BÌNH ĐỊNH: ĐỊA LÝ THIÊN NHIÊN

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

Tỉnh Bình Định thuộc vùng duyên hải miền Nam Trung Việt, có tọa độ địa lý từ 13º39’10”- 14º42’10” Vĩ độ Bắc, và 108º27’- 109º21’ Kinh độ Đông; nằm giữa và tương đối cách đều hai đầu của nước ta.

Về giới cận, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, với đường biên giới 63 km. Phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, chung biên giới 50 km. Phía Đông giáp biển Đông, có bờ biển dài 134 km. Phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, với đường biên giới 130 km.

Bình Định có chiều dài 110 km theo hướng Nam Bắc, chiều ngang trung bình 55 km theo chiều Đông Tây.

Tỉnh lỵ là thành phố cảng Qui Nhơn, cách Hà Nội 1065 km và cách thành Huế 407 km đều về phía Nam Đông Nam, cách Sài Gòn 635 km về hướng Bắc Đông Bắc.

Và địa thế tỉnh Bình Định được phác họa qua câu ca dao:

Mảng vui Hương Thủy, Ngự Bình

Ai vô Bình Định với mình thì vô.

Chẳng lịch bằng đất kinh đô

Nhưng Bình Định không đồng khô cỏ cháy

Ba dòng sông chảy, ba dãy non cao

Biển Đông sóng vỗ dạt dào

Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh.

I – ĐỊA HÌNH

1 – Thế đất:

Thế đất ở Bình Định dốc đứng, thấp dần từ Tây sang Đông và chia làm ba miền:

a/ Miền núi ở phía Tây là dãy rìa Trường Sơn, núi cao trung bình từ 500 – 700 mét, độ dốc trên 25º, chiếm 70% diện tích trong tỉnh, gồm các huyện An Lão, Hoài Ân (phía Bắc) Vĩnh Thạnh, Tây Sơn (phía Tây) và Vân Canh (phía Nam).

b/ Miền trung du ở giữa, là dải đất chạy dài theo hướng Bắc Nam, chiếm 10% diện tích, độ cao trung bình gần 100 mét, độ dốc từ 15º trụt dần còn 10º. Miền này có nhiều núi thấp xen kẽ theo đường Đông Tây, tạo thành những thung lũng hẹp.

c/ Miền đồng bằng, chiếm 20% diện tích, gồm những cánh đồng màu mỡ đan xen với đồi trọc, như xâu chuỗi ngọc viền biển Đông.

d/ Miền bờ biển có chiều dài 134 km, nếu tính cả hệ số quanh co là 148 km. Dọc theo bờ biển, từ Bắc đến Nam có ba đầm lớn: Đầm Trà Ổ ở huyện Phù Mỹ, có khúc sông Châu Trúc thông ra biển bằng cửa Hà Ra. Đầm Nước Ngọt nằm giữa hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát, với con ngòi thông ra biển bằng cửa Đề Gi. Đầm Thị Nại [1] ở phía Đông Nam của tỉnh, trải dài từ cực Bắc huyện Tuy Phước đến thành phố Qui Nhơn và thông ra biển bằng cửa Giã, tức cửa Thị Nại (Cửa Giã có hòn án ngoài, Các lái thường ngày hay gọi lao Xanh – Vè Các Lái, Hát Vô). Đầm này không những lớn nhất tỉnh mà còn có tầm quan trọng bậc nhất về mặt lịch sử, địa lý, phong thủy, quân sự, kinh tế, thắng cảnh… Ca dao miền này có câu:

Bình Định có hòn Vọng Phu

Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh.

2 – Hải đảo:

– Tại huyện Phù Mỹ có núi Kỳ Lân, bên cạnh là núi Mũi Rồng (Point de Dragon), cả hai nhô ra sát biển. Cách Mũi Rồng chừng 1 km về phía Đông, có hai đảo nhỏ là hòn Qui và hòn Phụng. Trên bản đồ tỉnh Bình Định thời Pháp thuộc, cũng ghi tên hai hòn đảo này là “Ile de Tortue” và “Ile de Phénix.” Một thế đất có đủ Long, Lân , Qui, Phụng, ứng vào tứ linh. Các nhà phong thủy cho là địa linh, ca dao cũng truyền tụng:

Ngó ra đá dựng ai trồng,

Gò Son ai tạc, Mũi Rồng ai xây.

Hòn Qui, hòn Phụng là đây,

Tứ linh còn đó chốn này ai đâu?

– Vùng biển Qui Nhơn, gần mũi Long Hải (xã Nhơn Lý) có hòn Ông Cỏ, cụm đảo hòn Cân (3 đảo), hòn Sẹo. Ở xã Nhơn Hải có hòn Khô và 1 đảo nhỏ. Phường Ghềnh Ráng có đảo hòn Ngang, hòn Đất, hòn Rớ. Cách Qui Nhơn 17 km về hướng Đông Nam, có cù lao Xanh (rộng 365 ha) và một đảo phụ, nay là xã Nhơn Châu (thuộc Qui Nhơn), dân số 2300 người.

3 – Núi non:

Bình Định, phía Đông giáp biển, ba mặt kia đều có núi non trùng điệp bao bọc, làm ranh giới thiên nhiên với các tỉnh lân cận. Núi non ở Bình Định có thể xếp thành 6 nhóm chính, nứt ra từ dãy Trường Sơn, rẽ ngang hướng về Đông, tạo thành những dãy song song cao ngất, liên kết nhau, rất hiểm trở. Nhưng càng xuống đồng bằng núi càng thấp dần, rời rạc, rồi tan biến hoặc nhô ra tận biển.

a/ Dãy Thạch Tấn:

Trường Sơn nằm ở phía Tây Trung Việt, chạy dọc từ Bắc vào Nam, khi đến cuối Quảng Ngãi mọc ra một nhánh lớn rẽ ngang, chạy về Đông và đâm ra biển. Ngăn cách hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, chỉ còn thông nhau qua đèo Bình Đê.

b/ Dãy An Lão:

Sơn hệ trùng điệp, có các ngọn núi như: Nước Teup nằm ở phía Nam xã An Vinh (huyện An Lão) cao 979 m, Kon Dong ở phía Tây xã An Toàn cao 917 m, và Seo ở phía Đông xã này, cao 899 m. Ngoài ra, còn các ngọn núi như: Nước Ôn (xã An Toàn), núi Động Của (xã An Quang), núi Sống Trâu và núi Xong (xã An Trung), núi Hóc Đèn (xã An Hưng) cũng tương đối cao.

c/ Dãy Kim Sơn:

Gồm các núi nằm trong huyện Hoài Ân có độ cao khoảng 500 m như: núi Cà Lang cao 589 m và ở phía Đông xã Ân Hảo, núi Ông Thu ở phía Đông xã Ân Sơn và phía Đông Bắc xã Ân Tín, núi Ba Bên trong xã Bok Tới, núi Dong Trục ở phía Đông xã Ân Nghĩa và phía Tây xã Ân Tường Tây, dãy núi Đồng Hầm thuộc các xã Ân Hữu, Ân Đức và Ân Tín.

d/ Dãy Vĩnh Thạnh:

Cũng như các dãy núi khác của Bình Định, dãy Vĩnh Thạnh là hiện tượng Trường Sơn nứt nhánh, liên kết với dãy An Lão và dãy Kim Sơn. Nơi đây, quy tụ nhiều ngọn núi cao, tại xã Vĩnh Kim có ngọn Kon Wir Klang cao 840 m (phía Bắc), ngọn Kon Kiêng (phía Đông) và ngọn Bok Bang cao 755 m (Đông Nam). Dãy Vĩnh Thạnh theo hướng Đông Nam đến huyện Phù Cát, rồi sơn mạch chạy ngầm dưới đồng bằng, qua khỏi chợ Gồm (thôn Vĩnh Tường, xã Cát Hanh) núi bổng vụt dậy, tạo thành quần sơn trải rộng và tiến dần về Đông cho tới sát biển. Tiêu biểu cho hệ sơn ở vùng này là núi Bà, thuộc xã Cát Nhơn, cao 544 m. Chưa hết, sơn mạch khi ẩn khi hiện, kéo dài đến núi đá Phương Mai (cao 318 m) thuộc xã Nhơn Hải, mới chấm dứt.

đ/ Dãy Tây Sơn:

Gồm những núi non trong vùng Tây Sơn cũ (Bình Khê và An Túc). Ngày xưa, Nguyễn Nhạc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, đã tụ binh và lập căn cứ trên những núi này. Ở cực Bắc huyện Tây Sơn ngày nay (tức Bình Khê) có núi Hòn Nóc, đỉnh cao 913 m, tại biên giới xã Bình Tân (Tây Sơn) và xã Cát Sơn (Phù Cát). Phía Nam huyện Tây Sơn, có Núi Chúa, đỉnh cao 828 m, tại biên giới các xã Tây Phú, Tây Xuân (Tây Sơn) và xã Canh Liên (huyện Vân Canh). Phía Tây Nam huyện Tây Sơn, tại xã Vĩnh An có ba ngọn núi cao 807, 841 và 771 m.

e/ Dãy Nam San:

Đáng kể nhất là dãy Nam San, còn gọi là dãy Bình Sau, trải khắp huyện Vân Canh, nhưng phần lớn các núi cao dồn về xã Canh Liên. Xã này rất rộng, Tây giáp với tỉnh Gia Lai; Bắc giáp các xã Vĩnh An, Tây Phú, Tây Xuân (huyện Tây Sơn) và xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn); Nam giáp huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên. Phía Đông xã Canh Liên có núi hòn Am, hòn Ông, hòn Bà cao 1.122 mét, làm biên giới với xã Canh Hiệp và Canh Thuận. Chưa hết, Canh Liên còn 14 ngọn núi khác cao từ 600 đến 1081 m.

Nói đến độ cao của hòn Ông, ca dao Bình Định có câu, Quách Tấn phổ biến:

Hòn Ông đứng tiếp hòn Bà,

Chồng cao vợ thấp đôi đà xứng đôi.

Hòn Bà còn gọi là núi Bà Cương hay Bà Phong ở Vân Canh, khác với núi Bà Sơn gọi tắt là núi Bà ở Phù Cát.

Trước khi xuống đồng bằng, dãy Nam San đi theo hai ngả đường:

– Phía Bắc, có hai nhánh núi song song, cùng tiến qua xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn: Một nhánh từ xã Canh Liên, có ngọn Thư Dương cao 582 m, đi qua ngả bờ Tây hồ Núi Một. Một nhánh nữa, từ xã Canh Hiệp và Canh Vinh vào xã Nhơn Tân, qua ngả bờ Đông của hồ, có hòn An Tượng cao 605 m. Gọi là An Tượng, vì dáng núi giống như con voi nằm, thân voi ở xã Nhơn Tân, đầu voi hướng về Đông và gác qua xã Nhơn Thọ, chiếc vòi ngoằn ngoèo vói tới thôn Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa. Núi này, cũng gọi là nguồn An Tượng, vì nơi đây phát nguyên nhiều sông suối chảy vào sông Côn.

– Phía Nam Dãy Nam San kéo dài và thấp dần về hướng Đông qua các xã Canh Thuận, Canh Hòa, Canh Hiệp (huyện Vân Canh), rồi xã Phước Mỹ, phường Bùi Thị Xuân, phường Ghềnh ráng (Qui Nhơn), ngăn cách với tỉnh Phú Yên, chỉ thông nhau qua đèo Cù Mông, hoặc đoạn Quốc lộ mới chạy dọc theo bờ biển phường Ghềnh Ráng.

07_NhơnHảiNghìnTrùng

H 1: Núi đá Phương Mai ở xã Nhơn Hải, Qui Nhơn,

điểm chấm dứt dãy Vĩnh Thạnh. (Ảnh: cuongde.org)

3 – Sông ngòi:

Ca dao Bình Định có câu “Ba dòng sông chảy, ba dãy non cao” là muốn nói đến các dòng sông mang tính lịch sử từ thời thành lập phủ Hoài Nhơn (1471) coi 3 huyện: Phía Bắc là huyện Bồng Sơn, có sông Lại; phía Nam có huyện Tuy Viễn, tiêu biểu là sông Côn; và huyện Phù Ly nằm giữa ôm trọn dòng chảy sông La Tinh từ thượng nguồn đến hạ lưu.

Nhưng nếu xếp hạng 4 con sông lớn của tỉnh nhà, về mặt địa lý, sông Hà Thanh ở Tuy Viễn đứng hàng thứ 3, còn sông La Tinh lại chót cùng.

a/ Sông Côn:

Nam Bình Định có sông Côn, nguyên có tên là sông Tuy Viễn vì nằm trong địa hạt Tuy Viễn [2], và là con sông lớn nhất tỉnh. Năm 1832 thành lập huyện Tuy Phước, tách ra từ Tuy Viễn; và năm 1888, huyện Bình Khê ra đời, cũng tách ra từ Tuy Viễn. Tên con sông được đổi thành sông Ba Huyện. Ngay cả Đại Nam Nhất Thống Chí [3] do Quốc Sử Quán đời Thành Thái (成 泰) và Duy Tân (維 新) biên soạn, khắc in năm 1910, vẫn gọi là sông Tam Huyện. Nhưng 1906, huyện Tuy Phước đã nâng cấp thành phủ, huyện Tuy Viễn cũng được đổi thành phủ An Nhơn, tên gọi con sông là Tam Huyện không còn thích hợp nữa. Để được cập nhật hóa, tên gọi Côn Giang, tức sông Côn, được khai sinh từ thời Khải Định (啟 定) 1916 – 1925.

Tại sao gọi là Côn Giang? Mặc dù ngày nay có khá nhiều địa danh của vùng thượng lưu sông Côn được thay thế bằng tên thuần Việt, nhưng vẫn còn một số địa danh vẫn giữ tên cũ, ghi âm từ tiếng Ba Na, như: Núi Kon Dong ở góc Tây Nam của huyện An Lão, núi Kon Wor Klang và núi Kon Kiêng ở góc Đông Bắc và ở phía Đông huyện Vĩnh Thạnh, đều có sông Côn chảy qua. Suy ra, ngày xưa các địa danh của vùng thượng lưu sông Côn thường có chữ “Kon” và các đoạn sông chảy qua vùng ấy cũng được mang tên của địa phương. Rồi người Việt phát âm chữ “Kon” theo âm của mình thành “Côn” và trở thành tên chính thức cho dòng sông này.

Căn cứ trên bản đồ tỉnh Bình Định, xuất bản tháng 12 năm 2001, sông Côn phát nguyên từ vùng núi Ông Nhơn ở phía Bắc xã An Toàn (huyện An Lão), biên giới với tỉnh Quảng Ngãi. Ngày xưa gọi là suối Kron, dòng chảy trực chỉ hướng Nam, rồi quẹo sang hướng Tây gặp sông Nước Mia chảy xuống theo chiều Bắc Nam. Sông Côn vẫn chảy về Tây, đến gần biên giới với tỉnh Kon Tum, xoay chiều 90°, trực chỉ hướng Nam và đi ngang qua núi Kon Dong. Khi đến biên giới chung hai xã An Toàn (huyện An Lão) và Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), sông Côn tiếp nhận nước suối Nga và suối Đá từ biên giới Kon Tum theo hướng Đông chảy đến.

Sông Côn vào địa phận huyện Vĩnh Thạnh, chảy xiên về hướng Đông Nam. Đoạn này, sông Côn nhận thêm hai nguồn nước quan trọng từ sông Nước Miên và sông Nước Trinh, đều phát nguyên từ vùng núi xã An Toàn (huyện An Lão), chảy song song theo chiều Bắc Nam để nhập vào sông Côn, bên bờ Đông, thuộc xã Vĩnh Kim. Và phía bờ Tây, rất nhiều sông suối, từ biên giới với tỉnh Kon Tum, chảy về Đông, đổ vào hồ Vĩnh Sơn (thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh), rồi theo đường ống dẫn nước của nhà máy thủy điện, thoát ra sông Côn.

Từ ngả ba đường Liên tỉnh 637, nơi góc nhọn Đông Nam xã Vĩnh Sơn tiếp giáp với xã Vĩnh Kim, sông Côn xuôi chiều theo hướng Bắc Nam, đoạn đường khá dài xuyên qua các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa; rồi phía bờ Tây là xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Quang; còn bên bờ Đông giáp với xã Vĩnh Hiệp, Vịnh Thịnh (đều thuộc huyện Vĩnh Thạnh). Đến đây, địa đầu huyện Tây Sơn, sông Côn xuyên qua xã Tây Thuận, được tiếp nhận nhiều nguồn nước:

Phía bờ Tây, có sông Trà Sơn phát nguyên từ Kon Tum chảy xiên theo hướng Đông Nam nhập vào sông Côn tại xã Vĩnh Kim. Nào suối Dăk Klott ở xã Vĩnh Hòa chảy theo chiều Tây Đông đổ nước vào sông Côn. Nào suối Xem xuất phát từ vùng núi ở xã Vĩnh Hòa theo chiều Đông Nam chảy xuống xã Vĩnh Hảo rồi Vĩnh Quang để nhập vào sông Côn tại thôn Định Tường.

Bên bờ Đông, có sông Tà Má và sông Nước Tấn nhập vào sông Côn ở thôn Thọ Quang và thôn Vĩnh Thọ thuộc xã Vĩnh Hiệp; sông Hòn Lập nhập vào sông Côn ở thôn Vĩnh Bình xã Vĩnh Thịnh.

Từ thôn Tiên Thuận (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) sông Côn chảy xiên về hướng Đông Nam, nhưng đến thôn Hiếu Thuận (cùng xã) lại ngoặc 90° về hướng Tây Nam, khi đến thôn Thượng Giang (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) thì trở lại hướng Đông Nam. Trước kia, đoạn sông từ Định Quang đến Thượng Giang, gọi là sông Hà Giao.

Qua khỏi khúc nghẹo cánh chỏ, dòng chảy sông Côn vẫn theo hướng Đông Nam xuyên qua xã Tây Giang, rồi làm ranh giới cho các xã: bên bờ Nam có Bình Tường, Nam thị trấn Phú Phong, Tây Xuân, Bình Nghi (huyện Tây Sơn) và Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn); bên bờ Bắc là các xã Bình Thành, Bắc thị trấn Phú Phong, xã Bình Hòa, Tây Bình, Tây Vinh. Đoạn này, khi đến thôn Tả Giang (xã Tây Giang) có sông Đồng Tre chảy theo chiều Tây Đông nhập vào.

Khi sông Côn chảy đến địa đầu thị trấn Phú Phong, có phụ lưu quan trọng là sông Đá Hàng nhập vào. Sông này còn gọi là sông Hầm Hô, hay sông Đồng Hưu, phát nguyên từ vùng núi cao ở xã Canh Liên (huyện Vân Canh), chảy theo chiều Nam Bắc đến xã Tây Phú lại gặp sông Cây Trâm từ xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) chảy xuống theo chiều Tây Đông, hợp lưu tại Đồng Giang, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn (quận Bình Khê Cũ), rồi chảy theo chiều Đông Bắc đến thị trấn Phú Phong để nhập vào sông Côn.

SôngCônMùaCạn

H 2: Sông Côn mùa cạn, đoạn An Vinh, An Thái.

(Ảnh: Trần Quang Kim, cuongde.org)

Qua khỏi An Thái (thuộc xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn), từ thôn Đại Bình (xã Nhơn Mỹ) sông Côn bắt đầu tách dòng làm nhiều chi lưu, quy tụ có ba nhánh chính: Bắc Phái, Trung Phái, và Nam Phái.

– Bắc Phái: ban đầu chảy thẳng hướng Đông, xuyên qua xã Nhơn Mỹ, khi đến thôn Thiết Trụ (xã Nhơn Hậu) lại phân đôi:

Nhánh chính vẫn gọi là sông Côn, trực chỉ hướng Bắc tới thôn Thiết Tràng (Nhơn Mỹ), rẽ về Đông qua Nhơn Thành (thị xã An Nhơn), rồi vòng lên Cát Nhơn, qua Cát Thắng, vòng xuống Cát Chánh (huyện Phù Cát). Cuối cùng, vào xã Phước Thắng theo chiều Bắc Nam, rồi thông ra đầm Thị Nại. Đoạn này lòng sông mở rộng nên gọi là sông Cái.

Nhánh phụ mang tên sông Đập Đá, rẽ xiên xuống hướng Đông Nam tới thôn Thanh Danh (xã Nhơn Hậu), lại quặt lên Đông Bắc tạo hình chữ V. Khi đến thôn Thuận Thái (xã Nhơn An), dòng chảy xuôi về Đông qua các xã Nhơn Phong, Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn), rồi vào xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) lại chia thành nhiều nhánh nhỏ nhập vào sông Cái.

– Trung Phái: khi qua khỏi thôn Phụ Ngọc (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn), nhánh Nam Phái cũng phân đôi, thêm nhánh Trung Phái chảy theo chiều Tây Đông, rồi mất hút trong cánh đồng màu mỡ của các xã Nhơn Khánh, phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) và Phước Hưng (huyện Tuy Phước).

– Nam Phái: vẫn chảy xiên về hướng Đông Nam đến thôn Trường Cửu xã Nhơn Lộc bỗng tách dòng một đoạn ngắn, rồi hợp lại tại thôn Hòa Nghi (phường Nhơn Hòa). Ở đoạn phân đôi này, có một con ngòi theo hướng Đông Bắc, dẫn nước từ hồ Núi Một [4] chảy qua các xã Nhơn Tân, Nhơn Thọ, đến phường Nhơn Hòa rồi nhập vào nhánh rẽ phía Nam sông Côn, tại Gò Sành thôn Phụ Quang.

Sông Côn tiếp tục chảy xiên về Đông Nam, men theo biên giới phía Nam phường Bình Định (thị xã An Nhơn) và thôn Tri Thiện (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước). Từ đây, dòng Nam Phái chuyển hướng Đông Bắc chảy đến thôn Tân Giảng (xã Phước Hòa), rồi vào thị tứ Gò Bồi với lòng sông mở rộng và thoát nước ra đầm Thị Nại.

Cùng chung một vùng đất, cùng xuôi về Đông chảy ra biển, nhưng hai con sông lớn của tỉnh nhà, đặc tính trái ngược nhau, ca dao cũng ghi lại:

Nước Lại Giang mênh mang mùa nắng,

Dòng sông Côn lai láng mùa mưa.

b/ Lại Giang:

Con sông lớn hàng thứ hai là Lại Giang, hay sông Lại, tiếng gọi tắt của Lại Dương Giang, bắt nguồn từ huyện An Lão và núi Kim Sơn (huyện Hoài Ân).

– Nguồn An Lão, phát nguyên từ xã An Vinh (huyện An Lão) ở phía Tây, chảy vòng lên hướng Bắc qua xã An Dũng, rồi xã An Trung phía Đông, tạo thành sông An Lão. Khi đến thôn Bảy của xã An Trung lại gặp sông Nước Điệp từ phía Bắc chảy xuống tiếp nước vào. Dòng chảy trực chỉ hướng Nam qua xã An Tân, rồi An Hòa. Khi đến thôn Xuân Phong, xã An Hòa lại gặp sông nước Xáng từ xã An Quang theo hướng Đông Đông Bắc chảy đến nhập vào. Lượng nước sông An Lão trở nên dồi dào, vẫn tiếp tục xuôi Nam qua xã Ân Hảo, huyện Hoài Ân. Khi đến địa đầu xã Ân Tín, dòng chảy hướng về Đông Nam.

– Nguồn Kim Sơn phát nguyên từ hai xã Đắc Mang và Bok Tới, huyện Hoài Ân. Ở xã Đắc Mang, sông Nước Lương và sông Nước Mang hợp lưu, rồi chảy từ Bắc xuống Nam. Ở xã Bok Tới, sông Lớn phát nguyên và chảy xuyên qua xã Ân Nghĩa theo chiều Đông Bắc. Dọc đường, phía Nam có sông Nước Lâng (từ xã Ân Nghĩa), phía Bắc có sông Kim Sơn, từ núi Ba Bên (xã Bok Tới) tiếp nước vào. Khi sông Lớn chảy đến thôn Kim Sơn, điểm giáp ranh ba xã Ân Nghĩa (phía Nam), Ân Hữu (phía Bắc), Ân Tường Tây (phía Đông), thì nhập vào sông Nước Lương. Từ đấy mang tên sông Lớn và chảy theo chiều Đông Bắc đến thôn Hà Tây (xã Ân Tường Tây), lại đổi hướng để xuyên qua xã Ân Đức theo chiều Nam Bắc, và đổi tên thành sông Kim Sơn; rồi chảy về hướng Đông Bắc làm biên giới cho xã Ân Thạnh. Ca dao vùng ngày có câu:

Kim Sơn, An Lão hai nguồn,

Nước về sông Lại chảy luôn tháng ngày.

Nơi đây, dòng chảy sông An Lão và sông Kim Sơn tạo thành hai nhánh của chữ V, uốn khúc đối xứng lạ thường. Rồi giao nhau ở cuối thôn Phú Văn (xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân), và trở thành sông Lại Giang. Dòng nước theo hướng Đông Bắc chừng 4 km, rồi xuyên qua cầu Bồng Sơn chảy chừng 1 km, lại đổi chiều về hướng Đông Nam cho đến cuối thôn Bình Chương (xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn), có sông Định Bình nhập vào. Dòng chảy quặt về hướng Đông Bắc chừng 5 km, đến thôn Phú An (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) lại quẹo về Đông Nam lần nữa, rồi quanh một vòng để hướng về Đông, đổ ra biển qua cửa An Giũ, còn gọi là cửa Bầu Tượng (vì giống hình trái bầu tượng), thuộc xã Hoài Hương.

23_GuồngXeNướcTrênSôngLạiGiang_ẢnhTrùngDương_NhàẢnhTạiQuiNhơn

H 3: Guồng Xe nước trên sông Lại Dương.

(Nhiếp ảnh gia Trùng Dương chụp trước năm 1975)

c/ Sông La Tinh:

Con sông lớn chỉ đứng hàng thứ tư trong tỉnh Bình Định, nhưng mang tính lịch sử từ thời lập phủ Hoài Nhơn (1471). Sông này, tiêu biểu cho huyện Phù Ly (nay là huyện Phù Mỹ và Phù Cát), nên còn gọi là sông Phù Ly.

Sông dài 54 km, độ cao trung bình là 150 mét, phát nguyên từ vùng Hội Sơn, là nơi quần tụ nhiều núi non, thuộc xã Cát Sơn, huyện Phù Cát. Nhiều khe núi tạo thành sông suối đổ nước vào hồ Hội Sơn, rồi theo Suối Cả chảy về hướng Đông Nam, dọc đường tiếp nhận nhiều nguồn nước từ các khe suối ở hai bờ Đông và Tây. Suối Cả dài chừng 11 km và khi đến An Điềm (xã Cát Lâm), lại đổi tên là sông La Tinh.

Từ đây, dòng chảy theo chiều Tây Đông, làm ranh giới hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát. Đến địa đầu thôn Chánh Hội xã Mỹ Cát, sông rẽ làm hai nhánh:

– Nam Phái vẫn giữ tên sông La Tinh, còn gọi là sông Cái hay sông Mỹ Cát, chảy qua vùng An Mỹ (xã Mỹ Cát).

– Bắc Phái mang tên sông An Siểng, còn có tên Lu Xiêm Giang, nhưng quen gọi là sông Con, chảy qua vùng An Xuyên (xã Mỹ Chánh). Nhánh này tiếp nhận thêm nguồn nước quan trọng của sông Bần Đá, từ hồ Núi Giầu ở Trung Thành (xã Mỹ Quang) chảy xuôi hướng Nam, đến Ninh Bình (xã Mỹ Tài) chuyển hướng về Đông, rồi gặp sông An Siểng tại địa đầu Kiên Trinh.

Tuy tách dòng, nhưng sông Cái và sông Con [5] cùng hướng về Đông, chảy song song và cách nhau chừng nửa cây số, khi đến thôn Xuân Hải, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, hai nhánh hợp lại và đổ vào đầm Nước Ngọt tức đầm Đề Gi.

IMG_2512_1

H 4: Vùng hạ lưu sông La Tinh.

(Trích Bản Đồ Hành Chánh tỉnh Bình Định, 2001)

d/ Sông Hà Thanh:

Tuy không được coi là con sông tiêu biểu cho huyện Tuy Viễn trong giai đoạn lịch sử thành lập phủ Hoài Nhơn (1471), nhưng sông Hà Thanh, còn gọi là sông Vân Sơn, lớn thứ ba trong tỉnh Bình Định, có chiều dài 58 km, hơn sông La Tinh 4 km.

Sông Hà Thanh phát nguyên từ vùng núi phía Tây Nam huyện Vân Canh, ở độ cao trung bình 500 mét so với mực nước biển.

Nguyên là sông Sơn Thành phát nguyên từ vùng núi tận cùng phía Nam của xã Canh Hòa, giáp với xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Dòng chảy theo hướng Bắc Tây Bắc, hai bên bờ Đông và Tây, có nhiều suối nhỏ đổ nước vào. Khi đến hòn Mẻ thuộc xã Canh Thuận, gặp suối Chiếp từ xã Canh Hòa theo hướng Đông Bắc chảy vào. Khi đến thị trấn Vân Canh lại có suối Lớn phát nguyên từ vùng núi xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, chảy theo hướng Đông Nam rồi quặt về Đông Bắc để nhập vào.

Từ đây, tên sông được đổi thành Hà Thanh, và dòng chảy hướng về Đông Bắc cho tới xã Canh Hiển (huyện Vân Canh), rồi trực chỉ hướng Bắc. Từ ga Tân Vinh, thuộc xã Canh Vinh, dòng chảy trở lại hướng Đông Bắc cho đến thôn Mỹ Lợi (xã Phước Mỹ, Qui Nhơn). Từ Mỹ Lợi đến Cảnh An 2 (xã Phước Thành, Tuy Phước), chỉ một đoạn ngắn, sông Hà Thanh tiếp nhận ba nguồn nước chảy song song theo chiều Nam Bắc, đó là sông Nhì Hà, con suối bắt nguồn từ hồ Long Mỹ, và một suối khác đến từ dãy núi đá gần hồ. Lại nữa, tại thôn Cảnh An 1 (Phước Thành), có thêm sông Núi Thơm đến từ hồ Cây Thích và hồ Đá Vàng nhập vào, làm cho lòng sông Hà Thanh mở rộng ở đoạn này.

Nhờ tiếp nhận nước nhiều sông, suối từ xã Phước Mỹ [6] và Phước Thành, dòng sông Hà Thanh mạnh lên, quẹo mình về hướng Đông Bắc vào xã Phước An (Tuy Phước), rồi chảy dọc theo biên giới với phường Trần Quang Diệu (Qui Nhơn). Khi đến thôn Vân Hội (thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước), sông Hà Thanh chia làm 3 nhánh:

– Nhánh Bắc, gọi là Sông Tọc chảy vào thị trấn Tuy Phước, thông qua cầu Trường Úc, rồi xuôi về Đông qua các thôn Quỳnh Mai (Phước Nghĩa), Quảng Vân, Bình Thái (Phước Thuận) và đổ ra đầm Thị Nại.

– Nhánh Đông Bắc, gọi là Sông Ngang chảy dọc theo ranh giới thôn Luật Lễ (thị trấn Diêu Trì) và phường Nhơn Phú (Qui Nhơn), rồi vào Nhơn Bình, cũng đổ ra đầm Thị Nại qua ngả Bình Thái.

– Nhánh Đông Đông Nam, chảy qua địa phận phường Nhơn Phú, vào hồ Phú Hòa (Nhơn Phú), rồi thoát ra đầm Thị Nại qua ngả Cầu Đôi.

CầuĐôi_CửaVàoNộiThànhQuiNhơn_ẢnhTrùngDương

H 5: Sông Hà Thanh, đoạn chảy qua Cầu Đôi, Qui Nhơn.

(Ảnh: Trùng Dương chụp trước năm 1975)

3 – Phong thủy:

Nhìn chung cuộc đất Bình Định ở thế lưỡng cực cân đối, như chiếc ngai vàng khổng lồ: tay vịn phía tả là dãy Thạch Tấn, giáp Quảng Ngãi; tay vịn phía hữu là dãy Nam San, giáp Phú Yên; song song và kế tiếp với hai dãy núi tả hữu là hai con sông lớn nhất tỉnh, tạo thế long chầu hổ phục. Hậu yểm của cuộc đất là dựa lưng vào rìa dãy Trường Sơn cao vút, giáp tỉnh Gia Lai. Mặt trước quay về hướng Đông, với cụm đảo ở Phù Mỹ có đủ long, lân, quy, phụng đứng chầu trước ngai. Và lồng lộng trời cao biển cả, vùng biển Qui Nhơn có Cù Lao Xanh và nhiều đảo nhỏ làm tiền áng che chở cho tỉnh lỵ.

a/ Với huyện Tây Sơn:

Phía Tây xã Bình Tường, giáp ranh với xã Tây Giang, có dãy Hoành Sơn, cao 364 m, nằm ngang trải dài theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, dân trong vùng quen gọi là núi Ngang, vì thẳng góc với dãy núi từ hòn Ông Nhạc đến hòn Lãnh Lương [7].

Trước mặt núi Ngang, phía Đông Bắc có Trưng Sơn, còn gọi là hòn Bút đỉnh vun cao 422 mét, xa trông như ngọn bút chép vào tờ mây. Phía Đông Nam có Hợi Sơn, tức hòn Dũng, cao 491 mét, trên đỉnh có vũng nước sâu quanh năm không cạn, giống như đĩa đựng mực, nên còn có tên là Nghiên Sơn.

Sát chân núi Ngang, có hai ngọn núi nhỏ: Ở phía Bắc là hòn Giải, từ phía Đông nhìn vào dáng núi hơi vuông như chiếc ấn, nên gọi là Ấn Sơn, nếu nhìn từ phía Bắc thì thấy tròn như cái trống, nên còn gọi là Cổ Sơn tức hòn Trống. Và ở phía Nam có hòn Một, tựa như quả chuông, nên có tên là Chung Sơn, tức hòn Chuông. Tương truyền thời Tây Sơn treo trống, chiêng ở hai núi này để đánh báo hiệu cho tiếng vang xa.

Phía Đông ngọn Ấn Sơn, có hòn núi thấp nhưng kéo dài ra và nhỏ dần như một lưỡi kiếm, mang tên là Kiếm Sơn, dân trong vùng quen gọi hòn Kiếm. Và phía trên hòn Kiếm, có một ngọn đồi, trông giống như con hổ nằm, đầu ngó lên Hoành Sơn.

Tương truyền mộ Nguyễn Phi Phúc, thân sinh Tam Kiệt Tây Sơn, được chôn cất kín đáo trong dãy Hoành Sơn. Mộ táng trong huyệt trường của một quần sơn có: nào bút (Bút Sơn), nào mực (Nghiên Sơn), nào ấn (Ấn Sơn), nào kiếm (Kiếm Sơn), nào trống (Cổ Sơn), nào chuông (Chung Sơn), lại có cả thú dữ quy phục.

b/ Với thị xã An Nhơn:

Năm 1808, vua Gia Long (嘉 隆) cho xây cất thành Bình Định nằm trên vùng đất gò, có thể quan sát tầm xa các vùng chung quanh. Phía Bắc có núi Mò O làm hậu chẩm, cao 354 mét, ở biên giới giữa hai huyện Phù Cát (phía Bắc) và An Nhơn (phía Nam), trông giống như con mãnh hổ nằm cong ngoái đầu lại ôm giữ mặt sau thành. Theo các nhà phong thủy, hòn Mò O còn tiếp nhận hai sơn mạch như hai con rồng có chung một đầu, tạo thế “lưỡng long nhập thủ.” Phía Nam có dãy Triều Sơn làm tiền án, gồm những ngọn núi không cao quá 350 mét mà cũng không rậm, trông giống như đàn voi phủ phục trước mặt thành đợi lệnh. Phía Tây có dòng Nam Phái sông Côn, khi chảy đến gần thôn Phụ Ngọc (xã Nhơn Phúc) và Quang Quang (xã Nhơn Khánh) cách thành chừng 5 km, mọc ra nhánh Trung Phái chạy dọc theo thôn Quang Quang rồi chảy thẳng xuống Đông bọc mặt sau (hướng Bắc) thành Bình Định. Còn nhánh Nam Phái rẽ vào Phụ Ngọc xuôi hướng Đông Nam chừng vài cây số, rồi quẹo về Đông chảy qua cửa Tiền (hướng Nam) thành Bình Định. Cả hai nhánh Trung Phái và Nam Phái đều có nhiều nhánh con hướng về bốn mặt thành, tạo thế “Tứ thủy triều quy” (bốn mặt nước về chầu). Núi, sông đan xen với đồng lúa bao quanh, nơi đây vùng đất địa linh đầy hiểm trở, che chở cho thành Bình Định.

c/ Với thành phố Qui Nhơn:

Tại xã Nhơn Lý, Nhơn Hội và Nhơn Hải, có dãy Phương Mai, còn gọi là dãy Triều Châu, kéo dài như một con rồng, đầu là vùng núi đá Phương Mai, Gành Hổ là nanh, Mũi Mác là sừng, Eo Vược là cổ, dãy núi cát từ Giốc Ngựa đến Cách Thử là mình và phần đuôi kéo dài vài chục cây số đến cửa Đề Gi (huyện Phù Cát). Con rồng ấy án ngữ mặt đông, suốt từ Nam ra Bắc, che chở cho đầm Thị Nại sóng êm bể lặng, mặc cho biển Đông gào thét trong những ngày mưa bão (xem Hình 1).

Cửa Thị Nại tức cửa Qui Nhơn là một hải khẩu lý tưởng, nước sâu và đủ rộng cho tàu biển vô ra. Rộng nhưng không trống trải vì có mũi Cổ Rùa (phía nội thành Qui Nhơn) giao đầu với mũi Gành Hổ (phía ngoại thành) như hai cánh cổng trời khép lại, bảo vệ cho đầm Thị Nại vừa kín đáo vừa ấm cúng. Các nhà phong thổ học rất đắc ý, khen là cuộc đất “thủy khẩu giao nha.” Thật vậy, tương lai của cảng Thị Nại đầy hứa hẹn, có khả năng hấp dẫn không những Tây Nguyên, Phú Yên mà cả Hạ Lào và miền Đông Bắc Cao Miên nữa.

d/ Giá trị Phong thủy:

Với thế đất ấy, với long mạch ấy, theo các nhà phong thủy, Bình Định là một Đại cuộc, dãy núi Ngang (Hoành Sơn) ở xã Bình Tường là Huyệt trường, và hòn Ấn (Ấn Sơn) là Huyệt kết. Nhờ ngôi mộ của thân phụ táng ở cuộc đất phát vương, Tam Kiệt Tây Sơn từ dân áo vải mà làm nên nghiệp lớn: dẹp nội loạn, trừ ngoại xâm, mở đầu việc thống nhất đất nước. Nguyễn Huệ lập chiến tích kỷ lục về thời gian, chỉ một đêm mà quét sạch 2 vạn quân Xiêm dễ như trở bàn tay, và đánh tan 20 vạn quân Thanh chỉ trong 5 ngày.

Chính bởi có địa linh ắt sinh nhân kiệt, đất Bình Định được hai lần chọn làm thủ đô. Lần trước là kinh thành Đồ Bàn của Chiêm Quốc, lần sau là thành Hoàng Đế của Tây Sơn.

Lạy trời cho cả gió lên,

Cho cờ Hoàng Đế bay trên Kinh thành.

37_BánĐảoQuiNhơn

H 6: Cửa biển Qui Nhơn, cuộc đất “thủy khẩu giao nha.”

II – LỜI KẾT

Tóm lại, Bình Định là cửa ngỏ thông với Tây Nguyên Trung Việt và hai nước Miên, Lào qua Quốc lộ 19; là khúc xương sống nối liền Nam – Bắc bằng Quốc lộ 1. Bình Định có đủ các thế đất từ miền núi, trung du đến đồng bằng ven biển và hải đảo; có kinh đô Đồ Bàn, và Hoàng Đế; có trường thi Hương văn, Hương võ; có nhiều danh nhân lịch sử và văn hóa; có nhân kiệt dẹp nội loạn, trừ ngoại xâm; có võ Tây Sơn được đưa vào quốc phòng; có di tích lịch sử và có thắng cảnh; có phi trường lớn và hải cảng tốt với đường biển thông với quốc tế; có đường sắt xuyên Việt, có hai quốc lộ chạy dọc và ngang; có nhiều hồ đầm lớn; và có đủ tài nguyên khoáng, lâm, thổ, hải sản.

Có thể nói Bình Định là một Quốc gia thu nhỏ, vì đủ yếu tố cần cho một nước.

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[1] Đầm Thị Nại: Địa danh này đã có sự chuyển hóa về ngữ học, từ tên gọi Thi Nại (chữ “Thi” không dấu nặng) đến Thị Nại (chữ “Thị” có dấu nặng). Người Tàu theo âm của tiếng Chăm là Crivinaya, phiên âm ra Hán tự, nếu đọc theo âm Việt là Thi-lị-bì-nại, rồi người nước ta Việt hóa thành “Thi Nại” (trong các sách xưa). Và một lần nữa, lại được dân chúng chuyển hóa thành “Thị Nại” (chợ ruộng muối: Đại Nam Quốc Âm Tự Vị trang 63, Từ Điển Tiếng Việt trang 651, Đại Từ Điển Tiếng Việt trang 1163) để chỉ cái đầm mà họ thường lui tới mua bán muối. Vả lại, ngữ âm Thị Nại thích nghi với khẩu ngữ hơn vì dễ đọc mà còn hợp với phương diện ngữ nghĩa nữa (xem thêm Sắc Hương Quê Nhà, Chương 7: Đầm Thị Nại, các tiểu mục: Vấn đề tên gọi, Hiện tượng chuyển hóa, Tại sao có sự chuyển hóa, Và sự chuyển hóa từ lúc nào?)

[2] Thời Gia Long (1802 – 1819), huyện Tuy Viễn gồm có: tổng Vân Dương và 6 thuộc là Võng Nhi, Hà Bạc, Sơn Điền, Thời Tú, Thời Đôn, Thời Hòa, cả thảy là 272 ấp và 1 trang. Các địa danh này, hiện nay là thành phố Qui Nhơn, thị xã An Nhơn, và các huyện: Tuy Phước, Bình Khê, Vân Canh, Vĩnh Thạnh.

[3] Đại Nam Nhất Thống Chí là bộ sách Địa lý học Việt Nam đầy đủ nhất, do vua Tự Đức sai Quốc Sử Quán biên soạn, nhưng kéo dài từ năm 1865 đến năm 1882 mới hoàn thành. Dâng lên Vua ngự lãm và xin được khắc in. Nhà Vua phán phải sửa kỹ lại và soạn thêm tập “Bổ Biên” ghi chép các sự kiện cho đến hết năm 1881. Nhưng rồi Tự Đức mất (1883), tiếp theo xảy ra nhiều biến cố, và nhất là kinh đô thất thủ (1885), khiến bản thảo làm xong chưa kịp dâng lên vua lần nữa, bị thất lạc một số trong đó có tập “Bổ Biên.” Năm 1906, Thành Thái (1889- 1907) sai Quốc Sử Quán làm lại bộ Đại Nam Nhất Thống Chí, nhưng chỉ có các tỉnh ở Trung Kỳ.

[4] Hồ Núi Một rộng chừng 1.200 mẫu tây (ha), nằm trên địa phận của ba xã: nửa phía Bắc thuộc xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn); nửa phía Nam, bên Đông thuộc xã Canh Tiến, bên Tây thuộc xã Canh Liên (huyện Vân Canh). Con đập thủy điện nằm về phía Bắc của hồ, có con ngòi thông với dòng Nam Phái sông Côn.

[5] Cầu An Xuyên bắc qua sông Lu Xiêm Giang và cầu An Mỹ bắc qua sông La Tinh, để nối đường liên huyện 632, đi từ thị trấn Phù Mỹ đến cửa Đề Gi tại thôn An Quang thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát.

[6] Nguyên xã Phước Mỹ thuộc huyện Tuy Phước, được sáp nhập vào thành phố Qui Nhơn từ năm 2006.

[7] Hòn Ông Nhạc ở thôn Thượng Giang, xã Tây Giang (Bình Giang cũ), huyện Tây Sơn (Bình Khê cũ).

Hòn Lãnh Lương ở thôn Tả Giang, xã Tây Giang, sát Quốc lộ 19.Theo Nguyễn Xuân Nhân, Văn Học Dân Gian Tây Sơn, trang 22, nơi đây Nguyễn Lữ phát lương cho quân sĩ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

01/ BÙI VĂN LĂNG; Địa Dư Mông Học Tỉnh Bình Định, in lần thứ nhì; Imprimerie de Qui Nhơn, 1935.

02/ ĐỖ BANG; Lịch Sử Thành Phố Qui Nhơn; Huế, nxb Thuận Hóa, 1998.

03/ GOOGLE; Sưu tầm hình minh họa trên Mạng.

04/ NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn – Bình Định I; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996.

05/ NGUYỄN HẠNH Chủ biên; Toàn Cảnh Việt Nam; không đề nơi, nxb Thống Kê, 1997.

06/ NGUYỄN XUÂN NHÂN; Văn Học Dân Gian Tây Sơn; Không đề nơi. nxb Trẻ, 1999.

07/ QUÁCH TẤN; Nước Non Bình Định; Sài Gòn, nxb Nam Cường, 1967.

08/ QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển IX, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, tập 3; Huế, nxb Thuận Hóa, 1992.

09/ TÒA HÀNH CHÁNH TỈNH BÌNH ĐỊNH; Địa Phương Chí Tỉnh Bình Định; Qui Nhơn, Tòa Hành Chánh Tỉnh Bình Định ấn hành, 1966.

10/ TỔNG CỤC ĐỊA CHÁNH; Tỉnh Bình Định – Bản Đồ Hành Chính, trọn bộ gồm 4 bản, mỗi bản khổ 78 x 106 cm; Không đề nơi, Nhà Xuất Bản Bản Đồ; tháng 12- 2001.

11/ TRẦN ĐÌNH THÁI; Ai Có Về Qui Nhơn; Sài Gòn, Tủ sách đẹp Quê Hương xuất bản, 1973.

12/ TRẦN TRỌNG KIM; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ bảy; Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964.

13/ VŨ MỸ CHÂU và nhiều tgk.; Nước Tôi Dân Tôi, tái bản lần thứ nhất; San Jose CA, Cơ sở Đông Tiến xb., 1992.