ĐỌC “THƠ XUÂN ĐẤT KHÁCH” CỦA THANH NAM

Đàm Trung Pháp, Chủ Biên

Tập San Việt Học

THANH NAM tên thật là Trần Đại Việt, sinh năm 1931 tại Nam Định và mất năm 1985 tại Seattle. Ông là một trong những người viết văn và làm thơ được yêu chuộng nhất tại Saigon trước 1975. Là tác giả của hơn 20 tiểu thuyết được nhiều người đọc, Thanh Nam còn sáng tác những bài thơ mượt mà thắm thiết tình người. Người ta quý mến ông vì tính trung thực trí thức với ngòi bút – Thanh Nam viết về cuộc đời mà ông đã thực sự sống, không giả tạo không cường điệu. Có thể nói văn và thơ của Thanh Nam phản ánh cuộc đời thực sự. Nhà văn Bình Nguyên Lộc nhận xét là linh hồn Thanh Nam đã “thấm sâu” vào văn thơ của mình (theo Tuần báo nghệ thuật số 36 năm 1966), và nhà văn Mai Thảo từng xác nhận câu “văn là người” áp dụng đúng nhất trong trường hợp Thanh Nam (theo cuốn Chân dung xuất bản năm 1985). Trong số những tác phẩm văn chương nhiều người đọc của Thanh Nam, ta có thể kể Bầy ngựa hoang (1965), Những phố không đèn (1965), Mấy mùa thương đau (1968), và Đất khách (1983). Nếu ta cần đọc một tác phẩm để giới thiệu Thanh Nam, tác phẩm đó là thi tập Đất khách xuất bản năm 1983; và nếu ta cần đọc một bài tiêu biểu nhất của thơ Thanh Nam, bài đó là Thơ xuân đất khách mà tôi đề cập đến trong bài viết này.

Thanh Nam sáng tác Thơ xuân đất khách tại Seattle ngày 18 tháng 2 năm 1977, tức là ngày mồng một Tết Đinh Tỵ. Trong văn hóa Việt, ba ngày Tết là thời gian long trọng nhất trong năm mới để dân chúng thờ cúng tổ tiên, viếng thăm bà con và bạn hữu, mặc quần áo đẹp nhất, và vui chơi. Nội dung của bài thơ này lột tả đích thực những hiệu chứng của sự xung khắc văn hóa nơi quê người, cũng như lòng nhung nhớ biếng khuây cho quê mình.

Tâm trạng của những người phải đi lánh nạn áp bức chính trị bạo tàn đã được các nhà khoa học xã hội (social scientists) người Mỹ lý giải. Theo họ, tâm trạng của những người di dân bất đắc dĩ này là một tiến trình tâm lý phức tạp. Tiến trình này thường gồm 4 giai đoạn: (1) phấn chấn (euphoria), (2) xung khắc văn hóa (culture shock), (3) ổn định (stability), và (4) thích nghi với môi trường mới (acculturation). Giai đoạn phấn chấn (cảm thấy như mình vừa “sống lại”) thì ngắn ngủi và không đáng kể gì với người trong cuộc, nhưng giai đoạn xung khắc văn hóa nơi xứ người là giai đoạn sầu khổ nhất, kéo dài bao lâu thì tùy thuộc vào tuổi tác và thế đứng trong xã hội của mỗi người. Và có lẽ người nghệ sĩ – vốn dĩ đã giàu tình cảm nay lại mang thêm một trái tim đang rướm máu vì mất quê hương – là nạn nhân nặng nhất trong cái “culture shock” này tại quê người. Một nghệ sĩ trong số những người sầu khổ ấy là nhà thơ Thanh Nam khi ông sáng tác bài Thơ xuân đất khách mà chúng ta sẽ đọc dưới đây.

Hội chứng của xung khắc văn hóa xâm nhập toàn bộ bài thơ qua những lời thốt ra tự đáy lòng của một thi sĩ chỉ viết về những gì ông đã thực sự trải qua trong cuộc đời. Và như vậy, Thanh Nam cũng đã nói dùm tâm trạng ban đầu của hầu hết người Việt sang Mỹ nương thân sau quốc nạn 1975. Tâm trạng ấy là một tổng thể của bất an, ê chề, lạc hướng, đơn độc, buồn tủi, oán trách, tuyệt vọng, mặc cảm tự ty, dị ứng với văn hóa xứ người, và nhớ thương quê cũ cùng ước muốn sẽ sớm có ngày được trở về:

THƠ XUÂN ĐẤT KHÁCH

Tờ lịch đầu năm rớt hững hờ

Mới hay năm tháng đã thay mùa

Ra đi từ thuở làm ly khách

Sầu xứ hai xuân chẳng đợi chờ

Trôi giạt từ Đông sang cõi Bắc

Hành trình trơ một gánh ưu tư

Quê người nghĩ xót thân lưu lạc

Đất lạ đâu ngờ buổi viễn du

* * * * *

Thức ngủ một mình trong tủi nhục

Dặm dài chân mỏi bước bơ vơ

Giống như người lính vừa thua trận

Nằm giữa sa trường nát gió mưa

Khép mắt cố quên đời chiến sĩ

Làm thân cây cỏ gục ven bờ

Chợt nghe từ đáy hồn thương tích

Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa

* * * * * 

Ới hỡi quê hương bè bạn cũ

Những ai còn mất giữa sa mù

Mất nhau từ buổi tàn xuân đó

Không một tin nhà, một cánh thư

Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi

Rối bời tâm sự tuyết đan tơ

Một năm người có mười hai tháng

Ta trọn năm dài Một Tháng Tư!

* * * * *

Chấp nhận hai đời trong một kiếp

Đành cho giông bão phũ phàng đưa

Đầu thai lần nữa trên trần thế

Kéo nốt trăm năm kiếp sống thừa

Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt

Tập làm con trẻ nói ngu ngơ

Vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi

Thân phận không bằng đứa mãng phu

* * * * *

Canh bạc chưa chơi mà hết vốn

Cờ còn nước đánh phải đành thua

Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng

Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do

* * * * *

Bằng hữu qua đây dăm bảy kẻ

Đứa nuôi cừu hận, đứa phong ba

Đứa nằm yên phận vui êm ấm

Đứa nhục nhằn lê kiếp sống thừa

Mây nước có phen còn hội ngộ

Thâm tình viễn xứ lại như xưa

Xuân này đón tuổi gần năm chục

Đối bóng mình ta say với ta

THANH NAM (1977)