Đàm Trung Pháp, Chủ Biên

Tập San Việt Học

ĐIỂM SÁCH

TIẾNG VIỆT GỐC NGOẠI QUỐC

NGUYỄN HỮU PHƯỚC, PH.D.

Tái bản lần thứ nhất năm 2014

316 trang • $18 • Liên lạc với tác giả:

frankphuoc@yahoo.com • 714-655-3632

Tiếng Việt gốc ngoại quốc

TIẾNG VIỆT GỐC NGOẠI QUỐC là một tác phẩm rất đáng đọc. Cuốn sách chứa đựng nhiều điều ngạc nhiên gây thích thú cho người đọc – nhất là cho những vị muốn đào sâu kiến thức về bản chất đa nguyên của từ vựng tiếng Việt. Sau khi đọc cuốn sách vui tươi và bổ ích này, họ có thể tìm ra câu trả lời thích đáng cho những câu hỏi thuộc loại “khó trả lời” như:

(1) “Tiểu tâm” (小 心) trong tiếng Việt nghĩa là “nhỏ mọn” nhưng nguyên nghĩa Hán-Việt của nó là gì?

(2) “Tử tế” (仔 細) trong tiếng Việt nghĩa là “tốt bụng” nhưng nguyên nghĩa Hán-Việt của nó là gì?

(3) “Ngầu” trong câu “Anh ta mặc đồ lính trông ngầu quá” là do chữ Hán-Việt nào mà ra?

(4) Những chữ đầu của các địa danh Sóc Trăng, Cần Thơ, Vàm Cỏ Đông phát xuất từ ngôn ngữ nào?

(5) “Bơ” nghĩa là gì và xuất phát từ ngôn ngữ nào?

(6) “Chôm” trong câu bát của cặp thơ lục-bát [rất phổ cập ở Saigon sau 30-4-1975 khi người dân hết tiền mua gạo] “Đi đâu tay xách, nách ôm – Hỏi em, em nói đi chôm đồ nhà” nghĩa là gì và từ ngôn ngữ nào mà ra?

(7) Câu bát của cặp thơ lục-bát tình tứ tiếng Việt pha tiếng Tiều “Chờ anh cho hết sức chờ – Chờ cho ến-xại lên bờ khui-hui” nghĩa là gì?

(8) “Sút” trong thành ngữ “cú sút phạt đền” xuất phát từ ngôn ngữ nào?

[Xin xem các câu trả lời ở cuối bài].

Người đọc sẽ mau chóng nhận ra rằng ngoài khả năng sưu tầm, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước còn có tài kể chuyện dí dỏm khiến họ thấy mình như vừa được giải trí vừa được biết thêm nhiều điều mới lạ. Thú thực, tôi đã vài lần khúc khích cười khi đọc đến những đoạn văn khá “đời thường” ông dùng làm thí dụ cho những điểm ông nhấn mạnh. Chẳng hạn, để làm thí dụ cho một hiện tượng đại đồng – các nhà ngữ học gọi nó là code-switch – khi hai tiếng nói được sử dụng trong cùng một môi trường thường giao duyên với nhau, tác giả cuốn sách nhắc tới hình thức ba rọi khi tiếng Việt và tiếng Anh đề huề hiện hữu bên nhau. Đó là bài thơ thất ngôn bát cú viết bằng tiếng Anh ba rọi” của ông Dương Tử nào đó hành nghể “cốt mê tít” (cosmetics) được tác giả họ Nguyễn ghi xuống như sau [trang 302]:

Lần đầu chế món rí mu he (remove hair)

Há ní (honey) với oắc (wax) trộn chung nè

Anh kia vén áo, trai mi fớt (try me first)

Chị nọ xăn quần, bút ít đe (put it there)

He Mễ, he Tàu, he Mỹ, Nhật

Lông lưng, lông ngực, chẳng đâu ke (care)

Tin (Justin) dở chịu đau rên ư ử

Bóp (Bob) bảo, coi chừng lộn chỗ nghe

Văn phong chân chất vui tươi dễ đọc và nội dung sung mãn sắp xếp hợp lý dễ theo dõi là ưu điểm nổi bật của tác phẩm TIẾNG VIỆT GỐC NGOẠI QUỐC mà tác giả đã dầy công biên soạn.

TRẢ LỜI: (1) cẩn thận, (2) kỹ càng, (3) ngưu [牛], (4) tiếng Khmer, (5) chất béo màu vàng nhạt tách ra từ sữa tươi – tiếng Pháp [beurre], (6) ăn trộm – tiếng Pali [chô], (7) ến-xại = rau muống, khui-hui = khai hoa [開 華], (8) tiếng Anh [shoot].