VỀ BÀI THƠ “TAY NGÀ” CỦA
NGUYỄN NHƯỢC PHÁP
Vĩnh Đào
Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) sinh tại Hà Nội, là con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh và một người vợ nhỏ tên Phan Thị Lựu. Mẹ mất khi ông được hai tuổi, ông được người vợ lớn của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đem về nuôi với những anh em khác cùng cha khác mẹ.
Sau khi có bằng tú tài, Nguyễn Nhược Pháp vào học trường Luật và cộng tác với nhiều tờ báo. Ông chết vì bệnh thương hàn vào lúc mới có 24 tuổi, nên tác phẩm để lại không nhiều: 3 truyện ngắn, 6 vở kịch, 10 bài thơ và 10 bài phê bình văn học viết bằng tiếng Pháp cho tờ báo L’Annam nouveau (về Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, Vua Hàm Nghi, về quyển tiểu thuyết Đời mưa gió của Khái Hưng và Nhất Linh, về sân khấu kịch đương thời…). Các bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp được in lại trong tập Ngày xưa do Nguyễn Dương xuất bản năm 1935.
Trong thời gian đi học Luật và viết báo, lúc đó Nguyễn Nhược Pháp làm cho tờ L’Annam nouveau gần nhà ông nhà thầu khoán Đỗ Lợi, mỗi ngày anh đi qua ngôi nhà số 37 Hàng Đẫy, nấn ná hy vọng nhìn thấy dung nhan nàng Đỗ Thị Bính, một trong tứ đại mỹ nhân của đất Hà Thành mà chàng sinh viên đã thầm yêu trộm nhớ. Trong 10 bài thơ để lại của Nguyễn Nhược Pháp, nhiều bài lấy nguồn cảm hứng từ giai nhân Đỗ Thị Bính, trước hết là bài Đi chùa Hương, rồi các bài Sơn Tinh Thủy Tinh, Mỵ Châu, Mỵ Ê, Một buổi chiều xuân, và Tay ngà… Trong tất cả những bài này người đọc có thể thấy thấp thoáng bóng dáng của nàng thơ trong mộng tưởng của thi sĩ.
Tay Ngà
Đêm nay chờ trăng mọc,
Ngồi thẩn thơ trong vườn.
Quanh hoa lá róc rách,
Như đua bắt làn hương.
Ta ngồi bên tảng đá,
Mơ lều chiếu ngày xưa,
Mơ quan Nghè, quan Thám
Đi có cờ lọng đưa.
Rồi bao nàng yểu điệu
Ngấp nghé bay trên lầu,
Vừa leng keng tiếng ngựa,
Lẹ gót tiên gieo cầu.
Tay vơ cầu ngũ sắc
Má quan Nghè hây hây.
Quân hầu reo chuyển đất,
Tung cán lọng vừa quay.
Trên lầu mấy thị nữ
Cùng nhau khúc khích cười:
“Thưa cô đừng thẹn nữa,
Quan Nghè trông lên rồi!”
Cúi đầu nàng tha thướt,
Yêu kiều như mây qua.
Mắt xanh nhìn man mác
Mỉm cười vê cành hoa.
Ta còn đang luyến mộng,
Yêu bóng người vẩn vơ;
Tay ngà ai phủ trán?
Hiu hắt ánh trăng mờ…
2-5-1934
Nói thêm về giai nhân Đỗ Thị Bính. Vào khoảng giữa thập niên 1930, có bốn người phụ nữ có tiếng là đẹp nhất thủ đô Hà Nội và được gọi là “Tứ đại mỹ nhân Hà Thành”. Đó là:
– Cô Phượng, tức là Vương Thị Phượng, ở phố Hàng Ngang, còn gọi là cô Phượng Hàng Ngang,
– Cô Bính, tức là Đỗ Thị Bính, ở phố Hàng Đẫy, gọi là cô Bính Hàng Đẫy,
– Cô Síu ở phố Cột Cờ (nay thuộc quận Ba Đình), gọi là cô Síu Cột Cờ,
– Cô Nga ở phố Hàng Gai, gọi là cô Nga Hàng Gai.
Cô Đỗ Thị Bính sinh năm 1915, là con của nhà thầu khoán Đỗ Lợi ở Hàng Đẫy, nhà thầu khoán thuộc hàng lớn nhất Hà Nội những năm đó. Đặc biệt, cô chỉ thích mặc áo một màu đen. Nguyễn Nhược Pháp say mê sắc đẹp của cô nhưng chưa bao giờ có cơ hội gặp mặt. Năm 1939, một năm sau khi Nguyễn Nhược Pháp mất, Đỗ Thị Bính lập gia đình với một một kỹ sư học ở Pháp tên Bùi Tường Viên, con trai Tổng đốc Phú Thọ Bùi Thiện Căn và em trai út của luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu. Bà mất năm 1992, thọ 77 tuổi.
Đúng là người yêu trong mộng tưởng. Nàng là gái trên lầu son, tiểu thơ một gia đình giàu có, chàng chỉ là một sinh viên nghèo mới ra trường, công danh sự nghiệp chưa có, làm sao dám nghĩ đến chuyện nàng để mắt tới mình? Vậy là chàng mơ mộng. Trong bài “Chùa Hương”, tác giả tự đặt mình trong vai người con gái đi chùa Hương cùng với cha mẹ và kể tâm sự nàng con gái: “Em thấy một văn nhân/ Người đâu thanh lạ thường/ Tướng mạo trông phi thường/ Lưng cao dài, trán rộng/ Hỏi ai nhìn không thương…”
Trí tưởng tượng không giới hạn, chàng nghĩ xa hơn nữa: “Ngun ngút khói hương vàng/ Say trong giấc mơ màng/ Em cầu xin Giời Phật/ Sao cho em lấy chàng”.
Bài “Tay ngà” là một giấc mơ khác: Anh chàng sinh viên nghèo tưởng tượng mình là một quan nghè vinh qui bái tổ, sau khi đậu tiến sĩ được vua ban cho mũ áo trở về làng linh đình với lọng, kiệu và lính hầu. Vì quan nghè chưa vợ nên biết bao thiếu nữ ước mơ quan để mắt tới. Nàng tiểu thơ Đỗ Thị Bính trên lầu son cũng háo hức mong sao chàng ngước lên nhìn thấy mình.
Giấc mơ đẹp làm sao, nhưng cũng chỉ là một giấc mơ:
Ta còn đang luyến mộng,
Yêu bóng người vẩn vơ;
Tay ngà ai phủ trán?
Hiu hắt ánh trăng mờ…
Bài thơ kể giấc mơ một thư sinh nghèo thi đỗ được tiểu thơ đài các cầu hôn, nên có mấy từ ngữ liên quan đến việc học hành, thi cử cần biết.
“Mơ lều chiếu ngày xưa”: Khi xưa thí sinh đi thi phải mang lều, thức ăn, thức uống theo. Sáng sớm, mở cửa trường thi, thí sinh vào căng lều trên bãi đất rộng rồi làm bài suốt ngày. Cuối ngày đem bài nộp ban giám khảo. Chiếu trải dưới đất để thí sinh ngồi làm bài. Ngô Tất Tố có viết quyển truyện “Lều chỏng”: chỏng là chiếc giường tre nhỏ và gọn có thể mang theo để thí sinh khỏi ngồi dưới đất.
“Mơ quan Nghè, quan Thám”: Tổ chức thi cử ngày xưa chia thành ba cấp. Thi hương: gồm có 4 vòng, thí sinh được chấm đậu cả 4 vòng được học vị cử nhân (dân gian gọi là ông cử hay ông cống), được chấm đậu 3 vòng đầu được học vị tú tài (ông tú hay ông đồ). Những người đã đậu cử nhân, năm sau được dự thi hội; thí sinh đậu kỳ thi hội được học vị tiến sĩ (gọi là ông nghè). Các thí sinh đậu thi hội tiếp tục vào thi đình để được xếp hạng. Ba thí sinh đậu cao nhất trong kỳ thi đình là tiến sĩ đệ nhất giáp, gồm có Trạng nguyên (ông trạng), Bảng nhãn (ông bảng), và Thám hoa (ông thám). Các tiến sĩ khác được xếp hạng tiến sĩ đệ nhị giáp và tiến sĩ đệ tam giáp. Những người đậu cử nhân trở lên được triều đình bổ nhiệm làm quan ở những cấp khác nhau từ địa phương đến trung ương nên mới có “quan nghè, quan thám”…
Những người đậu tiến sĩ là niềm vinh dự lớn cho làng quê quán của họ. Lễ trở về làng “vinh qui bái tổ” có lính hầu, lọng che, dân làng đón tiếp tưng bừng nên mới có “cờ lọng đưa”, “leng keng tiếng ngựa”, quân hầu “tung cán lọng”…
“Gót tiên gieo cầu”: Do sự tích Hán Vũ Đế chọn rể bằng cách cho công chúa ngồi trên lầu ném quả tú cầu xuống, ai bắt được thì được chọn làm phò mã, “gieo cầu” chỉ việc chọn chồng, kết hôn. Trong Truyện Kiều có câu: “Nuôi con những ước về sau / Trao tơ phải lứa gieo cầu đáng nơi” (câu 577-578). Quả tú cầu làm bằng lụa hoặc bằng giấy xếp tròn hình quả cầu nay thường dùng làm vật trang trí trong các lễ cưới.
Trong điển tích thì người bắt được quả cầu là do may mắn, tình cờ, nhưng trong giấc mơ của chàng thư sinh, nàng tiểu thơ chọn đúng quan nghè mà ném quả cầu. Nàng ném quá giỏi hay đúng hơn, trong giấc mơ việc gì cũng dễ dàng, nên quả cầu rơi đúng chàng, khiến “má quan Nghè hây hây”, quân hầu reo hò vui mừng, còn trên lầu son thì các thị nữ của tiểu thơ “cùng nhau rúc rích cười”.
Hiểu được một số chi tiết này, hãy đọc lại bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp để thấy rằng bài thơ rất đẹp, và hiểu tại sao, dù chỉ để lại một số rất ít thi phẩm mà Nguyễn Nhược Pháp vẫn có một chỗ đứng vững vàng trong văn học.
Trong giấc mơ của chàng thư sinh mơ thành quan nghè, quan thám, giây phút tuyệt diệu nhất là khi chàng thư sinh tưởng tượng có một bàn “tay ngà” phủ lên trán mình. Nhà thơ cũng lấy chi tiết nhỏ là bàn tay người đẹp làm tựa đề cho bài thơ, cho thấy tình yêu si mê mà Nguyễn Nhược Pháp dành cho nàng Đỗ Thị Bính. Anh xem nàng như một thần tượng, không dám hy vọng với tới một tiểu thơ cành vàng lá ngọc như nàng, nhưng hình ảnh quí phái của giai nhân luôn luôn ám ảnh tâm trí chàng thi sĩ. Những tỉnh từ trang trọng ngà, ngọc… trở về rất nhiều lần dưới ngòi bút của tác giả mỗi khi bóng dáng của giai nhân Đỗ Thị Bính xuất hiện trong thơ Nguyễn Nhược Pháp:
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ:
Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ.
…
Mắt nhoà lệ ngọc ngấn đầm quanh…
(Sơn Tinh, Thuỷ Tinh)
Thân ngà tóc rủ vờn man mác,
Tóc liễu đua bay vờn má ngọc.
(Mỵ Châu)
Ủ lệ, tay ngà ôm ngực huyết,
Mỵ vờn theo sóng dạt bờ hoang.
(Mỵ Ê)
Nàng chợt nghiêng thân ngà.
(Một buổi chiều xuân)
Mối tình trong mộng của nhà thơ không kéo dài được lâu. Chỉ mới được 24 tuổi, Nguyễn Nhược Pháp đã lìa cõi đời vì bệnh thương hàn. Sau đó một năm, nàng thơ Đỗ Thị Bính cũng kết hôn với một quan nghè, nhưng là một quan nghè học ở Pháp về. Và như trong các chuyện cổ tích, nàng sống hạnh phúc bên cạnh chồng cho đến cuối đời.