Nguyễn Tất Nhiên và mối tình học trò

Vĩnh Đào

Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952 tại xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hoà. Lớn lên học trung học từ 1963 đến 1970, tại trường Ngô Quyền, Biên Hoà. Anh làm thơ từ lúc đi học, nhưng chỉ in hạn chế phân phát cho các bạn bè học sinh.

Năm 1970, anh cho ra đời tập thơ Thiên tai với nguồn cảm hứng là một cô bạn học tên Duyên mà ông theo đuổi với một mối tình vô vọng. Duyên, tên đầy đủ là Bùi Thị Duyên, là con một gia đình gốc Bắc, di cư vào Nam năm 1954.

Nguyễn Tất Nhiên những năm còn đi học, có lẽ vì có một tâm hồn thi sĩ quá khác thường nên hay có những hành động, lời nói và một dáng vẻ khá lập dị, không để ý tới bề ngoài của mình, ăn mặc lôi thôi, xốc xếch… Cũng vì vậy mà anh còn có biệt danh là Hải Ngáo hay Hải Khùng. Có lẽ do đó mà cô Duyên luôn một mực từ chối tình yêu của anh, và giữ một khoảng cách không bao giờ đi xa hơn tình bạn.

Một người con gái tên Duyên

Tập thơ in xong anh trân trọng mang đến tặng người đẹp. Trong số 16 bài trong tập Thiên tai, hầu hết các bài thơ đều lấy Duyên làm nguồn cảm hứng. Còn có hai bài mà tên của nàng được đặt vào ngay trong tựa bài thơ, là “Đi trong mưa nhớ Duyên” và “Bài hối trên tay Duyên”.

Nhiên tuy mang tiếng “khùng” nhưng anh hiểu rõ, không có ảo tưởng về tình cảm mà Duyên dành cho mình. Ngay trong tập thơ “Thiên tai” mà anh đã đem tặng người đẹp, có một bài thơ tên là “Chỗ tôi” trong đó anh tỏ ra rất sáng suốt:

Tôi có chỉ cho gia đình

Người tôi yêu

Là một nàng con gái bắc

Mẹ tôi hai lần nhìn

Dáng em đi

Và nói nó còn nhỏ dại

Không hiểu nó thương mày chỗ nào

Tôi trả lời chỗ con làm thi sĩ

Tuy nhiên tôi vừa đau nhói trái tim

Vì hiểu rằng

Muôn đời

Em vẫn ngó tôi nửa mắt

Có gì đâu

Thiên hạ lâu nay cứ nhạo báng tôi khùng!

Mối tình đầu của cậu học trò Nguyễn Tất Nhiên vẫn mãi mãi là một mối tình đơn phương. Sau đó, anh còn tiếp tục làm thơ về người tình trong mộng Bùi Thị Duyên. Nhưng anh bắt đầu có những lời lẽ chua cay về “người con gái Bắc”:

Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc

Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền

Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang

Nhớ duyên dáng, ngây thơ… mà xảo quyệt!

(Duyên tình con gái Bắc)

Em bây giờ có lẽ

Toan tính chuyện lọc lừa

Anh bây giờ có lẽ

Xin làm người tình thua

(Hai năm tình lận đận)

Mừng em sớm biết lọc lừa

Biết ngây thơ giả, biết đùa với đau

Biệt ly dù ở ga nào

Cho tôi ngồi một toa tàu lãng quên

(Hôm nay)

Năm 1970 Nguyễn Tất Nhiên và Bùi Thị Duyên đều học xong lớp 12 ở trường Ngô Quyền, Biên Hoà. Cả hai rời mái trường trung học, mỗi người đi một nơi. Bùi Thị Duyên ghi tên học trường Đại Học Luật khoa Sài Gòn, trên đường Duy Tân. Từ xa, Nguyễn Tất Nhiên vẫn theo dõi, nghe ngóng tin tức về nàng:

nghe nói em vừa thi rớt luật

môi trâm anh tàn héo nụ xa vời

mắt công nương thầm khép mộng chân trời

xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!

(dù thật sự cũng đáng đời em lắm

rớt đi Duyên, rớt để thương người!)

ta – thằng ôm hận tú tài đôi

không biết tìm ai mà kể lể

chim lớn thôi đành cam rớt lệ

ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh!

Nguyễn Tất Nhiên tiếp tục với giọng điệu cay đắng khi nghĩ tới thái độ thờ ơ của nàng trước mối tình thành khẩn mà không được đáp trả của anh:

em chẳng bao giờ rung động cũ

ta năm năm nghiệt ngã với tình đầu

nên trở về như một con sâu

lê chân mỏng qua những tàn cây rậm

(Duyên của tình ta con gái Bắc)

Cũng trong thời gian đầu thập niên 1970, một loạt bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên được Phạm Duy phổ nhạc, khiến anh từ một thi sĩ vô danh bỗng nỗi tiếng rất nhanh chóng, trong khi chưa được 20 tuổi. Nữ sinh tranh nhau đi tìm mua thơ anh.

Bài thơ “Khúc buồn tình” trong tập thơ đầu tay Thiên tai của anh được Phạm Duy phổ nhạc với tên “Thà như giọt mưa”, tiếp theo là những bài “Cô Bắc kỳ nho nhỏ”, “Em hiền như ma sœur”, “Hai năm tình lận đận”… Các bài hát của Phạm Duy vang lên khắp nơi, từ các làn sóng truyền thanh, truyền hình, đến các phòng trà ca nhạc qua các giọng ca của Thái Thanh, Duy Quang, Khánh Ly… những giọng hát lẫy lừng của thời đó. Nhiều người muốn tìm hiểu người con gái tên Duyên là ai.

Nhưng người đẹp bí ẩn vẫn không ra mặt, không lên tiếng. Bình thường, một người khác có thể đã cảm động rồi xiêu lòng, nhưng Bùi Thị Duyên vẫn kiên trì trong thái độ của mình.

Sau năm 1975, có người tìm ra được Duyên đang định cư ở tiểu bang Michigan, miền Trung Hoa Kỳ, và lần đầu tiên nghe cô kể lại những kỷ niệm của thời đi học cùng Nguyễn Tất Nhiên ở trường trung học Ngô Quyền, với một thái độ hết sức khiêm nhường, không chút tự phụ hay khoe khoang gì:

“Trường đó là trường nam, nữ học chung. Đến khi học sinh đông quá thì họ phân lớp ra, trong đó có một lớp đệ tứ “mix” giữa con trai với con gái. Sau đó tôi lên học ban B thì tôi học luôn đến lớp đệ nhất (lớp 12), học chung với tụi con trai, trong lớp chỉ có vài cô con gái thôi. Tụi này học chung với nhau từ năm đệ tứ (lớp 9). Nhưng lúc đó, tôi ngây thơ, chưa nghĩ gì hết, còn Nguyễn Tất Nhiên nghĩ gì hay không thì tôi không biết. Gặp nhau, biết nhau từ lúc 14, 15 tuổi. Tôi được tặng một quyển thơ mà Nguyễn Tất Nhiên nói là có ba bản chính. Một bản của Nhiên, một bản cho tôi và một bản cho ai tôi quên mất rồi. In ra khoảng chừng một trăm quyển thôi. Tôi biết sự hình thành quyển thơ của Nguyễn Tất Nhiên chứ không phải không. Tất cả bạn bè trong lớp ai cũng biết, nhưng đó là chuyện hồi nhỏ”.

Cô thú nhận: “Dĩ nhiên là phải xúc động bởi nguyên một quyển thơ viết cho tôi. Nhưng tôi đã nói với Nguyễn Tất Nhiên ngay từ đầu là mình làm bạn thôi. Nếu có ý gì đó thì tôi không gặp nữa. Về sau anh ấy phải công nhận là muốn làm bạn, để còn được tiếp tục gặp một người bạn như tôi. Chắc anh ấy cũng quý tôi lắm.”

Khúc buồn tình

(1)

người từ trăm năm

về qua sông rộng

ta ngoắc mòn tay

trùng trùng gió lộng

(thà như giọt mưa

vỡ trên tượng đá

thà như giọt mưa

khô trên tượng đá

có còn hơn không

mưa ôm tượng đá)

người từ trăm năm

về khơi tình động

ta chạy vòng vòng

ta chạy mòn chân

nào hay đời cạn

(thà như giọt mưa

vỡ trên tượng đá

thà như giọt mưa

khô trên tượng đá

có còn hơn không

mưa ôm tượng đá)

người từ trăm năm

về như dao nhọn

ngọt ngào vết đâm

ta chết âm thầm

máu chưa kịp đổ

(thà như giọt mưa

vỡ trên tượng đá

thà như giọt mưa

khô trên tượng đá

có còn hơn không

mưa ôm tượng đá)

(2)

thà như giọt mưa

gieo xuống mặt người

vỡ tan vỡ tan

nào ta ân hận

bởi còn kịp nghe

nhịp run vồi vội

trên ngọn lông măng

(người từ trăm năm

vì ta phải khổ)

“Người từ trăm năm về qua sông rộng”, hay là người tình trăm năm vẫn còn trong mộng. Chàng thi sĩ si tình muốn “thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá”, hay là “thà như giọt mưa gieo xuống mặt người” để rồi vỡ tan, về với hư vô. Có còn hơn không.

Xuân Diệu có nói:

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.”

Những bài thơ cuối cùng

Tháng tư năm 1975, cuộc sống của mọi người bị xáo trộn dữ dội. Nguyễn Tất Nhiên không còn tin tức gì về nàng thơ Bùi Thị Duyên. Anh may mắn có được một chỗ làm nhân viên điều hành trong Hợp tác xã xe lam ở bến xe Tam Hiệp, Biên Hòa. Tiền lương không có bao nhiêu nhưng anh không phải ngồi không. Anh tình cờ gặp lại một người bạn tên Nguyễn Thị Minh Thủy cũng cùng quê quán với anh, ở làng Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hoà, học cùng trường nhưng dưới anh ba lớp tại trường trung học Ngô Quyền.

Mặc dù cả trường biết Nguyễn Tất Nhiên yêu mê mệt Bùi Thị Duyên nhưng Minh Thủy chấp nhận về làm vợ anh và hai người cưới nhau năm 1978, về sau có hai con trai. Năm 1980, Nguyễn Tất Nhiên cùng vợ vượt biển đến Pháp. Trong thời gian ở Paris anh chỉ để lại một bài thơ “Paris, khúc tháng chín” viết ngày 22-9-1980, trong đó anh nói nỗi chán chường mỗi ngày leo bộ bảy tầng lên căn phòng dành cho gia nhân trong một căn phố ở Paris. Không lâu sau anh cùng Minh Thuỷ rời Pháp sang định cư tại California.

Anh còn cho xuất bản hai tập thơ nữa: tập Chuông mơ (nhà xuất bản Văn Nghệ, California, 1987), gồm những sáng tác từ năm 1972 đến 1987, và tập Tâm dung (nhà xuất bản Người Việt, California, 1989).

Tuy có hai con với Nguyễn Thị Minh Thủy nhưng cuộc sống gia đình không hạnh phúc vì tính tình bất thường của Nguyễn Tất Nhiên. Nhiều lúc, người vợ cùng hai con phải “di tản” ra khỏi nhà một thời gian khi có bất hoà lớn. Chính trong một lần “di tản” đó mà Nguyễn Tất Nhiên đã tìm lấy cái chết trong một chiếc Toyota cũ đậu ở một sân chùa khi anh chỉ mới 40 tuổi. Ngày 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy anh nằm chết bên cạnh một ống thuốc ngủ trong một chiếc xe dưới bóng cây một sân chùa tại thị trấn Westminster. Cảnh sát kết luận là anh đã tự kết liễu cuộc đời.

Thời gian trước đó, những người chung quanh để ý Nguyễn Tất Nhiên hay nhắc đến cái chết và những dấu hiệu tâm trí không bình thường nơi anh. Phạm Duy từng viết trong hồi ký của ông: “Đi qua đời tôi có khá nhiều thi nhân thuộc nhiều thế hệ, đa số đều như tôi, đều khá hồn nhiên, nghĩa là có tí máu điên. Nhưng trong làng thơ Việt Nam, có ba nhà thơ hồn nhiên nhất, có nhiều máu điên nhất, đó là Nguyễn Ngu Ý, Bùi Giáng, và Nguyễn Tất Nhiên… Cả ba vị đều đã từng là thượng khách của dưỡng trí viện Biên Hòa, nơi tôi đã có lần đến thăm một trong ba vị đó.” [1]

Tập thơ cuối cùng anh để lại là 10 bài trong tập Minh khúc chưa xuất bản.

Nếu tập thơ đầu Thiên Tai, Nguyễn Tất Nhiên lấy cảm hứng từ nàng thơ trong mộng của anh, thì trong tập thơ cuối này là những lời anh nói với Minh Thuỷ. Anh hay nhắc đến vợ con với những lời lẽ buồn bã, đượm màu chia ly:

đường không gian – đã phân ly

đường thời gian – đã một đi không về…

những con đường mịt sương che

tôi vô định lái chuyến xe mù đời

cu tí ngủ gục đâu rồi?

băng sau, ngoái lại, bời bời nhớ con!

đường trăm năm – nát tan lòng

đường ngàn năm – hận, xin đừng trả nhau!

những con đường cuối năm nào

cho tôi tìm lại cành đào ba sinh

khi em lễ mễ với tình

thắp nhang tạ tội sinh thành con đi…

đường chung đôi – đã chia đời

đường chia đôi – vẫn hơi người quẩn quanh

chim đêm hót tiếng đau tình

đau tim tôi chở lòng thành kiếm em…

(Minh khúc 90, Westminster, CA, 2.1.90)

Trong bài Minh khúc 7 tiếp theo đây, chỉ viết sau đó đúng một tuần, chúng ta thấy rằng giữa Nguyễn Tất Nhiên và Minh Thuỷ không có một thứ tình yêu bồng bột, đam mê, nhưng mà một tình nghĩa vợ chồng càng nặng theo năm tháng, và Nguyễn Tất Nhiên lại nghĩ tới cảnh chia ly: “Sáng nay thức dậy vườn đời thiếu nhau!”

ơn đời tha thứ cho nhau

ơn người buông thả nhau vào nhớ quên

ơn sông kỷ niệm dòng hiền

mang mưa hiện tại kêu thềm nhà xưa:

nhà xưa có lửa hương vừa

có đau đớn đủ có chưa trọn đời

có dòng nhẫn nhục rơi rơi…

xuống môi run rẩy khóc muồi trăm năm

có chung mang một chỗ nằm

có riêng quang gánh nên đường đôi nơi!

ơn chim hót tiếng thương người

sáng nay thức dậy vườn đời thiếu nhau!

(Minh khúc 7, Westminster, CA, 9.1.90)

Bài cuối cùng trong tập thơ mười bài là bài Minh khúc 10, viết ngày 21-6-1990. Hai năm sau đó, anh tự kết liễu cuộc đời. Sau hai chữ “sinh ly”, anh đã thêm vào hai tiếng “tử biệt”.

đẩy nhau đến tận tàn đời

đủ chưa? đau khổ bật lời yêu thương

hiu hiu gió nhẹ nhàng, thường

bóng cây thư thả động lòng tháng năm…

xô nhau cuối tận đường hầm

gặp chưa? tia sáng từ tâm nhiệm mầu

hay là hóc hiểm thâm sâu

vẫn nuôi ích kỷ cho màu tàn phai…

dìu nhau trên những đường dài

đâu đâu cũng tiếng người thay đổi lòng

rồi sao? có thấy chi không?

con ơi, bố mẹ diễn tuồng sinh ly…

(Minh khúc 10, Santa Ana, CA, 21.6.90)

.

Thơ Nguyễn Thị Minh Thủy

Nguyễn Thị Minh Thuỷ học tại trường Trung Học Ngô Quyền, Biên Hoà từ 1966 đến 1973, cùng trường với Nguyễn Tất Nhiên nhưng sau Nhiên ba lớp. Sau khi đậu tú tài năm 1973 cô theo học ban Kinh tế Thương mại của Viện Đại Học Vạn Hạnh, nhưng việc học bị gián đoạn sau biến cố tháng 4-1975.

Năm 1978 Minh Thuỷ ưng thuận làm vợ Nguyễn Tất Nhiên mặc dù mọi người đều biết mối tình cuồng dại đơn phương của Nhiên đối với nàng Bùi Thị Duyên. Sau năm 1980, Minh Thuỷ cùng chồng định cư tại California, sống một cuộc đời vợ chồng nhiều sóng gió do tính tình quá bất thường của nhà thơ lãng tử. Minh Thủy đã sống mười bốn năm bên cạnh một ông chồng luôn đi trên mây.

Điều đáng nói là Minh Thủy cũng làm thơ. Sau khi chồng mất, một hôm đang khi lái xe trên xa lộ, Minh Thủy bồi hồi nhớ lại kỷ niệm với người chồng, lúc đầu duyên tình mỏng, nhưng tình nghĩa vợ chồng thêm nặng theo thời gian. Bài thơ có tên là “Giao mùa”:

Giao mùa

trên xa lộ, thoáng bàng hoàng

khói xe như loãng giữa làn thu phong

hoa lau nở, trắng một vùng

phất phơ gió sớm mịt mùng heo may

nắng, mưa dệt nối tình dài

một mùa thu vẫn còn hoài dấu xưa

ơn ai, trời biếc, mây đưa

ơn ai, hơi giá cho vừa nhớ nhau

nhớ ai, sáng biển dạt dào

chiều vàng nắng núi, đêm sao lưng đèo

một mùa yêu đã cho nhau

nụ cười chia, sớt khổ đau cũng nhiều

nợ tình mỏng, mà nặng đeo

mỗi thu như mỗi dày theo tuổi đời

hơi may gợn, nhắc bồi hồi

một bờ mây, đã, cuối trời quan san

Bài thơ bày tỏ tình cảm rất tế nhị, kín đáo, nhưng rất nhiều cảm xúc. Lời thơ nhẹ nhàng mà thắm thiết, đầy tràn những nỗi nhớ nhung vương vấn. Minh Thủy nhắc lại mối duyên chồng vợ với Nguyễn Tất Nhiên mỗi năm thêm nặng tình nghĩa:

nợ tình mỏng, mà nặng đeo

mỗi thu như mỗi dày theo tuổi đời

Để đến khi chồng mất, để lại những tình cảm vấn vương: ơn ai… rồi nhớ ai…

Hai câu:

ơn ai, trời biếc, mây đưa

ơn ai, hơi giá cho vừa nhớ nhau

hình như là để đáp lại những lời tâm tình của Nguyễn Tất Nhiên:

ơn đời tha thứ cho nhau

ơn người buông thả nhau vào nhớ quên

ơn sông kỷ niệm dòng hiền

mang mưa hiện tại kêu thềm nhà xưa

(Minh khúc 7)

Kỷ niệm người chồng ám ảnh nàng đến nỗi phải nhớ sáng, nhớ chiều rồi nhớ tối… với những hình ảnh rất nên thơ:

nhớ ai, sáng biển dạt dào

chiều vàng nắng núi, đêm sao lưng đèo

Hai câu thâu cả bầu trời và phong cảnh vùng California với cả biển, đồi và núi, với những quãng đường vượt núi những đêm sao dưới bầu trời rộng thênh thang. Tác giả kết hợp một cách tự nhiên và tài tình những từ như xa lộ, khói xe… của lãnh vực giao thông với những từ đài các như thu phong, quan san… cùng những hình ảnh gió núi, lưng đèo… trong một bức tranh toàn cảnh thơ mộng đượm một nỗi buồn man mác.

Trong những bài thơ lục bát, bình thường câu lục được ngắt nhịp 2/2/2 hay 2/4. Nhưng ở đây, tác giả dùng nhịp chính là 3/3. Bài thơ có tám câu lục, mà đến năm câu có nhịp 3/3. Chỉ có một câu ngắt nhịp cổ điển 2/2/2, một câu có nhịp 2/4 và một câu được ngắt 1/5. Câu bát cũng được ngắt nhịp rất linh động khiến cho bài thơ lục bát có âm điệu rất mới.

Câu cuối cùng,

một bờ mây, đã, cuối trời quan san…

ngắt nhịp rất lạ 3/1/4 như một tiếng nấc nghẹn lại trong cổ, là hình ảnh người chồng đã về nơi cuối trời. Một câu nặng về nghĩa, nặng nỗi nhớ nhung, nặng ân tình.

Làm thơ lục bát thoạt xem thì dễ, nhưng thật ra thì rất khó, khó ở chỗ làm sao vượt được khỏi mức bình thường để gây được sự chú ý của người đọc. Trong một bài thơ ngắn, tác giả đã chia sẽ rất nhiều tình cảm của mình về một cuộc tình có thể buồn nhiều hơn vui, một mối tình lúc ban đầu như là chắp nối, nhưng ân tình nặng hơn theo năm tháng, rồi để lại cho tác giả những niềm thương tiếc rất chân thành.

Với cách ngắt nhịp rất sáng tạo, cách chọn từ, chọn những hình ảnh buồn và thơ mộng, tác giả Nguyễn Thị Minh Thủy cho bài thơ một âm điệu rất mới và cho người đọc một sáng tác cảm động và thật quyến rũ.

Vĩnh Đào

Tháng 5, 2020.

  1. Phạm Duy, Vang vọng một thời, nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2016, tr. 236. Trên thực tế, Nguyễn Tất Nhiên chưa bao giờ phải vào một dưỡng trí viện nào.