NGÔN TỪ THẬM XƯNG

ĐÀM TRUNG PHÁP

Thậm xưng là phương pháp thổi phồng lời nói về một sự việc, gây chú ý cho người nghe, người đọc. Thậm xưng cũng mang nhiều tên khác – lịch sự thì có thậm xưng, khuếch đại; vừa vừa thì có đại ngôn, cường điệu, ngông; bình dân thì có lộng ngôn, phét lác, nổ. Công dụng đặc biệt của loại ngôn từ này là để gia tăng (quá cỡ) cái mức độ hỷ, nộ, ái, ố trong một ngữ cảnh với chủ đích nhấn mạnh, gợi sự chú ý, hoặc bỡn cợt. Ngôn ngữ nào cũng sử dụng thậm xưng trong thi ca cũng như trong văn xuôi hay tiếng nói hàng ngày. Tiếng Pháp và tiếng Anh dùng chữ hyperbole, trong khi tiếng Đức cũng như tiếng Tây ban nha lần lượt dùng hai chữ tương tự là Hyperbel (danh từ tiếng Đức luôn phải viết hoa) và hipérbole để mệnh danh loại ngôn ngữ đặc biệt này. Sự kiện này cho thấy tiếng Việt ta chẳng nghèo nàn về từ vựng chút nào. Trong phạm vi hạn chế của bài viết này, tôi chỉ đề cập đến thi ngữ thậm xưng trong tiếng Việt và vài mgoại ngữ quen thuộc, lấy các thí dụ qua thơ của những thi sĩ liên hệ mà tôi – “điếc không sợ súng” – đã chuyển sang thơ Việt. Các đoạn thơ nguyên tác bằng ngoại ngữ ghi lại ở cuối bài viết là để thân tặng những độc giả nào cũng thích học ngoại ngữ như tôi.

Đệ nhất thi hào Pháp Quốc Victor Hugo (1802-1885) đã thậm xưng ngoạn mục trong đoạn chót bài thơ tình diễm lệ có tựa đề Cho Jeanne đọc thôi. Nồng nàn, say đắm, và cực ngông là thi ngữ của đại danh này thuở thanh xuân :

Jeanne ơi, em có biết điều chi

đang bận lòng anh không nhỉ ?

Đó là điều anh mê đóa hoa nhỏ nhoi

trên váy em hơn tất cả tinh tú trên trời [1]

Oh là là! Có ai biết cô Jeanne mặc váy dài hay váy ngắn hoặc là có bao nhiêu “đóa hoa nhỏ nhoi” như vậy trên váy cô không? Ta chỉ biết rằng sau khi tán tỉnh cô nàng một hồi – nào là “ vua chúa xứ này là ai anh chẳng bận lòng, vì anh chỉ biết có em thôi, ” nào là “luôn luôn có một sợi dây xích nó kéo cẳng anh về hướng nhà em,” – thi hào Victor Hugo kết thúc bài thơ nịnh đầm khét tiếng bằng một thi ngữ khuếch đại có lẽ ở mức quán quân hoàn cầu!

Bài thơ thất ngôn bát cú khuyết danh tác giả dưới đây, làm toàn bằng những lời nói phét, là một thí dụ thần sầu cho thi ngữ thậm xưng người Việt chúng ta :

Ta con ông trạng cháu ông nghè

Nói lớn trên trời dưới đất nghe

Sức khỏe Hạng vương cho một đấm

Cờ cao Đế thích chấp đôi xe

Nhảy ùm xuống biển lôi tàu lại

Chạy tót lên non cõng cọp về

Bữa nọ ghé chơi vườn thượng uyển

Trăm nàng công chúa chạy ra ve

Thi ca trữ tình cũng là môi trường tuyệt hảo cho ngôn từ khuếch đại ngự trị, khi mà con tim nhà thơ bị chấn động bởi những xúc cảm vỡ nước tràn bờ. Lúc đó thi tứ càng lộng thì thi ngữ càng ngông, như khi thi hào của Mỹ châu La-tinh Pablo Neruda (khôi nguyên Nobel văn học 1971) không chút ngại ngần mệnh danh cô bạn gái mình là “nữ hoàng” trong bài thơ La reina. Đây là lý do tại sao cô Matilde đã trở thành nữ hoàng của Pablo, qua một thi ngữ cường điệu đến mức long trời lở đất :

Và khi em xuất hiện

tất cả những giòng sông náo động

trong thân anh, những hồi chuông

lay chuyển cả bầu trời

và một thánh ca ngập tràn thế giới [2]

Ngoa ngữ cũng có thể thấy trong một nội dung cố tình làm cho vô lý, nghịch lý, hay ngây ngô của các câu thơ để gợi sự chú ý tối đa của người đọc. Thi sĩ người Mỹ W. H. Auden (1907-1973) là tác giả của một bài thơ gồm 8 câu mà ý nghĩa đều thậm vô lý, khiến ai cũng phải để ý đến mà đọc đi đọc lại vì chúng ngộ nghĩnh lạ thường:

Anh sẽ yêu em, anh sẽ yêu em

Đến khi nào Trung quốc chạm châu Phi

Và dòng sông nhẩy lên trên đỉnh núi

Và cá hồi ca hát dọc đường đi

Anh sẽ yêu em đến khi biển rộng

Được gấp đôi rồi phơi nắng cho khô

Bảy hành tinh cùng kêu lên quang quác

Tựa ngỗng trời đang bay lượn trên không [3]

Nơi quê hương chúng ta, đệ nhất thi hào Nguyễn Du (1765-1820) trong tuyệt tác Truyện Kiều cũng sử dụng ngoa ngữ thần tình. Trong 15 năm lưu lạc, Kiều rơi vào tay một số đàn ông háo sắc. Họ hứa hẹn bảo vệ cuộc đời nàng, nhưng khổ thay, toàn bằng ngoa ngữ rất nổ. Anh chàng đại đểu cáng Sở Khanh đã nỡ lòng lừa dối dụ Kiều đi trốn, lộng ngôn đến thế này có khiếp không:

Nàng đà biết đến ta chăng

Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi

Rồi đến anh chàng râu quặp nổi tiếng Thúc Sinh mà khi mê gái cũng hứa hẹn văng mạng:

Đường xa chớ ngại Ngô Lào

Trăm điều hãy cứ trông vào một ta

Thi nhân đời Đường bên Tàu có vẻ ít dùng ngôn ngữ thổi phồng, nhưng khi điều ấy xảy ra, nghe cũng vui tai đáo để. Giả Đảo (779-843) đi thi nhiều lần không đậu, bèn vào chùa gõ mõ tụng kinh. Ông thường làm thơ để than thân trách phận, và ông cũng là người làm thơ … chậm nhất trần gian, căn cứ vào câu thơ đầu với ngôn từ cường điệu của bài ngũ ngôn tứ tuyệt mang danh Tuyệt cú của ông, qua bản dịch của Trần Trọng San :

Hai câu làm mất ba năm

Ngâm lên lã chã hai hàng lệ rơi

Tri âm nếu chẳng đoái hoài

Trở về núi cũ nằm dài với thu [4]

Thi nhân thường thuộc nòi tình đa sầu đa cảm, cho nên họ sẽ sầu bi biết mấy khi “Nàng Thơ” bỗng bất chợt vuột khỏi tay mình. Người ta kể rằng khi còn tuổi đôi mươi Jakob Lenz (1751-1792) bên trời Đức quốc đã trải qua một kinh nghiệm tình cảm nghiệt ngã: cô bạn gái của anh ta bỗng dưng biệt tích! Quá khổ đau vì tìm kiếm đâu cũng chẳng ra, Jakob chỉ còn biết làm thơ để gọi nàng về. Wo bist du itzt? (Em ở đâu bây giờ?) là bài thơ chan chứa nỗi nhớ thương cô bạn gái, qua một thi ngữ khuếch đại liên hệ đến trời cao đất rộng, đến sự vắng lặng nơi thị thành lẫn đồng hoang khiến cả chim chóc cũng bay đi theo nàng hết ráo. Dưới đây là một đoạn trích dẫn từ bài thơ não lòng quá cỡ của người thanh niên Jakob thất tình ấy :

Từ buổi em đi, mặt trời hết sáng

ấm lòng thay là kết nối đồng tâm

giữa cao xanh và người bạn em đây

nhớ thương em lệ nhỏ suốt đêm ngày

mọi lạc thú đều cùng em khuất dạng

vắng tanh cả thành phố lẫn đồng hoang

và theo em cũng vừa bay đi khỏi

luôn cả chú chim thân ái họa mi [5]

Trong một hoàn cảnh tương tự (nhưng không quá thảm sầu như thế đâu), thi ngữ bốc đồng của nhà thơ Nguyên Sa (1932-1998) thực khó quên, trong bài Gọi em:

Một buổi sáng tỉnh dậy không thấy em tôi chạy ra cửa sổ

gọi tên em rất to. Những tiếng kêu thất thanh vang trên hè phố.

Tôi bảo rằng: em phải về ngay. Nếu em là gió tôi sẽ làm trăng.

Em là trăng, tôi sẽ là mây. Nếu em là mây, tôi sẽ làm gió thổi.

Còn nếu em là chân trời xa tôi sẽ làm cánh chim bằng rong ruổi.

Em là mặt trời thì ở trên đường xích đạo tôi sẽ muôn đời

làm một kiếp hướng dương …

Bài viết chấm dứt tại đây, với niềm mong ước chân thành là giới tu mi nam tử sẽ lưu tâm nhiều hơn đến những bông hoa nhỏ nhoi trên áo quần ai đó, để không bao giờ phải mở toang cửa sổ ra mà gào tên người ấy trở về.

= = = = = = = = = =  

[1] Et sais-tu ce qui m’occupe

– Jeanne ? C’est que j’aime mieux

la moindre fleur de ta jupe

que tous les astres des cieux

[Victor Hugo]

[2] Y cuando asomas

suenan todos los ríos

en mi cuerpo, sacuden

el cielo las campanas

y un himno llena el mundo

[Pablo Neruda]

[3] I’ll love you, dear, I’ll love you

Till China and Africa meet

And the river jumps over the mountain

And the salmon sing in the street

I’ll love you till the ocean

Is folded and hung up to dry

And the seven stars go squawking

Like geese about the sky

[W. H. Auden]

[4] Nhị cú tam niên đắc (二 句 三 年 得)

Nhất ngâm song lệ lưu (一 吟 雙 淚 流)

Tri âm như bất thưởng (知 音 如 不 賞)

Qui ngọa cố sơn thu (歸 卧 故 山 秋)

[Giả Đảo]

[5] Seit du entfernt, will keine Sonne scheinen

und es vereint

der Himmel sich, dir zartlich nachzuweinen

mit deinem Freund

All unsre Lust ist fort mit dir gezogen

still ueberall ist Stadt und Feld

Dir nach ist sie geflogen

die Nachtigall

[Jakob Lenz]