Sau hiệp định Genève 1954, sự chia đôi nước Việt thành hai quốc gia đã tạo nên luồng sóng chạy trốn cộng sản vào miền Nam đi tìm tự do. Cuộc di cư lịch sử này có thời hạn là 300 ngày. Sự giám sát thực thi hiệp định được trao cho Uỷ hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến được thành lập theo điều 34 của hiệp định với đại diện của ba nước Ấn Độ, Ba Lan, và Canada.
Để tiếp nhận và định cư Bắc Kỳ di cư tỵ nạn, chính phủ Quốc Gia miền Nam tổ chức ngay:
- Các phương tiện chuyên chở người tỵ nạn vào Nam bằng đường thủy và hàng không,
- Lâp ủy ban đón tiếp và hướng dẫn dân tỵ nạn đến tạm cư tại các trạm cư trú rải rác tại Sài Gòn và Gia định,
- Thành lập cơ quan lo tái định cư như Phủ Tổng Ủy Di Cư Tỵ Nạn hoạch định một chính sách thành lập các khu định cư thường trực, lo chuyên chở nông dân và ngư dân đến định cư, giúp đỡ tiền bạc, thực phẩm và vật liệu xây cất trong thời gian đầu chưa ổn định. Các thành phần tư sản, trí thức, công tư chức và thương gia tự túc định cư tại các thành phố. Riêng các nông dân và ngư dân thì phải trông cậy vào kế hoạch định cư và trợ giúp tài chánh của chính phủ. Đến tháng 8 năm 1955, làn sóng di cư vào miền Nam tự do đã lên tới 887.917 người.
Thời hạn rút quân và di cư
Điều 14, đoạn b, của Hiệp Định Genève được ký kết ngày 20.7.1954 quy định: “Trong thời gian kể từ khi hiệp định này bắt đầu có hiệu lực đến ngày hoàn thành việc chuyển quân, nếu có những thường dân ở một khu thuộc quyền kiểm soát của bên này mà muốn sang ở vùng giao cho bên kia, thì nhà chức trách của khu trên phải cho phép và giúp đỡ sự di chuyển ấy”.
Sự chuyên chở người tỵ nạn hầu hết do hải quân Hoa Kỳ và Pháp phụ trách. Với trợ giúp tài chánh của Hoa Kỳ, chính phủ Ngô Đình Diệm tổ chức di cư như sau:
Thời hạn quân đội Liên Hiệp Pháp rút khỏi Bắc Việt trùng hợp với di cư là 300 ngày chia làm 3 thời hạn:
– Khu Hà Nội: 80 ngày
– Khu Hải Dương: 100 ngày
– Khu Hải Phòng: 300 ngày
Công việc tiếp cư tại Hải Phòng kéo dài như thế cho đến ngày 19-5-55, nhưng vì số người di cư quá đông, Cao uỷ Pháp đã xin gia hạn thêm ba tháng và phía Hà Nội đã thoả thuận nên ngày cuối cùng thay vì là ngày 19 tháng 5 được đổi thành ngày 19 tháng 8. Trong thời gian gia hạn, có thêm 3.945 người đã vượt tuyến vào Nam.
Phương tiện chuyên chở người tỵ nạn
Vì không có đủ phương tiện cho những người di cư vào Nam nên chính quyền Pháp và Việt Nam phải kêu gọi các nước khác giúp chuyên chở và định cư. Các chính phủ Anh, Tây Đức, Hoa Kỳ, Nhật, Trung Hoa Dân quốc, Úc hưởng ứng cùng các tổ chức quốc tế (UNICEF, Hồng Thập Tự, Catholic Relief Services (CRS), Church World Services (CWS), Mennonite Central Committee (MCC), International Rescue Committee (IRC), CARE).
Tổng thống Eisenhower hưởng ứng lời kêu gọi của thủ tướng Diệm đã ra lệnh cho chủ lực 90 của đệ thất hạm đội Mỹ đến Việt Nam giúp đỡ việc chuyên chở người di cư.
Các người tỵ nạn cộng sản dùng đủ mọi phương tiên di chuyển để đến địa điểm tập trung di tản, thí dụ như người tỵ nạn đi từ cửa Cồn Thoi ra Hải Phòng trên những mảnh bè tre nứa ghép lại một cách vội vã (xem hình). Đa số đi bằng đường thủy và đường hàng không để di cư vào miền tự do.
Đường thủy
Tàu thủy Pháp chở được 338 chuyến, tàu Mỹ 109 chuyến, tàu Anh 2 chuyến, tàu Trung Hoa, 2 chuyến, tàu Ba Lan, 4 chuyến, tổng cộng là 555.037 người. Hầu hết các tầu thủy đều cặp bến Sài Gòn.
Đường hàng không
Theo tài liệu trong Cuộc Di Cư Lịch Sử, máy bay Pháp chở được 4280 chuyến, tổng cộng 213.635 người. Bên cạnh máy bay của Pháp còn có các hãng máy bay tư giúp sức như Air France, Air-Việt Nam, Autrex, Aigle-Azur, Air-Outremer, Cat, Cosara và U.A.T. Đó là cây cầu hàng không lớn nhất nối liền giữa Hà Nội, Hải Phòng- Sàigòn, dài 1174 cây số.
Và một số người đi bằng phương tiện riêng là 102.861 người.
Cộng chung tất cả là 871.5533. Một con số được coi là khá chính xác so với tài liệu chính thức trong trang 120 của cuốn Cuộc Di Cư lịch Sử của Phủ Tổng Ủy di cư.
Trại tiếp cư
Việc chỉ có 300 ngày để di cư trong khi số lượng người di cư rất lớn khiến chính quyền Ngô Đình Diệm phải xây 42 trung tâm tạm cư. Các trạm này sử dụng các công trình công cộng có sẵn như trại lính Pháp, nhà thờ, một số trường dòng. Hàng ngàn người đã ở trong các lều tạm ở sân bay Tân Sơn Nhất và trường đua Phú Thọ.
Sài Gòn có 10 trung tâm tiếp cư chính là: Phú Thọ, Xuân Trường (Thủ Đức), Nhị Thiên Đường, Bình Đông 1, Bình Đông 2, Bình Đông 3, Bảo Hưng Thái, Rạch Rừa, Bình Trị Đông và Bình Thới.
Ngoài ra còn có những trung tâm tiếp cư lẻ tẻ như Bệnh viện Bình Dân, Nhà Kiếng, Tân Sơn Nhất, Dạ Lữ Viện, Rạch Dừa và các trường học ở Sàigòn, Chợ Lớn, Gia Định, Thủ Đầu Một hay ở Gò Vấp như các trường Tôn Thọ Tường, Nguyễn Tấn Nghiệm, Pétrus Ký, Cây- Gỗ lớn, Cây-Gỗ nhỏ, Đỗ Hữu Phương, Phú Thọ, Đakao, Khánh Hội và các trạm cứu hỏa đường Trần Hưng Đạo, tỉnh Gia Định và trại tiếp cư Hòa Khánh ở Chợ Lớn v.v.
Các thành phần như sinh viên, học sinh, nhất là phái nữ thì được ưu tiên tạm trú tại trường Gia Long, trường Pétrus Ký và 2000 người tạm trú tại các trường học ở Gia Định vì lúc đó các trường đang nghỉ hè.
Đặc biệt là trại tạm cư Phú Thọ còn được gọi là Phú Thọ “lều”, vì ở trong các lều. Các lều này được chuyên chở từ Nhật về trong các kho dự trữ của chính phủ Mỹ ngày 31/7/1954. Đợt đầu tiên là 2.000 căn lều bạt đã tới Sàigòn và trù liệu chỗ trú ẩn cho 40.000 dân di cư. Tức khoảng 4 gia đình với trung bình 4 người trong một nhà lều.
Cơ quan đặc trách di cư
Ngày 9/8/1954: Miền Nam lập phủ “Tổng-ủy phụ-trách đồng bào tị-nạn” theo NĐ 111TTP-VP, Ông Nguyễn Văn Thoại làm Tổng Ủy trưởng di cư, phụ tá là kỹ sư Đinh Quang Chiêu.
Năm 1955, thành lập Phủ Tổng Ủy Di Cư tỵ Nạn để hoạch định chương trình định cư dân tỵ nạn đặc biệt là các nông dân trên đồng bằng Cửu Long. Phụ trách là ông Mai Văn Hàm, Bùi Văn Lương. Ngoài ra còn có bốn vị đã lần lượt trông coi, chăm sóc cho người di cư là: Bác sĩ Phạm Hữu Chương, ông Ngô Ngọc Đối, bác sĩ Phạm Văn Huyến và bên cạnh đó, có đức cha Phạm Ngọc Chi được chỉ định làm chủ tịch Ủy ban hỗ trợ định cư. Tại Hà Nội. Phủ Tổng Ủy Di Cư đặt một nha Di Cư gồm ba người đảm nhiệm (Bác sĩ Hoàng Cơ Bình và ông Trần Trung Dung lo về dân sự và thiếu tướng Nguyễn văn Vận lo chuyển vận quân đội vào Nam).
Kế hoạch định cư
Kế hoạch định cư được thực hiện theo ba giai đoạn.
Giai đoạn 1: từ tháng 10 đến tháng 12 năm 1954
Phủ Tổng Ủy Di Cư cố gắng giải quyết các vấn đề cấp bách trong các trại tạm cư như:
– cung cấp lều tạm trú, thực phẩm (gạo, mắm muối, cá khô…),
– tìm kiếm đất cho các khu định cư.
Trong thời gian này, đời sống của dân tỵ nạn rất là khó khăn: sống chui rúc dưới lều vải, chia nhau từng giọt nước uống cung cấp bởi các «camion citerne», làm bếp dưới nắng cháy da, muỗi, ruồi, bệnh tật quấy nhiễu ngày đêm. Thêm vào khổ ải đó là nhàn rỗi, nhớ thôn xóm xưa, lo lắng đến một tương lai bất định…Vì vậy một số di dân sanh ra bất mãn, phiền trách sự chậm chạp tìm đất định cư cho họ.
Giai đoạn 2: Định cư từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1955
Đây là thời kỳ thành lập các trung tâm định cư. Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Phủ Tổng Ủy Di Cư quyết định chọn lựa các khu định cư, hoạch định đồ án xây cất (làm đất, chia lô…), ước tính kinh phí của chính phủ… rồi phổ biến tin tức đó trong các trại tạm cư. Sau đó một đại diện dân chính hoặc cha xứ của khu định cư tương lai sẽ đi quan sát khu định cư để lấy quyết định thay cho di dân. Tiếp theo, chính phủ sẽ lo việc chuyên chở, giúp đỡ tài chánh, thực phẩm, đồ gia dụng thiết yếu như mùng mền, đũa chén…
Giai đoạn 3: Kiện toàn định cư từ tháng 6 năm 1956
Sau khi di dân đã sống trong các khu định cư rồi, Phủ Tổng Ủy Di Cư làm nhiệm vụ cuối cùng là kiểm điểm và hoàn thiện một cách khoa học và hợp lý như tìm địa điểm, tài nguyên thích hợp cho từng nghề nghiệp cho từng loại dân di cư. Thí dụ, trước số di dân quá đông đảo, lại thiếu nhân viên phụ trách, Phủ Tổng Ủy Di Cư phạm một số sai lầm trong việc lựa chọn địa điểm định cư và phân chia di dân theo nghề nghiệp.
Năm 1955, chính phủ thành lập một Ủy Ban Cao Cấp gồm các chuyên viên nha định cư, nha kỹ thuật và phái đoàn viện trợ Mỹ. Ủy ban này duyệt xét lại các trung tâm định cư về mặt kỹ thuật và phối trí di dân theo ba nghề (nông, ngư, thủ công) cho phù hợp với mỗi trung tâm.
Theo tài liệu năm 1955 củaTổng Ủy Di Cư, số dân tỵ nạn do chính phủ trợ giúp được phân phối theo nghề nghiệp như sau: nông dân chiếm 80% trên tổng số, còn công nghiệp 10% và ngư nghiệp 10% được phân phối trong các trung tâm sau:
Tỉnh
|
Trung tâm định cư tỵ nạn công nghệ
|
Sài Gòn
Gia Định
Biên Hòa
|
Thủ Trí, Phú Bình
Xóm Mới, Đông Hòa Xa, Giồng Ông Tố, Suối Lồ Ồ
Hố Nai, Tân mai, Hòa Bình, Thanh Bình
|
Tỉnh duyên hải
|
Trung tâm định cư ngư dân tỵ nạn
|
Bên Tre (Kiến Hòa)
Phước Tuy
Vũng Tàu (Phước Tuy)
|
Cồn Hựu, Khâu Băng
Phước Tĩnh, Tân Phước, Cù My
Thạnh Thới, Rạch Dừa A, Rạch Dừa B
|
Thành quả
Cuối năm 1955, Phủ Tổng Ủy Di Cư đã định cư trên đồng bằng Cửu Long 393.354 di dân trên tổng số 508.949 thôn dân di cư (Nguồn: Phủ Tổng Ủy Di Cư Tỵ Nạn).
Số di dân đã định cư được phân phối như sau.
Theo bảng phân phối trên, hai phần ba dân tỵ nạn sống tiếp cận Sài Gòn-Gia Định để hành nghề thủ công, dịch vụ…Riêng tỉnh Biên Hòa có 56 trung tâm định cư với 107.947 dân tỵ nạn sống nghề khai thác gỗ rừng và canh tác trên các mảng phù sa cổ. Từ 1955, các trung tâm định cư ở Gia Định và Biên Hòa giữ vai trò điều hòa dân số tỵ nạn như vừa cung cấp di dân cho các khu dinh điền và khu trù mật, vừa là nơi rút lui của những di dân gặp khó khăn về kinh tế cũng như an ninh do cộng sản gây ra.
Khảo cứu thực địa một khu định cư: Cái Sắn
Năm 1955, nhằm đi tìm đất định cư dân tỵ nạn, chính phủ thành lập một phái đoàn gồm các chuyên viên hoa kỳ, tây đức và đại diện bộ canh nông và cải cách điền địa. Phái đoàn trình lên chính phủ dự án Cái Sắn tổn phí 228.607.252VN$ (1/4 ngân khoản Mỹ viện trợ cho 129 dự án định cư). Dự án Cái Sắn 1 (số 15), gồm bốn dự án định cư khoảng 100.000 dân tỵ nạn trên 77.000 ha đất bỏ hoang. Dự án chính là đào kênh và ba dự án phụ là cất nhà, mua nông cụ, thực phẩm và tiền trợ cấp cho di dân trong năm đầu.
Cái Sắn hội đủ các điều kiện về đất đai phì nhiêu, lý tưởng của một trại định cư kiểu mẫu và trù phú.Thủ tướng Ngô Đình Diệm gọi vùng đất này là để “dành cho con người, để nối liền Long Xuyên với Rạch Giá và qua Rạch Giá, mảnh đất đem lại yên hàn và trật tự cho vùng này”.
Còn đối với người Mỹ thì như nhận xét sau đây trong Passing the Torch: “Cái Sắn was hailed by the US as a symbol of South Viet Nam ‘s determination to shelter people who linked their future with that of the free government”. Cái Sắn được chính quyền Mỹ chào đón như biểu tượng về lòng quyết tâm của miền Nam Việt Nam để che chở những ai đặt tương lai của họ vào tương lai của một chính quyền tự do”.
Nha định cư đã đưa tất cả 42.145 đồng bào tới định cư ở Cái Sắn, gồm 15 trại định cư và 8.325 căn nhà.
Giải đất hình chữ nhật, rộng đến 270.000 ngàn mẫu tây, chiều dài kênh Cái Sắn là 25 dặm, chiều ngang 16 dặm, được tưới tiêu bằng con kênh Rạch Sỏi, chạy dọc theo trại và đổ ra dòng sông Bassac. Kênh đó nay được gọi là kênh Cái Sắn, một trong những vùng đất lý tưởng nhất cho việc định cư. Phía Bắc có 14 con kênh đào, phía Nam có 3 kênh. Thêm vào đó là 13 kênh nhỏ với chiều dài tổng cộng là 159 cây số. Những con kênh này, bề ngang rộng 6 mét và sâu 4 mét, chiều sâu ở giữa kênh và bờ kênh thì sâu 1 mét 50. Bên mỗi bờ kênh, sâu vào 20 mét là những căn nhà ở của dân chúng. Đất đào ở các con kênh thì dùng để đắp nền nhà. Việc đào kênh đều làm bằng tay mà trung bình một người đào được khoảng 7mét khối/một ngày.
Các kênh được gọi là kênh 1, kênh 2, kênh 3, kênh 4, kênh 5 rồi kênh Tân Hiệp và sau đó tiếp theo là các kênh A, B, C, D, E, F, G, và H. Công chung tất cả các kênh gồm 8.086 lô đất. Mỗi lô đất dành cho một gia đình là 3 mẫu tây vừa là nhà ở và đất để trồng trọt. Mỗi lô đất rộng 30 mét tây chiều ngang và 1000 mét chiều dài.
Nhưng để đất có thể trồng trọt được, cơ quan USOM đã dùng 110 máy ủi đất để cào sới đất, sau đó dùng máy cầy san đất. Tính chung là 1.800.000 mét đất đã được ủi và cào xới.
Chính quyền có cấp phát cho các gia đình trâu để cầy ruộng. Trâu mua từ Thái Lan về. Đã có 2.148 con trâu đã được cấp phát cho các trại di cư ở Nam Phần và 40 con ở Trung Phần.
Riêng ở Cái Sắn, cứ 4, 5 gia đình chung nhau một con trâu để cầy ruộng. Sau này, nhiều người có tiền thì có thể mỗi nhà có một con trâu để lo việc cầy bừa ruộng.
Trên toàn thể các trại di cư, chính phủ đã giúp đào được 5.405 cái giếng và phân phối khoảng 400 tấn phân bón. Đồng thời phân phối khoảng 60 ngàn cuốc xẻng. Chính phủ cũng cho nông dân đi định cư vay một số tiền là 118.217.200 triệu đồng.
Hầu hết diện tích 270.000 mẫu tây dành cho người di cư và một phần dành cho người dân địa phương chưa có nhà cửa. Những cư dân địa phương, khoảng 20.000 ngàn người thì được ở khu vực kênh Tân Hiệp vốn đã có sẵn từ trước.
Chính phủ Hoa Kỳ còn cung cấp cho dân định cư, lúc đầu là 50.000 người, dự trù thêm 50.000 nữa, một số tiền là 400 triệu đồng cùng với tất cả các dụng cụ nông nghiệp mà số tiền tính ra khoảng 1 triệu Mỹ kim.
Mùa gặt đầu tiên ở Cái Sắn đã thu về được 4.000 tấn gạo mà phần lớn từ mùa thu hoạch “lúa xả, hay floating rice”.
Cái Sắn là một tiêu biểu cho sự thành công của người di cư tị nạn cộng sản.
Thực hiện
TT Diệm ký sự vụ văn thư 133 TTP/KH ngày 17 tháng 1 năm 1956 bổ nhiệm bảy công chức cao cấp trách nhiệm thực hiện dự án Cái Sắn:
– Tổng Ủy trưởng Di Cư Tỵ Nạn và đại biểu chính phủ tại Nam Phần theo dõi thi hành huấn lệnh của Tổng Thống;
– Tổng giám đốc kế hoạch lo phối trí kế hoạch và thanh toán viên ngân sách;
– Đổng lý văn phòng bộ Cải Cách Điền Địa lo việc cày đất và bảo trì nông cụ;
– Giám đốc định cư thuộc Tổng Ủy trông nom việc chuyên chở di dân;
– Tổng thư ký bộ công chánh phụ trách đào vét kênh;
– Giám đốc nha canh nông phát lúa giống, cày cuốc…
Từ tháng 3 năm 1956, bộ Công Chánh đã vét hai kênh đào cũ nối với kênh Rạch Sỏi-Bắc Sắc và kênh Rạch Giá-Long Xuyên và đào 17 kênh mới song song với nhau, cách nhau từ 2 đến 2,5 cây số và thẳng góc với hai kênh trên. Mỗi kênh mới dài 12 cây số, rộng 8m, sâu 1,5 m. Công việc đào kênh kết thúc vào tháng 5 năm 1956.
Ngày 14 tháng 1 năm 1956, báo chí loan tin dự án Cái Sắn. Một tuần lễ sau, Tổng Ủy Di Cư nhận được 42 850 đơn xin định cư. Trung tâm Cái Sắn 1 được chính thức thành lập ngày 27 tháng 1 năm 1956 tại xã Thạnh Qưới trên một diện tích 27 153 Ha (16 337 Ha nằm trong địa phận tỉnh An Giang và 10 816 Ha thuộc tỉnh Kiên Giang). Trên lý thuyết, trung tâm Cái Sắn dự liệu định cư 9000 gia đình gồm khoảng 45 000 người trong giai đoạn đầu tiên.
Việc thu mua ruộng đất để cấp phát cho di dân thì dưạ vào dụ số 7 và 57 của luật cải cách điền địa :
– Dụ số 7 (ngày 5 tháng 2 năm1955) qui định dân tái canh ruộng hoang với tư cách tá điền. Chủ điền khai báo ruộng bỏ hoang và ruộng xin giữ lại, phần còn lại bán cho chính phủ cấp lại cho dân tỵ nạn nhưng việc thi hành dụ số 7 gặp rất nhiều khó khăn. Tổng kết ruộng Cái Sắn cấp phát cho dân qua dụ số 7 là 15 387 Ha.
– Dụ số 57 (ngày 22 tháng 10 năm 1956). Chủ điền chỉ giữ laị 100Ha và bán số Ha còn lại cho chính phủ. Tổng cộng 4 845 Ha (qua thỏa ước Việt Pháp) và 6 252 Ha công điền, công thổ đã được cấp phát theo dụ số 57.
Đón tiếp di dân
Khi tới Cái Sắn, dân di cư tỵ nạn sống tạm dưới lều nhà binh hoặc trong những lán lợp lá dừa nước cất tạm bên lộ đường. Mỗi lán dài 20m và rộng 9m, mỗi gia đình ở một căn (9m2) trong lán. Chính phủ trù liệu ngân khoản 45 360 000$ để giúp đỡ di dân trong những ngày khó khăn đầu tiên trên vùng đất bỏ hoang từ 10 năm nay.
Mỗi người di dân trên 18 tuổi nhận được trợ cấp như sau:
-244 VN$ để đầu tư lúc đầu vào việc định cư,
-lãnh 4 VN$ mỗi ngày trong 9 tháng kể từ ngày định cư,
15 giạ (300 lít) hạt giống lúa, một bao lớn đựng túi hạt giống bắp, đậu, cà chua.
Về thực phẩm hàng ngày, di dân được cung cấp gạo, bột bắp, nước mắm, muối, cá khô và thỉnh thoảng có bơ, sữa bột của chương trình viện trợ hoa kỳ dưới nhãn hiệu «Food for freedom».
Chính phủ cung cấp cho mỗi gia đình
– một chiếc ghe tam bản « dài 2,5 m trên 0,5 m) để di chuyển,
– cưa, liềm gặt lúa, dao phát cỏ, cuốc và hai thùng phuy đựng nước uống rất hiếm trong vùng này.
Trong chương trình y tế, chính phủ cho xây trường học và bệnh xá, mua 6730 chiếc mùng đơn trị giá 750 000 VN$ và 6 730 mùng đôi phí tổn 740 000 VN$.
Thiết kế và quản trị
Trung tâm định cư được chia thành lô rộng 30m, dài 1000m, chạy dài theo kênh đào tạo nên hình ảnh cư trú đươc hoạch định gồm những hàng nhà song song dọc theo hai bên bờ kênh và đâu mặt với nhau. Mỗi kênh dài 12Km, ngang 8M, sâu 1,5M gồm hai xứ đạo, mỗi xứ có một giáo đường xây dựng trên 3 hoặc 6 lô đất, ở cây số thứ 3 và 8 để cho tiện giáo dân di chuyển.
Sau khi bốc thăm chọn lô đất, mỗi chủ gia đình được phát 800 VN$ để làm nền nhà và một số vật liệu kiến trúc để dân tự cất, mướn, đổi công đắp nền. Ngoài ra chủ gia đình phải tham dự đắp đường làng trải dài theo bờ kênh và vui lòng đóng góp công sức vào việc xây cất giáo đường của xứ.
Về việc điều hành hành chánh, các nhà dọc theo kênh tập hợp thành nhiều trại. Mỗi trại có một ban quản trị gồm ba người (chủ tịch do Tổng Ủy bổ, thư ký và ủy viên tài chánh do dân của trại bầu). Tất cả các ủy ban quản trị đặt dưới sự điều hành của ủy ban định cư do tỉnh trưởng làm chủ tịch quản trị nội bộ, thi hành dự án. Về an ninh, 100 nhà cử 20 người vào ban tự vệ do quận trưởng điều động. Trên thực tế, các cha xứ là người nắm giữ nhiều quyền hành, nhất là về ổn định đời sống tinh thần và vật chất của di dân.
Khó khăn
Việc định cư gặp rất nhiều khó khăn trong những năm đầu.
Khó khăn thứ nhất là sự bất mãn của 636 điền chủ bị truất hữu hoặc không hưởng được tiền bồi thường vì không cung cấp được cho chính quyền giấy tờ chứng minh sở hữu và thừa kế.
Khó khăn tiếp là vấn đề kỹ thuật và tổ chức. Để sửa soạn cho mùa lúa 1956-1957, bộ Canh Nông gởi 200 máy cày, máy ủi và trâu đến cày 12 000 ha. Vì thiếu kinh nghiệm kỹ thuật (ráp nhầm, máy hư, thiếu người lái…) nên chỉ có 63 máy cày hoạt động được. Công việc cày rất là gian khổ vì đất bỏ hoang từ 10 năm nay, đất lún, nhiều mô đất cao, cỏ dại khó ủi mọc lại ngay sau một tháng. Đến tháng 7 chỉ cày được 9126 Ha cho mùa 1956. Đầu tháng 7 năm 1957, chính phủ gởi đến 466 con trâu mua của Thái Lan (dự trù 2400 con mới đủ một con cho bốn gia đình) nhưng trâu này nghịch phá, không thuần như trâu việt. Tiếp theo, chính phủ cung cấp thêm 650 cày tay mua của Đài Loan nhưng cày tay loại này quá yếu ớt nên gãy dễ dàng khi gặp đất thịt cứng.
Trong mùa lúa đầu, chính phủ cung cấp cho mỗi gia đình: 15 giạ thóc giống (Một giạ bằng khoảng 20 lít), 1 bao hạt giống (bắp, đậu, bí, cà chua…), cào cỏ, liềm, xẻng, cuốc bản, bình xịt thuốc. Ban quản trị và cha xứ hết sức đôn thúc dân làm tập thể vụ mùa 1956 nhưng vì nạn chuột và cỏ dại nên chỉ thu hoạch được 7 882 tấn lúa.
Tiến đến thành công
Trước khi chính thức thành lập khu định cư Cái Sắn, nhờ thông tin của chính phủ cùng với phóng sự báo chí rất là lạc quan về tương lai của miền đất hứa nên rất nhiều đơn xin đi định cư. Sau vài tháng thu hoạch thất bại vụ mùa 1956, dân tỵ nạn mất tin tưởng và ảnh hưởng đến tinh thần định cư tại Cái Sắn.
Các ban quản trị và các cha xứ cố gắng đốc súc dân cải thiện điều kiện canh tác cho mùa lúa 1957 như xử dụng máy cày, vét kênh rút nước, san bằng đất gồ ghề, chăm phạt cỏ giết chuột. Kết quả sự thâu hoạch vụ mùa 1957 tăng lên 13 400 tấn lúa. Tương đối tổng số thâu hoạch chưa đủ thỏa mãn nhu cầu thực phẩm của dân chúng nhưng cũng đủ để dân chúng an tâm cho thu hoạch vụ mùa tới nếu chịu cải thiện điều kiện canh tác. Cuối năm 1957, Cái Sắn được địa phương hóa.
Tháng 2 năm 1958, Tổng Ủy Dinh Điền loan báo Cái Sắn phải tự túc cho những vụ mùa tới và thu lại đoàn máy cày của Quốc Gia Nông Cụ Cơ Giới Cuộc. Sợ dân bỏ đất hoang vì tiền thuê máy cày và trả công rất cao (550$/Ha), cha xứ kênh D (Linh mục Nguyễn đức Do) được Quốc Gia Nông Tín Cuộc cho vay 1 090 000 VN$ mua 4 máy cày Fiat, 350 000 VN$ mua hạt giống, 510 000 VN$ bảo trì máy cày. Nhờ vậy mà dân hăng hái ra đồng làm việc và dân đã bỏ đi thì trở lại. Tới tháng 6, dân đã cày đủ 21 000Ha ruộng. Theo gương đó, kênh G (230 gia đình) cũng góp mua được 2 máy cày. Các kênh khác cũng được Quốc Gia Nông Tín cho vay để mướn cày máy cho kịp vụ mùa. Các biện pháp tự túc trên làm cho khu định cư nhộn nhịp trở lại với đầy tin tưởng vào tương lai.
Vụ mùa 1958 đã nâng số sản xuất lên 21 500 tấn lúa, tăng thêm đất canh tác, trồng thêm nhiều loại hoa màu mới (thuốc lá, bắp, rau cải…) và số lượng sản xuất nông phẩm tăng đều mỗi năm.
Để kết luân bài khảo cứu thực địa, tôi mượn vài vần thơ nhớ về Cái Sắn của thi sĩ Thanh Huyền trong Hồi Ký Không Trọn Vẹn dưới đậy.
NGƯỢC GIÒNG (Di Cư 1954-Cái Sắn)
January 24, 2016
Từ vàm Cái Sắn Hậu Giang
Ðổ về Rạch giá đếm bằng đầu kênh…
Cuối kênh thì giáp Thoại Giang
Thông thương đường thủy dọc ngang toàn vùng…
Di cư từ Bắc mới vào
Kinh qua các trại, trại nào cũng vui
Nhưng vì lối sống đã quen
Ruộng đồng cấy hái hợp hơn miền rừng
Nồi niêu gạo thóc cá khô
Lương thực đầy đủ phát cho từng nhà
Tới khi hoàn tất kinh đào
Thì theo thứ tự cùng vào định cư
Ruộng chia ba mẫu một lô
Ba năm cầy cấy giúp cho không hòan
Vật liệu một bộ nhà tràm
Phương tiện đầy đủ như là “ra riêng”!
Ruộng sâu dầy đặc cá tôm
Lúa mùa căng sữa chĩu bông mộng vàng
Ðược mùa khu xóm rộn ràng
Nhà trục nhà cắt nhip nhàng gom thu
Không lâu đã trở nên quen
Vào mùa nước nổi chúng em đua thuyền
Khi đi chèo vội đến trường
Lúc về chia toán nhận xuồng của nhau.
Hình ảnh ban đầu của khu định cư Cái Sắn
Khu định cư tỵ nạn Cái Sắn (hình Bộ Thông Tin chụp năm 1957)
Một nhà thờ mới được dựng lên tại khu định cư của đồng bào miền Bắc di cư năm 1954 tại Cái Sắn,
vừa kịp thời để Mừng Chúa Giáng Sinh 1957.
Bản đồ khu định cư Cái Sắn (Nha Địa Đồ Đà Lạt, năm 1969)
Hình ảnh hiện nay của khu Cái Sắn
(Hình: Đinh Tiến Khôi và Google)
Đô thị hóa: Hình ảnh thành công
Ngày nay nếu trở về thăm nhiều khu định cư các người Bắc Kỳ tỵ nạn cộng sản năm 1954 như khu định cư Xóm Mới, khu Hố Nai… thuộc khu định cư công nghệ, chúng ta không còn nhận ra hình ảnh cư trú ngày nào của những người chạy trốn đi tìm tự do. Hình ảnh đô thị hóa hiện nay của khu định cư Bắc Kỳ di cư 1954 đủ nói lên một khía cạnh thành công của thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
Khu định cư Xóm Mới
Khu định cư Xóm Mới nằm trong địa phận xã An Nhơn, cách Sài Gòn 4 cây số. Xã An Nhơn lập năm 1868 trên một diện tích 5,8 cây số vuông gồm những mảng phù sa cổ cao ráo để dân dựng nhà cửa trồng rẫy và dưới thấp phủ bởi phù sa mới ẩm ướt làm ruộng cấy lúa. Năm 1954, chính phủ cho một số dân tỵ nạn tạm trú trên những mảng phù sa cổ đất cát nghèo nàn bỏ hoang.
Đầu năm 1954, dân tỵ nạn gốc Thái Bình, Bắc Ninh và Hà Nội đến tạm trú hai bên hương lộ 12 rồi chiếm dần hai bên tỉnh lộ 16 và hương lộ 11 (ấp 9 và 4). Vào cuối năm 1954, dân tỵ nạn gốc Cao Bằng, Lạng Sơn đến tạm trú phía cuối hương lộ 16 (ấp 10). Tất cả khu này mang tên Xóm Mới gồm 15 trại định cư tổ chức thành những xứ đạo. Năm 1955, dân số tỵ nạn ước lượng 20 000, cư ngụ trên cả ruộng đất hai bên tỉnh lộ 16, hương lộ 11 và 12 lập thành một khu tam giác chia thành 7 ấp.Tại đây dân tỵ nạn sống về công nghiệp như sản xuất pháo tết (Pháo Từ Châu, Việt Quang…), nấu rượu, thương mại như dệt, nhuộm, chăn nuôi heo, gà và đủ thứ dịch vụ cung cấp cho Sài Gòn-Gia Định. Nhờ làm ăn phát đạt, khu định cư Xóm Mới thành thị hóa dần dần, nhà lầu gạch, xi măng thay thế cho nhà tôn vách ván trông như một thị trấn nối liền với thủ đô.
Hình thức cư trú Xóm Mới gồm hai khu vực khá rõ rệt :
– Khu phố thương mại dọc theo tỉnh lộ 16 và hương lộ 11 và 12 thuộc về thương gia, cơ xưởng công nghiệp, công chức thợ thuyền. Từ năm 1957, Xóm Mới có 15 thánh đường, hai tu viện, trường công lập (2 trung học, 6 tiểu học) và tư thục (4 trung học, 11 tiểu học), 3 hợp tác xã dệt được hưởng tiền bồi thường của Nhật…
– Khu ngõ hẻm. Đằng sau các cửa tiệm sầm uất là những hẻm bùn lày, nhà cửa chen chúc sống chui rúc thợ thuyền, lính tráng, dân chăn nuôi heo gà và những người trở về từ những trại định cư gặp khó khăn.
Giống như khu định cư Hố Nai (Biên Hòa), Bùi Chu (gia Định), Xóm Mới giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa dân số tỵ nạn bất ổn. Chính các khu định cư này cung cấp dân số cho các trung tâm định cư mới thành lập và đồng thời là nơi trú ẩn khi rút lui khỏi những trung tâm định cư bất ổn. Thí dụ năm 1956-57, khoảng 5000 dân tỵ nạn rời bỏ trại định cư tỵ nạn về trú ẩn ở Xóm Mới để tìm việc ở tỉnh thành. Nhất là sau 1963, tình trạng an ninh nông thôn và cộng sản tấn công nhiều trại tỵ nạn đã làm dân số Xóm Mới tăng lên 55 600 dân.
Xóm Mới năm 1972
Khu định cư Hố Nai
Trước năm 1954, Hố Nai thuộc làng Bình Trước. Năm 1955, trước làn sóng dân cư từ miền Bắc di cư vào, chính quyền Sài Gòn lập nhiều trại định cư trên quốc lộ 1 và đến 1957 thì thành lập xã Hố Nai, với các ấp Tây Hải, Nam Hải, Đông Hải, Bắc Hải thuộc quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa. Đa số dân xã Hố Nai là tín đồ đạo Công giáo, chuyên nghề nông, trồng trọt và sản xuất các ngành nghề thủ công. Hố Nai đi hàng đầu với 26.912 người ở giai đoạn đoạn đầu. Sau này con số người đến Hố Nai là trên 40 chục ngàn người mà dự liệu lúc ban đầu chỉ là 10 ngàn người.
Người dân Hố Nai cần cù, hiếu khách, sinh động trong làm ăn kinh tế, ngoài chăn nuôi, trồng trọt, Hố Nai còn có làng Kim Bích nổi tiếng về ngành nghề gò thùng thiếc và sản xuất các sản phẩm từ nông nghiệp như tráng bánh đa, bánh phở, mì sợi cung cấp cho nhiều tỉnh thành phía nam và được nhiều người ưa thích. Phường Hố Nai là cửa ngõ của thành phố Biên Hòa rất phát triển về thương mại – dịch vụ, khu công nghiệp Hố Nai thu hút nhiều lao động vào làm việc trong các công ty.
Ngày nay xã Hố Nai đã được đô thị hóa và tách thành 4 xã, năm 1976: Hố Nai 1, Hố Nai 2 (nay là 2 phường Tân Biên và Tân Hòa), Hố Nai 3, Hố Nai 4 (nay là 3 xã Bắc Sơn, Bình Minh, Quảng Tiến thuộc huyện Trảng Bom) thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Ngày 23 tháng 10 năm 1978, xã Hố Nai 1 được chuyển về thành phố Biên Hòa và đổi thành phường Hố Nai 1.
Năm 1996, phường Hố Nai 1 được đổi tên thành phường Hố Nai. Phường Hố Nai nằm ở ngoại ô phía Đông thành phố Biên Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 6 km, có Quốc lộ 1A và đường Nguyễn Ái Quốc đi qua, nằm gần các khu công nghiệp lớn của tỉnh và thành phố.
Tổng kết
Theo tài liệu chính thức của phủ Tổng Ủy di cư thì tính đến ngày 30/10/1955 có tất cả là 887.890 người đã được di cư vào miền Nam. Trong đó cần định cư 596.031 người. Còn lại 140.000 sống rải rác khắp nơi và 125.393 là gia đình các quân nhân. Để định cư con số hơn nửa triệu người thì chính quyền đã cho thiết lập được 156 trại ở Nam Phần, 65 trại ở Trung Phần và 34 trại ở vùng Cao Nguyên.
Tính đến ngày 30/6/1955, người vào Nam bằng tàu thủy: 534.761 người; bằng tàu bay: 213.657 người và bằng các phương tiện khác: 61.582 người.
Về phân phối theo tôn giáo theo tổng kết của Phủ Tổng ủy di cư tị nạn (số liệu tính đến tháng 11/1955):
1. Tin Lành 1.041,
2. Phật giáo 209.132,
3. Công giáo 676.348,
Tổng cộng: 886.881.
Kết luận
Năm 1957 đánh dấu kết thúc chính sánh định cư dân tỵ nạn di cư vào Nam. Từ đó vì thiếu tài liệu (phúc trình, thống kê chính thức) nên sự nghiên cứu và đánh giá kết quả chính xác các khu định cư này rất là khó khăn. Tuy nhiên, sau 1970, sự thiếu sót đó được bổ túc một phần nhỏ bởi khảo cứu thực địa của tác giả cho giáo trình ‘Cư trú nông thôn” giảng dạy tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Về thành bại của các khu định cư người Bắc Kỳ tỵ nạn cộng sản, tác giả có những nhận xét sau.
Mặc dầu những xáo trộn chính trị xã hội sau hiệp định Genève, thiếu nhân viên kinh nghiệm và tài chánh, chính phủ đã định cư tốt đẹp hơn 300 000 dân tỵ nạn. Kết quả này là nhờ thời kỳ an ninh trên quê hương và các ban quản trị nhất là các vị linh mục ở các xứ đạo.
Sau nữa chúng tôi nhận xét thấy những khu định cư phát triển, tồn tại là phần nhiều nhờ vào yếu tố chính sau:
– Dân tỵ nạn cùng gốc ở một tỉnh hoặc một xứ đạo miền Bắc,
– Người dân mộ đạo nên rất có kỷ luật nghe lời cha xứ.
– Đa số dân sống tựa vào khu thành thị thí dụ như Xóm Mới, Hố Nai, Hòa Bình, Bùi Chu…
Sau cùng, các khu định cư quá nhỏ bé khiến cho dân bỏ đi vì:
– Thiếu đất canh tác thí dụ như khu định cư ấp Sơn Lộc (xã Tân Phú Trung, tỉnh Hậu Nghĩa) mỗi gia đình hưởng một lô đất canh tác là 0,3Ha trên đất cát nghèo nàn;
– Không hội nhập được với dân địa phương vì khác biệt nếp sống, tôn giáo thí dụ như khu định cư ở ấp Sơn Hải (xã Đại Hải, tỉnh Ba Xuyên) thuộc giáo xứ Phụng Hiệp.
Khu Bắc Kỳ di cư tỵ nạn cộng sản tại xã Đại Hải tỉnh Ba Xuyên vẫn giữ cách xây cất cổ truyền miền Bắc mái tranh, vách đất (hình Nguyễn Huy chụp năm 1970)
Để kết luận Bắc Kỳ Di Cư 1954 về mặt tình cảm, chúng ta hãy nghe lại các nhạc sĩ Bắc Kỳ di cư diễn tả nỗi lòng mình qua những bản nhạc: Ghé bến Sài Gòn (Văn Phụng), Hình ảnh quê xưa (Hoàng Trọng), Chuyến đò vĩ tuyến, Nắng đẹp Miền Nam, Đoàn người lữ thứ…
|