Lửa và con người
Thái Công Tụng
1. Tổng quan.
Loài người đã trải qua nhiều giai đoạn tiến hoá, từ thời Australopithecus sơ khai đến Homo habilis tức con người khéo tay . Hết giai đoạn này mới đến loài người đứng thẳng Homo erectus vào thời kỳ đồ đá, biết làm các dụng cụ bằng đá. Và chính loài người ở thời kỳ này mới khám phá cách làm ra lửa . Khám phá này nhìn qua thì tưởng không có gì đáng chú ý nhưng thực ra nó hàm chứa nhiều hậu quả quan trọng cho văn minh loài người vì có lửa thì có thể nấu ăn (thay vì chỉ ăn thịt sống), biết sưởi ấm nên có thể đến ở các vùng lạnh, thay vì cứ ở mãi bên Phi châu là nơi thủy tổ con người, biết cải thiện đồ dùng bằng gỗ, biết đốt bụi rậm cho cỏ mọc xanh non, biết thắp đuốc đi ban đêm, biết dùng lửa bảo vệ chống thú hoang v.v..
Ngày nay, lửa giúp con người trong năng lượng, trong chuyển vận, trong cuộc sống. Lửa là nguồn năng lượng chính cho nhân loại trong đó phải kể dầu hoả, than đá và hơi dốt. Nhiều danh từ thông thường có chữ lửa như ngọn lửa Olympic, vượt bức tường lửa, bật lửa, nhúm lửa, lửa rơm, lửa thiêng, hương lửa. Nhà văn Phan Nhật Nam có sách Mùa hè đỏ lửa. Nhà văn Doãn Quốc Sĩ có truyện Ba sinh hương lửa. Nhà thơ Huy Cận có thi phẩm Lửa thiêng (1940) được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao về cả nội dung và nghệ thuật.
Lửa có mặt trên trời với sấm sét, lửa có mặt trên đất giúp con người khả năng sinh tồn, lửa có mặt dưới đất với núi lửa, lửa có mặt dưới biển với các giãy núi phun lửa . Lửa là một trong những nhân tố cấu thành vũ trụ và có một vai trò quan trọng đối với con người. Lửa là một trong 4 yếu tố của Tứ đại trong Phật giáo: đất, nước, gió, lửa . Lửa cũng có trong Ngủ Hành trong Lão giáo: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
2. Lửa trong văn học, âm nhạc và thi ca .
Khi biết là lửa có mặt trong mọi khía cạnh của đời sống, từ lúc sinh đến lúc chết, ta sẽ không lấy làm lạ là văn học dân gian với vô vàn ca dao tục ngữ có nhiều câu liên quan đến lửa. Trong tiếng Việt, thành ngữ “hương lửa ba sinh” được dùng để chỉ lời nguyền, lời thề có ứng nghiệm đến ba kiếp, ba đời người . Trong giao tiếp cuộc sống, ca dao khuyên:
Vàng thì thử lửa thử than
Người khôn thử tiếng, người ngoan thử lời
Lửa tình yêu cũng có trong ca dao sau:
Nhớ ai em những khóc thầm,
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa.
Nhớ ai ngơ ngẩn ngẩn ngơ.
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai.
Nhớ ai bồi hổi, bồi hồi.
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than.
Người nông dân ra đồng cũng phải đem theo mồi lửa để hút thuốc giải lao:
Rạng ngày vác cuốc ra đồng
Tay cầm mồi lửa, tay dòng thừng trâu
Ruộng đầm nước cả bùn sâu
Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa
Việc làm chẳng quản nắng mưa
Cơm ăn đắp đổi muối dưa tháng ngày
Ai ơi, bưng bát cơm đầy
Biết công kẻ cấy người cày mới nao
Trong phiên chợ, gánh hàng xén của cô bán hàng không thể thiếu diêm đánh lửa:
Chợ Keo một tháng mười hai phiên
Gặp cô hàng xóm kết duyên vừa rồi
Gánh hàng em những quế cùng hồi
Có mẹt bồ kết lại nồi phèn chua
Bó nhang thơm xếp ở cạnh bồ
Táo tầu, ý nhĩ, sài hồ, hoắc hương
Ống diêm đánh lửa cho chàng
Lược thưa, ống thuốc em mang cạnh lòng
Phẩm lam, phẩm lục, phẩm hồng
Bao kim, gói cúc, chín đồng lưỡi câu.
Tục ngữ có chử lửa như : dầu sôi lửa bỏng, không có lửa sao có khói, đừng đùa với lửa ;lửa gần rơm lâu ngày cũng bén (cũng cháy) v.v.
Trên thế giới có khoảng 500 núi lửa hoạt động. Các núi lửa có thể gặp tại nhiều vị trí kh ác nhau:
-dưới sâu đáy đại dương có những phun trào bazan phun ra và chảy tràn sang hai bên để tạo chỗ cho các phun trào bazan tiếp nối phun lên, lâu dần tạo thành các giãy núi giữa đại dương
-ven bờ các lục địa, chỗ mảng đại dương chui xuống mảng lục địa (như tại dãy núi Andes ở Nam Mỹ )
-trên đất lục địa với các dung nham (magma) nóng từ lòng đất sâu phun trào và nguội lại, lâu ngày bị phong hoá thành đất . Và dưới áp lực mạnh và nhiệt độ nóng, các đá phun trào (eruptive rocks) sẽ thành đá biến chất (metamorphic rocks), lâu ngày các loại đá bị xói mòn do mưa, do gió và chuyên chở xuống châu thổ đồng bằng tạo thành đá trầm tích (sedimentary rocks).
4. Công dụng của lửa/nhiệt
-trong sinh hoạt hàng ngày . Lửa không những để nấu chín thức ăn giúp diệt vi trùng, giảm bớt nguy cơ bệnh tật sưởi ấm mà còn tạo ra sự khô ráo trong nhà, lửa còn dùng để hong khô của để dành như thịt, ngô, lúa bằng cách người ta bắc giàn trên bếp và để những vật ấy trên đó, chúng được hong khô bằng hơi nóng của lửa và khói lửa.
–trong năng lượng .Nói đến lửa là nghĩ ngay đến năng lượng Thế giới không có năng lượng là thế giới trở về thời kỳ đồ đá vì không năng lượng thì không có chuyển vận, không sưởi đốt, không kỹ nghệ. Ngày nay, năng lượng do ba nguồn chính là than đá, dầu hỏa và hơi đốt . Cả ba đều hình thành từ trong lòng đất, lòng biển từ hàng trăm triệu năm trước .Than đá là do thực vật cổ chết di, bị chìm sâu trong các đầm lầy cổ ở đó vì không có oxy nên các tàn dư thực vật không bị thối rửa mà tạo ra than bùn . Dưới sức ép, các lớp than bùn dần dà biến đổi thành lignite, rồi thành than nhựa và có chỗ thành anthracit . Nhiên liệu hoá thạch như dầu hoả, than đá, hơi đốt trong các nhà máy sản xuất ra điện và 80% điện trên thế giới là từ các nguồn nhiên liệu này .
Lửa trong các nhà máy dùng để sưởi nóng hơi nước, tạo ra hơi để chạy turbin.
.lửa đốt nóng kim loại để đúc, để rèn, làm tăng tốc độ các phản ứng hoá học. Để có thể nung chảy được kim loại, người ta đã dùng lửa để tôi luyện, từ đó có thể tinh chế ra các sản phẩm cực kỳ tinh xảo như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là trang sức. Cũng nhờ có lửa, con người biết để thử vàng như trong câu : Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Thực vậy, muốn thử độ tinh khiết của vàng (vàng ròng), người thợ tiệm kim hoàn cũng phải dùng lửa phun ra vì những chất pha tạp trong đó bị nổi lên và cháy sạm.
. thông tin liên lạc. Xưa kia, các đồn trên Vạn Lý Trường Thành mỗi khi có giặc phía B ắc tấn công thì đều đốt lửa để làm tín hiệu. Ngày nay, khói cũng dùng truyền đi tín hiệu: bầu cử dức Giáo Hoàng , nếu khói đen tức là bầu chưa có kết quả còn khói trắng nghĩa là đã bầu xong.
. lửa thực hiện nhiệm vụ điều hoà hệ sinh thái tự nhiên. Các thảo nguyên bên Phi Châu vào mùa khô không còn cỏ cho súc vật nhưng nếu đốt thì lửa giúp hạt dễ nẩy mầm và đúng lúc gặp mưa thì thảo nguyên trở nên xanh tươi hơn, tạo thức ăn cho hàng ngàn hoang thú ; lửa đem theo chất kali với tro. Một số cây như gỗ thông chỉ có thể sinh sôi nhờ một tác nhân là lửa; loài cây này khép chặt các bó hạt giống trong lớp nhựa cây và chỉ dưới sức nóng của lửa, lớp nhựa cây này mới tan chảy và giải phóng các bó hạt.
.lửa dùng để diệt trùng, sát khuẩn như trong lãnh vực y tế thường dùng nồi hấp , sử dụng hơi nước áp suất cao ở nhiệt độ lớn để diệt khuẩn.
Các ngọn núi lửa cũng là nơi đem đến cho con người nhiều tài nguyên khoáng sản, năng lượng địa nhiệt, đất đai canh tác màu mỡ và cả tiềm năng du lịch:
-tài nguyên khoáng sản :dung nham magma phun trào từ trong lòng quả đất có chứa rất nhiều thành phần khoáng sản. Nhiều khoáng sản khác nhau tại các địa phương khác nhau có núi lửa hiện đang hoạt động. Các khoáng sản này bao gồm thiếc, bạc, vàng, đồng và thậm chí kim cương cũng hiện diện trong đá núi lửa. Hầu hết các thành phần khoáng sản trên thế giới, đặc biệt là đồng, vàng, bạc, chì và kẽm đều có mối quan hệ với các khối đá nằm ẩn sâu bên dưới các núi lửa đã tắt.
-năng lượng địa nhiệt : địa nhiệt năng nghĩa là nhiệt nóng từ trong lòng đất. Hơi nóng từ trong lòng đất được sử dụng để chạy các tuốc-bin sản sinh ra điện năng, hoặc được ứng dụng cho nhu cầu sinh hoạt của các hộ gia đình và chạy máy nước nóng. Hơi nóng này không được sử dụng ngay bởi vì nó còn tồn tại quá nhiều chất khoáng hòa tan có thể kết tủa và làm tắc nghẽn các ống dẫn khí nóng, gặm mòn bề mặt các kim loại và tiếp đến là làm ngộ độc nguồn nước sinh hoạt. Băng Đảo hiện là quốc gia đi đầu thế giới về khai thác địa nhiệt năng, ước tính 2/3 điện năng của Băng Đảo xuất phát từ hơi nóng được khai thác trực tiếp từ thiên nhiên. Thứ hai là New Zealand và cuối cùng là Nhật Bản là những quốc gia ứng dụng hiệu quả nguồn địa nhiệt năng.
– đất đai màu mở: tại Việt Nam, các vùng cao nguyên Darlac, Pleiku, Quảng đức (Dak Nong), Phước Long (Sông Bé) đều là do các phun trào dung nham núi lửa tạo thành, có diện tích đất đai màu mỡ hơn cả, trồng cà phê, cây ăn trái,trà v.v.. Các phun trào này để lại một lớp bột tro dày đặc và đá núi lửa qua ngàn năm vỡ vụn mà thành.
-Hoạt động du lịch : Các vùng quanh núi lửa như ở Hawai là nơi nhiều du khách đến vì tò mò, vì muốn được tận mắt ngắm nhìn những khối tro bụi nóng màu đỏ lửa bắn tung lên bầu trời. Quanh các núi lửa thường là các hồ tắm ấm áp, những suối nước nóng, những hồ bùn luôn sủi bong bóng.
Ngoài những ích lợi của lửa, lửa cũng có những hậu quả gây chết chóc, hư hại tài sản (cháy nhà, cháy nông trại, cháy nhà máy ..). Còn có cháy rừng. Vào mùa nắng, nhiều đám cháy rừng thường xảy ra . Có 3 điều kiện sau đây mới có cháy rừng, gọi chung là chất cháy, oxy và nguồn nhiệt .Thiếu một trong 3 yếu tố đó thì không có sự cháy . Loại trừ đi hoặc làm bất cứ yếu tố trên giảm đi thì cường dộ cháy rừng cũng giảm đi . Chất đốt ở đây là lá khô, thảm cỏ khô, bụi cây khô hay chết . .Nếu thảm lá này có chút ẩm độ như hạt sương đêm thì ngọn lửa rừng cũng chậm lại. Oxy là điều kiện thứ hai . Khi gió thổi mạnh sẽ đem theo không khí làm ngọn lửa cháy nhanh hơn. Yếu tố thứ ba là phải có nguồn nhiệt. Lửa rừng có thể do những nguồn nhiệt khác nhau như sét chớp, tia lửa từ xe cộ, khói, cắm trại . Nhiệt độ cao cũng làm chất đốt mau khô ráo.
4. Lửa và tâm linh
Bình minh của vản minh loài người khởi sự từ lửa . Trong thần thoại Hi Lạp, hình tượng của lửa gắn liền với truyền thuyết Prometheus ăn cắp lửa thiêng của thần Zeus đem về cho con người để rồi chàng phải chịu một hình phạt đau đớn .
Lửa cũng có nhiều ứng dụng trong lãnh vực tâm linh . Từ những ngọn nến cháy lung linh trong nhà thờ đến hương đèn trong các chùa chiền, lửa tượng trưng cho nhiều thứ: tình yêu mến , sự tưởng niệm những người đã mất v.v.để tưởng nhớ người mất, ta thường thắp hương . Nàng Kiều thấy một nấm mồ vô danh cũng thế :
để nhớ lại kỷ niệm xưa thì ‘đốt lò hương ấy, so tơ phím này ‘ hoặc:
Thêm nến giá, nối hương bình
Cùng nhau lại chốc chén quỳnh giao hoan ‘
Thời Cổ Đại, hầu hết các dân tộc trên thế giới đều có tục thờ thần lửa: người Ba Tư thờ lửa , lạy mặt trời xem lửa là vật linh thiêng nên luôn luôn giữ lửa cho không bao giờ tắt .
Các dân tộc thiểu số trên vùng Cao nguyên như Ê đê, Gia Rai v.v. xem lửa là vị thần may mắn luôn bảo vệ con người, xem thần lửa như người chăm lo cho sự sống gia đình.
Lửa với những lửa trại ngoài trời là nơi giới trẻ có cơ hội chia sẻ tâm tư với những bài ca, những điệu hát san sẻ tâm tình. Có ánh lửa là có quây quần vì hơi nóng từ đống củi làm ấm áp cho những ai gần lửa, nhất là vào những đêm đông. Lửa mời gọi mọi người trong đêm tối đến san sẻ tình thương vốn âm ỉ . Lửa tâm linh giúp ta soi sáng, hun nóng lại lòng tin lắm khi đã nguội lạnh trong con tim .
Ngày nay, ta có bếp gas, bếp điện không cần mồi lửa nhưng ở thôn quê Việt Nam, trước đây trong bếp, luôn luôn có mồi lửa như một thanh củi để lửa hoặc đổ mớ trấu lên trên để lửa cháy âm ỉ, và tạo mồi nấu bữa ăn . Nếu không, phải chạy qua hàng xóm xin mồi lửa để nấu ăn…Khi không thấy khói bếp bốc lên và tro bếp nguội tanh, lạnh ngắt, điều đó chứng tỏ nhà đó vắng người, bỏ hoang và không còn sự sống ở đó nữa. Lửa làm cho cuộc sống của họ trở nên ấm cúng, an toàn hơn. Ở Việt Nam, bếp lửa còn có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Cúng ông Táo là cúng thần bếp. Bếp lửa là nơi gặp gờ mọi người trong gia đình để chuyện trò . Lửa bếp không những sinh ra sự sống, còn gìn giữ sự sống. Như trong tiếng Pháp, chữ foyer tức bếp lửa nhưng còn có nghĩa là nhà như trong foyer familial .Lửa là biểu tượng cho sự sống và sự ấm cúng. Trong nhà thờ Thiên chúa giáo không bao giờ thiếu vắng ánh sáng của những ngọn nến. Một số tôn giáo tôn thờ những ngọn nến như chính bản thân Chúa của họ. Những ngọn nến đủ màu sắc kích cỡ được đốt lên trong suốt thời gian những ngày lễ hội tôn giáo.
Đức Phật cũng dùng hình tượng lửa để dạy môn đồ:
“Này các vị khất sĩ, tất cả vạn pháp đều đang bốc cháy. Cái gì đang cháy? Sáu loại giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đang bốc cháy. Sáu loại đối tượng của giác quan là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp đang bốc cháy. Sáu loại nhận thức là cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm và cái suy tư cũng đang bốc cháy. Bốc cháy bằng thứ lửa nào? Bốc cháy bằng lửa tham dục, lửa hận thù, lửa ảo vọng. Tất cả đang bốc cháy theo với những cái khổ của sinh, già, bệnh chết, với đau thương, phiền muộn, lo lắng, sợ hãi, và thất vọng.
Này các vị khất sĩ, mọi cảm thọ cũng đang bốc cháy, dù đó là khổ thọ, lạc thọ, hay xả thọ. Cảm thọ phát sinh từ những điều kiện giác quan, đối tượng và sự xúc chạm. Cảm thọ cũng đang bốc cháy vì ngọn lửa tham dục, hận thù, và ảo vọng. Cảm thọ cũng đang bốc cháy theo với những cái khổ của sinh, già, bệnh, chết, với đau thương phiền muộn, lo lắng, sợ hãi và thất vọng.
Này các vị khất sĩ, các vị đừng để tự bốc cháy theo ngọn lửa của tham dục, của hận thù và của ảo vọng. Các vị phải thấy được tính cách vô thường và duyên sinh của mọi pháp để đừng làm nô lệ cho dòng sinh diệt của giác quan, đối tượng và cảm thọ”.
Gần một ngàn vị khất sĩ ngồi nghe đều cảm thấy tâm thần rúng động khi Bụt nói về lửa. Họ rất hoan hỷ khi thấy mình đã tìm ra được con đường tu học mà công phu quán chiếu là động lực duy nhất đưa đến giải thoát. Niềm tin phát sinh trong tâm tư của mọi người.
Chúng sinh ở trong tam giới không an lành, giống như đang dạo chơi trong nhà lửa. Cảnh nhà cháy là Ba cõi. Tam giới tỷ như tòa nhà bị hỏa hoạn. Chúng sanh ở trong Ba cõi hằng bị thiêu đốt bởi các phiền não, các khổ lụy, cũng như người ta bị đốt trong tòa nhà bị hỏa hoạn, vì vậy nên gọi là Tam giới hỏa trạch.
Chúng sanh chìm đắm trong trong vô số nạn khổ như vậy, thế mà họ vui vẻ dong chơi, chẳng hay chẳng biết, chẳng kinh chẳng sợ, chẳng hề biết chán, chẳng tìm ra khỏi! Ở trong Tam giới như cảnh nhà bị hỏa hoạn ấy, họ chạy bên nầy bên kia. Tuy gặp đại khổ, thế mà họ chẳng cho đó là nguy! ( Đoàn Trung Côn )
5. Kết luận
Lửa không những có nghĩa thông thường như lửa đốt, lửa nấu cơm mà còn có nghĩa là năng lượng mặt trời, chiếu sáng trần gian làm sinh vật sống và sinh tồn vì nếu không có mặt trời, Trái Đất này sẽ rất lạnh, sinh vật không tồn tại được.
Lửa là ánh sáng xua tan đêm tối, xua tan quỷ dữ và đem lại cho trái đất tiếng hát, niềm vui và nụ cười hòa bình.
Lửa cũng là lửa sân hận, lửa chiến tranh, lửa thiêu đốt, lửa hận thù tức con cái của Bóng Tối .Lửa cũng là lửa nhiệt thành, lửa tình thương, lửa sưởi ấm cho những người không nơi nương tựa, tức con cái của Ánh Sáng. Lửa hận thù khi không kiểm soát được thì cũng như ngọn lửa làm mồi cho đám cháy rừng lan rộng ra.
Con người phải tập chuyển hoá ngọn lửa hận thù bằng ngọn lửa tình yêu, chuyển hoá ngọn lửa sân hận, nóng giận bằng ngọn lửa từ bi, ngọn lửa sám hối, ngọn lửa bao dung.
Chúng ta ước mong mỗi người trên thế giới trở nên một ánh lửa sưởi ấm cho nhau trong tình người .Ta hãy tự cầm đuốc soi sáng đời mình bằng những hi vọng, bằng những nguyện cầu cho ngọn lửa mến trải khắp tâm hồn ta.
Thái Công Tụng