CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM
VIỆT NAM NHẬN ĐỘC LẬP VÀ THỐNG NHẤT TỪ NHẬT
Nguyễn tường Tâm lược trích từ cuốn
“Con Rồng Việt Nam” của Bảo Đại
Lưu ý 1: Sau khi tìm ông Ngô Đình Diệm để trao nhiệm vụ lập chính phủ không được, Vua Bảo Đại bèn tìm ông Trần Trọng Kim và giao trọng trách cho ông này.
Lưu ý 2: Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập ngày 17/4/1945 tới ngày Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị (25/8/1945).
Lưu ý 3: Ngày 16 tháng 8, sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, Đại sứ Nhật yết kiến Vua Bảo Đại tuyên bố: Theo thỏa ước của chúng tôi, đất Nam kỳ kể từ nay được đặt dưới quyền uy của Hoàng thượng.
Bảo Đại viết:
– Thưa Ngài Đại sứ…Tôi cũng không giấu gì Ngài Đại sứ, là hy vọng của chúng tôi là được trông thấy xứ Nam kỳ cũng được thừa hưởng nền độc lập ấy y như Bắc và Trung kỳ vậy.
– Chúng tôi buộc lòng tâu trình Hoàng thượng rằng, xin Hoàng thượng vui lòng kiên nhẫn…khi chúng tôi đã đạt thắng lợi nằm trong chiến lược Á châu của người châu Á, thì tất nhiên xứ Nam kỳ phải được trả về cho nước Việt Nam độc lập sau này.
Trước khi cáo lui, Đại sứ Yokoyama nói thêm như gợi ý bằng một giọng gần như dò hỏi:
– Tâu Hoàng thượng, giữa lúc mà Việt Nam đi vào con đường mới, Hoàng thượng không có ý định lập một chính phủ gồm những người mới, hầu đáp ứng cho một nước muốn canh tân?
Trước sự gợi ý của viên Đại sứ, tôi đáp lại bằng một nụ cười nhẹ nhàng… Trao sự điều khiển quốc gia cho những người mới… Đó chính là một trong những mục đích mà tôi đã có ngay từ khi mới lên ngôi…
Một số đồng bào tôi, từ nhiều tháng hay nhiều năm trước, vẫn nhằm vào lá bài Nhật Bản, bỗng sống trong những giờ phút huy hoàng. Không đếm xỉa gì đến tình hình quốc tế, vốn dạy ta điều thận trọng hơn, họ lao đầu thục mạng vào sự thâu đoạt được quốc gia, hoan hô sự giải phóng này do Nhật đem cho.
Vậy thì cần nhất là phải nắm ngay lấy số người này mà lèo lái họ, như điều mà Đại sứ Yokoyama đã nói bóng gió trước đây. Trong óc tôi, người tiêu biểu nhất trong số này là Ngô Đình Diệm. Ông ta đang ở Sài Gòn. Tôi biết ông ta đang có liên lạc với người Nhật, và sự có mặt của ông ta sẽ giúp tôi mọi sự dễ dàng với nhà cầm quyền Nhật. Tôi liền cho vời Đại sứ Nhật tới, và nói cho biết ý định của tôi, và yêu cầu Đại sứ làm mọi cách để Ngô Đình Diệm có thể tới kinh đô Huế gặp tôi ngay. Đại sứ Yokoyama nhận lời, và đoán với tôi là sẽ cố gắng tìm gặp ông ta. Ngày 19 tháng 3, tôi báo cho Phạm Quỳnh biết tôi sẽ tự tay đảm trách quyền lãnh đạo quốc gia. Ý thức được tình thế, Phạm Quỳnh liền đệ đơn xin từ chức tập thể của cả Nội các.
Ba tuần lễ trôi qua, mà chẳng thấy tăm hơi Ngô Đình Diệm ở đâu. Trước thúc giục ngày càng khẩn thiết của tôi, Đại sứ Yokoyama trả lời là chưa thể tìm thấy vị Thủ tướng dự trù này. Sự chậm trễ ấy làm tôi suy nghĩ. Người Nhật rất thành thạo những sự kiện xảy ra ở Việt Nam, cơ quan tình báo của họ rất đắc lực, và họ biết chỗ và biết cách tìm thấy nhân vật này. Về sau, tôi biết, qua ngay lời nói của Đại sứ Yokoyama là Ngô Đình Diệm không được cảm tình của chính phủ Nhật.
Tôi hiểu ngay sự ngăn cách ấy. Giới thân cận tôi đề nghị nên gọi Trần Trọng Kim, tuổi đã sáu mươi, vị sử gia này tỏ ra là người liêm khiết, một nhà hiền giả chưa từng quan tâm đến chính trị, ái quốc chân thành; ông ta nhờ người Nhật đưa đi lánh nạn ở Singapour do bị chính phủ Pháp đe dọa.
Chính tại Singapour, theo lời yêu cầu của tôi, cơ quan tình báo Nhật đã tìm ra ông, rồi cũng không cho ông biết là đưa đi đâu, đã đem ông tới Huế qua ngả Rangoon và Bangkok.
Khi ông tới, tôi liền công khai trao cho nhiệm vụ thành lập chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Tôi cũng không giấu ông ta rằng, nhiệm vụ mà tôi trao này, chỉ là nhiệm vụ chuyển tiếp, và chính phủ của ông sẽ bị hy sinh ngay sau thời gian tạm chiếm của Nhật. Trong thời gian chờ đợi này, cần phải giữ lấy nền độc lập quốc gia và thực hiện nền thống nhất đất nước.
Rất thẳng thắn, Trần Trọng Kim liền trình bày với tôi về thái độ quá khứ của ông ta. Mặc dù theo ngoài mặt, ông ta không tin rằng Nhật sẽ thắng trận. Ngược lại, ông thấy cần phải tránh mọi cách có thể khiến kẻ xâm lăng tìm cớ nắm lấy chính quyền. Theo nhãn quan ấy, ông ta bằng lòng lập Tân chính phủ.
Lập tức, ông đã hội được một số người giá trị, đều xuất thân từ nền văn hóa Pháp và ngày 17 tháng 4, ông trình với tôi chính phủ do ông thành lập. Đây là lần đầu tiên mà nước Việt Nam có được một tổ chức như vậy.
Ngoài Trần Trọng Kim giữ chức Thú tướng, Nội các gồm có:
– Bác sĩ Trần Đình Nam, bộ trưởng bộ Nội vụ
– Luật sư Trần Văn Chương, bộ trưởng Bộ Ngoại giao
– Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, bộ trưởng bộ Quốc gia Giáo dục
– Luật sư Trịnh Đình Thảo, bộ trưởng bộ Tư pháp
– Luật sư Vũ Văn Hiền, bộ trưởng bộ Tài chánh
– Bác sĩ Nguyễn Hữu Thi, bộ trưởng bộ Tiếp tế
– Bác sĩ Vũ Ngọc Anh, bộ trưởng bộ Xã hội
– Luật sư Phan Anh, bộ trưởng bộ Thanh niên
– Bác sĩ Hồ Tá Khanh, bộ trưởng bộ Y tế
– Ông Lưu Văn Lang, bộ trưởng bộ Công chánh.
Tất cả những vị này đều là những vị ái quốc chân thành. Họ không có hận thù gì với nước Pháp. Trẻ tuổi, can đảm, ý thức được nhiệm vụ ngắn ngủi của mình, họ muốn rằng chủ quyền quốc gia được đánh dấu khởi đầu từ họ.
Sự thất trận của phe Trục đã kết thúc, sự thất trận của Nhật đang hiện lên rõ rệt.
…Không cần biết đến thái độ mà phe Đồng Minh sẽ đối xử với Việt Nam ra sao, chính phủ Trần Trọng Kim muốn lợi dụng cơ hội để một mặt hạn chế bớt những tham lam của Nhật, mặt khác muốn tạo một sự bất khả kháng trường hợp người Pháp có thể quay về. Để chứng tỏ uy quyền của tôi trên toàn quốc, tôi liền bổ Phan Kế Toại làm Khâm sai Đại thần ở Bắc kỳ.
Ngày 8 tháng 5, tôi ban bố thiết lập một nền Hiến pháp căn cứ vào sự thống nhất đất nước, vào cần lao, vào quyền tự do chính trị, tự do tôn giáo và tự do thành lập nghiệp đoàn. Để dễ dàng áp dụng các quyền năng này, các cơ cấu mọi từng lớp được tổ chức từ thành thị đến huyện xã trên khắp lãnh thổ toàn quốc với khẩu hiệu của Việt Nam mới là “Dân vi quí” tức “Dân trên hết”.
Tập hợp chặt chẽ giới trẻ ở Việt Nam là điểm quan trọng thứ nhất mà Nội các Trần Trọng Kim phải cố gắng. Lợi dụng các tổ chức từng được Đô đốc Decoux cấu tạo nên trước đây, viên luật sư trẻ tuổi Phan Anh – năm ấy ba mươi ba tuổi từng đỗ Cử nhân Luật khoa ở Montpellier – liền đưa họ vào đường hướng mới, để phục vụ riền độc lập quốc gia. Sự điều động giới trẻ ấy trở thành một sự ương mầm và huấn luyện cán bộ. Ở Huế, viên thứ trưởng Thanh niên Tạ Quang Bửu, là một chuyên viên về điện, mà tôi có biết. Tại Nam Kỳ, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đặt tên cho phong trào này là “Thanh niên Tiền phong”. Phong trào này được Nhật nâng đỡ mạnh mẽ, nên đã đạt kết quả mỹ mãn.
Nhưng hoạt động chính của chính phủ không phải chỉ có hạn chế trong giới thanh niên. Theo một luật lệ về thuế má đặt ra ngày 23 tháng 5, những người phải chịu thuế quá nghèo, từ nay được miễn đóng thuế thân.
Đầu tháng 6, tất cả các nhân viên người Pháp đều bị thải hồi, và thay thế bằng những viên chức Việt Nam. Các cơ sở của Pháp trước kia, nay hợp nhất với cơ sở của Hoàng gia, và chúng tôi được người Nhật hứa, là khi thủ tiêu toàn bộ chính phủ Liên bang Đông Dương sắp tới, các quyền lợi và trách vụ sẽ được phân phối trả về cho ba nước Việt, Miên, Lào.
Trong suốt thời gian ấy, không ngày nào mà Đại sứ Yokoyama không đến thăm tôi.
Cuối tháng sáu, Thống chế Hoàng thân Terauchi, Tổng tư lệnh quân đoàn “Nam” trong một cuộc thanh tra, có đi qua Huế, và xin gặp tôi. Thống chế đã dùng lời nói bóng bẩy về bầu thịnh vượng chung của Đại Đông Á, để gợi ý xa xôi về sự cộng tác của Việt Nam, rồi rút lui.
Tôi không bao giờ tin vào cái gọi là “bầu thịnh vượng chung của khối Đại Đông Á”. Người Nhật cũng đã đề nghị như vậy đối với các nước Cao Miên, Lào và Thái Lan.
Đối với tôi, tôi nhận nền độc lập mà không mấy tin tưởng, và trong trường hợp như thế này, sợ rằng sẽ rất phù du. Tuy nhiên, cũng chẳng nên phủ nhận… Trong dân chúng, chắc chắn tự ái da vàng do Nhật khởi lên đã ảnh hưởng lớn mạnh, nhất là đối với giới trí thức. Ở Việt Nam, người da trắng vẫn được ăn trên ngồi trước. Tất nhiên là chúng tôi chờ đợi một sự biến đổi, chúng tôi hy vọng biến đổi. Nước Nhật đã đánh hồi chuông thức tỉnh. Những sự thành công ban đầu của họ như đã cho chúng tôi phát thuốc hồi sinh. “Điều mà Nhật làm được, tại sao chúng tôi làm không làm?”
Bây giờ thì Nhật hụt hơi rồi. Nhật đã thua trận. Riêng cái tiềm lực thúc giục nền độc lập kia vẫn còn tồn tại.
Chúng tôi không còn phải suy nghĩ gì về hai chữ độc lập ấy nữa.
…Tháng sáu, chính phủ Trần Trọng Kim lại đạt được hai điều tốt đẹp nữa: Đó là lời hứa hẹn vào tháng tám, sẽ được trao trả tất cả các cơ quan thuộc phủ Toàn quyền, và sự trả lại các nhượng địa Pháp ở Hà Nội, Hải Phòng, và Tourane. Thêm vào đó lệnh ân xá toàn thể các chính trị phạm, và cho phép mọi đoàn thể chính trị được hoật động công khai được ban bố. Mặc dù đạt nhiều thành quả như vậy, cũng như những hình thức dân chủ này, chính phủ vẫn gặp khó khăn ngày càng nhiều. Và vần đề Nam kỳ vẫn còn lơ lửng chưa dứt khoát. Tuy nhiên, tôi không bỏ hy vọng sát nhập Nam kỳ vào Tổ quốc, và cũng không bao giờ quên sự quan tâm ấy của tôi.
…Hơn nữa, tôi thấy như có sự quá trớn trong đầu óc mọi người. Phần đông, cho rằng độc lập dính liền vào sự thủ tiêu mọi quyền năng, định lệ. Thuế má không thu được. Sự chống đối khắp nơi. Tại vì chính phủ không có sức mạnh giữ an ninh, trật tự. Các cơ quan cảnh sát và bảo an không có cấp chỉ huy, nên bất lực. Chỉ riêng người Nhật là có khả năng thực hiện trật tự, nhưng tôi đã từ chối nhờ họ can thiệp.
Giữa những sự rối bời đó, nhiều tin tức đã đến với tôi. Tin tức này do Thứ trưởng Bộ Thanh niên Tạ Quang Bửu đem lại. Nhiều lần, ông ta bảo cho tôi biết, có một nhóm kháng chiến đã thành lập ở vùng Thượng du Bắc kỳ, xung quanh tỉnh Cao Bằng. Bọn này mang danh là “Mặt trận Việt Minh,” do một người có tên là Võ Nguyên Giáp điều khiển, mà Tạ Quang Bửu nói đến một cách say sưa. Trong nhiều cuộc đánh du kích với quân Nhật, mặt trận Việt Minh này đã có liên lạc với Đồng Minh Trung Hoa và Mỹ cũng như với người Pháp và cả với viên Khâm sai của tôi ở Hà Nội là Phan Kế Toại nữa. Nhưng tôi không rõ sự xác nhận gì của ông ta, do đã dứt liên lạc.
…Trong bầu không khí ấy, ngày mùng 6 tháng 8 nổ ra tiếng sấm Hiroshima. Ba ngày sau, trái bom nguyên tử thứ hai nổ ở Nagasaki. Kể từ lúc ấy, tôi được viên Đại sứ Yokoyamabáo cho biết tin tức hàng ngày. Ông ta cho biết ngày 11, Nga Sô Viết đã tuyên chiến với Nhật. Thủ tướng Trần Trọng Kim đệ trình tôi đơn từ chức, tôi yêu cầu ông giải quyết các vấn đề thường trực cho đến lệnh mới.
Mãi đến ngày 16 tháng 8, Đại sứ báo cho tôi biết Nhật hoàng đã gởi thông điệp ra lệnh ngưng chiến. Viên Đại sứ lão thành này, mắt đẫm lệ, mang tin này đến cho tôi:
-Bọn quân phiệt đã làm cho chúng tôi thua trận… Tâu Hoàng thượng, đối với nước Việt Nam đây là ngày đại vinh quang. Theo thỏa ước của chúng tôi, đất Nam kỳ kể từ nay được đặt dưới quyền uy của Hoàng thượng.
…Chính tôi cũng vô cùng cảm động. Nguyện vọng mà tổ tiên tôi theo đuổi không đạt thì nay tôi đã đi tới đích. Nước Việt Nam đã thống nhất và độc lập. Những nỗi đau thương mà dân tộc tôi phải chịu, không còn là vô ích nữa.
…Tại Huế, dân chúng cuồng nhiệt, như đắm chìm trong sự hân hoan. Đó là một không khí của hội hè, tất cả đều vui mừng náo nức trong ý nghĩa của độc lập, nhưng cũng có nhiều điều lo ngại, vì thiếu các phương tiện để thực hiện cụ thể được.