SƠ LƯỢC LỊCH SỬ TRỒNG LÚA VIỆT NAM
Trần Văn Đạt, Ph.D.
Năm 2017, thế giới có 163 nước trồng lúa và sản xuất khoảng 769,7 triệu tấn thóc trên 167,2 triệu ha (FAOSTAT, 2017). Đa số nông dân là thành phần nghèo, họ sản xuất lúa chủ yếu cho tiêu thụ gia đình và hy vọng số lúa còn lại bán ra thị trường để kiếm thêm ngân khoản cho các chi tiêu khác. Lúa gạo là thức ăn căn bản của 36 quốc gia và cung cấp từ 20 đến 70% nguồn năng lượng quan trọng mỗi ngày cho 4 tỷ dân thế giới, đặc biệt tại nhiều nước châu Á.
Cây lúa là một loại thảo mộc đa năng, có thể sinh sống và chịu đựng nhiều điều kiện môi trường khắc nghiệt như ngập úng nhiều tháng, nước mặn, đất phèn và các loại đất có vấn đề; nên thường được dùng làm “màu tiền phong” trong các công trình khai khẩn đất mới và trở thành lương thực truyền thống của nhiều quốc gia. Ngành trồng lúa còn cung cấp hàng triệu việc làm ở nông thôn, đóng góp vào sự lớn mạnh của nhiều dân tộc và chi phối trực tiếp vào đời sống ấm no thịnh vượng của hàng triệu người sản xuất. Cũng vì thế, cây lúa là loại thảo mộc đầu tiên được Liên Hiệp Quốc và thế giới vinh danh trên diễn đàn quốc tế tại New York, Hoa Kỳ vào năm 2004.
Loại Hòa thảo này đã phát triển từ cây hạt trần (angiosperms), tiến hóa như loài người hôm nay, đã trải qua hành trình hàng triệu năm. Tổ tiên cây lúa hoang có mặt trên quả địa cầu nguyên thùy Gondwanalands cách nay khoảng 130 triệu năm và có thể hiện diện trên nước Việt cổ ít nhứt 18 000 năm, sau thời kỳ băng giá cực đại thế giới. Tại Việt Nam, cây lúa hoang rất phong phú và hiện diện rải rác khắp lãnh thổ, từ Miền Nam đến Miền Trung và Miền Bắc, đặc biệt lúa hoang đa niên O. rufipogon và lúa hoang hàng niên O. Nivara là những loài nguyên thủy, tổ tiên của các giống lúa trồng ngày nay ở châu Á. Đó là một trong những yếu tố quan trọng xác nhận cây lúa có nguồn gốc ở Việt Nam.
Về nguồn gốc, giả thuyết đa trung tâm của Viện lúa quốc tế IRRI với đồng thuận của giả thuyết Đông Nam Á cho biết Miền thượng du Bắc Việt có thể là một trong những trung tâm nguồn gốc xuất hiện cây lúa trồng, bên cạnh những trung tâm khác như đồng bằng sông Hằng, Ấn Độ, vùng biên giới miền bắc giữa Miến Điện và Thái Lan, bắc Lào và tây nam Trung Quốc. Vì vậy, ngành trồng lúa rẫy đã xuất hiện trước nghề trồng lúa nước ở Việt Nam và Đông Nam Á. Gần đây, giả thuyết mô hình một trung tâm, dù dữ liệu dùng nghiên cứu còn giới hạn đã đề nghị lưu vực phía nam sông Dương Tử có thể là nơi duy nhứt xuất phát cây lúa trồng châu Á để từ đó lan rộng đến những vùng khác trên thế giới. Giả thuyết này còn là đề tài tranh luận của nhiều chuyên gia liên hệ nên cần thêm nghiên cứu mới để xác nhận.
Ở Việt Nam, ngành trồng lúa được phát triển liên tục cùng với tiến trình hình thành đất nước và bành trướng lãnh thổ theo không gian và thời gian, bên cạnh lúa rẫy lâu đời. Lúa gạo đóng vai trò tối quan trọng trong an ninh lương thực quốc gia là lẽ sống của dân tộc, đang nuôi dưỡng hơn 96 triệu người VN (2018) và gắn liền với tình trạng thịnh suy đất nước hàng thiên kỷ, từ tình trạng phôi thai trong thời đại Đá Mới đến nền văn minh lúa nước thời Cổ Đại, thời kỳ tiến bộ chậm chạp lúc Hán tộc xâm lăng và nền quân chủ phong kiến. Sau đó, những thay đổi theo hướng tiến bộ kỹ thuật tích lũy trong thời thực dân Pháp, độc lập và thống nhất xứ sở.
Thành tựu ngành khảo cổ học và nhiều nguồn thư tịch trong và ngoài nước đã giúp chúng ta hiểu biết được phần nào lịch sử tiến hóa của nền nông nghiệp, đặc biệt ngành trồng lúa bản xứ, mặc dù còn nhiều giới hạn về chất lượng và dữ liệu thông tin. Dù thế, bức tranh về lịch sử ngành trồng lúa VN cũng hiện rõ những nét đại cương, đã trải qua ít nhứt 8 thời kỳ quan trọng của đất nước trong hơn 10 000 năm qua (Trần Văn Đạt, 2002 và 2010):
(1) Thời kỳ săn bắt-hái lượm và thuần hóa cây lúa hoang trong nền nông nghiệp sơ khai của nền văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn xảy ra cách nay ít nhứt 11 000-7 000 năm;
(2) Thời kỳ sáng tạo và phát triển ngành trồng lúa rẫy bởi các bộ lạc trên vùng đất cao trong nền văn hóa Bắc Sơn-Đa Bút cách nay ít nhứt 7 000-5 000 năm;
(3) Giai đoạn phát triển trồng lúa nước Cổ Đại trong thời đại Hùng Vương-An Dương Vương qua các nền văn hóa Phùng Nguyên, Cầu Sắt-Suối Linh, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn cách nay khoảng 4 000-2 178 năm với nền văn minh lúa nước rực rỡ, bên cạnh lúa rẫy lâu đời;
(4) Giai đoạn trồng lúa cổ truyền thời Bắc thuộc, với sự giao thoa giữa nền văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hán tộc hơn một ngàn năm (179 năm tr CN-938 năm sau CN);
(5) Giai đoạn bành trướng ngành trồng lúa nước qua cuộc Nam tiến dưới thời Độc Lập phong kiến (938-1884);
(6) Giai đoạn phát triển trồng lúa cải tiến thời Pháp thuộc, với làn gió mới kỹ thuật Tây phương trong buổi giao thời để chuẩn bị cho tương lai (1884-1954);
(7) Giai đoạn tăng gia sản xuất lúa cao năng hiện đại rất ngoạn mục từ 1954 đến Cách Mạng Xanh và Đổi Mới kinh tế; và
(8) Thời kỳ tái cơ cấu ngành nông nghiệp lúa từ 2013 đến nay nhằm làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.
Trước khi biết đến vài hoạt động quản lý nông nghiệp, con người chỉ biết săn bắt và hái lượm để có thức ăn hàng ngày và sinh tồn ít nhứt từ nền kỹ nghệ (hay văn hóa) Ngườm và văn hóa Sơn Vi cách nay khoảng 30 000 đến 11 000 năm, với các di vật phát hiện là nhóm công cụ mảnh tước và đá cuội.
Về sau, thành tựu khảo cổ học Việt Nam cho biết dấu vết các loài phấn hoa họ đậu, cây ăn quả trong một số hang động và công cụ hoạt động làm bằng đá cuội, đá mài một mặt hay nhiều mặt, rìu Bắc Sơn là những chứng tích của nền nông nghiệp sơ khai được khám phá trong nền văn hóa Hòa Bình cách nay ít nhứt 10 000 năm. Bà Colani (1926), nhà khảo cổ học khám phá nền văn hóa Hòa Bình, đã tìm được ở hang động của di chỉ Bắc Sơn một mảnh đá có khắc hình lá họ Hòa thảo (lá dài với những gân song song), và cho rằng đó lá lúa (Hình 1) (Theo Bùi Huy Đáp, 1980).
Hình 1: Hình lá cây thuộc họ Hòa thảo (B)
trên đầu mũi nhọn (A) (theo M. Colani) (N. K. Quỳnh)
Ông Bellwood (2005), nhà khảo cổ học Úc cho rằng cư dân Hòa Bình có thể biết ít hoạt động quản lý cây ăn quả, củ, đậu để có thêm thức ăn; cho nên nền nông nghiệp sơ khai đã bắt đầu xuất hiện, bên cạnh sinh hoạt săn bắt và hái lượm vẫn là chủ lực.
Tiếp theo, cư dân bắt đầu thuần hóa một số thảo mộc và sau đó động vật quanh nơi hang động mái đá cư trú. Trong thời kỳ này, cư dân có thể biết trồng vài loại cây như khoai, đậu ở chung quanh nhà. Đồng thời họ cũng trải qua quá trình thuần hóa cây lúa hoang, khi lượm hạt lúa rơi hoặc hái những hạt chín trên cây để có thêm thức ăn. Ban đầu họ ăn nguyên hạt lúa chứa nhiều chất tinh bột cảm thấy ngon no dạ nên tiếp tục hái nhặt ăn. Về sau họ bóc bỏ vỏ trấu, ăn những gạo màu đỏ thấy ngon hơn… Cây lúa hoang có thời gian hạt chín kéo dài, nhưng dễ rơi rụng. Những hạt lúa hoang thường bị rơi rớt hoặc bị vất quanh nơi cứ trú hay hang động tự nhiên mọc lại, lớn lên rồi cho hạt chín nâu vàng, cung cấp thêm thức ăn hàng ngày. Qua thời gian lâu dài, cư dân nhận thấy cây lúa dễ mọc và cho hạt chín miễn sao mảnh đất có đủ ẩm ướt để cây sinh sống và cho hạt.
Sau nhiều năm hái lượm hạt, họ chủ động gieo hạt lúa vào đầu mùa mưa trên những mảnh đất trống để chúng mọc lên cùng cỏ dại và cho hạt cuối mùa, bên cạnh sinh hoạt săn bắt và hái lượm truyền thống. Với kinh nghiệm ít oi qua nhiều năm về cây lúa hoang, cư dân cổ biết gieo hạt trồng ở bất cứ nơi nào trong điều kiện thiên nhiên để có thực phẩm. Với thời gian đi qua, công việc này trở thành thông lệ của băng nhóm cư dân khi họ nghĩ đến việc đi tìm thêm thức ăn mỗi ngày.
Từ đó, do bản năng mỗi lần cây lúa chín họ biết lựa chọn những gié lúa tốt, hạt to để dành cho mùa tới để có nhiều thức ăn hơn. Họ còn chọn những gié lúa có ít hạt rơi rụng để dễ thu hoạch và cho nhiều hạt thóc, đồng thời tránh chim chuột phá hại. Công việc thuần hóa tự nhiên này, nhứt là từ thảo mộc hoang dã để trở thành cây sản xuất kinh tế đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lao động của cư dân cổ.
Qua hàng trăm năm sau, nhiều băng, nhóm trồng lúa kết hợp nhau qua liên hệ gia tộc, huyết thống, cho nên các bộ lạc trồng lúa ra đời nhiều nơi trong nước và tại một số nước Đông Nam Á vào cuối thời đại Đá Mới khoảng 6 000-5 000 năm trước trong nền văn hóa Bắc Sơn và Cầu Sắt-Suối-Linh, đã mang đến phần nào cuộc sống ổn định cho cư dân; đây là yếu tố cơ bản cho sự tiến bộ và văn minh dân tộc sau này. Ở Việt Nam, dù không phát hiện di vật cây lúa trong thời kỳ này, nhưng các nhà khảo cổ học tìm thấy các công cụ sinh hoạt đá mài như rìu mài, mảnh tước, với rìu đá Bắc Sơn nổi tiếng (Khảo cổ học, 1998) (Hình 2) có thể dùng để chặt cây, phá rừng khai thác nông nghiệp nương rẫy; dao đá, liềm đá để thu hoạch ngũ cốc.
Hình 2: Các rìu đá Bắc Sơn (ảnh: N. K. Quỳnh)
Ngoài ra, tại Đông Nam Á Giáo Sư nhân chủng học Solheim II và học trò Chester Gorman thuộc Đại Học Hawaii khai quật ở miền bắc Thái Lan, đặc biệt cao nguyên Non Nok Tha, khám phá dấu tích hạt lúa và trấu trên gốm có niên đại ít nhứt 6 000 năm (Solheim II, 1967 và 1971). Sau đó, Ông Higham (1989) báo cáo tìm thấy vỏ trấu và liềm gặt lúa bằng vỏ sò ở Khok Phanom Di gần vùng vịnh Thái Lan có niên đại phóng xạ 8 000-6 000 năm trước.
Người ta không biết chính xác các bộ lạc trồng lúa xuất hiện từ lúc nào, nhưng có thể đoán vào giữa thời đại Đá Mới, khoảng 7 000-6 000 năm trước. Vì bấy giờ chưa có gia súc và dụng cụ nông nghiệp tốt, người tiền sử phải dùng sức người và các công cụ đá mài để khắc phục thiên nhiên phục vụ sản xuất. Họ trước hết có thể bắt đầu trồng lúa trên các sườn đồi, gò đất cao, còn gọi là làm lúa rẫy bằng cách dùng rìu đá mài chặt phá cây rừng độ một thước cách mặt đất, phơi khô, trước khi mưa đến dùng lửa đốt cây cỏ làm sạch đất, lấy tro làm phân một cách ngẩu nhiên (vô ý thức lúc ban sơ) (đao canh hỏa chủng). Tiếp theo, họ dùng tay, gậy hoặc đá nhọn để chọc lỗ, gieo hat và chờ đến lúa chín mới hái. Qua hàng trăm năm, với kinh nghiệm họ dùng cây chọc lỗ, gieo hạt, lắp đất, thỉnh thoảng làm cỏ, trông chừng thú rừng phá hại và chờ ngày chín hái nhặt. Ngày nay, nhiều dân tộc thiểu số Tây nguyên còn canh tác lúa theo lề lối này, vào cuối vụ họ tuốt gié lúa chín bỏ vào gùi trên vai để mang về nhà.
Từ nền văn hóa Quỳnh Văn-Đa Bút đến nền văn hóa Phùng Nguyên (6 000-3 000 năm BP), nền nông nghiệp lúa đạt thêm một số tiến bộ vững chắc, nhờ sáng tạo kỹ thuật canh tác và các công cụ sản xuất hữu hiệu hơn các thời kỳ trước, với rìu, cuốc, cày, mai… bằng đá và đặc biệt sử dụng kim loại đồng thau. Do đó, ngành trồng lúa rẫy đạt đến mức cực thịnh trong khoảng thời gian này, trong khi hệ trồng lúa nước bắt đầu phát triển nhờ ưu thế năng suất cao và nông dân ít di chuyển sau khi hiện tượng biển tiến Flandrian đạt đến cực đại +5m trên mặt nước biển ngày nay (khoảng 4 500 – 4 000 năm BP), sau đó nước rút lui khá mau lẹ trong nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng của đất nước (Khảo cổ học, 1998 và 1999).
Đến nền văn hóa Phùng Nguyên, kỹ thuật làm đồ đá đạt trình độ cao với rìu và bôn hình tứ giác nhỏ, đồ trang sức bằng đá mài nhẵn, với kỹ thuật cưa đá và tiện đá lão luyện, đặc biệt là sự xuất hiện lưỡi cày cuốc bằng đồng và kỹ thuật luyện kim, đã tạo nên phong trào Cách Mạng Kim Khí Mới. Đồng thời, mực nước biển bắt đầu lùi dần góp phần vào thời kỳ biến chuyển lớn lao trong nông nghiệp từ trồng lúa rẫy qua lúa nước sơ kỳ; hình thành các cơ sở vật chất và tinh thần của thời đại sơ kỳ hay tiền Hùng Vương-An Dương Vương (khoảng 4 000-3 300 năm tr. CN).
Do những lợi ích thiết thực, nền nông nghiệp lúa nước ngày càng sung túc, với bằng chứng phát hiện nhiều hạt gạo cháy, vỏ trấu và các hầm thóc mục thối ở di chỉ khảo cổ Đồng Đậu (Hình 3) và Gò Mun có niên đại 3 000-3 300 năm (Khảo cổ học, 1999 và Sukurai, 1987), các phấn hoa của một giống lúa nước ở di chỉ Tràng Kênh (Hải Phòng) cách nay khoảng 3 500 năm và gần đây vỏ trấu của mảnh gốm An Sơn, tỉnh Long An có niên đại hơn 4 000 năm trên vùng đất cao của ĐBSCL (hữu ngạn sông Vàm Cỏ) (Barron et al., 2017).
Hình 3: Hạt gạo cháy vào thời kỳ văn hóa Đồng Đậu
(3 000 năm trước) (ảnh N.K. Quỳnh)
Vào thời Cổ Đại, cư dân Việt đã có một số kinh nghiệm và hiểu biết về trồng lúa, chủ yếu là trồng lúa nước theo thủy triều lên xuống, biết trồng lúa hai vụ, dùng sức kéo trâu bò để cày xới đất, cấy lúa, thu hoạch và kho vựa để chứa thóc. Thời kỳ này đã tạo ra nền văn minh Việt cổ đáng chú ý, còn gọi là văn minh lúa nước với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng, mở đầu kỷ nguyên mới cho đất nước cũng như sự trưởng thành của dân tộc trong quá trình xây dựng nước. Tầm quan trọng của cây lúa, chủ yếu lúa nếp ngày càng lớn thay thế dần thức ăn củ, đậu, trái cây, sò ốc ngày trước, do cây lúa có chức năng đa dạng, thích ứng tốt với nhiều vùng sinh thái khác nhau và đặc biệt hạt lúa tương đối dễ bảo quản, nên có thể đáp ứng nhu cầu kinh tế, an ninh lương thực của cư dân cổ ngày càng thêm đông. Đây là bước ngoặc mới của nền văn minh Việt cổ, với các tiến bộ quan trọng về tinh thần và vật chất để hình thành các cơ cấu xã hội và đời sống có tổ chức con người. Nhờ nền nông nghiệp trồng lúa, đời sống cư dân Việt ổn định và tập trung phát triển thôn làng khắp nơi.
Từ đó, nền văn hóa Đông Sơn mới xuất hiện khoảng 800 năm tr. CN đến 200 năm sau CN, qua 18 triều đại Hùng Vương-An Dương Vương, tiếp theo thời kỳ Hán thuộc đen tối, với bằng chứng hiện diện nhiều trống đồng trong thời gian này. Chẳng hạn, trống đồng Ngọc Lũ được tìm thấy năm 1893-94 ở làng Ngọc Lũ, Hà Nam, có niên đại phóng xạ cách nay khoảng 2 500 năm (Hình 4), với các hoa văn khắc ghi phản ánh nền văn minh lúa nước xưa như bông lúa trên quai trống, những chiếc thuyền, nhà sàn mái cong, kho vựa thóc, giã gạo chày đôi, lễ hội nhảy múa được mùa, chim, gà, chó… (Trần Văn Đạt, 2019).
Hình 4: Trống đồng Ngọc Lũ và mặt trống (2 500 năm trước) (ảnh: N. K. Quỳnh)
Đối với việc trồng lúa nước bấy giờ, ban đầu cư dân đem nước từ sông rạch vào ruộng có be bờ để làm đất mềm, rồi dùng dao, cuốc đá xới đất, chôn cỏ dại để gieo trồng hoặc cấy. Trong Lĩnh Nam Chích Quái ghi: “ … lấy dao cày, lấy nước cấy, đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm…”. Bên cạnh đó, còn có các đồ đựng bằng gốm có kích thước lớn để tồn trữ ngũ cốc biểu hiện cư dân Phùng Nguyên làm ruộng nước, có đời sống định cư lâu dài. Tuy nhiên, vào buổi đầu của nền văn hóa này lúa gạo chưa là lương thực cơ bản của cư dân (Lĩnh Nam Chích Quái).
Đến hậu kỳ thời đại Hùng Vương trong nền văn hóa Gò Mun – Đông Sơn, nghề trồng lúa nước (nếp) trở nên thịnh hành và đạt nhiều tiến bộ kỹ thuật. Họ đã biết sử dụng cày (hình 5) bừa kim loại để xới đất, đánh bùn làm cỏ, dùng phương pháp cấy lúa để chủ động trồng trọt trong điều kiện nước ngập và khí hậu gió mùa.
Hình 5: Lưỡi cày bằng đồng vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn (2 500-3 000 năm trước) (ảnh: N. K. Quỳnh)
Ngành trồng lúa nước đã trở nên chủ lực của nền nông nghiệp bản xứ. Sử Trung Quốc ghi rằng: “Ngày xưa, Giao Chỉ khi chưa chia thành quận, huyện, ruộng đất có ruộng lạc, ruộng đó theo nước triều lên xuống, dân khẩn ruộng mà ăn nên gọi là dân lạc”. Như vậy, trước Công nguyên cư dân đã biết làm thủy lợi trên ruộng lúa cố định, có bờ đê ngăn giữ nước. Chuyện cổ tích Sơn Tinh Thủy Tinh có thể tượng trưng cho công tác đắp đê đập để ngăn ngừa lũ lụt ở Miền Bắc. An Nam chí lược có ghi chép cư dân Văn Lang “tưới ruộng theo nước triều lên xuống”. Hoặc vết tích một đoạn đê cổ của thành Cổ Loa trước thời Bắc thuộc cho biết người dân tại một số vùng đã biết đắp bờ giữ nước, tháo nước bảo vệ cây lúa để tăng sản xuất. Nhà khảo cổ học Maspéro (1918) nghiên cứu tài liệu Trung Quốc đã xác nhận dân tộc Lạc Việt có một xã hội phát triển khá cao, họ biết làm lúa nước, làm thủy lợi, làm lúa hai vụ, biết cấy lúa… trước khi Hán tộc xâm lăng.
Thời bấy giờ, ruộng lúa có thể phân biệt 3 hạng với lề lối cánh tác thích ứng riêng:
Một cách tổng thể, vào thời đại Hùng Vương ngành sản xuất lúa gạo nước Văn Lang có 5 hiện tượng thay đổi lớn xảy ra, dẫn đến nền văn minh lúa nước sung túc, rỡ ràng một thời, như sau:
Trong thời kỳ Bắc thuộc từ 179 tr CN đến 200 năm sau CN, tình trạng kinh tế, văn hóa và xã hội của nước Âu Lạc ngày xưa không thay đổi nhiều, vẫn cơ cấu văn minh Đông Sơn với nông nghiệp lúa nước trong sơ kỳ thời đại Sắt, cho thấy tinh thần quật khởi của dân ta rất kiên cường và sức sống của nền văn minh Việt cổ mãnh liệt; đó là yếu tố chủ lực giúp dân tộc theo đuổi trường kỳ kháng chiến để không bị mất gốc cho đến khi giành lại độc lập tự chủ.
Bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực của thời Bắc Thuộc từ chính sách Hán hóa ngu dân đến chế độ cai trị hà khắc, chiếm hữu tài nguyên bản địa, người Việt đã tiếp cận nền văn minh lâu đời và học hỏi một số kỹ thuật tiến bộ của người Hán. Cho nên, sản xuất nông nghiệp, chủ yếu lúa gạo gia tăng phần nào khi sử dụng lưỡi cày sắt và một số kỹ thuật canh tác khác, nhưng rồi bị ngưng trệ kéo dài do bản chất bảo thủ của nền văn hóa Nho giáo thiếu tinh thần khoa học. Dù vậy, nhờ sự phổ biến chiếc cày bằng sắt vào thế kỷ I tr CN và áp lực dân số gia tăng, người Giao Chỉ cố gắng chinh phục khai khẩn các vùng đất mới ở châu thổ sông Hồng và trên các bãi bồi (Lê Thành Khôi, 2014).
Từ đầu Công nguyên về sau, đất nước bước vào thời đại Sắt phát huy ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng kinh tế, xã hội và văn hóa của cư dân. Nền nông nghiệp đã đạt nhiều tiến bộ với trồng lúa 2 vụ, đất bồi trồng dâu, có vườn cây trái, trồng rau đậu, ao nuôi cá, nuôi gia súc trong nhà và ngoài sân…; nhưng đang bị Hán tộc cai trị vô nhân đạo.
Về hệ thống canh tác lúa, từ thời đại hậu kỳ Hùng Vương đến Bắc thuộc và Độc Lập phong kiến, nông dân trồng lúa theo lề lối cổ truyền, nghĩa là dựa vào kinh nghiệm lâu đời do ông bà truyền lại và chính bản thân mình, nhưng hoàn toàn thiếu căn bản khoa học và kỹ thuật tân tiến.
Vào đầu CN, người Việt cổ đã thông thạo với nghề trồng lúa. Căn cứ vào tài liệu lịch sử và kỹ thuật canh tác lúa cổ truyền, cư dân đã trồng lúa trên diện tích ước tính 360 000 ha mỗi năm (với 2 vụ lúa) và năng suất bình quân ước lượng 0,54 t/ha so với 0,4t/ha của Trung Quốc (khoảng 206 tr CN và 206 sau CN) (Chang, 1985).
Ước tính năng suất và diện tích trồng lúa vào đầu Công Nguyên Đây chỉ là những ước tính sơ khởi để có được khái niệm về tình trạng trồng lúa trên đất Lạc Việt vào khoảng một vài thế kỷ trước và sau CN, dựa vào các con số ghi nhận trong sử sách và kiến thức trồng lúa hiện nay. Dĩ nhiên, các số liệu ước tính sau đây cần được điều chỉnh lại với các thông tin phát hiện trong tương lai để được chính xác hơn. Năng suất: Theo sách Đông Quan Hán Ký (trong Bùi Thiết, 2000), khoảng thế kỷ thứ II tr CN, ruộng ở quận Cửu Chân (vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh) có 156 gốc lúa cho 768 bông. Từ đó, chúng ta có thể suy tính năng suất khoảng 465kg/ha, với giả thuyết: (i) khoảng cách trồng ước độ 40 x 40cm, (ii) mỗi bông lúa trung bình có 60 hạt và (iii) trọng lượng 1 000 hạt là 25gram[1]; cho nên năng suất lúa quận Cửu Chân khoảng 465kg/ha. Nhưng đất Cửu Chân xấu hơn đồng bằng sông Hồng, nên trong điều kiện bình thường, lúa Giao Chỉ vào buổi đầu Bắc thuộc có năng suất bình quân ước lượng khoảng 0,54[2] t/ha hoặc hơn (từ 500 đến 800kg/ha)? Diện tích: Theo sách Quảng Đông Tân Ngữ (trong Bùi Thiết, 2000), Giao Chỉ có dân số 746 237 người, vào đời nhà Hán mỗi năm phải nộp thuế đến 13 600 000 hộc lúa hay tương đương 136 000 tấn lúa (1 hộc lúa = 10 đấu, 1 đấu gần bằng 1kg). Từ đó, có thể suy tính như sau: Vì chế độ cai trị hà khắc, bóc lột của người Hán, thuế khóa rất nặng độ 60 – 70% số lượng sản xuất của dân Giao Chỉ, với 2 vụ lúa mỗi năm: vụ tháng 5 và vụ tháng 10 âm lịch. Cho nên, sản lượng thu hoạch của họ có thể ước tính độ 19 429 000 hộc lúa hay độ 194 290 000kg lúa. Nếu năng suất bình quân độ 540kg/ha, có thể suy ra dân Giao Chỉ lúc bấy giờ trồng 359 800ha mỗi năm (2 vụ) hay diện tích đất ruộng khoảng 179 900ha hoặc ít hơn (tùy theo năng suất)? Ngoài ra, còn nhiều cư dân trồng lúa rẫy trên gò cao, sườn đồi núi ước lượng khoảng 20%[3] của diện tích trồng lúa nước hay 35 980ha. Cho nên, tổng diện tích đất trồng lúa của Giao Chỉ khoảng 215 900 ha vào đầu CN. Lúc bấy giờ, Giao Chỉ có 92 440 hộ, nên mỗi hộ có khoảng 2,3 ha (Trần Văn Đạt, 2002 và 2010). |
Ngành canh tác lúa đạt được những bước tiến vững chắc mặc dù nhiều lúc bị trì trệ trong khoảng hơn một ngàn năm Bắc phương đô hộ và gần một ngàn năm Độc Lập sau đó, xen kẽ những cuộc xâm lăng thô bạo nhằm đồng hóa và ngu dân nước ta. Trong thời gian này, ngành sản xuất lúa tiếp tục phát triển do bành trướng lãnh thổ, mở mang đất trồng trọt hơn là do kỹ thuật canh tác cải tiến. Diện tích đất nông nghiệp cả nước tăng từ thế kỷ XI, bộc phát mạnh mẽ vào thời Mạc-Trịnh-Nguyễn phân tranh và triều đại nhà Nguyễn cho đến năm 1884 – thời Pháp Thuộc bắt đầu.
Nền kinh tế quốc gia vẫn đặt trọng tâm vào nông nghiệp lúa; nhưng vì ảnh hưởng sâu đậm của Nho học người dân gồm cả giới sĩ phu có đầu óc lệ thuộc Bắc phương quá nhiều, mất hết sáng kiến cá biệt, thiếu đầu óc khoa học kỹ thuật để canh tân quản lý sản xuất lúa trong nước, đặc biệt về năng suất. Vì thế, nông dân chỉ tiếp tục trồng lúa cổ truyền từ nền văn minh lúa nước thời đại Hùng Vương, không có thêm tiến bộ kỹ thuật nổi bật trong suốt 2 000 năm lịch sử. Với thời gian hơn 1 000 năm đô hộ, ngành trồng lúa phát triển có chừng mực do tiếp cận nền văn hóa xa lạ tiến bộ hơn. Tiếp theo, suốt gần 1 000 năm độc lập phong kiến năng suất chỉ tăng từ 1,0 đến 1,2t/ha khi Pháp thuộc bắt đầu. Do đó, các nhà nước từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn cho đến nhà Nguyễn đều quan tâm đặc biệt đến các công tác phát triển chủ lực sau đây:
Suốt quá trình lập quốc và phát triển đất nước, dân tộc Việt liên tục nỗ lực cải tiến ngành trồng lúa, đặc biệt diện tích canh tác để đáp ứng nhu cầu dân số tăng từ khoảng 1 triệu người vào thế kỷ I (theo Tiền Hán Thư) lên 3,3 triệu người vào đầu thế kỷ XV (theo Địa Dư Chí của Nguyễn Trải), và 10 triệu dân vào cuối thế kỷ XIX.
Cuộc Nam tiến vĩ đại gian nan và hào hùng của dân tộc kéo dài 7 thế kỷ, từ giữa thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XVIII đã thành công mở rộng giang sơn để vừa tránh âm mưu hiểm độc Bắc phương vừa tăng gia sản xuất lương thực nuôi dân và tăng thêm ngân sách nhà nước; nhưng đồng thời tạo nên một thành phần mới không nhỏ trong xã hội, đó là những dân lưu tán nghèo đói khốn khổ trong quá trình di dân vất vả lâu dài. Đến thời vua Minh Mạng (1847), diện tích đất canh tác lúa tăng ngoạn mục, từ 216 000ha đầu CN lên 878 000ha[4]. Riêng Nam Bộ năm 1836, diện tích điền thổ được đo đạc là 630 075 mẫu hay 226 827ha (Huỳnh Lứa và các cộng sự viên, 1987). Năng suất bình quân cả nước là 1,2t/ha vào buổi đầu thời Pháp thuộc.
Đồng thời, người di cư từ miền Bắc và miền Trung vào Nam để khai khẩn đất đai đã mang theo kinh nghiệm và kiến thức trồng lúa rẫy, lúa nước, phối hợp với các điều kiện môi trường địa phương để sáng tạo kỹ thuật mới như nông nghiệp cuốc, nông nghiệp cày và nhứt là nông nghiệp phảng dành cho khai thác hữu hiệu các sơn điền và thảo điền ở Nam Bộ. Nhiều giống lúa quen thuộc ở miền Bắc cũng được gieo trồng ở miền Nam, như lúa thơm, lúa Chiêm, lúa Móng chim, lúa Man, lúa Trắng, lúa Cánh, lúa Thuật, lúa Ba trăng, lúa Bát ngoạt, lúa Dung, Lúa Đen, lúa Chày chày; hoặc các loại nếp Voi, nếp Cau, nếp Bò, nếp Vằn, nếp Bụt, nếp Kỳ lân, nếp Hương bầu, nếp Cúc, nếp Cò, nếp Cái, nếp Than, nếp Lúa, nếp Sáp, nếp Trứng… (Huỳnh Lứa và những cộng sự viên, 1987).
Những cố gắng tăng gia sản xuất nông nghiệp của thực dân, đặc biệt lúa gạo tại Việt Nam trong thời Pháp thuộc chỉ nhằm phục vụ quyền lợi người Pháp và các cộng sự viên của họ, trong lúc đa số quần chúng nông thôn vẫn phải làm việc vất vả nghèo khó. Ở Miền Nam, người Pháp khuyến khích công tác khẩn hoang với các biện pháp hỗ trợ nhà nước đô hộ, như cho vay lãi suất nhẹ, miễn thuế, cấp quyền sở hữu ruộng đất sớm nhằm thúc đẩy sản xuất nhiều lúa gạo để xuất khẩu trục lợi, cao nhứt 1,5 triệu tấn gạo vào năm 1921. Chương trình này đã đạt được thành quả lớn, diện tích và sản lượng lúa tăng đáng kể; nhưng phần lớn đất đai khai khẩn rơi vào tay giới quyền lực và giàu có địa phương. Tại Miền Bắc, dân cư đông đảo nhưng đất đai hạn hẹp nên những nỗ lực phát triển vùng này của Pháp chỉ nhằm tránh nạn đói tương lai. Do đó, xã hội bấy giờ xuất hiện những tầng lớp giai cấp rõ rệt như: đại phú nông, trung nông, tiểu nông, và tá điền nghèo bị bóc lột.
Ngay buổi đầu, bên cạnh các tham vọng tiêu cực của chánh sách đô hộ, người Pháp đưa ý niệm khoa học và kỹ thuật vào ứng dụng trong các sinh hoạt hàng ngày bản xứ. Riêng nông nghiệp, họ tổ chức quản lý, thành lập ngành nghiên cứu để cải tiến hoạt động sản xuất nói chung ngành lúa gạo nói riêng, và giới thiệu lần đầu tiên các kỹ thuật tiên tiến thế giới bấy giờ: phân hóa học, thuốc sát trùng sát khuẩn, thuốc diệt cỏ, giống cải thiện, nông cơ, nông cụ, phương pháp phân tích khoa học… vào xã hội cổ lổ Việt Nam, nhằm cải tiến sản xuất nông sản và nâng cao năng suất còn thấp kém. Có lẽ tiến bộ nổi bật trong thời kỳ này là sử dụng các giống lúa cải tiến (improved varieties) và sản xuất nguồn hạt giống tốt dành cho xuất khẩu từ trung tâm và các trại thí nghiệm trong nước.
Trong gần một thế kỷ xâm lăng, năng suất lúa tăng nhanh gần gấp đôi, từ 1,2t/ha khi Pháp tấn công thành Gia Định năm 1859 lên gần 2t/ha vào cuối thập niên 1950, so với 2 000 năm Bắc thuộc và nền Độc Lập phong kiến (từ 0,54 lên 1,2t/ha). Diện tích trồng lúa đã tăng từ dưới 1 triệu ha lên 4,4 triệu ha, với sản lượng 6,4 triệu tấn lúa năm 1955 (Trần Văn Đạt, 2002 và 2010).
Qua tiếp cận với nền văn minh Tây phương ngành canh tác lúa bắt đầu thay hình đổi dạng, thấm nhuần kỹ thuật mới và khoa học thực hành để chuẩn bị cho cuộc Cách Mạng Xanh và bước vào giai đoạn mới hội nhập trào lưu tiến hóa nhân loại sau này, bên cạnh các nỗi đau khổ triền miên của dân tộc do kẻ thống trị gây ra.
Các kỹ thuật và kiến thức khoa học du nhập từ thời Pháp thuộc đã giúp nông dân Việt Nam tham gia tích cực vào cuộc Cách Mạng Xanh trong quá trình Đổi Mới kinh tế để tăng gia phát triển nông nghiệp, nhứt là ngành trồng lúa từ giữa thập niên 1960.
Từ 1954 đến nay, ngành nông nghiệp lúa Việt Nam đã trải qua bốn thời kỳ thăng trầm rõ rệt: (1) 1954-1975: quốc gia có 2 chế độ khác nhau nên ngành nông nghiệp lúa mang 2 hệ thống sản xuất riêng biệt – hệ tập thể ở Miền Bắc và hệ tư nhân ở Miền Nam; đồng thời hai cuộc Cải cách điền địa được thực hiện khác nhau ở hai Miền, nhằm san bằng các bất công sở hữu đất đai và giúp người cày có ruộng canh tác, (2) 1976-1987: sản xuất tập thể cả nước, (3) từ 1988-2012: Đổi Mới kinh tế và (4) từ 2013 đến nay: tái cơ cấu ngành nông nghiệp lúa. Trong các thời kỳ này, Miền Bắc du nhập nhiều giống lúa cao năng từ Trung Quốc, trong khi Miền Nam sử dụng nhiều giống lúa hiện đại (modern rice) nổi tiếng được sáng tạo bởi Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) ở Philippines.
Sau khi xứ sở thống nhứt năm 1975, sản xuất nông nghiệp phục hồi, nhưng buổi đầu phát triển còn chậm chạp không kịp đáp ứng nhu cầu lương thực nội địa, do chính sách “cào bằng” và tập trung sản xuất. Mãi đến thời kỳ Đổi Mới kinh tế từ 1988, ngành nông nghiệp mới khởi sắc, nhứt là trồng lúa, đánh bắt thủy hải sản và một số màu khác lớn mạnh bắt đầu xuất khẩu và/hoặc tái xuất khẩu hàng năm mang về đất nước số lượng ngoại tệ đáng kể.
Trong thời Cách Mạng Xanh (bắt đầu từ 1968 ở Miền Nam), phát triển sản xuất lúa gạo đạt đến tầm cao nhờ ứng dụng triệt để kỹ thuật tân tiến, đưa năng suất bình quân của nước tăng vọt từ 2t/ha vào cuối thời Pháp thuộc lên gần 6t/ha hiện nay và sản lượng lúa tăng lên mau lẹ trong thời gian 50 năm, nhứt là khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi Mới kinh tế và trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hạng hai và ba trên thế giới, sau Thái Lan và Ấn Độ. Năm 2018, Việt Nam sản xuất 44 triệu tấn lúa trên 7,57 triệu ha, năng suất trung bình là 5,8t/ha (riêng ĐBSCL và đồng bằng Sông Hồng: 6t/ha) và xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo trị giá 3,03 tỉ Mỹ kim (Tổng cục thống kê, 2018).
Nhưng từ thời Đổi Mới, tầm quan trọng kinh tế của nông nghiệp quốc gia giảm dần so với các lãnh vực công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Tỉ trọng nông nghiệp đối với GDP giảm từ 40,2% trong 1985 xuống 22,2% trong 2008 và 16,3% trong 2016, mặc dù mức sản xuất tiếp tục tăng trưởng hàng năm (WRI, 2007 và Tổng Cục Thống Kê, 2018).
Tóm lại, trong quá trình CMX và thời kỳ Đổi Mới kinh tế, cơ cấu trồng lúa của nước có sự chuyển dịch đặc biệt quan trọng như sau:
Thật vậy, diện tích vụ Đông-xuân cả nước tăng từ 1,8 triệu ha năm 1985 lên 3,1 triệu ha (phần lớn từ ĐBSCL) trong 2018. Trong cùng thời kỳ, vụ Hè-thu tăng từ 994 300 ha lên 2,8 triệu ha, nhưng vụ lúa Mùa giảm từ 2,9 triệu ha xuống 1,7 triệu ha, chủ yếu ở Miền Nam.
Trong thời Đổi Mới kinh tế, nhà nước nỗ lực tăng sản xuất lúa gạo trước hết nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và sau đó có tham vọng trở thành một nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, ngay cả muốn thay thế vị trí số một của Thái Lan. Tuy nhiên, đất nước không nhất thiết nỗ lực sản xuất và xuất khẩu nhiều lúa gạo như thế để nổi tiếng, trong khi người sản xuất vẫn còn nghèo khó sau 30 năm Đổi Mới kinh tế. Trái lại, cần sản xuất ít hơn, vừa phải nhưng có chất lượng cao, với tư duy mới chủ trương giúp nông dân có thu nhập nhiều hơn, nông thôn thịnh vượng hơn; đồng thời để dành đất đai cho phát triển công nghiệp, đô thị, hoa màu lợi tức cao, đặc biệt ưu tiên lúc này cho ngành sản xuất thức ăn gia súc, thủy sản và rau quả để tiết kiệm ngoại tệ.
Đất nước đã hội nhập thế giới và dấn thân vào nền kinh tế thị trường nên cần phải thay đổi tư duy quản lý, cơ chế kinh tế để không bị tụt hậu và có thể cạnh tranh với các quốc gia khác. Vấn đề hạn điền hiện nay là một lực cản lớn cho phát triển và canh tân nông nghiệp Việt Nam, nhứt là khâu sản xuất lúa, làm giá thành phẩm cao, năng lực cạnh tranh kém trong khi các hợp tác xã và doanh nghiệp nhà nước còn yếu. Ngoài ra, ĐBSCL đang đối diện nghiêm trọng tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt bảo lụt, hạn hán, hiện tượng nước biển dâng cao nhập sâu vào đất liền hàng năm và đất sụt lún ngày càng đáng chú ý.
Cho nên, năm 2013 Việt Nam bắt đầu thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, trong đó đề án “Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và thi hành.
Tóm lại, với cách nhìn tổng thể những cột móc thời gian đáng ghi nhớ về tiến trình lịch sử trồng lúa ở Việt Nam có thể được tóm lược từ thời nguyên thủy đến hiện đại như sau:
Bắt đầu đắp đê đập để chống lũ lụt (Phạm Văn Sơn, 1960; Bùi Thiết, 2.000), trồng lúa nước cổ truyền trong nền văn hóa Đông Sơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5547045/).
(http://www.gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=217).
Với giả thuyết trên, 156 gốc lúa có 768 gié, 46 080 hạt, nặng 1 152gram, được trồng trên 24,76m2 (hay 63 001 gốc/ha = 251×251). Cho nên, năng suất của lúa Cửu Chân là (1 152 : 24,76) x 10 000m2 = 465.267gram hay 465kg/ha. ↑
Căn cứ thông tin năng suất ĐBSH hơn Miền Trung năm 2008 là 16%. ↑
Vào nền văn hóa Đồng Đậu-Gò Mun (3 500-2 800 năm BP), ngành lúa nước đã phát triển mạnh, vượt qua lúa rẫy; cho nên đến đầu CN hay cuối nền văn hóa Đông Sơn (2 800-1 800 năm BP) lúa rẫy chỉ có thể chiếm khoảng 20% diện tích lúa nước của Giao Chỉ. ↑
Vào thời vua Minh Mạng, năm 1847, sự kiểm kê đo đạc ruộng đất cho biết có 4 063 892 mẫu ruộng và đất hay 1 463 000 ha; do đó diện tích trồng lúa có thể chiếm ít nhứt 60% hay 878 000 ha. ↑