TÂY SƠN
THẬP BÁT CƠ THẠCH
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, quyển 11 [1], chép việc khởi binh của Tây Sơn như sau:
“Giặc Tây Sơn là Nguyễn Văn Nhạc nổi loạn, giữ thành Qui Nhơn. Nhạc là người thôn Tây Sơn, huyện Phù Ly [2], phủ Qui Nhơn, trước làm Biện lại, tiêu mất thuế tuần, bèn cùng mưu với em là Lữ và Huệ vào núi dựa thế hiểm làm giặc, bè đảng ngày một đông, địa phương không thể ngăn giữ được. Đến đây đem đồ đảng đánh úp phủ Qui Nhơn. Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên bỏ chạy. Nhạc bèn chiếm giữ lấy thành, thả tù ra, lùa dân làm binh, dựng cờ hiệu Tây Sơn và cho bè đảng chia nhau đi cướp bóc. Trăm họ náo động. Việc báo lên, Chúa sai bọn Chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống (con Nguyễn Cửu Thông, lấy Công chúa Ngọc Huyên), Nguyễn Cửu Sách (con Nguyễn Cửu Pháp, lấy Công chúa Ngọc Anh), Cai cơ Phan Tiến, Cai đội Nguyễn Vệ, Tổng nhung Tống Sùng, Tán lý Đỗ Văn Hoảng đem quân đi đánh không được. Sùng và Hoảng đều chết ở trận. Bấy giờ binh tĩnh đã lâu, tướng sĩ không quen trận mạc, khi phải đi đánh, phần nhiều thác cớ cầu miễn. Trương Phúc Loan thì lại ăn hối lộ mà sai người khác, mọi người đều căm oán, ra trận là chạy ngay…”
Là những sử gia Nhà Nguyễn, viết về kẻ thù số một của bản triều, thêm vào đó sự ràng buộc của nền quân chủ chuyên chế kết hợp với quan niệm “trung quân ái quốc,” dù cho khách quan đến đâu, họ cũng không thể viết hoàn toàn trung thực; nếu tệ hơn, còn hạ thấp uy tín của đối phương, và bào chữa cho triều đại họ đang phục vụ.
Theo chính sử Nhà Nguyễn, nguyên nhân cuộc nổi dậy rất tầm thường: Nguyễn Nhạc làm Biện lại ở Vân Đồn (?), đánh bạc thua sạch tiền thu thuế năm Tân Mão (1771), bị Đốc trưng Đằng truy tố, phải trốn vào núi, dựa thế hiểm, tụ binh làm giặc.
Cũng theo các tài liệu sử, công cuộc nổi dậy của Tây Sơn mạnh như thác đổ, tiêu diệt cả hai thế lực Nguyễn, Trịnh và hai cuộc xâm lăng của ngoại bang. Thế thì không thể một sớm một chiều làm nên việc lớn, phải có sự chuẩn bị từ lâu, có nhân lực vật lực hùng hậu, người lãnh đạo đầy mưu lược, và nhất là có chính nghĩa mới thu phục được nhân tâm.
I – TÂY SƠN DẤY NGHIỆP
Thật vậy, cuộc khởi nghĩa bắt nguồn từ lúc anh em Tây Sơn thọ giáo Trương Văn Hiến, gốc người Hoan Châu (Hà Tĩnh), một nhân sĩ văn võ song toàn. Thầy giáo Hiến có người anh thúc bá là quan Nội hữu Trương Văn Hạnh, một đại thần đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765), dám phản đối Trương Phúc Loan chuyên quyền nên bị giết. Trương Văn Hiến sợ bị vạ lây, trốn khỏi Phú Xuân, vào ẩn dật ở An Thái, mở trường dạy văn võ, mong tìm người tài đức trừ nạn quyền thần. Giáo Hiến hy vọng anh em Tây Sơn có thể làm nên việc lớn nên hết lòng rèn luyện từ văn đến võ, cấy vào tư tưởng cách mạng và hun đúc ý chí quật khởi. Riêng về võ, Nguyễn Nhạc học kiếm, Nguyễn Huệ luyện đao, Nguyễn Lữ sức yếu nên theo môn miên quyền.
Lớn lên, Nguyễn Nhạc nối nghiệp buôn trầu nguồn của thân phụ, mở rộng thương trường, và dời nhà từ ấp Phú Lạc sang ấp Kiên Mỹ Khách Hộ [3], thôn Vĩnh An, thuộc (sau là tổng) Thời Hòa, huyện Tuy Viễn. Lợi dụng nghề nghiệp, ông mở rộng giao thiệp, quy tụ hào kiệt, kết nạp phú gia và học sĩ, thân thiện với các tù trưởng dân tộc Bana ở Tây Sơn Thượng. Ca dao địa phương còn ghi lại:
Cây Me cũ, Bến Trầu xưa
Không nên tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm.
H 1: Di tích Cây Me trong khuôn viên Đền thờ Tây Sơn.
(Khổng Xuân Hiền, 2011, Cuongde.org)
Còn Nguyễn Lữ theo đạo Ma Ní [4] tức Minh Giáo, trở thành pháp sư nổi tiếng chữa lành nhiều con bệnh, được các bộ lạc người Thượng sùng bái như thánh sống. Trong khi đó, Nguyễn Huệ vẫn tiếp tục học thầy giáo Hiến, được dịp quen biết nhiều bậc cao thủ có hàng trăm môn đệ.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã đến, cần thêm sức mạnh tâm lý để củng cố nhân tâm. Anh em Tây Sơn nguyên là họ Hồ, bèn đổi ra họ mẹ là bà Nguyễn Thị Đồng, và lúc bấy giờ trong vùng lan truyền tin đồn về câu sấm “Tây ứng Kỳ Phong, phụ nguyên trì thống” nghĩa là nhà Chu ở phương Tây có địa lợi Kỳ Phong, phụ nguyên tức là họ Nguyễn nắm chính quyền (do bộ Phụ阝và chữ Nguyên 元 ghép lại thành chữ Nguyễn 阮).
Có một thầy địa lý người Tàu đi dạo khắp vùng sông núi Tây Sơn tìm địa cuộc. Nguyễn Nhạc khéo dàn cảnh cọp vồ hụt thầy địa lý ở núi Ngang, ấp Trinh Tường (nay là thôn Trinh Tường, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn), rồi đánh tráo quách đựng hài cốt của song thân để được táng nơi địa huyệt phát vương.
Lại nhân nhà có giỗ lớn, Nguyễn Nhạc mời bà con, bạn bè, khách khứa đến hàng trăm người; bỗng nửa đêm, trên hòn Trưng Sơn (cao 422 mét, thuộc ấp Phú Lạc) chiêng trống vang rền, ánh lửa lập lòe, mọi người đến xem, nhưng chỉ Nguyễn Nhạc được “thần linh” gọi lên núi để Ngọc hoàng ban chiếu phong vương.
Rồi một hôm, Nguyễn Nhạc cùng đoàn tùy tùng trên đường từ đèo An Khê về Kiên Mỹ, khi đến Hoành Sơn tức núi Ngang, ngựa lồng lên làm đứt dây cương, chạy thẳng vào chân núi, rồi ông té nhào, trặc chân không đứng dậy được. Khi đoàn tùy tùng đến, thì “tình cờ,” Nguyễn Nhạc thấy được chuôi kiếm trong vách đá.
Nguyễn Nhạc bèn tổ chức cầu đảo ba ngày đêm, khấn nguyện nếu quả có chân mạng đế vương, xin trời ban cho ấn. Đến đêm thứ ba, lúc giữa khuya, một vòi lửa vụt bay từ hòn Một đến hòn Giải (hai ngọn núi nhỏ nằm trước mặt núi Ngang), rồi nổ lớn như sét đánh. Sáng hôm sau, Nguyễn Nhạc dẫn mọi người lên hòn Giải, tìm chỗ có tiếng nổ, thấy một mảng đất ở sườn núi bị sạt lở, cây cỏ cháy sém. Nguyễn Nhạc nhặt được giữa đống đất đá ngổn ngang, một quả ấn bằng vàng, mặt có khắc “Sơn hà xã tắc” bằng chữ Nho, viết lối triện. Từ đấy, núi Giải mang tên mới là hòn Ấn, núi Ngang là hòn Kiếm, nay vẫn còn gọi.
Câu chuyện Nguyễn Nhạc được trời phong quốc vương còn cho cả ấn kiếm, ứng với câu sấm lan truyền khắp phủ Qui Nhơn; nhân sĩ hào kiệt quy tụ rất đông, vì tin ông quả có chân mạng đế vương. Năm Tân Mão (1771) đời chúa Định Vương Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần (定 王 睿 宗 阮 福 淳; 1765 – 1775), tương đương niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32 (景 興) vua Lê Hiển Tông (黎 顯 宗), mọi người tôn Nguyễn Nhạc (阮 岳) làm Tây Sơn Vương (西 山 王), ca dao trong vùng còn truyền tụng:
Ấn vàng kiếm bạc
Nguyễn Nhạc trời trao
Mũ áo đại trào
Ai vô rừng cấm
Thấy tấm biển đề:
“Nguyễn Huệ vi tướng
Nguyễn Nhạc vi vương”
Đồn đại bốn phương
Tây Sơn dấy nghĩa.
Lực lượng và uy quyền đã có nhưng Nguyễn Nhạc chưa vội khởi binh, cần thời gian xây dựng hậu phương vững mạnh, chiến khu an toàn. Vương cho dời Tổng hành dinh từ Tây Sơn Hạ lên Tây Sơn Trung (gần chân đèo An Khê). Ông và Bộ tham mưu đóng ở ngọn núi phía Nam, nay vẫn còn tên gọi là núi Ông Nhạc [5], chia nhân sự làm ba khối: quân sự, hành chánh, kinh tài. Quân sự do Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng và Võ Đình Tú chỉ huy, đóng ở ngọn núi phía Bắc, người đời quen gọi là núi Ông Bình [6], nơi đây tổ lò rèn đã sáng chế ra một vũ khí mới gọi là Hỏa hổ [7].
An Khê nổi tiếng Hòn Bình
Ngày xưa Nguyễn Huệ ẩn binh chốn này.
(Ca dao)
Việc hành chánh, ngoại giao, tuyên vận giao cho Võ Xuân Hoài và Trương Mỹ Ngọc đảm nhận. Về kinh tế, tài chánh có Nguyễn Lữ, Nguyễn Thung và Bùi Thị Xuân chuyên trách. Cơ sở kinh doanh Trường Trầu, Nguyễn Nhạc giao cho vợ cả là Trần Thị Huệ quản lý để kinh tài cho tổ chức. Vấn đề quân lương, ngoài những trung tâm sản xuất có sẵn như Đồng Hưu (ở Phú Phong), Đồng Vụ (Trinh Tường), Đồng Quang (Thuận Ninh) thuộc Tây Sơn Hạ, còn có cánh đồng Thượng Giang ở Tây Sơn Trung. Nguyễn Nhạc còn cho phá rừng Mộ Điểu ở Tây Sơn Thượng thành đồng lúa màu mỡ, rộng hàng nghìn mẫu, giao cho người vợ thứ, con của vị đầu mục người Bana cai quản, người đời quen gọi là Đồng Cô Hầu đã đi vào ca dao:
Cánh đồng Cô Hầu
Đàn trâu ông Nhạc
Ngựa lạc vang rừng
Voi dừng Tượng Đẫm.
Nhưng để tăng cường quân số ở tiền tuyến, Vương rút Nguyễn Lữ từ ban tài chánh, sung vào ban tuyển mộ; rồi cùng em lên Tây Sơn Thượng đi khắp các buôn làng lo việc tuyển binh, và đưa xuống Tây Sơn Trung cho Nguyễn Huệ luyện tập, khép vào đội ngũ. Cũng cần có thêm quân số ở hậu cứ, Vương lại giao cho Bùi Thị Xuân thành lập đội nữ binh và huấn luyện voi trận.
Thượng du lớn nhỏ đồng tình
Theo ông Hai Nhạc luyện binh tháng ngày
Lập đoàn cung thủ rất hay
Đợi khi lâm trận sau này ra oai.
(Ca dao)
Vì vậy, Nguyễn Nhạc lấy trọn số tiền thu thuế năm 1771 để sung vào quỹ nuôi quân thì đúng hơn; nhưng đối với quan trên, Biện Nhạc phải nói thác là thua bạc để che mắt chính quyền. Sử gia nhà Nguyễn vin vào cớ ấy, hạ thấp giá trị cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn.
H 2: Điện thờ Tây Sơn ở Kiên Mỹ, Phú Phong, Bình Định.
(Khổng Xuân Hiền, 2011, Cuongde.org)
Từ ngày bị truy nã đến khi khởi nghĩa (1771 – 1773), Nguyễn Nhạc có hai năm kiện toàn lực lượng. Tuy chưa xuất đầu lộ diện, nhưng vùng đất Tây Sơn, đã nằm trong tầm ảnh hưởng của Phong trào Tây Sơn. Và có thể nói, Nguyễn Nhạc với biệt tài dùng người, đã cảm hóa những tay anh chị, thảo khấu, trở thành những vị tướng tài ba, gan dạ và đức độ. Người đời thường nhắc đến Tây Sơn Thập Bát Cơ Thạch, tức 18 tảng đá làm nền móng cho nhà Tây Sơn. Ý muốn nói đến những người đầu tiên, giúp Tây Sơn làm nên nghiệp lớn, gồm 7 vị tướng, 6 nhân sĩ, và 5 bậc anh thư.
Thật xứng đáng với danh hiệu “Thất Hổ Tướng,” người đời dành cho 7 vị tướng của Tây Sơn, đó là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Tuyết, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Lộc và Lý Văn Bưu.
01 – Trần Quang Diệu (1760 – 1802)
Họ Trần quê quán ở tổng Trung, huyện Bồng Sơn, phủ Qui Nhơn; nay thuộc thôn Vạn Hội (Vạn Đức và Đông Thắng hợp lại), xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Họ Trần có ông tổ làm thượng thư dưới thời chúa Nguyễn, nay mộ vẫn còn [8].
Trần Quang Diệu học võ từ nhỏ, lớn lên được thọ giáo cụ Diệp Đình Tòng, một cao thủ của thôn Vĩnh Thạnh [9] thuộc huyện Tuy Viễn, nhưng phải ẩn náu trong rừng Kim Sơn (nay thuộc xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân); vì thuở tráng niên giết tên quan huyện sở tại khét tiếng tham ô, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738- 1765). Thầy Tòng có đủ 5 môn binh khí: côn, thương, đao, kiếm, cung; nhưng trò Diệu chỉ học môn đại đao suốt 5 năm, từ cách đánh trên bộ, trên ngựa, trên thuyền đều tinh thông, được thầy cho xuất môn. Khi từ giã, thầy tặng cho thanh Huỳnh Long Bảo Đao lưu truyền từ đời nhà Trần và căn dặn:
– Thời thế nhiễu nhương, con nên kịp xuống núi đem sở học làm sở hành kẻo uổng phí đời trai [10].
Một hôm Trần Quang Diệu từ Vạn Hội đến Kiên Mỹ thăm Nguyễn Nhạc, bạn mới quen nhưng rất tương đắc. Khi ông đi qua vùng Thuận Ninh, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn (quận Bình Khê cũ) gặp cọp chận đường. Lỡ không mang theo võ khí, họ Trần phải đánh nhau với cọp bằng tay không từ sáng sớm đến trưa nên đuối sức, may gặp Bùi Thị Xuân đi săn, ra tay cứu thoát.
Họ Trần yêu cầu đưa về Kiên Mỹ, Nguyễn Nhạc rất mừng vì gặp được Bùi Thị Xuân, bấy lâu nghe tiếng nhưng chưa có dịp làm quen. Ba chí lớn gặp nhau, vườn đào kết nghĩa, rồi Nguyễn Nhạc làm môi giới cho Trần Bùi nên duyên cầm sắt.
Trần Quang Diệu là một trong bảy người hợp tác sớm nhất với Tây Sơn. Bên văn có Nguyễn Thung, Võ Xuân Hoài, Trương Mỹ Ngọc; bên võ có Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Bùi Thị Xuân. Trong thời kỳ trước khởi nghĩa, ông được phân công vào ban quân sự đầu tiên gồm 4 người là Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, lo việc rèn luyện số tân binh người Thượng, do Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ tuyển mộ ở vùng rừng Mộ Điểu.
Rằm tháng Tám năm Qúy Tỵ (tháng 9- 1773), Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc làm lễ xuất quân. Lập đàn tế cáo trời đất giữa đèo An Khê, nơi nghẹo Cây Khế, có trảng đất rộng rợp bóng mát của hai cổ thụ, tục gọi là cây Ké và cây Cầy. Trần Quang Diệu được phong Đô đốc, thống lãnh đạo quân thứ hai, có Võ Văn Dũng và Lê Văn Hưng bên võ, La Xuân Kiều và Cao Tắc Tựu bên văn cộng tác; theo đường núi ra Bắc, đánh chiếm hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn [11].
Cây Ké phất cờ
Cây Cầy gióng trống
Hòn Chiêng vang động
Hòn Trống đổ hồi [12]
Lên ngôi Vương soái
Quan ải đạp bằng
Cuốn phăng hào lũy
(Ca dao)
Trần Quang Diệu ra quân trận đầu dễ như trở bàn tay. Quốc kỳ thêu kim tuyến vàng chữ Tây Sơn Vương trên nền cờ đỏ đào [13] hình vuông, viền tua xanh; và quân kỳ cũng màu đào, tua xanh, thêu tên họ chức vụ cấp chỉ huy bằng chỉ vàng, bay phất phới trên các huyện đường.
Bình Định xong hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn, Trần Quang Diệu giao binh quyền cho hai tướng Võ Văn Dũng và Lê Văn Hưng, cùng hai quan văn là Cao Tắc Tựu và La Xuân Kiều ở lại trấn giữ. Ông đem quân vào huyện Tuy Viễn, hợp với đạo quân thứ nhất của Nguyễn Nhạc, đánh phủ thành Qui Nhơn [14].
Phủ lỵ Qui Nhơn
Oán hờn đất dậy
Cờ phất quân reo
Dân theo chiếm phủ.
Ở mặt trận mới, Trần Quang Diệu chỉ trợ chiến, giữ an ninh vòng đai đề phòng bị quân viện bao vây. Hạ thành Qui Nhơn xong, ông được giao trấn giữ để đạo quân Nguyễn Nhạc tiến chiếm hai kho lương quan trọng ở Càn Dương và Nước Ngọt [15].
H 3: Tượng Thái phó Trần Quang Diệu
tại Điện thờ Tây Sơn, Phú Phong, Bình Định.
(Bùi Thụy Đào Nguyên, 2010, vi.wikipedia)
02 – Võ Văn Dũng (? – 1835)
Họ Võ người thôn Phú Phong [16], nay là thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú (Bình Phú cũ), huyện Tây Sơn (Bình Khê cũ). Ông là vị tướng cao cấp của Tây Sơn thoát khỏi sự trả thù tàn nhẫn của Gia Long, thọ trên 90 tuổi.
Võ Văn Dũng sinh trưởng trong một gia đình giàu có, cha mẹ rước thầy về nhà dạy văn luyện võ, ông học chữ thì tối, còn võ, học đâu nhớ đó, mỗi năm phải rước thầy mới để thay.
Năm 20 tuổi, ông vào Phú Yên buôn ngựa, gặp được bậc cao thủ, hậu duệ của Lương Văn Chánh, truyền cho môn trường kiếm và đoản đao. Sau 5 năm tập luyện, thông thạo cả cách đánh dưới đất, đánh trên ngựa, cùng sự phối hợp hai môn trên. Võ Văn Dũng được thầy cho xuất môn và căn dặn: “Học võ để phòng thân và dẹp nỗi bất bình khi gặp, chớ không phải để đấu sức khoe tài.” [17]
Ông là bạn cố giao của Nguyễn Nhạc, là một trong bảy người được Nguyễn Nhạc mời hợp tác sớm nhất.
Năm Tân Mão (1771) Nguyễn Nhạc được những người cộng tác tôn làm Tây Sơn Vương. Tổng hành dinh dời lên vùng núi gần đèo An Khê, và Võ Văn Dũng được sung vào tổ quân sự đầu tiên cùng ba người nữa là Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú.
Ngày khởi nghĩa (tháng 9- 1773), trước ba quân, ông được phong Phó Đô đốc, chỉ huy phó đạo quân của Trần Quang Diệu, lãnh trách nhiệm đánh chiếm huyện Bồng Sơn. Rồi cùng với học sĩ Cao Tắc Tựu trấn giữ huyện này, để Trần Quang Diệu rảnh tay đem quân tăng viện đánh chiếm phủ thành Qui Nhơn.
H 4: Tượng Đại Tư đồ Võ Văn Dũng
tại Điện thờ Tây Sơn ở Phú Phong.
(Bùi Thụy Đào Nguyên, 2010, vi.wikipedia)
03 – Lê Văn Hưng
Ông người làng An Dõng, nay là thôn Kiên Dõng, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, có ngọn roi xuất chúng, đánh ngã hàng trăm người. Lê Văn Hưng cầm đầu một đảng cướp vài chục thủ hạ; cũng giống như Chàng Lía trước kia, ông cấm đồng bọn không được xâm phạm tài sản của người cùng huyện. Ông chuyên đi cướp ở vùng xa, của cải lấy được chia làm ba: để lại khổ chủ một phần, cho dân nghèo một phần và đảng cướp đem đi một phần. Vì vậy, ông được lòng dân địa phương, và cả dân chúng ở những vùng bị cướp cũng thương mến che chở.
Lê Văn Hưng rất gan dạ, lúc xông vào cướp, cầm roi tiên phong. Lúc rút, ông thủ vai cản hậu, gặp chống cự chỉ đánh ngã, không đánh chết hoặc gây trọng thương. Có một lần vào cướp ở Phú Yên, gặp khổ chủ là bậc cao thủ quyết chặn đường rút của toán cướp, trời gần sáng, ông phải xuống độc chiêu, đối thủ hộc máu chết tại chỗ. Tuần phủ Phú Yên họp cùng quan phủ Qui Nhơn ra lệnh tầm nã, ông phải lẩn trốn trong vùng rừng núi Tây Sơn.
Năm 1771, nghe tin Nguyễn Nhạc được dân trong vùng tôn làm Tây Sơn Vương, Lê Văn Hưng dẫn thủ hạ ra thú và xin gia nhập. Trong quân, được Nguyễn Huệ và Trần Quang Diệu rèn luyện, tài năng ông phát hiện, thăng nhanh chóng từ lính lên cai, đội và sau là tướng.
Ngày khởi nghĩa (1773), ông được phong Đề đốc, làm thuộc tướng của Trần Quang Diệu. Khi nghe tin Nguyễn Nhạc đã chiếm huyện lỵ Tuy Viễn ở An Thái, Trần Quang Diệu chia đạo quân của mình làm ba đội. Một giao cho Lê Văn Hưng giữ Bộ chỉ huy làm lực lượng trừ bị, còn hai đội kia hành quân chiếm huyện lỵ Bồng Sơn và Phù Ly. Sau đó, ông và học sĩ La Xuân Kiều được lệnh trấn giữ huyện Phù Ly.
Mùa đông năm Quý Tỵ (1773), Nguyễn Nhạc mở mặt trận phía Nam, ông được cử làm phó tướng, cùng với Ngô Văn Sở và Nguyễn Văn Lộc vào chiếm Phú Yên, Diên Khánh và Bình Thuận. Bình định xong, ông cùng với Nguyễn Văn Lộc ở lại trấn giữ.
04 – Nguyễn Văn Tuyết
Họ Nguyễn quê quán ở thuộc Thời Đôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn; nay là xã Nhơn An, thị xã An Nhơn [18]. Nguyễn Văn Tuyết, lúc nhỏ thích đánh lộn, lớn lên có sức mạnh phi thường, nhấc bổng tảng đá lớn như bưng nồi cơm. Đồng bọn tôn làm đầu nậu chợ Gò Chàm, ai đến đây mãi võ, phải xin phép Tuyết.
Một hôm, ông lão râu tóc bạc phơ và hai thiếu nữ đến chợ Gò Chàm, ngang nhiên khuya chiên múa võ. Tuyết giận lắm, dẫn thủ hạ đến hỏi tội. Ông già không trả lời, cũng không chống đỡ, mặc cho côn quyền tới tấp giáng vào người. Tuyết sợ hãi bỏ đi. Dò biết ông ấy nghỉ đêm tại miếu thổ địa sau chợ, Tuyết cầm gươm đến phục thù. Ông lão và hai thiếu nữ ngủ say, Tuyết đâm mạnh nhát kiếm vào yết hầu ông lão, sức cản dội lại, kiếm gãy. Thất kinh, Tuyết toan bỏ chạy nhưng không kịp, ông lão đã nắm chặt cổ tay Tuyết và ôn tồn nói:
– Ngươi tư chất thông minh, sức mạnh hơn người, sao không lo rèn võ luyện văn để giúp đời, lại theo bọn thảo khấu, tiếng tăm lu mờ!
Tuyết quỳ xuống bái phục, xin theo làm môn đệ. Ông lão tên là Trần Kim Hùng, một cao thủ nổi tiếng ở thôn Trường Định, thuộc Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn), con trai duy nhứt mất sớm để lại hai cháu nội gái. Ông buồn, đi khắp nơi cho khuây khỏa, và tìm người chân truyền mạch võ. Gặp Tuyết, biết là quý nhân, ông lão rất mừng, hết lòng dạy dỗ. Sau 5 năm học văn luyện võ, ông lão cho Tuyết xuất môn. Nghe Tuyết trở lại quê quán, bọn đồ đảng cũ đến thăm, ông khuyên nên hoàn lương [19].
Từ ấy Tuyết mang sứ mạng hiệp sĩ, diệt bạo trừ gian. Tương truyền, nhân có chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) đi kinh lý, nghỉ đêm tại phủ thành Qui Nhơn, Tuyết trèo qua bờ thành định hành thích, nhưng lính canh dày đặc, không thực hiện được. Ông bèn lẻn ra chuồng ngựa, trộm con ngự mã của chúa, rồi giết lính gác, vượt ra cổng thành, phóng như bay vào rừng. Lại nữa, trong một đêm không trăng, Tuyết lẻn về An Thái, đột nhập huyện đường, giết tên tri huyện khét tiếng gian tham chuyên nịnh bợ cấp trên và áp bức dân lành.
Một ngày trong năm 1771, nghe tin ở vùng Tây Sơn có Nguyễn Nhạc đang chiêu mộ hào kiệt. Ông đem thủ hạ đến sơn trại đầu quân. Nguyễn Văn Tuyết cùng Lê Văn Hưng được sung vào Ban Chỉ Huy trường huấn luyện quân sự ở Tây Sơn Thượng (nay là An Khê).
Ngày khởi nghĩa (tháng 9- 1773), Nguyễn Văn Tuyết được tuyên phong Tả Đô đốc, sung vào đạo quân thứ nhất, do Nguyễn Nhạc trực tiếp chỉ huy. Sau lễ tế cáo trời đất tại đèo An Khê, Nguyễn Nhạc cho quân trực chỉ hướng Đông, dừng chân nghỉ đêm ở thung lũng chân núi Bà Phù, mở tiệc khao quân và đãi yến các tướng lãnh. Nhân đấy, Nguyễn Nhạc cải danh núi bà Phù là Tâm Phúc, và nay người địa phương vẫn quen gọi thung lũng này là Hóc Yến.
Mục tiêu đầu tiên của Tây Sơn Vương là chiếm gọn huyện đường Tuy Viễn, ở nam ngạn sông Côn, gần thị tứ An Thái (nay là thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn) để làm nức lòng tướng sĩ. Tả Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết và phú thương Huyền Khê [20] được lệnh trấn giữ lỵ sở này, để Nguyễn Nhạc an tâm đem cả đại binh vây thành Qui Nhơn.
05 – Võ Đình Tú (? – 1799)
Ông là con của đại phú gia ở Phú Phong, tính can đảm và lòng thương người. Có một nhà sư, không ai rõ tông tích, thường ghé ngang ngồi nghỉ chân ở cổng ngõ nhà họ Võ. Bọn trẻ trong làng thấy nhà sư mặt mày lem luốc, quần áo rách rưới, bèn kéo nhau đến chọc ghẹo. Võ Đình Tú mới 14 tuổi nhưng không theo hùa với đám bạn trẻ, trái lại rất lễ phép với nhà sư, thường đem cơm nước, bánh trái ra cúng dường.
Tương truyền, một hôm trời mưa to gió lớn, không ai dám ra đường, đến chiều trời tạnh, gia nhân mới phát hiện Võ Đình Tú mất tích. Từ ấy cũng không thấy nhà sư lui tới nữa. Mọi người đinh ninh rằng ông bị nhà sư bắt cóc.
Bẵng đi mười năm, Võ Đình Tú trở về nhà, là một thanh niên cao lớn, cường tráng, tính tình điềm đạm, ít nói, suốt ngày đóng cửa đọc sách, không lập gia đình và chỉ kết thân với người anh họ là Võ Văn Dũng.
Những ngày đầu tụ nghĩa, ông được Võ Văn Dũng tiến cử với Nguyễn Nhạc, Vương thân hành đến rước. Từ ấy Võ Đình Tú trổ tài thao lược, binh pháp tinh thông, Nguyễn Nhạc rất trọng nể. Ông rất tâm đắc với Nguyễn Huệ, thường đàm đạo về sự tương quan giữa võ thuật và chiến thuật. Bà Bùi Thị Xuân tặng ông một lá cờ đào, thêu bốn chữ “Thiết côn vô địch” bằng kim tuyến vàng.
Ngày khởi nghĩa, quân chia làm 3 đạo, Võ Đình Tú được phong Đại Tổng lý, sung vào đạo quân thứ ba. Ông cùng với Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân và Võ Xuân Hoài lo mặt hậu cứ. Phụ trách việc tuyển mộ và huấn luyện quân sĩ, thúc đẩy sản xuất, giữ an ninh vùng Tây Sơn, để cho đạo quân thứ nhất và thứ hai đánh chiếm các thành lũy mở rộng lãnh thổ.
Năm 1799, Võ Đình Tú đang giữ chức Binh bộ Tham tri, coi quân ở hai phủ Qui Nhơn và Phú Yên. Trong trận đánh lớn ở Trường Úc, Võ Tánh trá bại, ông xua quân đuổi theo, không ngờ Nguyễn Huỳnh Đức phục binh trên núi Hàm Long, ông bị trúng đạn và tử thương.
06 – Nguyễn Văn Lộc
Ông sinh trưởng ở làng Kỳ Sơn (nay là thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), lúc nhỏ, chăn trâu cho một phú nông trong làng.
Nhà nghèo, ông không có tiền thuê thầy dạy võ, chỉ học lóm nhưng nhờ thông minh và chịu khó, nên trở thành bậc cao thủ lúc nào không hay biết.
Tương truyền, một hôm Nguyễn Văn Lộc đi chơi về khuya, bị quân canh bắt, ngờ là kẻ trộm, trói vào cột đình. Ông dùng mẻ sành cắt dây, đánh gục tuần đinh và chạy thoát vào cánh đồng lúa chín. Mõ báo động vang lên từ làng này sang làng nọ, đám đông vây chặt, ông phải giựt gậy của quân canh, đánh tháo vòng vây, rồi trốn lên Tây Sơn.
Nghe tin Nguyễn Nhạc tụ tập quần anh, ông đến xin yết kiến. Nguyễn Nhạc biết ông là người tài, trọng dụng ngay. Ngày khởi nghĩa, Nguyễn Văn Lộc được phong Hữu Đô đốc, sung vào đạo quân thứ nhất do Nguyễn Nhạc thống lãnh, trách nhiệm đánh chiếm huyện đường Tuy Viễn và phủ thành Qui Nhơn.
07 – Lý Văn Bưu
Người đời gọi tên ông là Mưu, quê quán ở ấp Đại Khoan khách hộ, phường Đại An, xã Phỉ Lam, tổng Trung, huyện Phù Ly; nay thuộc xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát.
Nơi đây là vùng đồi thấp và gò đống, nhiều cỏ dại, thích hợp việc chăn nuôi, săn bắn. Ông chuyên nghề nuôi ngựa chiến, lại có tài vừa phi ngựa vừa múa kiếm, bắn cung, phóng lao trăm phát trăm trúng. Người đương thời tặng ông danh hiệu “Phi Vân Báo” tức con beo bay trong mây.
Nghe danh, Bùi Thị Xuân đến làm quen và học nghề luyện ngựa chiến, rồi tiến cử lên Nguyễn Nhạc. Ông được trọng dụng, giao cho việc luyện tập ngựa chiến và đào tạo kỵ quân.
Nhờ tài thao lược, ông được Tây Sơn Vương phong Đô đốc, và vó ngựa của ông giẫm nát trên các mặt trận trong Nam ngoài Bắc.
Người đời gọi danh hiệu này là muốn nhắc tên tuổi sáu học sĩ đã đóng góp vào cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thành công và đặt nền móng cho việc cai trị an dân. Đó là Nguyễn Thung, Võ Xuân Hoài, Trương Mỹ Ngọc, Cao Tắc Tựu, La Xuân Kiều và Triệu Đình Tiệp.
08 – Nguyễn Thung
Ông là một phú nông có trang trại khá đẹp ở ấp Thuận Nghĩa khách hộ, thôn Vĩnh An, thuộc Thời Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn; nay là thôn Thuận Nghĩa, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Ông quen biết với Nguyễn Nhạc từ lúc anh em Tây Sơn còn thọ giáo thầy Trương Văn Hiến. Nguyễn Thung có nhiều gia nhân, ban đầu làm ruộng, sau buôn muối; chở hàng lên Tây Sơn Thượng đổi sản phẩm miền núi, đem về đồng bằng bán lấy lời.
Tính ông hào phóng, đãi người rất hậu nên thu phục được nhiều người, trong đó có đảng cướp Nhưng Huy và Tứ Linh. Tương truyền, Nhưng Huy lập gánh hát bội nhưng chỉ để dụ người đến xem hát, quên việc tuần phòng, nhân đấy cho thủ hạ đi cướp những nhà giàu; địa bàn hoạt động từ Phú Yên trở vô nên tránh được tai tiếng nơi bản quán là phủ Qui Nhơn. Nguyễn Thung còn kết nạp được bọn cướp biển Tập Đình, Lý Tài (người Hoa) và một phú thương ở cửa Giã (nay là thành phố Qui Nhơn). Biết uy tín của Nguyễn Thung rất lớn ở vùng Tuy Viễn, Nguyễn Nhạc tìm cách thuyết phục ông ta về với Tây Sơn trong những ngày trước khởi nghĩa. Sự kết hợp lực lượng và chia quyền hành đã thành công tốt đẹp, theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện (Quyển 30, tờ 2b và 3a) Nguyễn Nhạc tự xưng là Đệ Nhất trại chủ, Nguyễn Thung làm Đệ Nhị trại chủ và Huyền Khê làm Đệ Tam trại chủ.
09 – Võ Xuân Hoài
Quê quán của ông ở Phú Phong [21] huyện Tuy Viễn, cùng họ với Võ Văn Dũng và Võ Đình Tú nhưng khác chi. Ông theo nghiệp bút nghiên từ nhỏ, giỏi văn chương, thông kinh sử, là bậc hiền sĩ, đức cao, hiểu rộng, mọi người đều kính nể. Bên văn, ông là người theo Tây Sơn sớm nhất, cùng lúc với các ông Dũng và Tú, bên võ.
Ngày khởi nghĩa, Võ Xuân Hoài được phong Đại học sĩ, sung vào đạo quân thứ ba do Nguyễn Huệ thống lãnh, lo việc hậu phương yểm trợ tiền tuyến.
10 – Cao Tắc Tựu
Chỉ biết ông người huyện Phù Ly, phủ Qui Nhơn, nay thuộc huyện Phù Mỹ, nhưng không rõ chi tiết về quê quán. Tương truyền ông rất đẹp trai, học rộng lại thông binh pháp, đi tới đâu ai cũng ngắm nhìn, dân quanh vùng gọi ông là Ngọc Nhân (người đẹp như ngọc). Ông vốn trầm tĩnh nhưng khi bàn quốc sự thì nói năng lưu loát, đầy thuyết phục và hiến nhiều kế hay, mọi người kính nể. Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ và Trần Quang Diệu ra tận nơi chiêu hiền, ông nhận lời.
Ngày khởi nghĩa, Cao Tắc Tựu được phong Hiệp biện Đại học sĩ, sung vào đạo quân thứ hai do Đô đốc Trần Quang Diệu thống lãnh. Sau khi chiếm huyện lỵ Bồng Sơn, ông được giao tổ chức chính quyền cho huyện này.
11 – La Xuân Kiều
Ông là một văn gia nổi tiếng của huyện Phù Ly, nay thuộc huyện Phù Cát, giỏi Nôm, thông chữ Nho, rành điển tích. Ông lại có tài bắn cung, cưỡi ngựa rất hoạt bát. Văn võ kiêm toàn, thật hiếm có. Ông vốn người tỉnh Phúc Kiến (Fu Jian) nước Tàu, thuộc dòng dõi vọng tộc, sau những cuộc “Phục Minh kháng Thanh” thất bại, ông vượt biển vào xứ Đàng Trong xin tị nạn, được chúa Nguyễn cho định cư tại huyện Phù Ly.
Ngày khởi nghĩa, La Xuân Kiều được phong Hiệp biện Đại học sĩ, sung vào đạo quân thứ hai. Sau khi chiếm huyện Phù Ly, ông được giao việc cai trị ở huyện nhà.
12 – Triệu Đình Tiệp
Không rõ chi tiết quê quán, chỉ biết ông người huyện Tuy Viễn, nay là thị xã An Nhơn. Tương truyền ông rất chăm học, lúc nhỏ ông học với thầy đồ trong làng, sau đến xin thọ giáo thầy Trương Văn Hiến ở An Thái. Biết ông là người tài, Giáo Hiến hết lòng chỉ dạy và hun đúc ý chí cứu nước giúp dân. Ông rất nghiêm nghị, chuộng thực tế, ghét xa hoa, lại cẩn trọng việc làm, giữ mình thanh khiết và trọng chữ tín. Tiếng đồn ông hay chữ, cai trị giỏi, mọi người nể trọng. Ngày khởi nghĩa, Ông được phong Hiệp biện Đại học sĩ.
13 – Trương Mỹ Ngọc
Nếu ở Phù Cát (nguyên là Phù Ly) có La Xuân Kiều, ở Bình Khê (Tuy Viễn tách ra) có Võ Xuân Hoài, thì ở An Nhơn (Tuy Viễn cũ) có Trương Mỹ Ngọc, là ba ngôi sao văn học của tỉnh Bình Định, tức phủ Qui Nhơn thời bấy giờ.
Trương Mỹ Ngọc là người có khí phách, được uy tín với dân trong vùng. Thấy cảnh nhiễu nhương của bọn tay chân Trương Phúc Loan, ông theo giúp Tây sơn, được Nguyễn Nhạc trọng dụng, phong Hiệp biện Đại học sĩ. Với tài kinh bang tế thế, ông giúp Tây Sơn Vương rất nhiều trong việc xây dựng guồng máy hành chánh trước và sau khởi nghĩa.
Nét độc đáo của lực lượng Tây Sơn, không những có Thất hổ tướng, Lục kỳ sĩ mà còn xuất hiện Ngũ phụng thư, là 5 bậc anh thư đã đóng góp không nhỏ trong cuộc khởi nghĩa thành công. Đó là Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc.
Từ một võ đường dành cho nữ giới, tính đến ngày khởi nghĩa, Bùi Thị Xuân đã xây dựng thành đội quân Nữ quản tượng binh với vài trăm người, và luyện được trên ba chục thớt voi trận. Sau ngày khởi nghĩa, đội Nữ binh trở thành một binh chủng. Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, binh đoàn này lên tới 2000 người với 100 thớt voi chiến, chia làm bốn lữ, do bốn vị phó tướng đã kể trên chỉ huy, dưới quyền Tổng quản Đô đốc Bùi Thị Xuân [22].
14 – Bùi Thị Xuân
Tương truyền, Võ Văn Dũng và Bùi Thị Xuân có chung một nguồn gốc. Thời chúa Nguyễn (1533 – 1775), hai anh em Lê Kim Bảng và Lê Kim Bôi gốc người Nghệ An, vào lập nghiệp ở vùng Phú Phong. Để tránh sự chú ý của chính quyền về gốc tích của mình, họ hẹn nhau khi sanh con, cải sang họ mẹ. Sau Lê Kim Bảng lấy con gái họ Bùi ở Phú Phong, sinh hạ Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Thu và Bùi Thị Nhị, không có con trai. Lê Kim Bôi làm rể nhà họ Võ ở Phú Mỹ (nay thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn), sinh được con trai, Võ Văn Dũng là con út [23]. Vậy Bùi Thị Xuân và Võ Văn Dũng là chị em thúc bá.
Một thuyết khác cho rằng nữ tướng Bùi Thị Xuân là ái nữ của Bùi Đắc Chí và gọi Bùi Đắc Tuyên bằng chú, quê quán ở ấp Xuân Hòa khách hộ, thôn An Hòa, thuộc Thời Đôn, huyện Tuy Viễn. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, Bà được theo đòi nghiên bút, lại khéo tay nổi tiếng viết chữ đẹp và công dung ngôn hạnh vẹn toàn. Tuy vậy, địa thế và phong thổ ảnh hưởng rất lớn đến con người. Quê hương Bà, ấp Xuân Hòa, chỉ có phía Tây liền với Phú Phong, còn phía Đông lấy suối làm ranh giới, Nam cận núi, Bắc giáp sông. Bà được hun đúc bởi thế đất hiểm, nên không theo nếp nữ nhi thường tình mà thích võ hơn văn, lơ là việc trang điểm và thường mặc áo hiệp sĩ.
Năm 12 tuổi, một hôm thầy đồ có việc phải đi, giao lớp lại cho trưởng tràng coi sóc. Bọn học trò trai đem Bùi Thị Xuân ra giễu cợt, bèn ra câu đối: “Ngoài trai trong gái, dưa cải dưa môn.” Một người trong bọn đối lại: “Đứng Xuân ngồi thung, lá vông lá chóc.” Cả bọn cười ầm lên. Bà giận đỏ mặt, vung tay đi quyền tới tấp vào hai người ấy, rồi bỏ về. Từ đó, bà quyết theo nghiệp võ [24].
Bùi Thị Xuân học võ với một bà lão suốt ba năm, đêm nào cũng luyện tập từ đầu hôm đến gà gáy. Học xong môn quyền rồi đến song kiếm, lại còn học nhảy xa, nhảy cao, nhảy sào… môn nào cũng điêu luyện, tiếng đồn bay xa khắp vùng. Xuất sư, bà mở trường dạy võ cho nữ giới, môn sinh có đến vài chục người, xuất sắc nhất là Bùi Thị Nhạn.
Từ ngày cứu Trần Quang Diệu thoát khỏi nanh vuốt của mãnh hổ, Bùi Thị Xuân gia nhập Phong trào Tây Sơn. Ngày khởi nghĩa, bà được phong Đại Tổng lý, sung vào đạo quân thứ ba, lo việc củng cố hậu phương yểm trợ tiền tuyến.
H 5: Tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân
tại Điện thờ Tây Sơn, Phú Phong, Bình Định.
(Bùi Thụy Đào Nguyên, 2010, vi.wikipedia)
15 – Bùi Thị Nhạn
Bùi Đắc Lương, một cự phú ở ấp Xuân Hòa [25], sinh hạ 3 trai là Bùi Đắc Chí, Bùi Đắc Trung, Bùi Đắc Tuyên, và hai gái là Bùi Thị Loan, Bùi Thị Nhạn. Bùi Thị Xuân là trưởng nữ của Bùi Đắc Chí, còn Bùi Thị Nhạn là quý nữ của Bùi Đắc Lương. Mặc dù vai vế trong gia tộc là cô cháu, nhưng bà Xuân lớn tuổi hơn bà Nhạn [26].
Bùi Thị Nhạn thông minh, có năng khiếu về võ nghệ, là môn đệ xuất sắc nhất trong võ đường Bùi Thị Xuân. Bà mau chóng trở thành một nữ kiếm khách và là một phó tướng sáng giá trong đạo quân của Bùi Thị Xuân.
Sau bà Nhạn kết duyên với Nguyễn Huệ, khi người vợ trước là bà Phạm Thị Liên vừa sanh hạ được hai con là Nguyễn Quang Thùy và Nguyễn Quang Bàn thì qua đời.
Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1788) Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, Bùi Thị Nhạn được phong làm Chánh cung Hoàng hậu, và con trưởng của bà là Quang Toản được lập làm Thái tử [27].
16 – Trần Thị Lan
Cũng theo Nhà Tây Sơn của Quách Tấn và Quách Giao, Trần Thị Huệ và Trần Thị Lan là con của Trần Kim Báu và cháu nội của võ sư Trần Kim Hùng, quê quán ở ấp Trường Định khách hộ, thuộc (sau gọi là tổng) Thời Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn; nay là thôn Trường Định, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn (quận Bình Khê cũ).
Tương truyền, lúc Thị Huệ 8 tuổi và Thị Lan 3 tuổi thì mẹ mất, cha buồn phiền bỏ nhà vào huyện Quảng Phước, phủ Bình Khương [28] mở trường dạy võ, gửi hai con sống với ông bà nội ở quê nhà. Lớn lên, Thị Huệ học nữ công với bà nội, Thị Lan thích theo nghiệp võ của ông nội, học chuyên về kiếm thuật và luyện thân lanh lẹ như chim én nên lấy biệt hiệu là Ngọc Yến.
Chín năm sau, Trần Thị Lan được 12 tuổi thì cha mất. Ông nội phải dẫn hai cháu vào Ninh Hòa thọ tang, để có tiền lộ phí ông phải bày kế mãi võ. Khi về đến chợ Gò Chàm, ông đang mãi võ thì gặp sự xung đột với Nguyễn Văn Tuyết, nhưng tiền hung hậu kiết.
Sau này, Trần Thị Huệ kết duyên với Nguyễn Nhạc, Trần Thị Lan lên thăm chị ở cơ sở kinh doanh Trường Trầu (ấp Kiên Mỹ), gặp được Bùi Thị Xuân, hai bên kết nghĩa và trở thành vị chỉ huy phó trong đội quân Bùi nữ tướng. Khi Nguyễn Văn Tuyết tìm đến Tây Sơn, lại gặp Trần Thị Lan, cháu nội của thầy mình, cả hai rất mừng và kết duyên cầm sắt.
17 – Nguyễn Thị Dung
Bà Dung là em của Nguyễn Văn Xuân, người làng Lạc Phổ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nghe tiếng thầy Trương Văn Hiến ở An Thái, anh em đến xin thọ giáo. Trường không thu nạp nữ sinh nên chỉ có Nguyễn Văn Xuân được nhận, còn Nguyễn Thị Dung thì Giáo Hiến giới thiệu đến võ đường của Bùi Thị Xuân ở Xuân Hòa.
Nguyễn Thị Dung sở trường về kiếm, tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn, lãnh chức phó tướng trong đội nữ binh của Bùi Thị Xuân. Sau Nguyễn Thị Dung kết duyên với Đô đốc Trương Đăng Đồ, một danh tướng của Tây Sơn, người làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn cùng tỉnh [29]. Ông là chú ruột của Cần chánh điện Đại học sĩ Trương Đăng Quế.
18 – Huỳnh Thị Cúc
Thị Cúc là em của Huỳnh Văn Thuận, người làng Đông Quang, huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi. Huỳnh Văn Thuận và Nguyễn Văn Xuân là bạn tâm giao, cả hai đều có tài văn học và cùng thọ giáo Trương Văn Hiến. Như trường hợp của Thị Dung, bà Huỳnh Thị Cúc cũng được họ Bùi thu nhận vào võ đường.
Trong hàng môn đệ của Bùi Thị Xuân, đều đứng dưới cờ khởi nghĩa của Nguyễn Nhạc, sau đó họ lần lượt kết hôn với các tướng lãnh Tây Sơn. Duy có phó tướng Huỳnh Thị Cúc quyết không lập gia đình, suốt đời gắn bó với đoàn nữ binh của Bùi Đại tướng và tham chiến các mặt trận từ Nam ra Bắc.
Trên đây là 18 người đầu tiên đến với anh em Nguyễn Nhạc. Họ là những tảng đá đắp móng xây nền, dựng lên cơ nghiệp nhà Tây Sơn.
Nói vậy, công thần buổi ban đầu của Tây Sơn không chỉ có thế, phải còn nhiều người nữa. Chẳng hạn, bên võ có: Đô đốc Đặng Văn Long tự là Tử Vân, hiệu là Đặng Thiết Tý (cánh tay của họ Đặng cứng như sắt), người ở Đại An, huyện Tuy Viễn; Nội hầu Phan Văn Lân, học trò Giáo Hiến, người miền ngoài, không rõ phủ huyện; Nguyễn Văn Xuân, tỳ tướng của Trần Quang Diệu, sau khi hạ thành Qui Nhơn được theo phò tá Nguyễn Nhạc ở mặt trận phía Bắc; Tư mã Ngô Văn Sở lãnh cờ hiệu Chinh Nam Đại Tướng Quân, tiến chiếm gọn ba phủ Phú Yên, Diên Khánh và Bình Thuận…Ngoài các tướng, bên văn cũng có các học sĩ theo giúp Tây Sơn như : Mã Vĩnh Thắng người huyện Tuy Viễn, nức tiếng về thơ và từ; Võ Văn Cao quê nhà ở chân núi Cù Mông phía địa phận tỉnh Phú Yên, tính cương trực, làm việc cẩn trọng và nghiêm túc, ghét thơ văn phù phiếm, chuộng Nho giáo, chống tư tưởng Lão Phật; Lưu Quốc Hưng người Phú Yên, bản chất chính trực và cương quyết; Huỳnh Văn Thuận người Quảng Ngãi, hay chữ từ nhỏ, thông kinh sử, có tài thuyết phục; Nguyễn Văn Huấn và Nguyễn Văn Danh tổ tiên ở Nghệ An bị chúa Nguyễn bắt vào huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nhà nghèo nhưng hiếu học, anh em đều thọ giáo thầy Trương Văn Hiến…
Các nhân vật vừa nêu trên có thể họ đến với Tây Sơn sau ngày khởi nghĩa, hoặc vì một lý do nào khác, người đời không liệt vào hàng Thập Bát Cơ Thạch?
Có điều đáng tiếc cho Lịch sử Việt Nam, cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn chỉ cách nay trên 200 năm, thế mà những gì đã xảy ra ở triều đại này rất mơ hồ, nhiều tài liệu còn trái ngược nhau, chẳng hạn như giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, ai anh, ai em? Lai lịch những công thần, và diễn biến của cuộc khởi nghĩa ra sao? Ngày nay, chỉ còn biết căn cứ vào các bức thư của giáo sĩ, vào sự tương truyền, vào ca dao, vào rất ít ở chính sử, liệt truyện của triều Nguyễn và Thanh sử…
Ai đã gây ra nạn khan hiếm tài liệu về Tây Sơn? Nguyễn Ánh, khi lên ngôi (1802), không những trả thù tận gốc rễ những người theo Tây Sơn, còn có cả một sách lược dài hạn tiêu hủy tàn tích Tây Sơn, tận diệt nền văn hóa Tây Sơn. Chính sách ấy được duy trì suốt triều đại nhà Nguyễn (1802 – 1945).
Năm 1885- 1887, Mai Xuân Thưởng người làng Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, ứng nghĩa Cần Vương chống Pháp ở Bình Định, bị triều đình Đồng Khánh (同 慶) kết tội “Dương vị Hàm Nghi khởi nghĩa, âm vị ngụy Nhạc phục thù.” Bản án trảm quyết 11 người, ngoài 5 tướng lãnh như Bùi Điền (Thống trấn), Nguyễn Đức Nhuận (Hiệp trấn)…, 7 người còn lại đều là Mai tộc gồm: Mai Xuân Thưởng (Nguyên Soái) cùng bà con liên hệ với ông như Mai Xuân Quang (anh ruột), Mai Xuân Khánh (em ruột) cũng bị xử tử với tội danh “không biết can ngăn”; 4 người anh em họ là Hòa, Vân, Nghị, Dao bị bị xử chém với tội danh “đã nhận chức hàm.” Các người khác trong Mai tộc tuy không can dự cũng bị liên lụy như 3 người bác là Chất (72 tuổi), Đức (65 tuổi), Hanh (62 tuổi); 4 anh họ thân là Dư, Dương, Tuyết, Ngân và 5 người em họ thân là Cẩm, Hoán, Dũng, Hóa, Phát đều bị giải về quê quán giao cho chính quyền địa phương quản thúc [30]. Bản án khắc nghiệt với Mai tộc chỉ vì Mai Xuân Thưởng có bà cao tổ cô Mai Thị Hạnh là vợ của Nguyễn Phi Phúc.
San Jose, ngày 31- 07- 2001
Bổ chính lần 3: 04- 12- 2012
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
[1] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Quyển 11; Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, ấn hành thành Tập 1 (Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2007); trang 243.
[2] Địa danh huyện chép sai, đúng ra Nguyễn Nhạc ở huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn. Năm 1888, vùng đất Tây Sơn được tách ra, lập thành huyện Bình Khê, và sau năm 1975 đổi thành huyện Tây Sơn.
[3] Kiên Mỹ: Hồi năm 1815 là ấp Kiên Mỹ Khách Hộ, thuộc Thời Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn, trấn Bình Định. Hồi năm 1839 là thôn Kiên Mỹ, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1955 là ấp Kiên Mỹ, xã Bình Thành, quận Bình Khê; nay Kiên Mỹ thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn.
[4] Ma Ní phiên âm từ chữ Manila, thủ đô Phi Luật Tân (Philippine). Ngày xưa, dân ta quen gọi chung những người thường đội mũ tròn, mặc áo trắng, có nước da sẫm, mũi cao, mắt sâu, ở các nước Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân là Ma Ní. Gọi là đạo Ma Ní, muốn nói đến một tín ngưỡng, có thể là Hồi giáo hay Ấn giáo, du nhập từ các nước trên vào vương quốc Chiêm Thành.
Theo Nguyễn Xuân Nhân; Các Ngôi Sao Tây Sơn (Sài Gòn, nxb Văn Nghệ, 2001); trang 66: đạo Ma Ní do ảnh hưởng tín ngưỡng của nguời Chàm, phát triển mạnh trong các buôn làng người Thượng ở Tây Nguyên. Đạo này thờ Thần Lửa, nên còn gọi là Hỏa Giáo, dùng phù phép để chữa bệnh, và giống như đạo Phù Thủy của người Việt.
[5, 6] Hai núi này cao và rậm, nằm phía Đông đèo An Khê. Từ hòn Ông Nhạc, núi non trùng điệp, lớp chạy thẳng về Nam, lớp rẽ xiên về Đông Nam. Đối diện với núi Ông Nhạc là núi Ông Bình, cao 793 mét, địa thế hiểm trở và kỳ bí tưởng như không có lối vào (Quách Tấn, Nước Non Bình Định, trang 53).
[7] Hỏa hổ là binh khí độc đáo của Tây Sơn, cán dài đầu có gắn liềm móc, vừa là bó đuốc tung nhựa dầu rái đang cháy vào hàng ngũ đối phương, vừa có thể phóng đoản côn gắn đầy móc câu khi xáp trận (Nguyễn Mộng Giác, Sông Côn Mùa Lũ, Tập I, trang 386).
[8] Ở làng Hy Văn, tổng Thượng, huyện Bồng Sơn, có họ Trần đời đời làm quan dưới thời Lê. Sang đời Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) và Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) lại có Trần Đức Hòa nối nghiệp nhà, làm quan tới chức Tuần phủ Khám lý phủ Qui Nhơn. Khi mất, ông được phong Phúc Thần, dân làng Bồ Đề được phép rước về thờ. Đến đời Gia Long (1805), ông được truy tặng Đệ Nhất Đẳng Khai Quốc Công Thần. Vậy có thể ngôi mộ tổ họ Trần này là tộc họ Trần Đức Hòa, nên mới được Nhà Nguyễn ưu ái đến thế.
Vậy, vấn đề đặt ra, Trần Quang Diệu chỉ là sự trùng họ ngẫu nhiên với họ Trần Đức, hoặc là thuộc một chi phái xa đời của dọng họ Trần này?
“Theo lời con cháu họ Trần ở Hoài Ân thì dòng Trần Quang hiện có hai phái: Một ở Bình Định (Hoài Ân), một ở Quảng Nam, quận nào không rõ.” (sđd: Quách Tấn, Nước Non Bình Định, trang 360).
Lời tuyên bố trên, có phần trùng khớp với tài liệu từ Google: Trần Quang Diệu, nguyên có tên là Trần Văn Đạt, người làng An Hải, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam; nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Con của ông Trần Tấn và bà Phan Thị Hy. Tương truyền, năm 1776, lúc Trần Quang Diệu tròn 16 tuổi, cùng bạn là Nguyễn Văn Thoại (sau này là Thoại Ngọc Hầu, tướng nhà Nguyễn) tắm sông Hàn (Đà Nẵng). Bổng có quan sở tại đi ngang qua, trông bộ nghênh ngang đáng ghét, ông Thoại bèn tạt nước vào quan này. Bị bất ngờ, quan ta lồng lên, nhảy xuống đánh tới tấp vào ông Thoại. Vốn có võ nghệ, ông Diệu ra tay giúp bạn, đánh vị quan này nhừ tử, nhận nước đến bất tỉnh, rồi lôi lên bỏ trên bờ. Mẹ của ông Thoại là bà Nguyễn Thị Tuyết biết được hung tin, bèn cấp tốc đem con lánh nạn ở Cù Lao Dài bên sông Cổ Chiên. Còn mẹ ông Diệu đưa con trốn về quê ngoại ở làng Trà Khê, nay thuộc Đông Trà, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Có lệnh tầm nã, ông Diệu phải đổi tên, lánh vào rừng núi An Khê, làm nghề săn bắn độ nhựt. Một hôm, gặp cọp dữ tấn công, ông Diệu quần thảo với cọp hồi lâu đã đuối sức. May gặp Bùi Thị Xuân đi ngang qua, giúp ông đánh chết cọp…Thế rồi, bà Xuân trở thành phu nhân ông Diệu, và ông Diệu lúc này (1777) cũng trở thành danh tướng của nhà Tây Sơn.
[9] Vĩnh Thạnh được gọi là: Tổng vào năm 1910; Huyện 1949; Nha 1955; Quận 1958; Nha 1965; giải thể sáp nhập huyện khoảng cuối 1975; Huyện 1981. Vĩnh Thạnh là huyện miền núi, ở phía Tây miền Bắc Bình Định. Địa giới: Đông giáp huyện Hoài Ân, Tây giáp tỉnh Gia Lai, Nam giáp huyện Tây Sơn, Bắc giáp huyện An Lão. Huyện lỵ đóng tại xã Vĩnh Hảo, cách tỉnh lỵ Qui Nhơn 77 km về hướng Tây Bắc
[10] Quách Tấn và Quách Giao; Nhà Tây Sơn (Sài Gòn, nxb Trẻ, 2000); trang 47.
[11] Quách Tấn và Quách Giao, sách đã dẫn, trang 34.
[12] Hòn Một tức hòn Trống, hòn Dãi tức hòn Chiêng, là hai núi nhỏ ở xã Bình Tường. Tương truyền thời Tây Sơn treo trống, chiêng ở hai núi này, khi đánh báo hiệu cho tiếng vang xa.
[13] Ai Tư Vãn của Lê Thị Ngọc Hân, là áng văn lời lẽ thống thiết, tứ thơ thâm thúy, ngôn từ chính xác, văn chương điêu luyện, điển tích dồi dào. Về mặt nghiên cứu lịch sử, giá trị không nhỏ, đơn cử tác giả đề cập đến cờ của Tây Sơn, đến hai lần.
Nơi câu 9 & 10, nêu ý nghĩa việc Nguyễn Huệ trương cờ tiến ra đất Bắc:
Từ cờ thắm trỏ vời đất Bắc,
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.
Và câu thứ 67 & 68, nói rõ đến màu cờ của Quang Trung:
Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước biết bao công trình.
Để làm sáng tỏ vấn đề, thử xét về ngữ nghĩa, theo các Từ Điển Tiếng Việt, chữ “thắm” có hai ý:
Một nghĩa cụ thể là “Có màu sắc đậm và tươi (thường nói về màu đỏ); như chữ: Má hồng môi thắm (má có màu đỏ lợt, môi đỏ đậm), Chỉ thắm (sợi chỉ đỏ đậm).”
Và “thắm” còn chứa một nghĩa trừu tượng: “Nói về tình nghĩa đậm đà”, “Có tình cảm đậm đà, tha thiết; như chữ: Thắm tình quê hương, Duyên thắm tình nồng.”
“Cờ thắm” trong câu thứ 9, nếu giải thích theo nghĩa đen là màu sắc đậm, thì ý sẽ đối nghịch với “Cờ Đào” ở câu thứ 67. Cùng đề cập đến màu cờ, cùng trong một tác phẩm, trên nói đậm, dưới lại nói lợt. Coi sao được! Tác giả là con vua, theo sử sách, từ bé, bà đã được học thông kinh sử và tập làm văn thơ. Nên việc từ cú nhất quán là điều căn bản, không thể có sự lủng củng, nghịch ý, ở một cây viết điêu luyện như Bà.
Ở đây, cần phải hiểu theo nghĩa bóng, “thắm” là có tình cảm đậm đà, mới ăn khớp với câu bát liền dưới “Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.” Theo tác giả, việc Nguyễn Huệ trương cờ tiến ra đất Bắc, là nghĩa cử thắm đượm tình người, với mục đích cao cả “Phù Lê Diệt Trịnh,” lập lại uy quyền của vua Lê mà bấy lâu nay bị họ Trịnh soán đoạt. Vậy “cờ thắm” ở đây được mệnh danh cờ nghĩa.
Bằng chứng là: “Vua (Lê Hiển Tông) bèn định đến ngày mồng bảy tháng bảy lập đại trào ở điện Kính Thiên, Nguyễn Huệ đem các tướng vào lạy và dâng sổ quân sĩ, dân đinh, để tỏ cái nghĩa tôn phù nhất thống, nghĩa là từ đó về sau nhà Lê có quyền tự chủ. Vua phong cho Nguyễn Huệ làm Nguyên Soái Uy Quốc Công (元 帥 威 國 公) và lại gả cho bà Ngọc Hân Công Chúa (玉 欣 公 主) là con gái Ngài.” (Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ bảy; Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964; trang 362).
Ngay cả “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục,” là bộ sử Khâm Định (do vua quy định) và Quốc Sử Quán Triều Nguyễn phụng viết, đoạn nói về chuyến ra Bắc Hà của Nguyễn Huệ (kẻ thù không đội trời chung của bản triều), cũng phải nhìn nhận:
“Hôm sau, Văn Huệ triều yết ở điện Vạn Thọ, nhà vua (Lê Hiển Tông; 黎 顯 宗) sai người mời vào, đặt một giường khác ở bên cạnh giường vua ngự để Văn Huệ ngồi. Văn Huệ rụt rè không dám ngồi, nhà vua ép mãi, Văn Huệ mới ngồi ghé vào cạnh chiếu. Huệ tâu nói: ‘Tôi vốn người dân áo vải ở Tây Sơn, nhân thời cơ nổi dậy, tuy cơm áo triều đình không được bệ hạ ban cho, nhưng tôi ở nơi rừng rậm xa xăm, lâu nay vẫn kính mến thánh đức, ngày nay được thấy thiên nhan, mới đủ giãi bày tấm lòng thành thực. Vì họ Trịnh lăng loàn áp bức, không giữ đạo làm tôi, cho nên hoàng thiên mượn tay tôi đánh diệt họ Trịnh, để tỏ rõ uy quyền của bệ hạ, may mà được đến thành công đều do ở phúc đức của bệ hạ cả. Tôi chỉ mong thánh thể yên lành mạnh khỏe, ngự ngôi vua, trị thiên hạ, để kẻ bầy tôi nơi xa xăm (tức Tây Sơn) được đội phúc đức.’ Nhân đấy, Văn Huệ bày tỏ ý nghĩa tôn phò. Nhà vua bội phần an ủy.” (Sách đã dẫn, bản dịch, Tập II, trang789 – 790).
Tóm lại, từ ngữ “Cờ thắm” ở câu lục, không phải diễn tả màu sắc, mà phải hiểu theo nghĩa bóng, mới bổ nghĩa cho câu bát “Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.” Như vậy, trong tác phẩm Ai Tư Vãn chỉ có câu thứ 67 “Mà nay áo vải cờ đào” nói đến màu cờ của Tây Sơn, khi Nguyễn Huệ với danh nghĩa Long Nhương Tướng Quân Tiết Chế Thủy Bộ Chư Quân tiến quân ra Bắc “Phù Lê diệt Trịnh.”
Và trong ca dao cũng nhắc đến cờ đào của Quang Trung:
Thành ngoài, thành giữa, thành trong
Hoàng thành còn dấu rêu phong thuở nào.
Voi gầm, ngựa hí lời trao
Vào Nam ra Bắc cờ đào ruổi quân.
Nguyễn Huệ tài giỏi hơn thần
Đuổi Xiêm, đại phá quân Thanh Ngọc Hồi.
Quang Trung Hoàng Đế lên ngôi,
Nhất vương nhị đế một thời lừng danh.
Nhưng vấn đề đặt ra, ở đây, cần xác định mức độ màu sắc của “Cờ Đào”:
Xin thưa, ngữ nghĩa có thể biến đổi theo dòng thời gian, như thế khi xét đến một sự kiện xa xưa, người nghiên cứu phải dùng con mắt của thời đại cũ mà nhận xét. Vì vậy, muốn biết rõ màu sắc “Cờ đào,” mà Ngọc Hân đã nêu trong Ai Tư Vãn, cách nay hơn hai thế kỷ; thiết tưởng nên căn cứ vào các tự điển càng xưa càng tốt, để ngữ nghĩa được giữ y nguyên trạng. Hiện còn hai quyển tự điển có giá trị về ngữ học, vì từ ngữ đầy đủ, nghĩa chữ chính xác và mức độ khả tín cao:
– a/ Huình (Huỳnh) Tịnh Paulus Của; Đại Nam Quấc (Quốc) Âm Tự Vị; Sài Gòn, Imprimerie Rey, Curiol & Cie, 1895; đã định nghĩa:
“Cờ điều: Cờ đỏ.” (trang 180)
“Hồng đào (紅 桃): Màu hồng đào giống màu hoa đào.” (trang 275)
– b/ Hội Khai Trí Tiến Đức; Việt Nam Tự Điển; Hà Nội, nxb Trung Bắc Tân Văn, 1931; cũng đã định nghĩa:
“Đào (桃): Một loại cây hoa đẹp, quả ăn ngon, hột có nhân. Nghĩa rộng: màu đỏ phơn phớt như màu hoa đào. Như chữ: Yếm đào, má đào.” (trang 168).
– c/ Và ngay cả sách thời nay, như quyển Tự Điển Hán Việt Văn Ngôn Dẫn Chứng của Nguyễn Tôn Nhan (Sài Gòn, nxb TP/HCM, 2002), nơi trang 662, cũng định nghĩa màu đào: “Đào hồng (桃 紅): Màu ửng hồng phớt đỏ như hoa đào.”
Nếu căn cứ vào văn liệu trong Ai Tư Vãn, và sự định nghĩa của các học giả nêu trên, chúng ta có thể kết luận: Cờ đào của Quang Trung nói riêng và của Tây Sơn nói chung là màu đỏ phơn phớt (đỏ lợt) như màu hoa đào.
[14] Phủ Qui Nhơn có 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Huyện Bồng Sơn nay chia làm 3 huyện là Hoài Nhơn, Hoài Ân và An Lão. Huyện Phù Ly nay chia 2 huyện là Phù Mỹ và Phù Cát. Huyện Tuy Viễn nay chia làm 4 huyện gồm: Vĩnh Thạnh, Tây Sơn (Bình Khê cũ), Tuy Phước, Vân Canh; và 1 thị xã là An Nhơn.
[15] Kho Càn Dương, Nguyễn Nhạc lấy làm Tân phủ, nằm dưới chân núi Càn Dương thuộc khu Đông Nam núi Bà; kho Nước Ngọt ở vùng đầm Đạm Thủy (tức Đề Gi), cả hai đều thuộc huyện Phù Ly. Nay di tích lịch sử Tân phủ Càn Dương ở xã Cát Tiến, còn kho Nước Ngọt thời ấy nay thuộc xã Cát Khánh đều ở huyện Phù Cát.
[16] Phú Phong: theo địa bạ tỉnh Bình Định của triều Nguyễn, lập lần đầu năm 1815 (Gia Long thứ 14), chép địa danh này là ấp Phú An khách hộ, thôn Phú Lộc, thuộc Thời Đôn (‘thuộc’ là đơn vị hành chánh tương đương với ‘tổng,’ dùng để gọi vùng đất mới khai phá), huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn, trấn Bình Định.
Địa bạ lập lần thứ 2, năm 1839 (Minh Mạng thứ 20), ấp Phú An cải danh là thôn Phú Phong, tổng Thời Đôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1888, lập huyện Bình Khê, gồm nha Kinh lý An Khê thuộc Tuy Viễn và 18 thôn của huyện, trong đó có thôn Phú Phong, nhập vào huyện mới.
Năm 1948, hợp xã lần thứ 2, thôn Xuân Hòa và Phú Phong nhập thành xã Bình Phú, huyện Bình Khê. Sau năm 1955, huyện đổi thành quận Bình Khê. Sau năm 1975, Bình Khê đổi thành huyện Tây Sơn.
Ngày 24- 3- 1979, Quyết định số 127- CP, thành lập thị trấn Phú Phong, địa giới Đông giáp thôn Phú Xuân (xã Bình Phú), Tây giáp sông Đồng Hưu (xã Bình Tường), Nam giáp thôn Phú Hiệp (xã Bình Phú), Bắc giáp đồng Đá Đen (xã Bình Thành).
Ngày 14- 2- 1987, Quyết định số 33a- HĐBT, giải thể xã Bình Phú, lập thành 2 xã mới là Tây Xuân và Tây Phú. Quê quán của Võ Văn Dũng (Phú Phong cũ) nay là thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
[17] Quách Tấn và Quách Giao, sách đã dẫn, trang 41.
[18] Về quê quán của Nguyễn Văn Tuyết, một tài liệu từ Google lại ghi rằng: “Theo gia phả họ Nguyễn (chi 2 phái 4 ở làng Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), thì ông là người làng Ôn Tuyền, huyện Đăng Xương, Thuận Hóa (nay là làng Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị); và tên thật của ông là Nguyễn Minh Mẫn.” Tuy chưa rõ hư thực thế nào, nhưng cũng cần ghi chép ra đây để tra cứu thêm.
[19] Quách Tấn và Quách Giao, sđd, trang 49: thầy dạy võ của Nguyễn Văn Tuyết là Trần Kim Hùng. Nhưng theo một tài liệu nữa, cũng từ Google, đã chép: “Hiện nay trên đường Hoàng Diệu, quận Phú Nhuận (Sài Gòn) có nhà thờ họ Nguyễn do ông Nguyễn Minh Tuế (con của Đô đốc Tuyết) khai sinh ở đất Gia Định từ năm 1792. Ở đấy, con cháu thờ ông cùng Đô đốc Đặng Văn Long vì ông này vừa là thầy dạy võ cho ông Tuyết và cũng là người đồng hương…(Đô đốc Đặng Văn Long tự là Tử Vân quê ở làng Đại An, huyện Tuy Viễn phủ, Qui Nhơn, nay thuộc xã Nhơn Mỹ huyện An Nhơn, Bình Định. Vậy phải chăng dòng tộc đô đốc Tuyết vẫn tin ông Tuyết là người Bình Định?)”
[20] Huyền Khê là biệt hiệu, không rõ tên họ.
[21] Phú Phong, xem ghi chú số 16.
[22] Nguyễn Xuân Nhân; Các Ngôi Sao Tây Sơn (Sài Gòn, nxb Văn Nghệ, 2001); trang 96.
[23] Nhiều tác giả; Những Mẫu Chuyện Về Tây Sơn (Bình Định, Ty Văn Hóa và Thông Tin xuất bản, 1979); trang 53.
[24] Quách Tấn và Quách Giao, sách đã dẫn, trang 42.
[25] Ấp Xuân Hòa khách hộ thuộc thôn An Hòa (có từ trước đến đời Gia Long), sang giữa đời Minh Mạng ấp đổi thành thôn Xuân Hòa, nay là xã Tây Xuân. Từ đường họ Bùi hiện nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn.
[26] Quách Tấn và Quách Giao, sách đã dẫn, trang 57: Bùi Thị Xuân là con Bùi Đắc Chí gọi Bùi Thị Nhạn bằng cô. Nhưng theo Nguyễn Xuân Nhân, Các Ngôi Sao Tây Sơn, trang 94: Bùi Thị Xuân là con của Bùi Đắc Kế.
[27] Theo Nguyễn Xuân Nhân, Các Ngôi Sao Tây Sơn, trang 105: Chánh cung Hoàng hậu Bùi Thị Nhạn sinh hạ được 3 Hoàng tử là Quang Toản, Quang Thiệu, Quang Khanh (Đặng Quý Địch, Nhân Vật Bình Định, trang 85, ghi là Quang Duy) và 2 Công chúa.
[28] Địa danh này thay đổi nhiều lần: phủ Thái Khương (1653), phủ Bình Khương (1690), phủ Bình Hòa (1803), phủ Ninh Hòa (1831), tỉnh Khánh Hòa (1832). Từ năm 1910 hệ thống phủ huyện không như trước, mà phủ và huyện đều trực tiếp cai quản một số tổng; nơi nào quan trọng gọi là phủ, nơi bình thường gọi là huyện. Và huyện Quảng Phước cải danh là phủ Ninh Hòa.
[29] Theo gia phả của họ Trương (sử gia Trương Đăng Quế lập), Đô đốc Trương Đăng Đồ, người làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn (nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Tịnh Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), được nhà Tây Sơn phong tước là Tú Đức hầu. Người đời ghép chức và tước của ông lại, gọi là Đô đốc Tú. Ngày 17- 6- Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Quang Toản và Cung quyến bị bắt tại Phượng Nhãn, Đô đốc Tú cùng phu nhân dùng gươm tự sát.
[30] Dương Kinh Quốc; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử, bản in lần thứ 2, Tập 1 (Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2001); trang 182.
01/ BÙI VĂN LĂNG; Danh Nhân Bình Định; Hà Nội, tác giả xuất bản, 1942.
02/ DƯƠNG KINH QUỐC; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử, bản in lần thứ 2, Tập 1 (1858 – 1918) và Tập 2 (1919 – 1945); Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2001.
03/ HOA BẰNG; Quang Trung Nguyễn Huệ (Hà Nội, nxb Tri Tân, 1944); Glendale CA, Đại Nam tái bản, không ghi năm.
04/ HỨA HOÀNH; Những Phát Kiến Về Triều Đại Tây Sơn; Nguyệt san Làng Văn (Toronto, Canada) số 114, tháng 2- 1994; trang 24- 26.
05/ LAM GIANG NGUYỄN QUANG TRỨ; Vua Quang Trung; không đề nơi, nxb Thanh Niên, 2001.
06/ LỘC XUYÊN ĐẶNG QUÝ ĐỊCH; Nhân Vật Bình Định; Sài Gòn, soạn giả xuất bản, 1971.
07/ MINH TÂN PHẠM HÀ HẢI; Giáo Tử Gia; Đồng Tháp, nxb Tổng Hợp, 1996.
08/ MỘNG BÌNH SƠN; Gió Lộng Cờ Đào (tiểu thuyết lịch sử); Tiền Giang, nxb Tổng Hợp, 1989.
09/ NGUYỄN XUÂN NHÂN; Các Ngôi Sao Tây Sơn; Sài Gòn, nxb Văn Nghệ, 2001.
10/ . . . . . . . . . . . . . ; Văn Học Dân Gian Tây Sơn; Sài Gòn, nxb Trẻ, 1999.
11/ NHIỀU TÁC GIẢ; Những Mẫu Chuyện Về Tây Sơn; Bình Định, Ty Văn Hóa và Thông Tin Nghĩa Bình xuất bản, 1979.
12/ NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn – Bình Định, 3 tập; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996.
13/ NGUYỄN HUYỀN ANH; Việt Nam Danh Nhân Từ Điển; Sài Gòn, nxb Khai Trí, 1972.
14/ NGUYỄN MỘNG GIÁC; Sông Côn Mùa Lũ (tiểu thuyết lịch sử); nxb Văn Học tái bản, 1998.
15/ NGUYỄN Q. THẮNG và NGUYỄN BÁ THẾ; Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam; Sài Gòn, nxb Khoa Học Xã Hội, 1992.
16/ PHẠM VĂN SƠN; Việt Sử Tân Biên, Quyển 3; Sài Gòn, tác giả xuất bản, 1959.
17/ PHAN KHOANG; Xứ Đàng Trong (1558- 1777); Sài Gòn, Khai Trí xb, 1970.
18/ QUÁCH TẤN; Nước Non Bình Định; Sài Gòn, nxb Nam Cường, 1967.
19/ QUÁCH TẤN và QUÁCH GIAO; Nhà Tây Sơn; Sài Gòn, nxb Trẻ, 2000.
20/ QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, bản dịch của Nguyễn Ngọc Tĩnh, Đào Duy Anh hiệu đính; Hà Nội, nxb Sử Học, 1962.
21/ QUỲNH CƯ và nhiều tgk; Những Vì Sao Đất Nước, Tập 4 và 5; Hà Nội, nxb Thanh Niên, 1985.
22/ TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG; Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam (Sài Gòn, nxb Văn Học Sử, 1973); An Tiêm tái bản, California, 1991.
23/ TRẦN TRỌNG KIM; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ bảy; Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964.
Dẫn nhập . . . . . . Trang 01
I – Tây Sơn dấy nghiệp . . . . . – 01
H 1: Di tích Cây Me trong khuôn viên Đền Tây Sơn . – 02
H 2: Đền thờ Tây Sơn ở Kiên Mỹ, Phú Phong,huyện Tây Sơn – 04
II – Thất hổ tướng . . . . . – 05
01/ Trần Quang Diệu (1760 – 1802) . . . – 05
H 3: Tượng Thái phó Trần Quang Diệu tại Điện thờ Tây Sơn – 06
02/ Võ Văn Dũng . . . . . . – 06
H 4: Tượng Đại Tư đồ Võ Văn Dũng tại Điện thờ Tây Sơn – 07
03/ Lê Văn Hưng . . . . . . – 07
04/ Nguyễn Văn Tuyết . . . . . – 08
05/ Võ Đình Tú (? – 1799) . . . . – 09
06/ Nguyễn Văn Lộc . . . . . – 09
07/ Lý Văn Bưu . . . . . . – 10
III – Lục kỳ sĩ . . . . . . – 10
08/ Nguyễn Thung . . . . . – 10
09/ Võ Xuân Hoài . . . . . – 11
10/ Cao Tắc Tựu . . . . . . – 11
11/ La Xuân Kiều . . . . – 11
12/ Triệu Đình Tiệp . . . . . – 11
13/ Trương Mỹ Ngọc . . . . . – 11
IV – Ngũ phụng thư . . . . . – 12 14/ Bùi Thị Xuân (? – 1802) . . . . – 12
H 5: Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân tại thị trấn Phú Phong – 13
15/ Bùi Thị Nhạn . . . . . . – 13
16/ Trần Thị Lan . . . . . . – 13
17/ Nguyễn Thị Dung . . . . . – 14
18/ Huỳnh Thị Cúc . . . . – 14
Tài liệu tham khảo . . . . . – 20
Mục lục . . . . . . – 21-22