CHƯƠNG 10

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 569 ĐẾN CÂU 692

“Sai nha quen thói, hiếu nữ bán mình”

569. Nàng còn đứng tựa hiên tây,

 Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ. [1]

571. Trông chừng khói ngất song thưa, [2]

Hoa trôi trớt thắm, liễu xơ xác vàng. [3]

573. Tần ngần dạo gót lầu trang,

Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về, [4]

575. Hàn huyên chưa kịp dãi dề,

Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao. [5]

577. Người nách thước, kẻ tay dao; [6]

Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi. [7]

579. Già giang một lão một trai, [8]

Một dây vô loại buộc hai thâm tình. [9]

581. Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh, [10]

Rụng rời đọt liễu, tan tành cội mai. [11, 12]

583. Đồ tế nhuyễn, của riêng tây, [13]

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham. [14]

585. Điều đâu bay buộc ai làm?

Này ai đơm giậm, đặt giàm bỗng dưng? [15]

587. Hỏi ra sau mới biết rằng:

Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ. [16, 17]

589. Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ,

Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây. [18, 19]

591. Hạ từ van vỉ suốt ngày, [20]

Điếc tai lân tuất, phũ tay tồi tàn. [21, 22]

593. Rường cao rút ngược dây oan, [23]

Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người.

595. Mắt trông đau đớn rụng rời,

Oan này còn một kêu trời, nhưng xa.

597. Một ngày lạ thói sai nha, [24]

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền. [25]

599. Sao cho cốt nhục vẹn tuyền,

Trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao? [26]

601. Duyên hội ngộ, đức cù lao, [27]

Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?

603. Để lời thệ hải minh sơn, [28]

Làm con trước phải đền ơn sinh thành. [29]

605. Quyết tình nàng mới hạ tình:

“Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!” [30]

607. Họ Chung có kẻ lại già, [31]

Cũng trong nha dịch lại là từ tâm. [32, 33]

609. Thấy nàng hiếu trọng tình thâm,

Vì nàng nghĩ cũng thương thầm xót vay.

611. Tính bài lót đó luồn đây,

Có ba trăm lạng việc này mới xuôi. [34]

613. Hãy về tạm phó giam ngoài, [35]

Dặn nàng qui liệu trong đôi ba ngày. [36]

615. Thương lòng con trẻ thơ ngây, [37]

Gặp cơn vạ gió tai bay bất kỳ! [38]

617. Đau lòng tử biệt sinh ly, [39]

Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!

619. Hạt mưa sá nghĩ phận hèn, [40]

Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân. [41]

621. Sự lòng ngỏ với băng nhân, [42, 43]

Tin sương đồn đại xa gần xôn xao. [44]

623. Gần miền có một mụ nào,

Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh. [45, 46]

625. Hỏi tên rằng: Mã Giám Sinh.

Hỏi quê, rằng: huyện Lâm Thanh cũng gần. [47]

627. Quá niên trạc ngoại tứ tuần, [48]

Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.

629. Trước thầy sau tớ lao xao

Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.

631. Ghế trên ngồi tót sỗ sàng, [49]

Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.

633. Nỗi mình thêm gấp nỗi nhà,

Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng! [50]

635. Ngại ngùng dợn gió e sương, [51]

Ngừng hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày. [52]

637. Mối càng vén tóc bắt tay,

Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai. [53]

639. Đắn đo cân sắc cân tài,

Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ.

641. Mặn nồng một vẻ một ưa,

Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu. [54]

643. Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều, [55]

Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?” [56]

645. Mối rằng: “đáng giá nghìn vàng,

Nghẹt nhà nhờ lượng người thương dám nài.” [57]

647. Cò kè bớt một thêm hai,

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm. [58]

649. Một lời thuyền đã êm giầm [59]

 Hãy đưa canh thiếp trước cầm làm ghi. [60]

651. Định ngày nạp thái vu qui, [61]

Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong! [62]

653. Một lời cậy với Chung công,

Khất từ tạm lĩnh Vương ông về nhà. [63]

655. Thương tình con trẻ cha già,

Nhìn nàng ông những máu sa ruột rầu:

657. Nuôi con những ước về sau,

Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi. [64, 65]

659. Trời làm chi cực bấy trời,

Này ai vu thác cho người hợp tan! [66]

661. Búa rìu bao quản thân tàn,

Nỡ đầy đọa trẻ, càng oan khốc già.

663. Một lần sau trước cũng là, [67]

Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau!

665. Theo lời càng sưới dòng châu,

Liều mình ông rắp gieo đầu tường vôi.

667. Vội vàng kẻ giữ người coi,

Nhỏ to nàng lại tìm lời khuyên can:

669. “Vẻ chi một mảnh hồng nhan,

Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành.

671. Dâng thư đã thẹn nàng Oanh, [68]

Lại thua ả Lý bán mình hay sao? [69]

673. Cỗi xuân tuổi hạc càng cao, [70]

Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.

675. Lòng tơ dù chẳng dứt tình, [71]

Gió mưa âu hẳn tan tành nưóc non.

677. Thà rằng liều một thân con,

Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây.

679. Phận sao đành vậy cũng vầy,

Cầm như chẳng đậu những ngày còn xanh. [72]

671. Cũng đừng tính quẩn lo quanh,

Tan nhà là một thiệt mình là hai.”

673. Phải lời ông cũng êm tai,

Nhìn nhau giọt vắn giọt dài ngổn ngang.

685. Mái ngoài họ Mã vừa sang,

Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao. [73]

687. Trăng già độc địa làm sao? [74]

Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên.

689. Trong tay đã sẵn đồng tiền,

Mặc lòng đổi trắng thay đen khó gì! [75]

691. Họ Chung ra sức giúp vì,

Lễ tân đã đặt, tụng kỳ cũng xong.  [76, 77]

Đính chính và xác định

Câu 572 – “Hoa trôi trớt thắm, liễu xơ xác vàng” – Chữ “trôi trớt” câu này bản nôm viết là [㵢 淖] (phần chỉ nghĩa cho cả hai là bộ thủy, phần chỉ âm lần lượt là lôi [雷] và trác [卓]). Bản ông Nguyễn Khắc Hiếu theo chữ trác phiên âm là “trát” không thật đúng. Bản ông Trần Trọng Kim phiên âm là “giạt” thì thực là vô nghĩa. “Hoa trôi trớt thắm” = vẻ mặt Kiều đương hồng hào đẹp thế mà bỗng hóa ủ ê buồn tái nhợt đi.

 Câu 582 – “Rụng rời đọt liễu, tan tành cội mai” – “Đọt” = nhánh cây non mập mạp mới mọc rất mạnh từ gốc lên cây, có thể thành thân cây thứ hai được. “Cội” = gốc cây già cứng giữ cho cây bền vững. “Đọt liễu” tượng trưng hai cô gái trẻ: Kiều, Vân. “Cội mai” tượng trưng Vương bà có vẻ già cứng thanh tao như cây mai và là chủ cốt gia đình. Vì chữ “đọt” nôm viết [mộc木 + đột 突] gần giống chữ “giọt” [bộ thủy + đột] nên thợ khắc bản in gỗ trước quen tay khắc lầm “đọt” ra “giọt.” Các nhà xuất bản sau, vì không biết sự khắc lầm đó, công nhận chữ [湥] (giọt) và giảng nghĩa gượng giọt liễu là những giọt dây lưng đàn bà con gái buông xuống ở trước bụng; rồi thấy “cội mai” [檜 梅] đối với giọt liễu không chỉnh, lại đổi “cội mai” ra “gối mai” [檜 梅] vì [檜] cũng đọc là “gối”. Xét ra chỉ vì chữ “đọt” khắc lầm ra “giọt” đó mà người sau đều biết câu này nghĩa không êm xuôi, mới mỗi người một ý, đổi sai thành ra: (a) Rụng rời giọt liễu, tan tành gối mai – (b) Rụng rời bọc liễu, tan tành cỗi mai – (c) Rụng rời khung dệt, tan tành gói may – (d) Tan hoang khung cửi, tan tành gói may. Hết thảy đều lạc nghĩa, nực cười.

Câu 586 – “Vì ai đơm giậm, đặt giàm bỗng dưng” – “Giậm” = cái vợt đan to bằng tre để đơm cá. Miệng giậm hình bán nguyệt dài chừng gần 2 mét, buộc ngang trên đầu cái cán dài. Khi bắt cá người ta cầm đầu kia cán, bất kỳ đặt nghiêng miệng giậm xuống phía ngoài một góc ao cá, rồi lấy chân lùa cá vào giậm mà nhấc lên. “Giàm” = một thứ lưới rộng để bắt chim. Người ta đặt lưới ở chỗ ruộng mới gặt xong, rồi đặt chim mồi và rắc những ré lúa còn thóc để dụ đàn chim trời xuống ăn, rồi bất kỳ giật lưới úp bắt. Ta hay nói “đơm giậm, đặt giàm” vắn tắt là “đơm đặt” để nói bày mưu kế mà người mắc vào tội vạ. Câu thơ này cốt ý ở hai chữ “đơm đặt” là bỗng dưng gán tội vạ cho người.

Câu 635 – “Ngại ngùng rợn gió e sương” – Chữ “rợn,” ở bản nôm viết là [湎] hay [口+面], chỉ dịch ra “rợn” là vừa đúng tiếng vừa đúng nghĩa là hổ thẹn, cực khổ quá làm lạnh lùng rùng rợn cả người. Các bản quốc ngữ hiện thời bản thì dịch là “dín”, giảng là tiếng cổ nghĩa là e lệ. Nếu là “dín” thì bản nôm sao không viết là [緬] (diến)? Có bản lại dịch là “dạn” thì sai ý nghĩa.

Câu 646 “Nghẹt nhà nhờ lượng người thương dám nài” – Chữ “nghẹt” bản nôm in là [歹] (chữ Hán đọc là ngạt và nghĩa là xấu). Vì chữ [歹] này ít dùng, ít người biết chính âm là gì, nên mỗi người phiên âm một khác: là “ngặt”, là “dớp” đều xa âm chữ [歹] ngạt cả; chỉ có chữ “nghẹt” là vừa đúng âm vừa đúng nghĩa. Dân quê ta thường dùng chữ nghẹt để nói khi nhà gặp cơn vận hạn túng bấn. Ví dụ như người khất nợ nói “nhà tôi dạo này vận hạn mãi, thật tình nghẹt quá, vậy xin ông khoan hạn cho ít lâu, tôi sẽ xin trả dần đủ số.”

Câu 665 – “Theo lời càng sưới dòng châu” – Chữ “sưới” câu này, bản nôm cũ in là “suế” và viết [氵+ 毳] (chấm thủy + chữ suế). Chữ suế [毳] là lông tơ súc vật cũng ít dùng nên ít người biết. Hồi năm 1947, cụ huyện Phù lưu Hoàng Mộng Lệ tản cư về nhà tôi ở làng Hương Mặc, thường hay bàn truyện Kiều với tôi. Một hôm cụ nói “Tôi khảo cứu truyện Kiều đã 50 năm nay rồi, mà có một chữ tôi vẫn không hiểu đọc là gì cho đúng, đó là chấm thủy bên 3 chữ mao.” Rồi cụ giở cuốn Kiều nôm cũ chỉ cho tôi xem chữ [毳] ở câu này. Tôi bèn giở Khang Hi Tự Đìển ra tra thì thấy chữ đó đọc là suế. Tôi nghĩ một hồi rồi nói với cụ “Có lẽ là chữ sưới, do chữ suối đọc trạnh ra và nghĩa là chảy ra như suối.” Cụ bật cười nói “Tôi cũng nghĩ thế mới đúng!” Rồi cụ nói tiếp “Thế mà các nhà tái bản họ không biết, họ đổi bừa ra sối, ra chảy, ra rội, thật mất cả hay!” Cụ còn nói nhiều câu các bản Kiều bây giờ in sai với bản cổ, đại khái như câu “lờ thu thủy, nhợt xuân sơn” in lầm ra “làn thu thủy, nét xuân sơn.” Cụ có hẹn tôi cụ sẽ đọc cho tôi nguyên văn bản Kiều cũ nhất của cụ. Nhưng chưa kịp thì cụ lâm bạo bệnh rồi qua đời. Vậy đây xin ghi lại mấy lời làm kỷ niệm.

Chú giải và dẫn điển

[1] Chín hồi là chín khúc ruột, do chữ Hán [九 囬 腸 = cửu hồi trường] dịch ra. Cổ nhân cho rằng cái bụng chủ trương tư tưởng, mà trong bụng thì có chín khúc ruột xếp thành chín vòng.

[2] Trông chừng khói ngất song thưa – Câu này dịch ở câu chữ Hán [疎 窗 只見 烟 高 = sơ song chỉ kiến yên cao = trông ra ngoài cửa sổ có những chấn song thưa, chỉ thấy khói cao] ý nói trông chẳng thấy bóng Kim Trọng đâu, chỉ thấy khói bốc cao mù mịt.

[3] Hoa trôi trớt thắm – Xem lời đính chính câu 572 bên trên.

[4] Ngoại hương = làng bên họ ngoại.

[5] Sai nha = lính tráng do tòa án sai về.

[6] Người nách thước, kẻ tay dao – Những lính tráng quan sai về nhà dân trước kia thường võ trang bằng tay thước và mã tấu. Tay thước = thanh gỗ dài độ 1 m, rộng độ 4 cm và dày độ 2 cm, bào nhẵn sơn bóng, một đầu có dùi lỗ xâu dây để đeo lên vai được và cắp vào nách. Mã tấu = thứ dao to lính mang để làm nghi vệ và để đánh nhau.

[7] Đầu trâu mặt ngựa – Theo sách Khuyến Thiện, ở tòa Diêm Vương dưới âm phủ có những lính quỉ, đứa thì đầu trâu có hai sừng, đứa thì mặt ngựa mõm dài, đều rất hung hãn và tàn ác.

[8] Già [枷] = cái gông đeo vào cổ. Giang [杠] = cái cùm khóa vào tay. Hai chữ này ở đây dùng làm động từ, ý nói đóng gông đóng cùm vào Vương Ông và Vương Quan.

[9] Vô loại [無 類] = không nhân đức như loài người. Dây vô loại = cái dây tàn ác chỉ để trói người, tức là cái thừng của lũ sai nha vô nhân đạo. Hai thâm tình = hai bố con họ Vương.

[10] Tiếng ruồi xanh = Ý nói tiếng lũ tiểu nhân tham lam bẩn thỉu thét lác, hống hách, ồn ào như đàn ruồi nhặng.

[11,12] Đọt liễu chỉ Kiều và Vân. “Cội mai” chỉ Vương bà – Xem lời đính chính câu 582 bên trên.

[13] Tế [細] = nhỏ. Nhuyễn [軟] = mềm. Đồ tế nhuyễn là những đồ bé nhỏ quí báu như tiền, đồ trang sức, quần áo phụ nữ.

[14] Túi tham lấy ý từ chữ Hán [貪 囊 無 底 = tham nang vô để = túi tham không có đáy].

[15] Đơm giậm đặt giàm – Xem lời đính chính câu 586 bên trên.

[16] Xưng xuất [称 出] = kẻ tù tội khai tên ai ra là đồng phạm với nó. Thường lũ làm việc quan tham nhũng vẫn bắt kẻ tù tội khai tên vu cho ai để chúng làm tiền hay để trả thù người ấy.

[17] Thằng bán tơ – Triều nhà Minh nước Tàu rất ghét nước Nhật, muốn hãm nghề dệt tơ lụa của Nhật, nên cấm dân bán nguyên liệu cho Nhật ; ai phạm tội thì bị tử hình. Nhưng vì người Nhật mua tơ với giá rất cao, nên vẫn nhiều người Tàu bán tơ lậu cho Nhật. Một người buôn lậu tơ với Nhật bị nhà chức trách theo dõi, có vào dự bữa tiệc thọ, ngồi ăn với bố con ông Vương. Khi bắt nó và thấy nhà Vương ông cũng khá giả, bọn tham quan ô lại bèn bắt nó khai ra là buôn tơ chung với bố con họ Vương để chúng lấy cớ bắt oan mà tống tiền họ.

[18] Tiếng oan dậy đất = tiếng kêu oan rung động cả đất.

[19] Án ngờ lòa mây ý nói làm tội người ta một cách oan ức, không coi pháp luật và trời đất ra gì. Sách cổ có chữ chê bọn gian tà [一 手 遮 天 = nhất thủ già thiên = một bàn tay của kẻ gian tà che kín được cả trời] làm cho người bị vu oan như vướng mây không thể kêu lên trời được.

[20] Hạ từ = những lời chịu hạ mình xuống bực thấp hèn để kêu oan.

[21] Lân tuất [憐 恤] = thương xót người khổ. Tai lân tuất = tai nghe người khổ kêu thì biết thương xót. Nhưng lũ sai nha này nghe người khổ kêu oan chúng chẳng thương chút nào, như thể chúng bị điếc không nghe thấy gì cả.

[22] Phũ tay tồi tàn = cái tay đánh người ta thì thật phũ phàng tàn bạo.

[23] Rường cao = xà ngang cao nhất ở giữa gian nhà.

[24] Một ngày ý nói xưa nay cái lũ sai nha nó vẫn tàn ác như thế, chứ đâu phải mới có một ngày như thế là lần đầu mà lạ.

[25] Khốc hại [酷 害] = độc ác tàn khốc.

[26] Ngộ biến [遇 變] = gặp lúc tai biến xảy ra bất ngờ. Tòng quyền [從 權] = nghĩa đen là theo cán cân ; nghĩa rộng (ra việc đời) là khi gặp việc gì bất ngờ xảy ra, ta phải suy nghĩ kỹ, như dùng cái cân mà nhắc lên xem đằng nào nặng hơn thì theo. Ở đây Kiều nhắc cân lên xem, thì thấy bên hiếu nặng hơn, nên nàng phải bỏ bên tình.

[27] Cù lao [劬 劳] = khó nhọc. Đức cù lao = công đức cha mẹ nuôi con khó nhọc. Trong Kinh Thi có câu [哀 哀 父 母 生 我 劬 劳 = ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao = thương thay cha mẹ nuôi sống ta khó nhọc].

[28] Thệ hải minh sơn [誓 海 盟 山] Thệ = lấy lời nói mà thề. Minh = giót chén rượu cúng khấn, rồi thề và cùng uống với nhau. Trong Tình Sử có câu [海 誓山盟 = hải thệ sơn minh = chỉ biển mà ngỏ lời thề, chỉ núi mà uống lời thề] hàm ý “bao giờ biển cạn hết nước, núi mòn hết đá thì lời thề mới tan. ”

[29] Sinh [生] = đẻ ra và nuôi cho sống. Thành [成] = chăm non dạy bảo cho con thành người khá.

[30] Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha = lời Kiều từ tạ Kim Trọng, và nghĩa là “xin chàng hãy nén lòng, đừng giận trách thiếp, mà cho thiếp được bán mình để chuộc đời của cha.”

[31] Lại già dịch từ chữ Hán lão lại [老 吏] = người già làm việc giấy tờ đã lâu ở văn phòng các quan tòa.

[32, 33] Nha dịch [衙 役] = những người làm việc ở văn phòng các quan hành chính, tòa án ; họ thường hay điên đảo pháp luật để bắt nạt dân lấy tiền của. Từ tâm [慈 心] = có lòng nhân từ thương người. Tác giả dùng câu này để mỉa mai bọn nha dịch bất lương.

[34] Lạng [兩] = một đơn vị của phép cân ta (cũng gọi là “lượng”) nặng chừng 37 grams. Xưa kia ta chỉ đúc tiền bằng đồng, bằng kẽm để tiêu, còn vàng hay bạc thì để vụn, mỗi khi tiêu phải dùng một cái cân nhỏ mà cân. Trong sách Tàu người ta thường hay nói nghìn vàng, túc là nghìn lạng bạc, không phải nghìn lạng vàng. Câu nói ngoài bốn trăm tức là hơn bốn trăm lạng bạc.

[35] Tạm phó giam ngoài = ông họ Chung bảo đảm đem Vương ông và Vương Quan về giữ tạm ở nhà ông để đợi xét xử, tránh không phải bị gông cùm ở trong nhà giam nữa.

[36] Qui liệu [規 料] = lo chạy đúng hạn cho đủ số tiền đem nộp.

[37] Thương lòng con trẻ thơ ngây – Chữ thương lòng câu 615 này ứng với chữ xót vay ở câu 610, nghĩa là Chung công thấy Kiều còn thơ ngây mà gặp vạ gió tai bay, nên lòng ông thương xót cho nàng. Bản ông Trần Trọng Kim cho là lòng Kiều tự thương, và bản kinh cho là tác giả thương cho cảnh Kiều, đều là lầm cả và làm mất ý nghĩa mạch văn.

[38] Vạ gió tai bay lấy ý từ câu chữ Hán [横 禍 飛 災 = hoành họa phi tai = tai vạ bỗng dưng xảy ra như gió đưa đến].

[39] Tử biệt [死 別] = chia rẽ nhau bởi kẻ chết, người sống. Sinh ly [生 離] = lìa rẽ nhau bởi người ở nhà, kẻ phải bỏ nhà ra đi lúc còn sống.

[40] Nghĩa bóng của hạt mưa đây là thân phận con gái. Phong giao ta có câu nói về con gái “thân em như hạt mưa rào / hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa” – hàm ý cô nào số tốt thì như hạt mưa rơi vào vườn hoa, vừa sạch sẽ vừa thơm tho ; cô nào xấu số thì như hạt rơi xuống giếng, tối tăm chìm đắm chẳng ai ngó tới nữa.

[41] Đem tấc cỏ đền ba xuân – Trong một bài thơ của thi sĩ Mạnh Giao đời Đường có câu [誰 言 寸 草 心 报 搭 三 春 暉 = thùy ngôn thốn thảo tâm báo đáp tam xuân huy = ai bảo tấc ruột cỏ báo đáp lại được khí sáng tốt đẹp ba tháng mùa xuân]. Trước kia ta vẫn dùng bấc ở ruột cỏ, để làm mồi đốt đèn dầu hột. “Có khí sáng đẹp ba tháng xuân thì cỏ mới lên được” hàm ý “có công ơn cha mẹ sinh dưỡng thì con mới thành người được. ” Vậy con phải hết lòng báo đáp công ơn cha mẹ, cũng như cây cỏ nọ đem ruột bấc ra đốt đèn soi sáng để báo đáp lại khí sáng mùa xuân.

[42] Sự lòng do chữ Hán tâm sự [心 事] dịch ra, có nghĩa là việc mình định làm ở trong lòng.

[43] Băng nhân [冰 人] = người đứng ở trên làn nước đá = người đứng ra làm mối. Xưa có người nằm mơ thấy mình nói chuyện với một người đứng ở trên băng. Tò mò, ông ta nhờ người đoán hộ xem đó là điềm gì, thì thầy đoán mộng cho biết là điềm sắp có người làm mối vợ cho, vì người đứng ở trên mặt băng là dương, bóng người đó ở dưới mặt băng là âm, tức là nối âm dương liền với nhau. Sau quả nhiên ông ta được người làm mối vợ cho thật.

[44] Tin sương dịch từ chữ Hán sương tín [霜 信] = tin trời báo trước là sắp có sương mù đến, như nếu thấy chim le, chim sếu ở phương bắc bay về thì liệu sắp sửa mọi sự phòng rét. Trong văn cảnh này thì tin sương = tin Kiều định bán mình đồn vang đây đó.

[45] Viễn khách [遠 客] = người khách lạ ở phương xa đến.

[46] Việc cưới xin của người Tàu thời xưa có 6 lễ :

1. Nạp thái [納 采] = ngỏ lời kén chọn (ta gọi là lễ giạm).

2. Nạp cát [納 吉] = nhận lời cho biết là tốt đôi.

3. Vấn danh [問 名] = hỏi tên tuổi dâu rể (để hai bên làm lễ cáo tổ tiên).

4. Nạp trưng [納 徵] = dẫn đồ cưới (ta gọi là dẫn cưới).

5. Thỉnh kỳ [請 期] = xin nhà gái định ngày cưới (ta gọi là xin cưới).

6. Thân nghinh [親 迎] = nhà trai đón dâu về – Vu quy [于 歸] = nhà gái đưa con về nhà chồng.

Đây nói ngay đến vấn danh để tỏ ý mua bán, thật đáng thương cho Kiều !

[47] Lâm thanh là một huyện ở gần Bắc Kinh, còn quê thật của Mã Giám Sinh thì ở huyện Lâm tri rất xa. Tên chữ Hán của hai huyện này khi viết chỉ khác nhau có một nửa ở chữ thứ hai thôi : [臨 清] = Lâm thanh so với [臨 淄] = Lâm tri. Mã Giám Sinh nói dối có hai mục đích lừa nhà gái – vừa để nhà gái tưởng gần dễ bằng lòng, vừa để sau này khó tìm và khỏi sinh kiện cáo. Vì vậy sau này Kim Trọng tìm cả mười mấy năm trời mà không thấy Kiều ở đâu.

[48] Quá niên = đã quá tuổi thanh niên nhưng chưa già.

[49] Sỗ sàng = trơ tráo, thô bỉ, vô lễ.

[50] Lệ hoa = nước mắt đầm đìa trên mặt Kiều (tựa như những giọt mưa đọng ở đóa hoa ủ rũ).

[51] Dợn gió e sương – Xem lời xác định câu 635 bên trên.

[52] Ngừng hoa bóng thẹn = vừa ngại ngùng dở đi dở đứng, vừa nhìn xuống dãy hoa thấy bóng mình ở trên hoa mà thẹn với hoa.

[53] Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai – Câu này tả vẻ buồn của cô gái thanh tao lịch sự tuyệt hạng mà gặp cảnh ê chề nhục nhã quá sức. Tuy buồn rầu khổ đau mà cô vẫn nguyên vẻ thanh cao, theo ý câu chữ Hán [容 淡 如 菊 骼 瘦 如 梅 = dung đạm như cúc cách sấu như mai = vẻ mặt buồn nhạt như hoa cúc, hình dạng khô gầy như cành mai].

[54] Dặt dìu mô tả lời nói đắn đo, lựa ý và tùy cơ nữa mà mặc cả.

[55] Lam Kiều = nơi có núi Lam Điền trồng ngọc và có nhiều tiên nữ cư ngụ.

[56] Sính nghi [聘 儀] = đồ dẫn cưới. Đây tức là Mã Giám Sinh hỏi lấy bao nhiêu tiền, nhưng nói là sính nghi cho lịch sự, cho hợp với lễ cưới.

[57] Nghẹt nhà – Xem lời xác định câu 646 bên trên.

[58] Ngã giá = cuộc mặc cả đã thành giá, đôi bên cùng thỏa thuận.

[59] Êm giầm – Câu tục ngữ “buông tay giầm, cầm tay lái” nghĩa là khi lái đò mặc cả với khách hàng đã thành giá rồi, thì bỏ tay giữ cái giầm hãm thuyền ra, cầm lấy mái chèo để cho thuyền đi.

[60] Canh thiếp [庚 帖] = tấm thiếp biên niên canh [年 庚] (tuổi năm sinh) và tên của cô dâu và chú rể.

[61] Nạp thái, vu quy – Xem lời chú thích [46] về “vấn danh” bên trên.

[62] Tiền lưng = tiền sẵn có trong tay để lo mọi việc.

[63] Khất từ tạm lĩnh = làm đơn xin mang tạm Vương ông về nhà.

[64] Trao tơ – Theo sách Thiên Bảo Dị Sử, Trương Gia Trinh đời nhà Đường có 5 cô con gái, muốn gả một cô cho Quách Nguyên Trấn là một thanh niên có tài hơn người. Ông đưa cho mỗi cô cầm đầu một sợi chỉ to dài màu khác nhau, ngồi ở nhà trong. Rồi ông dòng các sợi tơ đó ra nhà ngoài, bảo Nguyên Trấn chọn lấy một sợi, đúng sợi cô nào thì lấy cô ấy. Nguyên Trấn rút lấy sợi màu đỏ, lấy được cô thứ ba là cô đẹp nhất. Đó là tích trao tơ.

[65] Sau đây là tích gieo cầu : Theo sách Tam Hợp Bảo Kiếm, Hán Vũ Đế kén phò mã bằng cách cho công chúa ngồi trên lầu, ném quả cầu bằng gấm thêu xuống lũ con trai vua đã kén đi lại ở dưới, quả cầu trúng người nào thì người ấy được làm chồng cô.

[66] Vu thác = đặt ra tội mà vu cho người ta phải chịu.

[67] Một lần = một lần chết – ý nói trước sau thế nào cũng có một lần chết.

[68] Nàng Oanh – Theo truyện Liệt Nữ của Lưu Hướng đời Vua Hán Văn Đế, Thuần Vu Ý bị án tử hình. Con gái Vu Ý là Đề Oanh [緹 縈] dâng thư lên vua xin nộp mình vào làm quan tỳ (kẻ sai vặt) suốt đời trong một công sở, để chuộc tội cho cha. Vua xem thư rất thương tình, liền tha án tử hình cho cha nàng.

[69] Ả Lý – Theo sách Tùng Thư đời Đường, nàng Lý Ký nhà nghèo tình nguyện bán mình làm lễ cúng thần rắn để lấy tiền nuôi cha mẹ. Sau nàng giết được rắn thần và lấy được vua Việt Vương.

[70] Cội xuân = biểu tượng của người cha già làm cội gốc cho gia đình. Theo Trang Tử, cây xuân sống rất lâu (có thể đến 8 ngàn năm) cho nên trong văn chương, người cha được con cái gọi là xuân đường [椿 堂] (nhà xuân) để tỏ ý mong cha sống lâu mãi mãi. Tuổi hạc – Người xưa nói con chim hạc và con rùa đều sống hàng nghìn năm, cho nên trong văn chương tuổi già được gọi là hạc toán [鶴 算] (tuổi hạc) hay quy linh [龟 龄] (tuổi rùa).

[71] Lòng tơ = lòng vướng vít vì tình. Câu này Kiều nói nếu cha không dứt tình thương con đối với nàng.

[72] Chẳng đỗ = chẳng nuôi được, chết ngay từ lúc mới đẻ.

[73] Tờ hoa = tờ văn tự bán Kiều, viết bằng giấy hoa tiên (một thứ giấy viết thư có in hình cành hoa đỏ).

[74] Trăng già = do điển tích [月 下 老 人 = nguyệt hạ lão nhân = ông già ngồi dưới trăng (se chỉ kết duyên vợ chồng)].

[75] Đổi trắng thay đen = câu tục ngữ để nói về lũ tham quan ô lại bỗng dưng buộc tội oan cho người dân để dọa nạt làm tiền (đổi trắng ra đen) ; khi đã được tiền đút lót rồi thì lại xóa tội đi (đổi đen ra trắng).

[76] Lễ tâm = của đút lót thầm kín làm lũ quan tham được vừa lòng.

[77] Tụng kỳ [訟 期] = thời gian hầu kiện ở tòa án.

Diễn ra văn xuôi

Câu 569, 570 = Chàng Kim đi rồi, Kiều vẫn còn đứng ở trước mái hè phía tây nhà, bối rối như trăm mối tơ vướng vít trong lòng.

Câu 571, 572 = Nàng đưa mắt nhìn qua hàng trấn song thưa cửa sổ, chỉ thấy một vùng khói bốc lên cao trên phía chàng đi. Mặt mày nàng ủ rũ tê tái, mất hết vẻ hồng hào tươi đẹp như hoa, như liễu.

Câu 573, 574 = Nàng đương ngơ ngẩn dạo bước lên lầu trang thì đoàn mừng thọ ở bên ngoại về đến nhà.

Câu 575, 576 = Nàng chưa kịp chào mừng hỏi han hết lời thì bỗng thấy một bọn sai nha kéo vào, thét lác om sòm tứ phía.

Câu 577, 578 = Người thì tay thước cắp nách, kẻ thì mã tấu cầm tay, trông như lũ quỹ sứ đầu trâu mặt ngựa, quát thét hung hăng, dữ tợn nóng nảy, ào ào như nước sôi một lượt.

Câu 579, 580 = Chúng gông cổ cùm tay Vương ông và Vương Quan, rồi lấy một chiếc thừng ra tay độc ác vô nhân đạo, trói hai bố con vào với nhau.

Câu 581, 582 = Chúng hung hăng như đám ruồi xanh quát thét vang nhà làm bạt vía hai cô gái trẻ đẹp như hai đọt liễu xanh non, và một bà già khô gầy như gốc mai già.

Câu 583, 584 = Bao nhiêu những đồ quý giá vặt vãnh dễ mang, và những vải vóc áo quần mềm đẹp dễ cuốn gói với những tiền bạc của cải riêng tây, chúng đều vơ vét hết sạch cho hả lòng tham như túi không đáy.

Câu 585, 586 = Rõ thật là một điều lạ lùng, ai đã đưa vạ gió tai bay ở đâu đến buộc vào nhau như vậy ? Ấy ai đã bỗng dưng đơm đặt ra tội nọ tội kia như đơm giậm để bắt cá, đặt giậm để bắt chim như vậy ?

Câu 587, 588 = Sau hỏi ra mới biết rằng bị thằng bán tơ nó tiêu xưng cho hai bố con Vương ông đã đồng mưu buôn lậu tơ với nó để bán cho kẻ thù (tức là người Nhật thời ấy).

Câu 589, 590 = Cả nhà nghe nói bị vu oan cho tội to như vậy đều ngẩn ngơ rất hoảng sợ ; tiếng kêu oan đã làm rung động cả đất, và cái tội án vu vơ này đã tối tăm như mây phủ kín trời chẳng biết kêu cầu lên ai được.

Câu 591, 592 = Cả nhà bây giờ đành phải chịu hèn, van vỉ chúng suốt ngày. Nhưng ôi ! Tai lũ này như điếc, chẳng nghe thấy những lời van vỉ thảm thê đáng thương xót ấy, mà cái tay đánh đập tàn ác của chúng lại càng phũ phàng thêm.

Câu 593, 594 = Chúng lấy một dây thừng oan độc, một đầu trói buộc hai chân người ta, rồi vắt đầu thừng kia lên trên cái rường cao giữa nhà mà kéo ngược hai cha con họ Vương lên lủng lẳng dưới mái nhà, làm cho dẫu là sắt đá cũng phải rùng rợn, huống chi là người ruột thịt.

Câu 595, 596 – Trông thấy mặt người bị treo đau đớn, ai cũng phải sợ hãi rụng rời. Ôi cái cuộc oan uổng này thật hết kêu cứu với ai, chỉ còn cách kêu trời, thì trời lại cao xa quá, kêu sao cho thấu được đến tai trời.

Câu 597, 598 = Nguyên cái lề thói lũ sai nha xưa nay nó vẫn vậy, chứ đâu phải mới có ngày hôm qua là một, mà ta cho là lạ lùng. Chúng đánh trói tàn khốc như thế, chẳng qua là chỉ cốt để lấy tiền thôi.

Câu 599, 600 = Muốn cứu cho tính mạng của cha và em được an toàn thì phải có nhiều tiền bạc cho bọn này. Nhưng nhà mình vốn đã chẳng giàu, lại bị chúng nó vơ vét hết cả của cải rồi, thì lấy đâu ra tiền bạc ? Chỉ còn mỗi một cách là ta phải liều thân bán mình đi thôi. Nhưng khốn nỗi, còn vướng lời thề nặng với chàng Kim thì sao ? Nhưng đành thôi vậy, gặp biến thì ta phải tòng quyền chứ biết tính sao bây giờ !

Câu 601, 602 = Kiều suy tính : Một bên là duyên gặp gỡ thề ước với chàng, một bên là công đức sinh thành của cha – ta phải cân nhắc xem bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn.

Câu 603, 604 = Nàng thấy bên hiếu nặng hơn, nên nàng mới dẹp những lời chỉ biển chỉ núi mà thề với chàng để lại một nơi bên lòng, mà nghĩ đến đạo làm con là trước hết phải đền ơn sinh thành của cha mẹ.

Câu 605, 606 = Nghĩ vậy, nàng mới quyết tình hạ bên tình xuống. Rồi lòng nàng đau khổ như nghẹn ngào nức nở, mà như ngỏ lời van lơn từ biệt chàng Kim rằng “Xin chàng hãy khoan khoan, hãy dẽ dàng nén lòng nhớ tiếc thiếp đi, nén lòng giận trách thiếp đi, mà cho phép thiếp bán mình để chuộc tính mạng cha thiếp !”

Câu 607, 608 = Bấy giờ có một lại già họ Chung, tuy cũng ở trong bọn nha dịch, nhưng lại có lòng nhân đức.

Câu 609, 610 = Ông thấy nàng có tình thương bố sâu xa quá, nên tuy chẳng họ hàng gì, ông cũng thương thầm xót vay cho nàng.

Câu 611, 612 = Rồi ông tính việc lo chạy giúp nàng, và bảo nàng là ông đã tính đút lót mọi nơi, tất cả phải hết chừng 300 lạng bạc thì việc này mới xong xuôi được.

Câu 613, 614 = Rồi ông bảo lĩnh được tạm đem Vương ông và Vương Quan về giữ ở nhà ông để chờ ngày xét xử, thay vì bị cùm giam trong ngục tù. Ông bảo Kiều phải liệu thu xếp lo chạy cho đủ số tiền trong vài ba ngày rồi đưa cho ông.

Câu 615, 616 = Sỡ dĩ ông tận tâm giúp đỡ Kiều như vậy là vì lòng ông thương hại cho Kiều tuổi còn trẻ thơ mà gặp cơn vạ gió tai bay to tát bất kỳ như vậy.

Câu 617, 618 = Còn về phần nàng, thì thật đau lòng quá đỗi, sắp sửa phải xa lìa bố mẹ, thà chết đi mà lìa nhau còn hơn. Thân mình còn lìa bỏ chẳng tiếc, thì còn tiếc gì đến duyên với tình nữa.

Câu 619, 620 = Nhưng nàng biết thân phận con gái vốn hèn mọn như hạt mưa rào nói trong ca dao, dẫu sa xuống giếng cũng đành chịu, nên nàng đành không hơi đâu nghĩ đến thân nữa. Thế là nàng quyết liều thân báo ơn cha mẹ, như cây cỏ bấc kia nó đã đem ruột nó ra làm tim đốt đèn soi sáng để báo đáp lại ánh sáng ba tháng xuân đã nuôi lớn nó.

Câu 621, 622 = Nàng kể cho người làm mối biết nỗi lòng của nàng, và nhờ người ta làm mối cho. Tin nàng bán mình đồn đi chóng lắm, làm xôn xao cả một vùng.

Câu 623, 624 = Có một mụ ở gần đó đưa một người khách ở xa đến, vào nhà nàng xin làm lễ vấn danh.

Câu 625, 626 = Hỏi tên khách thì hắn nói là Mã Giám Sinh (tức là họ Mã, đỗ Giám sinh). Hỏi quê quán ở đâu thì hắn nói là ở huyện Lâm Thanh gần đây thôi. (Tên thật hắn là Mã Bất Tiến và quê thật là ở huyện Lâm Tri rất xa, nhưng hắn khai man, mập mờ để lừa nhà họ Vương. Xem lời chú thích [47] về huyện Lâm Thanh bên trên).

Câu 627, 628 = Trông mặt thì thấy tuổi hắn độ ngoài bốn mươi, đã quá tuổi thanh xuân rồi, nhưng mày râu sửa cạo rất nhẵn nhụi và áo quần sắm sửa rất bảnh bao. (Hai câu tả mặt mày quần áo này cho ta biết hắn là người không đứng đắn rồi).

Câu 629, 630 = Khi Mã đến, lũ đầy tớ theo hầu xôn xao ồ ạt một lượt. Mụ mối vào giới thiệu trước rồi đưa khách vào lầu trang. (Chữ xôn xao tả đúng là lũ hầu tớ thuê mướn tạm thời để làm ra vẻ quan sang, nhưng chẳng có lễ phép trật tự gì cả).

Câu 631, 632 = Vào nhà rồi, Giám Sinh chẳng đợi ai mời đã ngồi tót ngay lên ghế cao nhất, chẳng có lễ độ chút nào. Còn mụ mối thì vào buồng giục nàng ra ngay cho khách xem mặt.

Câu 633, 634 = Về phần nàng lúc đó thật khốn cực đủ đường, đã thương tấm thân thanh cao của mình như thế, mà bị người ta coi như vật giữa chợ, lại thêm nỗi cần kíp cho nhà mình là một gia đình lịch sự lễ phép như thế mà nay phải đón một kẻ thô bỉ sỗ sàng này vào nhà cho nó dám khinh rẻ gia đình mình như vậy. Nhưng nàng vẫn phải lê từng bước đi ra, mỗi một bước trên thềm hoa là mấy hàng lệ tràn trụa trên mặt hoa nàng.

Câu 635, 636 = Nàng đi thật ngại ngùng từng bước và cảm thấy hổ thẹn ê chề quá thành ra lạnh lùng cả người như mình ốm nặng rùng rợn trước gió, ngại ngoài sương, nhìn xuống dãy hoa thì thấy bóng mình thẹn với hoa, trông vào gương thì thấy mặt mình rõ thật dạn dầy nhơ nhuốc.

Câu 637, 638 = Nàng đã khổ tâm thẹn mặt như thế, lại thêm nỗi mụ mối coi nàng như con vật đem bán, lúc thì vén tóc nàng lên để khoe với khách là mặt nàng đẹp, lúc lại cầm tay nàng lên vuốt ve khoe với khách là tay nàng đẹp. Nét mặt nàng bấy giờ thật buồn thẹn quá, nhưng vẫn có vẻ thanh tao như hoa cúc, người nàng bấy giờ hóp gầy quá, nhưng vẫn có vẻ đẹp đẽ như cành mai.

Câu 639, 640 = Rồi họ còn đắn đo cân nhắc mãi bên sắc bên tài, sắc tuy đẹp đó, nhưng tài thì có tài gì không ? Nên khi thì họ bắt gảy đàn cho nghe, khi thì bắt nàng đề thơ vịnh vào chiếc quạt để xem văn hay chữ tốt thế nào.

Câu 641, 642 = Khi khách thấy bên tài bên sắc, mọi điều mọi vẻ đều đẹp đẽ mặn mà đáng ưa đáng quý cả, khách bằng lòng rồi, mới đưa lời dò ý, để tùy cơ mà nói đến chuyện giá cả mua bán, khi tiến khi lui cho khỏi hớ.

Câu 643, 644 = Khách nói “Tôi đến đây, như đến đất Lam Kiều để mua ngọc, vậy lễ dẫn cưới xin cho biết rõ là định lấy bao nhiêu ?”

Câu 645, 646 = Mụ mối thay mặt nhà gái nói “Kể ra thì giá thật đáng nghìn vàng, nhưng không may gặp lúc nhà đang túng thiếu, vậy xin người rộng lượng cho bao nhiêu thì cho, chứ đâu dám nài.”

Câu 647, 648 = Rồi hai bên cò kè mãi với nhau, mụ mối thì xin thêm hai, chàng Mã thì xin bớt một, mặc cả một hồi lâu mới thỏa thuận ngã giá là bốn trăm lạng bạc.

Câu 649, 650 = Khi hai bên đã nhận lời êm thỏa mọi bề rồi, họ mới tạm trao cánh thiếp cho nhau cầm làm bằng chứng, và coi như lễ vấn danh đã xong.

Câu 651, 652 – Và liền định ngày làm lễ “nạp thái” và ngày làm lễ “vu quy.” (Chữ nạp thái đây đáng lẽ phải nói là nạp trưng hay nạp tề là lễ dẫn cưới thì mới đúng, nhưng có lẽ đây dùng lễ nạp thái là lễ đầu tiên, và lễ vu quy là lễ cuối cùng cho tỏ vẻ đủ đầu đuôi 6 lễ). Ôi trò đời thế mãi, hễ trong tay sẵn có nhiều tiền thì việc gì cũng làm được xong xuôi cả ; cưới một cô gái tài sắc thanh cao như thế, mà sao dễ dàng mau chóng đến như vậy !

Câu 653, 654 = Chắc là có đủ tiền rồi, Kiều mới nói với Chung công xin làm đơn xin tạm lĩnh Vương ông về nhà để ký văn tự bán nàng.

Câu 655, 656 = Khi Vương ông về nhà biết vậy, ông rất đau lòng. Con thì trẻ, cha thì già mà gặp cảnh thảm thê sắp lìa bỏ nhau ; ông nhìn con như muốn hộc máu ra, ruột đau như cắt.

Câu 657, 658 = Ông than khóc rằng “Cha nuôi con những mong ước rồi đây sẽ kén cho con được người chồng xứng đôi vừa lứa, để con được làm dâu một nơi đáng cha đáng mẹ. ”

Câu 659, 660 – “Nay sao trời nỡ làm cho ta phải khổ cực thế này hỡi trời ! Ấy ai đã vu oan giá họa cho người ta, khiến cha con đang sum họp vui vầy mà bỗng phải chia lìa nhau một cách đau khổ như thế này ?

Câu 661, 662 = “Thôi ! Cái thân già này dù phải búa rìu chém giết thế nào nữa, ta cũng đành chịu vậy, không ngần ngại chút nào. Chứ nhất định ta không chịu để cho đứa con trẻ thơ của ta phải đầy đọa vì ta, mà làm cho ta phải oán khổ bội phần.

Câu 663, 664 = “Trước hay sau, thế nào ta cũng một lần chết, thà chết trước đi cho khuất mắt, còn hơn là sống mà lòng phải đau đớn mãi.

Câu 665, 666 = Nói dứt lời, nước mắt ông trào ra như suối, và ông toan liều mình gieo đầu vào bức tường vôi mà tự tử.

Câu 667, 668 = Vội vàng người thì giữ ông lại, người thì canh chừng ông không tự tử, và Kiều thì chạy lại nằn nì ngỏ lời to nhỏ mà khuyên can ông.

Câu 669, 670 = “Con là phận gái chẳng đáng quý gì, lại chưa báo đáp lại mảy may chút nào công đức sinh thành của cha mẹ. ”

Câu 671, 672 = “Nay cha mắc tội nạn này, con đã thẹn với nàng Đề Oanh, không dâng thư lên được đến vua để cứu cha như nàng. Vậy xin cha cho con bán mình để cứu cha cho khỏi thua nàng Lý Ký đã bán mình để nuôi cha mẹ. ”

Câu 673, 674 = “Con nghĩ rằng nay cha tuổi đã cao, càng ngày càng già yếu, mà còn phải gánh vác nhiều việc trong gia đình cho mẹ con và hai em con được nhờ. ”

Câu 675, 676 = “Nay nếu cha không đành lòng dứt đứt cái mối tình thương con đi và không cho con bán mình để cứu cha, thì tai vạ sẽ như mưa bão nổ lên làm tan tành cả gia đình. Cha và Quan tránh sao khỏi tử hình, còn ba mẹ con đàn bà con gái sống làm sao được trong cảnh lòng đau của hết ? ”

Câu 677, 678 = “Vậy sao bằng liều bỏ một thân con đi, chỉ có một con phải đầy đọa buồn sầu ở nơi xa lạ, còn cả nhà vẫn được sum họp trong gia đình, và sẽ gây lại được cuộc sống vui tươi. ”

Câu 679, 680 = “Thôi thì số phận bắt thế, ta đành phải chịu vậy, và con xin cha mẹ cứ coi như không nuôi được con ngay từ lúc mới đẻ ra được ít lâu, thế là xong, đừng tiếc con nữa.

Câu 681, 682 = “Vậy con xin cha thôi đi, đừng tính quẩn lo quanh nữa, đừng tự tử, cũng đừng tiếc con nữa, mà trước là tan nát gia đình, sau là thiệt thân cho cha.

Câu 683, 684 = Vương ông thấy lời nàng nói hợp lý, nên cũng thuận tai, đành lòng nghe vậy, rồi hai cha con than khóc nức nở, nước mắt tràn trụa.

Câu 685, 686 = Ngay lúc đang đau đớn than khóc với nhau như thế ở nhà trong, thì họ Mã vừa đến nhà ngoài. Hắn đợi Vương ông ký nhận đúng thể lệ vào văn tự bán con viết trên giấy hoa tiên rồi thì hắn mới cân đủ số bạc cho Vương ông và thu giữ lấy văn tự. Thế là xong việc mua bán, chỉ còn ngày hôm sau đón Kiều đi nữa là hết việc cưới xin.

Câu 687, 688 = Nghĩ thật đáng trách cái ông già ngồi dưới trăng kia, sao mà độc địa thế ! Ông cầm mớ tơ hồng, sao không lựa chọn mà se cho người ta vợ chồng đáng đôi đáng lứa, mà lại se bừa bãi như vậy ?

Câu 689, 690 = Mà cũng đáng ngán cho lũ chính quyền tham ô kia nữa; hễ được tiền đút lót thì đổi trắng thay đen như chơi, chẳng coi pháp luật và nhân đạo ra gì !

Câu 691, 692 = Họ Vương đã có tiền rồi, lại nhờ được ông họ Chung giúp đỡ, đưa lễ đút lót vừa lòng mọi nơi đâu đấy rồi, thế là xong việc, trắng án, chẳng ai khiếu nại gì nữa.

Những câu hay chữ có ý móc nối hoặc châm biếm

Hai câu 569, 570 tả lòng Kiều nhớ Kim Trọng – chàng thì đi rồi, Kiều thì đứng vẩn vơ mãi ở hiên tây, lòng vướng vít biết bao nhiêu nỗi nhớ nỗi lo, nào là nhớ những cuộc họp vui vẻ, khi đề thơ tranh tùng, khi chung thề dưới trăng, khi chén hà chuốc rượu, khi đàn nguyệt so dây. Những cuộc vui đó đã để nàng nhớ tiếc, lại thêm những điều không hay khiến nàng lo nghĩ – nào là hai mặt gặp nhau hẳn hoi mà chàng lại tưởng là mơ ngủ, nào là tiếng đàn chàng chê là ngậm đắng nuốt cay, nào là chưa vui sum họp đã sầu chia phôi.

Hai câu 571, 572 tả vẻ mặt Kiều ngắm trời vẩn vơ, lo buồn thất sắc. Câu “Hoa trôi trớt thắm, liễu xơ xác vàng” tác giả đã khéo lựa đặt vừa để tả lòng nàng buồn nhớ lo nghĩ ở đoạn trước, vừa để báo trước cái điềm sầu thảm không may cho nàng ở đoạn này.

Câu 606 “Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha” có ý móc nối với những câu sau đây mãi về sau : [2813 Cùng nhau thề thốt đã nhiều / 2814 Những điều vàng đá phải điều nói không / 2815 Chưa chăn gối cũng vợ chồng / 2816 Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang / 2817 Bao nhiêu của mấy ngày đàng / 2818 Còn tôi, tôi gặp mặt nàng mới thôi].

Kiều biết Kim Trọng sẽ khổ tâm về nàng và sẽ trách nàng phụ ước, nên trước khi định tâm bán mình, nàng tha thiết gởi lòng xin lỗi mà xin phép chàng cho mình lỗi thề. Và quả nhiên, khi chàng trở lại thì vì quá tiếc nàng nên đã trách nàng là tệ bạc thật. Hai chữ “dẽ cho” nghĩa thật thâm thúy.

Những câu tả mức tham nhũng tàn bạo của lũ sai nha, tác giả kể rất thứ tự liên hệ với nhau. Trước hết là trói hai cha con Vương ông làm một [Già giang một lão một trai / một dây vô loại buộc hai thâm tình]. Rồi vừa thét lác ra oai, vừa vơ vét của nổi [Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh … Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham]. Khi cướp vét hết của nổi rồi, mới ra tay đánh đập tra tấn để làm lòi của chìm ra [Điếc tai lân tuất, phũ tay tồi tàn / rường cao rút ngược dây oan]. Những hành động bất nhân ấy quả thực đã làm cho gia đình họ Vương bị [… khốc hại chẳng qua vì tiền].

Trong cuộc mua bán người này, mụ mối và bợm Mã vô nhân cách cũng làm cho Kiều khổ cực chẳng kém gì bọn sai nha vô nhân đạo. Một mụ chẳng quen biết bao giờ và một tên bợm xa lạ, màu râu nhẵn nhụi, đưa nhau vào thẳng lầu trang [Gần miền có một mụ nào / đưa người viễn khách tìm vào vấn danh]. Tên bợm thì hỗn sược chẳng coi ai ra gì [Ghế trên ngồi tót sỗ sàng]. Mụ mối thì vào ngay buồng giục Kiều ra, coi nàng như con vật mụ đem ra bán [Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra]. Rồi mụ vén tóc nàng lên để khoe cho khách nhìn rõ vẻ đẹp mặt nàng, bắt tay nàng giơ lên vuốt ve để khoe cho khách nhìn rõ vẻ xinh vẻ đẹp của bàn tay, của ngón tay nàng. Cảnh nàng bấy giờ có khác gì là con vật giữa hai kẻ bán người mua ? Ngắm sắc được rồi, bợm còn thử tài Kiều [Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ]. Nàng đều phải nén lòng tủi nhục, mà cũng cố gảy đàn, cố đề thơ. Trong lúc này nàng nghĩ đến cảnh đề thơ tranh tùng với biết bao nhiêu hứng thú, và cảnh chàng Kim hai tay nâng cây đàn trao cho nàng một cách trịnh trọng. Ta tưởng tượng lúc này nỗi nàng nhớ tiếc những cảnh ấy thì kể sao cho hết.

Trong cuộc hai bên thương lượng giá bán của Kiều, tác giả thật khéo dùng những tiếng trong nghề mua bán như “thừa cơ dật dìu,” “cò kè thêm bớt,” “giờ lâu ngã giá,” và “thuyền đã êm giầm.”

Tác giả còn khéo đặt đúng những lời “lịch sự” giả dối trong giới buôn bán, như lời Mã hỏi giá bán Kiều lấy bao nhiêu [Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường] và lời mụ mối đặt giá khéo nói lửng lơ […giá đáng nghìn vàng / nghẹt nhà nhờ lượng người thương dám nài]. Mụ còn dùng chữ “người” để tâng bốc bợm Mã lên, hòng nó tung túi bạc ra, nhưng nó vẫn cò kè.

[ĐÀM DUY TẠO]