CỦA THỂ THƠ ĐƯỜNG LUẬT
TẠI VIỆT NAM
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
Có thể nói Đường thi là một thể thơ luật lệ khắc khe nhất. Không những gò bó về hình thức từng chữ, từng câu, từng phần; nội dung cũng bị ép mình trong khuôn khổ. Nhưng cũng bởi tính chất chặt chẽ này, phù hợp với tinh thần Khổng giáo mà thơ Đường luật nhanh chóng có một chỗ đứng vững chắc trong thời quân chủ.
Cuộc đời của thơ Đường luật rất diễm phúc, được khai sinh trong một triều đại mà hầu hết các vua chúa đều yêu chuộng thi thơ. Gặp lúc ba nhà thơ vĩ đại nhất, xuất sắc nhất, nổi tiếng nhất của nước Tàu đồng loạt xuất hiện: Lý Bạch (Li Bai 701- 762), Đỗ Phủ (Du Fu 712 – 770) và Bạch Cư Dị (Bai Ju Yi 772 – 846). Ngoài ra còn đông đảo thi nhân tăm tiếng như Vương Bột (Wang Bo), Lạc Tân Vương (Luo Xin Wang), Trần Tử Ngang (Chen Zi Ang), Vương Hàn (Wang Han), Vương Chi Hoán (Wang Zhi Huan), Vương Xương Linh (Wang Chang Ling), Thôi Hiệu (Cui Hao), Trương Kế (Xiang Ji), Lưu Vũ Tích (Liu Yu Xi), Đỗ Thu Nương (Du Qui Niang), Lý Thương Ẩn (Li Shang Yin)… cùng nhau vun quén thể thơ Đường.
Hơn thế, thể thơ này ra đời chưa được bao lâu thì năm 681, Đường Cao Tông (Tang Gao Zong) xuống chiếu đưa môn làm thơ Đường vào các khoa thi. Từ đấy, thể thơ này càng được các sĩ tử nâng niu chăm sóc.
Thơ Đường luật được nhanh chóng nhập cảnh vào Việt Nam. Ở quê hương mới, thơ Đường cũng chiếm một địa vị quan trọng trong thi ca Việt Nam cả về số lượng lẫn phẩm chất. Ngày xưa, hễ nhà thơ là gắn bó với thơ luật Đường. Ngày nay, trừ một số nhà thơ nòng cốt của Phong trào Thơ mới, hầu hết các thi nhân đều có làm thơ luật Đường ít nhiều cùng với các thể thơ khác.
Thơ Đường luật của Việt Nam, dù có một thời gian khá dài được các sĩ tử chăm sóc, vừa vì yêu thích thơ văn, vừa là nhịp cầu đưa đến danh vọng; cũng không thể tránh khỏi quy luật thăng trầm của dòng đời.
Hòa ước Patenôtre năm Giáp Thân (1884) ký tại Huế, là văn kiện buộc triều đình nhà Nguyễn phải công nhận sự Bảo hộ của Pháp. Ông Patenôtre còn bắt ta phải đốt ấn của nhà Thanh (Qing) phong cho các vua Nguyễn, để chứng tỏ nước ta từ đó thuộc Pháp, không còn thần phục Tàu nữa.
Tại kinh thành Huế, nửa đêm 22 tháng 5 năm Ất Dậu (1885), quan Đệ Nhị Phụ chính Tôn Thất Thuyết, không chịu được nhục mất nước, ra lệnh tấn công dinh Khâm sứ và đồn Mang Cá của Pháp. Sáng ngày 23, quân Pháp phản công, kinh đô thất thủ. Tôn Thất Thuyết rước vua Hàm Nghi (咸 宜) ra Tân Sở (Quảng Trị), truyền Dụ Thiên Hạ Cần Vương, được nho sĩ và dân chúng khắp nơi hưởng ứng.
Trong khi đó, ngày mồng 6 tháng 8 năm Ất Dậu (1885), ông Chánh Mông (正 蒙) thân hành qua Tòa Khâm Sứ để chịu lễ thụ phong, lên ngôi vua là Nguyễn Cảnh Tông (阮 景 宗), đặt niên hiệu Đồng Khánh (同 慶).
Rồi ngày 26 tháng 9 năm Mậu Tý (1888), vua Hàm Nghi bị bắt ở Quảng Bình. Phong trào Cần Vương tan rã. Người Pháp đặt nền đô hộ vững chắc ở nước ta.
Triều đình Huế có một vua mới, thân Pháp. Tuy đất nước tạm yên trong tình trạng nô lệ, mọi người vẫn bàng hoàng về đêm Kinh đô thất thủ. Bấy giờ không còn cảnh vua tôi cùng nhau xướng họa:
Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán,
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường.
(Vua Tự Đức)
mà đâm ra ngơ ngác trước thay đổi thời cuộc, Trần Tế Xương viết:
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,
Váy lê quét đất mụ đầm ra.
(Lễ Xướng Danh, khoa Đinh Dậu, 1897)
và khó chịu với cảnh tượng:
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng.
(Giễu Người Thi Đỗ)
Thâm thúy hơn, Tam nguyên Yên Đỗ sợ người đời sau lẫn lộn ông với đám quan lại đương quyền sau ngày Kinh đô thất thủ, đã phải dặn con cháu trước khi chết:
Đề vào mấy chữ trong bia
Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu.
(Di Chúc)
Bằng thái độ kín đáo sâu sắc, Nguyễn Khuyến đã mượn cảnh Hội Tây để gửi gắm tâm sự mình trước sự thay bậc đổi ngôi ấy:
Khen ai khéo vẽ trò vui thế
Vui thế bao nhiêu, nhục bấy nhiêu.
Một quá khứ huy hoàng đã chết! Tương lai mờ mịt! Còn hiện tại là những bàng hoàng, ngơ ngác, tủi nhục… Cũng trong bài Di Chúc, Nguyễn Khuyến than:
Ơn vua chửa chút báo đền
Cúi trông thẹn đất, ngửa lên thẹn trời.
Không mấy ai còn tâm trí để ngắm hoa ngâm vịnh, đẽo gọt những câu thơ luật Đường nữa:
Nghĩ đến bút nghiên tràn nước mắt,
Ngước nhìn sông núi xiết buồn đau.
Anh về nhắn với người quen biết:
Huyền Án tiên sinh đã bạc đầu.
(Thơ chữ Nho của Nguyễn Khuyến,
Xuân Diệu dịch)
Tiếp đến là việc cải cách giáo dục. Nho học cáo chung, kéo theo sự tàn tạ của thể thơ Đường.
Trước kia, các kỳ thi Hương (lấy cử nhân và tú tài), thi Hội (lấy tiến sĩ và phó bảng) đều có khảo hạch về thi, phú. Thí sinh phải làm một bài thơ Đường luật bát cú thất ngôn hay ngũ ngôn, đề bài thơ do giám khảo ra ở trường nhì nếu là khoa thi Tam trường, ở trường ba nếu là khoa thi Tứ trường. Vì vậy học trình, sinh đồ phải rèn luyện thành thạo về cách làm thơ, vừa đúng luật, vừa điêu luyện, vừa hàm súc, vừa đúng giờ giấc quy định, và nhất là không được phạm trường quy. Việc làm thơ Đường đã trở thành cái nghề của những ai muốn xuất thân từ khoa bảng. Có bao nhiêu nho sinh, là có bấy nhiêu nhà thơ luật Đường.
H 1: Thí sinh mang vật dụng vào trường thi,
tự dựng lều để làm bài.
(Hình Ảnh Xưa Việt Nam)
Giờ đây, Nghị định ký ngày 21- 12- 1917 của Toàn quyền Albert Sarraut, bãi bỏ nền Nho học. Thay vào bằng nền giáo dục Pháp Việt, gọi là Học Chính Tổng Quy. Khoa thi Hương năm Ất Mão (1915), tại trường thi Hà Nam, là khoa thi Nho học cuối cùng của miền Bắc. Ở miền Trung, năm Mậu Ngọ (1918), niên hiệu Khải Định thứ 3, mở khoa thi Hương cuối cùng tại trường thi Nghệ An (Thanh Hóa thi chung) và Thừa Thiên (Bình Định thi chung). Năm sau (Kỷ Mùi), cũng tại trường Thừa Thiên, khoa thi Hội cuối cùng, chấm dứt vĩnh viễn nền giáo dục Nho học tại Việt Nam.
Kể từ khoa thi Tam trường đầu tiên ở nước ta, năm Ất Mão (1075), dưới triều Lý Nhân Tông đến khoa thi Hội năm Kỷ Mùi (1919), nền giáo dục Nho học nước ta ngót 844 năm. Theo các tài liệu về khoa bảng [1], nếu chỉ tính riêng đại khoa, kể cả khoa Tam giáo và bao gồm số lẻ tẻ người trúng tuyển đã được góp nhặt ghi vào phần Biệt lục và Bổ di [2], cả thảy có thể tổng kết như sau:
– Triều Lý (1010 – 1225): 8 khoa thi, 38 người đỗ, 11 biết rõ tên.
– Triều Trần (1225 – 1400): 21 khoa thi, 383 người đỗ, 51 biết rõ tên, gồm 9 Trạng nguyên, 8 Bảng nhãn, 9 Thám hoa, 6 Hoàng giáp, 19 Tiến sĩ.
– Triều Hồ (1400 – 1407): 2 khoa thi, 190 người đỗ, 13 biết rõ tên, gồm 1 Thám hoa, 6 Hoàng giáp, 6 Tiến sĩ.
– Triều Lê (1428 – 1527): 31 khoa thi, 1038 người đỗ, 1008 biết rõ tên, gồm 20 Trạng nguyên, 21 Bảng nhãn, 22 Thám hoa, 316 Hoàng giáp, 629 Tiến sĩ.
– Triều Mạc (1527 – 1595): 22 khoa thi, 485 người đỗ và biết rõ tên, gồm 11 Trạng nguyên, 12 Bảng nhãn, 19 Thám hoa, 101 Hoàng giáp, 342 Tiến sĩ.
– Triều Lê Trung Hưng (1533 – 1778): 71 khoa thi, 807 người đỗ, 774 biết rõ tên, gồm 6 Trạng nguyên, 7 Bảng nhãn, 20 Thám hoa, 108 Hoàng giáp, 633 Tiến sĩ.
– Triều Nguyễn (1802 – 1945): 40 khoa thi (39 khoa thực hiện đầy đủ và 1 khoa bỏ cuộc [3]), 572 người đỗ, 558 biết rõ tên, không lấy Trạng nguyên, 2 Bảng nhãn, 9 Thám hoa, 54 Hoàng giáp, 227 Tiến sĩ, 266 Phó bảng.
Tổng cộng 195 khoa thi, 3513 lượt người đỗ, 2900 biết rõ tên, trong đó 46 Trạng nguyên, 50 Bảng nhãn, 80 Thám hoa, 591 Hoàng giáp, 1867 Tiến sĩ, 266 Phó bảng.
Thống kê trên, không kể những người đỗ Cử nhân, Tú tài ở các khoa thi Hương. Ngoài ra vô số người dự thi Hương, thi Hội mà không đỗ, những người học mà không thi, hoặc không được thi (nữ giới, con nhà xướng ca, diễn viên). Hàng vạn người theo học, tất nhiên có học làm thơ luật Đường, mới có một người đỗ Tiến sĩ. Như thế đủ thấy số người biết làm thơ Đường luật nhiều đến cơ man nào!
Khi các khoa Nho học chấm dứt, số lượng đông đảo người tiếp tục học làm thơ Đường luật vì khoa cử, tất nhiên không còn nữa. Chỉ còn lại một số ít người yêu thơ Đường, đeo đuổi nghiệp thi ca mà thôi.
Là nhân chứng thời đại, Trần Tế Xương nói lên sự tàn tạ của nền Nho học:
Đạo học ngày nay đã chán rồi!
Mười người theo học, chín người thôi.
(Than Đạo Học)
Nho học đã vốn tàn tạ, lại càng suy thoái nhanh hơn vì không ít người lanh chân chạy theo cơ hội, ông viết:
Nào có ra gì cái chữ Nho,
Ông nghè ông cống cũng nằm co.
Sao bằng đi học làm thầy phán,
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.
(Chữ Nho)
Thời cuộc đổi thay nhanh chóng, nhà thơ Nguyễn Bính tuy không thuộc lớp người Nho học, cũng thấy bồi hồi:
Mực Tàu giấy bản là thôi,
Nước non đi hết những người áo xanh.
Lỡ duyên búi tóc củ hành,
Trường thi Nam Định biến thành trường bay.
III – NGUYÊN NHÂN SUY TÀN
1 – Nguyên nhân chủ quan:
Thơ Đường luật quá gò ép trong luật lệ khắt khe. Nhược điểm của bình đối ở cặp trạng (câu 3, 4) và luận (câu 5, 6) là dễ gây khuôn sáo một cách nhàm chán. Lệ buộc cặp trạng phải diễn cho hết ý của đề bài mà không được phạm đề, khiến cho thi nhân không còn chút tự do nào trong sự lập ý một cách sáng tạo. Nhiều ý hay phải loại bỏ vì bị ràng buộc bởi 9 luật cùng lúc kềm kẹp cặp trạng và luận, mà luật nào phạm đến cũng trọng tội cả.
a – Luật bằng trắc:
Khi làm thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ta phải chọn một trong hai thể luật sau đây:
Thể luật bằng [4]
Câu 1 : b B t T t B Bv
Câu 2 : t T b B t T Bv
Câu 3 : t T b B b T T
Câu 4 : b B t T t B Bv
Câu 5 : b B t T b B T
Câu 6 : t T b B t T Bv
Câu 7 : t T b B b T T
Câu 8 : b B t T t B Bv
Thể luật trắc
Câu 1 : t T b B t T Bv
Câu 2 : b B t T t B Bv
Câu 3 : b B t T b B T
Câu 4 : t T b B t T Bv
Câu 5 : t T b B b T T
Câu 6 : b B t T t B Bv
Câu 7 : b B t T b B T
Câu 8 : t T b B t T Bv.
Phạm lỗi thất luật có nghĩa là mỗi chữ ở vị trí theo bảng luật thanh bắt buộc phải là bằng (b) mà đổi ra trắc (t) và ngược lại.
Tuy nhiên để nới lỏng phần nào, có luật bất luận. Nghĩa là trong bài thất ngôn Đường luật chỉ quy định: “Nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục, thất phân minh.” Trong mỗi câu, các chữ thứ 1, 3 và 5 có thể bằng hay trắc cũng được; còn các chữ thứ 2, 4, 6 và 7 phải theo đúng luật, không thể thay đổi.
b – Luật niêm:
Hai câu thơ niêm với nhau khi nào chữ thứ 6 của hai câu đó [5] cùng theo một luật, nghĩa là cùng thanh bằng hay thanh trắc.
Như vậy, câu 1 niêm với câu 8, câu 2 niêm với câu 3, câu 4 niêm với câu 5, câu 6 niêm với câu 7.
Phạm lỗi thất niêm, các câu trong bài không còn sự liên lạc về âm luật nữa, tức là mất sự dính liền nhau.
c – Luật khổ độc:
Mặc dù có luật bất luận nhưng chữ thứ 3 của các câu chẵn và chữ thứ 5 của các câu lẻ đang là bằng (b) mà đổi ra trắc (t) là phạm phải luật khổ độc.
d – Luật vận:
Thơ Đường luật thường vần bằng, đôi khi cũng dùng vần trắc. Suốt bài thơ chỉ gieo một vần, gọi là độc vận.
Trong bài thơ bát cú có 5 lần gieo vần, gieo ở chữ cuối câu đầu và các câu chẵn; nghĩa là các chữ cuối câu 1, 2, 4, 6 và 8 phải cùng một vần. Trong 5 chữ phải gieo vần ấy, nếu có 1 chữ khác vần, coi như bài thơ phạm lỗi lạc vận.
đ – Luật bình đối:
Trong bài thơ bát cú Đường luật, cặp trạng và cặp luận đối nhau từng đôi một. Nghĩa là câu 3 đối với câu 4, và câu 5 đối với câu 6.
Đối, phải hội đủ 3 điều kiện:
– Đối thanh: khác thanh, bằng đối với trắc. Thí dụ: “trời” đối với “đất.”
– Đối chữ: cùng loại tự, như động tự đối với động tự. Cùng nguồn gốc, như chữ Nôm đối với Nôm, chữ Nho đối với Nho.
– Đối ý: ý của hai chữ phải cân xứng, như “đen” đối với “trắng.”
e – Luật diễn đề và phạm đề:
Cặp trạng (câu 3 và 4) còn gọi là câu thực, lãnh nhiệm vụ diễn đề, nghĩa là giải thích từng chữ của đầu bài cho thật rõ, thật sát và không được bỏ sót một chữ nào. Nhưng lại cấm không được phạm đề, tức là tuyệt đối không dùng những chữ đã có ở đầu đề, phải tìm những chữ đồng nghĩa để thay thế.
Thí dụ: Bài phú đắc Theo Voi Ăn Bã Mía, trong cặp trạng, Tản Đà diễn đề một cách tài tình :
Rón chân những chực khi vòi nhả,
Rát lưỡi đành xơi cái ngọt thừa.
g – Luật nhất khí:
Nếu niêm là sự liền lạc về âm luật giữa hai câu thơ, thì nhất khí là sự liên hệ ý câu trên với câu dưới và lần lượt tiếp nối với các câu khác, liền thành một chuỗi. Ý tưởng các câu phải theo luật diễn tiến, tránh không đảo lộn hay bị cắt đứt.
Bài Tôn Phu Nhân Qui Thục của Tôn Thọ Tường là một điển hình về nhất khí:
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc,
Về Hán trau tria mảnh má hồng.
h – Luật trùng chữ, trùng ý, điệp điệu, cưỡng áp:
Bài thất ngôn bát cú Đường luật có 56 chữ, ngũ ngôn bát cú 40 chữ, thất ngôn tứ tuyệt 28 chữ và ngũ ngôn tứ tuyệt 20 chữ [6]. Việc chọn chữ, chọn ý, phải hàm súc mới diễn tả được hết đề tài. Nói chung, phải áp dụng triệt để nguyên tắc đắc địa. Tuy vậy, vẫn có điệp ngữ, điệp ý, nếu tác giả muốn dùng mỹ tự pháp để tăng giá trị nghệ thuật.
i – Luật kết cấu:
Mỗi câu trong bài bát cú được phân công chặt chẽ theo quy định: Phá (câu 1) ám, thừa (câu 2) minh, trạng (câu 3, 4) cảnh, luận (câu 5, 6) tình, thúc (câu 7) dồn, kết (câu 8) keo.
Cách dàn ý bài bát cú phải theo nguyên tắc: Một sự phân tích ở giữa hai sự tổng hợp. Như vậy, phần đề (câu 1 và 2) là tổng quát, phần trạng luận (4 câu giữa) là phân tích, phần thúc kết (câu 7 và 8) là tổng kết.
Ngoài ra cặp luận (câu 5, 6) còn giữ nhiệm vụ bàn rộng thêm phần ý đã diễn ở cặp trạng (câu 3, 4). Cặp luận phải ít cảnh nhiều tình, không nên sát đề mà phải lơi đề, không cần tả thực mà cần bóng bẩy và dùng nhiều hư từ hơn cặp trạng.
Thơ Đường luật quả đúng với cái tên gọi nó: Luật. Ngay cả Phạm Quỳnh, người đã khuyên Phan Khôi nên duy trì thơ cũ “Sau hết, ông khuyên tôi nên giữ cái thái độ ngâm thơ như hồi đó thì hơn” [7]; cũng đã thú nhận về sự phiền toái của thể thơ Đường luật. Trong bài “Bàn Về Thơ Nôm” đăng trong Nam Phong Tạp Chí số 5 ra tháng 11 năm 1917, ông viết:
“Người nào thuộc luật thì bằng trắc tất không lộn, vần tắc áp, luật tất niêm, điệu tất xứng, đối tất chỉnh, sành những khóe thôi xao, giỏi những cảnh xuất sáo, mà gây nên những bức thanh âm tuyệt diệu. Người nào không thuộc luật thì phạm phải những tội ghê gớm, đọc đến mà rùng mình: nào là tội thất niêm, tội thất luật, tội khổ độc, tội cưỡng áp, tội trùng ý, trùng chữ, điệp điệu…
“Người ta thường nói thơ là tiếng kêu tự nhiên của con tâm. Người Tàu định luật nghiêm cho nghề làm thơ thật là muốn chữa lại, sửa lại cái tiếng kêu ấy cho nó hạp hơn, nhưng cũng nhân đó mà làm mất cái giọng thiên nhiên đi vậy.” [8]
Theo Phạm Quỳnh, lối thơ của Pháp rất phóng khoáng, bởi luật lệ không gò bó nên tình ý rất dồi dào, ghi lại một cách trung thực tiếng nói của con tim. Ông đưa ra hai bài thơ tiêu biểu để so sánh: đại diện cho thơ Việt là bài Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan, đại diện cho thơ Pháp là bài Soir En Montagne của Léonce Depont. Rồi ông Phạm đề nghị cải cách luật lệ thơ Đường luật. Theo ông, chỉ cải cách thôi chứ không xóa bỏ hoàn toàn. Ông muốn kết hợp hai nền tinh hoa: thơ của ta và thơ của Pháp, tạo nên một dáng dấp mới cho thể thơ Đường luật. Ông viết:
“Bọn ta ngày nay thực là đứng giữa hai nơi giao giới của hai cái tinh thần ấy, hai cái gặp nhau ở ta, nếu ta khéo ra thì có thể điều hòa được cái hay của hai đàng mà không mắc phải những khuyết điểm. Ta cứ giữ lấy cái lối tranh cảnh của ta, nhưng ta nên rộng cái khuôn nó ra một ít mà bắt chước lấy cái vẻ thiên thú của người.” [9]
Trịnh Đình Dư thì tỏ thái độ dứt khoát với thơ Đường. Trên Phụ Nữ Tân Văn số 29 ra ngày 21- 11- 1929, ông viết:
“Lối thơ Đường luật bó buộc người làm thơ phải theo khuôn phép tỉ mỉ, mất cả hứng thú tự do, ý tưởng dồi dào. Nếu ngày nay ta cứ sùng thượng lối thơ ấy mãi thì làng văn Nôm ta không có ngày đổi mới được.” [10]
Ông đề nghị nên lấy thể thơ lục bát và song thất lục bát là các thể thơ thuần túy Việt Nam làm nền tảng cho thi ca chúng ta:
“Viết một bài thơ lục bát chữ đã không cần phải đối, vần lại không phải gieo nhiều, vui bút kéo đến trăm câu, muốn gọn viết một bài ngắn. Cái thú hạ bút tự do toàn ở tác giả cả. Vả lại thơ lục bát còn có hai cái thú nữa là một bài thơ nếu có lời lẽ khá, ý tưởng hay thì người đọc dễ biết và dễ cảm.” [11]
2 – Nguyên nhân khách quan:
Một nguyên nhân khác, mạnh mẽ hơn, quyết định sự suy tàn của thơ Đường luật, là sự tiếp xúc với nền văn học Pháp.
Nghị định ký ngày 21- 12- 1917 của Toàn quyền Đông Dương, ấn định lại việc học hành thi cử tại Việt Nam. Từ đó, Nho học cáo chung, thay thế vào hai nền giáo dục song hành, giáo dục Pháp Việt và nền Pháp học.
a/ Nền giáo dục Pháp Việt dành cho người Việt, trường học theo dạng này mở ra khắp nước.
– Bậc Sơ học (lớp 5, 4, 3) mở ở xã hoặc liên xã, dạy các môn bằng tiếng Việt (chữ quốc ngữ), ngoài ra cũng có dạy chữ Pháp và chữ Nho.
– Từ bậc Tiểu học (lớp nhì nhất, nhì nhị và lớp nhất) thì học ở trường phủ, huyện và tỉnh lỵ. Các môn học đều bằng tiếng Pháp. Chữ Nho và chữ Quốc ngữ chỉ dạy trong giờ học môn Hán văn và Việt văn.
– Bậc Cao đẳng tiểu học (tương đương với các lớp 6, 7, 8, 9 ngày nay) chỉ mở ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và các tỉnh lớn. Các môn đều dạy bằng tiếng Pháp, trong lớp tiếp xúc bằng tiếng Pháp. Môn chữ Nho và chữ Việt chỉ được dùng trong giờ học của hai môn ấy.
– Bậc Trung học (tương đương với các lớp 10, 11, 12 ngày nay) chỉ mở ở Hà Nội, Huế , Sài gòn. Việt văn chỉ được coi như môn sinh ngữ.
b/ Song song với nền giáo dục Pháp Việt, còn có nền giáo dục Pháp, dành cho người Pháp. Tuy nhiên, vẫn có một số người Việt được vào học ở các trường này.
Lớp trẻ theo Tân học, tiếp xúc với nền văn học Pháp, với văn minh Pháp, với tư tưởng Pháp. Nhìn lại đất nước, theo họ, toàn là cổ hủ cả.
H 2: Một lớp học ở bậc Cao đẳng Tiểu học.
(Hình Ảnh Xưa Việt Nam)
Báo Phong Hóa số 106 viết: “Nước Tàu vì thế mà không bì kịp các nước tân tiến. Muốn kịp các nước tân tiến ta phải cải cách. Ta phải mới. Ta phải quả quyết bỏ hết hủ tục – mà hủ tục rất nhiều – ta phải bỏ cái lòng quá tồn cổ của ta đi.” [12]
Hô hào bỏ cũ theo mới để bắt kịp đà văn minh thế giới, phái tân học đổ tội cho Nho giáo làm cản trở sự tiến bộ. Họ công kích Nho giáo là thiếu mở mang. Họ muốn dứt bỏ luôn thể thơ gốc Tàu, đã gắn liền với khoa cử Nho học, vì có quá nhiều luật lệ “cổ hủ” đè nặng thi nhân. Đó là thể thơ Đường luật.
Đối với lớp người ấy, so sánh thơ ta và thơ Pháp, họ thấy thơ luật không thể chấp nhận được nữa. Cần dẹp bỏ, nhưng họ cho chưa tìm được lối thoát cho thi ca. Bỏ thể thơ Đường luật để rập khuôn theo thể thơ Pháp chăng? Nỗi nhục mất nước còn đó. Nay, vì muốn theo mới, mà vô hình trung rước thêm nô lệ về thi ca! Trong lúc chưa tìm được giải pháp nào thích hợp cho thơ, nói rõ hơn, chưa tìm được một lối thơ nào có sức thu hút, đủ uy tín để thay thế thơ Đường luật đã ăn sâu bám rễ trên đất nước này. Thì thơ Đường, vẫn giữ địa vị độc tôn trên thi đàn, dù bắt đầu có dấu hiệu suy tàn.
IV – SỰ BÙNG NỔ CỦA PHONG TRÀO THƠ MỚI
Sáng thứ năm ngày 10 tháng 3 năm 1932, trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 122 xuất hiện bài văn xuôi Một Lối Thơ Mới Trình Chánh Giữa Làng Thơ, kèm theo bài thơ Tình Già [13]. Cả hai cùng ký tên Phan Khôi, làm độc giả sửng sốt.
Bài tiểu luận ấy đúng là một bản tuyên ngôn Thơ mới, một hiện tượng cách mạng thi ca.Với sở trường về lý luận, trong phần đầu, Phan Khôi nêu lý do ông ly khai Thơ cũ, mặc dù ông rất sành lối thơ luật Đường. Ở phần sau, ông trình bày việc đề xướng một lối thơ, tạm gọi là Thơ mới, để thay thế cho Thơ cũ, ông viết:
“Nhưng tôi tin rằng cái lối thơ cũ của ta đã hết chỗ hay rồi, chẳng khác nào một đế đô mà vượng khí tiêu trầm, ta phải kiếm nơi khác mà đóng đô.”
Tuy nhiên, trước thành trì vững chắc của thơ cũ, ngay cả người đề xướng thơ mới, cũng không tin việc làm của mình sẽ đạt thắng lợi ngay, ông viết:
“Thay đổi một chế độ xã hội dễ hơn thay đổi một khuynh hướng trong con người” và “Tôi cầm chắc việc đề xướng của tôi sẽ thất bại lần nữa.” Có điều ông vẫn quả quyết: “nhưng tôi tin rằng sau này có người làm như tôi mà thành công.” [14]
Thơ mới được Phan Khôi đề xướng, người đầu tiên hưởng ứng là Lưu Trọng Lư, rồi tiếp đến Nguyễn Thị Kiêm tức Nguyễn Thị Manh Manh và Hồ Văn Hảo. Mới đầu họ dùng tờ Phụ Nữ Tân Văn để kết nạp đồng chí, sau chuyển qua tờ Phong Hóa làm cơ quan tuyên truyền.
H 3: Phan Khôi (1887- 1959) cha đẻ của Thơ Mới.
(Ảnh sưu tầm trên mạng)
Người đầu tiên đả kích Thơ mới quyết liệt nhất là Vân Bằng. Phe thơ cũ với lực lượng đông đảo, đứng đầu là Tản Đà, rồi Huỳnh Thúc Kháng, Vân Bằng, Thái Phi, Nguyễn Văn Hanh, Dương Tự Quán, Hoàng Duy Từ, Thượng Sơn, Tân Việt, Động Đình, Phi Vân, Thiết Diện, Tường Vân, Tùng Lâm, Đẩu Tiếp, Lê Cương Phụng, Chất Hằng cùng nhiều tạp chí sẵn sàng hỗ trợ như Tin Văn, Văn Học Tạp Chí, Văn Học Tuần San, An Nam Tạp Chí, Công Luận, Tiếng Dân.
H 4: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888- 1939),
dẫn đầu nhóm Thơ Cũ, công kích Thơ Mới.
(Nguồn: Đặng Tiến, Images for Tản Đà)
Phe Thơ mới gồm những người trẻ tuổi, năng động, đứng đầu là Lưu Trọng Lư, rồi đến Nguyễn Thị Manh Manh, Vũ Đình Liên, Trương Tửu, Đỗ Đình Vượng, Lê Ta, Lê Tràng Kiều, Hoài Thanh, Việt Sinh và ban biên tập báo Phong Hóa. Cơ quan tuyên truyền đắc lực cho Phong trào Thơ mới là tờ Phong Hóa, với sự tham gia của Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Hà Nội Báo, Loa, Ngày Nay.
Trong cuộc chống trả phe Thơ cũ, thoạt đầu phe Thơ mới có vẻ lép vế, nhưng nhanh chóng lấy lại thế thượng phong, vì họ biết đoàn kết, có tổ chức, có phân công, và hăng say với hoài bão. Họ có cả một chiến lược vừa chống đỡ, vừa gây phong trào, vừa kết nạp chiến hữu, vừa củng cố hàng ngũ, vừa bồi bổ Thơ mới cả về lượng và phẩm.
Trong cuộc chiến, hai phe đều dùng cả khẩu chiến, lẫn bút chiến. Lợi thế của phe Thơ cũ là hàng ngủ đông đảo và nổi tiếng trong làng văn. Phe mới, tuy thất thế về khía cạnh ấy, nhưng biết vận dụng mặt trận tâm lý, như châm biếm, tranh luận, địch vận, để gây chia rẽ hàng ngũ đối phương; nhất là mặt trận xây dựng và lãnh đạo phong trào. Vì vậy, phe Thơ mới ngày càng lên uy tín, lôi kéo được quần chúng. Trong lúc phe Thơ cũ già nua, ể oải, tản hàng dần. Nhường thế độc tôn trên thi đàn cho Thơ mới, mở ra một kỷ nguyên thời đại. Đó là Thế hệ 1932 – 1945, còn gọi là Thế hệ Thơ Mới, một thế hệ thi ca huy hoàng nhất trong văn học Việt Nam.
công kích thơ cũ. Hình bìa, ảnh: L. Điền.
Số 134, ra ngày 30- 1- 1935.
Thơ Đường luật từ khi du nhập vào Việt Nam cho đến nay, đã trải qua các giai đoạn:
– Thời kỳ phôi thai: kéo dài từ thời thuộc Đường đến hết nhà Tiền Lê (618 – 1009).
– Thời kỳ phát triển: xuyên suốt chiều dài nhà Lý (1010 – 1225). Thời điểm đáng ghi nhớ là năm 1075, vua Lý Nhân Tông tổ chức khoa thi Tam trường đầu tiên của nước ta, đưa môn thi làm thơ Đường luật vào khảo hạch.
– Thời kỳ hoàn chỉnh: từ nhà Trần đến hết Minh thuộc (1225 – 1427). Thời đại này có Hàn Thuyên, người đầu tiên dùng chữ Nôm làm thơ Đường luật, mở ra kỷ nguyên mới cho loại thơ này.
– Thời kỳ hưng thịnh: từ nhà Lê đến hết nhà Tây Sơn (1428 – 1802). Vào đầu thời kỳ này có Hội Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, hội thơ thứ 2 của Việt Nam [15], quy tụ các nhà thơ lỗi lạc, đưa thơ luật Đường vào hưng thịnh.
– Thời kỳ cực thịnh: Từ đầu nhà Nguyễn đến hòa ước Patenôtre năm Giáp Thân (1802 – 1884). Thời kỳ này có các nhà thơ nổi tiếng, với hội Mạc Vân Thi Xã đã đưa trình độ thơ Đường luật đến tuyệt đỉnh.
– Thời kỳ suy tàn: Kể từ hòa ước Patenôtre (1884) đến năm 1936 là năm chấm dứt cuộc bút chiến giữa Thơ cũ và Thơ mới. Đây là lần đầu tiên thơ Đường luật nếm mùi thất bại đến độ tàn tạ, vĩnh viễn không thể nào trở lại cảnh vàng son ngày cũ.
– Thời kỳ lắng dịu: Từ năm 1937 đến nay, tuy trải qua thời kỳ suy tàn, nhưng thơ Đường luật vẫn không bị khai tử trên thi đàn, chỉ phải sống khiêm nhường, hòa mình với các thể thơ khác.
Nhờ vào đâu mà thơ Đương luật tồn tại, vẫn còn góp mặt trên thi đàn? Phải chăng, lớp người Thơ cũ đã biết thích ứng với sự tiến hóa của trào lưu? Đó là phương thức bình cũ rượu mới, mà thi sĩ Quách Tấn là người tiên phong đem cái ý mới vào Mùa Cổ Điển.
San Jose, ngày 10- 05- 1994
Bổ chính lần 2: 02- 11- 2012
[1] Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, và Trạng Nguyên Tiến Sĩ Hương Cống Việt Nam.
[2] Theo Ngô Đức Thọ, Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam, nguyên trong Đỉnh Khiết Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa Lục có ghi phần Biệt lục và Bổ di để bổ túc danh sách trúng tuyển trong các kỳ thi Tiến sĩ và tương đương của triều Lý, Trần, Hồ còn thiếu sót vì tài liệu chính thất lạc. Biệt lục, chép những người thi đỗ, hiện còn thiếu cứ liệu, cần tham khảo thêm. Bổ di, chép những người thi đỗ, có dữ kiện chính xác nhưng vì chưa rõ năm thi, hoặc vì lý do nào đó chưa ghi vào danh sách chính thức được.
[3] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Phan Huy Giu dịch, Quyển 37 (Hà Nội, Khoa Học Xã Hội, 1977); trang 37: Khoa Ất Dậu (1885) thi Hội lấy chánh phó trúng cách 14 người; Trần Đạo Tiềm (陳 道 潛) đỗ Hội nguyên, Đặng Quỹ (鄧 櫃) đỗ thứ 14, vào thi Đình chưa kịp truyền lô thì gặp biến Kinh đô thất thủ đêm rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885 nên bỏ cuộc.
[4] Trong hai bản thể luật, những chữ b viết đậm nét và có gạch dưới (b), mặc dù ở vị trí “Nhất tam ngũ bất luận” nhưng nếu đổi thành trắc thì sẽ bị khổ độc.
[5] Không nêu hàng chữ thứ 2 mà nêu hàng chữ thứ 6, với dụng ý đưa ra quy tắc chung cho cả thất ngôn và ngũ ngôn Đường luật. Vì thể ngũ ngôn vẫn dùng bảng luật của thất ngôn nhưng bỏ bớt hàng chữ thứ 1 và 2.
[6] Thất ngôn tứ tuyệt gọi tắt là Thất tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt gọi tắt là Ngũ tuyệt.
[7, 8, 9, 10, 11, 12, 14] Nguyễn Tấn Long và Phan Canh; Khuynh Hướng Thi Ca Tiền Chiến (Sài Gòn, nxb Sống Mới, 1968); trang 47, 42, 42, 44, 45, 29, 50.
[13] Bài thơ Tình Già của Phan Khôi:
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
– “Ôi! đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn đà không đặng.
Để đến nỗi tình trước phụ sau,
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”
– “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ!
Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng nấy,
Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng mà tính việc thủy chung!”
…
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau.
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được?
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi!
Con mắt còn có đuôi.”
[15] Hội thơ đầu tiên do Trần Quang Triều (1287 – 1325), cháu nội Trần Quốc Tuấn, sáng lập, lấy tên Thi Xã Bích Động.
01/ BÙI HẠNH CẨN và 2 tác giả khác; Trạng Nguyên, Tiến Sĩ, Hương Cống Việt Nam; Hà Nội, nxb Văn Hóa Thông Tin, 1992.
02/ CAO XUÂN DỤC; Quốc Triều Hương Khoa Lục, Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm dịch; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1993.
03/ DƯƠNG KINH QUỐC; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử (1858 – 1945); Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1981.
04/ HÀ NHƯ CHI; Việt Nam Thi Văn Giảng Luận, Tập 2; Sài Gòn, nxb Tân Việt, không đề năm.
05/ HUỲNH LÝ chủ biên; Hợp Tuyển Thơ Văn Việt Nam, Tập 4, Quyển 1; Hà Nội, nxb Văn học , 1984.
06/ HƯ CHU (Nguyễn Kị Thụy); Để Hiểu Thơ Đường Luật; Sài Gòn năm 1958.
07/ NGÔ ĐỨC THỌ chủ biên; Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam; Hà Nội, nxb Văn Học, 1993.
08/ NGUYỄN TẤN LONG – PHAN CANH; Khuynh Hướng Thi Ca Tiền Chiến; Sài Gòn, nxb Sống Mới, 1968.
09/ PHẠM VĂN SƠN; Việt Sử Tân Biên, Quyển 5, Tập trung; Sài Gòn, Khai Trí xuất bản, 1963.
10/ PHAN HUY CHÚ; Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí; nhóm Đỗ Mộng Khương dịch, Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1992.
11/ QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Phan Huy Giu dịch, Quyển 37; Hà Nội, Khoa Học Xã Hội, 1977.
12/ QUỐC SỬ VIỆN TRIỀU LÊ; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Chính Hòa, khắc in năm 1697, 27 quyển; bản dịch ấn hành thành 4 tập: Ngô Đức Thọ dịch Tập 1 (10 quyển), Hoàng Văn Lâu dịch Tập 2 (9 quyển), Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long dịch Tập 3 (8 quyển), Tập 4 sao chụp nguyên văn chữ Nho; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1993.
13/ TOAN ÁNH; Nếp Cũ Con Người Việt Nam; Sài Gòn, Khai Trí xuất bản, 1970.
14/ TRẦN TRỌNG KIM; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7; Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964.
15/ TRẦN TRỌNG SAN; Thơ Đường, in lần thứ 2; Gia Định, nxb Bắc Đẩu, 1965 (Cuốn 1) 1970 (Cuốn 2).