởng mới ra lóe ra để cải tiến cách viết lách của mình sau nầy, từ đó tạo nên một giai đoạn văn học lớn cho tiểu thuyết Việt Nam trước thế chiến, đó là thế hệ văn học 1913-1932 hay là thế hệ của Tự Lực Văn Đoàn.
Nho Phong [5]
Hình như đây là tác phẩm duy nhứt của nhà văn Nhất Linh được ký tên thiệt: Nguyễn Tường Tam. Ký tên thiệt vì lúc đó có thể là ông chưa quyết định chắc nịch sẽ đi theo luôn con đường văn nghệ bằng sáng tác. Nó như là tác phẩm được phóng ra bởi một người thanh niên mới bước vào đời, thấy mình cần viết cái gì đó theo cách nhìn của mình để nói về cuộc đời nầy. Nó thể hiện cái ưu tư và ước vọng của người muốn trình bày điều mình suy nghĩ và đưa trình diện nó với đời. Tôi chắc chắn rằng yếu tố làm văn chương ít hơn yếu tố bày tỏ tư trưởng trong tác phẩm nầy. Cái hay là Nhất Linh, tuy vậy, đã chọn con đường viết truyện dài bằng văn xuôi, và viết rất mới ở nhiều điểm, trong khi ông còn có khả năng khác như hội họa, viết nghiên cứu văn chương và nhứt là sinh hoạt đảng phái, làm chánh trị như ta thấy sau nầy…
Nguyễn Tường Tam in sách năm 1926 trong khi trước đó độ chừng 10 năm thôi ở trong Nam, Hồ Biểu Chánh viết quyển U Tình Lục cũng ký tên thiệt là Hồ Văn Trung, một quyển tiểu thuyết hoàn toàn chịu ảnh hưởng những nhà văn viết bằng chữ Nôm của thế kỷ trước, một ảnh hưởng quá đậm về mặt hình thức. Đó là thể truyện thơ lục bát.
U Tình Lục và Nho Phong có điểm giống nhau là đều nói đến cuộc đời của một người con gái, do tình yêu mà chịu đựng những khó khăn sâu đậm trong đời. Nguyễn Tường Tam viết bằng văn xuôi và ít tình tiết, trong khi Hồ Văn Trung viết bằng văn vần lại đưa ra nhiều chi tiết nhỏ nhặt trong tác phẩm của mình.
Nho Phong dễ đọc dễ hiểu hơn, dĩ nhiên, người đọc cũng dễ thấy tâm tình và thái độ của nhân vật, U Tình Lục tuy tác giả sử dụng thuần nhuyễn những nhóm chữ chịu ảnh hưởng của Trung Hoa nhưng người đọc vẫn khó khăn lắm mới thấy rõ những gì mà nhân vật suy nghĩ. Về sau, gần như đồng thời với Nho Phong của Nguyễn Tường Tam, Hồ Biểu Chánh viết Ai Làm Được. Tác phẩm nầy về phương diện văn phong và cách tạo truyện mới hơn Nho Phong rất nhiều nên được chào đón nồng nhiệt ở trong Nam và từ đó tác giả của nó trở thành nhà văn kiết suất trong Nam…
Nhưng đó là chuyện khác.
Do vậy sự lựa chọn thể văn xuôi của Nguyễn Tường Tam là sự lựa chọn sáng suốt, điều đó rất quan trọng đối với văn nghiệp của ông cũng như đối với sự lớn mạnh của văn học Việt Nam thế hệ 1913-1932.
Dĩ nhiên con đường viết bằng văn xuôi sau năm 1920 không phải là sáng kiến đầu tiên của Nguyễn Tường Tam, nhiều người trước đã vạch rồi, nhưng sự đi theo sáng suốt và với tinh thần cải tiến cũng cần được ghi nhận, chúng ta hãy tưởng tượng Nguyễn Tường Tam mà viết truyện dài bằng thơ như Phan Chu Trinh viết Giai Nhân Kỳ Ngộ Diễn Ca (1915-1917) thì sau nầy chắc chắn ta không có phong trào đổi mới văn chương và đổi mới sáng tác của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Và văn học Việt Nam thiệt thòi biết là bao nhiêu!
Đó là một giả sử thôi nhưng chắc chắn rằng hậu quả sẽ như vậy nếu có…
Nho Phong nói về cuộc đời của Lê Nương, một phụ nữ gia giáo con một phủ hồi hưu nhưng nghèo khó và cô thế. Cạnh bên nhà ông phủ có thư sinh tên Dương Văn. Dương Văn nhận thấy Lê Nương đẹp đẽ, đảm đang và thùy mỵ nên đem lòng yêu mến và được đáp tình lại. Trước khi qua đời, cha Lê Nương kêu mẹ của Dương Văn tới ủy thác cô con gái cho bà, mong bà cưới Lê Nương cho con bà. Sau khi cha mất, Lê Nương phải về nương náu với người chú, ông chú nầy quyết tâm gả cháu cho một thanh niên nhà giàu mà Lê Nương không yêu. Bị cháu quyết liệt từ chối đám nầy, người chú cuối cùng phải bỏ cuộc.
Sau nhiều gian truân, Lê Nương và Dương Văn lấy được nhau. Nỗi khổ bắt đầu từ đây vì nhà nghèo, thiếu nợ do những đám ma chay, chỉ có mỗi người vợ lo buôn bán nhỏ, người chồng là hàn sĩ chỉ dài lưng tốn vải, không phù hợp với thực tế của cuộc sống nên gia đình càng ngày càng nghèo khổ trong thời gian Dương Văn thi 10 năm không đậu. Người vợ tần tảo quá sức, lao tâm cực trí nên bệnh nặng, khi bà gần kiệt lực thì được tin chồng thi đậu thủ khoa…
Chuyện chấm dứt ở đây. Tác giả không nói rõ Lê Nương thoát khỏi cơn bịnh hay không. Nàng sống hay chết sau đó. Nhưng điều quan trọng không nằm ở chỗ kết thúc mà nằm ở những chỗ khác như là những gì tác giả muốn gởi gắm…
Vì là con người của Nho phong nên Dương Văn thương nhớ thích muốn cô bạn gái láng giềng theo phong cách thiệt là “Nho phong”, anh thấy bóng hoa thấp thoáng, dáng liễu thanh tân (trg 8), để mơ mộng chớ không thấy những gì lồ lộ, rõ ràng, ngộp mắt, để rồi tìm cách qua nhà nhiều lần… nhưng cũng chẳng dám liếc mắt đưa tình gì, cũng chẳng dám “lần khân” như Kim Trọng để bị người tình quở bằng cách kê tủ đứng: … trên bộc trong dâu/ thì con người ấy ai cầu làm chi mà chỉ giả bộ hỏi sách làm bài với cụ cựu phủ. Nàng thì e lệ chiều thu dễ khiến nét thu ngại ngùng (trg 11). Tóm lại: Tình yêu hai người trẻ nầy trong vòng lễ giáo và tương kính của con người Nho phong.
Trong khi ở Miền Nam, ca dao tuy diễn tả sự thương nhớ cách khác nhưng tình cảm và thái độ không khác, cũng muốn thấy mặt, mong mỏi được đến gần nhưng khớp trước đối tượng:
Anh thả ghe câu lên xuống mấy lần,
Thương em đứt ruột nhưng đến gần lại run.
Nho Phong, như tựa đề là tính cách Nho phong của những nhân vật chánh trong truyện:
– Ông Phủ về hưu nghèo nàn vì suốt đời làm quan cai trị dân với tình thương dân và lòng tự trọng của mình.
– Bà Huấn, mẹ của Dương Văn, là người đàn bà nhân từ, kiêm ái trọng việc giúp người khi thấy họ khổ dầu mình chẳng dư dả gì.
– Cặp trai tài gái sắc Dương Văn và Lê Nương, tình yêu tràn đầy nhưng chưa bao giờ đi ra ngoài lễ giáo. (So sánh với cặp nhân tình trong U Tình Lục thì khác xa, nàng có bầu vì ăn cơm trước kẻng.)
– Cuộc đời sau nầy của họ khi đã thành vợ chồng cũng thế, cuộc đời người vợ là phụ nữ chăm chỉ làm ăn để nuôi chồng con, nuôi cháu, cuộc đời người chồng là quyết chí đèn sách dạy học, sống đời lương thiện chỉ mong thoái cảnh khổ bằng việc đỗ đạt…
Ta không thấy lời oán trách nào về trời, về người, về xã hội của cặp vợ chồng nầy dầu họ lâm vào cảnh nghèo đến tận cùng, khổ sở hết sức vì nhà có tang mà hết cả tiền, chỗ vay lại không phải dễ… những điều xé lòng như gặp bà con giàu khinh khi, gặp người có tiền bạc vu oan giá họa…
Những nội dung và thái độ con người như nói trên không mới, cũng là thoát thai từ quan niệm Nho giáo và chịu ảnh hưởng từ những gì tác giả học hỏi được từ sự giáo dục của nước ta cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Có thể rằng Nguyễn Tường Tam nhận chân rằng những điều đó ông đã diễn tả quá lờ mờ nên ông chuyển cách viết sang thể mạnh dạng hơn, điều đó thể hiện trong tác phẩm Người Quay Tơ [6].
Người Quay Tơ:
Cùng một số phận hẩm hiu ít được nói tới nhưng tác phẩm nầy có cái may riêng. Nhà xuất bản Ngày Nay của Nhất Linh sau năm 1954 có bản in trước đó nên đã in lại ở Sàigòn. Chúng tôi không có bản in đầu tiên của nhà Nghiêm Hàm ấn quán, Hà Nội năm 1927 nên không biết được bản in mới ở Sàigòn có sửa đổi văn chương chữ nghĩa của bản cũ ở Hà Nội hay không, nhưng điều nhận xét đầu tiên của với tánh cách người đọc là văn phong ở đây rất mới, chữ dùng đã không còn rất đặc trưng của miền Bắc nữa, chữ đã chuẩn hơn nhiều. Vậy nên xin chỉ chú ý đến ý tưởng trong quyển nầy và bỏ qua chuyện câu văn cùng là từ ngữ đuợc sử dụng.
Người Quay Tơ là một tập truyện ngắn đa dạng gồm nhiều truyện ngắn và truyện dịch:
Người quay tơ. 2. Nô lệ. 3. Chiến tranh. 4. Giấc mộng Từ Lâm. 5. Sư Bác chùa Kênh. 6. Làm gì mà băn khoăn thế? 7. Vuông vải trắng… (các truyện khác hoặc là dịch truyện xưa, hoặc dịch truyện ngoại quốc, không cần để ý). Vậy thì đây là một tập truyện ngắn, mỗi truyện dài trên dưới 10 trang.
Tổng quan ta có thể thấy nhiều điều tác giả muốn nói:
– Tuy là người tu hành nhưng chưa chắc người tu đã hết lòng trần tục. Tiền tài vẫn là điều hấp dẫn. Khi có tiền rồi người ta sa đà vô đó và đi tới mục tiêu khác nữa hầu tìm danh vọng, như chánh trị chẳng hạn. (Sư Bác Chùa Kênh).
– Người khôn lanh và biết lợi dụng thế lực khi có hoàn cảnh sẽ đè đầu đè cổ kẻ cô thế thiếu những thủ đoạn, thiếu hiểu biết … Cuối cùng kẻ giảo quyệt lên làm chủ, người hiền từ, tính toán đơn giản, tin người… sẽ làm tôi mọi cho lớp người khôn lanh nói trên. (Nô Lệ).
Mỗi truyện là một đề tài là một vấn đề xấu của xã hội, vấn đề mà người có chánh quyền cần phải thủ tiêu hay ít nhứt là cải cách.
Điều đặc biệt là tác phẩm nầy in sau quyển Nho Phong chỉ có một năm thôi nhưng văn phong đã khác xa, rõ ràng, không sáo mòn từ ngữ cũ, câu cú xưa không còn vết tích, nếu trích một đoạn đưa cho người chưa đọc qua bao giờ thì họ dễ dàng nói đó là văn mới sau ngày đất nước bị chia hai[7].
Vũ Ngọc Phan nhận định: Nho Phong, là một truyện cổ bình thường, có tính cách trung hậu như hàng trăm truyện cổ nước ta, Cách hành văn của Nguyễn Tường Tam… còn cổ lỗ. Ông còn đẽo gọt câu văn cho thật kêu, cho thật du dương và dùng rất nhiều chữ sáo.
Hãy xem ông viết (Vũ Ngọc Phan trích Người Quay Tơ) :
Lệ Nương năm ấy tuổi mới tăng tròn (trg 1). Như bông hoa thấp thoáng, dáng liễu thanh tân, làm cho chàng cũng phen man mác trong lòng (trg 8). Những lúc ấy thì tơ tằm bối rối (trg 11). Thấy vườn bên kia bóng đèn thấp thoáng mà chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng (trg 12). Tóc nàng không năng trải trông bối rối như mây thu (trg 13). Đôi mắt gặp nhau, làn thu ba như nhuộm vẻ sầu (trg 14). Nếu cụ trông thấy cảnh song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời… (trg 32). Lúc đi là hàn nho, lúc về biết đâu không ông Cống ông Nghè chi đài các (trg 120)…[8]
Phạm Thế Ngũ nói không khác gì hơn:
Nho Phong là câu chuyện ái tình lý tưởng theo kiểu truyện Nôm xưa… Nguyễn Tường Tam còn chịu ảnh hưởng đậm đà của Nho giáo, Nho phong… Tư tưởng trung hiếu tiết nghĩa, sự rung động của tâm hồn trước những vẻ đẹp tưởng như bất biến của đạo Nho… Về kỹ thuật: giảng giải dài dòng về thế sự nhân tình, kết luận bằng nhận xét luân lý cho rõ rệt trước khi chấm dứt. Câu văn gọt dũa, uốn nắn, lấy sáo làm đẹp cái sáo của văn Kiều… (448-449)[9]
Vũ Ngọc Phan sau khi phê bình đã biện luận rất thuyết phục cho sự kiện cổ lỗ nầy của Nguyễn Trường Tam:
Ông Vũ Ngọc Phan nói đúng, chính người thanh niên đó tiến bộ trong những tác phẩm sau nầy và nhứt là đã tạo sự tiến bộ trong lối viết tiểu thuyết của nước ta sau đó nhờ công của ông trong việc thành lập và điều khiển một văn đoàn.
Vấn đề quan trọng là tuy nhận rằng hai tác phẩm trên xưa nhưng Vũ Ngọc Phan cũng như Phạm Thế Ngũ đều đồng ý rằng nhìn tổng thể tiểu thuyết của Nhất Linh có sự tiến hóa:
Đọc Nhất Linh từ trước đến nay người ta thấy tiểu thuyết của ông tiến hóa rất mau. Từ cái lối còn cổ lỗ như Nho Phong, tiểu thuyết của ông đi vào loại tình cảm, rồi đi thẳng vào lối tiểu thuyết luận đề là một lối rất mới ở nước ta.[10]
Đúng. Có một sự tiến hóa theo tôi không chỉ có ích lợi cho văn nghiệp của ông Nhất Linh để thành một nhà văn có thế giá trong một giai đoạn văn học nào đó mà sự tiến hóa đó còn làm đà thúc đẩy cho sự tiến tới của văn chương Việt Nam, vì nó là con tàu kéo theo những cách viết trực diện với đời sống của con người trong xã hội đương thời của những nhà văn thời Tự Lực Văn Đoàn và ngay cả những nhà văn thời sau đó nữa.
Trên mặt văn học con đường 10 năm của truyện dài Việt Nam như vậy là được bước bằng đôi hia thần thoại. Nó bỏ hình thức thơ lục bát để bước sang thể văn xuôi. Dĩ nhiên còn vướng víu những hình thức của râu ria cũ, người ta gọi là cổ lỗ, nhưng rồi sẽ được trau tria dần dần sau nầy. Nhóm có công lớn làm cái lực trong sự thúc đẩy ban đầu là nhóm Tự Lực Văn Đoàn mà Nguyễn Tường Tam là người chủ súy… Để ý rằng sau đó không còn truyện dài bằng thơ có giá trị xuất hiện nữa, nếu có chăng thì là những tập thơ mỏng bình dân của những người viết vì những thôi thúc tài chánh hơn là theo tiếng gọi của văn chương và tư tưởng.[11]
Người Quay Tơ có thể không quan trọng về mặt văn chương[12] nhưng mặt văn học là bước tiến vĩ đại của người chủ soái Tự Lực Văn Đoàn, bước tiến dài từ người viết truyện Nguyễn Tường Tam biến thành nhà văn lừng lẫy Nhất Linh.
Hơn nửa thế kỷ qua từ ngày tôi đọc quyển nầy lần đầu tiên khi ghi tên theo học chứng chỉ mới mở lần đầu tiên ở trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn năm 1961-1962 là chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm, cái cảm giác phải đọc cho hết quyển sách để biết coi Dương Văn thi đậu hay không và Lê Nương có qua khỏi cơn bịnh ngặt nghèo đối đầu với thần chết hay không lần nầy vẫn có.
Độc giả chỉ được trả lời có một: Thi đậu, còn câu hỏi sau cũng là một bí ấn.
Cái bí ẩn đó là tài năng của người viết truyện Nguyễn Tường Tam. Sự tạo bí ẩn đó cùng với những yếu tố khác sau nầy là hạt giống gieo thành nhà văn kỳ tài Nhất Linh về nhiều phương diện, chẳng hạn như người đọc Đoạn Tuyệt nóng lòng theo dõi coi kết cuộc vụ án cô gái mới Loan giết chồng ngã ngũ ra sao, đời cô Loan sau đó như thế nào. Sự nóng lòng của độc giả khi cầm quyển truyện theo các nhà phê bình Tây phương là sự thành công của nhà văn…
Nhà văn thường được người đọc thấy tương lai văn nghiệp ngay trong tác phẩm đầu đời. Đọc xong, buông tác phẩm xuống phần nhiều họ sẽ nói, và nói rất đúng: Ông nầy sẽ tiến xa trên đường nghệ thuật nếu viết tiếp, hay ông nầy dầu viết thêm cả chục, cả trăm quyển nữa, theo đòi việc viết lách 3, 4 chục năm nữa thì cũng thế thôi. Có lượng mà không có phẩm, sau cùng, cái hình bóng rất nhỏ sẽ chìm vào trong đám đông, có mặt để cho người ta quên. Tôi không muốn nói ai nhưng hầu hết những cây viết trong Nam cuối thập niên 50 ở vào trường hợp nầy.
So sánh với Ai Làm Được của Hồ Biểu Chánh cùng thời kỳ ta thấy Hồ Biểu Chánh sức sáng tác mạnh hơn nhiều, về chi tiết trong truyện về văn (rõ ràng trong sáng hơn…) nhưng trong lịch sử văn học Việt Nam Nhất Linh nổi trội hơn nhiều do tác phẩm của ông thay đổi đột biến về mặt câu văn cũng như gắn bó trực tiếp đến những vấn đề trong đại của xã hội đương thời, Hồ Biểu Chánh không được ưu điểm đó, văn ông không tiến bộ theo thời gian, nội dung tác phẩm cũng tương tợ nhau tuy rằng khởi đầu của Hồ Văn Trung hơn hẳn sự khởi đầu của Nguyễn Tường Tam.
Giải thích về tư tưởng tiến bộ hé thấy đây đó trong tác phẩm Người Quay Tơ, nhóm viết Văn Học Việt Nam 1900-1945, bài của Phan Cự Đệ xa gần muốn đem công lao nầy gán cho nhóm tổ chức các phong trào sinh viên học sinh vào thời tác phẩm xuất hiện[13] khi nói:
Phong trào yêu nước sôi sục trong trí thức, học sinh sinh viên vào những năm 1925- 1926 chắc chắn đã có ảnh hưởng đến Nhất Linh. Tập truyện Người Quay Tơ (Nghiêm Hàm ấn quán 1927) bộc lộ một tinh thần dân tộc và thái độ phê phán gay gắt đối với chế độ thực dân phong kiến… (trg 538)
Tôi cho rằng tin tức về những phong trào đó không thể thoát ra khỏi vùng có sự kiện gây nên tin tức được. Vấn đề giới hạn của báo chí khiến nhà báo không thể đem đến những tin chánh trị cho người đọc sớm, hay họ đã lờ đi không nói gì khi cho rằng tin tức đó có thể tạo nên phản ứng xấu mà nhà cầm quyền phải mất công giải quyết. Và mọi sự liên hệ về tư tưởng trong Người Quay Tơ với phong trào nầy nọ thời đó đều không có cơ sở, không thể tin được. Đó là một kết luận qui nạp áp đặt của người đi sau vì khuynh hướng chánh trị của mình.
Gần đây một quyển tự điển văn học đồ sộ, mà trong sự hình thành đã có những tranh luận gay go về những tác giả nào tác giả nào của Việt Nam được đưa vào tự điển, đã viết:
Những sáng tác đầu của Nhất Linh, trước 1930 (Nho Phong 1925), (Người Quay Tơ 1927) chưa có gì đặc sắc, nghệ thuật còn cổ như những sáng tác khác thời ấy[14].
Nói như vậy để họ nói về những tác phẩm có giá trị nghệ thuật của Nhất Linh sau 1930, nhưng cũng vì vậy họ đã không thấy được những tư tưởng tiến bộ lấp lánh trong hai quyển đầu đời văn của tác giả. Chính những tư tưởng đó sau nầy phát triển thành những điều mà chúng ta gọi là luận đề để thay đổi những hủ tục của thời đại.
Sao không nói đến phần tư tưởng, nhất là những tư tưởng mở đường cho thấy những khuyết điểm của xã hội thời đó?
Khoảng cách cực lớn giữa ý tưởng và thực hiện ý tưởng đó thành một điều cụ thể rực rỡ là hành động, nhà văn trẻ Nguyễn Tường Tam thực hiện những ước mơ của mình (trong Nho Phong và Người Quay Tơ) để thành Nhất Linh của Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Đôi Bạn, Bướm Trắng… Sự thực hành đó là việc điều hành tờ Phong Hóa, tờ Ngày Nay với các bạn văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
Giải thích tại sao Nhất Linh thành công trong việc tạo nên một phong trào văn nghệ như Tự Lực Văn Đoàn mà Hồ Biểu Chánh trong Nam mặc dầu khởi đầu sự nghiệp mình khá trội hơn đã không làm được, tôi xin trả lời giản dị rằng Hồ Biểu Chánh không có văn hữu chí cốt để phân công làm việc và nhất là ông không được đi Tây để mở mắt ra nhìn thấy toàn thể bộ mặt văn nghệ tiến bộ của Tây Phương và cách làm việc sao cho thành công[15].
Dĩ nhiên điều căn bản nhất: Cũng cần có yếu tố tự thân ta gọi là thiên tài…
[1] Xin xem để thấy những tiếng vang về Đoạn Tuyệt trong Thanh Lãng, 13 năm Tranh Luận Văn Học, nhà xuất bản Văn Học, Sài Gòn, 1995.
[2] Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, bản in lần thứ mười, 1968 của Trung Tâm Học Liệu, VNCH, bản in lại nguyên văn của nhà xuất bản Đại Nam, CA, Hoa Kỳ, không đề năm.
[3] Thạch Trung Giả, Văn Học Phân Tích Toàn Thư, Lá Bối, Sài Gòn, 1973, quyển sách nầy, vốn là một giảng khoa ở Viện Đại Học Vạn Hạnh vài năm trước đó nên không thể đi vào chi tiết hết các tác giả và tác phẩm quan trọng nhưng khi nói đến Nhất Linh Giáo Sư Thạch Trung Giả chỉ nói đến Đoạn Tuyệt mà không có một lời nào về hai tác phẩm chúng ta đương bàn.
[4] Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, bản in lần đầu, Hà Nội 1942, in lần thứ ba, Sài Gòn 1960.
[5] Để ý rằng trước đó không lâu, trong Nam tháng Oct, 1921 ông Lê Hoằng Mưu cho in quyển Hoạn Thơ Bắt Thúy Kiều bằng thể thơ thất ngôn trường thiên, không tác phẩm nào có thể cổ điển hơn:
Người huyện tích Châu Thường quê ngụ, Thúc Kỳ Tâm dòng dõi thư hương, Rèn bút nghiên đúng bực văn chương, Tra lý lịch đáng gương đức hạnh, Lắm sở ruộng cò bay thẳng cánh, Nhiều miếng vườn chó chạy ngay đuôi, Phận sắt cầm đã đặng an vui, Cung ái nữ con quan lại Bộ…
[6] Và sau nầy viết có hệ thống hơn chú trọng đến điều mà ông cho là quan trọng hơn nữa vì trực tiếp và nhứt là cụ thể như điều viết trong Đoạn Tuyệt và Lạnh Lùng….
[7] Nhắc lại, người viết bài nầy không có bản in đầu tiên của nhà in Nghiêm Hàm ở Hà Nội mà chỉ có bản in của nhà xuất bản Đời Nay năm 1960 nên không thể xác quyết bản in ở Sài Gòn có chỉnh sửa hay không và nếu có thì đổi đến mực nào. Trong khi chờ đợi giải quyết bởi một người nào đó có bản in lần đầu thì ta coi như không có sửa hoặc nếu có thì cũng không quan trọng vì sửa một số từ Bắc rặt (như đã dùng trong Nho Phong) sang từ thông dụng hơn thời thập niên 60 của thế kỷ trước, chớ không sửa chữa câu văn.
[8] Như trên, trang 900.
[9] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Giảng Ước Tân Biên.
[10] Nhà Văn Hiện Đại, trang 907.
[11] Bộ thơ trường thiên lục bát của mấy nhà xuất bản Phạm Văn Thình, Phạm Đình Khương, Thuận Hòa ở Chợ Lớn kéo dài mấy chục năm với gần 200 quyển nhưng không có quyển nào so sánh được với U Tình Lục vì nhiều lẽ mà lẽ quan trọng nhứt là đề tài: Lấy trong tác phẩm Trung Quốc, rút ra từ Truyện Tàu, kể lại một truyện cổ tích… sự sáng tác đặc biệt phát xuất từ tâm tư của tác giả như U Tình Lục không có.
[12] Những khuyết điểm có thể kể cụ thể:
a. những chữ quá xưa và quá địa phương: Đã nhớn, Phương giời lẽo đẽo, tính kiệt, đau cháo, nói truyện xuốt ngày, vài dương quần áo, văn thơ sao nhãng, Con giai tóc nàng không năng trải, Nhời con nói, Túp danh bên cạnh, Nàng sinh đẹp quá, Bóp chán có giáng ngượng, cái trõng, dút dát, trấn song, nó trở đi cúng rỗ tổ tiên, cau dầu, mặt sanh sao, bỏ soãi ra, sé ruột sé gan, lấy làm rễ chịu, trân giời tối đen, sướng danh, có sức mà trống lại được, xút kém, tróng mạnh, chôn rau cắt dốn, chôi chẩy…
b. những nhóm chữ xưa sáo mòn: tuổi mới trăng tròn, bắc bực làm cao, làn thu ba như nhuộm vẻ sầu, nét hoa ủ dũ…
c. giọng người viết nói với ta để giải thích nầy nọ: tuổi thiếu niên như thế, há có riêng ai, ôi con người ta chỉ vì miếng ăn mà cùng khổ đến thế ư?
[13] Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoàng Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức- Văn học Việt Nam (1900-1945), nhà xuất bản Giáo Dục, Sàigòn 1998.
[14] Từ Điển Văn Học, Bộ Mới, Nhà xuất bản Thế Giới, Sài Gòn, 2003, mục từ Nhất Linh, người chấp bút Nguyễn Hoàng Khung (trang 1255).
[15] Nhiều người có kinh nghiệm về viết văn, có ý muốn kết hợp với bạn văn để viết lách về một đề tài lớn nhưng kết quả thường không được như ý vì nhà văn thường có khuynh hướng làm việc độc lập và nhứt là mỗi người mỗi ý về kỹ thuật cũng như điều muốn đưa vào trong tác phẩm của mình. Nhất Linh làm được vai trò người lãnh đạo Tự Lực Văn Đoàn phải công nhận là đáng khâm phục, ông đã tạo được một nhóm người củng nhau viết với một mục tiêu và đã thành công vượt bực, ảnh hưởng lớn trên văn học Việt Nam một thời gian dài..
Nguyễn Văn Sâm
Sept. 2014.
(bài nói chuyện ở Viện Việt Học, California, năm 2014)