CHƯƠNG 12
KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI
Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO
trước tác năm 1986
(Thứ nam) Đàm Trung Pháp
hiệu đính và phổ biến năm 2020
* * * * *
CÂU 805 ĐẾN CÂU 992
“Suối lệ phân ly, lưỡi dao oan nghiệt”
805. Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh,
Vẫn là một đứa phong tình đã quen. [1]
807. Quá chơi lại gặp hồi đen, [2, 3]
Quen mui lại kiếm ăn miền nguyệt hoa.
809. Lầu xanh có mụ Tú Bà,
Làng chơi đã giã về già hết duyên. [4]
811. Tình cờ chẳng hẹn mà nên,
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường. [5]
812. Chung lưng mở một ngôi hàng, [6]
Quanh năm buôn phấn bán hương đã lề. [7]
815. Dạo tìm khắp chợ thì quê,
Giả danh hầu hạ dạy nghề ăn chơi. [8]
817. Rủi may âu cũng tại trời,
Đoạn trường lại chọn mặt người vô duyên.
819. Xót nàng chút phận thuyền quyên,
Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn.
821. Mẹo lừa đã mắc vào khuôn,
Sính nghi rẻ giá nghênh hôn sẵn ngày. [9]
823. Mừng thầm : Cờ đã đến tay! [10]
Càng nhìn vẻ ngọc càng say khúc vàng. [11]
825. “Đã nên quốc sắc thiên hương, [12]
Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa. [13]
827. Về đây nước trước bẻ hoa,
Vương tôn quý khách ắt là đua nhau. [14]
829. Hẳn ba trăm lạng kém đâu,
Cũng đà vừa vốn còn sau thì lời,
831. Miếng ngon kề dến tận nơi,
Vốn nhà cũng tiếc của trời cũng tham.
833. Đào tiên đã bén tay phàm, [15]
Thì vin cành quít cho cam sự đời! [16]
835. Dưới trần mấy mặt làng chơi,
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa.
837. Nước vỏ lựu máu mào gà, [17]
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên. [18]
839. Mập mờ đánh lận con đen, [19]
Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền mất chi?
841. Mụ già hoặc có điều gì,
Liều công mất một buổi quỳ mà thôi.
843. Vả đây đường xá xa xôi,
Mà ta bất động nữa người sinh nghi. [20]
845.Tiếc thay một đóa đồ mi, [21]
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
847. Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương.
849. Đêm xuân một giấc mơ màng,
Đuốc hoa để đó, mặc nàng nằm trơ. [22]
851. Giọt riêng tầm tã tuôn mưa,
Phần căm nỗi khách phần nhơ nỗi mình:
853. Tuồng chi là giống hôi tanh, [23]
Thân nghìn vàng để ô danh má hồng. [24]
855. Thôi còn chi nữa mà mong?
Đời người thôi thế là xong một đời.
857. Giận duyên tủi phận bời bời,
Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh. [25]
859. Nghĩ đi nghĩ lại một mình:
Một tình thì vậy, hai tình thì sao? [26]
861. Sao dầu sinh sự thế nào,
Truy nguyên chẳng kẻo lụy vào song thân. [27]
863. Nỗi mình âu cũng giãn dần, [28]
Kíp chầy thôi cũng một lần mà thôi. [29]
865.Những là đo đắn ngược xuôi,
Tiếng gà nghe đã gáy sôi mé tường.
867. Lầu mai vừa rúc còi sương, [30, 31]
Mã Sinh giục giã vội vàng ra đi.
869. Đoạn trường thay lúc phân kỳ! [32]
Vó câu khấp khểnh bóng xe gập ghềnh.
871. Bề ngoài mười dặm trường đình, [33]
Vương ông gánh tiệc tiễn hành đưa theo.
873. Ngoài thì chủ khách dặt dìu, [34]
Một nhà huyên với một Kiều ở trong.
875. Nhìn càng lã chã giọt hồng, [35]
Rỉ tai nàng mới giãi lòng thấp cao:
877. “Hổ sinh ra phận thơ đào, (36)
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong?
879. Lỡ làng nước đục bụi trong, [37]
Trăm năm để một tấm lòng từ đây.
881. Xem gương trong bấy nhiêu ngày,
Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già!
883. Khi về bỏ bẵng trong nhà, (38)
Khi vào dùng dắng, khi ra vội vàng.
885. Khi ăn khi nói lỡ làng,
Khi thầy khi tớ xem thường xem khinh.
887. Khác màu kẻ quý người thanh,
Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn.
889. Thôi con còn nói chi con?
Sống nhờ đất khách thác chôn quê người!
891. Vương Bà nghe bấy nhiêu lời,
Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên. [39]
893. Vài tuần chưa cạn chén khuyên. [40]
Mái ngoài nghỉ đã giục liền ruổi xe.
895.Xót con lòng nặng chề chề,
Trước yên ông đã nằn nì thấp cao:
897. “Chút thân yếu liễu tơ đào,
Rớp nhà đến nỗi dấn vào tôi ngươi. [41]
899. Từ đây góc bể bên trời,
Nắng mưa thui thủi quê người một thân.
901. Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân, [42]
Tuyết sương che chở cho thân cát đằng.” [43]
903. Cạn lời khách mới thưa rằng:
“Buộc chân thôi cũng xích thằng nhiệm trao. [44]
905. Mai sau dầu đến thế nào,
Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỉ thần!” [45]
907. Đùng dùng gió giục mây vần, [46)]
Một xe trong cõi hồng trần như bay. (47)
909. Trông vời gạt lệ chia tay,
Góc trời thăm thẳm đêm ngày đăm đăm. [48]
911. Nàng thì cõi khách xa xăm,
Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây. [49]
913. Vi lô san sát hơi may, [50]
Một trời thu để riêng say một người. [51]
915.Dặm khuya ngất tạnh mù khơi, [52]
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.
917. Rừng thu rỗ biếc úa hồng, [53]
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn. [54]
919. Những là lạ nước lạ non,
Lâm Truy vừa một tháng tròn tới nơi.
921. Xe châu dừng bánh cửa ngoài,
Rèm trong đã thấy một người bước ra.
923. Thoắt trông nhờn nhợt màu da,
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao!
925. Trước xe lơi lả han chào,
Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi.
927. Bên thì mấy ả mày ngài,
Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi.
929. Giữa thì hương án hẳn hoi,
Trên treo một tượng trắng đôi lông mày. [55]
931. Lầu xanh quen lối xưa nay,
Nghề này thì lấy ông này tiên sư,
933. Hương hôm hoa sớm phụng thờ.
Cô nào xúi vía có thưa mối hàng,
935. Cởi xiêm lột áo chán chường,
Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm. [56]
935. Đổi hoa lót xuống chiếu nằm,
Bướm hoa bay lại ầm ầm tứ vi!
937. Kiều còn ngơ ngẩn biết gì,
Cứ lời lạy xuống mụ thì khấn ngay:
939. “Cửa hàng buôn bán cho may,
Đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu. [57]
941. Muôn nghìn người thấy cũng yêu,
Xôn xao oanh yến, dập dìu trúc mai.
945.Tin nhạn vẩn, lá thư bời, [58]
Đưa người cửa trước, rước người cửa sau.”
947. Lạ tai nghe chửa biết đâu,
Xem tình ra cũng những màu dở dang.
949. Lễ xong hương hỏa gia đường, [59]
Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay. [60]
951. Dạy rằng: “Con lạy mẹ đây,
Lạy rồi, sang lạy cậu mày bên kia.”
953. Nàng rằng: “Phải bước lưu ly,
Phận hèn vâng đã cam bề tiểu tinh. [61]
955. Điều đâu lấy yến làm anh, [62]
Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì? [63]
957. Đủ điều nạp thái vu qui,
Đã khi chung chạ lại khi đứng ngồi.
959. Giờ ra thay mặt đổi ngôi,
Dám xin gửi lại một lời cho minh.”
961. Mụ nghe nàng nói hay tình,
Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên: [64]
963. “Này này sự đã quả nhiên,
Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi.
965. Bảo rằng đi dạo lấy người,
Đem về rước khách kiếm lời mà ăn.
967. Tuồng vô sỉ ở bất nhân, [65]
Buồn mình trước đã tần mần thử chơi.
969. Màu hồ đã mất đi rồi, [66]
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!
971. Con kia đã bán cho ta,
Nhập ra phải cứ phép nhà tao đây. [67]
973. Lão kia có giở bài bây,
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe. [68]
975. Cớ sao chịu tốt một bề,
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao?
977. Phải làm cho biết phép tao!”
Chập bì tiên rắp sấn vào ra tay.
979. Nàng rằng: “Trời thẳm đất dày!
Thân này đã bỏ những ngày ra đi.
981. Thôi thì thôi có tiếc gì!”
Sẵn dao tay áo tức thì giở ra.
983. Sợ gan nát ngọc liều hoa!
Mụ còn trông mặt nàng đà quá tay.
985. Thương ôi tài sắc bậc này,
Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần. [69]
987. Nỗi oan vỡ lở xa gần, [70]
Trong nhà người chật một lần như chen.
989. Nàng thì bằn bặt giấc tiên, [71]
Mụ thì cầm cập mặt nhìn hồn bay.
991. Vực nàng vào chốn hiên tây,
Cắt người coi sóc chạy thầy thuốc thang.
Đính chính và xác định
Câu 808 – Quen mui lại kiếm ăn miền nguyệt hoa – Chữ mui các bản nôm viết là [𠿃] (khẩu [口] bên môi [媒]) có thể phiên âm là mồi hay mui hay mùi. Nhưng theo tiếng thông thường ta hay nói là mui như quen mui thấy mùi ăn mãi, chứ ít khi nói quen mùi hay quen mồi.
Câu 845 – Đồ mi [𦯬𧃲] là một thứ cây cảnh có hoa đẹp hay trồng thành giàn ở trong vườn cảnh, như câu 1092: Giá đồ mi đã ngậm gương nửa vành. Cả hai câu này đáng lẽ đều phải đọc là đồ mi mới đúng, nhưng vì chữ đồ [𦯬] giống chữ trà [茶] nên mọi người đã quen đọc là trà mi thì vừa sai, vừa mất âm điệu.
Câu 866 – Tiếng gà nghe đã gáy sôi mé tường – Chữ “mé” câu này các bản Kiều quốc ngữ đều phiên âm lầm ra “mái”, nhưng “mái tường” thật là vô nghĩa. Vậy xin cải chính lại.
Câu 872 – Vương Ông gánh tiệc tiễn hành đưa chân – “Gánh tiệc” câu này nhiều bản Nôm hay quốc ngữ đều in là “mở tiệc [馬 席]”, chỉ có một bản Nôm cũ in là “gánh tiệc [挭 席]”. Tác giả đặt chữ “gánh tiệc” ở đây thật đúng với tình cảnh buồn thảm vội vàng. Những bản đổi là “mở tiệc” để nghe cho lịch sự trang trọng, nhưng thật là làm mất tình ý của tác giả. Vậy xin xác định lại cho hợp với cảnh ngộ buồn thảm vội vàng.
Câu 873 – Ngoài thì chủ khách dặt dìu – Nhiều bản Nôm hay quốc ngữ đổi “dặt dìu” [逸 迢] ra “dập dìu [習 迢]” là sai nghĩa, vì dập dìu nghĩa là đông người vui vẻ, như “dập dìu tài tử giai nhân” mới đúng nghĩa chữ “dập dìu.” Còn câu này dùng chữ dập dìu thì thật không hợp với tình cảnh cái bữa tiệc tạm bợ vắng vẻ buồn tủi này.
Câu 883 – Khi về bỏ bẵng trong nhà = Khi Mã Giám Sinh mang Kiều về đến trú phường rồi, hắn để Kiều ngồi một mình như bỏ bẵng ở trong buồng. Hắn chẳng có tình nghĩa đoái hoài gì đến, đúng với cái cảnh “bốn bề xuân tỏa một nàng ở trong.” Vì chữ “bẵng” Nôm viết là [氷] (Hán đọc là băng, Nôm đọc là bẵng), các bản Kiều Nôm khắc lầm [氷] (bẵng) ra [永] (Hán đọc là vĩnh, Nôm đọc là vắng), thành ra “khi về bỏ vắng trong nhà” thật là vô nghĩa mà ít ai nghĩ đến. Vậy xin đính chính lại cho đúng, để ai đọc đến câu này cũng hiểu rõ nghĩa ngay.
Câu 884 – Khi vào dùng dắng khi ra vội vàng = Khi Mã vào buồng với nàng thì như có vẻ lén lút vụng trộm, phải dùng dằng ngó trước nhìn sau, thừa cơ bên ngoài mọi người vắng vẻ mới dám vào, rồi hấp tấp thỏa tình vội vàng ra khỏi buồng ngay, không có tình quyến luyến chút nào. Vì chữ “dắng” Nôm viết là [孕] (Hán đọc là dựng, Nôm đọc là dắng), thợ khắc bản in gỗ khắc lầm ra [朶] (Hán đọc là đóa), người phiên âm trước không nghĩ ra, cứ dịch là đóa, nhưng thấy “dùng đóa” vô nghĩa lại mất âm luật, nên đổi bừa ra “đôi đóa” cho có âm luật. Bản Kiều Trần Trọng Kim cũng theo sự lầm ấy và giảng nghĩa chữ “đôi đóa” là “vờ vĩnh” đồng nghĩa với “dùng dắng.” Thật là giảng gượng, vì “vờ vĩnh” cùng nghĩa với “dùng dắng” sao được.
Câu 898 – Nghẹt nhà đến nỗi dấn vào tôi ngươi = Vì tình thế eo nghẹt quá đến nỗi nó phải tự ý liều thân bán mình chịu kiếp tôi đòi nhục nhã. (Trong câu 2941 Dấn mình trong đám can qua, chữ dấn mình cũng một ý liều mình như dấn mình xuống sông nước vậy). Các bản Kiều đổi “dấn vào” ra “buộc vào” hay “mắc vào” đều làm mất ý nghĩa lời Vương ông muốn tỏ cho họ Mã biết là con gái mình rất mực hiếu nghĩa, tự ý liều mình để cứu cha cứu gia đình, hầu mong hắn quý nể Kiều hơn. Nếu để buộc mình hay mắc vào thì không phải là Kiều tự ý bán mình, tự ý hy sinh, thành ra bị người khác bắt buộc phải bán mình.
Câu 917 – Rừng thu rỗ biếc úa hồng = Cảnh rừng bắt đầu điêu tàn vì hơi sương lạnh mùa thu, chỗ thì những chòm lá xanh biếc đã lốm đốm điểm những lá vàng như người mặt rỗ, chỗ thì những lá sạm lại thành màu đỏ úa buồn. Có bản giảng lầm chữ “úa hồng” là hoa úa : hoa tàn thì rụng, chứ đâu úa ở trên cây cho người ở xa trông thấy được? Có bản Nôm khắc lầm chữ “rỗ” [𤻼] (chữ bịnh trên chữ lỗ [魯] = rỗ) ra chữ [層] (Hán là tằng = từng); và khắc lầm chữ “ố” [癋] (chữ bịnh trên chữ “ố” [惡]) thành chữ “chen” [氊] (Hán đọc là chiên, Nôm đọc là chen). Theo bản lầm này, thì câu này là “Rừng thu từng biếc chen hồng.” Ôi thật lầm quá, vì như thế rừng thu lại hóa đẹp quá.
Vậy xin xác định là “rừng thu rỗ biếc úa hồng” cho thật đúng cảnh buồn mùa thu, sánh đôi với tâm trạng buồn của Kiều trong cuộc đi này.
Câu 934 – Cô nào xúi vía có thưa mối hàng. “Xúi vía” câu này, các bản quốc ngữ đều dịch là “xấu vía,” đó là do “xúi” hay “xấu” chữ Nôm đều viết là [醜] (Hán đọc là “xú” = xấu), nhưng “xấu vía” nghĩa khác với “xúi vía.” Người “xấu vía” là trời sinh ra có cái hồn vía xấu, truyện trò giao thiệp với ai là làm cho người ta xúi quẩy gặp những sự không may, người xấu vía thì không thể nào chữa được; còn người “xúi vía” là người bị người “xấu vía” làm cho xúi quẩy gặp sự không hay, như bán hàng thì hàng ế, sinh đẻ thì con sài ốm…Người bị xúi vía có thể chữa được bằng cách “đốt vía, phỉ phui” hay bằng cách cầu cúng như các cô “xúi vía” ở câu này. Vậy câu này phải để là Cô nào xúi vía có thưa mối hàng mới đúng nghĩa.
Câu 964 – Thôi đà cướp sống của min đi rồi – Đây là lời Tú Bà chửi Mã Giám Sinh, khi mụ thấy Kiều nói “đã khi chung chạ lại khi đứng ngồi” với Mã, và nghĩa là “thôi thế rõ thằng này đã trắng trợn ăn cướp sống mất tiền của của tao rồi.” Chữ “của” đây là chỉ vào Kiều. Nhiều bản Kiều đổi làm của ra chồng, cho là Tú Bà mắng Kiều đã cướp chồng của mụ, rõ thật là vô nghĩa, vậy xin xác định lại cho đúng nghĩa lý. Đoạn Tú Bà nói này, từ câu: “Này này sự đã quả nhiên” đến câu “Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma” là lời mụ chửi Mã Giám Sinh; và từ câu “Con kia đã bán cho ta” đến câu “Phải làm cho biết phép tao” mới là lời mụ nói với Kiều.
Câu 967 – Tuồng vô sỉ ở bất nhân = Tiểu thuyết Tàu vẫn gọi những tên đàn ông đểu cáng, vô lại làm nghề lừa gái, dắt gái cho trai để kiếm tiền là vô sỉ [無 恥] (không biết xấu hổ) hay là vong bát [忘 八] (nghĩa là quên cả 8 đức tính: hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ) và thường nói trạnh ra thằng vương bát [王 八]. Câu này Tú Bà dùng chữ vô sỉ để chửi Mã Giám Sinh, cũng như ta nói thằng đểu, thằng ma cô. Nhiều bản Kiều đổi “vô sỉ” ra “vô nghĩa” cho là Tú Bà trách Mã phụ nghĩa vợ chồng với mụ, thật là sai nghĩa và mất hết cả ý nghĩa sâu sắc xác đáng. Mã Giám Sinh chỉ là thằng kiếm gái cho Tú Bà, chứ đâu phải là chồng mụ, mà nói là “vô nghĩa”?
Chú giải và dẫn điển
[1] Phong tình [風 情] = Kẻ ăn chơi chỉ thích những cuộc trăng hoa trai gái, và tự cho mình là hạng phong lưu tình tứ.
[2] Quá chơi = Ăn chơi quá độ thành ra hết của.
[3] Hồi đen = Lúc vận xấu, gặp sự không may, tai nạn bất kỳ, hao tiền tốn của.
[4] Làng chơi đã giã = Vì già và xấu, khách làng chơi không ai ngó đến nữa (giã = từ giã).
[5] Mạt cưa mướp đắng – Truyện cổ tích ta kể: Một người đem mạt cưa ra chợ bán giả làm cám, và một người đem mướp đắng ra chợ bán giả làm dưa chuột, nhưng đều ế cả. Lúc chợ đã gần tan, hai bên gặp nhau, cùng nói khéo bán lẫn cho nhau, cũng mừng thầm là đánh lừa được nhau. Lúc về nhà mới biết là cùng bị lừa. Sau hai người gặp nhau cùng òa ra cười và cùng chịu nhau là tài lừa bịp, mới kết bạn với nhau để cùng đi lừa thiên hạ.
[6] Chung lưng = Góp tiền vốn với nhau để mở cửa hàng buôn bán.
[7] Đã lề = Đã quen, đã thành lề thói đủ ngón trong nghề.
[8] Giả danh hầu hạ = Mượn tiếng mua gái về làm vợ lẽ để lừa nhà có con gái.
[9] Sính nghi = Số tiền nhà trai nộp cho nhà gái để sắm sửa cô dâu. Nghinh hôn = Lễ đón dâu.
[10] Cờ đã đến tay – Tục ngữ ta có câu “Cờ đến tay ai thì người đó phất.”
[11] Khúc vàng = Tấc vàng = Lòng đáng tin cậy. Nhưng đây tác giả đổi ra “khúc vàng” để tỏ ý mỉa mai tấm lòng tham ô bẩn thỉu.
[12] Quốc sắc, thiên hương – Quốc sắc = Người con gái nổi tiếng đẹp nhất nước. Thiên hương = Được vua yêu quý, ban cho nước hoa thơm đặc biệt như từ tiên trên trời ban xuống.
[13] Một cười nghìn vàng – Bởi câu chữ Hán [一 笑 千 金 = Nhất tiếu thiên kim = Một cười đáng nghìn vàng]. U Vương nhà Chu thưởng một nghìn lạng vàng cho người làm được Bao Tự cười một cái.
[14] Vương tôn hàm ý những khách ăn chơi phong lưu như con cháu nhà vua chúa.
[15] Đào tiên, tay phàm – Có lẽ tác giả dùng điển từ truyện ông Ngâu của ta: Bà Ngâu bay lên tiên mất, ông Ngâu bế con lên được cung tiên tìm thấy vợ. Bà Ngâu đưa cho quả đào tiên, ông Ngâu không biết cách ăn cho lịch sự, vội vàng cùng con gặm ăn thô bỉ, bị các nàng tiên chê cười, bà Ngâu lại dòng dây cho hai bố con xuống cõi phàm. Câu thơ này than tiếc cho Kiều gặp kẻ phàm phu không biết đối đãi nàng một cách thanh lịch xứng đáng.
[16] Vin cành quít lấy ý từ thơ Tô Đông Pha [老 人 逾 戲 如 童 子, 不 折 梅 枝 折 橘 枝 = Lão nhân du hí như đồng tử, bất triết mai tri triết quất tri = Người già mà trêu đùa như trẻ con, vào vườn hoa chẳng biết bẻ cành hoa mai trắng đẹp mà ngắm cho vui măt, lại bẻ cành quít lấy quả ăn cho sướng miệng]. Tác giả dùng ý câu thơ này để chê Mã Giám Sinh là kẻ tục phu chỉ biết cái thú thô tục như trẻ tham quít, không biết hưởng cái thú thanh tao như người tao nhã thích ngắm hoa mai.
[17] Nước vỏ lựu, máu mào gà – Theo sách Bắc Lý Chí, gái thanh lâu vẫn nấu nước vỏ lựu cho đặc để rửa chỗ kín cho co gọn lại như gái thanh tân, và chứa ngầm sẵn máu mào gà, để khi tiếp khách xong, thì ngầm đổ một chút vào mà nói là mới bị khách phá trinh.
[18] Chiêu tập = Sửa chữa gọn gàng lại. Còn nguyên = Vẫn còn như con gái thanh tân.
[19] Con đen do chữ kiềm lê [黔 黎] dịch ra và nghĩa là “lũ dân còn đen đầu, khờ dại. ”
[20] Bất động [不 動] = Không làm gì.
[21 Đồ mi [𦯬 𧃲] phải đọc là đồ mi mới đúng, nhưng vì chữ đồ [𦯬] giống chữ trà [茶] nên theo thói quen ta vẫn đọc là trà mi. Đường thi có câu [開到荼𧃲花事了 = khai đáo đồ mi hoa sự liễu = Nở đến hoa đồ mi là xong công việc mùa hoa].
[22] Đuốc hoa do chữ hoa trúc [花 燭] dịch ra. Hoa trúc là cây nến có hình cành hai hoa trang điểm quấn quít chung quanh. Tục xưa, trong buồng dâu rể đêm tân hôn vẫn đốt cây đuốc hoa để làm lễ hợp cẩn rồi để luôn suốt đêm trong buồng vợ chồng mới cưới.
[23] Giống hôi tanh – Thơ Tô Đông Pha có câu [汝 非 其 人身 腥 膻 = nhữ phi kỳ nhân, thân tinh chiên = mày không phải là người, thân mày hôi tanh lắm].
[24] Ô danh [汚 名] = Làm dơ bẩn mất cả tiếng thơm của khách má đào.
[25] Quyên sinh [捐 生] = Bỏ đời sống, tự tử.
[26] Một tình đã vậy, hai tình thì sao = Cái tình lý lẽ nọ lẽ kia sẽ xảy ra sau này theo tình thế việc mình làm. Một tình đã vậy nghĩa là việc mình tự vẫn, nếu theo một lẽ nông nổi mới nghĩ là chết đi thì hết mà êm đi, thế là xong chết được. Hai tình thì sao nghĩa là sự mình tự vẫn, nghĩ lại cho kỹ thì có thể xảy ra “tình ly thứ hai” nữa, là Mã sinh sẽ sinh sự kiện cáo bố mẹ mình là lừa nó như vậy thì chết không xong, không thể chết lúc này ở đây được. Nói vắn tắt thì câu này nghĩa : Mới thoạt nghĩ thì chết được, nhưng nghĩ lại thì chết không xong.
[27] Truy nguyên = Xét lại đến tận nguồn gốc. Ở đây nghĩa là theo lý luật mà xét cho ra nguyên cớ gì mà xảy ra án mạng.
[28] Giãn dần = Nguôi dần bớt nỗi căng thẳng trong lòng.
[29] Một lần = có ý nói chẳng chết trước thì cũng chết sau ; thế nào cũng một lần chết là xong.
[30, 31] Lầu mai = Lầu lính canh buổi sáng sớm. Còi sương = Hồi còi lính canh rúc báo lúc tan canh, lúc sương đêm gần tan.
[32] Phân kỳ [分 歧] – Phân = Chia. Kỳ = Chỗ đường rẽ làm đôi ngả. Phân kỳ hàm ý chia rẽ nhau mỗi người đi một ngả.
[33] Trường đình [長 亭] – Theo Hán sử, đường quan lộ trước cứ 5 dặm đặt một quán nghỉ nhỏ gọi là đoản đình [短 亭], 10 dặm thì đặt một quán nghỉ lớn gọi là trường đình. Lễ tiễn biệt nhau, thường đưa nhau đến 10 dặm thì từ biệt, và nếu có tiệc tiễn biệt thì cũng đặt ở trường đình. Trong truyện Tam Quốc, Lưu Bị tiễn Từ Thứ đến trạm trường đình rồi từ biệt nhau.
[34] Dặt dìu – Xem lời xác định câu 873 bên trên.
[35] Giọt hồng = Nước mắt khóc thảm thiết như nhỏ máu.
[36] Thơ đào = Phận con gái hãy còn trẻ dại yếu đuối.
[37] Nước đục bụi trong lấy điển tích từ câu thơ của một ca kỹ tiễn tình nhân đi kinh thi Hội. Nàng chắc rằng thế nào chàng cũng đỗ và lo sẽ bỏ rơi mình, nên thơ nàng tiễn có câu [妾 如 濁 水 泥 君 如 清 路 塵 = thiếp như trọc thủy nê, quân như thanh lộ trần = thiếp là bùn đọng mãi ở dưới nước đục bẩn, chàng là bụi được gió đưa đi trên con đường trong sạch]. Tác giả dùng điển này để tả Kiều vừa than thân phận phải đầy đọa vào kiếp ô nhục, vừa tiếc không lấy được Kim Trọng là tình nhân cao quý.
[38] Bỏ bẵng – Xem lời đính chính câu 883 bên trên.
[39] Vạch trời kêu lên = Vạch mây cho hở trời ra mà kêu lên cho trời nghe tiếng oan khổ.
[40] Vài tuần = Vài tuần rượu. Mỗi lần chủ rót rượu mời khách, và khách mời lại là một tuần rượu.
[41] Dấn vào = Liều mình vào nơi khổ sở nguy hiểm như dấn mình xuống sông nước. Xem lời xác định câu 898 bên trên.
[42] Tùng [松] = Cây thông. Quân [筠] = Loài tre to cao. Người ta quý hai thứ cây này như người quân tử có độ lượng cao thẳng bao la, hay che chở bênh vực kẻ dưới.
[43] Cát [葛] = Cây sắn dây. Đằng [藤] = Thứ cây dây leo cuốn gốc cây khác. Người ta hay dùng cát đằng để ám chỉ đàn bà con gái làm lẽ mọn.
[44] Nhiệm trao = Trao lại cho nhau một cách nhiệm màu như có trời định sẵn.
[45] Gương nhật nguyệt, dao quỷ thần – Mã sinh chỉ mặt trời mặt trăng xin chứng minh cho lời thề hẹn của hắn, và khấn quỷ thần nếu hắn không giữ lời thề hẹn thì sẽ bị chết đâm chết chém.
[46] Gió giục mây vần dịch từ câu chữ Hán [雲 馳 風 逐 = vân trì phong trục = mây chạy gió đuổi] có nghĩa là nó giục đi cho mau như mây bay gió thổi.
[47] Cõi hồng trần = Nơi phồn hoa đô hội náo nhiệt.
[48] Tháng ngày đăm đăm = Lúc nào Kiều và bố mẹ cũng thương nhớ nhau đến khốn khổ.
[49] Cầu giá = Cầu có sương trắng phủ như băng đọng trên mặt. Giá = Sương đọng thành tầng. Tác giả dùng thành ngữ “bạc phau cầu giá” để tăng thêm nỗi lòng buốt lạnh của Kiều, và thành ngữ “đen rầm ngàn mây” để tăng thêm nét mặt u buồn của nàng.
[50] Vi lô [葦 蘆] = Các loài lau sậy về mùa thu thì bắt đầu khô tàn. San sát tả tiếng lá khô gió đưa cọ sát vào nhau. Hơi mây tả hơi gió khô lạnh mùa thu để làm cho người xa nhà cảm nhớ đến cảnh ấm cúng của gia đình.
[51] Một trời thu để riêng say một người = Cảnh buồn thì ai cũng chán, nhưng riêng Kiều bây giờ thấy nó hợp với nỗi lòng mình, nên có ý thích ngắm, như nó chia sẻ nỗi buồn với mình, nhưng càng ngắm thì cảnh thu càng làm cho nàng thêm buồn tê tái.
[52] Dặm khuya = Đoạn đường đi lúc đêm khuya. Ngất = Trên cao. Ngất tạnh = (Trời) cao không mây. Mù khơi = (Trời) trông cao tít mù xa thẳm.
[53] Rỗ biết úa hồng – Xem lời đính chính câu 917 bên trên.
[54] Tấm lòng thần hôn – Thần [晨] là buổi sớm. Hôn [昏] là buổi tối. Lễ xưa dạy con nuôi cha mẹ già thì sớm dạy phải chào hỏi cha mẹ xem đêm ngủ có ngon không ; tối phải đến hỏi xem cha mẹ ngày hôm đó có được vui không, ăn có ngon không ; nếu cha mẹ có điều gì buồn thì khuyên giải, nếu mình có điều lầm lỡ thì xin tạ lỗi.
[55] Thần mày trắng – Xưa kia các thanh lâu đều thờ thần bạch mi xích nhỡn [白 眉 赤 眼 = mắt đỏ lông mày trắng] làm tiên sư. Tục ta, Tàu trước nghề gì cũng có thờ một ông tiên sư tức là ông đã sáng lập ra nghề đó.
[56] Lầm rầm – Ta có câu tục ngữ “Lầm rầm như đĩ khấn tiên sư.”
[57] Hàn thực [寒 食] và Nguyên tiêu [元 宵] là hai ngày tết rất vui vẻ náo nhiệt về mùa xuân. Tết Nguyên tiêu vào đêm rằm tháng giêng, có cuộc treo đèn khắp nhà khắp phố, yến tiệc khắp nơi. Hàn thực (cũng gọi là tết Thanh minh) vào ngày mồng 3 tháng 3 có những cuộc đạp thanh, tảo mộ. Hàn thực vui vẻ về ban ngày, Nguyên tiêu vui vẻ về ban đêm. Đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu ý nói đông khách vui vẻ luôn luôn, bất kể ngày đêm, lúc nào cũng như tết.
[58] Tin nhạn = Thư khách xa gửi tới. Lá thư = Thơ tình xướng họa hẹn hò nhau.
[59] Gia đường [家 堂] = Bàn thờ trong nhà.
[60] Vắt nóc = Lên ngồi một cách oai vệ ở chỗ cao quí nhất để tỏ ra mặt bà chủ trong nhà, trùm lợp cả mọi người như nóc nhà trùm lợp cả gia đình vậy.
[61] Tiểu tinh [小 星] nghĩa đen là sao nhỏ, nghĩa bóng là vợ lẽ. Kinh Thi có câu [彗 彼 小 星 = tuệ bỉ tiểu tinh = ngôi sao bé nhỏ kia] ý nói các vợ lẽ như những ngôi sao nhỏ.
[62] Lấy yến làm anh = Lấy chim én làm chim anh (vẹt). Ý nói đổi vợ lẽ thành ra con nuôi.
[63] Danh [名] = Tên gọi. Phận [分] = Phần quyền lợi, bổn phận. Danh phận ở đây là được xếp vào hạng người nào trong nhà.
[64] Tam Bành = Ba vị thần Bành. Theo kinh Phật, trong người ta có ba thần tên là Bành Kiêu, Bành Cư, Bành Chất. Họ hay xúi ta làm điều ác, rồi cứ đến ngày canh thân thì lên tâu Ngọc Hoàng Thượng Đế.
[65] Tuồng vô sỉ – Xem lời xác định câu 967 bên trên.
[66] Màu hồ – Nghề buôn bán thường hồ hàng hóa cho đẹp đẽ để dễ bán. Hàng hóa đã mất màu hồ thì khó bán. Đây là lời Tú Bà chửi Mã Giám Sinh đã làm mất màu hồ của Kiều.
[67] Nhập gia – Tục ngữ Tàu có câu [到 江 隨 曲 入 家 隨 俗 = Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục = Thuyền tới sông nào thì phải chở theo chiều cong khúc sông đó, người vào nhà ai thì phải theo tục nhà ấy].
[68] Văng vào mặt = Lôi những câu thô tục ra mà chửi vào mặt. Các bản Kiều đổi “văng vào mặt” thành “phang vào mặt” là sai với bản cũ.
[69] Dây phong trần = Quãng đời khổ nhục.
[70] Vỡ lở = (Tin Kiều tự tử) vang ra nhiều người biết.
[71] Giấc tiên = Giấc mê lịm đi chẳng còn biết gì, coi như đã thoát nợ đời và lên cảnh tiên.
Diễn ra văn xuôi
Câu 805, 806 = Nào có ngờ đâu Mã Giám Sinh là một kẻ phong tình lừa gái đã quen.
Câu 807, 808 = Hắn ăn chơi quá, nhà đã hóa nghèo lại gặp hồi vận đen, nên cửa nhà khánh kiệt. Vì dụ dỗ gái đã quen, nên hắn quen mui lại kiếm ăn về nghề trăng hoa, dụ dỗ gái vào thanh lâu để lấy tiền ăn tiêu.
Câu 809, 810 = Lại có mụ Tú Bà, một gái thanh lâu đã già hết duyên, chẳng khách làng chơi nào ngó đến nữa.
Câu 811, 812 = Tình cờ hai đứa bợm thất nghiệp gặp nhau, chẳng khác truyện xưa kể đứa bán mạt cưa giả làm cám lại gặp đứa bán mướp đắng giả làm dưa chuột. Thế là hai bên một phường kết bạn tri kỷ.
Câu 813, 814 = Hai tên bợm này mới chung lưng nhau mở một thanh lâu để kiếm ăn. Tú Bà thì xuất vốn tiền, Mã Giám Sinh thì xuất công đi lừa dỗ gái. Quanh năm chúng làm nghề bán phấn buôn hương sành sõi đủ lề lối.
Câu 815, 816 = Chàng Mã đi dạo khắp cả thành thị và thôn quê để tìm gái, mượn tiếng là mua về làm vợ lẽ, nàng hầu, để đem về ép buộc hành nghề mại dâm.
Câu 817, 818 = Ôi ! Đó cũng là sự rủi may do trời định sẵn cho số phận Kiều, nên cái kiếp đoạn trường nó lại chọn đúng ngay mặt người vô duyên này.
Câu 819, 820 = Thật đáng thương xót cho nàng là một gái thuyền quyên mà về tay Mã Giám Sinh, chẳng khác gì một cành hoa mà bị lọt vào thuyền của tên lái buôn hoa này !
Câu 821, 822 = Kiều đã mắc vào cái khuôn bẫy mẹo lừa của nó, giá tiền cưới xin đã rẻ, ngày đón dâu lại sẵn sàng đến ngay chỉ trong một vài ngày.
Câu 823, 824 = Mã Sinh mua được nàng rồi bụng rất mừng ; thế là cờ đã đến tay rồi muốn phất ngang phất dọc thế nào mà chẳng được ! Nó càng nhìn vẻ đẹp như ngọc của nàng, bụng nó càng say sưa một cách đểu giả bẩn thỉu, vừa về tình dục, vừa về tài lợi.
Câu 825, 826 = Nó nghĩ rằng gái này thật là hạng quốc sắc thiên hương, đúng là hạng gái một cười đã đáng nghìn vàng chứ không sai.
Câu 827, 828 = Về tay ta đây rồi, ta hãy bẻ hoa trước đã cho thỏa tình, rồi lũ vương tôn quí khách ắt là đua nhau đến bẻ sau ta.
Câu 829, 830 = Hẳn là mỗi người cứ phải trả 300 lạng, chứ kém sao được ! Cứ một vài người đến trước là đủ vốn rồi, còn từ những người sau đều là lời tất cả.
Câu 831, 832 = Nhưng óc con buôn của nó thấy miếng ngon kề đến tận nơi thật là phân vân : ăn đi thì thiệt vào vốn liếng, mà không ăn thì tiếc của trời, lòng tham không bỏ được.
Câu 833, 834 = Rồi kết cục vì lòng ham muốn của trời quá, hắn nghĩ cái quả đào tiên kia đã đến tay kẻ phàm này, thì ta cứ ăn bừa đi như đứa trẻ con vào vườn hoa vin ngay cành quít hái quả ăn cho thỏa miệng, cần gì phải bẻ cành hoa mai trắng đẹp mà ngắm một cách hão huyền vô ích.
Câu 835, 836 = Còn về phần vốn lãi thì cũng chẳng lo thiệt gì, vì lũ làng chơi ở cõi trần này, họ chơi hoa nhưng mấy kẻ đã biết rõ được hoa nguyên, hoa dở.
Câu 837, 838 = Ta cứ dùng nước vỏ lựu, máu mào gà mà sửa sang tô màu lại, thì hoa dở lại hóa hoa nguyên.
Câu 839, 840 = Ta cứ dùng cách mập mờ như thế để đánh lừa lũ đầu đen khờ dại, thì hoa dở vẫn bán được giá như hoa nguyên, có thiệt chút nào đâu.
Câu 841, 842 = Còn cái mụ già kia, nếu mụ có sinh sự điều gì thì đành liều công quỳ một buổi để xin lỗi với mụ là xong.
Câu 843, 844 = Vả lại ở chốn xa xôi này, mình nói là lấy cô ta làm lẽ mà không đụng chạm gì đến, thì e người ta sinh lòng nghi ngờ, biết là mình buôn người, rồi sinh chuyện thưa kiện đánh tháo thì sao ? (Lý luận khẩn thiết vơ về của kẻ ích kỷ vô lương, coi như tình thế bắt buộc phải hoại đời Kiều).
Câu 845, 846 = Tiếc thay cho đóa hoa thơm đẹp thế này, mà nay con ong đã mở đường đi lối vào được tới nhị hoa rồi !
Câu 847, 848 = Và qua một cơn mưa gió nặng nề, nó còn thương gì đến vẻ ngọc, hương thơm của đóa hoa này nữa !
Câu 849, 850 = Thỏa mãn thú tính rồi, Mã ngủ mơ màng một giấc suốt đêm, bỏ mặc Kiều nằm trơ một mình với ngọn đuốc hoa.
Câu 851, 852 = Nàng nằm khóc một mình, nước mắt ràn rụa như mưa, phần thì căm giận thằng khách nó nỡ lừa đảo mình, phần thì thương cho nông nỗi mình đã bị nhơ bẩn.
Câu 853, 854 = Nàng nghĩ cái giống hôi tanh này nó có ra tuồng gì đâu, mà sao tấm thân nghìn vàng của ta đây lại để nó làm nhơ bẩn mất cả danh giá của khách má đào như thế ?
Câu 855, 856 = Thôi thế là hết mong mỏi nỗi gì nữa ! Đời ta thôi thế là xong một đời !
Câu 857, 858 = Lòng bời bời những giận duyên, những tủi phận, tay nàng cầm dao những toan tự vẫn.
Câu 859, 860 = Nàng nghĩ đi nghĩ lại nếu ta tự tử, mà thằng Mã này đành chịu im đi, thì ta chết được, thế là xong. Nhưng nghĩ đi, ta phải nghĩ lại : Nếu ta tự vẫn, nó không chịu im đi, nó lại sinh sự ra sự tình thứ hai mà thưa kiện bắt đền cha mẹ thì sao ?
Câu 861, 862 = Nếu mà nó lại sinh sự như thế, thì khi quan muốn xét rõ nguồn gốc cuộc án mạng, thế nào cũng không khỏi liên lụy đến cha mẹ, thế là ta chết sẽ làm cha mẹ thêm đau thương, lại phải kiện cáo lôi thôi, thì ta chết sao được.
Câu 863, 864 = Thôi ta đành vuốt bụng cho nông nỗi nguội dần đi vậy – chẳng chết trước thì cũng chết sau, sớm hay muộn cũng một lần chết là xong, có muộn gì ?
Câu 865, 866 = Nàng còn đương đắn đo nghĩ ngược nghĩ xuôi thì bỗng đã nghe thấy tiếng gà đua nhau gáy như sôi ở mé ngoài tường.
Câu 867, 868 = Lúc lầu canh buổi sớm vừa rúc còi tan canh, lúc trời hãy còn mờ sương, thì đã thấy Mã Sinh vội vàng ra đi rồi. (Mã Sinh cấp tốc ra đi là vì sợ lộ chuyện buôn gái, nhà gái sinh sự đánh tháo). Cuốn Thanh Tâm Tài Nhân thì lại nói Mã Sinh ở trú phường lâu hàng tháng mới đi, thật là sai lầm.
Câu 869, 870 = Lúc chia tay nơi đường rẽ này, thật là lúc đau đớn cho nàng. Mà Mã vội đi nhanh cho chóng xa nơi quê nàng, nên chân ngựa chạy khập khễnh bước thấp bước cao, và bánh xe lăn gập gềnh như khi lên khi xuống, làm cho tâm hồn nàng đã đau khổ lại thêm dằn vặt bội phần.
Câu 871, 872 = Đi đến chỗ nhà trạm trường đình, thì đã thấy Vương Ông, Vương Bà và mấy người nhà gánh bữa tiệc tiễn hành ra đợi đó để từ biệt nhau.
Câu 873, 874 = Ở nhà ngoài thì Vương Ông và Mã Sinh chén tạc chén thù dìu dặt mời nhau, ở bên nhà trong thì chỉ Kiều và Vương Bà ngồi với nhau.
Câu 875, 876 = Hai mẹ con ngồi nhìn nhau, nước mắt đau đớn rơi lã chã khác nào như những giọt máu. Kiều nói nhỏ vào tai mẹ để tỏ lòng trước sau của mình trước khi vĩnh biệt :
Câu 877, 878 = Con hổ thẹn sinh ra là phận gái hèn yếu, không kiếp nào báo đền được ân đức cha mẹ.
Câu 879, 880 = Nay lại gặp bước lỡ làng nước đục bụi trong (xem chú giải [37]), trước khi vĩnh biệt cha mẹ con xin ghi lại mấy lời cuối cùng để tỏ tâm sự suốt đời của con.
Câu 881, 882 = Ngắm xét cách cử chỉ ăn nói của người này, con thấy rằng thân con chắc là mắc lừa vào tay bợm già này rồi.
Câu 883, 884 = Con thấy khi nó mang con về đến trú phường rồi, nó bỏ bẵng con ngồi một mình ở trong buồng, thật nhạt nhẽo, chẳng có tình nghĩa gì cả. Khi nó muốn vào buồng với con thì phải đắn đo, ngó trước ngó sau mới dám vào, rồi sau lại vội vàng ra ngay, rõ ràng là có ý lén lút vụng trộm, chứ không phải là tình vợ chồng chân thật.
Câu 885, 886 = Nó nói nhiều câu lầm lỡ thất thường ; khi thì làm bộ ra được vài câu đứng đắn lịch sự, rồi lại phang ngay những lời thô tục nhảm nhí. Đối với con cũng vậy, lúc thì vờ vĩnh vài lời âu yếm, lúc lại mày tao ra vẻ như chủ nhà. Con lại thấy kẻ thầy người tớ có ý khinh thường nó quá mà nó chẳng dám quở mắng câu nào, thật đúng là những tôi tớ thuê mướn tạm thời để huỳnh hãm lừa lọc ra, chứ không phải tôi tớ nhà sang trọng tử tế.
Câu 887, 888 = Tóm lại, nó không có dáng dấp những người cao quý thanh tao, ngắm ra cho kỹ thì hình như đúng là một tên lái buôn bịp bợm.
Câu 889, 890 = Rồi nàng than thân với mẹ : Thôi cái thân đời con thế là xong, còn nói gì nữa ! Đành sống thì nhờ nơi đất khách, chết thì chôn nơi quê người ! Chứ còn tránh sao được bây giờ đây ?
Câu 891, 892 = Nghe mấy lời Kiều kể khổ cực đó, Vương Bà muốn những vạch mây ra cho quang đãng mà kêu to lên cho trời biết những nỗi oan ức của mẹ con bà.
Câu 893, 894 = Ở mé ngoài, Vương ông chưa mời cạn vài chén rượu tiệc tiễn hành thì Mã Sinh đã giục nhau lên xe đi cho mau.
Câu 895, 896 = Vương ông nặng lòng thương con quá mới ra đứng trước yên ngựa Mã Sinh mà nằn nì dãi bày với nó mấy lời thảm thiết như sau :
Câu 897, 898 = Con gái tôi đương độ trẻ trung mơn mởn, chỉ vì nó thấy cảnh nhà gặp cơn tai vạ eo nghẹt quá, nên nó đành phải liều thân cứu cha, dấn mình vào làm kiếp lẽ mọn tôi đòi hầu hạ ông.
Câu 899, 900 = Từ đây trở đi nó phải sống nơi xa lạ, góc bể chân trời, gặp khi mưa nắng bất kỳ, ốm đau làm sao, cũng đành một thân thui thủi nơi quê người, chẳng có ai là người thân yêu săn sóc yên ủi như khi ở nhà cha mẹ.
Câu 901, 902 = Vậy tôi xin ông đem lòng cao cả, bao dung che chở nó, cũng như cây thông cao thẳng đem bóng mát che chở cho dây sắn bìm quấn leo dưới gốc cho khỏi tuyết sương lạnh lẽo.
Câu 903, 906 = Ông vửa dứt lời thì Mã Sinh thưa ngay : Đó chẳng qua cũng là do sợi tơ hồng thiêng liêng trời đưa lại buộc chân cô ấy vào duyên phận này thôi. Tôi thề sẽ hết sức che chở cô ấy. Nếu sau này tôi để cho cô ấy phải đến nỗi khổ cực thế nào, thì trên đầu có bóng mặt trời, mặt trăng kia soi sáng, tôi xin chịu tội dưới lưỡi gươm của quỷ thần.
Câu 907, 908 = Dứt lời là hắn đùng đùng giục đi như gió cuốn mây vần, thế là xe chạy như bay vào trong lớp bụi đỏ ngầu.
Câu 909, 910 = Thế là ông bà và Kiều cùng tay gạt nước mắt ràn rụa mà từ biệt nhau. Ông bà ở lại thì đứng nhìn phương trời xa mà bụng đau thương than thở : Từ đây con ta lúc nào cũng thăm thẳm một mình ở nơi góc trời kia, ngày đêm đăm đăm nhớ nhà đứt ruột.
Câu 911, 912 = Còn Kiều thì mỗi lúc đi mỗi xa vào nơi đất khách ; biết bao cảnh làm cho nàng đau buồn thêm hiện ra trước mắt – nào là những chiếc cầu trắng phau những giọt sương đọng lại thành băng giá ở trên mặt ván cầu, nào là ngàn đám mây đen cuồn cuộn phía chân trời.
Câu 913, 914 = Nào là những chòm lau sậy hoa trắng lá khô cọ nhau sào sạt trước làn gió heo may khô lạnh. Cảnh thu lạnh lẽo buồn bã đó hình như có ý dành riêng cho nàng, khiến lòng nàng phải tê tái như say như ngất đi.
Câu 915, 916 = Khi xe chạy ban đêm, nàng thấy trời quang mây tạnh, đỉnh trời cao ngất màu xanh, chân trời tít mù xa thẳm ; mỗi khi thấy vầng trăng vằng vặc, nàng lại thẹn với lời chỉ núi chỉ sông mà thề với chàng Kim ở dưới bóng trăng giữa trời vằng vặc lúc nửa đêm hôm nào đó.
Câu 917, 918 = Khi xe chạy ban ngày, nàng thấy rừng thu chỗ thì vùng lá xanh đã điểm lỗ rỗ lá vàng, chỗ thì lá úa đã thành màu đỏ u buồn. Mỗi khi nghe tiếng chim mẹ gọi con, con gọi mẹ, rõ như khêu gợi tấm lòng nhớ thương cha mẹ, không được ở nhà để chăm nom hầu hạ.
Câu 919, 920 = Họ mang nàng đi qua toàn những nơi lạ nước lạ non, ròng rã vừa một tháng trời thì đến Lâm Truy là nơi phồn hoa có cửa hàng thanh lâu của Tú Mã.
Câu 921, 922 = Khi xe đón dâu về, vừa mới đậu trước cửa, thì ở rèm trong đã thấy một người đàn bà bước ra.
Câu 923, 924 = Thoạt trông Kiều thấy bà ta da màu nhờn nhợt, và không biết ăn cái gì mà cao lớn đẫy đà như thế.
Câu 925, 926 = Bà ta chạy ra trước xe chào hỏi một cách lơi lả đon đả lắm. Theo lời bà ta nàng mới bước vào trong nhà.
Câu 927 đến 930 = Kiều thấy một bên có mấy cô gái trẻ đẹp, một bên có mấy chàng ra vẻ ăn chơi. Gian giữa nhà có bàn thờ đèn hương tề chỉnh hẳn hoi; trên bàn thờ có treo bức tranh vẽ một ông thần có đôi lông mày trắng toát.
Câu 931, 932 = Lề thói lầu xanh xưa nay vẫn thế : Cái nghề này thì thờ ông này làm tiên sư.
Câu 933 đến 936 = Họ thờ ông tiên sư này một cách rất thành kính, ngày đêm lúc nào cũng hương hoa dâng cúng cẩn thận. Hễ cô nào mà bị người xấu vía làm cho xúi quẩy ế hàng vắng khách thì cởi hết cả xiêm áo đi một cách trơ trẽn đáng ngán, rồi ra quỳ ở trước bàn thờ mà dâng hương hoa lầm rầm cầu khấn.
Câu 937, 938 = Làm lễ cầu khấn xong, xin đổi lấy hoa cũ trên bàn thờ mà lót xuống chiếu nằm, thế là khách làng chơi tứ phía sẽ ầm ầm kéo đến ngay.
Câu 939, 940 = Kiều vì mới lạ, còn ngẩn ngơ nào đã biết gì, cứ theo lời bà ta bảo vào lễ trước bàn thờ. Nàng vừa lạy xuống thì mụ khấn ngay rằng :
Câu 941, 932 = Xin người phù hộ cho cửa hàng buôn bán đủ mọi điều may mắn, ngày nào, đêm nào, bao giờ cũng nhộn nhịp vui vẻ như ngày Hàn Thực, như đêm Nguyên Tiêu.
Câu 943, 944 = Muôn ngàn người ai thấy cũng yêu. Lúc nào ngoài cửa cũng xôn xao những khách vui chơi như đàn chim anh chim yến, trong nhà cũng dập dìu những tình nhân lưu luyến như bạn trúc mai lâu bền.
Câu 945, 946 = Lúc nào cũng tấp nập, nào là tin nhạn xa đưa đến hẹn hò, nào là lá thư tình cùng nhau xướng họa, vừa tiễn người ra cửa trước, lại đón rước ngay người vào cửa sau.
Câu 947, 948 = Nàng tuy lạ tai nghe chưa rành rõ là thế nào, nhưng xem tình ý cũng biết là không ra gì rồi.
Câu 949, 950 = Lễ xong bàn thờ hương hỏa trong nhà rồi, Tú Bà bệ vệ lên ngồi giữa chiếc giường cao sang nhất, tỏ ra địa vị là chủ chứa trùm cả nhà.
Câu 951, 952 = Ngồi vắt nóc bệ vệ trên giường rồi, mụ bảo Kiều : Con làm lễ lạy mẹ bây giờ đi ! Lạy mẹ xong thì sang lạy cậu con ở bên kia.
Câu 953, 954 = Kiều liền đem lý nghĩa ra mà chất vấn mụ : Tôi đây gặp bước lưu ly, đã đành chịu phận hèn, cam tâm một bề làm lẽ mọn rồi.
Câu 955, 956 = Bây giờ lại lấy lẽ gì mà lấy chim yến làm chim anh như vậy. Tôi thật không biết thân ngây thơ này là hạng người nào, danh phận nào ở trong nhà này.
Câu 957, 958 = Khi ông ấy cưới tôi, đã đủ các lễ cưới hỏi từ nạp thái đến vu quy, rồi sau ông ấy lại khi chung chạ, khi đứng ngồi sánh vai với tôi. Đích thật tôi đã là vợ lẽ ông ấy hẳn hoi rồi.
Câu 959, 960 = Giờ đây sao lại thay bậc đổi ngôi, đương làm vợ lại hóa ra làm con như thế ? Vậy tôi giám xin bà cho tôi biết rõ lẽ ra sao.
Câu 961, 962 = Mụ nghe nàng nói mới biết thực tình những việc Mã đã làm, vì vậy mụ mới lồng lộn nổi tam bành mụ lên.
Câu 963, 964 = Mụ bắt đầu chửi Mã Giám Sinh : Này này rõ rành rành là sự quả nhiên thật rồi ! Rõ ràng là mày đã cướp sống mất cả của cải của tao đi rồi !
Câu 965, 966 = Mình bảo nó đi dạo tìm lấy gái mà đem về để rước khách kiếm lời mà ăn.
Câu 967, 968 = Thế mà cái thằng vô sỉ chẳng ra tuồng người này nó ăn ở lừa đảo bất nhân. Nó buồn ngứa, nó thèm thuồng, nó giám tần mần thử nếm mùi ngay !
Câu 969, 970 = Thôi thế là món hàng này đã mất màu hồ đi rồi ! Thôi thế là vốn liếng đi đời nhà ma cả rồi !
Câu 971, 972 = Chửi Mã rồi thì mụ chỉ vào mặt Kiều mà quát : Con kia, mày đã bán thân cho tao, thì nhập gia tùy tục – mày vào nhà tao thì mày phải theo phép nhà tao !
Câu 973, 974 = Lão kia có giở trò bậy bạ với mày, thì sao mày không văng lời thô tục chửi vào mặt nó, mà mày lại nghe lời nó ?
Câu 975, 976 = Cớ sao mày lại lặng lẽ chịu tốt một bề như thế ? Gớm chưa ? Gái mới lớn mà đã sớm ngứa nghề thế kia à ?
Câu 977, 978 = Tao phải làm cho mày biết phép tao, cho mày hết lý sự với tao ! Miệng vừa nói dứt lời, tay mụ với ngay chiếc roi sấn vào ra tay đánh Kiều.
Câu 979, 980 = Nàng kêu lên : Trời thẳm đất dầy ơi ! Xin thấu nỗi này cho ! Thân này đã liều bỏ từ ngày bước chân bỏ nhà ra đi rồi kia mà !
Câu 981, 982 = Thôi thì bây giờ ta còn tiếc gì nữa ! Miệng nói, tay lấy ngay con dao dấu trong tay áo ra.
Câu 983, 984 = Thật đáng sợ cho cái gan dám thí bỏ tấm thân như hoa như ngọc. Mụ thoáng thấy nàng giở dao ra, còn đang ngơ ngác nhìn mặt nàng thì nàng đã quá tay cắt cổ nàng rồi, không kịp cứu nữa !
Câu 985, 986 = Thương cho nàng tài sắc tột bực như thế mà một nhát dao oan nghiệt đã cắt đứt cái dây ngày tháng đời gió bụi của nàng rồi !
Câu 987, 988 = Tiếng nàng chết oan uổng vỡ lở ra ngoài, nhiều người chạy lại xem, trong nhà chen nhau đông nghịt những người.
Câu 989, 990 – Nàng thì nằm mê lịm đi như thoát nợ trần mà lên tiên. Còn mụ Tú thì sợ quá, người mụ run cầm cập, mắt mụ nơm nớp nhìn nàng, hồn vía mụ như bay bạt đi đâu mất.
Câu 991, 992 – Rồi mụ nhờ người vực nàng vào buồng phía tây và cắt người trông nom săn sóc, cho người đi đón thầy về chạy chữa thuốc thang.
Những chữ hay câu có ý móc nối hoặc châm biếm
Câu 883 “Khi về bỏ bẵng trong nhà” ứng với câu 785 và 786 “Rước nàng về đến trú phường / bốn bề xuân tỏa một nàng ở trong.”
Câu 886 “Khi thày khi tớ xem thường xem khinh” ứng với câu 629 “Trước thày sau tớ xôn xao.”
Câu 887 “Khác màu kẻ quí người thanh” ứng với câu 628 “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao” và câu 631“Ghế trên ngồi tót sỗ sàng.”
Câu 841 “Mụ già hoặc có điều gì” móc nối với 8 câu Tú Bà chửi Mã (từ câu 963 đến 970) : “Này này sự đã quả nhiên …Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma !”
Câu 924 “Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao” có ý thóc mách nối nghĩa với ý ăn vật bẩn thỉu ở câu “Đem về rước khách kiếm lời mà ăn” và với ý tàn nhẫn đánh Kiều ở hai câu 1133 và 1134 “Tú Bà tốc thẳng đến nơi / hầm hầm áp điệu một hơi lại nhà.” Người mụ to béo như thế mà túm đầu Kiều nhỏ gầy như thế mà lôi về thì thật là tàn bạo đáng thương.
Đoạn trích từ Truyện Kiều này có mấy cảnh cho hai thái cực gặp nhau, mà bên cực hay đều bị bên cực dở chèn ép một cách thái quá, khiến ai đọc đến đều phải chau mày chán ngán cho cảnh đời éo le đau đớn : (1) Kiều là một gái thanh cao thơm đẹp như thế mà mắc vào tay ma cô họ Mã. Về phần Mã thì chính nó cũng tự thú rằng “đào tiên đã bén tay phàm.” Về phần Kiều thì nàng than thở muốn tự tử vì nỗi “tuồng chi là giống hôi tanh / thân nghìn vàng để ô danh má đào.” (2) Một cô gái “mai cốt cách, tuyết tinh thần” mà phải theo con mụ dầu “nhờn nhợt màu da, cao lớn béo phì” bước vào cửa thanh lâu rồi quì lạy trước thần mày trắng. (3) Một cô gái đứng đắn “thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong” đem lời lễ nghĩa ra để chất vấn Tú Bà thì bị mụ này quát chửi trả lời bằng những câu hết sức thô bỉ tục tằn, rồi lại toan đánh đập bắt phải theo phép nhà nó.
Những chữ và thành ngữ tác giả dùng có ý mỉa mai thói đời ở trong đoạn này là : (1) Chữ “khúc vàng” ở câu 824. Khúc vàng nghĩa bóng cũng là tấm lòng như tấc vàng. Nhưng trong khi tấc vàng ở chỗ khác là ẩn dụ cho tấm lòng đáng quí như vàng ngọc, thì trong ngữ cảnh này khúc vàng ám chỉ tấm lòng bẩn thỉu thối tha của kẻ buôn bán chỉ biết lợi, bỏ cả nghĩa lý. (2) Thành ngữ “nhờn nhợt màu da” để tả một cách mỉa mai những kẻ ăn uống và ham nhục dục một cách quá độ cho nên người thì béo phị ra, mặt thì nhợt nhạt mất cả tinh thần. (3) Động từ “vắt nóc” trong câu 950 tỏ ý mỉa mai những kẻ hống hách ra oai bắt nạt người dưới. (4) Thành ngữ “rước khách kiếm lời mà ăn” thật là khéo chửi thậm tệ những đứa dắt gái cho trai để kiếm ăn.
[ĐÀM DUY TẠO]