Những nét đặc thù trong

môi trường văn hoá miền Bắc

Thái Công Tụng

1.Từ truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh đến sự hình thành châu thổ miền Bắc

Châu thổ sông Hồng, chừng 10.000 năm về trước, vào thời kỳ địa chất Holocen, vẫn còn là một vịnh biển cạn. Thực vậy, các châu thổ này đã từng trải qua nhiều lần:

khi biển tiến,-lúc đó diện tích đất châu thổ bị thu hẹp lại-,

khi biển lùi,-lúc đó diện tích đất châu thổ nới rộng ra.

Quá trình biển tiến (transgression), biển lùi (régression) như vậy không phải chỉ xảy ra một lần mà nhiều lần, ăn khớp với bốn thời kỳ băng hà và bốn thời kỳ tan băng trong kỷ thứ tư về địa chất (quaternary geology) của hành tinh ta đang sống . Kỷ thứ tư là kỷ mới nhất về địa chất và cũng là kỷ quan trọng nhất vì chính loài người đã hình thành trong kỷ này. Tưởng cũng cần nhắc lại trong địa chất học, người ta thường phân biệt bốn thời kỳ băng giá: thời kỳ thứ nhất gọi tên là Günz (từ 600 000 năm đến 540 000 năm trước), thời kỳ thứ hai có tên là Mindel (từ 480 000 năm đến 430 000năm), thứ ba là Riss (từ 240.000 năm đến 180.000 năm trước) và cuối cùng có tên là Würm (từ 120.000 năm đến 10.000 năm trước). Như vậy, mỗi thời kỳ băng giá lâu đên cả trăm ngàn năm và giữa hai thời kỳ băng hà lại có một thời kỳ tan băng, nước băng hà tan chảy ra, như thời kỳ tan băng thứ nhất gọi là Günz-Mindel, thời kỳ tan băng thứ hai gọi là Mindel-Riss, thứ ba là Riss-Würm.

Vào các thời kỳ băng hà thì nước co cụm lại trong các tảng băng dày nên nước biển co rút lại: đó là lúc biển lùi (biển rút, biển thoái). Đặc biệt vào cao điểm của thời kỳ băng hà lần cuối cách nay 20 000 năm, toàn bộ miền Bắc nước Mỹ, toàn xứ Canada ngày nay, vùng Siberia, Bắc Trung Quốc cũng như Bắc Âu kể cả Pháp, Đức … đều bị băng giá bao phủ, bề dày cả chục km ! Lúc đó, mực nước biển sụt xuống 120 mét (-120 m) so với cao độ biển hiện nay (0 mét). Đó là thời điểm người Bắc Á Châu lội qua eo biển Behring vốn nối liền Siberia và Alaska và là tổ tiên các bộ lạc đầu tiên định cư xứ Canada này.. Vào thời kỳ đó, vịnh Thái Lan còn là đất liền, thềm Sunda giữa Indonesia và đồng bằng sông Cửu Long là đất liền nên nhiều cư dân vùng Indonesia hiện nay có thể vượt qua thềm Sunda để sinh sống: đó là những cư dân đầu tiên ở bán đảo Đông Dương (Pháp gọi là Proto-Indochinois). Người ta tìm thấy hiện nay ở cao độ -120 mét, trên mọi đại dương, những di tích các bờ biển cổ với nhiều rặng san hô

Cách nay chừng 17 hay 18.000 năm, các tảng băng bắt đầu tan nên mực mước biển dâng cao tương đối nhanh chóng ( biển tiến). Ở Âu châu, thời kỳ biển tiến ở giai đoạn này gọi là thời kỳ biển tiến Flandrian (transgression flandrienne):

– cách nay 10.000 năm, thời Holocen sớm, mực nước biển còn ở mức –55 mét

-cách nay 6500 năm đến 5000 năm, vào thời Holocen giữa, mực nước biển còn ở mức -20 mét và từ từ tiến lên, đạt mực biển như hiện nay 0 mét vào khoảng 5.000 năm trước và vẫn tiếp tục dâng cao hơn 4-5 mét so với mức nước biển hiện tại .

Khi biển tiến vào châu thổ thì người Việt cổ phải di cư lên vùng cao hơn như vùng Trung Du (Phú Thọ, Hoà Bình…) và chính vùng này là nơi các vua Hùng dựng nước. Biển tiến vào châu thổ kéo theo sự lắng tụ các trầm tích biển ở các trũng thấp, và cùng với phù sa nước sông, hình thành môi trường nước lợ (brackish water) với rừng thực vật ngập mặn mọc trên đó, tạo thêm điều kiện khiến châu thổ chóng trầm tích hơn.

-sau đợt biển tiến như trên, biển mới bắt đầu thoái, mực nước biển rút dần, tạo thành những bờ biển mới, hình thành các ‘giồng’ (parallel beach ridges) như ở Bến Tre, Trà Vinh) chạy song song với bờ biển hiện nay, các đầm, các ‘phá’ (lagoon) cũng như những di tích củ như hàu, sò .. Các đồng bằng này như chúng ta thấy được ngày nay chỉ được hình thành và được con người chiếm lĩnh, khai thác vào lúc đó.

Truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh của nước ta cũng nằm trong các hiện tượng địa chất vừa nói: Thủy Tinh khi vươn lên tận núi (biển tiến) đuổi theo Sơn Tinh và biển lùi, tạo nên châu thổ, tức Sơn Tinh thắng Thủy Tinh !

Nhưng đó là chuyện địa chất xưa thật là xưa, nhớ mấy cho vừa.

Nhiều vùng ven biển thuộc tỉnh Thái Bình, Ninh Bình chỉ cách đây vài trăm năm vẫn còn là biển nhưng với qúa trình bồi tụ, các bãi lầy ven biển được phù sa bồi đắp dần, cọng thêm sức chinh phục biển bằng cách quai đê lấn biển, đắp đê ngăn nước mặn, lấp trũng, khai phá như vài vùng duyên hải Hoà Lan đã làm . Làng Kỳ Bá ở ven thị xã Thái Bình ngày nay, vào thế kỷ thứ 10, còn là cửa biển nên có tên gọi là ‘Kỳ bố hải khẩu’ .Phố Hiến (thị xã Hưng Yên ngày nay) xưa kia là cửa biển, buôn bán sầm uất nên có câu truyền tụng: ‘Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến’. Vì mới thành hình nên nhiều nơi vẫn là sình lầy, ao tù. Sử sách và ký ức truyền lưu bao đời người kể rằng vào thời hưng thịnh, thế kỷ XVII – XVIII, thương cảng này đã từng đón bao thuyền buôn đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp và xứ Đàng Trong…

Đồng bằng sông Hồng dễ bị lụt nên từ đời nhà Lý, đã xây đê trị lụt. Và đê điều cũng là một nét đặc thù của văn hoá miền Bắc vì miền Trung và miền Nam không có. Hệ thống đê điều toàn vùng đồng bằng đã khiến cho sự bồi đắp không đồng đều; thực vậy, bề mặt nhiều nơi còn lồi lõm. Những vùng vỡ đê củ thì nước lụt tràn vào đem theo nhiều trầm tích phù sa và làm xáo trộn địa hình: nơi bị đào khoét, nơi bị lấp vùi, nơi thì toàn cát .Từ lúc xây đê, sông Hồng đổ phù sa trên cửa biển, thay vì trên đất liền, do đó trong vùng châu thổ vẫn còn nhiều nơi trũng như tại Hà Bắc và Hà Nam Ninh: đây còn gọi là vùng chiêm trũng, vì vùng trũng này trước kia chỉ trồng được lúa chiêm, vào mùa nắng, nghĩa là trồng tháng 12 và thu hoạch tháng 5, trước khi mưa xuống.

Sông Hồng chuyên chở nhiều lượng phù sa nên tốc độ bồi lấp các vùng duyên hải như Kim Sơn, Tiền Hải rất nhanh, có nơi mỗi năm bồi ra biển từ 80-100m. Sau đây là vài con sông chính châu thổ sông Hồng

Sông Hồng là con sông lớn nhất ở Bắc bộ, bắt nguồn từ Vân Nam và chảy qua nước ta ở Lao Kai đầu tiên và do Sông ĐàSông Lô họp lại . Sông Lô lại do Sông ChảySông Gầm tạo nên . Trên sông Chảy có nhà máy thủy điện Thác Bà còn trên sông Đà có nhà máy thủy điện Hoà Bình, công suất gần 2.000 MW.

Từ Việt Trì trở ra biển, sông Hồng có những phân lưu như sau: Tả ngạn có các sông Đuống và sông Luộc . Sông Đuống nối sông Hồng với sông Thái Bình đã được nhà thơ Hoàng Cầm thi vị hoá trong bài thơ ‘Bên kia sông Đuống’ (1948):

Em ơi buồn làm chi

Anh đưa em về sông Đuống

Ngày xưa cát trắng phẳng lì

hoặc:

Ai về bên kia sông Đuống

Có nhớ từng khuôn mặt búp sen

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng

Phụ lưu chính phía hửu ngạn của sông Hồng Hà là sông Đáy. Sông Đáy được nhắc đến trong thơ ‘Đôi mắt người Sơn Tây’của Quang Dũng:

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn

Lên núi Sài Sơn ngó lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Sông Nam Định và sông Phủ Lí nối sông Hồng và sông Đáỵ

Sông Thái Bình do 3 sông là sông Lục Nam, sông Thương và sông Cầu họp nên ở ngang Phả Lại và đổ ra biển: sông Lục Nam bắt nguồn từ Lạng Sơn, thượng lưu lòng hẹp, gồ ghề, lắm thác ghềnh nên tốc độ dòng chảy mạnh, sông Thương cũng phát nguyên từ Lạng Sơn, còn sông Cầu bắt nguồn từ vùng Bắc Cạn. Sông Kì Cùng (thị xã Lạng Sơn nằm trên sông Kì Cùng) gồm có sông Kì Cùng, sông Bắc Giang, sông Bắc Khê.

Hai hệ thống sông Kì Cùng và sông Thương đã tạo nên giao thông đường thủy khá quan trọng, chở nhiều cây tre, nứa, song, mây, gỗ, dược liệu và các lâm sản khác đã theo thuyền bè về xuôi

Ngoài sông ngòi, còn có các hồ thiên nhiên như hồ Ba Bể (thuộc Cao Bằng), hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần ở Hà Bắc (hai hồ này thuộc huyện Lục Ngạn, rất rộng, chứa nhiều nước ngọt) nên có thể đóng góp nhiều cho du lịch cũng như dùng nuôi cá.Trong sông ngòi cũng như tại các ô trũng, có nhiều tài nguyên thủy sản như cua, ốc, tôm, cá.

Người Việt cổ dĩ nhiên không sống ở vùng thuở đó còn là biển mà sống ở vùng đồi gò, trong các hang động đá vôi vùng trung du hiện nay: vùng rừng núi Hoà Bình là quê hương của văn hoá Hoà Bình lâu đời và nổi tiếng, đã để lại nhiều di chỉ như lưỡi rìu, lưỡi dao bằng đá, thuộc thời Đồ đá cũ (Paléolithique) sang Đồ đá mới (Néolithique), cách ngày nay 34.000 năm kéo dài đến 2.000 năm trước Công nguyên.

Tiếp nối văn hoá Hoà Bình (văn hoá đồ đá) là văn hoá Đông Sơn cách đây 4.000 năm (văn hoá đồ đồng) và còn để lại nhiều công cụ bằng đồng như các trống đồng, thuộc thời đại Hùng Vương dựng nước đầu tiên tại đất Phong Châu (Vĩnh Phú), nơi hội tụ của sông Hồng và các chi lưu lớn nhất như sông Đà, sông Lô đã để lại di tích nhiều trống đồng, trên đó đã khắc hình người giã gạo, cấy lúa. Thực vậy, cây lúa đã được trồng từ lâu; người Lạc đã biết sử dụng nước thủy triều lên xuống để cấy lúa .

     2. Vài nét đặc thù của văn hoá miền Bắc

Sau đây, một vài cá tính đặc biệt của văn hoá nông nghiệp miền châu thổ sông Hồng sẽ được đề cập đến:

a/ bèo hoa dâu

Văn chương hạ giới rẽ như bèo

Thi sĩ Tản Đà có lần đã than vãn như vậỵ Bèo hoa dâu sử dụng như phân bón ruộng . Trong lá bèo hoa dâu (Azolla) có chứa tảo lam Anabaena azollae có men nitrogenaza cố định nitơ tự do của khí quyển và chuyển thành nitơ hữu cơ . Nông dân còn có lễ hội cổ truyền về bèo dâu, ở vài nơi tỉnh Thái Bình, có nghề ương bèo hoa dâu; nhiều nơi đổ về đây mua bèo giống để đem bón ruộng nhà:

Lúa chiêm mà thả kín bèo,

Như con nhà nghèo trời đổ của cho

b/ dâu tằm.

Trên các đất phù sa ven sông miền Bắc, nhiều nương dâu xanh ngắt mà ít gặp miền Trung . Dâu cho lá nuôi tằm, tằm làm kén; kén cho tơ; tơ dệt lụa; ngành tầm tang rất phồn thịnh trước đây và đã sinh ra nhiều ngành nghề khác nhau .Mỗi năm nhiều làng có hội cầu tằm, cướp kén cầu mong sản phẩm lá dâu-con tằm-sợi tơ tươi tốt. Nghề tầm tang ở nông thôn cần nhiều lao động trong gia đình: làm ruộng ăn nằm, chăn tằm ăn đứng; ngành tầm tang đã để lại trong văn học Việt rất nhiều vần thơ tuyệt vời như:

Ngàn dâu xanh ngắt một màu (Chinh Phụ Ngâm)

Trải qua một cuộc bể dâu (Truyện Kiều)

Năm năm tiếng lụa xe đều

Những ngày lạnh rớt gió vèo trong cây (Lưu Trọng Lư)

Một cô gái trồng dâu bên bờ sông đã trở thành Ỷ Lan phu nhân.

c/ rau muống

Vì nhiều ao hồ nên rau muống mọc khắp ruộng, ao. Rau muống vừa ăn lá, vừa làm thức ăn chăn nuôi. Ngoài Bắc, rau muống cũng phổ thông như giá trong Nam.

d/ cây ăn trái ôn đới như mận, lê, táo Sapa, đào và á nhiệt đới như vải (letchi), như hồng mà ở các miền Trung, miền Nam không có .

g/ cà

Cà và rau muống là 2 thức ăn thông dụng trong bữa cơm:

Anh đi anh nhớ vợ nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ dầm tương

hoặc:

Công anh làm rể Chương Đài

Ăn hết mười một mười hai vại

Giếng đâu thì xách anh ra

Không thì anh chết vì nhà em

Cà có nhiều loài nhưng cà ở đây là cà pháo dùng để muối

h/ rau sắng

Ngoài ra, phải kể đến 1 loại rau mà Tản Đà đã ghi trong câu thơ:

Muốn ăn rau sắng chùa Hương,

Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa

Mình đi ta ở lại nhà,

Cái dưa thì khú cái cà thì thâm

Sau khi bài thơ được đăng trên báo thì mấy hôm sau, có nhận một bưu kiện gửi đến trong đó có một bó rau sắng chùa Hương còn xanh tươi kèm thêm mảnh giấy với 4 câu thơ:

Kính dâng rau sắng chuà Hương,

Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa

Không đi thời gửi lại nhà,

Thay cho dưa khú cùng là cà thâm

Vậy cây rau sắng là gì?

Tên thực vật là Meliantha suavis Pierre thuộc họ Rau sắng (Opiliaceae) có nhiều trong vùng của chùa Hương miền Bắc.Tại sao gọi là suavis? là vì lá dùng nấu canh ăn rất ngọt (suave: ngọt). Chùa Hương được bất hủ hoá qua nhiều bài thơ được phổ nhạc. Còn dưa khú trong bài thơ trên cũng còn gặp trong ca dao sau đây, ám chỉ đến cảnh vợ già, chồng trẻ :

Ai làm cho cải tôi ngồng

Cho dưa tôi khú, cho chồng tôi chê

Chồng chê thì mặc chồng chê

Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ!

Dưa khú nấu với cá trê là món ăn rất cá biệt miền Bắc.

h / thịt cầy

Nhiều người vẫn lầm tưởng con cầy là con chó .Thực ra, con cầy là một loài thú hoang mà tên khoa học là Viverricula malaccensis (cầy hương), nặng 4-5 kg.Cày hương có lông xám vàng với những cụm lông màu sẫm dọc thân thường ở theo các bụi tre, rừng rậm..Cày hương có mùi xạ thơm như mùi cơm nếp.

Ngày nay vì không còn con cầy nên người miền Bắc ăn thịt chó. Đây cũng là một cá biệt ở miền Bắc hiên đại với nhan nhản quán thịt chó dọc đường từ Vĩnh Phú đến Hà Nội; sau này với cao trào di cư năm 1954 vào trong Nam nên mới xuất hiện nhiều quán ‘nai đồng quê ‘ (để chỉ thịt chó) ở Gò Vấp, Hóc Môn, Hố Nai, Gia Kiệm …

i/ cây cọ (Livistona saribus, họ Arecaceae) có nhiều ở miền Bắc, vùng Trung Du như Phú Thọ, Yên Báy. Lá cọ dùng lợp nhà, làm nón, chắn vách, làm chổi, gầu múc nước, làm quạt. Búp cọ khâu nón, áo tơi. Thân cọ làm cột nhà, cột điện, máng nước, máng lợn … Cuống cọ làm lạt buộc, rào dậu hoặc thay tre đan rọ lợn, lồng gà, v.v.

Cây cọ cũng là đề tài các ca dao về tình yêu:

-Đi đâu nón chẳng đội đầu

Lại đây hai đứa lấy tàu cọ che

Nón ai nón bạc nón vàng

Nón em tàu cọ che ngang mặt trời

j / cây cói mọc hoang trên nhiều đầm lầy ở Ninh Bình, Nam định và dùng để dệt chiếu.

Cây cói cũng đã để lại nhiều dấu ấn trong văn học Việt Nam. Khi Nguyễn Trãi hỏi Thị Lộ:

Ả ở đâu nay bán chiếu gon

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn

Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi

Đã có chồng chưa được mấy con

thì Thị Lộ, một cô gái 16 tuổi đã trả lời:

Tôi ở Tây hồ bán chiếu gon

Cớ chi ông hỏi hết hay còn

Xuân xanh nay độ trăng tròn lẽ

Chồng còn chưa có có chi con

k/ thuốc lào

Thuốc lào, theo ‘Vân Đài Loại Ngữ’ của Lê Qúi Đôn do dân tộc Liêu ở biên giới Hoa Việt đưa vào Việt Nam triều vua Lê Thần Tông. Thuốc lào do cây thuốc lá Nicotiana Rustica, thân cây thấp, lá to và dày hơn so với cây thuốc lá. Thuốc lào chứa nhiều nicotin nên độ say rất cao. Do đó những người đứng gần bên người hút thuốc cũng thấy ngây ngây:

Thuốc lào chồng hút vợ say

Thằng con châm đóm lăn quay giữa nhà

Cây thuốc này có nhiều vùng Hải Dương, Nam Định. Họ lấy lá phơi cho khô rồi thái nhỏ mà đóng thành bánh rồi mới bán cho người ta hút. Hút thuốc Lào phải có bình điếu (làm bằng sành, sứ, tre, gỗ ..)và xe điếu (bằng rễ trúc). Khi hút, phải đổ nước vào bình, cắm xe vào bình điếu, để thuốc, châm lửa và đưa xe kề đến tận miệng để hút; thuốc này vì chứa nhiều nicotin nên phải hút qua nước và xe điếu rất dài để giảm bớt nồng độ nicotin khi hút

Nhớ ai như nhớ thuốc Lào

Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên

Thuốc lào là thú tiêu khiển của người bình dân:

Thú vui chỉ điếu thuốc lào

Thở ra cũng thích hút vào cũng hay

Khói thơm thấu chín tầng mây

Ngọt bùi quên cả đắng cay sự đời

Người nghèo thuở xưa có câu:

Giàu thì cơm cháo bổ lao

Nghèo thì đánh điếu thuốc lào cầm hơi

Thả hồn đê mê theo khói thuốc để quên sự đời khi nghe tiếng ròn rã của tiếng kêu nước điếu, vào nước trong ống điếu cuộn lên cuộn xuống do thông qua nõ điếu mà phát ra thanh âm to nhỏ, cao thấp, nhanh chậm.

l / cà cuống có nhiều trong ruộng nước; đó chỉ là một loài sâu Lethocerus indicus, có khả năng tiết ra từ các túi dưới cánh một chất mùi rất cay, thường làm gia vị ăn với bánh cuốn. Ca dao sau đây có nhắc đến cà cuống:

Con cò chết rũ trên cây

Cò con mở lịch xem ngày làm ma

Cà cuống uống rượu la đà

Chim ri ríu rít bò ra chia phần

Chào mào thì đánh trống quân

Chim chích cởi trần, vác mỏ đi rao

Ca dao này nói lên khi người chết vừa nằm xuống, đã có dân làng rủ rê nhau tham dự để chia nhau ăn uống

m/ lễ hội

Nhiều lễ hội trong dân gian như hội chùa Hương, hội đền Hùng, hội Thánh Gióng, hội lên đồng thờ mẫu.Lễ hội là một tổng thể gồm nhiều yếu tố lễ và hội, có phần thiêng liêng và phần đời thường, có cả ước mong và hiện thực. Lễ hội là sơi giây tâm linh liên kết sức mạnh của làng xã. Vì miền Bắc cư dân phải đương đầu với những trở ngại thiên nhiên như thiên tai, hạn hán, lụt lội nên làng nào cũng có đền, miếu, am để cầu khẩn các đấng thiêng liêng phù trợ.

Hội đền Hùng vào mùa xuân để nhớ ơn Tổ theo câu ca dao:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giổ Tổ mồng mười tháng ba

Tín ngưỡng thờ mẫu tiếp thu Đạo giáo có tục lên đồng hầu bóng. Nhiều nghi lễ liên quan đến việc gieo hạt, làm đất, cầu mùa; nào là lễ cầu mưa, lễ cầu tằm cướp kén, lễ xuống đồng, v.v.

n/ ruộng bậc thang cũng là một đặc trưng hình thái của miền Bắc mà miền Trung và miền Nam không có .Có thể gặp loại ruộng bậc thang ở cao nguyên đá vôi Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, ở Sơn La cũng như ở huyện Mù Căng Chải tỉnh Yên Bái ở đó người Mông ( người Mèo) trồng lúa trên đất rất dốc, nhưng họ đã thiết lập loại ruộng này nhằm tận dụng nguồn nước suối và nước mưa chảy từ trên cao xuống. Kỹ thuật xẻ nước của người Mông theo kiểu từ bờ ruộng trên xuống bờ ruộng dưới không liền mạch để hạn chế tối đa mưa lũ, tạo dòng chảy mạnh làm vỡ bờ và rửa trôi đất màu.

.

hagiang3

n/ các điệu hát như quan họ (quan họ Bắc Ninh), hát trống quân, hát chèo, hát ả đào cũng là những nét cá biệt trong văn hoá châu thổ sông Hồng. Trong các điệu hát quan họ có xen lẫn nhiều loại lý, ngâm, kể truyện, ru con, cò lả trống quân, chèo, tuồng, v.v. Trong một bài hát quan ho có nhiều tiếng láy đi láy lại, tiếng đưa hơi, tiếng đệm nên lời ca lên bổng xuống trầm:

Trèo lên quán dốc,

Ngồi gốc (ới a) cây đa

Rằng tôi lý (ới a ) cây đa

(Rằng tôi lới ới a cây đa)

Ai đem (ới a tính tang tình rằng)

Cho đôi mình gặp

Xem hội cái đêm hôm rằm

o/ hội chọi trâu

Ở Đồ Sơn, gần Hải Phòng, có hội chọi trâu:

Dù ai buôn đâu bán đâu

Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về

Dù ai bận rộn trăm bề

Mùng chín tháng tám nhớ về chọi trâu

Và vào ngày 9-8 âm lịch hàng năm, từ 1990 đến nay đã tổ chức lại hội chọi trâu. Trung bình, dân phải đi các vùng xuôi, miền ngược để mua trâu chọi sau khi mua được trâu, họ rước về làng làm lễ; sau đó phải huấn luyên cho trâu chạy cho cơ bắp rắn chắc, cho uống nước tinh khiết, tẩm bổ; mỗi tuần, còn thuê vài chục người đến khua chiêng gõ mỏ cho trâu quen không khí hội hè . Sau vài tháng như vậy, trâu dự vòng loại ngày 8-6 âm lịch và lọt qua vòng loại sẽ được chăm sóc kỹ hơn để dự hội chọi. Có đánh cá độ cuộc nên ngày nay đó trở thành sát phạt

p/ rượu sâu chít

Những vùng núi có cây chít, một loại cỏ lau mà người ta lấy bông làm chổi (thường gọi là chổi đót). Riêng ở Mường Tè, Lai Châu, cây chít không những cho bông làm chổi mà còn cho một loại ấu trùng gọi là ‘sâu chít’ để ăn và ngâm rượu. Tháng 3-4, bướm đẻ trứng vào đọt cây chít, nở ra con ấu trùng màu trắng, dài 5-6 cm, có chân, có khúc, thân bằng cọng lá khai lang. Người La Hủ, Hà Nhì, Thái ở Mường Tè mang gùi lên núi hái đọt cây chít về lấy sâu ngâm rượu bán. Một chai rượu chất lượng thường là chai ngâm 50 con sâu. Cỡ 15 ngày sau rượu chuyển sang màu vàng là uống đưọc.

q/ tranh dân gian Đông Hồ

Làng Đông Hồ thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nằm sát bờ Nam đê sông Luống và làng này còn giữ gìn đuợc các di sản văn hoá cổ xưa của vùng Bắc Ninh:

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng hừng trên giấy điệp

(thơ Hoàng Cầm ‘Bên kia sông Đuống’ )

Tranh này nổi tiếng vì làm từ những nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên: giấy là giấy ‘dó’ mặt rất mịn, được quét lên lớp điệp hoặc còn lướt thêm nước đỏ của gỗ vang, hay vàng của hoa hoè, than lá tre, sò điệp ( mai con điệp ngoài biển cho màu trắng óng ảnh), màu sơn từ đất đá của đồi núi.

       3. Kết luận

Miền Bắc là cái nôi của dân tộc Việt Nam; vì đó là nơi phát xuất của người Việt nên văn hoá có nhiều dấu ấn rất đặc thù; tuy nhiên trải qua cuộc Nam tiến của dân tộc Việt kéo dài nhiều thế kỷ, văn hoá trên đã thẩm thấu với các nền văn hoá khác như văn hoá Chàm, văn hoá Khmer từ điệu nhạc đến thức ăn, cách ăn mặc, cách cư xử, tư duy…, do đó đã biến đổi, hoà nhập, giao lưu . Với qúa trình đô thị hoá như ngày nay, với kỷ nguyên thông tin rút ngắn không gian và thời gian, với sự toàn cầu hoá, nền văn hoá Việt nam cũng dần dà biến dạng như bao xã hội khác, từ ẩm thực cho đến âm nhạc, ngôn ngữ, cách giao tiếp, mỗi thuộc tính văn hoá đều chứa đựng tính lai ghép nghĩa là đa diện, giao diện, liên ngành bên trong nó ít hay nhiều.