Ý NGHĨA TỰ DO TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

PHẠM TRỌNG LỆ

Hơn sáu chục năm nay Truyện Kiều được dẫn giải và bình luận rất nhiều. Ngày xưa phe Phạm Quỳnh bênh Kiều nói rằng: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn.” Phe Ngô Ðức Kế dựa trên luân lý cho truyện Kiều là một “dâm thư.” Người ta thường nói: “Ðàn ông chớ kể Phan Trần; đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều.” Nay đọc lại truyện Kiều để xem tác giả quan niệm thế nào là “tự do” theo quan niệm nhân bản; hệ thống tín ngưỡng của xã hội Kiều (Khổng, Phật, Lão) ảnh hưởng đến đời Kiều thế nào, và Nguyễn Du mượn Ðoạn Trường Tân Thanh để bày tỏ thế nào là ý nghĩa tự do của con người về ba khía cạnh: cá nhân, nghệ thuật và xã hội.

Cũng xin dè dặt: việc phê phán tác giả qua cốt truyện chỉ có giá trị tương đối, vì Nguyễn Du mượn tạm cốt truyện Tàu của Thanh Tâm Tài Nhân để viết nên Ðoạn Trường Tân Thanh, cũng như kịch tác gia Shakespeare mượn tạm cốt truyện xưa để viết nên những kịch phẩm La Mã bất hủ.

Trước hết, chúng tôi đồng ý phần nào với Vân Hạc Lê Văn Hòe rằng “Truyện Kiều giá trị không ở tư tưởng đạo đức, luân lý hay triết lý, cũng không ở cốt truyện, hay cách bố cục kết cấu, tình tiết. Cái giá trị tuyệt đối của Truyện Kiểu là ở văn chương…” Chúng tôi muốn chứng minh rằng qua những nhân vật chính như Kiều, Từ Hải, Kim, Thúc, v.v…Nguyễn Du hàm ẩn một quan niệm về tự do rằng: con người đầy đủ phải là con người biết rung động chân thành, có lý trí, biết hòa hợp với thiên nhiên, ghét nỗi bất công trong xã hội, nghĩa là một con người nghệ thuật và tự do.

A. Quan niệm của Nguyễn Du về Tự do

Nguyễn Du viết Ðoạn Trường Tân Thanh (ÐTTT) để chứng minh thuyết Tài Mệnh Tương Ðố bằng cuộc đời Thuý Kiều? Ðể khuyên người đời giữ thiện tâm ? Ðể gửi gấm tâm sự của một  « hàng thần »? Ðây cũng là lập luận của một số nhà phê bình từ trước đến nay. Ðoạn mở đầu và đoạn cuối của Truyện Kiều khiến ai đọc cũng tin là chủ đích của Nguyễn Du là để chứng minh thuyết Tài Mệnh Tương Ðố :

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau…

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh tao mới được phần thanh tao.

Phạm Quí Thích (1760-1825) cùng thời với Nguyễn Du (1765-1820) trong bài “Tổng vịnh Truyện Kiều” viết rằng:

Cho hay những kẻ tài tình lắm,

Trời bắt làm gương để thế gian.

Chu Mạnh Trinh (1862-1905) cũng viết:

Cung oán nỉ non đàn bạc mệnh,

Duyên may dun dủi lưới Tiền Ðường.

Bùi Kỷ, trong bài Truy điệu Tiên Ðiền năm 1927 cho biết một phần tâm sự Nguyễn Du:

Gặp cơn Lê thị suy vi,

Kinh thành muốn lở, thăng trì muốn vơi.

Giang hồ lăng miếu một thân,

Ðật dân bỗng hóa hàng thần lạ thay!

Há chẳng biết cao bay xa chạy,

Cái công danh là bẫy trên đời,

Song le con tạo trêu ngươi,

Buộc nhau chỉ một chữ thời mà đau.

Muốn động đến cửu toàn linh thính,

Hỏi bao giờ tài mệnh không ghen.

Theo thiển ý, khi viết ÐTTT, Nguyễn Du rất khéo léo: ngài không chỉ có ý chứng minh thuyết Tài Mệnh Tương Ðố, mà cũng không viết ÐTTT chỉ với mục đích đem Kiều ra làm gương cho đời như những nhà phê bình đứng trên bình diện luân lý đã nhận xét. Nguyễn Du dường như có một tâm sự mâu thuẫn: một mặt thì không nỡ đả phá những hệ thống sẵn có của một xã hội Khổng, Phật, Lão ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Nhưng ngài muốn ẩn tàng một ý niệm tự do của con người trong một thời đại mà những lễ nghi, tôn giáo, chính trị đang thay đổi. Cũng cần biết là cuối thế 18 đầu thế kỷ 19 là một giai-đoạn có nhiều biến chuyển về khoa học có ảnh hưởng đến những quan niệm về triết lý, thần quyền và quân quyền. Nguyễn Du vốn là người lịch duyệt, từng đi sứ sang Tàu, chắc hẳn biết những những phát triển về khoa học và triết lý chẳng những trong thời đại ngài mà cả những thời đại trước.

Xin lược qua: ngay từ thế kỷ thứ hai cho đến thời Phục Hưng (từ thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 16), quan niệm cho rằng trái đất là trung tâm vũ trụ (Ptolemaic system) không còn được chấp nhận nữa. Sau đó có những khám phá về hàng hải như năm 1512 Magellan đi vòng quanh trái đất; năm 1543 nhà thiên văn học Copernicus chứng tỏ rằng mặt trời, chứ không phải là trái đất, là trung tâm hành tinh hệ; Galileo chế ra viễn-vọng-kính năm 1609; Newton khám phá ra luật hấp dẫn lực vào thế kỷ 17; Lavoisier (1743-1797) hệ thống hóa môn phân tích định lượng hoá học. Về mặt chính trị thì Rousseau viết cuốn Xã Ước (Du Contrat Social) năm 1762 chủ trương dân quyền, chống lại quan niệm vương quyền của Hobbes (tác giả cuốn Leviathan) viết năm 1651 cho rằng con người ở trạng thái tiền xã hội rất man dã và vị kỷ nên tự nguyện chuyển nhượng những quyền thiên nhiên (natural rights) của mình cho một vị vua để đổi lại được hoà bình và an ninh. John Locke, triết gia người Anh, cũng nói rằng con người ở trạng thái tự nhiên khi chưa có xã hội thì đã có luật thiên nhiên (natural law) trong đó con người có quyền sống, tự do và có tài sản (Second Treatise on Government, 1688). Năm 1776 Thomas Jefferson khi viết ý này trong bản Tuyên ngôn Ðộc lập Hoa-Kỳ, trong đoạn đầu, có nói rằng:

«… Mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng con người được Thượng Ðế ban cho quyền bất khả nhượng là quyền sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc, rằng để thực hiện và bảo đảm những quyền này con người mới thành lập ra chính phủ và cho chính phủ những quyền chính đáng đặt trên sự thoả thuận của người dân…rằng bất cứ khi nào một hình thức chính phủ trở nên huỷ hoại đối với những cứu cánh trên thì người dân có quyền thay đổi hay huỷ bỏ chính phủ đó và thiết lập một chính phủ khác đặt trên nền tảng những nguyên tắc sao cho có thể đem lại cho dân an ninh và hạnh phúc. » (Xem Declaration of Independence)

Tóm lại, con người ngay từ thời Phục Hưng đã bắt đầu nghi ngờ về thuyết tiền định khi thấy thiên văn tạo vật cũng thay đổi chứ không hoàn toàn bất biến. (Trong ÐTTT Kim Trong cũng an ủi Kiều rằng «Xưa ngay nhân định thắng thiên cũng nhiều.») Con người với tư tưởng của Locke, Rouseau và Jefferson, không còn tin tưởng vào quân quyền nữa. Trong văn chương con người đã trở thành chủ điểm. Những nhà văn lãng mạn bắt đầu mô tả con người với những dục tình mãnh liệt. Khi Nguyễn Du còn trẻ, chắc ngài đã biết những thành quả của Nguyễn Huệ cùng sự xâm nhập của nước ngoài vào Việt Nam. Khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm 1789 (cũng là năm cách mạng Pháp bùng nổ) thì Nguyễn Du đã 24 tuổi. Theo sử gia Trần Trọng Kim thì người ngoại quốc đã đến Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ 17. Năm 1614 đời chúa Sãi có người Bồ Ðào Nha tên Jean de La Croix đến lập lò đúc súng tại Thuận Hoá, năm 1637 người Hoà Lan được chúa Trịnh cho phép mở cửa hàng buôn bán ở Phố Hiến thuộc Hưng Yên đông đến « 1,000 nóc nhà, làm thành ra chỗ vui vẻ lắm », cho nên tục ngữ bấy giờ có câu rằng:« Thứ nhất Kinh-kỳ, thứ nhì phố Hiến. » (Việt Nam Sử Lược, quyển nhì, trang 96).

B. Những Tự do trong Truyện Kiều

Nếu chấp nhận giả thuyết rằng Nguyễn Du cũng am hiểu không nhiều thì ít những biến đổi của thời đại ông, và ông có suy nghĩ, diễn đạt vào những nhân vật trong truyện Kiều một ý-niệm tự do nhân bản rằng con người đầy đủ là con người biết rung động, có lý trí, có tín ngưỡng; lòng thành có thể động đến quỉ thần (« Kiều rằng những đấng tài hoa/Thác là thể phách còn là tinh anh »); yêu tự do, ghét bất công (« Anh hùng tiếng đã gọi rằng/Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha… Phong trần mài một lưỡi gươm/Những phường giá áo túi cơm xá gì.») v.v.. thì có thể tóm tắt ý niệm tự do của ngài vào khía cạnh: tự do cá nhân, tự do nghệ thuật và tự do xã hội.

Ngay từ đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết: «Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.» Ðiều đó chứng tỏ kinh nghiệm sống của tác giả cũng có phần nào ảnh hưởng đến truyện Kiều. Trong bài « Tế Thập Loại Chúng Sinh » ngài cũng nói « Ðau đớn thay phận đàn bà. » Ngài ắt hẳn thấy số phận của người đàn bà nói riêng, hay số phận của người nghệ sĩ nói chung, trong một xã hội đầy khuôn mẫu gò bó. Mà vượt ra khỏi những khuôn mẫu đó là một đòi hỏi của tự do cá nhân. Nếu không chấp nhận tiền đề này thì khó có thể hiểu tại sao Nguyễn Du tạo cho nhân vật Kiều vượt ra ngoài khuôn mẫu đạo đức của một xã hội Khổng, Mạnh. Trong một xã hội phong kiến, với những khắt khe của đạo đức, Kiều đã được theo học như nam giới, thi hoạ cầm kỳ, để có thể đối ẩm với nam giới. Kiều lại còn tự ý gắn bó với người yêu đang khi cha mẹ đi vắng, lẻn sang nhà trai tình tự (« Săm săm băng lối vườn khuya một mình…Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa/Bây giờ tỏ mặt đôi ta /Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao. ») Hơn nữa, khi đã đi lấy Mã Giám Sinh, Kiều còn dám nhờ cha lo dùm chuyện Kim Trọng (« Lạy thôi nàng lại rén chuyền/Nhờ cha trả được nghĩa chàng cho xuôi. »)

Nhưng nếu nhân vật Kiều biểu tượng cho tự do cá nhân thì cái tự do này cũng đi đôi với lý trí. Hãy xem như khi Kim Trọng có ý lơi lả, Kiều đã biết ngưng lại :

Ðã cho vào bậc bố kinh.

Ðạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.

Ra tuồng trên bộc trong dâu,

Thì con người ấy ai cầu làm chi.

….

Vội chi ép liễu hoa nài,

Còn thân còn một đền bồi có khi.

Quyết định thứ hai của Kiều, theo thiển ý, là một quyết định tự do, ấy là khi Kim Kiều tái hợp, Kiều xin đổi tình vợ chồng ra tình bạn bè. Nếu cho rằng một hành động tự do là một hành động mà người hành xử không bị cưỡng chế, ở trong một hoàn cảnh thuận lợi, và biết rõ về hậu quả về hành động của mình thì khi quyết định như vậy, Kiều đã hành động như một con người tự do, có lý trí, ngược lại sự năn nỉ của Kim và sự khuyến dụ của gia đình. Mà tự do cá nhân chẳng qua là căn bản của tự do nghệ thuật. Trong Truyện Kiều không thiếu những cảnh đáng bị « kiểm duyệt. » Thí dụ như cảnh Tú Bà dạy Kiều cách tiếp khách: Nghề chơi cũng lắm công phu.

Hay cảnh Kiều tắm:

Buồng the gặp buổi thong dong,

Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa.

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,

Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.

Trong cái tình huống ấy, Thúc sinh như một nghệ sĩ tài hoa, làm một bài thơ vịnh cảnh Kiểu tắm: “Ngụ tình tay thảo một thiên luật Ðường,” và được khen là “Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu” Nếu Thuý Kiều và tài sắc của nàng biểu tượng cho một tự do cá nhân thì đó cũng là đối tượng của người nghệ sĩ. “Văn sĩ, giai nhân,” Chu Mạnh Trinh, trong “Bài Tựa Truyện Kiều,” đã bảo là “cùng kiếp hoa nghiêm nặng nợ,” và nhận là “ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu” (bản dịch của Ðoàn Quì). Tiên Phong Mộng Liên Ðường chủ nhân trong bài tựa Truyện Kiều cũng viết rằng: Thuý Kiều khóc Ðạm Tiên, Tố Như Tử làm truyện Thuý Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một; người đời sau thương người đời nay; người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông luỵ của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa và nay vậy.” (bài Tựa Truyện Kiều của Tiên Phong Mộng Liên Ðường Chủ nhân làm tháng hai niên hiệu Minh Mệnh, in lại trong Truyện Thúy Kiều, do Bùi Kỷ và Trần trọng Kim hiệu đính (Saigon: Tân Việt, 1968) in lần thứ tám, tr. XLVIII.

Khía cạnh thứ ba của tự do là khía cạnh xã hội. Qua nhân vật Từ Hải, Nguyễn Du dường như hé cho ta thấy một xã hội bất công, và một nghi vấn về tính cách hợp pháp của một chế độ quân chủ chuyên chế. Theo truyện Tàu thì Từ là một tướng giặc, nhưng suốt trong truyện không thấy Nguyễn Du tả Từ như một tướng giặc, mà là một nghệ sĩ, “gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.” Từ cách ăn nói, đến cử chỉ và diện mạo của Từ, và lời thưa gửi lễ phép của Kiều, Từ là một người khí phách:

Lại đây xem mặt cho gần,

Phỏng tin được một vài phần hay không.

Thưa rằng lượng cả bao dung,

Tấn dương được thấy mây rồng có phen.

Tính cách “đế vương” của Từ Hải được diễn tả qua những chiến công hiển hách của nhân vật này:

Thừa cơ trúc chẻ ngói tan,

Binh uy từ đấy sấm vang trong ngoài.

Triều đình riêng một góc trời,

Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà,

Ðòi cơn gió quét mưa sa

Huyện thành đạp đổ năm toà cõi nam.

Từ không phải là hạng võ dũng vô mưu. Khi Hồ Tôn Hiến dụ hàng, Từ đã nghi ngờ:

Một tay gây dựng cơ đồ

Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành,

Bó thân về với triều đình,

Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu!

Áo xiêm ràng buộc lấy nhau,

Vào luồn ra cúi công hầu mà chi!

Sao bằng riêng một biên thuỳ,

Sức này đã dễ làm gì được nhau.

Thật là khẩu khí của một người làm chúa một biên thuỳ, chẳng phải là lời một tên giặc! Ngay khi đã yên rồi mà dư âm còn âm ỉ: “Sóng yên Phúc Kiến lửa tàn Triết Giang.” Nếu không phải là người ham muốn tự do chắc không thể chấp nhận để cho nhân vật Từ nói lên những lời bằng những từ ngữ dành cho bậc vua chuá.

Tuy nhiên, như đã trình bầy ở trên, Nguyễn Du rất khéo: ngài tôn trọng cốt truyện để Từ phải chết. Dầu chết mà phí phách vẫn phi thường:

Khí thiêng khi đã về thần,

Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.

Nguyễn Du không thể để Từ thắng triều đình nhà Minh (tuy đã tả là “gồm hai văn võ vạch đôi sơn hà”) vì như vậy là đảo lộn trật tự xã hội trong đó trật tự quân thần chỉ là một hình ảnh của trật tự thiên nhiên và vũ trụ theo như quan niệm quân chủ xưa. (E.M.W.Tillyard, The Elizabethan World Picture, 1943). Cũng như Shakespeare, Nguyễn Du không tán thành sự nổi loạn. Ngài chỉ hé mở cho ta thấy một nghi vấn về tính cách hợp pháp của một nền quân chủ chuyên chế. Trong một xứ rộng lớn như Trung Hoa, dầu nhà vua được tả là “Rằng ơn thánh đế dồi dào/Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu” mà những mục nát, bất công đầy rẫy (“Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”); buôn người về làm ca nương, con quan Lại bộ thượng thư mà trong nhà nuôi bọn tôi tớ giao cho cả việc bắt cóc người về hành hạ. Một xã hội được tả là “Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng” mà một vị tướng giặc như Từ Hải có thể “Năm năm hùng cứ một phương hải tần” và có thể sai hai đạo quân đi bắt người về để trả ân oán “Ðạo ra Vô Tích đạo vào Lâm Truy” thật dễ dàng thì đủ hiểu uy-quyền của trung ương lỏng lẻo đến mức nào!

C. Kết luận

Tóm lại, nếu câu nói của Buffon đọc trước hàn lâm viện Pháp năm 1753, rằng “qua văn phong ta có thể biết chính người viết vậy,” (Le style, c’est l’homme même) có phần nào đúng thì ta có thể kết luận là khi viết ÐTTT, Nguyễn Du không chỉ muốn chứng minh thuyết Tài Mệnh Tương Ðố hay dùng gương Kiều để người đời soi chung mà thôi. Viết Truyện Kiều, phải chăng Nguyễn Du đã sử dụng nhiều khía cạnh khác nhau của nhiều nhân vật khác nhau để hé mở cho độc giả thấy một ý niệm tự do. Với tâm hồn nghệ sĩ, với kinh nghiệm của một người đi và sống nhiều, thấy cảnh nước loạn dân khổ–từ khi chia đôi Nam Bắc với Trịnh-Nguyễn phân tranh đến hết thời Nguyễn Huệ tới thời Gia Long, Việt Nam luôn luôn có chiến tranh, hoặc trong nước hoặc chinh phạt nước ngoài– ngài ắt hiểu những lẽ biến chuyển của tạo hoá và chính trị đương thời nên đã cho ta thấy ba khía cạnh chính của một ý niệm tự do nhân bản: ấy là tự do cá nhân, tự do nghệ thuật và tự do xã hội.