Cái váy
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Theo quan niệm UNESCO , cái váy là di sản văn hóa hữu thể (tangible) nhìn thấy được, còn ca dao, tục ngữ, thi văn chung quanh cái váy là di sản văn hóa vô hình hay vô thể (intangible) không nhìn, sờ thấy được.
Khi viết về cái váy, câu hỏi được đặt ra là tại sao cái váy cổ truyền đã biến mất từ năm 1954, khi cộng sản cầm quyền miền Bắc? Tại sao văn hóa xã hội chủ nghĩa biểu tượng bởi áo cánh, quần đen … ngày nay cũng biến mất như cái váy cổ truyền của đàn bà Bắc Bộ?
Văn hóa là linh hồn của một dân tộc do chính con người tạo ra để làm khuôn mẫu cho việc ứng xử trong xã hội. Văn hóa là một sự tích lũy các giá trị tinh thần từ đời này sang đời khác nên văn hóa mang tính liên tục, lâu dài và tiến trình tuân theo các qui luật sau :
– Qui luật tự đào thải tự nhiên từ quần chúng tiêu dùng văn hóa. Qui luật này giải thích tại sao cái váy cổ truyền biến mất cũng như văn hóa xã hội chủ nghĩa tự đào thải tự nhiên ở nông thôn Bắc Bộ và đưa đến sư phục hồi văn hóa cổ truyền tại nông thôn từ năm 1986 ;
– Qui luật hấp thụ tự nhiên và tự nguyện của người hưởng dụng văn hóa. Ngày nay, hiện tượng dân Việt đón nhận sự hồi sinh áo dài, văn học, nhạc vàng boléro của Việt Nam Cộng Hòa theo qui luật hấp thụ tự nhiên trong giao lưu văn hóa.
– Qui luật đồng hóa. Khi có sự cộng lưu văn hóa thì nền văn hóa thấp sẽ bị đồng hóa với nền văn hóa cao. Thí dụ người chiến thắng Mông Cổ và người Mãn Châu bị văn hóa của kẻ thua trận là người Trung Hoa đồng hóa. Hình ảnh đồng hóa văn hóa này cũng đã và đang sảy ra tại Việt Nam như sự hồi phục của văn hóa Sài Gòn xưa ( ca nhạc bolero, phòng trà, trang phục áo dài thay thế quốc phục áo đại cán của văn hóa xã hội chủ nghĩa).
Cái váy, cái khố thời vua Hùng Trong địa bàn Đông Nam Á, văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ thời Hùng Vương nằm ở vùng trung du, lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả (2000 – 700 tr. CN) còn được ghi lại trên trống đồng, thạp đồng tìm thấy nhiều nhất ở vùng Phú Thọ, Thanh Hóa.
Các đặc điểm văn hóa Đông Nam Á của người Việt còn nhận được qua :
– Ngôn ngữ Việt Mường, Việt Tày,
– Họa tiết trên trống đồng, thạp đồng,
– Huyền thoại (mythologie), huyền tích (légende), tín ngưỡng (đạo Mẫu), tập tục (ăn trầu, mặc váy)
– Nghề nông trồng lúa nước.
– Về y phục thì đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy. Trên thạp đồng Đào Thịnh có niên đại khoảng 2500 năm cách ngày nay, tìm thấy ngày 14/9/1961 tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái[1]. Thân thạp được trang trí bằng hoa văn, thuyền, người hóa trang lông chim, cá sấu… rất giống với họa tiết trên trồng đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa…Điểm đặc biệt nhất là tín ngưỡng « phồn thực » (Phồn::nhiều, thực::nảy nở) được diễn tả trên nắp thạp đồng Đào Thịnh bởi 4 khối tượng, mỗi khối là một đôi nam nữ giao hợp, trai xõa tóc, có dao găm đeo ngang hông và đóng khố; gái thì bận váy ngắn. Tín ngưỡng phồn thực có mục đích cầu mong sự sinh sôi nảy nở của con người và tạo vật, lấy dương vật, âm vật, giao cấu trai gái làm biểu tượng.
Thạp đồng Hòa Thịnh: tượng giao cấu và họa tiết
Quang cảnh đời sống thời vua Hùng
(Hình vẽ của Lê Thái Dũng, 2017)
Theo truyền thuyết và họa tiết trên trống đồng, thạp đồng hay dấu ấn trong những câu truyện cổ tích, truyền thuyết (như truyền thuyết về Chử Đồng Tử thì vào thời Hùng Vương, đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy.
Theo chất liệu cấu thành khố thì có khố dây (hay khố rợ), khố mo, khố gai, khố vải… Theo biện pháp kĩ thuật chế tác thì có khố bện (đan thô sơ), khố dệt… Cái khố thời Hùng Vương còn tồn tại ở nông thôn miền Bắc như hình ảnh dưới đây.
Nông dân miền Bắc Việt Nam đóng khố
Còn cái váy thời vua Hùng thì có hình thù « Cái quần không đáy »,
« Cái trống mà thủng hai đầu,
Bên ta thì có bên Tàu thì không.»
Tại Việt Nam, hình ảnh cái váy còn tồn tại cho đến năm 1955 tại Bắc Viêt.
Điểm cần ghi chú ở đây là :
Tranh mộc bản Bà Trưng và Bà Triệu
Nữ simh trường Trưng Vương đóng vai hai Bà Trưng ngày 6/2 ÂLTrong các tài liệu chữ nho, nếu viết là quần 裙 có nghĩa là váy vì không có nhữ nho chỉ váy nên mượn chữ quần để thay vào nên gây hiểu lầm; thí dụ như: “trách quần” 窄裙 tức là váy bó sát.; 花裙 váy hoa; 襯裙 váy lót. Vì vậy mà khi tả bà Trưng mặc váy thì viết : « Hồng quần 裙 nhẹ bước chinh yên »
Váy còn gọi là xống, mấn được phân loại váy thành váy kín (váy chui), váy mở, váy đùm (váy buộc túm sau lưng để làm việc), váy đụp (váy vá chằng vá chịt trước sau), váy cạp điều (lưng váy may bằng vải đỏ), váy kép ( hai lớp, lớp ngoài vải mỏng, lớp trong vải thô), váy cửa võng (phía trước trùng xuống với các mép gấp cong), váy quai cồng (váy xắn lên hông lúc làm việc cúi lom khom ngang mông, khi móc cua mò ốc, khi lội qua sông cạn thì phải vén váy lên theo mực nước). Váy của phụ nữ nhà giàu hoặc ở thành thị thì dài tới gần gót chân.
Sau đây chúng ta thấy cả một kho tàng văn hóa (ca dao, thi văn, câu đối, truyện tiếu lâm…) nở rộ chung quanh cái váy chỉ vì cách mặc váy trần không đồ lót của phụ nữ Việt.
Vai trò lịch sử của váy
Trong lịch sử, cái váy đánh dấu nhiều biến cố lịch sử quan trọng như chống đồng hóa, chống thống nhất đất nước.
Cái váy chống đồng hóa
Suốt 1000 năm đô hộ và trong thời kỳ quân nhà Minh xâm lăng, cái váy là khí giới chống sự đồng hóa của người Trung Hoa về mặt y phục (người Hoa mặc quần), Thời nhà Minh đô hộ nước ta (1414-1427), Hoàng Phúc bắt đàn bà mặc áo ngắn, mặc quần như người Tầu. Đến thời tự chủ, năm Ất Tỵ, niên hiệu Cảnh Trị thứ ba (1665), Vua Lê Huyền Tôn bắt đàn bà mặc váy, áo dài trở lại, ai trái lệnh sẽ bị phạt 5 quan cổ tiền.
Cái váy chống thống nhất đất nước
Từ thế kỷ XVI, chúa Nguyễn mưu lập nên một vương quốc riêng biệt phương Nam nên đã thay đổi một số phong tục của Đàng Ngoài. Về y phục, chúa Nguyễn Phúc Khoát năm 1744 bắt đàn bà con gái mặc quần. Và sau khi thống nhất đất nước, mọi việc đều đã thống nhất nhưng vua Minh Mạng còn thấy từ bắc Quảng Bình trở lên đàn bà còn mặc váy. Để thống nhất y phục, năm 1828, vua Nguyễn ép phụ nữ miền Bắc phải mặc quần, bỏ váy. Đến tháng 9-1837, vua lại ra lệnh lần nữa nên mới có những câu ca dao có tính cách lịch sử, oán than cái chiếu vua cấm mặc váy như sau :
Lệnh từ trong Huế ban ra,
Cấm quần không đáy đàn bà phải tuân.
Chiếu vua mồng tám tháng ba,
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Nếu đi thì lấy quần chồng sao đang.
Có quần ra quán bán hàng,
Không quần ra đứng đầu làng trông quan.
Đi chợ mượn đỡ cái quần,
Chồng đành mặc váy che thân ngồi nhà.
Bỗng nghe mõ gọi đằng xa,
Vội vàng đóng khố chạy ra ngoài đình.
Theo sử gia Đào Duy Anh, “Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), triều đình Huế đã ra chiếu chỉ cấm phụ nữ mặc váy và bắt phải mặc quần hai ống (thay vì mặc váy như trước đây), nhưng chỉ có những người ở thành thị tuân theo, còn ở vùng quê đàn bà vẫn mặc váy”.
Cái váy trần tạo nguồn cảm hứng văn hóa
Váy ngoại giao nhìn ngang thì thấy một tấc đất
Nhìn cô gái mặc váy ngắn ngồi xổm thổi lửa nấu cơm thì đó là hình ảnh bà Đoàn Thị Điểm mặc váy trần ngồi ở Đoan Môn (cửa phía nam Hoàng Thành) đón sứ Tàu sang phong vương. Bà Đoàn Thị Điểm mặc váy cố tình ngồi xổm để lộ cơ đồ trêu ghẹo sứ Tầu. Để trả đũa, sứ Tàu ra câu đố ghẹo rằng:
An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh.
Bà Điểm đối lại:
Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất.
(Nước An Nam chỉ có một tấc đất, mà không biết có bao nhiêu người cày)
Nước phương Bắc hầu hết các quan đại phu đều do cái này mà ra cả.)
Cái váy trong câu đối
Khi bà Đoàn Thị Điểm đang giặt váy dưới sông thì thấy võng lọng quan lớn đi qua, Bà liền ra câu đối:
Võng đào quan lớn đi trên ấy,
Váy rách bà con vỗ dưới này.
Sáng trăng trong váy
Vào đêm trăng thanh sáng tỏ, cô nàng mặc váy ngồi xổm đan sàng khiến cho đôi mắt của anh chàng nhìn thấy ánh trăng mà hỏi rằng:
Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng,
Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?
Đan sàng thiếp cũng xin vâng,
Tre vừa đủ lá non chăng hỡi chàng.
Còn đôi mắt của anh chàng mê « cờ tây » thì nhìn thấy lá đa trong ánh trăng.
Sáng trăng em tưởng tối trời,
Em ngồi em để cái sự đời em ra;
Sự đời như cái lá đa,
Đen như mõm chó chém cha sự đời.
Cái váy trong mắt « quáng gà »
Ngày ngày ê a đọc tứ thư ngũ kinh thì hay bị mắt hoa đầu váng. Đó là trường hợp anh đồ nhìn cô gái sắn váy lội nước hái hoa sen, thì mắt hoa đầu váng về nhà thì ngã bệnh ảo ảnh.
Nhân lúc đồ ngồi nhàn hạ,
Ra hồ sen xem ả hái hoa.
Ả hớ hênh ả để đồ[2] ra,
Đồ trông thấy ngắm ngay tức khắc.
Đêm năm canh đồ nằm khôn nhắp,
Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia.
Cái váy lội nước với đôi mắt thần
Chúng ta thường hiểu mắt thần là mắt nhìn thấu mọi việc nhưng ít ai biết mắt thần dị ứng với cái váy. Vì vậy mà mắt thần nhìn vào váy thì thấy « con cúi » rồi nhìn ngược lên trong váy thì chẳng biết là cái gì trong đó.
Mắt của ông Thần nhìn từ trên xuống: con cúi (núm rơm)
Tại « Chỗ lội làng Ngang », có đền thờ Ông Cuội và đến đó, các bà các cô sắn váy, vén quần[3] (váy) tới háng để lội qua sông. Thi sĩ Tam Nguyên Yên Đổ mô tả đôi mắt của Ông Thần Cuội nhìn thấy cái gì trăng trắng như con cúi.
Đầu làng Ngang có một chỗ lội
Có đền Ông Cuội cao vòi vọi.
Đàn bà đến đấy vén quần lên,
Chỗ thì đến háng, chỗ đến gối.
Ông Cuội ngồi trên (đền) mỉm mép cười,
Cái gì trăng trắng như con cúi?
Đàn bà khép nép liền đứng thưa,
Con trót hớ hênh Ông xá tội.
Ông Thần nhìn từ dưới lên thì không biết là cái gi?
Còn đôi mắt của ông Thần Đá Cuội nằm dưới đáy nước ở chỗ lội nhìn lên thì không biết là cái gì nên mới hỏi các bà các cô rằng: cái gì lấp ló bên trong váy?
Làng bên phụ nữ lắm khi,
Váy đùa tới háng lầm lì bước qua…
Ông Cuội thấy cười xòa khoái chí,
Váy giấu chi « lấp ló bên trong »?
Mấy bà xanh mặt vái van,
« Vô tình sơ sẩy, mong Thần bỏ qua. »
Váy quai cồng
Khi làm lụng ngoài đồng, lội qua sông cạn hay tắm rửa bên bờ sông thì các bà sắn váy quai cồng lên tới háng như thi hào Nguyễn Khuyến mô tả:
Con gái nhà ai tắm vệ sông,
Vú vê để hở váy quai cồng
Ước gì ta được mà ta để,
Ta để mà ta lại… để chung.
Cái váy phật tử trong mắt nhà sư
Tuy nhà sư đang đọc kinh Không Không, Sắc Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc… nhưng chưa giác ngộ nên dễ phạm giới sắc dục khi nhìn thấy váy của nữ phật tử đeo giỏ, khom lưng, chổng mông mò cua thì xốn xang nỗi lòng mà bỏ cả kinh kệ như thế này:
Sư đang tụng niệm nam mô,
Thấy cô sách giỏ mò cua bên chùa.
Lòng sư luống những mơ hồ,
Bỏ cả kinh kệ tìm cô hỏi chào.
Cửa từ bi mở toang trong váy
Trong thi văn cái váy thì chỉ có đại thi hào Tam Nguyên Yên Đổ lấy giáo lý từ bi, tế độ của nhà Phật để tả phong cảnh trong cái váy. Nhìn thấy cô tiểu ngủ ngày để váy hớ hênh khiến nhà thi hào nổi hứng mà xuất khẩu thành bài thơ « Cô Tiểu ngủ ngày », lấy giáo lý đạo Phật mô tả cảnh nhìn thấy như sau:
Then cửa từ bi cài lỏng chốt, (váy để hớ hênh)
(từ: yêu thương, bi: thương sót, cửa nhà Phật)
Nén hương tế độ đốt đầy lò.
(tế: đưa qua sông, giúp; độ: cứu giúp, tả cảnh trí trong váy)
Cá khe lắng kệ đầu ngơ ngác,
(kệ: bài kinh ngắn, mô tả con cá trong khe)
Chim núi nghe kinh cổ gật gù
(Kinh: kinh sách, tả thân dục giống như chim núi)
Tìm đâu tiên cảnh bồng lai tại thế?
Nơi các tiên (immortel) tu Đạo Lão ở là những hòn đảo hình trái bầu gọi là Bồng đảo hay Bồng lai trên biển Bột Hà. Trên đảo có lạch nước chảy giữa những cây đào gọi là Đào nguyên. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã dùng thi văn mô tả cõi tiên có đôi gò bồng đảo ở trên, có lạch Đào Nguyên ở dưới, có nương nong (ngực) trên người cô trinh nữ.
Lược trúc lỏng cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương nong.
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.
Cái váy cũng như thờ Thần Linh, đạo Mẫu, trầu cau, bánh chưng bánh dầy, …
là bản sắc tức màu sắc nguyên thủy của văn hóa Việt trong bối cảnh Đông Nam Á còn sót lại đến nay.
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Trong tổng só thạp đồng 250 chiếc tìm được thì 235 ciếc tìm được trên mảnh đất Việt Nam. Thạp dùng đựng lúa gạo, xương tro người chết ↑
Đồ chỉ đồ nho hoặc là âm hộ của đàn bà ↑
Thi sĩ dùng chữ quần (chữ Hán) để chỉ cái váy (tiếng Việt) cũng như Hồ Xuân Hương viết : Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới » cũng như tả bà Trưng mặc váy : « Hồng quần nhẹ bước chinh yên » ↑