CHƯƠNG 01
KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI
Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO
trước tác năm 1986
(Thứ nam) Đàm Trung Pháp
hiệu đính và phổ biến năm 2020
TIỂU SỬ CỤ HƯƠNG NGẠN
ĐÀO TỬ ĐÀM DUY TẠO
Cụ Đàm Duy Tạo sinh năm Bính Thân (1896) tại làng Hương Mặc, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cụ mất năm Mậu Thìn (1988) tại thành phố Montréal, Gia Nã Đại, hưởng thọ 92 tuổi.
Cụ có thi hương khoa Nhâm Tý (1912), nhưng ngay sau khi các kỳ thi chữ nho bị bãi bỏ, cụ theo học chữ Pháp một thời gian và trở thành một nhà giáo tiểu học vào khoảng năm 1920. Tuy dạy học bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp, cụ vẫn suốt đời tự trau giồi chữ Hán và chữ Nôm và sống trong phong cách của một nhà nho.
Từ 1920 đến suốt thế chiến thứ hai, cụ dạy học ở Phúc Yên. Sau năm 1945, vì tình hình chính trị bất an, cụ xin tạm ngưng dạy học để trở về Bắc Ninh trông nom ruộng vườn, cho đến tận năm 1950 khi cụ được chính phủ quốc gia tái tuyển để tiếp tục dạy học tại Phúc Yên (1950-1952) rồi Hà Nội (1952-1954). Cùng gia đình di cư vào Sài Gòn sau hiệp định Genève, cụ tiếp tục dạy học đến năm 1957 thì về hưu. Sau đó cụ được khế ước dạy Hán văn tại Trung Học Gia Long và dịch sách chữ Hán sang tiếng Việt cho Trung Tâm Học Liệu thuộc Bộ Giáo Dục. Trong thời gian về hưu, ngoài ba cuốn sách Kiến Văn Tiểu Lục (Lê Quý Đôn), Kiến Văn Tiểu Lục [Tập Nhì] (Lê Quý Đôn), và Kiến Văn Lục (Võ Nguyên Hanh) mà cụ dịch sang tiếng Việt và được Bộ Giáo Dục lần lượt xuất bản năm 1964, 1965 và 1969, cụ còn dịch và hiệu khảo các cuốn Nam Thiên Trung Nghĩa Bảo Lục (Phạm Phi Kiến), Lê TriềuTiết Nghĩa Lục (khuyết danh tác giả), và Bắc Hành Tùng Ký (Lê Quýnh). Cụ cũng hoàn tất hai cuốn sách rất ưng ý của cụ là Hoa Văn Trích Dịch Tập (gồm thơ và văn từ Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đào Tiềm, Lương Khải Siêu, vân vân) và Việt Hán Cựu Văn Trích Dịch (gồm những thi phú chữ Hán của các bậc khoa bảng Việt Nam, đa số xuất thân từ tỉnh Bắc Ninh). Trong hai cuốn sau cùng này cụ đã dịch thơ chữ Hán sang thơ tiếng Việt qua một vài thể thơ khác nhau. Tiếc thay, các tác phẩm này chưa kịp xuất bản thì xảy ra quốc nạn 1975. Đó cũng là năm cụ di cư sang Gia Nã Đại để tỵ nạn cộng sản.
Trong những ngày đầu buồn tẻ tại Toronto và Montréal cụ mải mê đọc lại từng câu thơ trong cuốn Truyện Thúy Kiều (do hai cụ Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo). Cuốn sách ấy chính cụ đã gửi làm quà cho thứ nam Đàm Trung Phán khi đang du học tại Úc Đại Lợi, nay được “tặng lại” cho cụ! Để giải sầu, cụ bỏ ra nhiều thì giờ để hoàn tất vào năm 1986 (lúc cụ 90 tuổi) một công trình văn học sâu sắc cuối đời, quá mức tưởng tượng của các con cháu cụ. Đó là cuốn di cảo 579 trang tựa đề KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI của Hương Ngạn Đào Tử Đàm Duy Tạo. Lý do sự ra đời của di cảo này được cụ thổ lộ trong phần mở đầu cuốn sách: “Các bản Truyện Kiều ở nước Việt Nam ta bây giờ có nhiều chữ lệch lạc khác nhau, và nhiều chữ ý nghĩa mập mờ, khiến các nhà chú giải không nhất trí.” Phương pháp đính giải của cụ là so sánh các chữ, các câu khác nhau trong các bản Truyện Kiều qua những giải thích và dẫn giải rõ ràng và dễ hiểu trên căn bản chữ Hán, chữ Nôm cũng như các điển tích, phong dao, tục ngữ, để cải chính lại những sai lầm trong một số bản Truyện Kiều đã được lưu hành từ trước đến nay – hoàn toàn nhờ vào trí nhớ phi thường của một nhà nho đã trên 80 tuổi.
[ĐÀM TRUNG PHÁP]
MẤY LỜI PHI LỘ TRƯỚC KHI ĐÍNH CHÍNH
VÀ CHÚ GIẢI TRUYỆN KIỀU
Truyện Kim Vân Kiều hay Đoạn Trường Tân Thanh là một tác phẩm văn chương rất quý, không những là của riêng nước Việt Nam ta, mà còn là của chung cả thế giới nữa. Người ngoại quốc đã cho Truyện Kiều là một quyển truyện hay vào bực nhất nhì trong kho văn chương hoàn cầu. Một nhà văn sĩ nước Pháp, ông René Crayssac, đã thán phục Truyện Kiều là hay tột bực về đủ phương diện: lời văn êm đẹp, ý tứ thâm thúy, tả tâm tình người nào đúng người ấy, tả việc nào, cảnh nào đều thật khéo thật rõ để người đọc như được mục kích, và ông đã chịu khó mất công ba năm trời chuyển ngữ quyển truyện quý nước Việt Nam này ra thể thơ Pháp văn thành một tập thơ dày vài trăm tờ. Ông nói ông cố dịch ra Pháp văn cho người nước Pháp được thưởng thức cái hay cái đẹp vô giá của văn chương Việt Nam. Hiện nay Truyện Kiều càng ngày càng được người ngoại quốc hoan nghinh, hết thảy các nước văn minh tân tiến đều đua nhau sưu tầm khảo cứu Truyện Kiều để dịch ra tiếng nước mình.
Giá trị quyển Truyện Kiều cao quý như vậy, nhưng tiếc thay các bản Truyện Kiều lưu hành ở nước Việt Nam ta bây giờ có nhiều chữ lệch lạc khác nhau, và nhiều chữ ý nghĩa mập mờ, khiến các nhà chú giải không nhất trí. Đó là một điều có thể làm giảm mất một đôi phần giá trị cao quý Truyện Kiều. Xét ra Truyện Kiều có những chỗ ý nghĩa mập mờ đó là vì các nhà chú giải không chịu suy nghĩ trước sau xa gần cho ra nghĩa thật xác đáng, chỉ giảng giải gượng ghịu cho xong lần. Còn về phần chữ hay câu ở các bản lệch lạc khác nhau vì các lẽ sau này:
(1) Vì mất các bản chính và các bản mới ấn hành lần đầu cũng không còn. Rồi đến cả các phường bản, thợ nhà in theo các bản in lần đầu mà khắc lại tuy có đôi chữ hoặc khắc sai nét, hoặc in nhòe nhoẹt, nhưng ta còn dấu vết để suy xét được chữ chính đáng, thì nay cũng lại đều hết cả. Hiện giờ chỉ còn những bản Kiều nôm do các nhà văn sĩ đã cậy mình tài giỏi, tự theo ý mình mà đổi bừa bãi những chữ in sai in nhòe nói trên. Nhưng các ông đã nhận lầm đổi bậy các chữ đó ra những chữ vu vơ vô nghĩa, rồi ông thì giải gượng cho xong lần, ông thì lại đổi luôn cả một vài chữ khác cho ăn nghĩa với những chữ đó. Thế là các ông đó đã phạm một lỗi lầm lớn là làm hỏng mất một câu nguyên văn rất hay thành một câu rất dở. Thí dụ như câu 247 tả Kim Trọng tương tư Kiều thâu đêm mất ngủ: “Sầu giong [𩢦] càng khắc [刻] càng chầy [迡]” nghĩa là: chàng không biết hãm mối sầu lại, nén nó xuống cho khuây đi để ngủ, lại cứ giong con ngựa sầu đó cho nó chạy đuổi theo bóng Kiều mãi, thành ra mất ngủ, thấy đêm càng dài thêm mãi. Câu này lấy ý ở câu thơ của Ngô Tử Kinh [愁 逐 漏 声長 = sầu trục lậu thanh trường = sầu đuổi tiếng đồng hồ dài dài]. Câu nguyên văn ý nghĩa thật hay đẹp như thế mà chỉ vì các ông không biết câu thơ cổ đó, lại không hiểu nghĩa chữ “giong [𩢦]” là gì, nên các ông xuất bản truyện Kiều, ông thì đổi câu này thành: “Sầu đông [冬] càng khắc càng chầy”. Ông thì đổi thành “Sầu đông [冬] càng khắc càng đầy.” Có ông lại đổi thành “Sầu đong [𣁲] càng lắc càng đầy”. Ôi câu nguyên văn lời thanh ý đẹp như thế, mà các ông đổi ra những câu ý nông cạn, lời thô quê như thế, thật là đáng tiếc!
(2) Vì các văn sĩ ta xưa không bao giờ chú thích tác phẩm của mình. Ta có thể nói được là tác giả thu nhặt những lời hay ý đẹp trong nhiều sách Nho như Kinh Thi, Kinh Lễ, Thơ Đường, Thơ Tống, Tình Sử, Liêu Trai, truyện thần tiên, kinh nhà Phật, vân vân, cả đến phương ngôn, tục ngữ, ca dao của ta nữa, để khéo chấp nối mà viết thành quyển Đoạn Trường Tân Thanh, đúng như lời tác giả nói khiêm: “Lời quê chắp-nhặt dông dài” ở câu kết truyện. Bởi nguồn tích Truyện Kiều mông mênh man mác trong giới văn Tàu, văn ta như vậy, nên phải có những bực văn nhân học lực đã sâu rộng, lại phải lăn lộn tiếp xúc nhiều với dân quê ta, mới có thể chú giải đầy đủ được Truyện Kiều, đại khái như các cụ Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh. Nhưng tiếc thay các bực thâm nho này lại cho việc chú giải Truyện Kiều là một việc không cần, chớ các cụ có biết đâu rằng Truyện Kiều sẽ là cái hồn thiêng quý của nền văn chương Việt Nam khiến người Âu Mỹ bây giờ phải kính nể văn hóa nước ta.
Giảng giải những điển cố lấy ở cổ thư thì các vị thâm nho tuy đã học nhiều lại sẵn sách kê cứu, nhưng vẫn chưa đủ, vì còn có thêm những điển cố lấy ở phong dao tục ngữ ta mà chỉ có những vị thâm nho nào đã từng sống nhiều ở thôn quê mới biết. Nên nhiều câu tác giả lấy điển ở ca dao, tục ngữ ta, mà ít nhà chú thích Truyện Kiều nào nói đến. Thí dụ như câu 1025 Kiều bảo Tú Bà “Sợ khi ong bướm đãi đằng” sau khi nàng nghe mụ dỗ dành nàng rằng sẽ tìm nơi xứng đáng mà gả chồng cho nàng. Câu Kiều nói này nghĩa là: “Tôi sợ bà nói đấy rồi lại quên lời ngay, chỉ nói đãi bôi lừa nhau một lúc cho xong lần thôi.” Chữ ong bướm đây lấy điển ở câu ca dao “Nói lời thì giữ lấy lời / đừng như con bướm đậu rồi lại bay.” Chữ “đãi đằng” thì lấy điển ở câu: “Yêu nhau bảo thật nhau cùng / đậu ngâm ra giá đãi đùng nhau chi.” (“Đãi đùng” dùng thay cho “đãi đằng” cho hợp vần). Nghe nàng nói thế, thì mụ trả lời và thề ngay: “Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi / mai sau ở chẳng như lời / trên đầu có bóng mặt giời rạng soi” thì biết lời nàng nói và lời mụ đáp lại đều ý thật rõ thật hay, thật khẩn thiết với nhau. Trong cuốn Truyện Thúy Kiều của hai ông Kim và Kỷ xuất bản, họ giải nghĩa chữ “đãi đằng” là “lôi thôi” là lầm, vì câu “Sợ khi ong bướm nó lôi thôi” không khẩn thiết gì với câu mụ nói và thể ở dưới.
Lại như câu 1363 “Đường xa chớ ngại Ngô Lào,” tác giả lấy điển ở câu phong dao “Chơi cho nước Tấn sang Hồ / nước Tề sang Sở / nước Ngô sang Lào,” mà không thấy nhà chú thích Truyện Kiều nào nhắc đến.
Và như câu 2940 “Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha” lấy điển ở câu ca dao “Một liều, hai ba bốn cũng liều / năm sáu sông cũng lội / bảy, tám, chín, mười đèo cũng pha.” Chữ “pha” đây nghĩa là xông vào nơi bụi rậm gai góc, nhưng ở nhiều bản Kiều nhà xuất bản đổi lầm ra chữ “qua”, thành kém ý nghĩa mạo hiểm. Chữ “đèo” đổi ra “ngàn” để hợp vần.
(3) Vì sao đi chép lại mãi, chữ nọ lầm ra chữ kia, người sau đọc đến những câu có chữ lầm đó, thấy lời văn không chạy, ý nghĩa tối tăm, mà suy xét không ra các chữ sai lầm đó, bèn lại đổi chữ khác cho liền nghĩa vu vơ với chữ lầm trước, thế là làm mất cả lời hay ý đẹp của cả câu nguyên văn trước. Ta hãy lấy hai câu: “Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh / rụng rời đọt [稡] đọt liễu [柳], tan tành cội [檜] mai [梅]” làm thí dụ. Chữ đọt liễu là cái trồi liễu mẫm mạp non tươi mới trỗi lên từ gốc cây, tượng trưng Thúy Kiều, Thúy Vân; cội mai là cái gốc già cứng cây mai tượng trưng Vương Bà. Ý hai câu này nói: “Lũ sai nha nó thét lác làm hai cô gái trẻ và Vương Bà sợ hãi tan hồn bạt vía”. Câu tả cảnh này lời thật hay đẹp, ý thật đúng rõ như vậy. Thế mà chỉ vỉ chữ “đọt [稡] liễu” thợ in khắc lầm ra “giọt [湥] liễu”, để cho mọi người tưởng lầm “giọt liễu là những tua giải áo thắt lưng rũ xuống của đàn bà con gái, rồi mới đổi chữ “cội mai [檜 梅]” ra làm “gối mai [檜 梅]” để đối với “giọt liễu” cho chỉnh, lấy nghĩa chữ “gối mai là do chữ mai trẩm dịch ra”, nói sự vui vẻ đoàn tụ ở trong nhà. Đổi thế đã là vô nghĩa, nhưng chưa vô nghĩa bằng có bản đã đổi “gối mai” ra “gói may [𦁼]” lại đổi luôn cả “giọt liễu” ra “khung dệt” nữa, để đối với “gói may” cho chỉnh hơn! Ôi, câu “Rụng rời đọt liễu, tan tành cội mai” nguyên văn thật ý hay lời đẹp tuyệt diệu như thế, mà chỉ vì một chữ “đọt [稡]” làm ra “giọt [湥], bị thay đổi dần mãi thành ra “Rã rời khung dệt, tan tành gói may” – sao mà lời văn thô, ý nghĩa dở được đến như thế?
Lại như câu Kim Trọng nói: “Bấy lâu đáy bể mò kim / là theo vàng đá, phải tìm trăng hoa?” nghĩa là: Ta sở dĩ cố đi dò thăm tìm nàng bấy lâu, là vì ta theo lời thề nặng với nàng, chớ đâu phải là vì ta mến sắc đẹp của nàng. Chữ “theo [蹺]” in lầm ra “nhiều [饒]” thật là vô nghĩa, vậy mà không ai để ý đến, cho nên hết thảy các bản Kiều Nôm, Kiều quốc ngữ đều in là “nhiều”!
(4) Vì nhiều chỗ trong bản Kiều nôm cũ khắc vụng in nhòe, người sau nhận không rõ, mới đoán bừa ra thành những câu vô nghĩa rồi giải gượng cho xuôi, cho xong lần, để những câu đoán lầm đó lưu truyền mãi mãi ở trong Truyện Kiều. Cũng có nhà xuất bản, biết là sai, có sửa lại, in lại, nhưng vì không biết điển cố, cũng lại sửa bừa – vô nghĩa vẫn hoàn vô nghĩa! Thí dụ như câu 1507 Kiều khuyên Thúc Sinh phải vể nói rõ việc mình làm lẽ cho Hoạn Thư biết, chớ không giấu mãi được đâu: “Dễ mà bọc giẻ giấu kim / làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng?” Câu 6 chữ này lấy điển ở câu ca dao vợ cả đe chồng chớ thầm vụng với gái: “Này này tớ bảo cho hay / giấu kim bọc rẻ có ngày thò ra!” Điển này dùng vào lời Kiều khuyên đây thật hay, thật xác đáng. Thế mà vì chữ nôm câu sáu chữ này [𥚯 𦓡 襆 綵 闘 金] rậm nét khó khắc, nên các bản Kiều nôm cổ đều in nhòe nhoẹt rất khó nhận; người xuất bản suy nhận không ra, mới đoán lầm mà khắc lại câu này thành [易 𤍶 𧞣 𧺀 𦟹 金] Dễ lòe yếm thắm trôn kim”, và cho là điển ở câu tục ngữ “Dễ lòe được yếm thắm, chớ không lòe được trôn kim”, và giảng câu tục ngữ này là: Cái người ta không để ý đến, thì dẫu một người mặc cái yếm đỏ thắm đi qua người ta cũng không thấy, nhưng cái người ta đã để ý đến, thì dẫu nhỏ như cái lỗ ở trôn kim người ta cũng nhìn rõ ràng. Có lẽ các ông xuất bản này đã khéo bịa ra câu tục ngữ này để làm bằng cứ giải nghĩa cái câu Kiều mập mờ vô nghĩa đó. Rồi lại có ông xuất bản thấy câu “Dễ lòe yếm thắm trôn kim” vô nghĩa đó, lại đổi ra thành một câu nghĩa đã vô lý hơn, lời lại quá thô bỉ: [𥚯 𦓡 押 耽 掄 金] Dễ mà ép sẫm luồn kim!
(5) Vì chữ nôm không có quy tắc nhât định để cho hình chữ nhất trí và tiếng đọc nhất trí. Đã 1 tiếng có thể viết thành ra 2, 3 lối, ví dụ tiếng “lời” có thể viết là [唎] hay là [𠳒]; lại một chữ có thể đọc được là 2, 3 tiếng, tùy theo nghĩa dùng từng chỗ, thí dụ chữ [𠃅] có hai tiếng đọc là “mé” hay là “mái”. Câu “Hàn gia ở [𠃅] mé tây thiên” thì phải đọc là “mé” mới đúng nghĩa, vì mả Đạm Tiên ở mé bên bờ phía tây cánh đồng; và trong câu “[𠃅] Mái tây để lạnh hương nguyền” thì phải là “mái” mới đúng, vì chữ Mái tây dịch chữ Tây sương ra, Tây sương là mái nhà phía tây. Chữ “mái tây để lạnh hương nguyền” thì các bản truyện đều dịch đúng, nhưng chữ “Hàn gia ở mé tây thiên” thì các bản Kiều quốc ngữ đều dịch lầm ra “mái tây thiên” thật là sai nghĩa. Bởi sự không nhất trí của chữ nôm như thế, một chữ có thể đọc ra 2, 3 tiếng, đã gây nhiều sự khó khăn cho người phiên âm nôm ra chữ quốc ngữ. Nếu người phiên âm một cuốn truyện viết bằng chữ nôm ra chữ quốc ngữ mà không đủ khả năng để hiểu thật nghĩa lý câu chuyện, hoặc không chịu khó suy nghĩ cho ra ý nghĩa xác đáng của từng chữ trong câu truyện, thì phiên âm dễ sai lầm lắm. Thí dụ như chữ “nén” trong câu 1390 “Nén lòng e ấp tính bài phân ly”, thì chữ nén nôm viết [𥗨] (gồm[石] thạch là đá tỏ ý nặng ở bên chữ [曩] nẵng hợp với tiếng “nặng” hay tiếng “nén” của tiếng Việt ta). Chữ [𥗨] trong câu Kiều này phải phiên âm là “nén” thì mới đúng ý nghĩa vì Thúc Ông lúc mới thấy Thúc, Kiều tốt đôi, trước còn e ấp dùng dằng không nỡ bắt con phải bỏ Kiều, nhưng sau ông thấy con đã phá sản quá nhiều vì Kiều, nên ông mới đành nén lòng e ấp ấy xuống, mà bắt Thúc sinh phải đuổi Kiều đi. Câu này thật hay, tả rõ được nỗi phân vân trong lòng Thúc Ông, vừa có lòng nhân từ cha mẹ thương con, vừa có óc ông già buôn bán tiếc của. Thế mà hết thảy các bản truyện Kiều quốc ngữ kể cả hai cuốn của ông Trần Trọng Kim và của ông Nguyễn Khắc Hiếu đều phiên âm lầm ra là “Nặng lòng e ấp tính bài phân ly” thành ra vu vơ nghĩa. Ông Hiếu thì chịu là: không hiểu chữ e ấp nghĩa là gì ở đây; ông Kim thì giải nghĩa gượng chữ e ấp là e lệ, sợ hãi và nặng lòng e ấp là nói Thúc Ông sợ nỗi con đã có vợ rồi mà lại chơi bời, lấy gái giang hồ, vậy ông mới tính bài bắt phải bỏ ra (Lời giải số 5 ở trang 126 cuốn Truyện Thúy Kiều in lần thứ 8, nhà in Tân Việt).
Lại còn một nỗi khó khăn hơn nữa cho người phiên dịch Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm ra chữ quốc ngữ. Đó là vì các bản Kiều Nôm cũ thường có nhiều chữ hoặc bị sao chép sai, hoặc bị khắc in sai, cần phải suy nghĩ khảo sát, tốn công mới biết được, mà muốn khảo sát cải chính những chữ sao khắc sai lầm này ra chữ chính xác, thì một là phải thông thạo chữ nôm, hai là phải biết cách viết thảo chữ Hán và chữ nôm, ba là phải nghĩ kỹ lấy ý nghĩa của mấy câu trước sau chữ sai lầm thành vô nghĩa đó. Có đủ ba điều kiện tối cần ấy thì mới có thể đem những chữ sai lầm ấy ra mà phân tích mà suy đoán, tìm lấy mọi lẽ biến chuyển thế nào mà lại có được một chữ vô nghĩa như vậy, rồi lại lấy chữ vô nghĩa này làm hình thức bằng chứng mà đoán ngược lại lấy chữ chính xác nguyên văn. Dưới đây tôi xin kể vài chữ thật hay đã bị người sao chép sai lầm thành ra chữ vô nghĩa, vì hai chữ gần giống nhau:
(1) Chữ “ủm [黯]” lầm ra “điểm [點]” ở câu 367. “Một tường tuyết ủm [黯] sương che” tả cảnh Kim Kiều nhìn ngóng nhau mãi mà chẳng thấy nhau như bị tuyết sương phủ kín. Có bản Kiều in lầm ra là “Một tường tuyết điểm [點] sương che”. Rồi có mấy nhà xuất bản sau thấy chữ “điểm” vô nghĩa, mới đổi bừa ra là “Một tường tuyết chở sương che” hay là “Một tường tuyết đón sương che”. Chữ “đón” cũng gần vô nghĩa như chữ “điểm”, cả chữ “trở” cũng gần vô nghĩa như vậy; người ta chỉ nói “cách trở” hay “ngăn trở” mới có nghĩa, chớ không bao giờ nói riêng lẻ một chữ “trở” bao giờ; và người ta cũng chỉ nói “che chở” chớ không bao giờ nói “trở che” hay “che trở.”
Chữ “điểm[點]” tuy vô nghĩa thật, nhưng còn giữ chút “di tích” nguyên văn cho ta lấy nó làm bằng cứ mà suy đoán ra chữ “ủm [黯]” là nguyên văn, vì [黯] Hán văn là “ảm,” chữ nôm mượn làm “ủm.”
(2) Chữ “lựa [攄]” lầm ra “lừa [驢]” ở câu 3072. “Khuôn thiêng lựa [攄] lọc đã đành có nơi” là lời Thúy Vân khuyên Kiều lại lấy Kim Trọng, ý nói: Trước kia Kiều đã hẹn lấy chàng, rồi gặp gia biến phải bỏ ra đi, nay bỗng lại được gặp nhau, đó thật là ông trời đã lựa chọn kỹ càng hai người lấy nhau thật xứng đáng, nên nay lại cho được kết duyên. Chữ lựa lọc nghĩa là kén lựa rất tinh tế. câu này lời thật hay, ý thật đúng như vậy, thế mà vì lỗi người chép lầm hay người khắc in sai “lựa [攄]” ra “lừa [驢]” rồi lại người phiên âm không biết nghĩa cứ theo chữ lầm mà dịch bừa ra “Khuôn thiêng lừa lọc …” thành vô nghĩa; lại có bản dám đổi hẳn ra là “Khuôn thiêng lừa đảo…” nữa thật đã quá vô nghĩa, lại quá hỗn sược với cả trời nữa!
(3) Chữ “lờ [濾]” chép lầm ra là “làn [瀾]” ở câu: “Lờ [濾] thu thủy, nhợt xuân sơn [曀 春 山] / hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.” Hai câu lục bát này dùng bốn chữ so sánh: lờ, nhợt, ghen, hờn, để tả vẻ đẹp của Kiều: vẻ trong sáng đôi mắt thì làm lờ được màu trong hồ nước lặng mùa thu; vẻ đẹp tươi của đôi lông mày thì làm nhợt được vẻ tươi đẹp mặt cỏ núi mùa xuân; màu thắm hồng đôi má làm cho hoa thua phải ghen, màu xanh rờn lông mày làm cho liễu phải hờn tức. Hai câu lục bát này ý thật hay, vẻ đẹp thanh tú của nàng hơn cả bên cảnh thanh tú của trời đất, lời thật luyện và đăng đối tề chỉnh, liên tiếp với nhau. Hai vế câu sáu chữ này dịch từ câu chữ Hán [眼 光 秋 氺 眉 淡 春 山 = nhãn quang thu thủy mi đạm xuân sơn = mắt sáng hơn là nước mùa thu, lông mày làm nhợt được màu núi mùa xuân]; câu nguyên văn diễn: lờ thu thủy, nhợt xuân sơn, là rất đúng. Rồi lại thêm một người tái bản sau nữa đổi luôn cả chữ nhợt [曀] ra làm nét [涅] thành ra câu này là “làn thu thủy, nét xuân sơn” nghe êm tai, nên mọi người nghe quen tai, cho là phải, nhưng suy nghĩ cho kỹ thì thật là lệch lạc vô nghĩa, đã không thành câu, lại thiếu ý tả vẻ đẹp, mà lại không lưu loát liền mạch với câu 8 chữ dưới. Còn chứng cớ chữ “lờ” rất đúng là bản Kiều nôm Cụ Nghè Vũ Trinh [武 桢] xuất bản còn để nguyên chữ nhợt [曀] để đối với chữ lờ viết sai ra “làn.”
[ĐÀM DUY TẠO]