Trời sắp mưa
Nguyễn Văn Sâm
Nhà bếp rộng, sạch. Trên lò, nồi giò heo hầm lửa riu riu phun khói nhè nhẹ, nắp nồi khua động bằng một âm thanh đều đều, xì xọp, vui vui. Trên tường đồng hồ thánh thót đổ một hồi kẻng dài. Dì Tư ngó lên rồi lại cúi xuống tiếp tục từ tốn cắt cắt thái thái mấy miếng thịt mới lấy ra từ cái oven. Trong góc bếp, nút nồi cơm điện nhảy từ chữ “nấu” sang nút “giữ ấm” nghe cái “cắc” một tiếng dòn tan, Dì lại ngước lên ngó về phía đó. Bực mình. Già cả nên lẩn thẩn, biết trong bụng là không có chuyện gì mà cứ giựt mình, cứ coi đi coi lại cho chắc. Vô ích hết sức. Như là ba cái vụ điện thoại, reng reng trong tivi mà cứ giựt mình lại coi phải ai gọi không, mặc dầu nếu có người hỏi cũng chỉ biết nói “Họ không có ở nhà”, ngay ý muốn hỏi tên để về nói lại cũng ngại ngùng. Dì giở nắp nồi cơm ra coi. Hơi gạo chín tỏa một mùi thơm quen thuộc dễ chịu cách gì! Dì nghĩ tới món thịt kho dưa chua đứa con gái ưa thích từ hồi còn nhỏ tới giờ, thỉnh thoảng được ăn vẫn chắc lưỡi hít hà khen ngon liền miệng.
Trí Dì miên man nghĩ tới đứa cháu ngoại chắc chắn nó sẽ bới nửa chén cơm và ba hột rồi ôm đủa ngó, đợi không ai chú ý đem chén đủa để trong chậu rửa chén rồi tới mở tủ lạnh lục bánh trái gì đó ăn dằn bụng qua loa. Tội con nhỏ không ăn được những món Việt Nam nghèo thuần tuý, món của quê nhà đồng ruộng. Dì lấy gói thịt bầm làm hai cái hamburger.
Trong khi nướng Dì nghĩ vẫn vơ về hai đứa con gái trong nhà.
Con Trinh không gần gũi thân mật là bao nhiêu mặc dầu đã sống với nó từ mười năm nay, mến chân mến tay từ hồi còn nhỏ. Dễ thương thì dễ thương thiệt, nhưng nhiều khi nó ngồi yên cả giờ đồng hồ không nói, chăm chú trước máy truyền hình, hay cười như nắc nẻ lúc nghe được chuyện gì hay. Gợi chuyện với nó thì nó dạ dạ mà coi bộ cũng hững hờ lắm, không có gì tha thiết. Nhiều lúc vui vui buột miệng kể chuyện lúc nó còn nhỏ ở Việt Nam, thì lần nào cũng như lần nấy nó chận họng: Chuyện này bà ngoại kể hoài, bộ bà ngoại hổng nhớ sao. Con nhỏ giống má nó in hịt càng ngày càng thấy xa lạ, như tụi nó không là con cháu mình nữa. Tụi nó lúc nầy và lúc trước ở Việt Nam là những người khác nhau hoàn toàn, như là hai người chứ không phải một. Cũng mắt mũi đó, cũng tên họ đó, cũng bộ điệu đó, nhưng mà như là uống nước ở xứ này nên bị rửa ruột thành người khác. Nói năng không lựa lời lựa vốn, bạ đâu xâu đó, nhiều khi nghe tức cành hông.
Còn con Chuyên mắc giống gì không biết mình lại thương mến hết cở. Có lẽ nhờ nhỏ nhẹ dịu dàng. Có lẽ nhờ mới qua. Có lẽ chịu nghe, chịu góp chuyện. Ở đây có khi cả tuần, có khi cả tháng, trong nhà mới có vài câu nói, trả lời ngắn gọn, lạnh tanh, ngoài ra là thời khoảng im lặng ai lo chuyện nấy. Người trong nhà như những cái bóng dật dờ đi làm – về- ăn- ngủ. Một chu trình trôn ốc liên tục tiến lên theo thời gian bất tận. Hai vợ chồng là hai vòng trôn ốc ngoài nhau, không có điểm chung nào. Dì là đường thẳng đơn côi riêng biệt với họ. Lặng lẽ, cô đơn, thèm được chuyện trò. Rồi Chuyên, đứa con riêng của chồng của con Dì, xuất hiện tưởng không thể thân thiện được lại đến như một niềm vui, một sự khơi dậy ánh lửa đèn cây tươi mát trong lòng Dì. Dì còn nhớ ngày đầu tiên gặp gỡ, bữa ba người kia rước Chuyên từ phi trường về, được giới thiệu với Dì, Chuyên đã chào thật cung kính, thật tươi, Thưa Ngoại. Dì cảm động rớt nước mắt. Dì đã hồi hộp chờ ngay từ lúc “họ” ra xe lên phi trường. Cái giòng con gái cỡ trong ngoài hai mươi khó chịu lắm. Con nào hỏng thương mẹ, qua đây thấy chuyện ba nó thế nào cũng nầy kia. Bị ghét lây cũng đành chịu. Không dè mọi chuyện xảy ra khác với bình thường. Ánh mắt Chuyên không biểu lộ một sự gượng gạo, khó chịu, trái lại là một nụ cười thân thiện. Hai bà cháu bà con chống bảy sào không tới từ đó lại thương nhau hơn cật ruột. Người dưng nước lã đã biến thành máu mủ. Bây giờ tình thương càng ngày càng chất chồng, nó đi đâu một chút thì nhớ thì trông.
Nghe mùi thịt nướng thơm thơm, Dì Tư gắp xuống để trong dĩa, sửa soạn pickle, cà tô mách, củ hành, tất cả xếp trong một cái dĩa kiểu, các thứ rau cải xanh đỏ trắng nổi lên trên nền men trắng màu ngà coi thiệt đẹp mắt.
Dì đi lại phòng, gõ cửa ló đầu vô gọi cháu:
– Trinh ra ăn hamburger con!
Con nhỏ đương nằm lơ mơ nghe nhạc, con gấu để trên bụng, một tay ôm, một tay vuốt ve, nghe kêu, nhíu mày lại một giây trước khi chểnh mãng ngồi dậy.
Dì Tư dọn “cơm” mà lòng dửng dưng, không mấy thích thú vì đã làm một điều lợi ích cho cháu con, cũng không thấy khó chịu vì bận bịu. Lòng Dì trống rỗng, như lúc mở cái cửa, lúc xoay lại cái ghế cho ngay ngắn hay lấy cái nùi giẻ lau những miếng thức ăn vụn nho nhỏ rơi rớt trên bàn sau buổi ăn, những công chuyện bình thường không tên ngày này qua ngày khác của một đời không bước ra khỏi ngõ…
Tiếng xe quen thuộc ngừng trên con đường dẫn vô nhà xe, tiếng đóng cửa xe cũng quen quen, tiếng gót giày đều đều mà Dì mường tượng đã nghe rất nhiều lần trong đời tiến lần về phía cửa.
Dì lên tiếng với cháu:
– Chắc mẹ mày về đó. Tao nghe có tiếng xe, sao bữa nay về sớm vậy cà.
Con Trinh không lấy làm lạ về câu nói của bà ngoại mặc dầu nó không nghe gì hết. Chuyện trong nhà bà rất thính mũi thính tai đoán không bao giờ trật. Ít nhứt cũng có người tới.
Bên ngoài Hoa ngó khung cảnh sân cỏ trước nhà xanh mướt, bằng phẳng, sang trọng như một minh tinh. Mùi cỏ mới cắt phảng phất trong không gian một hơi hướm thiên nhiên tươi mát tinh khiết, khiến chị nín hơi hít những hơi thật dài, đầy phổi.
Hoa giật mình ngỡ ngàng khi cửa mở cùng lúc với cái bấm chuông của chị:
– Ồ má! Sao má biết con về hay vậy? Ngó sự chậm chạp già nua của mẹ, nhớ lại chuyện thực tế, chị cằn nhằn: Má mở cửa mà không check coi người lạ hay quen, nguy hiểm lắm. Ở đây coi vậy chớ tụi cướp tới lúc nào không biết đó. Cái điệu má cà rịch cà tang nếu là người lạ thì trở tay đâu kịp. Chị cố gắng hạ giọng để câu nói có vẻ thật bình thường.
– Con nói với má hoài mà má cứ thờ ơ. Có chuyện gì rồi ngồi đó than trời trách đất.
– Ối tao già rồi đâu còn sợ gì nữa. Nhà đâu có để tiền mặt đâu mà sợ.
Hoa nhăn mặt không vừa ý.
– Má nói vậy sao được! Má già, nhưng còn con Trinh mần chi, nó lớn trọng cải rồi, má có một mình nó là cháu ngoại đó.
Dì Tư nghe xốn xang trong lòng. Đã đành, nhưng cách nói của nó như là mẹ người ta! Lúc nó còn nhỏ, làm bậy, nhà cửa để bầy hầy bề hề mình cũng không rầy kiểu đó. Dì buồn hiu đóng cửa lại sau lưng đứa con, gài sợi xích an toàn rồi bước theo sau.
Già rồi, ở tạm ăn nhờ phải chịu. Nhứt là xứ này, mọi chuyện đảo điên. Tiếng Mỹ tiếng Tây dốt đặc cán mai nói không được như câm, như điếc. Mọi chuyện đều lạ lùng, ngơ ngơ ngác ngác như thằng lác mắc phong, chết lúc nào sướng lúc đó. Nghe nó cằn nhằn cưởi nhưởi hoài, tủi quá.
Con Trinh ngó mẹ và ngoại, nó chào cho có: “Hi! mom”, rồi tiếp tục vừa ăn vừa ngó xéo qua vai má nó, theo dõi chương trình tivi ở góc nhà.
Chị Hoa liếc lên bàn ăn, chị hỏi con, sự không vừa ý lộ ra rõ ràng trong âm điệu:
– Sao con không ăn cơm, ăn có thứ này thứ kia mới đủ chất bổ, hamburger chỉ là fast food để cho mấy người đi làm ăn cho mau vì không đủ thì giờ. Con phải tập ăn cơm Việt Nam cho quen chứ. Chị nắm đôi đủa lên lật miếng hamburger lên mặt sau săm soi. Sao con không nhờ ngoại dọn cho. Đồ ăn thiếu gì trong tủ lạnh đó.
Dì Tư chen vô, dì thấy cần phải giải thích. Con nhỏ có vẻ muốn đổ thừa mình. Con nó là cháu mình, không thân với nó thiệt, nhưng đâu đến nỗi ghét bỏ.
– Tao thấy nó ưa ăn món đó thì tao làm cho nó. Có dọn cơm nó cũng không ăn. Bữa nay tao nấu thịt kho ăn với dưa chua. Còn món giò heo hầm tao tính để cho chiều nay. Dì nói như phân bua. Chưa được mềm, còn dai nhách.
Con Trinh giờ mới lên tiếng:
– Con chỉ ưa ăn hamburger thôi à! Mấy thứ khác con ăn không được.
– Mày biết gì! Ăn uống để tẩm bổ chớ đâu phải để chết. Day qua Dì Tư, chị Hoa nói thiệt nhỏ nhẹ. Má làm ơn ép nó ăn dùm con. Nó đương sức lớn ăn bậy bạ nữa sau èo uột. Mình lớn mình biết chuyện nào trúng chuyện nào bậy, chứ nó con nít con nôi biết khỉ gì. Ở Mỹ mà, nhỏ con quá coi đâu được.
Dì Tư buồn hiu, nói xuội lơ:
– Ừ để tao rán coi, biểu nó, nó không cãi ngang cãi dọc, nhưng nó vô buồng đóng cửa lại thì tao cũng thúc thủ thôi chứ làm gì được.
– Má, còn con Chuyên đâu hỏng thấy?
– Nó đi lợi đằng trường ghi tên rồi. Nó ghi sớm nữa khỏi phải chen lấn.
– Nó đi một mình hay có ai tới rủ?
Khó nói quá, mình là cha mẹ nói láo với con coi sao được. Mà nói ra tội nghiệp con nhỏ. Dì giả đò không nghe câu hỏi kiếm chuyện gì đó làm, tiện tay dì mở tủ lạnh. Bình sửa để ở ngoài cùng. Bỗng nhiên Dì muốn rót một ly sữa cho con. Coi vậy chớ tội nghiệp nó, buôn bán tối ngày về còn phải coi chừng coi đổi chuyện nhà cửa. Mỗi ngày cầu nó uống hai ba ly sữa mới lấy lại sức. Dì đem ly sữa để trước mặt con rồi quay lưng tính đi rót một ly khác cho cháu. Mắt Dì rưng rưng, không biết sao kỳ vậy. Đâu có buồn gì lắm đâu. Tánh nó chót chét vậy thôi chớ không để bụng. Nó sẽ quên ngay. Như con cọp ngủ một giấc dậy vung vai, mọi chuyện xảy ra trước đó sẽ đi vào quên lãng. Thương con cũng muốn mời nó một câu thân mật. Chẳng hạn như con uống ly sữa nghỉ mệt rồi ăn cơm, nhưng không nói được. Khó quá! Mẹ con lớn hết rồi, biểu lộ bằng cử chỉ săn sóc lo lắng thì được, nhưng nói dịu ngọt thiệt khó còn hơn lên trời. Nó, chồng con đùm đùm đề đề chứ còn nhỏ nhít gì nữa đâu.
Chị Hoa ngó ly sữa, cảm động đưa mắt theo bàn tay khô cằn của mẹ. Chị hiểu lòng mẹ và cảm thấy mình vô lý, có vẻ như hỗn hào. Già rồi đâu còn lanh lợi như mấy người trẻ. Nói thì nói vậy, chớ tội nghiệp, có bà cũng đỡ chuyện cơm nước giặt dỵa, nhà cửa cũng được vén khéo tươm tất. Cả nhà bỏ đi hết, trấn ba cái đồ đạc lại cho ông Táo, biết đâu chừng có bữa tụi nó vô dọn không còn miếng giẻ rách. Tụi thất nghiệp, xì ke ma tuý, bụi đời chung quanh khu này thiếu giống gì. Dân nào cũng có. Tứ xứ. Thấy có người ra vô tụi nó cũng ngại chứ. Cũng tội, bà lâu nay lủi thủi trong nhà, quanh quẩn với cơm nước, quần áo và con nhỏ Trinh, có biết nước Mỹ là cái gì đâu.
Chị giả lả với mẹ:
– Phải con Chuyên nó đi với thằng Khoa không má?
– Ừa.
Nghe câu trả lời như nhẹ hẫng nhẹ tênh, chị Hoa không nói ra nhưng cảm thấy giận ngang trong bụng. Như là có một sự đồng loã nào đó trong nhà này, không đếm xỉa tới chị. Nó là con chồng, lớn đại rồi, thêm ở Mỹ này, có thân muốn đi với ai thì đi. Ba nó không rầy thì thôi, mắc mớ gì mình nói ra nói vô thêm cho mắc oán. Nhưng mà tại sao má lại dấu dấu diếm diếm, giống như chấp nhận thằng kia, giống như ở về phe với nó mà không đếm xỉa gì tới mình. Chị bực bội, nhưng không biết sao cho đúng, chị đưa ly sữa lên miệng, uống mấy hớp. Con Trinh thinh không mở miệng khoe:
– Anh Khoa có cho con một con bear đẹp lắm.
Chị Hoa lườm con, trút tất cả bực bội nảy giờ.
– Đồ con gái hở ai cho gì cũng lấy là con gái hư mầy biết không. Từ rày sắp tới mày mà còn lấy cái gì của thằng Khoa thì mày biết tay tao. Con Chuyên đi với nó, muốn lấy cái gì thì lấy, mày có ăn nhằm gì vô đó mà lấy.
Dì Tư nóng mũi binh cháu:
– Trinh ăn mau bà dẹp. Con còn đi học bài nữa, mai đi học rồi.
Con nhỏ ngồi xụ mặt một chút rồi bỗng nhiên nó xô nửa cái hamburger còn lại ra trước mặt đứng dậy cái rột, đi thẳng vô phòng đóng cửa cái rầm trước mặt mẹ và ngoại nó. Hai người đàn bà ngó theo, mỗi người theo đuổi tư tưởng của riêng mình, chị Hoa lắc đầu ngán ngẩm.
– Con cái, cứng đầu cứng cổ. Má nữa! Má đừng binh nó. Con tui má để tui dạy, má cứ xử bỉ hoài nó được mợi làm tới nữa, nó hư thì ai vô đây chịu đây? Má đâu có sống đời để lo cho nó đâu. Còn con Chuyên nay thằng này tới, mai thằng kia tới, tui đã bực lắm rồi. Bây giờ mà bắt thang cho con Trinh trèo nữa thì có nước tui bỏ nhà tui đi.
Nói xong một hơi dài, coi bộ chừng đã mệt, chị Hoa ngồi xuống bàn ăn, ngó chén đủa đã dọn sẵn, lòng chị dịu xuống, làm thinh ngó những miếng dưa chua được xếp đặt gọn ghẽ trên cái đĩa sứ. Dì Tư múc tô thịt kho, đem đến để trước mặt con. Mùi mỡ rục nóng mời mọc nhưng Dì thấy nó hơi ngang không tha thiết tới chuyện cầm đũa.
– Tao chút nữa ăn sau, bây ăn đi.
Không đợi trả lời, Dì kéo cửa kiếng bước ra patio. Trời trong mát đầu Thu với từng cơn gió nhẹ phe phẩy mời gọi. Dì ngồi xuống một cái ghế cũ đặt gần cụm hồng cạnh tường. Mấy chiếc lá vàng rơi rụng loả xoã đầy sân, mấy bụi hoa cúc và nhiều thứ hoa khác nữa, trồng mấy tháng trước bây giờ coi bộ xum xuê. Vườn sau coi cũng đẹp ớn, nhưng mà trong nhà thiệt là khó thở. Một cụm mây đen phía chân trời từ từ trôi tới. Dì Tư buột miệng: Trời sắp mưa.
Lòng Dì nặng trĩu như đám mây đe dọa trên kia.
Nguyễn Văn Sâm
1986