CHƯƠNG 06
KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI
Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO
trước tác năm 1986
(Thứ nam) Đàm Trung Pháp
hiệu đính và phổ biến năm 2020
* * * * *
CÂU 133 ĐẾN CÂU 242
“Tơ duyên kỳ ngộ, giấc mộng đoạn trường”
133. Dùng dằng nửa ở nửa về,
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần.
135. Trông chừng thấy một văn nhân,
Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng. [1, 2]
137. Đề huề lưng túi gió trăng, [3]
Sau chân theo một vài thằng con con.
139. Tuyết in sắc ngựa câu giòn, [4]
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời. [5]
141. Nẻo xa mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình.
142. Hài văn lần bước dặm xanh, [6]
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao. [7]
145. Chàng Vương quen mặt ra chào,
Hai Kiều e lệ núp vào dưới hoa. [8]
147. Nguyên người quanh quất đâu xa,
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh. [9]
149. Nền phú hậu, bậc tài danh, [10, 11]
Văn chương nết đất, thông minh tính trời. [12]
151. Phong tư tài mạo tót vời, [13]
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa. [14, 15]
153. Chung quanh vẫn đất nước nhà,
Với Vương Quan trước vẫn là đồng thân. [16]
155. Vẫn nghe thơm nức hương lân, [17]
Một nền Đồng Tước khoá xuân hai Kiều. [18]
157. Nước non cách mấy buồng thêu, [19]
Những là trộm nhớ thầm yêu chuốc mòng. [20]
159. May thay giải cấu tương phùng, [21]
Gặp tuần đố lá thoả lòng tìm hoa. [22]
161. Bóng hồng nhác thấy nẻo xa, [23]
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai. [24]
163. Người quốc sắc, kẻ thiên tài, [25, 26]
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
165. Chập chờn cơn tỉnh cơn mê.
Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn.
167. Bóng tà như giục cơn buồn,
Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo.
169. Dưới cầu nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
171. Kiều từ trở gót trướng hoa,
Mặt trời gác núi chiêng già thu không. [27]
173. Mảnh trăng chênh chếch dòm song, [28]
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân.
175. Hải đường lả ngọn đông lân, [29]
Giọt sương trĩu nặng cành xuân la đà.
177. Một mình lặng ngắm bóng nga, [30]
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời:
179. Người mà đến thế thì thôi, [31]
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi!
181. Người đâu gặp gỡ làm chi, [32]
Trăm năm biết có duyên gì hay không? [33]
183. Ngổn ngang trăm mối bên lòng,
Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình. [34]
185. Chênh chênh bóng nguyệt xế mành,
Tựa nương bên triện một mình thiu thiu. [35]
187. Thoắt đâu thấy một tiểu kiều, [36]
Có chiều thanh vận, có chiều thanh tân. [37]
189. Sương in mặt, tuyết pha thân, [38]
Sen vàng lững đững như gần như xa.
191. Rước mừng đon hỏi dò la:
“Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây?” [39]
193. Thưa rằng: “Thanh khí xưa nay, [40]
Mới cùng nhau lúc ban ngày đã quên.
195. Hàn gia ở mé tây thiên, [41, 42]
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu.
197. Mấy lòng hạ cố đến nhau, [43]
Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng. [44, 45]
199. Vâng trình hội chủ xem tường, [46]
Mà sao trong sổ Đoạn Trường có tên. [47]
201. Âu đành quả kiếp nhân duyên, [48]
Cũng người một hội, một thuyền đâu xa! [49]
203. Này mười bài mới mới ra, [49a]
Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời.” [50, 51]
205. Kiều vâng lĩnh ý đề bài,
Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm. [52]
207. Xem thơ nức nở khen thầm:
“Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường [53]
209. Ví đem vào tập Đoạn Trường [54]
Thì lèo giải nhất chi nhường cho ai.” [55]
211. Thềm hoa khách đã giở hài,
Nàng còn nắm lại một hai tự tình.
213. Gió đâu sịch bức mành mành,
Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao.
215. Trông theo nào thấy đâu nào
Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây.
217. Một mình lường lự canh chầy, [56]
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.
219. Hoa trôi bèo dạt đã rành, [57]
Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi!
221. Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi, [58]
Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn.
223. Giọng kiều rên rỉ trướng loan, [59]
Nhà Huyên chợt tỉnh hỏi: “Cơn cớ gì? [60]
225. Cớ sao trằn trọc canh khuya,
“Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa?” [61]
227. Thưa rằng: “Chút phận ngây thơ,
Dưỡng sinh đôi nợ tóc tơ chưa đền. [62]
229. Buổi ngày chơi mả Đạm Tiên,
Nhắp đi thoắt thấy ứng liền chiêm bao.
231. Đoạn trường là số thế nào,
Bài ra thế ấy, vịnh vào thế kia.
233. Cứ trong mộng triệu mà suy, [63]
Phận con thôi có ra gì mai sau!”
235. Dạy rằng: “Mộng ảo cứ đâu, [64]
Bỗng không mua não chuốc sầu nghĩ nao.”
237. Vâng lời khuyên giải thấp cao
Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch tương
239. Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng
Nách tường bông liễu bay ngang trước mành.
241. Hiên tà gác bóng chênh chênh,
Nỗi riêng, riêng trạnh tấc riêng một mình.
Đính chính và xác định
Câu 150: Văn chương nếp đất, thông minh tính trời – Chữ nếp trong câu này nghĩa là lề thói đã quen như tờ giấy đã gấp thành nếp sẵn, lúc gập lại rất dễ. Chữ đất đây là mồ mả tổ tiên táng vào được ngôi đất tốt, khiến con cháu được phát đạt. Văn chương nếp đất = Kim Trọng được nền nếp sẵn sàng của mồ mả tổ tiên phát về văn chương, nên chàng học giỏi. Nhiều bản quốc ngữ in thành “văn chương nét đất” là lầm và vô nghĩa. Chữ nếp câu này liền với chữ nền câu trên “Nền phú hậu, bậc tài danh.”
Câu 169: Dưới cầu nước chảy trong veo / bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha lấy hai chữ cầu làm cốt vừa để tả cảnh chiều buồn, vừa ngầm tả cảnh Kiều nghé theo mãi cho đến khi Kim Trọng đã qua cầu và đi khuất bóng rồi, mà nàng vẫn còn vẩn vơ nghĩ: thế là vắng chàng rồi, chỉ còn trơ chiếc cầu không trên dòng nước trong veo, không còn bóng chàng cưỡi ngựa qua cầu nữa, và chỉ còn ngọn liễu phất phơ thướt tha như đưa chàng đi. Những bản đổi chữ “dưới cầu” ra “dưới dòng” thật là lầm, đã làm mất cả ý nghĩa tế nhị thâm trầm đó, và còn có thể biến nó thành vô nghĩa nữa.
Câu 172: Mặt trời gác núi chiêng già thu không lấy điển từ câu thơ của một thi sĩ đời Đường gửi cho bạn tơ lòng mong nhớ [何 時 最 是 思 君 处, 日 入 斜 窗 晚 寺 鐘 = hà thì tối thị tư quân xứ, nhật nhập tà song vãn tự chung = nhớ anh nhất ấy lúc nào, nắng xiên cửa sổ, chuông chiều chùa vang]. Chiêng già = Chuông chùa đánh lúc chiều tối để niệm Phật và gọi các cô hồn về chùa nương bóng Phật. Câu này cũng như câu trên vừa tả cảnh buồn, vừa ngẫm tả tình nhớ của Kiều. Những bản in “… chiêng đà thu không” đã bỏ mất cái ý tế nhị âm thầm nhớ chàng Kim. Vậy cần phải đính chính lại là “Mặt trời gác núi, chiêng già thu không.”
Câu 176: Giọt sương trĩu nặng cành xuân la đà = Hạt sương bám dần vào thành những giọt nước ở dưới lá làm cành cây nặng trĩu xuống. Có bản quốc ngữ in là “gieo nặng” thành ra vô nghĩa. Chữ nôm trĩu (thủ [扌]+ liễu [了]) có bản nôm in sai là [招] (Hán = triệu, nôm = gieo).
Câu 190: Hai chữ lững đững ở câu này chữ nôm viết là [浪 蕩] “lãng đãng” nhưng tôi nghĩ chỉ có “lững đững” là vừa hợp tiếng vừa hợp lý hơn, vì lững đững là dở như có, dở như không, gần không ra gần, xa không ra xa, đúng như hồn ma hiện.
Câu 191: Rước mừng đon hỏi dò la – Chữ đon đây nghĩa là đon đả tỏ tình thân quý. Nhiều bản quốc ngữ in sai ra đón là thừa, vì đã ra rước mừng rồi còn đón làm gì nữa. Bản nôm viết chữ đon [敦] thì đúng hơn.
Câu 195: Hàn gia ở mé tây thiên – Chữ nôm mé (viết = hán [厂]+ mãi [買]) ở câu này các bản quốc ngữ đều dịch lầm ra mái thật vô nghĩa. Thiên là bờ ruộng; ở mé tây thiên là ở bên bờ ruộng phía tây.
Câu 210: Thì lèo giải nhất chi nhường cho ai – Chữ lèo đây là giải băng vải hay giấy treo ở trên giải thưởng, ghi là phần thưởng hạng mấy. Trước khi ai muốn tranh phần thưởng nào thì trình diện với ban giám khảo, rồi chắp hai tay sẽ vuốt cái lèo giải ấy mà ra thi. Bởi vậy ta gọi phần thưởng là giải thưởng, và có câu “tranh lèo giật giải.” Chữ lèo hết thảy các bản Kiều quốc ngữ đều dịch là treo, nghĩa rất không trôi chảy, vì thế là không nhường cho ai sự treo giải nhất, chứ không phải nhường giải nhất. Có sự lầm vậy là vì chữ lèo nôm [繚] (= mịch [糸]+ liêu [尞]), rồi sau khắc lầm ra treo nôm [撩] (= thủ [扌] + liêu [尞]). Người dịch đầu tiên không nghĩ ra, dịch bừa là treo, rồi người sau cứ theo lầm mãi.
Câu 231: Đoạn trường là sổ thế nào – Chữ sổ ở câu này ứng với sổ đoạn trường ở câu lời Đạm Tiên nói ở trên: Mà xem trong sổ đoạn trường có tên. Hết thảy các bản Kiều quốc ngữ đều dịch ra số, thật không khẩn thiết với lời báo mộng.
Câu 235: Dạy rằng mộng ảo cứ đâu – Chữ mộng ảo câu này có bản viết là mộng triệu. Mộng triệu là điềm báo lúc mê ngủ, chứ không có nghĩa hão huyền chẳng đáng tin như mộng ảo. Tôi nghĩ mộng ảo đúng vào nghĩa câu này hơn là mộng triệu.
Câu 240: Nách tường bông liễu bay ngang trước mành – Nhiều bản Kiều quốc ngữ e chữ mành không vần với chữ nghiêng ở câu sau nên đổi bừa ra là “Nách tường bông liễu bay sang láng giềng” thật là vô nghĩa, mất cả vẻ đẹp vẻ hay của câu này. Họ không hiểu các vần anh, inh, ênh vẫn có vần với iêng.
Chú thích và dẫn điển
[1] Lỏng buông tay khấu = Tay khấu là tay cầm cương ngựa. Khi cưỡi ngựa, tay cầm cương co đầu ngựa cao lên thì nó chạy, buông lỏng chùng cương cho đầu ngựa hạ xuống thì nó đi chậm. Vậy, lỏng buông tay khấu = Tay cầm dây cương buông thật dài ra cho ngựa đi bước một rất thong thả.
[2] Dặm băng = đường phẳng rộng rãi dễ đi.
[3 Lưng túi gió trăng = phong lưu đi dạo phong cảnh có mang túi thơ đi theo, để ngâm vịnh được bài thơ nào thì chép đựng vào túi đó.
[4] Tuyết in sắc ngựa câu dòn = ngựa non chàng cưỡi đẹp, sắc trắng ngần như tuyết. Ngựa câu = ngựa khỏe đang sức lớn chạy nhanh. Dòn = tươi đẹp.
[5] Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời = màu áo nhuộm sắc lam non nhợt, ta cũng gọi là màu thiên thanh hay màu hồ thủy.
[6] Hài văn = giày có thêu hoa đẹp đẽ lịch sự.
[7] Một vùng như thể cây quỳnh cành dao diễn tả hình ảnh người đàn ông đẹp, lấy từ điển tích [王 衍 如 琼 林 玉 樹 = Vương Diễn như quỳnh lâm ngọc thụ = Vương Diễn đẹp như cây ngọc dao ở trong rừng ngọc quỳnh].
[8] Hai Kiều = Hai cô gái đẹp, tức là Kiều và Vân. (Xem lời giải số 18 ở dưới).
[9] Nhà trâm anh = Dòng dõi làm quan. Các quan lúc trước khi mặc triều phục vẫn gài cái trâm ở búi tóc để giữ mũ cho ngay, và buộc đôi giải mũ (chữ Hán là anh [纓]) rũ xuống sau lưng.
[10] Nền phú hậu = Giàu có và lòng tử tế trung hậu.
[11] Bực tài danh = Nổi danh tiếng là hạng người có tài hoa.
[12] Nếp đất – Xem lời đính chính câu 150 bên trên.
[13] Phong tư [丰姿] = vẻ mặt đẹp đẽ đầy đặn. Tài mạo [才貌] = mặt mũi linh lợi, khôi ngô, trông biết ngay là người tài giỏi.
[14] Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa = Tính tình bên trong thì rất vui vẻ, nhã nhặn, và cách ăn ở bên ngoài thì trông rất hào hoa, lịch sự.
[15] Hào hoa = Cư xử hào phóng, lịch sự.
16/ Song thân [窗親] = Bạn học chung buồng học với nhau, khác với song thân [双親] là hai bố mẹ.
[17] Hương lân [鄕鄰] = Làng kế bên.
[18] Một nền đồng tước khóa xuân hai Kiều mượn ý câu cuối cùng của bài thơ Đỗ Mục vịnh trận Xích Bích để nói nhà họ Vương có hai cô con gái đẹp chưa chồng. Bài thơ đó như sau:
(1) [折 戟 沈/沉 沙 鉄 未 銷 = triết kích trầm sa thiết vị tiêu = ngọn giáo gẫy chìm ở các sông mũi sắt chưa tiêu hết] (2) [私 將 磨 洗 認 前朝 = tư tương ma tẩy nhận tiền triều = ta đem lên mài rửa để xem về triều đại nào] (3) [東 風 不 與 周 郎 便 = đông phong bất dữ chu lang tiện = nếu trận Xích Bích gió đông không giúp phương tiện cho Chu Du] (4) [銅 雀 春 深 鎖 二 嬌 = Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều = thì hai cô gái họ Kiều sẽ bị khóa xuân ở nền Đồng Tước].
[19] Buồng thêu = Buồng đàn bà, con gái ngồi thêu dệt. Nước non cách mấy buồng thêu lấy điển từ câu trong sách cổ [相 親 咫 尺 而 渺 若 山 河 = tương thân chỉ xích nhi diểu nhược sơn hà = gần nhau chỉ một gang một thước, mà hóa cách xa nhau như cách núi cách sông].
[20] Trộm dấu thầm yêu chốc mòng – Dấu = Yêu một cách sâu xa êm đềm. Trộm dấu = Đem lòng mơ ước ngầm không dám nói với ai. Chốc mòng = Ao ước mơ mòng (nhiều bản quốc ngữ dịch chữ chốc mòng [祝蒙] này là chuốc mòng và giảng nghĩa gượng là bao lâu nay hoặc biết bao nhiêu).
[21] Giải cấu tương phùng lấy điển từ Kinh Thi [邂 遘 相 逢 適 我 願 兮 = giải cấu tương phùng, thích ngã nguyện hề = tình cờ gặp nhau, thật thỏa lòng ước nguyện của ta].
[22] Đố lá = Trong những dịp dạo cảnh xuân, thường có những cuộc đố lá với nhau. Mỗi người mang một cái túi, gặp thứ cây cỏ nào cũng sẽ hái một nhúm lá bỏ vào túi. Cốt phải hái cho nhanh, kẻo tiếng hiệu gọi về hái không kịp. Khi về đấu nhau, ai được nhiều thứ hơn người kia thì thắng cuộc.
[23] Bóng hồng là bởi nhóm chữ [美 人 紅 影 = mỹ nhân hồng ảnh = bóng dáng đẹp của đàn bà con gái].
[24] Xuân lan thu cúc – Vua Hậu Chủ nhà Trần bị nhà Tùy bắt, vua nhà Tùy hỏi: “Hai người ái phi của nhà ngươi ai đẹp hơn ai?” Hậu Chủ thưa: [春 蘭 秋 菊 皆 一 時 之 秀 也 = xuân lan thu cúc, giai nhất thì chi tú dã = hoa lan mùa xuân, hoa cúc mùa thu đều là thứ hoa đẹp nhất một mùa]. Ý nói mỗi người đẹp nhất một vẻ, không thể nào phân bì hơn kém được.
[25] Quốc sắc = Người con gái đẹp nổi tiếng trong nước.
[26] Thiên tài = Người có tài hoa trời cho hơn hẳn mọi người.
[27] Chiêng già = Tiếng chuông chùa. Thu không = Đánh lúc hết ngày. Ở các vòm lính canh lúc chập tối đánh trống báo hết ngày gọi là trống thu không; đánh báo hết đêm gọi là trống tan canh.
[28] Gương nga = Mặt trăng.
[29] Hải đường lả ngọn đông lân = Mặt trăng buổi chiều tối hôm Thanh minh, đầu tháng ba, đứng ở phía tây, nên bóng ngọn cây hải đường trông như lả về phía đông. Câu này còn dùng ý tả ngầm: thế là lòng Kiều đã ngả về đông lân rồi, không còn tường đông ong bướm đi về mặc ai nữa. Nhiều câu tác giả tả cảnh thường ngầm ý tả tình như vậy thật là thiên tài.
[30] Tố nga = Mặt trăng.
[31] Người mà đến thế thì thôi – Người mà = Đạm Tiên.
[32] Người đâu gặp gỡ làm chi – Người đâu = Kim Trọng.
[33] Trăm năm = Duyên vợ chồng.
[34] Câu tuyệt diệu = câu văn thơ hay tột bực, lấy điển ở bốn chữ [絶 妙 好 辞 = tuyệt diệu hảo từ = lời hay rất mực]. Điển tích như sau: Tào Tháo đọc một tấm bia, thấy có lời Sái Ung [蔡邕] phê 8 chữ [黄 絹 幼 婦 外 孫 齏 臼] : (1) [黄 絹] = hoàng quyên = lụa vàng, (2) [幼 婦] = ấu phụ = con gái nhỏ, (3) [外孫] = ngoại tôn = cháu ngoại, (4) [齏 臼] = tê cửu = cối giã gừng ớt]. Tháo không hiểu nghĩa mới hỏi nàng Sái Văn Cơ [蔡文姬] “Câu cha nàng phê thế nghĩa là gì?” Văn Cơ không biết, Dương Tu thưa: “Đó là bốn chữ tuyệt diệu hảo từ [絶 妙 好 辞], và chàng giảng cho Tháo nghe: (5) lụa vàng là ti sắc [絲 色] (sắc tơ tằm) hợp thành chữ [絶] (tuyệt = rất), (6) Con gái nhỏ là thiếu nữ [少 女] hợp thành chữ [妙] (diệu = thần diệu), (7) Cháu ngoại là [女 子] (con của con gái) hợp thành chữ [好] (hảo = hay), (8) Cối giã gừng là thụ tân [受 辛] (chịu cay) hợp thành [辤] (từ = lời). Tháo giật mình và chịu Dương Tu là thông minh, tài đoán.
[35] Triện = Chắn song cửa sổ đóng thành hình chữ triện (hoặc như chữ thọ hình tròn, chữ phúc hình vuông).
[36] Tiểu Kiều = Người con gái trẻ, lấy điển từ các chữ đại Kiều [大喬] và tiểu Kiều [小喬] là hai cô họ Kiều. Xem lời giải [18] bên trên.
[37] Phong vận = Có vẻ tài hoa phong nhã. Thanh tân = Có vẻ trong trắng như con gái chưa chồng.
[38] Sương in mặt, tuyết pha thân = Người trong trắng đẹp, nhưng có vẻ lạnh lùng như sương như tuyết. Lấy 6 chữ này để tả vẻ đẹp của người con gái ma thì quá đúng.
[39] Đào nguyên = Nguồn đào. Truyện kể đời nhà Tấn (205-420) có người ngư phủ ngược thuyền lên mãi vào một con suối hai bờ toàn những cây đào hoa nở rất đẹp. Mến cảnh, ngư phủ vượt mãi lên vào một khu động phong cảnh rất đẹp, dân cư rất vui vẻ thái bình, tranh nhau đón tiếp ông ta. Họ kể cho nghe là tổ tiên họ tránh loạn nhà Tần (221-206 trước tây lịch) vào ở đó. Họ rất thích thú khi được ngư phủ kể cho nghe chuyện ở ngoài – Tần mất, Hán lên, Hán mất, Tấn lên. Ngư phủ về thăm nhà, rồi muốn mang gia đình lên ở thì không tìm được lối lên nguồn đào nữa. Người sau dùng chữ đào nguyên để nói cảnh tiên.
[40] Thanh khí = Cùng chung một khí chất. Kinh dịch viết [同声相應同氣相求= đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu = hai tiếng nhạc cùng một âm luật thì vang ứng với nhau, hai vật cùng một khí chất thì tìm hút nhau]. Đây nói vì Kiều chung một tâm tình với Đạm Tiên nên họ cảm mến nhau.
[41] Hàn gia [寒家] = Nhà rét lạnh = lời nói khiêm tốn kêu nhà mình là nhà nghèo ở không được ấm áp. Nhưng ở đây hàn gia rõ hợp với cảnh một ngôi mộ quanh năm lạnh lùng chẳng ai hương khói thăm cúng.
[42] Tây thiên [西阡] – Bốn bờ ruộng thì hai bờ đầu nam đầu bắc gọi là thiên [阡], hai bờ đầu đông đầu tây gọi là mạch [陌]. Câu này chỉ có 6 chữ mà tả rõ được mả nàng ở một mé bên bờ phía tây đầu nam đầu bắc.
[43] Mấy lòng hạ cố đến nhau = Tấm lòng quý hóa biết bao nhiêu mà cúi xuống đoái nhìn đến tôi !
[44] Mấy lời hạ tứ = Mấy bài thơ ban xuống cho tôi. Hai chữ hạ cố [下顧] và hạ tứ [下賜] đúng với ý nghĩa người ở dưới mả nói với người ở trên.
[45] Ném châu gieo vàng = Hai bài thơ Kiều đề ở gốc cây vịnh nàng Đạm Tiên, lời như vàng như ngọc tuôn ra.
[46] Hội chủ = Bà chủ hội đoạn trường. Chủ đoạn trường lấy nguồn gốc từ truyện một con vượn mẹ thấy con mình bị người bắn chết, nó ôm lấy thây con rồi kêu thảm thiết mà lăn ra chết ; khi người ta mổ nó ra thấy ruột nó đứt thành nhiều đoạn. Sau có nhà văn sĩ dùng nhóm chữ đoạn trường thanh (tiếng đứt ruột) mà đặt tên một cuốn sách ông ta viết. Bởi thế ông Nguyễn Du mới đặt tên truyện Kiều là Tiếng đứt ruột mới.
[47] Sổ đoạn trường = Cuốn sổ biên tên những người số mắc kiếp đoạn trường hoặc đã qua đời như Đạm Tiên, hoặc còn sống mà chưa gặp kiếp đoạn trường như Kiều.
[48] Quả kiếp nhân duyên [果 劫 因 緣] – Theo sách nhà Phật thì kiếp này mình được sung sướng hay phải khổ sở là cái quả báo của việc thiện hay ác mình đã làm kiếp trước. Bởi vậy, ta hay dùng chữ quả kiếp để nói sự khổ nhục là cái quả báo để chuộc lại tội ác mình đã làm kiếp trước. Câu Đạm Tiên nói này nghĩa là : Chúng ta chỉ là vì có cái nhân duyên cùng chung một kiếp quả báo với nhau mà được gặp nhau đây.
[49] Một hội một thuyền = Kẻ trước người sau chung một số kiếp trong hội đoạn trường, cũng như cùng đi với nhau trong một chiếc thuyền ở trên bến mê, đưa người đi trước, đón người đi sau.
[49a] Đầu đề 10 bài thơ mới ra đó là :
1. Tích đa tài [惜 多 才 = đáng tiếc cho mình sao lại nhiều tài].
2. Liên bạc mệnh [怜 薄 命 = thương mệnh bạc].
3. Bi kì lộ [悲 歧 路 = đau cực chỗ đường rẽ].
4. Ức cố nhân [億 故 人 = nhớ người cũ].
5. Niệm nô Kiều [念 奴 娇 = nghĩ thương phận con gái].
6. Ai thanh xuân [哀 青 春 = thương tuổi xuân xanh].
7. Ta kiển ngộ [嗟 騫 遇 = than bước long đong].
8. Khổ linh lạc [苦 零 洛 = khổ thân lưu lạc].
9. Mộng cố viên [夢 故 園 = mơ quê cũ].
10. Khốc tương tư [哭 相 思 = khóc nhớ nhau].
Mười đầu đề này tả đủ kiếp khổ đau của Kiều sau này.
[50] Câu thần = Câu thơ hay như có thần giúp mới làm được, gọi là thần cú [神句].
[51] Bút hoa [筆花] – Lý Bạch xưa lúc trẻ mơ thấy cái bút ông đương viết bỗng mọc cái hoa đẹp, từ đó ông nảy tài làm thơ nổi tiếng khắp nước, nên người sau gọi bút người tài thơ là bút hoa.
[52] Khúc ngâm = Bài thơ, bài hát.
[53] Tú khẩu cẩm tâm [繡 口 錦 心] = lời thơ ở miệng ra đẹp như thêu hoa, ý thơ nghĩ ở trong lòng ra đẹp như dệt gấm.
[54] Tập đoạn trường = Tập thơ của những khách đoạn trường tả cảnh đau thương của mình đưa cho chủ hội đoạn trường.
[55] Lèo giải nhất – Xem lời đính chính câu 210 bên trên.
[56] Lượng lự = Suy lường lo nghĩ. Bản nôm in là [量慮] (lượng lự). Các bản Kiều dịch lầm ra lưỡng lự, không đúng nghĩa ở chỗ này, vì lưỡng lự nghĩa là dùng dằng chưa biết theo đường nào trong hai đường, không hợp lý ở đây.
[57] Hoa trôi bèo giạt = Kiếp long đong khổ sở nay đây mai đó – như hoa trôi theo dòng suối, bèo giạt theo luồng gió thổi.
[58] Lớp lớp sóng giồi = Chưa hết điều lo nọ, lại dồn đến điều lo kia – như cánh bèo ở mặt sóng, hết làn sóng nọ đến làn sóng kia nhận chìm xuống.
[59] Giọng kiều = Giọng non trẻ của con gái. Nhiều bản quốc ngữ in là “giọng Kiều (nghĩa là giọng cô Kiều) thật mất cái ý hay của chữ giọng.
[60] Nhà huyên = Mẹ, do chữ huyên thất [萱室] dịch ra. Kinh Thi có câu [安 得 萱 草 言 樹 之 背 = yên đắc huyên thảo ngôn thụ chi bối = ước sao được cây cỏ huyên để trồng ở trước buồng hướng bắc (tức là buồng mẹ ở)]. Bởi vậy các văn sĩ sau mới gọi mẹ là huyên đường [萱 堂] (nhà huyên). Cỏ huyên giống cây huệ, lá hình lưỡi gươm, hoa 6 cánh màu vàng hay đỏ, ăn được, phơi khô gọi là kim châm. Cây huyên xanh suốt năm, nên người xưa trồng ở trước nhà mẹ ở để chúc mẹ khỏe mạnh luôn luôn.
[61] Mầu hoa lê hãy đầm đìa hạt mưa lấy điển tích từ bài Trường Hận Ca [長 恨 歌] của Bạch Cư Dị tả hình Dương Quý Phi ở cung tiên khóc khi thấy sứ giả của Minh Hoàng đến tìm [玉容 寂 寞 淚 闌 干 棃 花 一 枝 春 帶 雨 = ngọc dung tịch mịch lệ lan can, lê hoa nhất chi xuân đái vũ = mặt ngọc u buồn, nước mắt đầm đìa, như một cành hoa lê mang những giọt mưa xuân].
[62[Dưỡng sinh đôi nợ = Công lao cha sinh, mẹ dưỡng.
[63] Mộng triệu [夢 兆] = Điềm báo trong giấc mơ.
[64] Mộng ảo = Mơ ảo trong giấc mộng chẳng đáng tin.
[65] Mạch tương = Nguồn cơn tương tư Kim Trọng. Chữ mạch tương lấy điển từ câu thơ [君 在 湘 江 頭, 妾 在 湘 江 尾, 相 顧 不 相 見, 同 飲 湘 江 水 = quân tại Tương giang đầu, thiếp tại Tương giang vĩ, tương cố bất tương kiến, đồng ẩm Tương giang thủy = chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông Tương, trông nhau chẳng thấy nhau, cùng uống nước sông Tương”]. Dào mạch tương là giào giạt lòng nhớ ; nhiều bản Truyện Kiều giảng lầm chữ mạch tương là nước mắt khóc lấy điển ở truyện hai bà Nga Hoàng, Nữ Anh khóc vua Thuấn ở bờ sông Tương. Giảng thế thật không đúng trường hợp Kiều bây giờ, vì Kiều khi đó chỉ ao ước lấy được Kim Trọng để gỡ số bạc mệnh chứ đâu có khóc.
Diễn ra văn xuôi
Câu 133 và 134 = Ba chị em còn đang dùng dằng nữa muốn ở, nữa muốn về, thì bỗng nghe tiếng nhạc ngựa lại gần.
Câu 135 và 136 = Đưa mắt lên trông thì thấy một văn nhân buông lỏng tay cương cho ngựa đi thong thả trên đường rộng thẳng.
Câu 137 và 138 = Văn nhân vừa đi vừa ngắm cảnh, có vẻ ung dung. Lòng đầy cao hứng vịnh thơ, sau ngựa có mấy đứa nhỏ đi theo.
Câu 139 và 140 = Chàng cưỡi một con ngựa non sắc trắng ngần, và mặc áo nhuộm xanh da trời.
Câu 141 và 142 = Chị em vừa trông rõ mặt ở nẻo xa, thì người khách đó đã xuống ngựa tiến đến nơi nói truyện.
Câu 143 và 144 = Người khách lần lần đưa đôi giày thêu bước trên đường cỏ xanh, đi đến đâu đẹp lây cho cả vùng đến đấy, trông như cây ngọc quỳnh cành ngọc dao một lượt.
Câu 145 và 146 = Vương Quan vì quen mặt người khách thì chạy ra chào, còn hai cô gái thì e lệ, lánh mặt vào bụi hoa.
Câu 147 và 148 = Chàng khách này nguyên vẫn là người vùng quanh quẩn gần đó, chứ đâu xa lạ gì. Họ chàng là Kim, tên chàng là Trọng và vốn là một nhà dòng dõi trâm anh xưa nay.
Câu 149 và 150 = Chàng đã là con nhà nền nếp giàu có phúc hậu, lại nổi tiếng là bậc tài hoa, đã sẵn đất phát văn chương, lại được trời cho bản chất thông minh.
Câu 151 và 152 = Mặt mày đẹp đẽ nở nang, rõ có vẻ tài giỏi hơn người, trong lòng thì phóng khoáng nhã nhặn, mà bên ngoài thì rất hào hoa lịch sự.
Câu 153 và 154 = Chàng cùng ở một vùng với nhà họ Vương và là bạn chung đèn chung sách với Vương Quan.
Câu 155 và 156 = Chàng vẫn nghe tiếng đồn lừng lẫy là nhà họ Vương ở làng bên có gái cấm cung đẹp như hai cô họ Kiều ở đời Tam Quốc.
Câu 157 và 158 = Tuy ở gần một vùng mà sao buồng hai cô ngồi thêu thùa lại xa như cách sông cách núi, khiến chàng luống những mang lòng yêu dấu thầm kín, ước mong tha thiết.
Câu 159 và 160 = May sao nay tình cờ được gặp nhau trong cuộc đạp thanh đố lá này, thật là thỏa lòng tìm hoa của chàng.
Câu 161 và 162 = Nhác trông thấy bóng dáng hai cô ở nẻo xa, cô nào cũng tươi đẹp thanh tao, cô thì như hoa lan mùa xuân, cô thì như hoa cúc mùa thu, cô nào cũng một vẻ mặn mà tuyệt vời.
Câu 163 và 164 = Một bên là gái quốc sắc, một bên là trai thiên tài ; hai bên trông thấy nhau, trong lòng đã để ý đầy tình cảm với nhau ngay, chỉ còn e lệ chưa dám tỏ ra ngoài mặt với nhau thôi.
Câu 165 và 166 = Chàng thì chập chờn lúc như tỉnh, lúc như mê ; ngồi dốn mãi đó thì không tiện, làm mất tự do của hai cô, mà đứng dậy ra về thì nào có dứt được lòng tiếc rẻ.
Câu 167 và 168 = Bóng chiều xế thấp dần như thúc giục chàng về, làm cho chàng tăng dần cơn buồn tiếc. Khi chàng bất đắc dĩ lên ngựa ra về rồi, nàng đưa ngay mắt nghé theo nhìn chàng mãi.
Câu 169 và 170 = Nàng nhìn theo mãi cho đến lúc khách đã qua cầu khuất bóng rồi, chỉ còn ở dưới cầu thì dòng nước chảy trong veo, chẳng còn bóng khách nữa và ở đầu cầu thì mấy cành tơ liễu thướt tha trong bóng chiều hôm như buồn tiễn khách đi.
Câu 171 và 172 = Lúc Kiều về đến nhà rồi, thì mặt trời đã nằm gác ở trên núi phía tây và chuông chùa đã thỉnh hồi thu không làm lễ chiêu mộ.
Câu 173 và 174 = Mặt trăng đã nghiêng nghiêng dòm vào trong cửa sổ, ánh trăng thành những ánh vàng ở trên mặt nước, và bóng cây in xuống mặt sân.
Câu 175 và 176 = Cây hải đường trông như ngả ngọn sang nhà hàng xóm phía đông ; cành lá xanh non mùa xuân đầm đìa nặng trĩu những hạt sương rũ xuống như người la đà buồn ngủ đầu không ngóc lên được.
Câu 177 và 178 = Nàng ngồi một mình lặng lẽ ngắm trăng, trong lòng rộn rã tơi bời, lúc thì nghĩ chuyện gần như thương Đạm Tiên, như nhớ Kim Trọng, lúc lại nghĩ đến chuyện xa như lo số bạc mệnh, như mong lấy được Kim Trọng để nhờ phúc âm chồng mà gỡ khỏi số kiếp đó.
Câu 179 và 180 = Nghĩ đến Đạm Tiên, nàng than : Người mà bạc mệnh đến thế là cùng, cái đời phồn hoa của nàng thật là đời uổng phí đáng bỏ đi.
Câu 181 và 182 = Nghĩ đến Kim Trọng, nàng lo : Trời cho gặp gỡ nhau để làm chi vậy ? Chẳng biết sau này có nên vợ nên chồng không đây ?
Câu 183 và 184 = Nàng nghĩ ngổn ngang trăm mối trong lòng, rồi làm một bài thơ rất hay để tỏ tâm sự.
Câu 185 và 186 = Trăng lúc đó xuống thấp ngang trước mành, nàng ngồi một mình tựa lưng vào bực trấn song ghép hình chữ triện mà thiu thiu ngủ.
Câu 187 và 188 = Bỗng nàng thấy một cô gái trẻ, vừa có vẻ lịch sự tài hoa, vừa mơn mởn thanh tân rất đẹp.
Câu 189 và 190 = Mặt như in màu sương, thân như pha vẻ tuyết, lững đững đưa đôi gót sen, phảng phảng phất phất lúc như tiến lại gần, lúc như lảng đi xa.
Câu 191 và 192 – Nàng vội chạy ra đón rước và đon đả hỏi han : Tiên nữ ở đào nguyên đi đâu mà lại lạc lối vào đây ?
Câu 193 và 194 = Cô gái thưa : Chị em ta là chỗ thanh khí với nhau, mới gặp nhau lúc ban ngày mà giờ đã quên nhau rồi !
Câu 195 và 196 = Căn nhà nghèo lạnh của em ở mé bên bờ phía tây, gần một ngòi nước chảy mà bên trên có cầu bắc qua.
Câu 197 và 198 = Em cám ơn chị đã có lòng tử tế rất nhiều đoái hoài ngó xuống đến em, mấy bài thơ chị ban xuống cho em thật hay tinh những lời vàng tiếng ngọc vang ra.
Câu 199 và 200 = Em đã đưa lên cho bà chủ hội đoạn trường xem rõ và tra trong sổ đoạn trường thì ra cũng có tên chị.
Câu 201 và 202 = Ôi ta đành chịu vậy, âu đó cũng là nhân duyên của chị em ta chung một quả kiếp, thành ra vẫn là người trong một hội một thuyền với nhau, chẳng xa lạ gì !
Câu 203 và 204 = Này đây có 10 đầu bài thơ vừa mới ra, cần phải nhờ cái ngọn bút tinh hoa của chị vẽ vời nên những câu thơ thần tô điểm cho !
Câu 205 và 206 = Kiều vâng lĩnh nhận ngay 10 đầu đề và theo ý mỗi đầu đề làm thành một bài. Nàng cầm bút và đưa tay thơ tiên nàng ra mà viết luôn một hồi, chỉ trong chốc lát đủ cả mười bài.
Câu 207 và 208 = Đạm Tiên xem thơ nức nở khen thầm rồi nói : Thơ lời đẹp như hoa thêu, ý hay như gấm dệt, giá trị thật khác thường.
Câu 209 và 210 = Ví đem biên vào tập thơ đoạn trường, thì cái lèo giải nhất chắc là chị chẳng để ai tranh được !
Câu 211 và 212 = Trước thềm hoa cô khách đã trở bước ra đi, mà Kiều còn muốn nắm áo giữ lại để nói chuyện thêm nữa.
Câu 213 và 214 = Một cơn gió thổi lay động bức mành xịch một tiếng, nàng sực tỉnh ra mới biết là mình mơ ngủ.
Câu 215 và 216 = Nàng trông theo thì chẳng thấy cô khách mà hình như còn thoảng thấy mùi thơm vẫn quanh quất bên mình nàng.
Câu 217 và 218 = Rồi nàng vào nằm suy lường lo nghĩ một mình lúc canh khuya. Nàng nghĩ đến những nông nỗi trong bước đường xa sau này của mình và lo sợ lắm.
Câu 219 và 220 = Nàng lo nghĩ : Theo điềm mộng vừa rồi, thì rành rõ đời ta sẽ lưu lạc như hoa trôi theo giòng nước, như bèo giạt trước gió sóng. Đạm Tiên đã nói ta cũng có tên trong sổ đoạn trường như nàng, thì chắc ta cũng sống cuộc đời phồn hoa đầy đọa như nàng, chết không ai viếng mả như nàng, ta biết duyên phận ta chẳng ra gì thế thôi, nhưng biết gỡ sao khỏi được !
Câu 221 và 222 = Nàng càng nghĩ, lòng nàng càng cực cội, hết cơn nọ đến cơn kia, dồn dập như làn sóng mặt sông mặt biển ; mỗi cơn cực cội lại một cơn sụt sùi khóc theo.
Câu 223 và 224 = Giọng rền rĩ nỉ non của nàng ở trong mùng làm cho bà mẹ tỉnh dậy hỏi can cớ gì mà khóc.
Câu 225 và 226 = Bà hỏi : Cớ sao mà lại đêm khuya trằn trọc không ngủ lại giàn giụa nước mắt như cành hoa lê đầm đìa mưa xuân như vậy ?
Câu 227 và 228 = Nàng thưa rằng : Con còn trẻ tuổi ngây thơ, chưa báo đáp được công đức cha sinh mẹ dưỡng một chút mảy may nào.
Câu 229 và 230 = Vì ban ngày con thăm mả Đạm Tiên, vừa rồi con chợt ngủ đi, thấy Đạm Tiên báo mộng cho con biết ngay số phận của con sau này.
Câu 231 và 232 = Nàng kể rõ cho bà nghe : nào sổ đoạn trường là sổ thế nào mà nàng cũng có tên ở trong, nào là mười đầu đề thơ Đạm Tiên đưa nhờ nàng làm, và nàng làm như thế nào.
Câu 233 và 234 = Rồi nàng nói tiếp : Cứ theo mộng triệu đó mà suy đoán ra, thì số phận con mai sau thật chẳng ra gì !
Câu 235 và 236 = Vương bà khuyên dạy nàng rằng : Mơ mộng là điềm huyền ảo tin làm gì ! Rõ thật bỗng dưng mua não rước sầu vào thân, lạ quá.
Câu 237 và 238 = Nàng nghe lời mẹ khuyên giải thấp cao đủ lẽ cũng bớt lòng lo nghĩ, nhưng lại tiếp tục bồn chồn nghĩ đến cuộc tình duyên gặp gỡ, nhưng lo chẳng biết có nên chuyện gì không, để nàng nhờ chồng mà thoát khỏi kiếp đoạn trường.
Câu 239 và 240 = Nàng còn đương nghĩ vẩn vơ, thì trời đã sáng. Ngoài cửa sổ chim hoàng oanh đã hót như thỏ thẻ chuyện trò, mấy cành liễu ở khoảng nách tường đầu nhà đã thấy gió đưa phất phơ ở trước mành.
Câu 241 và 242 = Cảnh buổi sớm mùa xuân tuy đẹp vậy, nhưng lòng nàng nào có khuây ; cho đến lúc mặt trời đã cao hơn mái hiên chiếu bóng nghiêng xuống, nàng vẫn còn bận lòng nằm nghĩ tới mọi nỗi lo riêng trong lòng.
Những câu hay chữ có ý móc nối
Câu “cỏ non xanh tận chân trời” đã có ý móc nối với câu tả Kim Trọng “hài văn lần bước dặm xanh”, lại có ý làm tăng thêm vẻ thảm thê cho đoạn tả cảnh mả Đạm Tiên “sè sè nắm đất bên đường / dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh / rằng sao trong tiết thanh minh / mà đây hương khói vắng tanh thế mà ?”
Câu Đạm Tiên nói “mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng” ứng với việc Kiều đề thơ ở thân cây gần mả.
Những câu Kiều nói “dễ hay tình lại gặp tình … hữu tình ta lại gặp ta” có ý móc nối với câu Đạm Tiên nói “… thanh khí xưa nay… âu đành quả kiếp nhân duyên / cũng người một hội một thuyền đâu xa.”
Những câu tả phong tư, tài mạo, phong nhã, tài hoa, của Kim Trọng móc nối với câu Kiều nói sau này với Kim Trọng “…trộm liếc dung quang / chẳng sân ngọc bội, thì phường kim môn.”
Câu “ khách đà lên ngựa người còn nghé theo” móc nối khẩn thiết với câu tả lòng Kim Trọng nghĩ đến sau này “ví chăng duyên nợ ba sinh / thì chi đem thói khuynh thành trêu ngươi ?”
Mấy câu tả cảnh buổi chiều hôm đi tảo mộ về đều khéo mượn cảnh để ngầm tả nỗi lòng của Kiều.
Câu “mặt trời gác núi chiêng già thu không” bề ngoài thì thật khéo tả đúng cảnh buồn lúc chiều sắp tối, cái cảnh lúc mặt trời lặn dần xuống bên kia ngọn núi phía tây, trời tối sầm dần, đã như thu hết tinh thần vui tươi của vạn vật vào cõi u hồn, bên tai lại thủng thẳng vang lên từng tiếng chuông chùa với từng câu lanh lảnh niệm phật làm lễ chiêu mộ cô hồn. Trước cái cảnh ảm đạm ấy, người và vật đều lo tìm cảnh đoàn tụ để yên ủi tâm hồn hiu quạnh. Bởi vậy thơ Đường có hai câu này thật hay : (1) [何 時 最 是 思 君 处 = hà thì tối thị tư quân xứ = lúc nào là lúc nhớ anh nhất] (2) [日 入 斜 窗 晚 寺 鐘 = nhật nhập tà song vãn tự chung = đó là lúc nắng chiều vào trong cửa sổ lạnh vắng và tiếng chuông chùa đánh chiêu mộ]. Tác giả mượn ý câu dưới để tả cảnh buồn buổi chiều và ngầm mượn ý câu trên để tả nỗi lòng Kiều tưởng nhớ Kim Trọng.
Hai câu “hải đường lả ngọn đông lân / hạt sương trĩu nặng cành xuân la đà” lời văn thật hay, cảnh tả thật đẹp, nhất là ngụ ý càng thâm thúy. Bề ngoài thì hai câu này tả cảnh thật đẹp đẽ buồn lặng lúc chập tối hôm thanh minh : dưới bóng trăng thượng tuần, cây hải đường như lả ngọn về phía đông, những hạt sương xuân làm cho cành lá rũ lả xuống la đà trước cơn gió thoảng. Nhưng bên trong thỉ mỗi chữ ngụ một ý nghĩa ngầm rất thâm thúy, xin kể rõ như sau : “hải đường” ngụ ý nói Kiều buồn ngủ, hoa hải đường nở lâu hàng tháng, ngày nở nhưng đêm cụp lại gọi là hoa ngủ. Vua Minh Hoàng thấy Dương Quý Phi buổi sáng ngồi thiu thiu như buồn ngủ, mới nói đùa nàng “hoa hải đường đêm ngủ chưa đủ giấc sao ?” Ý ngầm buồn ngủ của chữ hải đường này móc nối với câu “tựa ngồi bên triện một mình hiu hiu” (có buồn ngủ rồi mới ngủ ngồi). “Ngả ngọn đông lân” ngụ ý nói Kiều tưởng nhớ Kim Trọng ; thế là Kiều không còn “tường đông ong bướm đi về mặc ai” nữa vì nàng đã ngả lòng về khách tường đông đó rồi. “Hạt sương trĩu nặng” ngụ ý nói Kiều khóc nước mắt lã chã ; chữ “hải đường” có hạt sương trĩu nặng này móc nối với câu “màu hoa lê hãy đầm đìa hạt mưa” ở dưới. “Cành xuân la đà” ngụ ý tả vẻ mặt kiều lo âu, ủ rũ mỏi mệt gượng ngồi ngắm cảnh cho khuây.
[ĐÀM DUY TẠO]