HỘI THƠ

KHÔNG HẸN MÀ GẶP

ĐOẠN 1

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

Ngày 31 tháng 5 năm 1889, Piquet nguyên là Thống đốc Nam Kỳ lên giữ chức Toàn quyền Liên Bang Đông Dương, thay cho Richaud. Khác với lối cai trị của vị tiền nhiệm, Piquet khôn khéo hơn, vừa ra uy vừa vỗ về. Mới nhậm chức được 30 ngày, ông đã ra nghị định hạ mức lao dịch không công hằng năm cho mỗi dân đinh xứ Bắc Kỳ từ 48 ngày xuống còn 30 ngày. Ông cho lập thêm các tỉnh mới như Lục Nam, Hà Nam, Hòa Bình để tiện việc cai trị. Đối với các sĩ phu bất hợp tác với chính quyền Bảo Hộ, Piquet chỉ thị cho các Công sứ sở tại dùng chính trị để kiểm soát. Viên Công sứ Pháp tỉnh Nam Định, thực hiện đúng đường lối của thượng cấp. Năm 1890, y cho mời tất cả sĩ phu và cựu thần nhà Nguyễn về tỉnh thành Nam Định mở tiệc đãi đằng, tiếp rước long trọng và dùng thủ đoạn vừa răn đe thuyết phục, vừa mua chuộc dụ dỗ.

1 – Sự hình thành Hội thơ Đối Kháng:

Những người có giấy mời về tỉnh, họ không hẹn trước mà gặp lại đủ mặt, như ở huyện Nam Chân (nay là Hải Hậu, tỉnh Nam Định) có Đặng Huyện Bác, Đỗ Bỉnh Thành tức Hạc Cao, Trần Chí Bang, Trần Huy Luyện, Trần Mạnh Đức, Trần Phù Giang, Trần Văn Gia; cũng ở huyện Nam Chân, nhưng nay lại thuộc huyện Nam Ninh (cùng tỉnh) có Nguyễn Kim Tương tức Nguyễn Ngọc Chấn; ở huyện Giao Thủy (nay là Xuân Thủy, cùng tỉnh) có Lê Quả Dục; ở huyện Đại An (nay là Ý Yên, cùng tỉnh) có Đỗ Huy Liệu, Phạm Phổ (con thứ 5 của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị); cũng ở huyện Đại An, nhưng nay lại thuộc huyện Nghĩa Hưng, có Vũ Tế…

Trước mánh khóe của kẻ thù, họ không hề bị lôi cuốn vào miếng mồi phú quý, mà họ còn nhân cơ hội ấy, dùng thơ văn khuyến khích nhau giữ vững ý chí bất khuất và lòng yêu nước. Những bài thơ được trao tặng cho nhau, kẻ xướng người họa, sôi nổi thành một hội thơ kín.

H 1: Bản đồ tỉnh Nam Định trước năm 1945.

(Đông Tiến, Dân Tôi Nước Tôi, trang 284)

2 – Hòe Phu, một “Thi Đoàn Trưởng” thầm lặng:

Tiêu biểu cho Hội Thơ, có Trần Văn Gia (陳 文 嘉; 1836 – 1892), hiệu là Hòe Phù, tự là Hanh Chi, người xã Quần Anh Trung, tổng Kim Giả, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ; nay là xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Cử nhân (6/22) khoa Mậu Thìn (1868), Tự Đức thứ 21, tại Trường thi Nam Định, làm quan đến chức Giám sát Ngự sử đạo Nghệ Tĩnh. Năm 1883, ông đang cư tang mẹ, gặp biến cố Pháp chiếm Nam Định, ông gác bỏ việc nhà theo tiếng gọi của Phong trào Văn Thân cứu nước. Năm 1884, triều đình Huế ký Hòa ước Patenôtre, còn gọi là Hàng ước Giáp Thân, tái xác nhận quyền bảo hộ của Pháp và ra lệnh cho các nhóm kháng chiến bãi binh. Ông chán nản, bỏ về quê lập trường Hải Châu dạy học, nhằm hun đúc lòng yêu nước lớp sĩ phu trẻ, chờ thời quật khởi.

Năm 1885, Kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi bôn đào, Pháp đưa Đồng Khánh lên ngôi. Tân trào kêu gọi các cựu thần nhà Nguyễn hợp tác. Ông vẫn sống đời dạy học, không chịu ra làm quan, theo giặc. Mặt khác, ông ngầm giới thiệu người nghĩa khí ở tỉnh nhà lên Bắc Giang gia nhập hàng ngũ của Đề Thám.

Chính quyền Bảo Hộ biết Trần Văn Gia là một cựu thần có khí tiết, nguy hiểm cho chế độ, họ luôn luôn theo dõi và tìm mọi cách dụ dỗ. Trong lần triệu tập các sĩ phu về tỉnh, ông là người đầu sổ được viên Công sứ Nam Định chú ý mời.

Cuộc hành trình đến thành Vị, ông từ quê nhà dùng thuyền đi ngược dòng sông Ninh Cơ vào sông Hồng, đến đoạn quá Mỹ Lộc thì rẽ vào sông Nam Định. Ngồi trên thuyền, ông ôn lại kỷ niệm xưa qua những trận đánh oai hùng thời Văn Thân chống Pháp. Tàu đổ bộ của chúng từ ngoài biển vào, nghĩa quân cố ngăn bước xâm lăng của giặc, mồ chôn chúng vẫn còn sờ sờ ra đó, ở rải rác hai bên bờ sông. Nhưng giờ đây, tình thế đổi thay, Pháp đã thống trị đất nước này! Chúng mặc áo da, cỡi ngựa, tỏ vẻ đắc ý khoe khoang. Chúng vơ vét tài sản của dân Việt bằng cách đánh thuế rất nặng, lại thu thuế bằng tiền cho tiện lợi. Việc đời đã và đang xảy ra trên đất nước này, ai có thể đem thấu đến trời không? Với ý nghĩ ấy, Trần Văn Gia hạ bút bài thất ngôn bát cú, lấy tên đầu đề rất thời sự: “Để Tỉnh Ngẫu Ký” (抵 省 偶 記), tức là “Tình cờ viết khi lên tỉnh,” chép vào Tích Chỉ Tập [1]

Vạn khoảnh yên ba nhất diệp thuyền,

萬 頃 烟 波 一 葉 船,

Kinh khinh trùng đáo Vị thành biên.

輕 輕 重 到 渭 城 邊。

Kim tiền khách kế thâu tô tiện

金 錢 客 計 輸 租 便,

Cừu mã nhân khoa đắc ý thiên

裘 馬 人 誇 得 意 偏。

Lư kỹ tinh thô lai hải phố,

驢 技 精 粗 來 海 浦,

Kình phong tả hữu tiếp giang yên.

鯨 封 左 右 接 江 煙。

Cáp phùng nguyệt thược dương sơ phục

恰 逢 月 鑰 陽 初 復,

Nhân sự thùy năng thướng hợp thiên.

人 事 誰 能 上 合 天。

Việt Thao dịch:

Chiếc thuyền lướt sóng khói bềnh bồng,

Thành Vị đây rồi sát bến trông.

Thu thuế bằng tiền bay đặt mánh,

Khoác y lên ngựa chúng khoe ngông.

Tài lừa tráo trở vào từ biển,

Mồ cá loi thoi đến tận sông.

Gặp lúc trăng thanh, thời khí lại

Ai đem nhân sự thấu trời không?

H 2. Một kênh đào dẫn đến thành Nam Định.

(Ảnh: Bác sĩ Hocquard chụp năm 1884)

Dù phải khăn gói lên tỉnh trình diện theo lệnh của viên Công sứ Pháp, Trần Văn Gia trước sau vẫn tỏ ý chí bất khuất và bất hợp tác với chính quyền Bảo Hộ. Ông cho rằng đất đai vẫn còn đó nhưng không phải là của “nhà Chu” nữa, và trên đường vẫn đông người qua lại nhưng lối ăn mặc khác với “nhà Hán.” Ông mơ về kinh đô với khúc nhạc quân thiều ở núi Ngự Bình xa xôi, nhưng thực tại chỉ nghe thấy tiếng kèn Tây ảo não làm lạnh lẽo nước sông Vị. Nhưng ông không hoàn toàn bi quan, trời còn muốn những người như ông được sống, thấy cảnh thanh bình trở lại. Với ước mơ ấy, ông cảm hứng viết bài “Đồng Chư Hưu Quan Để Tỉnh Cảm Tác” (同 諸 休 官 抵 省 感 作), tức là “Cảm tác khi cùng các hưu quan lên tỉnh,” tặng các bạn đồng chí hướng:

Quy lai phú bãi cửu thâu nhàn

Hà sự tương tầm tử mạch gian?

Suất thổ, mạc phi Chu thảo mộc,

Đương đồ, khước dị Hán y quan.

Quân thiều mộng tẩm Bình Sơn viễn,

Sóc quản thê lương, Vị Thủy hàn.

Thiên ý quả nhiên dung ngã lãn,

Hội khan tứ hải khánh an lan.

(Tích Chỉ Tập)

Nguyễn Xuân Tảo dịch:

Quen thú thanh nhàn mới trở lui,

Ham chi gác tía nữa mà chơi.

Cỏ cây đâu chẳng mang ơn nước,

Mũ áo gì xem khéo lạ đời.

Nhạc dạo non Bình vương vấn mộng,

Kèn khua bến Vị não nề tai.

Bọn ta ví được trời cho sống,

Bốn bể thanh bình đợi đón coi.

Trần Văn Gia đau lòng vì sự có mặt của người Pháp, làm cho giữa ông và tỉnh thành Nam Định trở nên xa lạ. Khi bước vào sảnh đường, ông càng ê chề hơn nữa. Trên vách, treo bức ảnh phóng lớn lồng khung; trong ảnh, viên Công sứ đứng giữa, hai bên có hai quan đầu tỉnh của ta đứng kèm, tỏ vẻ đắc ý. Trơ trẽn làm sao. Kẻ thống trị vênh váo mặt mày đã đành; kẻ bị trị cũng xiêm y rực rỡ, cũng hớn hở mặt mày! “Quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách,” huống chi đây là hai vị quan đầu tỉnh, mệnh danh là bậc thông hiểu đạo thánh hiền mà lại đánh mất liêm sỉ đến mức độ ấy hay sao? Tâm địa bọn tay sai cho giặc ngoại xâm, thật kinh tởm! Tác giả không bỏ sót cơ hội, lấy ngay đề tài “Khán Tỉnh Đường Truyền Thần Đồ” (看 省 堂 傳 神 圖) tức là “Xem ảnh chân dung ở tỉnh đường” rồi hạ vần thơ mỉa mai chua chát:

Nhất sứ đài kiêm lưỡng tỉnh thần,

一 使 臺 兼 兩 省 臣,

Bách niên thử hội thử truyền thần.

百 年 此 會 此 傳 神。

Y thường sở sở tương triêu mộ,

衣 裳 楚 楚 相 朝 暮,

Diện mục thi thi tạp chủ tân.

面 目 施 施 雜 主 賓。

Cực đẳng hội đồ minh tiễn bỉ,

極 等 繪 圖 明 羨 彼,

Đại quan phong hiến ám kinh nhân.

大 觀 風 憲 暗 驚 人。

Ngẫu nhiên đối kính huyền thâm tưởng,

偶 然 對 鏡 懸 深 想,

Tuyệt bút kỳ thùy pháp hoạch lân [2].

絶 筆 其 誰 法 穫 麟。

(Tích Chỉ Tập)

Việt Thao dịch:

Hai tỉnh quan cùng một sứ Tây

Trăm năm mới có ảnh chung nầy.

Sáng chiều rờ rỡ bày xiêm áo,

Chủ khách xum xoe nở mặt mày.

Hình bóng tuyệt vời tươi kẻ ấy

Oai phong lớn quá khiếp người thay.

Tình cờ trước ảnh đăm chiêu nghĩ

Gác bút, ai người thơ bắt lân?

H 3: Cổng thành Nam Định sau khi thất thủ.

(Ảnh: Bác sĩ Hocquard, 1884)

3 – Hạc Cao, một kiện tướng của hội thơ:

Người bạn cùng chí hướng, ở gần làng với Trần Văn Gia, là Đỗ Bỉnh Thành (杜 炳 成). Ông có hiệu là Hạc Cao, người xã Quần Anh Hạ, tổng Kim Lạc, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) và là con của Tiến sĩ Đỗ Phát (杜 發; 1813 – 1893). Khoa thi Hương năm Canh Ngọ (1870), ông đỗ Giải nguyên (1/24) tại trường thi Nam Định, giữ chức Giáo thụ phủ Ninh Giang. Ngày 19 tháng 2 năm Quý Mùi (27- 3- 1883), lần thứ 2 tỉnh thành Nam Định bị giặc Pháp chiếm đóng, ông từ chức về ẩn dật ở quê nhà, không chịu làm quan cộng tác với giặc cho đến khi mất. Đỗ Bỉnh Thành cũng bị gọi lên tỉnh, khi tới thành Vị, đâu đâu cũng thấy bóng giặc, ông xúc động viết bài “Đáo Vị Thành Hữu Cảm” (到 渭 城 有 感), tức là “Cảm xúc khi tới thành Vị” và trao cho Trần Văn Gia chép vào Tích Chỉ Tập:

Tuyệt liên tâm dữ sự tương vi,

Cảm khái trầm ngâm chỉ tự bi.

Thành quách giang sơn do bán thị,

Nhân dân phong tục dĩ toàn phi.

Hỏa thuyền yên diệm thông hoàng đạo,

Xa lộ trần phân bạc thúy vi.

Tối thị ẩn trung nan bạch xứ:

Hồ nhân, na quản Việt nhân phì?

Nguyễn Văn Huyền dịch:

Sự đời trái khoáy, nghĩ mà đau,

Biết ngỏ cùng ai nỗi thảm sầu.

Thành nọ quách kia còn nửa đó,

Dân xưa tục cũ có toàn đâu?

Tàu bè khói bốc đen trời thẳm,

Xe pháo bụi bay trắng núi sâu.

Day dứt nỗi riêng không chốn giãi:

Máu dân bao đủ béo quân thù?

Đọc thơ của bạn tri âm, Trần Văn Gia đáp họa qua bài “Đáo Vị Thành Hữu Cảm Thứ Hạc Cao” (到 渭 城 有 感 次 鶴 皋), tức là “Họa bài ‘Cảm xúc khi lên thành Vị’ của Hạc Cao” để tiếp lời bạn, ông xác định lòng sắt son của mình trước cảnh đất nước đổi thay vì nạn ngoại xâm:

Hám nhan trùng ức thập niên vi,

憾 顏 重 憶 十 年 違,

Phủ sự hưng hoài vạn tự bi.

撫 事 興 懷 萬 緒 悲。

Cửu khúc giang lưu tần chuyển niệm,

九 曲 江 流 頻 轉 念,

Tam giàm kim khẩu lẫm phòng phi.

三 緘 金 口 懍 防 非。

Tích ưu, phát bạch xuân nan trú,

積 憂, 髮 白 春 難 住,

Báo quốc, tâm đan lực tắc vi.

報 國, 心 丹 力 則 微。

Cố quận danh đô kim thí khán,

故 郡 名 都 今 試 看,

Thùy gia cừu mã tự khinh phì.

誰 家 裘 馬 自 輕 肥。

(Tích Chỉ Tập)

Việt Thao dịch:

Bùi ngùi ngẫm lại mười năm qua,

Muôn mối tơ vương nỗi nước nhà.

Bịt miệng ba lần phòng nói quấy,

Quặn đau chín khúc bởi sầu ra.

Lo đời, tóc bạc, đâu xuân thắm,

Báo nước, lòng son, đã tuổi già.

Quê cũ, đô xưa, nay ngó thử,

Áo lông, ngựa béo, lũ con nhà…

Phố xá Nam Định giờ đây không còn êm đềm như thời thái bình ngày xưa. Dân chúng sống lầm than dưới ách thống trị của ngoại bang. Và bọn quan lại tay sai càng bóc lột, trấn áp dân mình để được lòng tin dùng của chủ. Đỗ Bỉnh Thành không ngăn được dòng lệ, ông viết bài “Cảm Thời” (感 時), tức là “Cảm xúc về thời thế” và trao cho các bạn:

Y thùy cảo mục, niệm thời nan?

Hạ hữu tiềm phu thế tứ xan.

Nhân diện nghiễm nhiên thành quỷ quắc,

Hoa phong thốc nhĩ hóa mao man.

Sưu tô quan lại phân truy tróc,

Đồn thú quân binh điệt vãng hoàn.

Dương pháo, Hồ già thanh quát nhĩ,

Cung lung ô yết thị triền gian.

Mai Thanh dịch:

Cậy ai, đất nước buổi gian nan?

Những ngẫm nguồn cơn, nước mắt giàn.

Chẳng mấy, mặt người thành quỷ dữ,

Bỗng nhiên, tục tốt hóa di man.

Lăng xăng, quan lại đốc tô thuế,

Lúc nhúc, quan binh chật trại đồn.

Súng Pháp kèn Tàu nghe nhức óc,

Đầy đường khắp chợ tiếng than van.

Bài thơ trên được Trần Văn Gia chép vào Tích Chỉ Tập và họa lại bằng cả sự tột cùng của cảm xúc, qua bài “Thứ Hạc Cao Vận” (次 鶴 皋 韻), tức là “Họa thơ của Hạc Cao”:

Bách lự phân đầu, tuế hựu gian,

百 慮 頭 歲 又 艱,

Phong thê thê tống vũ san san.

風 淒 淒 送 雨 澘 澘。

Cố viên muộn đối hoa nhan tụy,

故 園 悶 對 花 顏 悴,

Dị loại sầu thôi điểu ngữ man.

異 類 愁 催 鳥 語 蛮。

An đắc phong niên phùng ngọc quý,

安 得 豐 年 逢玉 貴,

Nan giao Hợp Phố phục châu hoàn.

難 教 合 浦 復 珠 還。

Thiên cao, đế viễn, thần u mặc,

天 高 帝 遠 神 幽 默,

Tằng phủ bằng lâm đán tịch gian.

曾 俯 憑 臨 旦 夕 間。

(Tích Chỉ Tập)

Việt Thao dịch:

Trăm mối to vò, lại khó khăn

Gió mưa sùi sụt rét căm căm

Buồn hoa xơ xác đau vườn cũ,

Sầu tiếng “xi xô” lạ giọng chăm.

Thóc đến ngày mùa mong chẳng được,

Châu về Hợp Phố khó chi bằng.

Vua xa, trời thẳm, thần câm lặng

Sớm tối còn soi xét được chăng?

Còn tiếp

San Jose, ngày 10- 06- 1997

Bổ chính lần 2: 22- 01- 2010

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[1] Ngoài Tích Chỉ Tập, Trần Văn Gia còn để lại các tập khác như Hòe Phù Công Dư Ký, Chuyết Cấu Tập, Gián Viện Xướng Thù, Hòe Anh Thủ Cảo.

Tích Chỉ Tập của Trần Văn Gia, Hán Thủy Tạp Ký của Vũ Tế, Trúc Khê Thi Tập của Trần Chí Bạng, Nhàn Hoa Thi của Trần Văn Luyện, Thi Học Quan Hà của Trần Mạnh Đức và nhiều tập khác, đều có thơ tuyển vào tập Văn Học Yêu Nước Hà Nam Ninh. Các bài thơ dẫn chứng trên, hầu hết trích trong tập thi tuyển này.

[2] Theo tư liệu Lam Giang Nguyễn Quang Trứ (1919 – 2009), nguyên từ Cổ Thư, năm 478 trước Tây lịch, thợ săn nước Lỗ bắt được con lân. Đức Khổng Tử ra xem, động lòng, làm bài Hoạch Lân Ca:

Minh vương tác hề lân thượng du

Kim phi kỳ thế hề lai hà cầu?

Lân hề lân hề, ngã tâm ưu.

Tạm dịch:

Đời vua thịnh, lân mới chuộng việc đi chơi

Nay không phải là cái thời đó, đến để cầu việc gì?

Lân ơi lân ơi, lòng ta buồn lo.

Vài hôm sau, Khổng Tử chết. Hoạch Lân Ca là bài tuyệt bút của ngài. Ý nói không phải thời thịnh trị mà lân xuất hiện chỉ để sa vào bẫy.