NHỮNG CÁI TẾT LY HƯƠNG

Ðàm Trung Phán – 1998

Tôi đã xa quê hương 36 năm, tóc đã đổi màu và… thuyền muốn trở về bến cũ, mặc kệ dòng nước lũ cuộc đời.

Ngược dòng thời gian, tôi mong tìm lại những nguồn tình cảm thân thương, những kỷ niệm ấu thơ còn nhạt nhoà trong ký ức.

Tôi học xong trung học vào mùa hè 1960, năm cuối tôi học Đệ Nhất Chu Văn An tại Saigòn.Tuổi trẻ, tôi mơ ước được đi du lịch, giang hồ mạo hiểm. Tôi thích cuộc sống tự lập, xa gia đình. May mắn thay, tôi được học bổng du học ngành kỹ sư ở Úc, sau một cuộc thi tuyển khá gay go. Tôi học ngành Kỹ Sư mà suốt bẩy năm trung học tôi chưa hề nghĩ tới. Trong thời gian chờ đợi, tôi đã đếm từng ngày để được xuất ngoại, nôn nóng xem xứ lạ quê người. Nhưng số tôi bị “tuần triệt”, bị sao quả tạ chiếu, vì trong năm 1961, sau khi dinh Độc Lập bị bỏ bom, cụ Diệm không cho phép một ai xuất ngoại du học. Trình trạng của tôi thật như người ngồi trên đống lửa.

Ở hiền gặp lành, cuối cùng rồi trời cũng thương, tôi được xuất ngoại du học vào cuối năm 1961. Cái Tết xa nhà đầu tiên của nhóm sinh viên du học tụi tôi là ở thành phố Sydney vào đầu năm 1962. Cả thành phố Sydney đất rộng, người đông đó chỉ vỏn vẹn có chừng 15 sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tổ chức Tết. Hai anh bạn và tôi đi xe bus lên phố tầu mua xắm thực phẩm Á động. Muốn có hương vị Tết Việt Nam thì phải có bánh chưng, dưa hành, hạt dưa đỏ… Nhưng hồi đó ở Sydney, kiếm đâu ra những thứ đó, không như bây giờ, thực phẩm Á đông nào cũng có, thật ê hề. Không có bánh chưng, dưa hành, chúng tôi đành tưởng tượng cho đỡ thèm. Chúng tôi ca hát những bản nhạc xuân quê hương, rồi kéo nhau đi ăn cơm Tầu cho đến khuya.

Rời nhà người bạn, tôi kiếm xe bus lên đồi Bellevue Hill nhìn xuống thành phố Sydney. Trong cái khí lạnh của ban đêm, và nhìn những ngọn đèn vàng phía dưới, tự nhiên nhớ nhà chi lạ! Tôi hình dung ra hình ảnh cha tôi đang khăn đóng áo dài đứng lễ trước bàn thờ tổ tiên. Mẹ tôi đã qua đời vào năm 1955, một năm sau khi gia đình tôi tay trắng di cư vào Saigòn. Cha tôi, trong cảnh gà trống nuôi con, chăm sóc cho ba anh em tôi còn nhỏ dại. Lúc đó, ở Việt Nam, chỉ có cha tôi và một em trai 13 tuổi đang sống với nhau. Còn anh tôi, hơn tôi một tuổi, và tôi, mỗi đứa ở một bán cầu xa lạ: Mỹ châu và Úc châu.

Những ngọn đèn vàng lấp lánh dưới chân đồi đưa tôi về dĩ vãng của những năm nhỏ dại. Quê tôi tại Bắc Ninh, mẹ tôi là người con gái Nội Duệ:

Trai Cồng Vồng Yên Thế

Gái Nội Duệ Cầu Lim

Tôi còn nhớ mang máng những ngày hạnh phúc nhất của gia đình. Những đêm trước Tết, bố mẹ tôi gói bánh chưng ở làng quê tôi. Tôi cố thức để coi nồi bánh chưng và canh trộm trong những ngày tháng “củ mật” cùng với người lớn. Rồi tôi lăn ra ngủ lúc nào không hay. Sáng mồng một Tết, mẹ tôi bắt chúng tôi ăn mặc đàng hoàng để đi chào họ hàng, để được mở hàng và đánh tam cúc cùng với gia đình. Tôi cũng còn lờ mờ nhớ được những đêm sáng trăng, những người thợ gặt vừa đập lúa, vừa hát đố với nhau.

Ngày vui qua mau! Chiến tranh lan tràn đến làng, tôi theo cha đi chạy loạn, mẹ tôi phải ở lại nhà vì mới sinh em trai. Tôi bắt đầu hiểu biết thế nào là ly tán. Hơn 40 năm về sau, tôi đã ghi lại những hình ảnh đó qua những vần thơ mộc mạc:

Tôi sinh ra giữa lúc bom đạn ngang trời,

Người nằm xuống vì bom rơi, vì nạn đói.

Những đêm tối, theo cha tôi đi chạy loạn,

Mẹ ở lại nhà vì vướng bận em thơ.

Buổi tối đói, tôi mong mỏi đợi chờ,

Hình bóng mẹ và im lìm tiếng súng!

Rồi cha tôi bị Tây bắt đi tù, sau đó được thả tù và đi dậy học ở Phúc Yên. Anh em tôi theo cha đi học, lại phải xa mẹ, vì mẹ tôi phải ở lại quê trông nhà cửa, ruộng vườn. Lúc đó, chúng tôi, đứa 9 tuổi, đứa 8 tuổi. Có những buổi chiều, hai anh em tôi leo lên thang gác của những nhà bị bom ném xập, đứng ngó những xe “ca” từ Hà Nội lên Phúc Yên, hy vọng trong xe có mẹ lên thăm. Cuối cùng, gia đình tôi được đoàn tụ tại Hà Nội vào năm 1952.

Căn nhà của cha mẹ chúng tôi ở sát hồ Bẩy Mẫu và tôi học trường Đỗ Hữu Vị. Đường từ nhà tới trường rất xa, nhưng tôi không giám đi tầu điện vì người anh họ của tôi có tính “yiêng hùng” hay thích đánh lộn với những học sinh khác cùng đi một chuyến tầu điện với tụi tội, thành thử tôi phải cuốc bộ từ 5 giờ rưỡi sáng. Trên lộ trình, tôi chỉ còn nhớ mang máng những “villa” rất thơ mộng và những cái lạnh buổi sớm mai của Hà Nội.

Những ngày gần Tết, tôi xin phép bố mẹ cho tôi ghé qua chợ Đồng Xuân xem chợ hoa sau giờ hoc. Tôi bắt đầu mê hoa từ đó. Về sau, trong những năm trung học, tôi đọc đi đọc lại cuốn “Gánh Hàng Hoa” và giờ đây, ở tuổi ngũ tuần, tôi thích trồng phong lan để sống lại những kỷ niệm của tuổi ấu thơ. Những ngày đầu năm, đi lễ đền Ngọc Sơn với mẹ, đội mũ “bê rê”, mặc “blouson” đi chợ phiên cạnh hồ Hoàn Kiếm, tôi chẳng thấy lạnh là gì! Cuộc sống thật êm đềm như một bài thơ.

Nhưng cuộc đời vô thường đầy biến đổi, hiệp nghị Genevè chia đôi đất nước được ký kết, gia đình tôi di cư vào Nam vào tháng 8 năm 1954. Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi được đi máy bạy. Giờ đây, mỗi lần đi máy bay, tôi đều có cảm nghĩ mất mát, xa vắng:

Phi cơ đem đến chờ mong,

Bay đi biền biệt ai lòng buồn ai!

Sung sướng nhất là những năm 57, 58 khi tôi còn học trường Trần Luc. Trước khi nghỉ Tết, trường tổ chức đi xe lửa lên Biên Hoà xem các vườn cây ăn trái. Cùng đi trong toa xe, tôi nhớ nhất là thầy Doãn Quốc Sĩ, mà tôi thương mến từ năm Đệ Lục, Đệ Ngũ. Thầy đã dậy cả hai anh em chúng tôi môn Việt Vặn. Chính nhờ thầy mà tôi thích Việt Vặn từ hồi đó.

Nhắc đến cái Tết tha hương đầu tiên luôn luôn làm tôi xúc động, vì hình như nó đánh dấu khúc quanh quan trọng nhất của cuộc đời tôi? Trước Tết năm 1964 tại Sydney, tôi đã dành dụm đủ tiền mua được chiếc xe Peugeot 203, mà chỉ những vị sồn sồn như tôi mới may ra có thể hình dung nổi cái dáng dấp của nó. Xe le lắm cơ, có cả cái “sân thượng” (dịch từ chữ “sunroof” ý mà)! Đêm ông Táo chầu Trời, tôi chở 4 ông bạn Mít da vàng, mũi tẹt đi chơi bờ biển cho đỡ nhớ nhà. Xe đang ngon trớn thì bị một thầy phú lít mắt xanh mũi lõ bắt tôi ngừng xe. Lúc bấy giờ tôi mới chợt vỡ lẽ là tôi đã đi ngược chiều. Tôi lo quýnh quáng vì nếu thầy biên phạt thì hỏng to, sẽ làm tiêu tan cả cái gia sản của tôi. Tôi cố chấn tĩnh để đối thoại với thầy.

Cảnh sát:

Your driving license, please!

You drove crazy

And didn’t you see:

“One way” only

Hung on a tree?

Chủ xe:

Me Vietnamese

And me buddies

Go to party.

Me did not see

Sign on the tree!

Excuse me please:

“Rộng lòng từ bi

Đừng phạt làm chi,

Ticket costs money

Please let me ‘đi’

I‘ll be damn happy!”

Cảnh sát:

Hey, you, smarty:

You’re crazy

You’d better drive and see!

I let you go free

Enjoy and leave!

Thôi, đi đi!

Sau khi xe chuyển bánh, một Trạng Lợn Vietnam (Dr. Vietnamese Pig) bèn phóng tác ngay một bài thơ để tặng mọi người trong xe, tựa là Đi Xem Hội:

“Bẩm thưa thầy đội

Em đi xem hội

Cùng mấy cha nội

Chẳng may cây cối

Che mất phố phường

Nên đi ngược đường

Vậy xin thầy thương

Chớ nên biên phạt

Lần sau phạm pháp

Thầy “charge” gấp hai

Thôi nhé bái bai

… Hẹn không gặp lại !”

Cuộc đời lăn như một hòn bi không bao giờ ngừng và từ đó tôi không còn có cái may mắn để ăn Tết ta, tết tây với gia đình, họ hàng nữa.

Sinh viên chúng tôi chỉ có thể tổ chức văn nghệ sinh viên và ăn Tết tập thể với nhau. Cũng có năm, tôi phải đi thực tập tại một công trường trong đại lục Úc châu nên không thể về chung vui ăn Tết Việt Nam với bạn bè được. Sự lạc lõng này đã gợi cho tôi những câu thơ như:

Quê hương tôi giờ này xa lắc

Tôi, một người lạc lối giữa Á và Âu.

Sa mạc này, tôi đã tìm thấy tôi!

Những dự tính của tôi khi còn học hoàn toàn đi trái ngược với thực tế. Tôi đã không đi làm công việc của một kỹ sư công chánh như tôi đã định và tôi cũng chẳng trở về Việt Nam để đoàn tụ với cha già và anh chị em tôi. Tôi đã đến lập nghiệp ở Canada và trở thành một giáo sư dậy ngành công chánh mà tôi chẳng bao giờ định trước!

Hơn 36 năm rồi, xa quê hương, mỗi lần Tết về, tôi cố nhớ lại những gì đã mất. Còn chăng, đó chỉ là những hình ảnh nhạt nhoà của chợ hoa Hà Nội, chợ hoa Saigon, cảnh gói bánh chưng cùng cảnh xum họp gia đình trong ba ngày Tết…

Ðàm Trung Phán

Dec 1998 / Feb 2020

Toronto, Canada